Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-12)
Truyện “Thơ Tân Hình Thức”
09:49 | 04/01/2013

LTS: Đến nay, thơ Tân Hình Thức đã xuất hiện trong dòng chảy văn học Việt Nam trên mười năm. Thơ Tân Hình Thức đã thật sự trở thành một trào lưu mới mẻ như là một cách tân thơ Việt đương đại (Tạp chí sông Hương đã giới thiệu một chuyên đề về thơ Tân Hình Thức vào tháng 6/2012, tiếp đó, báo Nghệ Thuật Mới cũng đã dành chuyên trang để giới thiệu rộng rãi thơ Tân Hình Thức vào tháng 9/2012). Không chỉ dừng lại ở đó, các họa sỹ và các nhạc sỹ cũng đã vào cuộc.

Truyện “Thơ Tân Hình Thức”
"Bong Bóng của Tôi" ảnh của Võ Anh Kiệt - Huy chương vàng VAPA cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 3 của CLB Gia Định Việt Nam 2012

Để bạn đọc hình dung đầy đủ hơn về thơ Tân Hình Thức, trong số báo này, sông Hương xin giới thiệu tiểu luận về Truyện "thơ Tân Hình Thức" của Khế Iêm và hai tác phẩm truyện thơ như là xác tín về biên độ rộng mở không giới hạn của thơ Tân Hình Thức. Bên cạnh đó là những bức tranh phong cách Tân Hình Thức và một ca khúc phổ thơ Tân Hình Thức mà khi giai điệu được cất lên, những ngôn từ đời thường của thơ Tân Hình Thức cũng lay động lòng người một cách thấu triệt không kém những ca từ thắm thiết của dòng nhạc tiền chiến. Có khác chăng, là trong không gian những phác lộ thẩm mỹ hoàn toàn mới...
SH



KHẾ IÊM

Thơ và văn xuôi là hai phong cách khác nhau, luôn luôn lẩn tránh và hòa trộn lẫn nhau vì sử dụng cùng một ngôn ngữ diễn đạt. Phương tiện của thơ là thể luật, mục đích tạo nhịp điệu, còn phương tiện của văn xuôi là cú pháp văn phạm, gần với ngôn ngữ nói thông thường. Thật ra, từ khởi đầu, thơ thoát thai từ ngôn ngữ thông thường, rồi từ từ cô đọng ngôn ngữ để khi đọc hay ngâm nga cho có nhịp điệu trầm bổng, hình thành thể luật riêng biệt. John Schmit khi nghiên cứu về thơ Emily Dickinson, cho thấy bà đã tạo ra sự tối tăm trong thơ và người đọc mỗi người hiểu một cách khác nhau, bằng cách đơn giản là nuốt chữ và một phần của câu. Ông đã dùng luật cú pháp (syntatic rule) phục hồi lại những gì đã mất và cho rằng thơ dễ hiểu hơn nếu biết được cách làm thơ.1 Như vậy, do cách chọn chữ, chọn âm, cô đọng tới mức tối đa vì nhu cầu sáng tác, những nhà thơ vần luật đã phá vỡ văn phạm của ngôn ngữ thông thường bằng cách giấu đi những chữ thừa (của văn phạm cú pháp) và người đọc có thể tự hồi phục lại khi đọc. Điều này tạo nên ngộ nhận, thơ không cần đúng văn phạm, và gây lấn cấn giữa thơ và văn xuôi. (Thơ và văn xuôi có nhiều yếu tố chung và riêng, người thưởng ngọan không cần bận tâm, chỉ đọc lên và cảm nhận bài thơ có thơ hay không là đủ). Và khi hồi phục những chữ đã mất để am hiểu thơ, đồng thời, kích thích sự tưởng tượng và cảm giác mông lung của người đọc. Cách làm thơ đó chúng ta thường gọi đó là nghệ thuật tu từ.

Nhà thơ Timothy Steele cho rằng “thơ là nghệ thuật đầu tiên và văn xuôi bắt chước nó.”2 Từ thời cổ đại tới thời Trung cổ phương Tây, văn xuôi gần giống với thơ, cả vần và nhịp điệu, mục đích làm cho văn xuôi dễ nhớ và lôi cuốn như thơ, bởi vì thời đó, thơ được coi như phương tiện truyền đạt kiến thức tổng quát. Từ thời Phục Hưng, những ngôn ngữ bản địa phát triển, văn học bản địa (vernacular literarure) mau chóng lấn lướt văn học Latin, văn xuôi từ từ tách ra khỏi thơ. Cho đến cuối thế kỷ 19, tiểu thuyết đã giành được vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Tính dễ nhớ và lôi cuốn của văn xuôi nhờ vào văn phong và tình tiết câu truyện. Thơ thể luật, cuối cùng, phải lui vào hậu trường. Một phần là những yếu tố chính như truyện kể, bị tiểu thuyết lấy mất, một phần khác là sự tách ra của thơ tự do. Cuối thế kỷ thứ 19, thơ tự do nổi loạn chống lại cách làm thơ chọn chữ xưa cũ (antiquated diction), làm cho ngôn ngữ thơ trở nên sáo rỗng (fustian), giả tạo (affected) của thời Vicroria (Victorian Period). Khi phá vỡ thể luật, không còn gì kiềm chế, thơ tự do phục hồi cú pháp văn phạm của văn xuôi, hòa nhập ngôn ngữ nói và đưa cuộc đời thực vào thơ. Theo nhà thơ William Carlos Williams, thể luật cung cấp nhạc tính cho thơ, còn chữ cung cấp nghĩa cho thơ. Nhưng khi không còn thể luật, âm của con chữ tự nó có chức năng tạo nhạc. Nhà thơ không còn dùng chữ để chuyển nghĩa, mà chú tâm vào âm chữ. Nghĩa của chữ và của bài thơ được suy diễn và giải thích bởi từng cá nhân người đọc. Để đạt tới điều này, thơ tự do dùng kỹ thuật dòng gãy (line break), cắt chữ hay nhóm chữ xuống dòng, tạo tốc đọc chậm, lắng nghe từng con âm chữ. Kỹ thuật này cũng dùng để xóa đi dấu vết của câu văn xuôi. Nhưng rồi thơ tự do, sau rất nhiều phong trào tiền phong, đã khẳng định được vị trí và vóc dáng của mình. Thơ không còn dùng chữ để tạo nhạc tính nữa, mà qua sự phát triển kỹ thuật in ấn, nhạc tính thơ được thay thế bằng nhịp điệu thị giác trên trang giấy. Nhà thơ tạo cấu trúc thơ, tìm kiếm ý nghĩa qua tiến trình phân tích với quan niệm, hình thức cũng là nội dung.

Nhà thơ Pháp Stéphen Mallarmé trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1891 cho rằng, thơ tự do sẽ sớm trở về thể luật phổ quát, đặc biệt là với dòng thơ Alexandrine 12 âm tiết. Nhiều nhà thơ rất gần với phong trào thơ hiện đại cũng không nghĩ, thơ tự do sẽ kéo dài mãi như thế. Đối với những người chống đối thể luật, họ hy vọng một thể luật mới sẽ xuất hiện khi thể luật truyền thống cũ không còn. Nhà thơ Mỹ William Carlos Williams, “thơ tự do tạm thời vô thể, nhưng nó không dừng lại ở đó, mà sẽ hướng tới một luật tắc mới.”3 Điều tiên đoán của Mallarmé hình như đúng với thơ Tân Hình Thức Mỹ, khi họ trở về với các thể thơ truyền thống, bằng cách đơn giản, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Điều mong chờ của Williams chưa xảy ra.

Không thiếu những nhà thơ có ý thức sáng tạo, tài năng và sự am hiểu rành rẽ nghệ thuật thơ, đạt tới cấu trúc thơ. Điều này đã xảy ra trong quá khứ với những phong trào tiền phong và những nhà thơ tiền phong Mỹ. Nhưng thơ không có một cơ chế chung tạo nhịp điệu để chuyên chở cảm xúc, mà chỉ phô bày ý tưởng, và người làm thơ đi sau tưởng lầm, tự do thì muốn làm thế nào thì làm. Kỹ thuật dòng gãy, ngắt chữ hay nhóm chữ xuống dòng, nếu nối lại cho liền lạc câu văn, nhiều khi chỉ là một đoạn văn xuôi tầm thường, tẻ nhạt, hoặc là những ý tưởng rời rạc, vô nghĩa. Lỗi là do khi sử dụng kỹ thuật này, người làm thơ khó nhận dạng ra câu văn xuôi. Và nếu nhịp điệu thị giác, tùy thuộc vào văn hóa in ấn trên trang giấy, từng làm nên cấu trúc thơ và đưa thơ tự do tới chỗ hoàn chỉnh, thì ngày nay, người đọc đang quen dần với việc đọc trên Internet, nhịp điệu ấy khó còn hiệu quả như trước kia, so với âm thanh hình ảnh tân kỳ của kỹ thuật điện toán.

Thơ Tân Hình thức Việt chuyển những thể thơ có vần qua thể thơ không vần với những yếu tố cơ bản: vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyệnngôn ngữ đời thường. Vắt dòng làm cho ý tưởng liên tục, và cũng như thơ tự do, khi hồi phục văn xuôi, những nhà thơ Tân Hình Thức làm mất dấu vết văn xuôi bằng cách sử dụng kỹ thuật lập lại để tạo nhịp điệu, hoặc xóa bỏ dấu chấm phẩy của cú pháp văn phạm. Một bài thơ có nhịp điệu mạnh chừng nào, văn xuôi càng bị lu mờ đi, và người đọc mới đọc ra thơ. Nhiều nhà thơ phải bỏ cuộc vì không tạo ra được nhịp điệu, khi bài thơ hiện ra như văn xuôi. Những nhà thơ Tân Hình Thức Mỹ cho rằng thơ thể luật đã đánh mất nhiều chất liệu của nó cho tiểu thuyết, và nếu muốn hồi phục lại, thơ phải tiếp thu những đặc tính của tiểu thuyết. Tiểu thuyết đã lấy đi một yếu tố cốt lõi trong thơ, tính truyện, và đã tạo ra những tác phẩm lớn, với những tình tiết lôi cuốn hấp dẫn. Thơ tự do, với kỹ thuật dòng gãy, phần mảnh ý tưởng, nên không duy trì được yếu tố truyện kể sau khi tách rời khỏi thơ truyền thống.

Trong tình trạng kỹ thuật điện toán phát triển nhanh đến chóng mặt, tiểu thuyết không phải không có những khó khăn. Con người phải đối mặt với nhiều vấn đề xáo trộn trong đời sống. Iphone, Ipad đang trở thành những phương tiện bất ly thân. Thời gian không còn đủ để người ta nhẩn nha đọc một cuốn tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết hay, thay vào đó, họ đọc tiểu thuyết qua phim ảnh, truyền hình, với những kỹ thuật vô cùng xảo diệu. Nhưng tâm lý con người không phải cứ đắm mình trong không gian ảo với những tưởng tượng cũng ảo. Đến một lúc, người ta có nhu cầu trở về với thơ và truyện, những con chữ, nhưng với một hình thức thích hợp hơn trước. Thơ Tân Hình Thức Việt cần giải quyết thêm phần kỹ thuật kể, và cung ứng cho người đọc một thể loại mới, cùng một lúc vừa đọc được cả thơ lẫn truyện.

*

“Thơ cổ điển Việt Nam, truyện Kiều chẳng hạn, thường là những truyện dài bằng thơ. Cho đến thơ vần điệu Tiền chiến (thập niên 1930), và thơ tự do (thập niên 1960), ảnh hưởng của thơ hiện đại phương Tây (Tượng trưng, Siêu thực), tính truyện bị loại bỏ, và thơ thường sáng tác trên căn bản những cảm hứng tình cờ, ngẫu nhiên. Khi thơ tân hình thức Việt hồi phục lại tính truyện kể, lại không thể kể như thơ cổ điển vì hai cách làm thơ khác nhau, nên vẫn sáng tác theo những cảm xúc nhất thời như vậy. Sự loay hoay đó kéo dài, vì một lý do đơn giản, chúng ta chưa có một kỹ thuật kể, áp dụng vào trong thơ.

“Kỹ thuật kể mới: Một bài thơ đứng một mình, tự nó là một bài thơ hoàn chỉnh, nhưng khi có những tình tiết và ý tưởng liên hệ tới những bài thơ khác, chúng ta có một xâu chuỗi thơ. (Đối với thơ Tân Hình Thức, những bài thơ trong một xâu chuỗi có thể ở bất kỳ thể thơ nào, từ 5, 7, 8 chữ hay lục bát. Và có thể dùng kỹ thuật vắt dòng, nối dòng cuối của bài trước và dòng đầu của bài sau, để cho có vẻ liền lạc, nhưng không phải là nguyên tắc bắt buộc.) Mỗi xâu chuỗi là một câu truyện liền lạc với đầy đủ tình tiết. Một câu truyện có thể cần một hay nhiều xâu chuỗi, và khi tập hợp nhiều câu truyện độc lập với nhau, tập thơ chẳng khác nào một tuyển tập truyện ngắn. Chúng ta có kỹ thuật xâu chuỗi cho một truyện ngắn bằng thơ. Nhưng xâu chuỗi thơ làm chúng ta liên tưởng tới những mẫu tự, được xếp theo chiều ngang và chiều dọc của một ô chữ (crossword puzzle). Trong một ô chữ, mỗi mẫu tự nối với những mẫu tự khác thành những chữ hoặc nhóm chữ, không khác nào mỗi bài thơ trong xâu chuỗi thơ. Như vậy nếu đặt những xâu chuỗi thơ trong một khung ô chữ, gặp nhau hoặc song song, chúng ta có kỹ thuật ô chữ để tạo bố cục cho một truyện dài bằng thơ. Hai kỹ thuật xâu chuỗi và ô chữ, gọi chung là kỹ thuật ô chữ, có khả năng tạo nên những tác phẩm tuyến tính hoặc phi tuyến tính và đa cốt truyện cho thơ Việt. Sự nhạy bén, tinh thần sáng tạo nơi nhà thơ là cần thiết, để khai triển câu truyện vừa đơn giản vừa phức tạp, làm sao người đọc dễ dàng theo dõi, không qua sự diễn giải của phê bình. Điều ghi nhận, hiệu ứng cánh bướmkỹ thuật ô chữ là những yếu tố ngoài thơ, lần đầu tiên được áp dụng vào thơ, nói lên nỗ lực không ngừng để hoàn thiện những đường nét cơ bản của một dòng thơ mới. Nhà thơ Biển Bắc cho rằng, chúng ta có thể nối nhiều bài thơ của nhiều tác giả thành một câu truyện kể, giống hình thức một tuyển tập. Và như thế, thơ Tân Hình Thức Việt, với kỹ thuật ô chữ sẽ trở thành một trò chơi lý thú, thích hợp với thế hệ của thời vi tính.”4

Chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ, sáng tác theo kỹ thuật dựng truyện mới này: “Những người đàn bà cuối cùng của một dòng họ” của Đài Sử, và “Tiếng hát từ cổ xưa” của Khế Iêm. Cả hai bài đều là những bài thơ dài. Nếu sáng tác để thử nghiệm kỹ thuật xâu chuỗi thì kỹ thuật này chưa được khai triển tới nơi, vì những đoạn thơ không đủ cá tính đặc biệt, tự nó là một bài thơ, vừa độc lập vừa phối hợp thành chuỗi. Nhưng hai bài thơ làm bật hai yếu tố trong kỹ thuật dựng truyện: bố cục và tình tiết. Bố cục của bài thơ khác với bố cục trong cốt truyện tiểu thuyết. Và tình tiết trong tiểu thuyết được miêu tả rất chi ly, trong khi tình tiết trong thơ chỉ là những chi tiết biểu trưng, hòa nhịp với nhịp điệu và ngôn ngữ tạo thành những hấp lực riêng. Một câu hỏi được nêu ra cho bài thơ thứ hai, tại sao lại dùng thể lục bát? Người đọc có thể bị bối rối khi những ấn tượng của thơ lục bát có vần còn ăn sâu trong tiềm thức? Câu trả lời có thể mang tính chủ quan: Thơ lục bát có vần thường dùng vần bằng, tạo nên âm điệu êm ả và đều đặn như những điệu ru, cách đọc không nhanh không chậm nhờ ở vần, nghe như một dòng sông uốn khúc trôi. Bây giờ khi bỏ vần, thay đổi âm điệu thơ, hình dạng bài thơ vẫn cho ta ấn tượng như một dòng sông trôi, nhưng âm thanh và tốc độ thay đổi, réo rắt và rộn rã hơn. Chúng ta sẽ nhận ra một lục bát khác với lục bát từ trước tới nay, trong cách đọc và sáng tác. Thơ lục bát có vần hay không vần, thích hợp với giọng kể, chỉ là phương cách làm thơ, và sự hiện diện của cả hai tạo cho thơ hình ảnh đa dạng và phong phú. Vấn đề là bài thơ đọc lên có thơ hay không. Hiểu tới đó thì chúng ta sẽ giải trừ được những vướng mắc không cần thiết để đạt tới sự hoàn thiện trong việc thưởng ngoạn thơ.

Hai bài thơ là những thử nghiệm về ngôn ngữ, bố cục, tình tiết và cách kể một câu truyện, qua đó gợi ý giúp chúng ta tìm kiếm, khai triển nghệ thuật kể riêng của mình. Chắc chắn, sẽ không ai giống ai và không bài thơ nào giống bài thơ nào, vì đó là thơ, là tiêu chí nghệ thuật. Thơ Tân Hình Thức Việt đang bước qua một giai đoạn  mới.

K.I

----------
Chú thích và tham khảo:

1 “Những Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới”, Khế Iêm, “Vũ Điệu Không Vần”, Nxb Văn học, 2011.
2 “Missing Measures”, Timothy Steele, The University of Arkansas Press, 1990.
3 The free verse movement seemed, in Williams’ word, “a formless interim”; it not was considered an end in itself, but was to lead to a “new way of measuring”.
4 Trích trong bài, “Thời Gian Phần Mảnh” [Fractal Time] Trong Thơ Thanh Ngọc.






KHẾ IÊM
 

Tiếng hát từ cổ xưa


   Chàng thất lạc tới ngôi nhà
hoang phế những con đường dẫn lối xưa
   như cỏ dại và chàng đẩy
cửa vào như cánh cửa đẩy chàng vào
   căn phòng lờ mờ tím than
và chàng đọc trên bức vách những con
   chữ ngoằn ngòeo bay ra mùi
ẩm mốc của thứ thời gian đặc lại
   và lõang tan trong lớp bụi
bậm tự thuở nào còn văng vẳng tiếng
   cười đùa trong cơn huyên náo
của tình yêu như tiếng reo ca của
   dục lạc tiếng nước chảy trong
chiều hè và dòng sông nước mắt và
   nước mắt dòng sông… chàng vỗ
trán trong khoảng khắc rất nhanh của trí
   nhớ cánh cửa sổ mở thoang
thoảng mùi hương thiên lý chàng thất lạc
   chàng trong khỏanh khắc rất nhanh
ngôi nhà chừng như đang lung lay trong
   gió những trang sách rã ra
bình nước tan biến chiếc máy chữ gõ
   lọc cọc lọc cọc và cùng
lúc có tiếng chân bước của rất nhiều
   người và chàng nhận ra những
khuôn mặt của thời xa vắng lặng câm
   như đồ vật như những chiếc
bóng đang bước vào ngưỡng cửa luân lạc
   và ngôi nhà tưởng như chỉ
là ý niệm trong chốc lát nảy sinh
   nơi tâm trí chàng thực và
giả lẫn lộn và chàng chợt nhớ nàng
   và không biết nàng có nhớ
chăng chàng nhớ chàng đã đội cho nàng
   vòng gai và dắt nàng lách
qua khung cửa hẹp ôi cái thuở ban
   đầu lưu luyến ấy nay đâu

“- Có lẽ con thuyền chẳng kịp
tới bến sông sớm mai - Chắc
hẳn - Và trên núi cao bình
minh - Chúng ta đã mất khá
nhiều hơi sức - Có bao giờ
và bao đời mỗi khoảng khắc
trong trái tim thanh xuân tiếng
đập của cô tịch - Thôi đừng
nói nữa chúng ta đã chẳng
còn nhiều thì giờ - Chúng ta
còn rất nhiều thì giờ mà -
Trong chiếc túi áo thủng những
giấc mơ rơi đâu. - Đừng nhắc
tới những cánh chim tha Hương
- Ôi những cánh chim muôn phương.”

Chàng dẫm lên cỏ khô lênh đênh như
   cánh chim điêu linh và trong
nỗi khắc khoải chập chờn chuyến xe nhọc
   nhằn của quá khứ chàng thấy
nàng đang trở về sau cuộc hành hương
   tưởng chừng như hôm qua nàng
còn chải tóc và hong khô đôi môi
   trong gió ấm và không có
gì đẹp hơn nụ hôn nàng trong đêm
   ngọt như mật ong cứ như
thế chàng thức ngủ từng hồi nghe tiếng
   nói đang kể về những bi
kịch dang dở và trong cõi chật hẹp
   của chiều ngày chàng thì thầm
với vô vọng thấy lũ kiến đục khoét
   cơ thể những trái cây mang
đầy độc tố những nụ hoa nhả ra
   mùi hương mê chàng không thấy
nàng và chàng bước ra từ hầm lửa
   nhập thành kẻ lưu dân rách
rưới chập choạng ở khoảng cùng trời cuối
   đất cứ như thế chàng quanh
quất giữa những bờ tường còn nồng mùi
   vôi mới cùng đám cư dân
nửa quê nửa tỉnh trôi nổi trong những
   ngôi nhà được góp nhặt bởi
mảnh vụn của nền văn minh xa xưa
   khắc họa nỗi ray rứt… chàng
đứng dậy xốc áo chàng đi tìm chàng
   chàng là ai chàng là ai…
đừng tin điều gì về chàng hỡi những
   kẻ có mặt trên thế gian
hãy gầy lại đốm lửa nghi hoặc nhưng

   Nàng vẫn tin mọi điều về
chàng nàng đi tìm chàng chàng ra đi
   và chẳng trở về như chàng
trở về rồi lại ra đi làm rộn
   trí nàng đến nỗi nàng cứ
tưởng chàng chưa hề có mặt trên thế
   gian này vả chăng thế gian
này là thế gian nào trong cơn bối
   rối nàng ngợ ngợ nàng là
ai là ai giữa những cuộc đời khác
   và những cuộc tình khác nàng
văng vẳng nghe tiếng thì thầm đã bao
   lần của chàng rằng chàng mong
được sống trên một hòn đảo vô danh
   lánh xa những phiền toái nghe
sóng vỗ kể về những số phần phiêu
   bạt để mỗi đêm nằm mơ
thấy bầy sư tử bên bờ biển Phi
   Châu mặc cho cảnh đời man
dã quyến rũ tâm hồn mình còn nàng
   nàng chỉ là người tình buồn
mãi đứng bên lề của cuộc đời chàng

   Nàng xót xa chợt nhớ đến
cha nàng đã bỏ nhà ra đi rất
   sớm theo tiếng gọi của tình
yêu và mẹ nàng sau những năm tháng
   khốn khó đến cuối đời trong
cái lầm lộn của tuổi già vẫn tin
   người chồng của mình mỗi đêm
đều về rất khuya để nối lại mối
   tình dang dở (ôi nỗi đời
ương dở) như điệp khúc thời gian rồi
   một hôm có lẽ chán nản
với những câu chuyện cứ lập lại và
   có thể cha nàng đã về
thật để rủ người bạn đời tham dự
   vào một chuyến đi không bao
giờ trở lại bà đã đi một mình
   trong đêm vội vã không kịp
trang điểm để đẹp như một hoàng hậu
   đến nỗi nơi căn phòng trong
chiếc tủ còn chứa những loại nước hoa
   phấn sáp và những kiểu quần
áo đã rất xưa thơm mùi long não
   và nàng nhìn mẹ nàng nằm
tiều tụy và bất động nhìn những đồ
   vật đã được chuẩn bị rất
lâu cho một giờ cuối cùng mà lòng
   nàng se lại ôi sắc đẹp
mộng mị cũng chứa đầy mầm bội phản

“- Thế còn câu chuyện mùa xuân
- Quái -... Người ngồi bên sông kể
về thời dựng nước những cánh
chim bỏ ngàn - Những đứa con
xuống biển - Cảnh phân ly đã
có từ thời huyền thoại - Chẳng
lẽ - Cuộc ra đi là mãi
mãi như con nước xuôi - Mùa
xuân năm ấy những đứa con
cam đảm vượt qua đầm lầy
sông bãi tìm đường ra biển
hiện thực lời nguyền đã nằm
trong sách sử - Hà... Hà... - Mùa
xuân năm ấy có nguyệt thực
và đêm tối kéo dài bất
tận... - Những giấc mơ vỡ tan
và chia lìa... - Nhưng - Biển cả
đã gột rửa quá khứ - Và
hỡi những cánh chim phiêu lưu
cứ bay đi, bay mãi...”

   Nàng ngã bịnh một căn bịnh
kỳ lạ nàng giả vờ sống như giả
   vờ chết và trong tình trạng
nhập nhằng của tâm trí nàng không còn
   nhận ra nổi con đường nàng
đang đi ngôi nhà nơi nàng ở và
   chỉ trong đêm tối nàng mới
nhận ra được nhan sắc mình cứ như
   thế hàng thế kỷ qua nàng
lang thang trong ngôi nhà rộng thênh ngạc
   nhiên về sự vắng vẻ và
dịu mát nàng chập chờn ăn uống chập
   chờn tắm rửa và hát ngợi
ca về những mối tình của cả ngàn
   năm trước nàng nghĩ đến chàng
đằm thắm hơn nhưng là chàng của nhiều
   hình dạng những cánh tay dài
ngoằng những bàn chân to bè và cho
   chàng những khuôn mặt đủ kiểu
của phường tuồng chàng là tập hợp của
   mọi giai cấp ở từng thời
kỳ cứ như thế trò chơi kéo dài
   vô tận đã làm nàng quên
mất một chàng có thật chẳng còn nhớ
   đến tên chàng và bóng dáng
chàng phai dần đã làm lành nỗi thương
   nhớ nhưng lại làm nàng sa
vào tình trạng lẫn lộn những chiếc mặt
   nạ chồng chất trong ký ức
nàng chẳng khắc họa đường nét rõ rệt
   nào ngoài sự buồn cười rồi
nàng tâm sự và đùa bỡn với những
   hình nộm ăn sâu vào thế
giới giả trang đánh mất cá tính xáo
   trộn nếp sinh hoạt và không
biết mình là ai nàng quên cả chính
   nàng ôi câu chuyện của chàng

“Và nàng còn dài nhưng người
kể không kể tiếp vì đến
đây câu chuyện chưa có thêm
tình tiết mới bởi cuộc đời
của chàng và nàng tự nó
đang diễn biến và kết cấu
để hòan tất câu chuyện và
mỗi câu chuyện hoàn tất hoàn
tất khi đã cuối đời và
không ai có thể kể câu
chuyện không phải của mình ngoài
nhân vật đang kể và câu
chuyện không phải của mình nếu
kể đúng ra chỉ chứa nửa
phần sự thật nhằm giải trí
trong phút giây và câu chuyện
nhằm giải trí trong phút
giây thì có gì đáng kể
và như thế người kể còn phải
đợi chờ và đợi chờ không
biết đến bao giờ đợi chờ
và đợi chờ chàng và nàng
tiếp tục kể câu chuyện đời
mình và người kể sẽ thuật
lại và người đọc cứ đọc
lại những gì đã đọc trong
lúc đợi chờ… đợi chờ
gì và đợi chờ ai.”


(SĐB 7/12-12)







 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cenerentola (03/01/2013)