Tạp chí Sông Hương - Số 25 (T.5&6-1987)
Thuở hàn vi
11:04 | 11/04/2013

TRẦN THÙY MAI

Sau bốn năm du học, về thăm nhà hai tháng theo chế độ phép, bỗng nhiên Ba sinh một cái tật hết sức đáng buồn: ăn không biết ngon nữa.

Thuở hàn vi
Ảnh: internet

"Quái, ngày xưa anh thấy bún bò nó ngon kia. Lúc mới sang bên ấy, cứ nhớ về những món ăn của mình mà thèm quay thèm quắt. Thế mà bây giờ nếm lại, thấy chẳng ra làm sao cả! Hình như bây giờ cái gì cũng giảm chất lượng rồi thì phải!".

Quả cũng có như thế thật. Bây giờ vật giá tăng vọt, quán hàng nào cũng giảm bớt vật liệu, cho nên phở càng lúc càng ít thịt đi, mì thánh không còn ngọt mùi xương gà, các thức ăn ở nhà cũng bị ảnh hưởng bởi nước mắm đã được pha chế dở hơn xưa... Cái gì cũng "dổm" đi một chút, kém chất đi một chút. Thế nhưng Hồng - vợ Ba - lại cứ không chịu chấp nhận như vậy. Cô cứ muốn giải thích rằng không phải mọi thứ thay đổi, mà chính là anh thay đổi:

- Cũng là món canh cá nục nấu với thơm này, hồi trước bắc xuống em cho vào hai muỗng tiêu, anh khen nức nở. Bây giờ anh toàn kêu cay không ăn được. Chẳng qua vì cái lưỡi của anh bao nhiêu năm không quen dùng các thứ gia vị của mình thôi. Cứ y như Từ Thức về trần ấy.

Hồng nói đến Từ Thức về trần, là có ý hơi mát mẻ. Vì ngay mấy hôm mới về, trong lúc vợ chồng còn vui vẻ, đằm thắm ghê lắm, đang nói chuyện cũ, chuyện mới, chuyện bên Tây chuyện bên ta, còn mân mê lục soạn những món quà, Hồng đã thấy anh có vẻ gì đấy hụt hẫng, lạ lùng với mọi cảnh vật chung quanh. "Cứ như là trên trời rớt xuống!". Cô thầm nghĩ thế nhưng không nói ra miệng. Một hôm, anh bước xuống bếp, thấy chị lúi húi rán cá trên cái lò mùn cưa. Đảo quanh mắt một vòng, anh "chật chật" lưỡi, lắc đầu:

- Đi sang nước người ta một thời gian, về nhìn lại cơ ngơi của mình thấy mà ngán quá.

Vừa nói anh vừa nhún vai, cái cử chỉ nhún vai rất "Tây" mà trước đây Hồng chưa từng thấy ở anh. Nhìn lại cả người anh, rõ ràng là mọi cái đều lạ: mái tóc dài phủ gáy, bộ quần áo vệ sinh mặc nhà kéo phécmơtuya trước ngực, và cả cái phong thái khi nói, khi phát ra từng âm thanh, trong nó khang khác thế nào ấy... Hồng vốn là týp người duy cảm, nên tức thì lúc đó cô cảm thấy thoáng qua trong tâm hồn một cái gì thật khó tả. Lật xong con cá trên chảo, cô nói chậm rãi:

- Thế mà trước khi anh về, em đã cho bán hết sạch lợn gà, và quét vôi lại cái bếp đấy. Chắc anh cũng không còn nhớ trước đây bốn năm thì bếp nước nhà ta nó như thế nào?

- Kể ra thì anh vẫn nhớ - mới có bốn năm thôi chứ có lâu la gì. Nhưng sao hồi ấy anh thấy nó khang trang hơn bây giờ nhiều.

- Khi ấy mình thấy cái gì mà chẳng khang trang. Từ chỗ phải che mưa mà nấu ngoài hiên, gió thổi khói vào mắt cay xè, bỗng nhiên được cơ quan xây cho dãy bếp, mừng quýnh...

- À há! Có lẽ lúc ấy mới xây nên phong quang sạch sẽ hơn bây giờ nhiều.

- Nó cũng thế thôi, chỉ có con mắt anh bây giờ nó khác! Con mắt của Giu-li-vơ từ xứ khổng lồ về, nhìn thấy ai cũng là người tí hon cả ấy mà - Hồng mỉm cười tinh nghịch - cái gì cũng lụi xụi, kém chất, kể cả vợ cũng thế, bây giờ cũng kém "chất" hơn trước phải không?.

Ba cười xuề xòa và vỗ mạnh vào lưng vợ. "Không, không, bà thì kém chất đi một chút thật, nhưng cái chất cay độc thì xem ra còn đậm hơn xưa". Nói xong Ba cười ha ha rồi đi lên nhà. Hồng lườm theo, rồi cô cũng bật cười. Vẫn cái thói quen hay đùa bỗ bã như thế. Thâm tâm, cô hơi phật lòng, và hơi trách anh tí xíu, trong âm thầm, rằng sau một chuyến đi xa lâu thế mà anh chưa hề có câu nào để làm vừa lòng vợ. Tựa hồ anh nghĩ bàn là và nồi áp suất đã thay anh nói lên quá đủ tình cảm của anh với vợ. Thật là chán nếu anh nghĩ cô chỉ cần có thế...

Đến bữa ăn, Hồng dọn lên món cá rán và các thức ăn làm sẵn. Bé Tí ăn trưa ở trường mẫu giáo. Chỉ còn hai vợ chồng. "Ăn đi anh, cá trắm tát ở ao bác Kỳ, còn tươi lắm". Ba gắp một miếng, nhấm nháp, gật đầu rồi bảo:

- Ăn cũng được. À, cái món cá chiên, ở bên kia người ta thường tưới lên một thứ nước xốt đặc biệt, không phải là xốt cà chua như ở mình đâu nhé, ăn ngon lắm. Gì chứ cái món chiên thì ta không bằng họ được.

"Vậy thì mai em sẽ làm món kho vậy. Chắc là bên kia không có các món kho!" Hồng trả lời, giọng đã hơi mất kiên nhẫn. Trái với chồng, cô cảm thấy những bữa ăn ngon hơn hẳn bình thường. Nhưng, thiếu một lời động viên đang mong đợi, Hồng cảm thấy mất hứng thú, ăn qua loa cho xong bữa. Lúc thu dọn bát chén vào bếp, bỗng nhiên cô thấy mắt cay cay như vướng phải khói.

***

"Tại sao cô ấy lại bỗng dưng khó chịu? Hình như có một cái gì khang khác... Ngày trước cô ấy có ít nói và trầm ngâm như thế đâu? Có lẽ nào Hồng không vui khi gặp nhau sau một chuyến đi lâu như thế? Không, ngày ra đón mình ở sân bay, cô ấy và cả mình đều sung sướng biết bao. Và những ngày sau đó... Nhưng tại sao vẻ linh hoạt và thân yêu ở Hồng chợt tắt đi nhanh chóng, phải chăng những nhiệt tình ban đầu của cô ấy chỉ là giả tạo? Phải chăng trong bốn năm vắng mặt cô ấy đã không nghĩ đến mình? Điều gì đã xảy ra trong thời gian ấy?" Mặc dù tính vô tâm và hay đùa, Ba cũng bắt đầu thấy "cái gì khang khác" mà Hồng đã thấy. Những lúc Hồng đi vắng anh ngồi hút thuốc, nhìn theo làn khói bốc lên và nhiều câu hỏi hiện ra trong tâm trí anh. Tại sao Hồng lại từ chối không may mặc những thứ vải, áo anh đem về làm quà cho cô? Tại sao anh đã đem về một chiếc xe đạp mới và nhẹ như tên bay mà cô cứ khăng khăng đi làm bằng chiếc xe đạp cũ, chiếc xe lắp từ năm nảo năm nào, cặp dè đã xám xỉn đi và đạp cứ phải ì à ì ạch? Một trăm rúp học bổng một tháng đâu phải đã đủ cho mọi nhu cầu đời sống, của một người đàn ông ở Mat-xcơ-va. Chính vì nghĩ đến vợ con mà tháng nào anh cũng đã phải hạn chế đến tối đa những yêu cầu cần thiết trong sinh hoạt. Lẽ nào Hồng lại không biết thế? Nhìn cái xe cô ấy đi mà đến phát sợ...

- Này, em, sao cái giàn xe lại có hai chỗ hàn, trong thê thế này nhỉ?

- Mối hàn thứ nhất là hồi em đi mua gạo, nặng quá lao xuống ao, gãy giàn. Hồi đó anh đang còn ở nhà mà? Còn mối hàn thứ hai là bị xe hon da húc phải, hôm đó xuống dốc mà đứt phanh...

- Chết chưa! Đấy, xe mà kém chất là nó dẫn theo bao nhiêu cái nguy hiểm.

- Kệ, người kém chất đi xe kém chất chứ sao. Nó mới xứng.

"Lại bắt đầu "chướng" rồi", anh lẩm bẩm. Hồng bao giờ cũng vẫn là như thế, như cái ngày mới ăn ở với nhau: bướng bỉnh, nhạy cảm quá đáng, đôi khi hơi buồn cười. Bây giờ anh thấy vợ quá buồn cười, quá lố bịch. Tựa hồ như cô đang hờn mát, đang muốn làm mình làm mẩy với anh... Nhưng vì lý do gì mới được kia chứ? "Em không biết, ở xứ mình quen chiến tranh, nên nhân mạng con người nhiều khi chẳng ai xem ra sao cả. Hôm về, đi ngang cầu Chương Dương, anh thấy rành rành một chiếc xe buýt đã nổ bẹp hai lốp xe bên trái, vậy mà cứ cố lăn bánh cho bằng được! Ở nước ngoài mà có một cảnh tượng như thế, có lẽ lái xe sẽ bị đóng gông ngay!".

- Ừ, - Hồng phụ họa - bên nước ngoài thì cái gì mà chẳng hay hơn bên nước mình. Nghe nói bên ấy người ta ợ cũng thơm lắm phải không anh?

Câu nói của Hồng làm Ba khựng lại, nín thinh, kinh ngạc. Anh bị xúc phạm nhiều hơn là Hồng tưởng. Anh đã làm gì để cô nói anh nặng nề như thế. Bận rộn vì công việc, anh vốn lười suy nghĩ, phân tích trước những chuyện cư xử vặt vãnh giữa vợ chồng. Nhưng dù sao thì vợ anh cũng không nên thế, nói năng thì quá hơn mạ lị người ta, mà giọng thì cứ nhẹ nhàng như không... Vứt cái nhẹ nhàng ấy đi có được hơn không?

Thấy anh trầm ngâm, Hồng kiếm chuyện hỏi cho có chuyện:

- Thế là đến ngày đi người ta lại mua vé cho mình?

- Vé đã có rồi. - Anh đáp, giọng khô khan - Đi là phải mua vé khứ hồi chứ, mới chắc chắn chủ động được ngày về. Nhỡ có gì trục trặc phải ở lại luôn thì thực chết toi, nhỡ luôn ngày nhập học. Tác phong làm việc bên ấy...

Ba định nói tiếp "...không phải như bên mình" nhưng anh kịp ghìm câu nói lại "Hm... Hm… m" Hồng hơi hấm hứ một mình. Anh dùng chữ "Đi" và "Về" nghe sao chạnh lòng quá "Đi" Việt Nam và "Về" Matxcơva. Lẽ ra là phải ngược lại mới phải, ừ, nhưng bốn năm rồi, anh đã ăn, đã ở, đã sống bên ấy, quen nói năng cư xử theo những kiểu cách ấy, và mai đây sau đợt phép lại còn tiếp tục ba năm nữa... Anh đâu còn thường trú ở đây, chỗ thường trú của anh là một nơi khác, ở xa chỗ ở của Hồng hàng trăm ngàn cây số...

Hồng nhớ lại cái ngày anh đi... Đêm cuối cùng hai vợ chồng nằm bên nhau, cạnh đấy là bé Lan mới lên hai nằm quấn mình trong chăn. Đêm khuya, anh đã ngủ rồi, riêng Hồng vẫn còn thao thức. Hồng nghĩ đến những ngày tháng đã qua. Những nỗi vui mừng khi nghe tin chồng được gọi đi học. Những vất vả khi anh còn phải học một năm tiếng Nga trong nước. Những hôm hai vợ chồng cùng nhau đi sắm sửa chuẩn bị quần áo cho anh. Rồi Hồng nghĩ đến những lời đùa cợt của bạn bè chung quanh: "Sang Tây nhớ sống như Tây đấy nhé, yêu như Tây đấy nhé, chị Hồng có thông cảm không nào?" Ngày mai, sống ở nơi xa xôi, rồi ai biết cuộc đời ai ra sao? Rồi anh sẽ sống với ai, thường ngày gặp gỡ những ai? Anh sẽ đi vào một chặng đời mới, chị dù có muốn giữ anh cũng không được, chị không thể ràng buộc anh hơn nữa... Hồng muốn thức chồng dậy, muốn nói với anh: "Anh ra đi, em trả lại sự tự do cho anh, anh hãy tự chủ lấy cuộc đời anh, em không muốn mà cũng không thể... Chỉ xin anh đừng quên đứa con bé bỏng, làm việc gì anh cũng hãy nhớ đến hạnh phúc của nó". Nghĩ thế nhưng rồi Hồng lại lặng yên, thinh thinh nuốt hết những điều định nói vào đáy lòng. Bởi, bây giờ thì đã có gì đâu, sao mình lại khi không "bật đèn xanh", bắc thang cho người ta leo? Biết đâu chừng anh lại nghĩ là mình gợi ý cho anh một sự thỏa hiệp tương tự, để anh cũng lại "bật đèn xanh" cho mình! Thôi hãy im lặng để thời gian trả lời tất cả... Hồng nghĩ thế rồi khóc, rồi lại nhìn chồng, nhìn con rồi lại khóc lặng lẽ... Cô thấy rõ đây là phút cuối cùng gần anh, từ nay anh sẽ xa, xa lắc. Và bây giờ, quả thật anh đã về nhưng cô vẫn thấy xa xôi thế nào ấy...

- Này, em, hay là thời gian này em còn bận đi làm, anh tranh thủ đi một vòng vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, thăm các anh các chị nhé, ở nhà làm gì, hết đi ra rồi lại đi vào.

Câu nói của anh tắt nốt những đốm lửa cuối cùng còn bập bùng trong lòng Hồng.

- Vâng thì đi... Đi cho nó vui, tội gì. Với lại, trước sau cũng phải vào không có anh chị lại trách. Vào Quy Nhơn, anh nhớ nói chị Yến mua cho em mấy cân tôm khô.

- Ừ được thôi. Nhưng nhớ là khi về đừng bắt anh xơi tôm khô đấy. Mùi nó gờn gợn ghê thấy bà.

Hồng hơi lườm chồng "Tôm khô Minh Hải bóc vỏ lột sạch, không có mà làm món nhậu đấy chứ lại còn chê. Nói vậy thôi, chứ ai bắt dân Tây ăn mắm bò hóc mà lo!".

- Em cứ hay đùa, làm ai nghe được họ lại ác cảm với anh thì nguy. Chỉ vì anh thật thà, cái gì ngon thì nói ngon, cái gì dở thì nói dở!

- Vâng, vâng em biết rồi, xin anh - Hồng vừa gượng cười vừa xua tay. Và thế là anh lại đi... Mãi hai tuần trước hết phép mới trở lại.

Ba trở về bằng tàu hỏa, sau một chuyến đi khá nhọc mệt, nỗi nhọc mệt được nhân lên nhiều lần sau một thời gian bẵng đi không hề tiếp xúc với tình hình xe tàu khó khăn ở đất nước. Tắm rửa qua loa, anh kêu đói bụng, đói quá, hỏi xem có gì ăn không. Hồng đang chuẩn bị dọn cơm, bảo rằng tưởng tối nay chỉ có hai mẹ con thôi nên thức ăn sơ sài chẳng có gì.

- Kệ, thôi có gì ăn nấy đừng bày vẻ nữa. Anh ăn một tí rồi đi nghỉ ngay thôi.

Bé Lan huyên thuyên hỏi chuyện bố, còn Hồng thì xới cơm vào bát với nụ cười thường lệ - cái cười trầm lặng, nhiều ẩn ý mà cũng có thể là chẳng có ẩn ý gì. Rồi cả nhà bắt đầu ăn.

Cái gì thế này? không hiểu sao Ba ăn ngon quá, như chưa từng bao giờ ngon miệng như thế suốt mấy năm nay. Một, hai, ba bát... Liên tục, anh đưa bát cho Hồng xới và... tự nhiên cô thấy vui vui, ngộ ngộ, rồi cuối cùng bật ra cười...

- Mẹ ơi, mẹ cười gì thế mẹ?

Mẹ cười ba. Lâu nay chăm chút từng li từng tí thì chê mãi. Bây giờ về, thịt bạc nhạc chấm mắm thì lại ăn ào ào.

- Ừ, không hiểu sao cái thứ mắm này chấm thịt lợn ngon thế! Thú thực với em, từ mấy tháng nay, đến bây giờ anh mới thấy hứng thú với món ăn. Thế mới đúng phong vị quê hương cũng ghê thật! Lẽ ra em phải biết thế từ lâu mới phải.

"Ư hừ... Hồng lại vừa lườm nhẹ vừa mỉm cười - mắm nêm này, anh có nhớ hồi đi công tác Bến Hải, vào chỗ làm mắm của hợp tác, sau đó về anh toàn tuyên bố là không bao giờ dám đụng vào bất cứ thứ mắm nào, ghê lắm... Vả, từ hồi lấy em có bao giờ anh tỏ ra thích mắm đâu!"

- Ừ - Ba nhớ lại - hồi ở ngoài quê anh, cả nhà không quen ăn thứ này. Ngoài quê gọi là mắm chợp... - Ba bắt đầu triển khai câu nói, theo thói quen diễn giảng đã có từ ngày bắt đầu làm nghề dạy học - Khi nào có một đôi vợ chồng lấy nhau mà trông khập khiễng quá, ví dụ chồng già vợ trẻ, hoặc chồng đẹp, vợ xấu - chẳng hạn, thì người ta bảo "Thịt phay mà đem chấm mắm chợp". Sau ở với em, anh mới biết đến mùi của cái thứ này. Chẳng biết anh tập quen với nó từ bao giờ mà bây giờ có vẻ nghiện thế này nhỉ?

Hồng vỗ lên mớ tóc tơ của bé Lan:

- Từ hồi con bé này đau mắt chứ đâu. Anh có nhớ cái mùa đông năm ấy công chúa bỗng nhiên viêm phế quản rồi tiếp đến đau mắt không? nửa đêm nhìn lại mắt con thấy máu chảy đầm đìa, hai vợ chồng ôm chạy lên bệnh viện, dở khóc dở mếu! Chạy hết thầy hết thuốc ba tháng ròng, chỉ toàn ăn mắm cầm hơi chứ có gì đâu.

Ba nhìn con gái một lát, trong trí hiện về những chuyện đã từ sa lắc xa lơ thuở nào. "Mẹ ơi, rồi sau mắt con có lành không?". "Lành chứ, sao con hỏi ngớ ngẩn thế. Nếu không lành thì làm sao con lại nhìn thấy ba, thấy mẹ được". Hồng âu yếm trả lời. Bé Lan bẽn lẽn ngúng nguẩy hai đuôi sam ngắn ngủn. Bất giác Ba mỉm cười. Ngày anh đi, cô con gái lên hai còn bụ bẫm lắm, xinh lắm. Lúc anh về thì bé đã lên sáu, vừa sún hai cái răng cửa, người thì dài và gầy ngoẵng ra. Nói thực tình, hình ảnh đứa con có làm anh hơi thất vọng. Nhưng bây giờ, sau mấy tuần vắng mặt anh, hai cái răng mới con con vừa nhô ra, trông hay hay, dễ thương chi lạ.

Bữa cơm đã xong. Hồng dọn bát đũa xuống bếp rồi trở lên lau qua bàn ghế. Bé Lan bồng con búp bê Katia của bố vừa đem về tăng tăng đi chơi với các bạn láng giềng. Ba nhớ đến mấy hôm mới về, có lần Hồng đã hỏi vặn hỏi vẹo đôi tí về cái tên con búp bê này. Tại sao lại phải tên là Katia kia chứ? Ừ- Bây giờ Ba cũng thấy mình dở hơi thật. Tại sao lại phải cứ là Katia? Bây giờ anh thấy mọi cái đều vớ vẩn, trừ tiếng cười của con gái anh đang vang lên trong trẻo ngoài kia.

Thấy Hồng định quay xuống bếp, Ba bảo:

- Thôi ngồi chơi một chút đi em. Làm gì mà lúc nào cũng tất bật.

Hồng hơi ngừng lại, ngần ngừ, muốn rửa dọn cho xong nhưng rồi lại chiều chồng, ngồi xuống bên anh. Bắt đầu có ngọn gió mát thổi qua các hàng cây, và một chút trăng đã nhô lên sau nóc dãy nhà đối diện.

Hai vợ chồng ngồi bên nhau: Ba quàng tay qua vai vợ, lặng im nghe một điều gì đấy đang âm thầm khơi động từ dưới đáy tâm hồn.

- Mới đó mà nhanh quá em nhỉ... Nhớ hồi anh vừa làm hồ sơ đi học, con bé của mình còn nằm trong tã, chưa ngoẹo đầu qua bên này được...

- Cũng năm sáu năm qua rồi đấy anh...

- Ừ, thế mà anh thấy như mới đây thôi. Nhớ cái hồi sinh ra nó, em cao hứng thế nào mà lại chuyển bụng lúc hai giờ sáng, chẳng có xe cộ gì anh phải chở bằng xe đạp qua năm cây số đường dốc mà trời lại lạnh như cắt. Giữa đường em đau quá bám không vững, anh toàn đặt em ngồi thế mà đẩy xe đi bộ...

Hồng cười theo chồng. "Cái xe lắp hồi mới lấy nhau, ki cóp mãi mới đủ, phụ tùng thì chị em bạn bè mỗi người cho một ít. Bây giờ nhìn đến mỗi bộ phận là lại nhớ một người! Cũng may mà sức vận tải nó cũng ghê, lúc ấy ngồi trên xe em cứ nơm nớp sợ nó trục trặc một cái thì thực chết bỏ xừ".

Hai vợ chồng bất giác lặng yên... Cái xe bảy năm qua, bây giờ đã cũ lắm, đi giữa đường phố bây giờ, bên những chiếc xe đạp choáng lộn trông có vẻ gì cổ lỗ... Thế nhưng Ba lại bắt đầu thông cảm với vợ về cái việc khư khư không chịu bán tống bán tháo nó đi. "Em ạ, cái xe này là phải bảo quản thật kỹ, biết đâu sau này con gái mình trở thành một thiên tài thì người ta sẽ đưa nó vào nhà truyền thống đấy".

Hồng nắm tay Ba, bẻ gập từng ngón cho nó kêu lên răng rắc. "Thiên tài à? Em thì chẳng nghĩ được to tát như thế - Cô hạ giọng - Em chỉ muốn giữ nó lại để làm kỷ niệm thuở hàn vi".

Gió lại thổi mát rười rượi, và vầng trăng bắt đầu tỏa sáng. Ba nhìn Hồng, lần đầu tiên thấy vợ mình vui, dịu dàng, hồn hậu kể từ ngày về phép. Hồng cũng nhìn Ba và thấy anh dễ thương, dễ gần, thân thuộc lạ. Không rõ cái gì chợt phá tan cái màn ngăn cách lâu nay thế? Cô bỡ ngỡ nghĩ thầm. Chẳng lẽ lại là cái mùi mắm chợp?

Cứ thế, hai người ngồi bên nhau, cùng nghe trong tiếng cười văng vẳng của con ngoài xa vọng lại, những kỷ niệm của một thời tấm mẳn xa xưa...

Trại viết Suối Hoa 27-10-1986
T.T.M
(SH25/6-87)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Văn Cao (08/03/2013)