Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Trường ca của Ngô Kha
15:31 | 24/01/2013

TRẦN THỊ MỸ HIỀN

Ngô Kha sáng tác khá nhiều nhưng có một điều đặc biệt là tác giả rất có duyên với thể loại thơ dài. Ngoài những bài thơ có dung lượng vừa phải in trong tập Hoa cô độc (1961), hầu hết các bài thơ còn lại đều có dung lượng khá lớn. Có thể kể đến như Bài ca tự quyết, Mùa đông chiến tranh ở Huế, Hành trình, Mặc khải, Gió, Mặt trời mọc, Xác ướp

Trường ca của Ngô Kha
Chân dung Ngô Kha (Sơn dầu trên bố 16x20in) - Đinh Cường tặng Bửu Ý - Ảnh: internet

Điều đó cho thấy nhà thơ có tài năng đặc biệt trong việc diễn đạt nguồn cảm xúc dồi dào của mình. Tuy nhiên trong phần nghiên cứu này, chúng tôi chỉ chú ý tìm hiểu trường ca bởi thiết nghĩ đó là đỉnh cao trong việc thể hiện những cảm xúc dào dạt của thi nhân, đồng thời cũng cho thấy một điều khá thú vị - Ngô Kha là nhà thơ miền Nam duy nhất viết trường ca bằng lối cảm nhận siêu thực.

Có thể nói trường ca của Ngô Kha không theo phong cách và đặc điểm của trường ca truyền thống mà mang trong đó những điểm rất riêng. Chính ông đã thổi linh hồn vào trường ca và ngược lại nó giúp ông bộc lộ hết tâm trạng mình. Không phải chỉ một mình trường ca, mà ngay từ đầu Ngô Kha đã tỏ ra khá phù hợp với những bài thơ dài. Có lẽ thể chất và tâm hồn Ngô Kha tỏ ra phù hợp với những bài thơ dài chăng? Không phải ngẫu nhiên mà một ai đó có thể dễ dàng thành công với trường ca. Nói theo Chu Văn Sơn thì “Do mấu chốt của trường ca là ở chữ “trường”, nên một tác giả trường ca, theo tôi, ít nhất phải có đủ “tam trường”: trường vốn, trường lực và trường hơi. Vốn trải nghiệm, vốn tri thức, vốn nhân văn phải dồi dào; năng lực sáng tạo hình thức trong ngôn ngữ phải sung mãn; và phải nuôi được cảm hứng, cảm xúc thật bền, không đuối, không hụt, không cụt. “Tam trường” đó phải hiện ra thành kiểu tư duy trường ca. Không phải ai cũng có tư duy này! Người có tư duy trường ca thường phải xử lý thật biến hóa mối tương tác giữa những cặp đối cực sống còn này: cái bi - cái hùng, cái kì ảo - cái hiện thực, cái kì vĩ - cái đời thường, chính sử - huyền sử, tính tượng trưng - tính tả thực, tính hồn nhiên - tính tổ chức cao, cả đường bay - từng nhịp vỗ cánh…” [1]

Và nếu nhìn nhận theo cách đó, có thể nói một hồn thơ như Ngô Kha không thể không bén duyên với trường ca. Bởi “dòng sống” [2] thế kia chỉ thực sự thoải mái khi thỏa sức trong một hình thức phóng khoáng với một cấu trúc luôn mở thôi. Trường ca chính là một thể đầy hứa hẹn cho hình thức ấy, cấu trúc ấy. Đối với Ngô Kha, trường ca trở thành phương tiện đắc lực để giải tỏa nỗi niềm. Trường ca của ông đậm chất trữ tình, đẩy yếu tố tự sự ra phía sau. Đó là một dòng chảy lớn, trong bản thân tác giả chứ không chờ đến sự kiện bên ngoài tác động đến. Điều này cho thấy một trái tim nhạy cảm, một tạng người vốn rất dạt dào cảm xúc và dường như chỉ có trường ca mới có thể chứa đựng hết, làm thỏa mãn niềm khát khao bày tỏ của ông.

Lần đầu tiên đến với trường ca của Ngô Kha, người đọc sẽ thấy thú vị bởi những điều làm nên sự khác biệt đó. Tác giả không hề phân chia rạch ròi từng ý tưởng và thể hiện nó trong các đề mục mà thay vào đó là cách đánh số rất bình thường, tự nhiên và giản dị. Cả Trường ca hòa bình Ngụ ngôn của người đãng trí đều như thế. Đó cũng là lý do khiến cho độc giả lần đầu tiên tiếp xúc thơ ông sẽ có ngay những thắc mắc thú vị. Rằng đây có là trường ca chăng? Điều khiến ta chấp nhận nó là trường ca là ở tính khái quát, rộng lớn của vấn đề cần phản ánh. Trường ca hòa bình ngoài việc tác giả định danh ngay từ đầu là trường ca thì ta còn thấy ý nghĩa lớn lao của vấn đề mà Ngô Kha đặt ra. Còn với Ngụ ngôn của người đãng trí, đó còn là một vấn đề lớn cần nhận diện và bàn xét lại. Tuy nhiên, trên góc độ nhìn nhận của người nghiên cứu, có thể xem Ngụ ngôn của người đãng trí là một trường ca ở những khía cạnh sau:

Đầu tiên, tác phẩm có một kết cấu khá hoàn chỉnh mặc dù được viết theo lối thơ siêu thực. Xét về dung lượng, tác phẩm có tất cả 786 dòng thơ, được chia ra 8 phần không đều nhau. Điều đó phần nào cho thấy sự đồ sộ của tác phẩm này.

Điều thứ hai là nội dung sự kiện trong tác phẩm. Tuy tác giả không đặt tên và rạch ròi trong các sự kiện, nhưng nếu quan sát kỹ người đọc sẽ nhận ra bước đi trong tác phẩm này. Ban đầu thi nhân dắt ta lang thang qua những vùng trời khác nhau trong thế giới của mộng, của cõi hồng hoang nguyên thủy, của miền vô thức âm u huyền hoặc. Nhưng càng về sau, thi nhân đã rời dần thế giới ấy đúng như câu thơ đầu tiên mở đầu tác phẩm:

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
đọc diễn văn truy tặng người đãng trí


Đúng với tính chất một lời truy điệu, các phần về sau của tác phẩm cảm hứng của tác giả đã bắt đầu tiến gần đến thế giới thực tại. Chính vì “tự sát trong cô đơn nên chẳng bao giờ chết”, con người đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Kể từ nay, Ngô Kha không còn lang bạt trong thế giới của cô đơn mà thoát ra khỏi chúng, tiến vào cuộc đời thật, xuất hiện trong các “trận địa đường phố” để có Trường ca hòa bình sau này. Điều này có nghĩa tác phẩm không đơn giản chỉ là một cảm hứng bất chợt mà là mạch nguồn cảm hứng lớn, có cả những dự định và đi qua nhiều sự kiện để cuối cùng trở thành thành tựu. Nó vừa mang ý nghĩa biểu đạt của trường ca, vừa phù hợp với đặc điểm của thể loại này.

Không như các trường ca hiện đại thường có mặt yếu tố tự sự, anh hùng ca, trường ca của Ngô Kha cho ta thấy một sự khám phá mới trong cách thức biểu đạt cảm xúc. Đó như sự cải cách thể loại và là sự lựa chọn táo bạo của ông. Có thể nói trường ca của Ngô Kha là một điều vừa tự nhiên vừa đặc biệt. Sự kết hợp giữa lối viết của chủ nghĩa siêu thực với cách biểu đạt của trường ca làm tăng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm này. Bởi trường ca thường là thể loại tỏ ra phù hợp với những cảm xúc, những sự kiện lớn. Đi vào thế giới vô thức là một miền đất vốn hoang sơ chưa có nhiều người khai phá nên chứa đựng trong đó một trường khám phá. Chính vì thế thật không quá khó hiểu để lý giải tại sao Ngụ ngôn của người đãng trí lại mang dáng dấp của một trường ca. Nói là mang dáng dấp vì có lẽ bản thân tác giả cũng không có ý định viết nó như một trường ca, mà theo tiếng gọi của miền vô thức, theo mạch cảm xúc dâng trào, Ngô Kha đã bày hết tâm trạng của mình lên trang giấy.

Không giống với tính chất vốn có của trường ca, cũng như không giống như những trường ca hiện đại là tự sự và trữ tình kết hợp nhau, trường ca của Ngô Kha là một đường dẫn tự nhiên của miền ký ức đang rất lộn xộn, không thành hình thành chuỗi một cách rạch ròi. Cái gì đến với Ngô Kha cũng như một ngẫu nhiên, tự do như chính tâm hồn ông vậy. Không thể nói Ngụ ngôn của người đãng trí không có cốt truyện, không có mạch tự sự, mà bởi cái hỗn mang của miền vô thức làm xóa nhòa các ranh giới ấy. Có lẽ câu chuyện ngụ ngôn của Ngô Kha mang lại xa lạ quá không đủ sức cho ta nắm bắt. Đó vốn dĩ cũng là một cõi xa lạ với Ngô Kha, nên nói như Hàn Mặc Tử, càng đi xa càng ớn lạnh, bởi thế giới ấy “rộng rinh không bờ bến” [3]. Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một trật tự trong đó. Đó không gì khác hơn là trật tự vốn có trong chuỗi cảm xúc của thi nhân. Càng về các chương sau càng mang bóng dáng của hiện tại, của sự thật, không còn là cái mông lung xa vời nữa.

Bản thân trường ca là một thể loại khá đặc biệt. Nó cho phép diễn đạt tự do cảm xúc của thi nhân cùng những vấn đề có tính rộng lớn nhưng được đặt trong một cái khung khá cố định, nghĩa là phải theo một kết cấu chặt chẽ và hệ thống. Dựa vào đặc điểm đó ta thấy, Ngô Kha đã rất tinh tế khi chọn trường ca là thể loại sở trường sáng tác của mình. Trường ca tỏ ra khá phù hợp trong việc biểu đạt những cảm xúc dào dạt của thi nhân, nhất là đó lại là trợ thủ đắc lực cho lối viết tự do của chủ nghĩa siêu thực. Nó làm cho thế giới ấy càng mở rộng biên độ và giãi bày hết tất cả những cảm xúc từ miền vô thức của con người. Có lẽ chính sự khám phá và kết hợp táo bạo ấy đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho những tác phẩm của ông.

Không giống như một số tác giả khác khi viết trường ca thường đặt cái tôi của mình bên ngoài để cảm nhận và ngợi ca những vấn đề của xã hội, Ngô Kha viết trường ca trước hết là sự giãi bày nội tâm của mình. Chính ông là chủ thể tác động vào thế giới, mà không đâu xa, đó là miền vô thức của mình. Chính vì thế, tầm vóc sự kiện của tác phẩm phần nào phản ánh tầm vóc của vấn đề mà thi nhân đang thể hiện. Ta đặc biệt nhìn thấy điều này trong Ngụ ngôn của người đãng trí, biểu hiện một hành trình dài trong thế giới nội tâm của tác giả. Đó là cả một vấn đề nhân sinh không chỉ ám ảnh Ngô Kha mà còn ám ảnh tâm trạng chung của bao nhiêu thế hệ thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Khi “quê hương này thất lạc” thì đâu là chỗ đứng cho mình? Đó có lẽ là vấn đề lớn nhất, day dứt nhất mà lịch sử đặt ra cho họ, những trí thức ngày ấy mà cụ thể là nhà thơ của chúng ta. Kết thúc trường ca cũng là lời từ biệt với khoảng trời bơ vơ, mở đầu cho một ý thức dấn thân quyết liệt sau này.

Ta có cảm giác khi sáng tác trường ca, Ngô Kha không quá khó nhọc trong việc xây dựng cốt truyện, lập nên ý tưởng, mà đó chính là cái “dòng sống” đang trào dâng trong tâm thức nhà thơ và rất cần được bày tỏ. Nhờ vậy mà không khí, nhịp điệu phát triển của trường ca luôn sôi nổi, khẩn trương, hào hứng bất tận như dòng thác mãnh liệt trong tâm hồn. Chính vì thế, có một điểm khác biệt trong trường ca của Ngô Kha và những nhà thơ khác là không có sự phân chia sự kiện hay giai đoạn một cách rõ ràng.

Đúng như Chu Văn Sơn nói trong bài viết của mình, nếu ai chỉ biết chờ chộp được một ý tưởng, một dòng cảm hứng hay lượm lặt, lắp ghép những hình ảnh vào nhau thì không thể nào sống được với trường ca. Điều này cũng giống như người nào đó bắt ta làm việc gì mà bản thân ta không muốn, phải gượng ép hay chỉ làm qua loa cho có công thì khó thể nào thành tựu được. Trường ca là một cô nàng khó tính vậy. Đến với nàng phải bằng tình yêu, cảm xúc chân thật tiềm ẩn từ trong chính con người thì mới sống lâu dài với nàng được. Ngô Kha là chàng thi sĩ đã được nàng lựa chọn và trao cả cuộc đời cho ông. Trường ca vừa là người dẫn đường, vừa là nơi tựa gởi tâm sự sâu kín, vô tận của lòng ông. Họ đến với nhau một cách ngẫu nhiên nhưng không thể rời nhau, thấu hiểu, tương hợp và đắc dụng đến lạ kỳ.

Xuất bản ba tập thơ thì có đến hai tập là trường ca, Ngô Kha khá khéo léo trong việc lựa chọn thể loại làm phương thức biểu đạt chính trong thơ mình. Ông là người yêu chuộng sự tự do, nhưng không phải tự do vô lề lối. Muốn thế ông phải chọn cho những ý tưởng của mình một cái khung để khuôn chúng lại, như làm hàng rào cho khu vườn nhà mình. Việc chọn trường ca trong thơ Ngô Kha cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Đầu tiên ông chọn cho mình thể thơ tự do để sáng tác, thứ nữa là đến cách diễn đạt siêu thực. Đó là hai cái rất có lợi cho ý đồ biểu đạt nhưng cũng vô cùng nguy hiểm cho thế đứng của một bài thơ. Lúc bấy giờ ông chọn trường ca làm cái khung sườn tương đối để làm chỗ dựa cho những ý tưởng rất mơ hồ, hỗn loạn và tự do ấy của mình. Lúc bấy giờ, trường ca vừa là một sở trường, vừa đóng vai trò hỗ trợ rất đắc lực nhằm bảo vệ các ý tưởng ấy. Chính vì thế, trường ca của Ngô Kha vừa là một cấu trúc đóng kín nhưng vừa là một cái gì đó rất mở. Nếu ai quen với cách đọc truyền thống sẽ khó có thể chấp nhận đó là một trường ca, ngoại trừ tập Trường ca hòa bình tác giả đã đặt tên và làm giấy khai sinh cho nó. Đó vừa là một sự cải thiện về mặt thể loại nhưng đồng thời cũng cho thấy điểm độc đáo mà nhà thơ cài vào trong cấu trúc thơ của mình. Đó có lẽ là một dấu ấn đáng chú ý khi nghiên cứu về trường ca của Ngô Kha.

T.T.M.H
(SH287/01-13)


-------------
[1] Chu Văn Sơn, Thanh Thảo với trường ca, nguồn: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9431
[2] Chữ của Chu Văn Sơn.
[3] Chữ của Hàn Mặc Tử.
 







 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng
Không có cha... (24/01/2013)
Mình hót lên (18/01/2013)