Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Cha tôi - cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
09:32 | 23/01/2013

NGUYỄN THỊ THỐNG

Tôi tên là Nguyễn Thị Thống - con gái của cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Tôi rất vui mừng, xúc động và thấy rất may mắn được tới dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bố tôi tại thành phố Huế vừa qua do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức. Tới dự buổi lễ này, tôi được nghe và nhớ lại những kỷ niệm về bố tôi. Những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức.

Cha tôi - cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
Chân dung cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Ảnh: TL


Ông nội tôi là ông Nguyễn Đỗ Mục. Một nhà nho yêu nước, ông đỗ tú tài khóa Kỷ Dậu (1909) đời vua Duy Tân. Ông là một nhà văn, một dịch giả. Sau cách mạng tháng Tám (1945) cho đến khi qua đời ông công tác ở Bộ Quốc phòng, chuyên lo việc phiên dịch các tài liệu quân sự và chính trị. Ông dịch nhiều và viết nhiều, với những bản dịch “Đông Chu liệt quốc” và “Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải” ông đã được công nhận là người có công trong việc dịch thuật và biên khảo trong thời kỳ quốc văn Việt Nam vẫn còn non nớt. Nay ở khu An Hòa, Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng đã có con đường mang tên ông. Ông Nguyễn Đỗ Mục là con của cụ Nguyễn Đình Dương - tức là cụ nội của tôi (cụ đã đỗ Hoàng giáp) từng làm Án sát Hưng Yên. Bố chánh Quảng Bình. Biên lý Bộ Lại.


Ông ngoại tôi là ông Nguyễn Hữu Tiến, ông là một nhà nho yêu nước, nhà nghiên cứu văn học. Các công trình nghiên cứu của ông là những chuyên luận về phong tục, luân lí tôn giáo và văn chương Trung Quốc. Ông có công rất lớn và sớm nhất trong việc giúp người Việt Nam am hiểu các học thuyết, văn chương, triết lí Trung Quốc học. Ông còn là một tác giả trong những danh nhân, thi sỹ Việt Nam. Ông nội tôi và ông ngoại tôi là đôi bạn nhà nho rất thân nhau và họ đã kết làm thông gia. Bố mẹ tôi kết duyên với nhau cũng là do sự sắp đặt của ông bà tôi, theo quan niệm xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà nên duyên vợ chồng .

Sau khi bố mẹ tôi sinh được 3 người con đầu, thì kháng chiến bùng nổ. Bố tôi đi kháng chiến, 9 năm bặt tin vợ con. Mẹ tôi ở nhà, nuôi các con nhỏ, trong cảnh vất vả thiếu thốn của người phụ nữ xa chồng, không có sự động viên của người chồng ở bên. Khi hòa bình lập lại, cuối năm 1954 bố tôi từ kháng chiến trở về, bố mẹ tôi gặp lại nhau sau 9 năm xa cách và cuối năm 1955 bố mẹ tôi sinh thêm 2 cô con gái sinh đôi, là tôi và em gái tôi, cả họ hàng nhà tôi đều nói: bố mẹ tôi đẻ “truy lĩnh” và bố mẹ tôi đã đặt tên cho 2 con gái sinh đôi là Thống và Nhất. Khi tôi đi học và đi làm đã nhiều lần bạn bè và mọi người có hỏi tôi: “Vì sao con gái mà lại tên là Thống?” Tôi về hỏi mẹ, mẹ tôi nói: Đó là tên do bố tôi đặt. Mẹ tôi cũng không thích cái tên này lắm, mẹ tôi có nói với bố tôi là: “Nếu thích đặt tên con là Thống Nhất thì đặt một đứa tên là Thống Nhất và một đứa tên là Hòa Bình thì hay hơn”. Nhưng bố tôi nói: “Bây giờ đất nước đã hòa bình rồi, tôi chỉ mong đất nước thống nhất nữa thôi, hai miền Nam Bắc phải được thống nhất làm một, nên tôi muốn đặt tên con là Thống Nhất”. Và cuối cùng bố mẹ tôi đã đặt tên cho hai đứa chúng tôi là Thống và Nhất.

Nhớ đến ông, tôi nhớ đến một người cha rất có hiếu với bà nội tôi (vì khi chúng tôi ra đời ông nội tôi đã mất), bố tôi chăm sóc bà tôi rất chu đáo và khi nói năng với bà thì rất nhẹ nhàng, lễ phép.

Ông là người cha nghiêm khắc nhưng cũng rất mực yêu thương con cái, ông độ lượng và khoan dung với các con mỗi khi các con mắc lỗi. Ông luôn dạy các con phải biết yêu thương mọi người, nhất là đối với người nghèo. Tôi còn nhớ: có lần ông lên thăm hai đứa sinh đôi chúng tôi đi sơ tán ở Đan Phượng (Hà Tây), ông mua hai chiếc khăn rằn quàng cổ cho hai con. Nhưng đến nơi sơ tán của con, ông thấy con gái ông chủ nhà, áo còn chưa đủ ấm, tự nhiên tôi thấy ông có vẻ lúng túng, cứ như mình là người có lỗi với các con vậy. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt hiền dịu ấy của ông đến tận bây giờ, ông đã nói với chúng tôi: “Chị Tính (con ông chủ nhà) phải đi chăn trâu ngoài đồng, mà trời lạnh như thế này... các con nhường cho chị ấy một chiếc khăn nhé, các con dùng chung một cái, khi nào có dịp bố sẽ mua thêm một chiếc khác, bố sẽ gửi lên cho các con sau nhé”. Tôi biết, bố tôi cũng phải dành dụm, với đồng lương ít ỏi của thời kỳ bao cấp mới mua được một chiếc khăn đó cho con mà ông lại phải hỏi ý kiến các con để nhường một chiếc cho con gái ông chủ nhà, và lẽ tất nhiên là chúng tôi cũng đồng ý theo ý kiến của bố tôi.

Ông thường dạy chúng tôi những đức tính trung thực, thật thà, thẳng thắn, không xu nịnh, luồn cúi nhũng kẻ có chức, có quyền không có đạo đức, phải khiêm tốn với mọi người, chịu khó học hỏi... Những đức tính ấy, chính ông là tấm gương để các con noi theo. Họ hàng nhà tôi vẫn kể lại rằng: Ông ấy (bố tôi), là ông to ở đâu thì không biết, nhưng cứ về đến quê cha đất tổ thì ông thật là hiền lành, giản dị khiêm tốn và rất mực lễ phép.

Ông là người không thích nhận quà biếu xén hay đút lót. Tôi còn nhớ: Lần đó bố tôi ốm nặng, mọi người ở cơ quan (Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) mang quà đến biếu, mà quà lúc đó chỉ là cân đường, hộp sữa, chứ không như bây giờ, bố tôi đều không nhận, chỉ cám ơn rồi bắt họ mang về. Họ không biết làm cách nào bèn bảo nhau để tiền vào phong bì, mang đến đưa cho mẹ tôi và nói: “Chúng cháu gửi bác để bác bồi dưỡng cho bác trai, vì chúng cháu không biết mua gì và xin bác đừng nói với bác trai ”. Khi bố tôi khỏi bệnh, đến cơ quan họp, nghe họ báo cáo về tiền quỹ của cơ quan (vì lúc đó bố tôi là giám đốc của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thì bố tôi mới biết được chuyện họ đưa tiền cho mẹ tôi. Hôm đó về đến nhà, tôi thấy bố tôi rất giận mẹ tôi, đến mức độ ông đập bàn, đập ghế bắt mẹ tôi phải mang tiền lên cơ quan, trả lại bằng được mới thôi.

Đối với đất nước ông luôn cố gắng hết lòng cống hiến sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Ông say sưa làm việc và nghiên cứu đến quên cả bản thân mình, ông có thể đọc sách và nghiên cứu suốt ngày đêm mà không để ý gì đến xung quanh mình có ai, ông quên cả thời gian, quên cả giờ ăn và giờ ngủ của mình, nếu không có vợ con nhắc ông ăn hay ngủ thì có lẽ ông cũng quên luôn.

Tôi nhớ, lần mà bố tôi được tham gia vẽ mẫu để xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bố tôi miệt mài vẽ suốt ngày đêm, ròng rã mấy tháng trời, sửa đi sửa lại mãi bản vẽ của mình, ngắm đi, ngắm lại, không biết bao nhiêu lần, mà thấy ông vẫn chưa ưng ý. Hôm cuối cùng, đến hạn nộp bản vẽ, hôm đó, gần như bố tôi thức trắng đêm để hoàn thành cho kịp. Tôi thấy ông gầy hẳn đi nhưng ông vẫn miệt mài làm việc để sáng hôm sau kịp nộp cho hội đồng lựa chọn. Cuối cùng, mẫu vẽ hoa sen được vẽ cách điệu, mang đầy tính mỹ thuật của dân tộc Việt Nam do ông vẽ đã được hội đồng chọn để làm diềm trang trí xung quanh lăng kính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nằm.

Có những lúc bố tôi ngồi say sưa làm việc, đọc sách, hoặc nghiên cứu, khách vào gõ cửa mãi mà ông không hề hay biết gì, vợ con ông lại phải gọi ông mấy lần, để báo cho ông biết là có khách, lúc đó ông mới giật mình như vừa chợt bừng tỉnh, ngẩng đầu lên chào đón và tiếp khách. Ông có cách chào và tiếp khách thật niềm nở, thân mật và gần gũi lạ thường đối với mọi người...

Ông có niềm đam mê mua sách và đọc sách. Mỗi khi ông dư dả được đồng nào là ông lại mua sách để đọc và nghiên cứu. Những lần được ra nước ngoài công tác, ông cũng tranh thủ tìm mua những quyển sách quý. Mỗi khi ông ở nước ngoài về, ngoài mấy quyển vở giấy trắng thơm phức và hộp bút chì màu ông mua về làm quà cho con (vì chúng tôi rất thích nó, mà hồi đó, những thứ này ở trong nước không có) thì còn lại là cả một vali sách nặng trĩu. Tôi có cảm giác rằng: có lẽ, nếu còn tiền mua sách và còn có thể khuân về được thì bố tôi còn tranh thủ mua thêm sách mang về.

Trong nhà tôi, quanh nhà chẳng có tài sản gì ngoài sách của bố tôi, những tủ sách lớn để quanh tường nhà không còn trống chỗ nào, tủ hết chỗ để sách, ông lại lật cái giá vẽ to ra giữa nhà, ông chồng lên, để làm bàn để sách, sách để cứ cao ngập đầu người. Ngay cả khi đang ốm nặng ông cũng không nghĩ đến mình cần phải có tiền để mua thuốc mà có bao nhiêu tiền là ông lại gửi vào Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) để nhờ anh em, bạn bè mua sách gửi ra cho ông, vì lúc đó Sài Gòn mới giải phóng, trong đó có nhiều sách hay và quý hơn ở ngoài Bắc. Cho đến lúc ông mất, xung quanh giường ông nằm là cả hàng chồng sách mà anh em, bạn bè, mới gửi từ trong Nam ra cho ông, có nhiều cuốn ông vẫn chưa kịp đọc. Khi bệnh rất nặng, ông vẫn lạc quan say sưa nghiên cứu.

Đến nay bố tôi đã đi xa được 35 năm nhưng hình ảnh và những kỷ niệm về ông vẫn như còn nguyên vẹn, không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi.

N.T.T
(SH287/01-13)









 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng
Mình hót lên (18/01/2013)