Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-12)
Người hát vè giữa thành phố Huế
15:22 | 07/01/2013

HOÀNG HƯƠNG TRANG

Thuở nhỏ, tôi thường trốn ngủ trưa đi nghe hát vè. Ở Huế lúc ấy gọi là nói vè, như theo tôi phải gọi là hát vè thì đúng hơn, bởi người hát có bài có bản, có giai điệu, trầm bổng, có cả nhạc cụ.

Người hát vè giữa thành phố Huế
Minh họa: NHÍM

Nếu hai người một nhóm, thì một người vừa hát vừa gõ nhịp phách làm bằng hai thanh tre hoặc cái song lang, còn người kia thì đánh cái trống nhỏ. Lời hát, tiếng phách, nhịp trống rất ăn khớp nhịp nhàng, nghe rất hấp dẫn, bởi vậy đã thu hút được đám trẻ con chúng tôi trốn ngủ trưa, hoặc đi học thật sớm để ra gốc bàng cuối xóm ngồi bu chung quanh người hát vè nghe say sưa, nghe năm này qua năm khác, suốt thời tiểu học mà không biết chán.

Lúc ấy, cách nay cũng tròm trèm nửa thế kỷ rồi, ở Huế có ít nhất là vài ba người nói vè mà tôi biết và đã từng nghe. Một ông già cụt chân thường nói vè ở chợ Bến Ngự, nghe đâu ông cụt chân vì đi chữa cháy bị nhà sập đè gãy chân, ông phải đi nói vè độ nhật, ít lâu sau vì chống nạng qua đường chậm chạp ông lại bị tai nạn xe cán, lần này thì ông từ giã cõi đời, không còn ai nói vè ở vùng Bến Ngự nữa. Gần cửa Thượng Tứ cũng có ông già mù nói vè, ông già này còn có thêm một đứa cháu trai nhỏ, vừa dắt đường cho ông vừa đánh cái trống nhỏ như trống trẻ con chơi Trung Thu, còn ông vừa hát vừa gõ phách làm bằng hai thanh tre đã lên nước láng đen. Chỗ ông hay ngồi là đường vào cửa Thượng Tứ, cũng có khi thằng bé dắt ông ra ngồi sau chợ Đông Ba. Hai mắt ông mở to nhưng đục như cùi nhãn, mặt hóp nhăn nheo, người ông gầy gò, lưng còm hẳn xuống, lúc đi thằng bé phải cầm tay ông. Giọng ông hát trầm đặc, những bài vè lục bát quyện vào tiếng phách gõ lanh canh, điểm xuyết tiếng trống cầm nhịp long bong, long bong, cắc cắc... làm mê mẩn người nghe.

Ông không có nhà cửa, ngày đi nói vè kiếm chút tiền do khách qua đường dừng chân nghỉ mát dưới bóng cây đa, thương tình ném cho vài trự xu cũng tạm đủ ông cháu cơm cháo qua ngày. Tối đến, ông cháu lần về ngủ trong chợ Đông Ba. Nghe đâu như là ông ở một làng quê xa lắm, cả nhà ông bị cơn bão lụt năm Thìn nào đó cuốn đi mất cả, chỉ còn hai ông cháu vướng trên đọt tre được cứu sống, ông khóc thương vợ con, nuối tiếc cửa nhà đến mù cả mắt. Từ đó ông dắt thằng cháu duy nhất còn sót lại, lần lên thành phố đi nói vè.

Có một đận không còn ai trông thấy hai ông cháu nói vè nữa. Mấy bà bán hàng ở chợ Đông Ba thì thầm có vẻ sợ sệt:

“Ông già mù chết rồi, thằng cháu đi xin tiền chôn ông xong thì tìm đường... lên khu với người chú làm Quốc sự”.

Người nói vè mà tôi gắn bó nhất trong cả quãng đời thơ ấu của tôi là một người đàn bà mù. Đường Gia Hội, ngày xưa ấy, có mụ Mì, mụ cũng mù cả hai mắt, nhưng không hẳn mù tịt, mà còn thấy chút ít bóng sáng mờ mờ, tạm đủ cho mụ tự rà rà bước chân để đi chầm chậm một mình. Không ai dắt mụ đi cả, mụ chậm rãi lần đi tới, lúc thì ngồi ở gốc bàng này, lúc ngồi trước thềm nọ. Giữa trưa hè nắng gắt, mọi người khép cửa ngủ trưa, bỗng vang lên tiếng gõ nhịp dạo đầu... lách cách... lách cách, rồi mụ cất giọng khàn khàn, nghèn nghẹn nhưng rất ấm áp, sâu lắng. Những bài vè mà bọn trẻ con chúng tôi đã thuộc lòng, nhưng không hiểu sao, hễ giữa trưa, nghe tiếng phách gõ nhịp nhàng, là nhà nọ nhà kia lại có vài ba đứa trẻ thập thò, len lén trốn ngủ, nhẹ nhàng chạy ra ngồi nghe, có đứa nhướng mắt, có đứa há miệng, say sưa theo những câu lục bát quen thuộc. Lúc ấy chúng tôi chỉ nghe chứ không biết là bài vè gì, sau này lớn lên mới nghe người này người kia cho biết bài nào là bài vè “Thất thủ Kinh đô”, bài nào là “Vè Mụ Đội”, “vè “Cô Thông Tằm nằm nhà thương”, hay vè “Trò Hiếu Ông Hiên”, vè trào lộng của Bùi Viện nhạo vua quan binh lính của Tự Đức bị tàu ô bắn phá ở Thuận An. Lại có cả những bài vè “Nói láo, nói trạng” nghe cười đến bể bụng.

Mụ cất tiếng hát: “Láo thiên láo địa. Láo bên Sịa mới qua. Láo Đông Ba mới về... Ngồi buồn nói chuyện láo thiên. Hồi nhỏ tui có đi khiêng ông Trời. Ra đồng coi muỗi bắt dơi. Bọ hung làm giỗ có mời ông voi... Nhà tui có một con mèo. Khi mô hết cá hắn lên đèo bắt nai...” rồi mụ cười khà, gõ lách cách, lách cách... còn bọn nhóc thì bá vai nhau cười nói: “Láo quá hí! Trạng chi lạ mụ Mì ơi!”

Khi nào hát bài vè “Thất thủ Kinh đô” mụ cũng nghẹn ngào như thương nhớ gì đó, mắt mụ ứa lệ. Mấy cụ già trong xóm nói rằng cha mẹ, chú bác của mụ ngày xưa đã chết trong trận thất thủ Kinh thành ấy, chết không toàn thây, voi ngựa dày xéo cả lên đoàn dân chúng chạy loạn từ trong Thành Nội tuôn ra cửa Đông Ba, Thượng Tứ, người nát bấy cả ra. Hèn chi mỗi lần nói vè đến bài Thất thủ là mụ buồn bã rồi khóc, tiếng gõ nhịp cũng chùn hẳn xuống, giọng mụ như nghèn nghẹn:

Kể từ thất thủ kinh đô
Thằng Tây hắn bắn súng vô Kinh thành
Quan quân, dân chúng tan tành
Ngựa voi dẫm đạp, máu tanh tuôn trào
Khóc la thảm thiết thét gào
Người đi đày ải, kẻ vào hố chôn
Bạc vàng châu báu nỏ còn
Vua quan chạy loạn khổ hơn dân thường
Sự tình càng nghĩ càng thương
Bởi thua mưu trí, cùng đường bại vong
Giận thay lũ giặc tanh lòng
Ở mô mà tới đây hòng cướp tranh
Nước mi, mi ở yên lành
Cớ răng mi lại đi giành nước ta
Oan hồn khắp chốn kêu la
Đúng thời tháng Ngọ, hăm ba, khắp đường
Đặt bàn hương án tinh tươm
Cúng vong uổng tử, canh cơm đủ đầy
Hăm ba, tháng Ngọ, nhớ ngày
Đông Ba, Thượng Tứ chất đầy xác dân:



Thỉnh thoảng giữa những bài vè, mụ ngừng lại, nói nhỏ nhẹ: “Có trự mô cho mụ một đọi nước chè không hè?” Rứa là có đứa nhanh chân chạy về nhà rót một tô nước chè tươi đem ra cho mụ uống. Mụ khen: “Ngon quá, nước chè có gừng thiệt ngon, mụ cám ơn nghe!”. Thỉnh thoảng có đứa đem chè xôi cúng rằm ra cho mụ, lại cũng có đứa hào phóng mua kẹo cau, mè xửng cho mụ nữa, những lúc ấy mụ cám ơn bọn nhóc bằng cách kể chuyện đời xưa, hay hát những câu như:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-mon
Anh đi lên đi xuống đã mòn
Không ghé vô thăm thầy mẹ
Để thầy mẹ trách rể con chi bạc tình


Rồi mụ giảng cho chúng tôi hiểu, ngày xưa, chợ Đông Ba ở gần cửa Chánh Tây và cầu gỗ Bông Ba cũ, chật chội, sau dời ra ngoài bờ sông Hương, chỗ đất giại, nghĩa là bãi hoang, cho rộng rãi. Còn cầu Trường Tiền xưa chưa có, phải qua đò, sau làm cầu gỗ, rồi bão năm Thìn trôi mất, Tây nó làm lại cầu đúc như ngày nay. Nhờ mụ mà chúng tôi biết được nhiều chuyện xưa tích cũ. Mụ thường khuyên chúng tôi: “Mấy con lo học cho chăm chỉ. Mơi sau nên người hữu ích”. Mụ hay kiêng chữ, mụ nói “Ngày Mơi, cây bông Mơi” chứ không nói “Ngày Mai, cây bông Mai”. Những chữ như: “Cái nhà, rất nhiều, áo nhung” mụ nói là “Cái già, rất giều, áo giung” mà không phải chỉ riêng mụ, ở Thừa Thiên Huế đa số là nói như vậy, nghe cũng thành quen, thấy thương tiếng địa phương. Mụ hát bài vè trào lộng của Bùi Viện rất hay. Mụ giảng cho bọn tôi hiểu vè này kể chuyện vua Tự Đức và các quan ra cửa Thuận An, thấy đoàn thuyền tải lương tiền ngoài Bắc vào, phút chốc có mấy thuyền của bọn cướp biển sơn đen xì nên gọi là tàu ô, nó bắn phá cướp thuyền lương của ta, tàu của ta yếu quá bỏ chạy, bị cướp lấy đi mất nhiều lương tiền và quân ta cũng chết nhiều, vua Tự Đức thấy vậy truyền lệnh cho ai bắn được tàu giặc sẽ trọng thưởng. Thế là quân ta súng lớn súng nhỏ đua nhau bắn loạn xạ ra biển, nhưng không một viên đạn nào trúng tàu giặc. Giặc cướp xong bỏ đi ung dung. Còn quân ta lớp chết, lớp bị thương kêu la thê thảm. Ông Bùi Viện thấy cảnh khôi hài đó bèn làm bài vè trào lộng cười chê bọn quan quân hèn nhát chỉ ham tiền thưởng mà bắn loạn xạ, bài vè còn được lưu truyền mãi trong dân chúng.

Mụ Mì có dáng người thấp, chân đi khập khiễng, tóc hớt trọc, mặc bộ quần áo vải thô màu nâu bạc phếch vá nhiều chỗ, đội chiếc nón rách gãy vành, khi nào ngồi nói vè thì đặt chiếc nón dưới đất, trước mặt, để người qua đường ném những đồng xu vào. Chúng tôi vô tâm không hề biết mụ nhà cửa ở đâu. Những nhà trong xóm thấy mụ hiền hậu, lễ phép, luôn “Dạ, Thưa”, nên cũng không cấm đoán chúng tôi nghe mụ nói vè, họ cũng cho mụ ngồi trước thềm nhà, gốc cây mà không la rầy đuổi đi. Thỉnh thoảng nhà nào có giỗ chạp cũng đem cho mụ chén chè, đĩa xôi hay chút ít thức ăn gì đó. Họ chấp nhận mụ như một người trong xóm, đơn độc, quen thuộc nghèo khổ đáng thương. Một đôi khi vài người già trong xóm kể chuyện đời mụ. Xưa mụ chèo đò ở Bãi Dâu, thường đưa những người làm “quốc sự” sang sông để đi công tác miệt Bao Vinh, Tiên Nộn, Hương Cần. Trong số ấy có một anh vệ quốc đem lòng thương yêu và cưới mụ làm vợ. Cô gái chèo đò ấy sống trong hạnh phúc không bao lâu, khi mụ có thai mấy tháng thì anh vệ quốc lên đường công tác, mụ bị một tên xấu nào đó tố cáo. Tây đến lùng sục đốt nhà mụ, phá nát con đò thả trôi sông, rồi bắt mụ tra tấn đánh đập, mụ bị trụy thai, bị què chân, bọn Tây còn đổ nước vôi pha xà phòng vào mắt làm cho mụ bị mù từ đó, nhưng chúng vẫn không khai thác được gì, mụ cắn răng chịu đựng đau đớn. Khi chúng thả mụ về, mụ đã thành tàn phế, không nhà cửa, không ai dám cho mụ ở đậu, mụ phải đi nói vè kiếm ăn qua ngày, chỉ mong cho chóng đến ngày gặp lại chồng như đã hẹn lúc ra đi. Nhưng mụ chờ mãi, chờ hoài, chiến tranh ngày càng dai dẳng, mụ ngày một già yếu.

Bỗng một hôm nào đó, mấy người đàn bà trong xóm xì xầm to nhỏ: “Mấy chị thấy không, mụ Mì có chửa, mụ ta chửa hoang, đồ mất nết, đã nghèo khổ như rứa, lại già rồi, còn bày đặt chửa hoang, chắc lại là mấy thằng cu-li xe kéo chi đó thôi...”. Từ đó người lớn trong xóm cấm hẳn trẻ con không được theo mụ Mì nghe hát vè nữa. Họ cũng không cho mụ ngồi trước thềm, không cho mụ thức ăn thức uống như trước nữa. Nhiều bà chanh chua chửi mụ không tiếc lời. Mụ lặng im, cúi mặt xuống, hai tay đỡ lấy cái bụng nặng nề ngày một lớn. Mắt mụ rưng rưng, bước khập khễnh lần vào chợ xin ăn. Không ai thèm nghe mụ hát vè nữa. Bẵng đi ít lâu không thấy mụ xuất hiện mọi người lại xầm xì: “Chắc là mụ Mì đi đẻ rồi”.

Mà quả thật, rồi mụ lại xuất hiện với cái bụng xẹp lép, trông mụ có vẻ yếu hơn trước, già hơn trước, mụ lại gõ phách nói vè, một vài đứa trẻ vẫn len lén theo mụ nghe những bài vè lục bát quen thuộc.

Rồi mụ lại “chửa hoang” lần nữa, cái bụng cứ to dần, bước đi càng khập khiễng, các nhà trong xóm càng khinh ghét mụ hơn, họ xua đuổi và chửi rủa nặng lời. Mụ cũng chỉ cúi đầu im lặng.

Một hôm mụ đang ngồi nói vè ở một gốc cây, giọng mệt nhọc đứt quãng, bụng to vượt mặt. Bỗng cô y tá ở bệnh viện tình cờ đi ngang. Cô đứng lại cúi xuống nắn bụng mụ, rồi nhẹ nhàng hỏi: “Lại to đến chừng này rồi à? Thôi, đừng đi nói vè nữa, vào bệnh viện ngay đi, tôi sẽ xin bác sĩ rút nước ra cho nhẹ người, đừng để nặng quá khó chữa”. Các bà trong xóm lấy làm lạ, chặn cô y tá lại hỏi, được cô giải thích: “Mụ ấy khổ quá, bị bệnh cổ trướng, bụng cứ báng lên, lần trước đã qua nhà thương rút nước, uống thuốc, lần này coi bộ nặng hơn, tội nghiệp quá đã nghèo còn tàn tật, bệnh hoạn”.

Những bà, những chị thành kiến xấu lâu nay với mụ Mì chợt hiểu ra. Họ rất hối hận đã đối xử bất công với mụ. Họ bảo nhau quyên góp chút ít tiền gạo cho mụ đi chữa bệnh. Có người đã khóc, cầm tay mụ mà xin lỗi.

Rồi mụ đi chữa bệnh về, bụng lại xẹp lép, người gầy yếu đi nhiều. Nhưng mụ dường như rất vui vẻ phấn khởi, mụ luôn mỉm cười. Mụ lại ngồi hát vè dưới bóng mát cây bàng, cây sứ. Bọn trẻ chúng tôi lại chạy theo ngồi bu quanh mụ nghe hết bài này sang bài khác không chán, lại bưng cho mụ đọi nước chè tươi thơm ngát gừng non, lại đem cho mụ chiếc kẹo mè, kẹo cau.

Rồi lên trung học, chúng tôi đã lớn, không còn chạy theo mụ Mì nghe hát vè nữa. Rồi tiếng gõ phách, giọng hát khàn khàn đã biến đi lúc nào chúng tôi cũng không hay.

Thời gian cứ vô tình trôi qua, tuổi đời chồng chất, công việc đời thường, chúng tôi trôi giạt đi khắp mọi miền đất nước, hiếm khi về lại thăm quê, cũng hiếm hoi có dịp gặp bạn bè cũ. Đâu còn ai nhớ đến mụ Mì hát vè.

Có lẽ đến ngót nửa thế kỷ tôi mới có dịp gặp lại đôi ba người bạn thuở thơ ấu, trong dịp về dự lễ hội mừng Tám mươi năm thành lập ngôi trường nổi tiếng nhất ở Huế. Sau lễ hội chúng tôi dắt tay nhau về thăm lại con đường Gia Hội cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa. Vui chân đi tới góc đường Ngự Viên, nhìn cái cổng gạch rêu phong, giờ đây đôi chỗ vỡ ra, cây hoang bám mọc um tùm, nhìn gốc bàng, gốc sứ năm xưa, những thềm nhà cũ kĩ, chúng tôi không hẹn mà cùng thốt lên: “Chỗ ni hồi xưa tụi mình thường ngồi nghe mụ Mì nói vè đây này. Mụ có còn sống không hè?”

Trong câu hỏi đã có câu trả lời, mụ làm sao còn sống tới bây giờ được, chúng tôi nay đã là bà ngoại, bà nội cả rồi. Mắt đứa nào cũng rơm rớm, tất cả kỷ niệm thiếu thời hiện về đầy ắp, trong đó không thể thiếu hình ảnh mụ Mì nói vè và tiếng gõ phách năm xưa.

Tôi đi tìm khắp Huế bây giờ, không tìm đâu ra những người nói vè như thuở xưa nữa, lòng cứ rưng rưng nuối tiếc giọng hát đục khàn, những bài vè lục bát ngọt ngào của tuổi thơ. Mụ Mì ơi, trong ký ức chúng con, những đứa trẻ năm xưa từng nghe mụ hát vè, vẫn luôn còn hình ảnh mụ.

H.H.T
(SĐB 7/12-12)







 

Các bài đã đăng
Cenerentola (03/01/2013)