Tạp chí Sông Hương - Số 288 (T.02-13)
Rắn thiêng xứ Ấn
15:51 | 07/02/2013

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

Ấn Độ là đất nước được biết đến như nơi ngự trị của rắn, ở đây rắn là linh vật được sùng kính thứ hai sau loài bò (Nandin). Bộ kinh Veda đã nhiều lần nói đến biểu tượng tâm linh này.

Rắn thiêng xứ Ấn

Rắn nổi bật bởi sự di chuyển bằng cách trườn nhanh, đặc điểm đáng sợ của da vảy, đôi mắt thôi miên và cú cắn độc. Rắn trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người và cũng là lí do để rắn thường là nhân vật chính trong nhiều huyền thoại và truyền thuyết. Chắc hẳn, rắn được thờ cúng với hy vọng rằng sự sùng kính sẽ làm cho con người được bảo vệ và không bị làm hại bởi rắn. Thờ cúng rắn trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh Ấn Độ, đặc biệt là ở khu vực nam Ấn.

Xứ Ấn quan niệm về rắn

Trong tiếng Phạn, rắn được gọi là sarpa, nghĩa là “sinh vật bò trườn” hay còn gọi là Naga hay cobra. Trong tiếng Hindu, rắn được gọi là Sanp. Người Ấn gọi rắn là Naga thường được miêu tả như là những con rắn hổ mang khổng lồ với những cái mang luôn bành ra khiêu khích, hay hình ảnh đầu người mình rắn rất kì dị. Chúng được xem là chúa tể các loài rắn có khả năng hóa thân thành bất kỳ người nào chúng muốn. Rắn sống nhiều ở Patala loka và thủ phủ của chúng, thành phố Bhogvati, nơi được mệnh danh là giàu nhất và đẹp nhất hành tinh.

Có rất nhiều niềm tin khác nhau về nguồn gốc của loài rắn. Niềm tin phổ biến nhất, theo các câu chuyện cổ tích Ấn Độ, rắn là con cháu của Kashyapa và Kadru. Văn bản Brahmanda Purana nói rằng, rắn là sinh linh được tạo ra từ nước, trong khi đó Linga Purana khẳng định rằng rắn được tạo ra từ những giọt nước mắt của thần sáng tạo Brahma, sau khi vị thần này nhận ra rằng ông không thể chỉ tạo ra duy nhất mỗi mình thần Hủy diệt Shiva.

Những thần rắn huyền thoại

Trong thần thoại Ấn Độ, có 8 vị thần rắn ưu việt nhất là Shesha, Adisesha hay còn gọi là Seshnaga, Ananta, Vasuki, Manasadevi, Astika, Kaliya, Padmaka hay còn gọi là Padmanabha và Kulika.

1. Shesha, Adisesha hay còn gọi là Seshnaga có nghĩa là “phần còn lại”, được người ta tin là được sinh ra từ những gì còn sót lại sau khi vũ trụ và con người được tạo ra. Seshnaga được tôn kính như là vua của loài rắn, nó có đến 1000 cái đầu tạo thành một cái đầu rắn khổng lồ. Người ta tin rằng Seshnaga phun ra ngọn lửa độc phá hủy tất cả các tạo vật vào cuối mỗi kiếp và được thờ cúng như là hiện thân của Vishnu.

2. Ananta, có nghĩa là “vô tận”, là một con rắn rất dài, vây quanh trái đất và do đó tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Với màu xanh đen, Ananta cũng được tôn kính như là hiện thân của Vishnu.

3. Vasuki, có nghĩa là sự thiêng liêng ngự trị, có màu xanh lá, bảy đầu của vị vua rắn được ví như là sợi dây thừng quấn quanh núi Mandara. Vasuki cũng là biểu tượng hoàng gia giống như Shasha và Takshaka.

4. Manasadevi, nữ hoàng của các loài rắn, là em gái của Vasuki. Nhân vật này được cho là có sức mạnh đặc biệt để chống lại nọc độc rắn và bảo vệ những con người bị rắn cắn trong suốt Chaturmasya Takshaka.

5. Astika, một nửa Bà-la-môn và một nửa Naga. Câu chuyện này có lẽ là một chuyện thần thoại của Aryan - Dasa xung đột và hội nhập.

6. Kaliya, con quỷ có 5 cái đầu rắn, sống ở những đoạn sâu của sông Yamuna, được tin là đã gặp gỡ với Krishna và bạn bè trong thời thơ ấu của mình. Cuối cùng, Krishna nhảy múa điên cuồng, phớt lờ cả chính mình, nhưng lại dành cuộc đời tuân theo lệnh của những bà vợ.

7. Padmaka hoặc Padmanabha là con rắn năm đầu, màu xanh lá, bảo vệ vùng đất phía nam.

8. Kulika, không được biết đến nhiều, có màu nâu sẫm, với hình trăng lưỡi liềm trên đầu.

Mỗi vua rắn được thờ cúng vào một ngày riêng trong năm. Ngoài thần Bảo tồn Vishnu, rắn còn có mối liên quan đến thần Hủy diệt Shiva. Ngài khoác một con rắn trước ngực, như sợi dây thiêng liêng của ngài. Những con rắn cuộn tròn còn tô điểm mái tóc, cổ và hai cánh tay. Vì lý do này, rắn được thờ cúng rộng rãi ở khắp nơi và đặc biệt là ở nam Ấn Độ, nơi mà Shiva được tôn thờ phổ biến hơn Vishnu.



Rắn ngự trị khắp Ấn Độ

Con rắn là đối tượng tôn thờ cực kỳ phổ biến ở miền nam Ấn Độ, nơi mà chúng được tôn thờ như là nguồn gốc của sự giàu có, hạnh phúc và danh vọng. Người ta tin rằng khi chúng đang tức giận vì sự thiếu tôn trọng, chúng sẽ nguyền rủa con người, dẫn đến bệnh tật, cái chết và sự mất mát của cải. Do đó, hầu hết các gia đình đều có đền thờ rắn ngay trong góc vườn, thường đặt dưới một gốc cây, gọi là cây Neem. Họ thường thờ hòn đá có khắc một con rắn trên đó. Những hòn đá tương tự có thể được tìm thấy dưới một cây lớn ở khu vực chung của làng, hoặc trong các đền thờ.

Trong thực tế, rắn được coi như là một phần gắn liền với tài sản, ví như những hành động chuyển giao đất đặc biệt đề cập đến con rắn của gia đình như là một phần của tài sản được bán. Rắn cũng được tin là linh hồn của người chết. Vì vậy, chúng được coi là tổ tiên đáng kính và được sự quan tâm đặc biệt trong buổi lễ Shradha. Nếu một người chết vì rắn cắn, người đó sẽ bị coi là có một cái chết không tự nhiên và không được cứu rỗi. Vì vậy, lễ Shradha được cử hành cho người đó ở Hatakeshvara thì mới được độ trì và sau đó người ta mới tin rằng người chết đó đã trở thành một linh hồn được cứu rỗi.

Về thời gian, ngày thứ năm của bất kỳ tháng âm lịch nào cũng được coi là tốt lành để thờ cúng rắn. Theo Bhav- ishya Purana, Kadru nguyền rủa những cậu rắn con của bà sẽ bị hủy hoại bởi lửa vì không tuân lệnh. Tuy nhiên Brahma đã giảm nhẹ những lời nguyền và đưa họ đến sống ở âm ty. Điều này xảy ra vào ngày thứ năm của tháng. Kể từ đó, cuộc sống của những cậu rắn con đã được tự do vào ngày thứ năm của tháng, ngày này được coi là tốt lành để thờ cúng rắn.

Ở Ấn Độ, lễ hội rắn được tổ chức tại các thời điểm khác nhau trong năm, tùy thuộc vào phong tục của từng địa phương. Các đặc điểm chính của việc thờ cúng rắn là tắm các tượng thần rắn bằng sữa, hoặc thỉnh thoảng là bằng máu. Người ta còn cúng sữa cho các tượng thần, hoặc đổ sữa vào các hang rắn. Chẳng hạn, lễ Nagapanchami, vào ngày thứ năm của lễ hội Craven, là một lễ hội rắn quan trọng. Vào ngày này, rắn được thờ để mang lại tri thức, sự giàu có và danh tiếng. Rắn được vẽ lên các tấm gỗ là hỗn hợp bột gỗ đàn hương đỏ. Những hình vẽ này được thờ cúng, dâng cúng sữa cho các thần rắn. Manasadevi cũng được thờ vào ngày này. Hương trầm, hoa, sữa, và bơ sữa trâu lỏng được dâng cúng cho vị thần, và những người thờ cúng ăn lá cây Neem, như là một thứ bùa bảo vệ khỏi bị rắn cắn.

Đặc biệt, một số thần rắn được cho là có sức mạnh để tăng cường năng lượng tính dục. Người dân Ấn tin rằng, các vị thần rắn có thể ban tặng đứa con trai cho những người phụ nữ thờ cúng tượng thần trong ngày thứ năm của Shravan.

Thờ phụng rắn vẫn tiếp tục được duy trì ở Ấn Độ và một số bộ phim đã rất thành công khi khai thác chủ đề hấp dẫn này với nỗi sợ hãi, sự ngưỡng vọng và mong muốn thực hiện những điều kỳ diệu. Đây là tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng của người dân xứ Ấn, đồng thời đã góp phần bảo vệ sinh vật nhiều giá trị thực tế và tâm linh như loài rắn.

L.V.T.G
(SH288/02-13)







 

Các bài mới
Hạt muối (25/02/2013)
Các bài đã đăng
Tết nhà quê (07/02/2013)
Xuân hoan ca (06/02/2013)
Xuân sớm (06/02/2013)