Tạp chí Sông Hương - Số 288 (T.02-13)
Màu cỏ trong tiết thanh minh
09:30 | 19/02/2013

MAI VĂN HOAN

Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

Màu cỏ trong tiết thanh minh
Ảnh: internet

Trong “Quốc âm thi tập” chỉ hai lần Nguyễn Trãi nhắc đến cỏ: “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi” và “Đìa thanh phát cỏ ươm sen”. Cỏ được Ức Trai dùng để ám chỉ bọn người bất tài, xu nịnh hay là thứ cần phải vứt bỏ. Nguyễn Đình Chiểu thì so sánh: “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Người đời vẫn thường dùng cỏ để mạt sát nhau “đồ cỏ rác!”. Ấy thế mà cái thứ cỏ rác, cái thứ không ra gì ấy vào tay Nguyễn Du lại rất có giá trị. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng cỏ như một phương tiện nghệ thuật hết sức linh hoạt. Khi thì nhà thơ dùng cỏ để nói đến thân phận hèn mọn: “Rộng thương cỏ nội, hoa hèn”. Khi thì nhà thơ dùng cỏ để diễn tả tâm trạng hoang mang: “Buồn trông nội cỏ dầu dầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. Khi thì nhà thơ dùng cỏ để gợi lên cảnh hoang phế: “Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày”... Ngay cả khi trong câu thơ không hề có một chữ cỏ nào người đọc cũng hình dung thấy cỏ: “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao. Chỉ tính riêng trong tiết thanh minh đã có đến bốn lần Nguyễn Du tả cỏ với những gam màu rất khác nhau.


Hàng năm, vào tiết tháng ba đất trời ấm áp mát mẻ, cây cối đâm chồi nẩy lộc. Tiết tháng ba cũng là dịp “lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Nguyễn Du diễn tả hết sức sinh động cái không khí náo nức, vui vẻ ấy: “Gần xa nô nức yến anh/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm...”. Để thể hiện sức sống mãnh liệt của mùa xuân và tâm trạng phấn chấn, háo hức của các “tài tử, giai nhân” nhà thơ đặc tả màu cỏ: “Cỏ non xanh rợn chân trời”. Có bản chép “Cỏ non xanh tận chân trời”, đẹp thì đẹp nhưng tĩnh quá, không thật phù hợp với khung cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. “Cỏ non xanh rợn chân trời” sống động hơn, tràn trề sức sống hơn.

Điều làm tôi hết sức băn khoăn là tại vì sao giữa một vùng “cỏ non xanh rợn chân trời” như thế trên mộ nàng Đạm Tiên lại: “Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”? Hay vì mộ Đạm Tiên không ai chăm sóc nên cỏ mọc loang lổ? Hay vì mộ Đạm Tiên “sè sè nấm đất bên đường” nên bị trẻ chăn trâu dẫm xéo lên? Một bạn đồng nghiệp của tôi quả quyết: đấy là cái màu mang tính tượng trưng do nhà thơ tưởng tượng ra cho phù hợp với số phận bất hạnh của người nằm dưới mộ. Tôi tìm đọc bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì chỉ thấy đoạn này Thanh Tâm Tài Nhân kể và thuật lại các sự việc chứ không hề tả cảnh như Nguyễn Du. Màu cỏ trên mộ Đạm Tiên đúng là màu do cụ Nguyễn Tiên Điền tưởng tượng ra. Song tưởng tượng của nhà thơ bao giờ cũng dựa trên một thực tế nào đó. Không thể giữa một vùng “cỏ non xanh rợn chân trời” như thế, mộ Đạm Tiên lại có riêng một màu cỏ? Nỗi băn khoăn ấy của tôi mãi gần đây mới được giải tỏa. Rất tình cờ, vào đúng thời điểm “tà tà bóng ngả về tây”, đi ngang qua nghĩa trang thành phố tôi chợt nhìn thấy cỏ trên các ngôi mộ loang lổ chỗ vàng, chỗ xanh. Thì ra đó là hiện tượng phản quang! Ở những chỗ có ánh nắng chiếu vào cỏ có màu vàng. Màu vàng của cỏ thực chất là màu của nắng. Phải chăng nhà thơ đã dựa vào hiện tượng phản quang để tưởng tượng ra màu cỏ trên ngôi mộ người xấu số? Và phải chăng cũng dựa vào hiện tượng phản quang mà Nguyễn Du đã biến đổi thêm một lần nữa màu cỏ trong tiết thanh minh? Đó là khi bóng đã tà. Nghĩa là mặt trời sắp lặn hắt vàng lên cả một vùng. Khoảng thời gian từ “tà tà bóng ngả về tây” đến “bóng tà” đủ để cho Kiều nghe Vương Quan kể về cuộc đời ngắn ngủi của nàng Đạm Tiên, vừa đủ cho Kiều khấn vái, vừa đủ cho Kiều “đặt cỏ trước mồ bước ra”. Trước mắt Kiều bây giờ là “một vùng cỏ áy bóng tà”. Theo chú thích của ông Nguyễn Thạch Giang: “Cỏ áy là màu cỏ úa vàng như màu cứt ngựa” (Truyện Kiều - Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976). Theo tôi, cần phải chú thích rõ hơn: Màu cỏ úa vàng trong câu thơ này là do hiện tượng phản quang. Thi sĩ Tản Đà cũng có câu thơ rất hay về hiện tượng phản quang này: “Trời tây ngả bóng tà dương/ Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha” (Thề non nước). Màu cỏ úa vàng trải trên diện rộng “một vùng” rất phù hợp với nỗi buồn man mác của nàng Kiều sau khi nghe kể về kiếp hồng nhan bạc mệnh. Nỗi buồn thấm đượm cả không gian, lan sang cây cỏ. Nguyễn Du đã lợi dụng hiện tượng phản quang, thay đổi màu cỏ để diễn tả tâm trạng nhân vật.

Cũng là màu cỏ trong tiết thanh minh nhưng khi Kim Trọng “Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi” thì chỉ thấy “Một vùng cỏ mọc xanh rì!” Cỏ bây giờ không xanh rợn chân trời, không nửa vàng nửa xanh, không úa vàng mà xanh rì. Xanh rì là màu xanh đậm và rậm rịt. Màu xanh rì của cỏ đã che khuất hết. Chàng Kim không thể nào tìm lại được hình bóng người đẹp giữa cái đồng cỏ xanh rì ấy.

Không chỉ tả màu cỏ trong tiết thanh minh, Nguyễn Du còn tả màu cỏ trong đêm mùa thu, khi Kiều trốn theo Sở Khanh: “Lối mòn cỏ nhạt màu sương/ Lòng quê đi một bước đường một đau. “Cỏ nhạt màu sương” hay chính nước mắt nàng Kiều làm nhạt nhòa màu cỏ?

Rõ ràng Nguyễn Du đã sử dụng cỏ như một phương tiện nghệ thuật hết sức mầu nhiệm. Cỏ qua ngòi bút thiên tài của nhà thơ biến hóa khôn lường. Màu cỏ vừa là màu không gian vừa là màu thời gian vừa là màu của tâm trạng. Chỉ riêng điều này, Nguyễn Du cũng xứng đáng là một bậc thầy. Các nhà thơ hiện đại sau này có những câu thơ khá hay về cỏ như: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” (Hàn Mặc Tử), “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” (Nguyễn Bính), “Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên” (Chế Lan Viên)... đều ảnh hưởng ít nhiều cách nói về cỏ hết sức độc đáo của Nguyễn Du.

M.V.H
(SH288/02-13)








 

Các bài mới
Hạt muối (25/02/2013)
Các bài đã đăng
Tết nhà quê (07/02/2013)
Xuân hoan ca (06/02/2013)
Xuân sớm (06/02/2013)