Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-12)
Để viên ngọc Huế thêm phần lung linh
15:43 | 18/12/2012

HẢI LÊ

Hướng đến một đô thị sinh thái hầu như là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng và phát triển các đô thị trong cả nước, cũng như các đô thị trên thế giới. Huế trong hiện tại và tương lai là một thành phố xanh, sạch, đẹp. Là một đô thị đất rộng người thưa, có núi rừng, đồng bằng, đầm phá, biển, có sông, hồ, hào chằng chịt, có đô thị trung tâm được đánh giá là một bài thơ về kiến trúc, có mật độ di tích lịch sử và cách mạng dày đặc…

Để viên ngọc Huế thêm phần lung linh
Đồi Thiên An - Huế

Do vậy, Thừa Thiên Huế đứng trước cơ hội lớn nhất, có điều kiện nhất xây dựng một đô thị sinh thái. Đây cũng chính là điều Bộ Chính trị có Kết luận 48 đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối diện thách thức

Để trở thành một đô thị sinh thái đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược về phát triển đô thị. Tầm nhìn chiến lược thường nghịch chiều với tâm lý nôn nóng, tư duy nhiệm kỳ, tư duy dự án. Thiếu tầm nhìn chiến lược, làm gì chúng ta cũng cảm thấy lúng túng, dư luận không đồng tình và hậu quả của nó rất khó khắc phục.

Thách thức đầu tiên, đặc biệt  đối với Huế là làm rõ hơn khái niệm bảo tồn và phát triển, đây là hai mặt của một vấn  đề, độc lập nhưng không đối lập. Thực hiện tốt  điều này sẽ làm cho đô thị phát triển đồng bộ theo hướng tích cực, giữ được và phát huy được quỹ kiến trúc đô thị vô giá của Huế, cảnh quan đô thị không bị phá vỡ, cái sau không phá vỡ cái trước, đô thị không phát triển một cách nham nhở. Thách thức này đang diễn ra khắp nơi từ việc bảo vệ cảnh quan hai bờ sông Hương đến xây dựng lổm nhổm trong khu vực Nội thành; từ việc xóa dần khu phố tây ở bờ nam sông Hương đến các khu phố cổ Vỹ Dạ, Phú Cát, Bao Vinh ngày càng mai một…

Thấy rõ nguy cơ và nhằm giải tỏa thách thức này, Bộ Chính trị đã xác  định trong Kết luận 48: Đô thị trung tâm gồm Huế  - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An, tức là mở rộng chuỗi đô thị mới, vừa tạo động lực phát triển trên diện rộng, vừa giảm áp lực cho đô thị cổ Huế. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa để đưa Hương Trà, Hương Thủy lên thị xã. Nhưng đây không phải là vấn đề cơ bản, đô thị phát triển theo lối lan tỏa, không phù hợp với việc phát triển đô thị hiện đại.

Khi xác định đô thị trung tâm gồm Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Có lẽ vấn đề đầu tiên là  xác định lại địa giới hành chính. Đô thị trung tâm với trên 500.000 dân lại thuộc tỉnh là không hợp lý. Vì vậy, trong tương lai nên là các quận nội thành của đô thị lớn. Thời Mỹ ngụy, Huế gồm 3 quận nội thành, thành phố chỉ tồn tại trên danh nghĩa bởi tính đặc thù của nó. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có lúc Huế gồm 3 quận nội thành và 3 huyện ngoại thành. Việc vạch lại địa giới hành chính sẽ từng bước hình thành các đô thị chức năng như đô thị khách sạn - trung tâm hội nghị quốc tế - trung tâm mua sắm, đô thị tài chính, đô thị đại học… điều này sẽ tạo cơ hội để bảo vệ đô thị cổ nghiêm ngặt. Chính việc xác định lại địa giới hành chính đô thị trung tâm sẽ làm rõ ràng hơn, chỉ ra sự khác biệt vì sao đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố lớn; sẽ mở ra một tầm nhìn mới, không phải cứ có đất vàng là lập dự án cho bằng được, trong đầu tư sẽ tránh được những lãng phí lớn…

Một thách thức trong quá trình xây dựng thành phố sinh thái, thành phố đáng sống, thành phố bền vững là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đô thị càng phát triển ô nhiễm môi trường ngày càng lớn là một thực tế, từ rác thải, nước thải đến khói bụi… Hiện nay việc thu gom rác thải ở Huế là khá tốt nhưng chưa đủ. Rác thải được tập trung và chôn lấp là chính. Rác được xử lý tái chế hoặc biến thành năng lượng đưa vào cuộc sống chưa được đề cập đầy đủ. Đó là chưa nói rác thải độc hại chưa được thu gom riêng và xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt. Nhưng có lẽ vấn đề nghiêm trọng hơn, đe dọa môi trường sống của người dân là vấn đề thoát nước mặt thành phố và ô nhiễm nguồn nước các dòng sông. Huế là một thành phố sông, hồ, hào chằng chịt, có hệ thống đầm phá điều hòa mặt nước. Thế nhưng thành phố mới mưa đã lụt, diện ngập lụt càng rộng song hành với việc phát triển đô thị. Rõ ràng Huế phải có những đầu tư lớn, tương đương với phát triển đô thị, phải có những quyết sách mạnh mẽ trong lĩnh vực này, bởi đây là việc phải làm ưu tiên, chậm ngày nào môi trường sống bị đe dọa ngày đó, tính phức tạp ngày càng cao và tốn kém ngày càng lớn.

Nhưng có lẽ vấn đề người dân quan ngại nhất là việc phát triển hệ thống thủy điện. Trên đầu người dân thành phố đang bị uy hiếp bởi những túi nước khổng lồ với nhiều câu hỏi chưa được trả lời cặn kẽ. Giả dụ như đập vỡ thì ai là người chịu trách nhiệm để người dân yên tâm? Hàng trăm, hàng ngàn hecta rừng bị tàn phá đã được trồng mới bổ sung như thế nào? Lũ chồng lũ do thủy điện gây ra thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho dân? Và điều đang diễn ra ai cũng thấy là từ thủy điện, diện ô nhiễm nguồn nước sông Hương và các sông phụ cận ngày càng lan rộng. Giải quyết vấn đề này, đòi hỏi các công trình thủy điện phải bảo đảm lưu lượng dòng chảy trên sông Hương ở mức độ chấp nhận được, đặc biệt trong mùa khô; khơi thông dòng chảy sông Hương và các sông phụ cận, kể cả các hồ hào trong Nội thành. Đây là những vấn đề rất cấp thiết nhưng đề cập còn chưa thấu đáo.

Chúng ta đều biết đi vào cơ chế  thị trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh, chắc chắn sự phân hóa giàu nghèo cũng tăng theo và một khi người nghèo đông thì  mục tiêu phát triển lành mạnh và bền vững càng xa. Chúng ta khó hình dung hộ nghèo sẽ sống như thế nào ở đô thị với mức thu nhập bình quân đầu người dưới 500.000đ/người/tháng; ngay cả hộ cận nghèo mức bình quân thu nhập cũng không hơn gì mấy. Người nghèo ở đô thị thường gặp như đất ở không ổn định, nhà ở tồi tàn, việc làm bấp bênh với thu nhập không đủ chi trả cho các nhu cầu cuộc sống, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Tiến trình đô thị hóa buộc người nông dân phải nhường đất cho việc phát triển đô thị, lúng túng trong việc kiếm việc làm mới. Số cư dân trong vùng giải tỏa, rời môi trường sống đã ổn định của mình... Tất nhiên, những năm qua thành phố đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo với chương trình vì người nghèo, xóa nhà tạm cho dân… Nhưng có lẽ vấn đề cơ bản nhất là khi nào thành phố hoàn tất công tác giải tỏa? Hiện nay có địa phương đã khẳng định quyết tâm đến 2014 là hoàn tất công tác di dời giải tỏa. Tất nhiên điều này không dễ và đòi hỏi phải có nỗ lực quyết liệt. Mặt khác, một vấn đề bức xúc không kém đó là đền bù sao cho thỏa đáng (đây là lĩnh vực khiếu kiện nhiều nhất). Đền bù thỏa đáng là phải tính đến những thiệt hại vô hình mà dự án mang lại; làm như vậy mới bảo đảm được người dân đến nơi mới có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi cũ. Nên chăng, tìm phương án để người dân được hưởng lợi từ việc giao đất và tham gia dự án nơi bị giải tỏa. Đừng để người dân đứng ngoài quá trình phát triển đô thị.

Huế  - viên ngọc cần gọt giũa

Huế là một bài thơ đô thị  tuyệt tác và nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần đến Huế: “Huế là một viên ngọc quý, càng gọt giũa viên ngọc càng lung linh”. Điều này không chỉ là niềm tự hào của người Huế, du khách đến Huế cũng cảm nhận điều này. Nhưng làm thế nào để phát huy lợi thế, làm tăng sức hấp dẫn và quyến rũ thì quả là điều không dễ dàng, đòi hỏi phải đầu tư công sức và trí tuệ. Chúng ta đều biết Huế càng hấp dẫn và quyến rũ thì du khách đến Huế không phải một lần mà nhiều lần, du khách đến càng đông kinh tế xã hội càng phát triển, người dân hưởng lợi nhiều mặt, kể cả xuất khẩu tại chỗ, phát triển hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản v.v…

Chúng ta đều biết, kể từ khi quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, công tác trùng tu được đẩy mạnh, không gian hoang phế được đẩy lùi một cách đáng kể. Nhưng điều đáng nói là chúng ta đẩy lùi hoang phế ở lĩnh vực này lại tạo ra hoang phế ở lĩnh vực tương ứng. Chúng ta đẩy lùi hoang phế về đêm ở Đại Nội bằng tổ chức đêm hoàng cung nhưng đêm hoàng cung lại không sống động như mong đợi. Chúng ta trùng tu sân Ngọ Môn - Kỳ Đài, nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của người dân Nội thành, nhưng rồi chúng ta rào chắn không cho dân đến; lẽ ra chúng ta phải biến Thượng thành thành tuyến đi bộ của người dân cũng như du khách. Du khách đến Nhật Bản ai cũng háo hức được lên núi Phú Sĩ ngắm bình minh thì ở Huế có một điểm ngắm trăng nguyên tiêu thật tuyệt vời - núi Ngự Bình. Không biết trăng Ngự Bình có tròn hơn các nơi khác không, nhưng hòa theo dòng người lên núi cũng đã vui rồi. Vậy mà sợ người ta lên núi gây cháy rừng, bẻ cây; giải pháp đơn giản nhất được đưa ra là cấm, thế là quay trở về hoang vu... Đồi Thiên An, nơi sinh hoạt lý tưởng của thanh thiếu niên với các hoạt động dã ngoại, là nơi đã in dấu trong tiềm thức bao thế hệ người dân Huế. Vậy mà thấy lợi thế của vùng đất này thế là lập dự án, rào lại bán vé và bây giờ, nơi đây đã biến thành nơi hoang phế, người dân không thèm đến nữa.

Đã đến lúc thành phố cần kiểm kê soát xét lại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, các danh thắng và tìm các giải pháp đưa các di tích - danh thắng đến với công chúng. Tất nhiên đây là việc làm không dễ dàng gì, nó đòi hỏi phải huy động trí tuệ của các nhà văn hóa, nhà khoa học vào cuộc, huy động người dân tham gia vào quá trình này. Cần có những giải thích đầy đủ về những danh thắng. Thí dụ như Ngọ Môn, phải làm cho du khách hiểu rõ đây là nơi kết thúc cuối cùng của triều đại phong kiến, hoàn tất thành công Cách mạng Tháng Tám. Hồ Tịnh Tâm là nơi vua quan triều Nguyễn đến thưởng ngoạn, tĩnh tâm… Đi quanh một vòng thượng thành để hiểu hết những tầm nấc văn hóa của Huế, cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến đấu 26 ngày đêm Xuân 68 của Huế… Từ đó soát xét lại quá trình quản lý các di sản, danh thắng, có hướng mở để người dân tham gia, có những chính sách để người dân đầu tư, hưởng lợi. Người dân phải thực sự phấn khởi trong quá trình đầu tư, khoanh vùng, tôn tạo di tích - danh thắng. Chỉ với cơ quan quản lý và cách an toàn nhất là rào chắn, nghiêm cấm, đẩy người dân đứng ngoài cuộc thì rõ ràng chúng ta chỉ chuyển từ hoang phế này đến hoang vu khác…

Tất nhiên, bên cạnh những di tích, danh thắng, người dân Huế cũng cần có những nỗ lực làm phong phú và tăng sức quyến rũ của Huế. Nếu cả nước chọn hoa sen làm quốc hoa thì với Huế hoa mai là món quà thanh thoát của Huế mỗi dịp Xuân về. Hầu như cả thành phố đều chơi mai, người nghèo chơi mai cành, kẻ làm ăn khá giả chơi mai đọt, chơi hoa chậu với sự tỉa tót công phu thể hiện tâm tính chủ nhân của nó. Huế đã đầu tư nhiều công sức để có một công viên mai, nơi đây sao không trở thành nơi thưởng ngoạn của người dân cũng như du khách, nơi hò hẹn của các cặp tình nhân mỗi dịp Xuân về? Trong những vườn khuya của Huế, nhiều người vẫn đang say sưa ngắm cảnh hoa quỳnh nở mà lòng ngất ngây. Trong Đại Nội nên có một vườn quỳnh và tổ chức cho du khách thưởng ngoạn đêm quỳnh nở giữa chốn hoàng cung...

Gọt giũa làm tăng sức quyến rũ của Huế, làm cho di tích danh thắng của Huế  có hồn hơn, đó chính là nâng cao chất lượng sống của người dân. Đó cũng chính là cách làm kinh tế của Huế. Lệch hướng này Huế sẽ loay hoay lúng túng trong sự nôn nóng. Và Huế sẽ chẳng khác các thành phố khác là bao.

H.L
(SĐB 7/12-12)
 

 

Các bài mới
Cenerentola (03/01/2013)
Các bài đã đăng