Tạp chí Sông Hương - Số 25 (T.5&6-1987)
Bản tường trần gần đúng với sự thật
15:23 | 05/07/2013

THÁI NGỌC SAN

Kính tặng anh T.L
và anh em TNXP ở Tây Nguyên

Bản tường trần gần đúng với sự thật
Minh họa: Bửu Chỉ

Khi thức dậy hắn có cảm giác như vừa bị một trận đòn nhừ tử. Căn nhà vật vờ trong ánh đèn dầu leo lét và còn bốc mùi nồng nặc của tiệc rượu đêm qua. Chung quanh hắn ngổn ngang những khuôn mặt vàng bệt rã rượi như xác chết. Hắn cố ngồi dậy không gây một tiếng động. Rồi, như một thằng ăn trộm sợ bắt quả tang, hắn lẻn ra khỏi nhà bằng cánh liếp cửa sau. Băng qua những lối tắt, hắn đi một mạch ra phía bờ sông. Sáng sớm sương ẩm ướt, dòng sông mờ mờ trắng xóa, nước chảy róc róc qua những ghềnh đá. Hắn đến ngồi trên một phiến đá dưới gốc một cây già, nơi trước kia hắn vẫn thường đến sau những lần mệt mỏi vì công việc. Nhưng bây giờ đầu óc hắn nặng trịch đến nỗi hắn tưởng có thể ngã vật xuống trôi theo dòng nước cuốn. Hơi sương lạnh làm men rượu đêm qua bắt đầu ngấm lại.

Ha! Ha! Ha! - Thằng Phùng-méo và đám lưu linh nổi lên những tràng cười ma quái vây chung quanh hắn - Này nhóc con, mày là một thằng ngu, một thằng ngu, mày biết không? Tụi tao hết đường đi mới lên đây, còn mày đến thân tàn ma dại như thế này mà chưa tỉnh ngộ sao? Cách mạng à? Cách mạng như lão Phiệt, lão Ấn đó à? Mày thử nói nghe bọn nó hơn tụi tao cái gì nào? Thằng ăn cướp, thằng đ. bậy, mày nói nghe bọn nó hơn tụi tao cái gì nào?

- Tụi mày im đi, im đi! Hãy để tao yên! Hắn muốn la lên nhưng cổ hắn nghẹn lại và cả người hắn chao đảo như bị người ta túm cổ xóc ngược và quay như chong chóng.

Ha! Ha! Ha!

Lũ chim rừng thức dậy kêu vang rộn làm hắn tỉnh giấc mê. Sương đã tan tự lúc nào. Chưa tới mùa mưa lũ dòng sông cạn trơ những phiến đá rêu ẩm, nước chảy vòng vèo như những con rắn. Hắn vốc từng bụm nước vả vào mặt. Nước buổi sáng lạnh như băng giá làm hắn rùng mình. Bỗng nhiên hắn thèm khát được đi theo tiếng chim, thèm khát về rừng, một thế giới hoang dã dữ dội đã kích thích hắn mãnh liệt những ngày thơ ấu u uẩn.

Rừng, rừng - nỗi thèm khát xốn xang của một tuổi nhỏ cô độc trong một căn nhà heo hút ở một vùng ven phía tây thành phố. Căn nhà đêm đêm hắn vẫn thường mơ thấy những giấc mơ kỳ dị. Căn nhà mỗi ngày hắn mỗi muốn đi xa khuất, muốn bay qua những đồi rú dại trước mặt để tới cái thế giới kỳ vĩ bí ẩn xanh ngắt cuối chân trời kia. Hắn muốn được ngủ một giấc không mộng mị giữa rừng cây bạt ngàn để xa khuất đôi mắt lạnh lẽo của mẹ hắn, người mẹ mà cho đến giờ đây hắn không hiểu được trong tận cùng trái tim của bà giọt máu nào hằng xao động, trong bốn đứa con của bà sự cưu mang nào làm cho bà đớn đau, những người đàn ông xa lạ đến trú ngụ từng mùa trong căn nhà của bà kẻ nào đã tạo thành nên hắn. Không! Không! Không ai trong những con người ấy là kẻ thân thuộc ; tất cả đều xa lạ. Tất cả, tất cả... hắn đều muốn thiêu trụi thành tro than trong những ngọn lửa hằng đêm hắn mơ thấy. Hắn muốn thiêu trụi tất cả, nếu không có một ngày...

Ngày ấy hắn đã chạy một mạch (không - hắn bay thì đúng hơn) trong mưa sương lạnh buốt ngày lập xuân từ căn nhà tù ngục của hấn đến nơi tập kết đoàn quân đi khai phá một vùng đất mới ở Tây Nguyên. Hôm ấy đúng vào ngày Quang Trung từ Phú Xuân xuất quân về chiếm Thăng Long. Một ngày tháng giêng kỳ lạ trong đời hắn, cả thành phố như bao phủ một màu trắng xóa. Nhưng hắn không hề thấy lạnh, mà trái lại, hơi gió tẩm sương buổi sớm làm cho hắn run lên trong lửa nóng của trái tim đang sôi. Trái tim hắn đã sôi lên từ hai hôm trước, khi tên hắn được ghi trong danh sách tình nguyện ở văn phòng chi đoàn phường. Thế là hắn bỏ nhà ra đi không một ai hay biết với hành trang duy nhất là cuốn sách mà hắn mê say. Cuốn sách ấy bây giờ chắc đã tan biến thành bụi rồi, cả các tên tác giả tiếng Nga hắn cũng không cách gì nhớ nổi (mà nhớ để làm gì?), nhưng nội dung của nó thì hắn có thể thuộc lòng. Mà chẳng có gì rắc rối đâu để không nhớ. Đó là câu chuyện đoàn thanh niên đầu tiên của Liên Xô đi khai phá vùng đất mới ở Xibêri. Câu chuyện đã gây cho hắn một ấn tượng duy nhất, cực kỳ mãnh liệt, kích thích nỗi khát vọng bị ức chế lâu ngày trong hắn bung ra như cây nấm gặp cơn mưa giông đầu mùa. Nhưng, thật lạ lùng, ngày ấy và cho mãi đến về sau này, cái ấn tượng bám rễ ăn sâu trong hắn chỉ có mỗi một những hình ảnh con người tốt đẹp; tuyệt nhiên không một hình bóng xấu xa nào trong câu chuyện kia còn lại trong tâm trí hắn. Mà những kẻ ấy đâu phải là ít - những tên lưu manh, xảo quyệt, những kẻ cơ hội thù địch, những thằng nhát gan, yếu lòng... từng ngày, từng giờ, từng phút án ngữ trên đường tiến lên xây dựng thành phố mới, trên vùng đất Xibêri xa xôi kia. Những kẻ ấy đôi khi còn nhiều hơn những người tốt, như những bụi rừng tai ga chằng chít. Thậm chí đôi khi chỉ ít thôi, chỉ mỗi một thôi (bất giác hắn nghĩ đến ông Phiệt, ông Ấn), một kẻ xấu thôi mà nắm quyền lực trong tay cũng có thể phun độc tố tác hại cả vùng đất. Hình bóng hai vị bí thư như hai bóng ma bắt đầu vần vụ hành hạ hắn. Hình bóng ông Ấn thì hắn dễ dàng xóa đi ngay bởi vì ngay từ ngày đầu ông ấy xuất hiện hắn đã bắt ngay được dấu hiệu của quỷ ma rồi. Đó là một cán bộ tổ chức của một xí nghiệp gỗ ở một tỉnh xa lắc cuối miền Trung mang tội hối lộ và tham ô, thay vì bị tước thẻ Đảng về ở tù, đã được cử vào "chi viện" làm bí thư. Dù sao ông ta cũng đã là ma rồi, có trở thành quỷ thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ có một điều hắn không cách gì hiểu nổi, một điều đáng lẽ ra là đơn giản thôi tại sao những của thừa, của thối như vậy lại được ném tới tấp vào các vùng dầu sôi lửa bỏng như xã P.? Mà những cán bộ gọi là chi viện như ông Ấn không phải là ít. Còn ông Phiệt là cả một sự đổ vỡ kinh hoàng trong cuộc đời hắn ; ông đã đóng vào đầu hắn một cái đinh định mệnh khủng khiếp. Cái đinh ấy mỗi ngày một khoét sâu, khoét sâu cho đến lúc trí óc non nớt của hắn không thể nào chịu đựng nổi, hắn đã phải hét tướng lên trong hội nghị chi đoàn xã: Ông là thằng ăn cướp của công, tham ô, tư lợi... Hắn hét xong mắt liền nổi đom đóm và ngã vật xuống bàn. Hắn ngã xuống không phải vì cái bạt tai bất ngờ của ông Phiệt, mà vì sự sụp đổ tuyệt vọng của toàn thân hắn, cuộc đời hắn. Bỗng nhiên hắn thấy căm thù cả thế giới, cả những bạn bè đồng đội cũ của hắn. Tất cả đều đã vỡ tan như các mảnh vụn thủy tinh. Một người như ông Phiệt gần nửa đời vào sinh ra tử khắp các chiến trường, đã bươn rừng cùng anh em hắn cắm những cọc tiêu đầu tiên trên vùng đất mới, đã ăn cùng hắn những chén cơm trộn muối với bụi đỏ đất ba dan, đã ôm hắn nằm ngủ những đêm dưới những mái lều sương ẩm... Mà bây giờ đây bị những con heo, thước gỗ, mảnh vườn dễ dàng nuốt trọng thì thật là tồi tệ kinh khủng. Con người ta không lẽ dễ dàng xấu đi đến như vậy sao? Không lẽ sự cao quý, vinh quang lại rẻ đến như vậy sao? Nghĩ đến đó trái tim hắn nhức nhối, đau buốt đến ngạt thở, hắn muốn kêu thét lên vang động cả cánh rừng, kêu thét lên như những con heo trong chuồng ông Phiệt nhiều đêm hắn nằm mộng thấy bị quỷ ma cắt tiết...

Đáng kiếp đời mày, đồ ngu xuẩn! Mày tưởng mày là anh hùng nhưng chính mày là một thằng ngu, một thằng ngu. Bây giờ nó tỉnh ngộ thì cũng muộn rồi, muộn hết rồi! Đột nhiên hắn muốn khóc, khóc thật to như ngày trước một lần bị mẹ hắn đánh một bạt tai vì có thái độ ngỗ ngược với người đàn ông mà mẹ hắn bắt gọi bằng dượng. Lần ấy hắn đã chạy băng qua những ngọn đồi và ngã sấp trong một bụi muồng gai sắc, rồi cứ thế hắn khóc rống lên to hơn cả tiếng nước chảy ồ ồ dưới chân suối đá, khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Đó là lần đầu tiên trong đời, kể từ khi có trí khôn, hắn đã khóc. Còn giờ đây hắn muốn khóc mà không thể khóc được. Trong đầu hắn cứ vang âm và hiện ra những hình ảnh và tiếng nói của những ngày tháng cũ, những ngày tháng thiên đường vĩnh viễn từ bỏ hắn, quỷ ma đã cướp đi của hắn. Hắn nghe vang động như mới hôm qua đây thôi, tiếng trống, tiếng loa ngày xuất quân trong điện Thái Hòa, trước bệ rồng vua chúa ngày xưa. Hắn thấy như mới hôm qua đây thôi hình ảnh thiêng liêng của anh Thái, vị trung tá già kính mến đã đi qua hai cuộc kháng chiến, nhận ngọn cờ từ tay đồng chí Bí thư thành ủy và phát lệnh cuộc hành quân thứ ba. Mới hôm qua đây thôi hắn có trong đoàn quân ấy với biết bao nhiêu mơ ước. Mới hôm qua đây thôi. Nhưng đã tan vỡ hết rồi! Mày là một thằng ngu, một thằng ngu…

Như một con sóc giật mình, hắn vụt đứng dậy nhảy qua những ghềnh đá, rồi cứ như thế nhắm mắt đi theo những lối mòn lá khô ẩm ướt. Có lẽ hắn sẽ không nhớ và không biết mình đã đi qua những đâu và sẽ đi đến đâu nếu không có tiếng ai đó gọi làm hắn giật mình. Ban đầu hắn cứ ngỡ là hắn còn mê sảng. Nhưng tiếng gọi mỗi lúc một to hơn và hắn nghe rất rõ người ta gọi tên hắn. Anh Bửu ơi! Anh Bửu ơi! Tiếng gọi vang dội cả rừng le, hình như của một người rất quen, nhưng hắn không ngoảnh lại. Đến khi nghe tiếng chân đến gần hắn bỗng hoảng hốt bỏ chạy. Giây rừng, ụ mối và những bụi le lún phún làm hắn vấp ngã nhiều lần, nhưng hắn không còn biết đau đớn. Hắn chạy mãi cho đến khi tiếng gọi mất hút tan ra trong gió buổi sáng...

(Trên đây là những giờ phút cuối cùng dựa ra của thằng Bửu, tôi đã suy diễn theo lời kể của một số người và những gì tôi đã biết về nó. Tôi đã gặp nó một lần ngắn ngủi để viết bài giới thiệu những kiện tướng đốn cây cho Đài Truyền thanh thành phố trong đợt công trường thanh niên xung phong làm lễ sơ kết đợt ra quân thứ nhất. Thằng bé 16 tuổi ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên và đó cũng là lý do thúc đẩy tôi phải trở lại xã P. để tìm hiểu về cái chết của nó. Nhưng tất cả những gì tôi đã biết vẫn không thêm bớt được gì cho vấn đề mà mọi người vẫn còn nghi hoặc. Còn thằng Bửu đã chết ra làm sao thì chẳng có gì để bàn cãi: 12 giờ sau khi nó chết, cán bộ y tế của huyện đã vào mổ tử thi và khẳng định nguyên nhân.

Vấn đề mà mọi người nghi hoặc là không biết thằng Bửu có gặp bọn phỉ hay không thời gian nó ở trong rừng và hắn có ý định giết ông Ấn, ông Phiệt như đã có lần nó làm với chủ nhiệm hợp tác xã gạch ngói? Nhiều người dù không nói ra nhưng tôi biết đều nghĩ rằng có lẽ thằng Bửu trở lại xã P. vì lý do ấy. Nó đã trở lại xã buổi chiều tối ngày hôm sau, nghĩa là đã ở trong rừng hai ngày một đêm. Hồi bấy giờ khu vực thằng Bửu mất tích là căn cứ địa của bọn phỉ, chúng đã về tập trung ở đó để phá các vùng kinh tế mới vừa được xây dựng đang đầy rẩy khó khăn. Theo lời kể của anh Trần, một người rất thân và cũng là đồng đội cũ của thằng Bửu, nó đã tới nhà anh lúc chạng vạng tối, người ngợm như xác chết. Ăn cơm xong nó bỏ đi và một lúc sau anh Trần mới phát hiện khẩu súng AK của anh dựng ở bên vách không còn nữa. Nó lấy khẩu súng để làm gì và nó đã đi những đâu trong suốt đêm tối mịt mùng ấy trước khi đến nhà một du kích và người nữ giáo viên, người mà hắn đã mang một mối tình câm đau khổ? Đó là câu hỏi mà cho đến nay không ai có thể trả lời.

LỜI KỂ CỦA ANH TRẦN, PHÓ CHỦ TỊCH, NGUYÊN BÍ THƯ CHI ĐOÀN XÃ.

Buổi chiều hôm trước xảy ra sự cố thằng Bửu đến nhà tôi. Lúc ấy đã chạng vạng tối. Trông nó như từ địa ngục đục lên, mặt, mũi, tay chân bị cào xước bầm tím.

Nó xuất hiện đột ngột làm tôi hốt hoảng bởi vì cứ tưởng là nó đã đi luôn. Hai hôm trước bà con đi bẻ măng bảo rằng có gặp nó ở chỗ rừng le, chỗ đó chỉ cách hang ổ của bọn phỉ một trãng tranh. Người ta đã đồn rùm lên là thằng Bửu đã đi theo phỉ. Bác Năm đội trưởng, một cơ sở tin cậy của tôi, tối hôm thằng Bửu ra đi cũng đến bảo nhỏ tôi như vậy. Bác là một người tốt và thương thằng Bửu như con cho nên bác dặn nhỏ tôi là không nên cho ai biết tin này. Nhưng lời dặn của bác Năm quá thừa vì hôm sau gần như cả xã ai cũng biết. Thời kỳ ấy do tình hình khó khăn bà con kéo nhau vào rừng bẻ măng hái trái như trẩy hội, mặc dù có lệnh cấm. Bác Năm gái và đứa con đầu cũng có mặt trong đoàn người ấy. Gia đình bác đến chín miệng ăn mà năm ấy mùa màng lại mất trắng do trận mưa đá. Hai mẹ con họ có thấy thằng Bửu. Họ gọi nó nhưng nó không nghe, chạy biến mất tích trong trãng tranh...

Năm ấy là một năm đầy tai họa. Thường khi chậm lắm đến tháng năm, là mùa mưa đến để thúc bón mùa màng. Năm ấy suốt cả hai tháng sương muối xuống, dày đặc và nắng gió khô khốc thổi bạt đất bụi làm cho mọi người sợ hãi. Mãi đến một buổi chiều gần cuối tháng sáu bầu trời mới chuyển động. Bỗng nhiên không khí đột ngột đặc quánh lại đến ngạt thở và mây từ phía rừng ùn ùn kéo tới. Cuối cùng cơn mưa đến. Những hạt mưa đầu tiên bắn tung tóe bụi đỏ bốc lên một mùi nồng nặc như cháy khét, rồi người ta chỉ có cảm tưởng như sấm giật bay tung những tảng đá bể vụn, rơi xuống ầm ầm. Mưa đá!

Thế là gần cả ngàn héc ta lúa đậu vừa gieo lại đợt hai gần tiêu sạch. Và bao giờ cũng vậy, cái đói đi liền với cái bệnh. Tiếp theo, một trận dịch sốt phát tác lây lan một cách khủng khiếp. Suốt ngày trên trục lộ chính những cái cáng võng trùm kín liên tục chạy ra huyện cấp cứu. Trong khi ấy, bên kia sông, bọn phỉ lại lúc nhúc hoạt động. Chúng đã đốt một trường học xã bên cạnh, thiêu cả bàn ghế sách vở của học sinh và thiêu luôn một cô giáo hai mươi tuổi vừa được chi viện. Người ta nghi rằng đám Phùng-méo ở cuối xã có liên lạc với bọn phỉ.

Thế mà thằng Bửu ở trong rừng đến hai ngày và những ngày cuối nó thường đến nhà Phùng-méo. Tôi đã cố gạt ra khỏi nghi vấn là nó đi theo phỉ như lời đồn, nhưng không có lý do gì để bào chữa. Bác Năm đã khẳng định với tôi rằng khi nghe tiếng đứa con bác gọi nó bỏ chạy, đến chỗ trãng tranh thì mất tích…

Tôi với thằng Bửu cùng với một số anh em khác là những thanh niên xung phong cũ mãn nghĩa vụ tình nguyện ở lại xây dựng xã mới. Trong số đó nó là thằng nhỏ nhất. Hồi ta đi nó mới mười sáu tuổi đang học lớp mười. Nó tình nguyện đi và tình nguyện ở lại gia đình nó không một ai hay biết. Đó là một gia đình đầy uẩn khúc mà tôi cũng chỉ biết mang máng rằng tất cả anh chị em của nó đều cùng mẹ khác cha. Nó được kết nạp Đoàn vào đợt đầu tiên của công trường dành cho các kiện tướng đốn cây. Hồi ấy nó là một thằng bé dễ thương gương mẫu, cả công trường không ai có thể chê trách được nó điều gì ngoài cái tính quá ít nói đến nhút nhát. Bởi vậy khi thành lập xã mới nó được cử làm phó bí thư chi đoàn phụ trách thiếu nhi. Thời kỳ nó phụ trách công tác nầy phong trào đội của xã rất nhiều lần được cả tỉnh và huyện biểu dương. Những bằng khen đó bây giờ còn treo ở trụ sở ủy ban xã.

Nhưng nếu tôi có đổ cho một vài lý do khách quan nào đó đã làm cho thằng Bửu đổi thay và hư hỏng cũng đúng thôi. Đó là hậu quả của một hoàn cảnh nhất định mà nó đã không thể vượt qua. Có thể bắt đầu từ câu chuyện căn nhà của ông Phiệt, bí thư thứ nhất của xã. Căn nhà đó hiện nay vẫn nổi lên nhờ một điểm son với ba gian gỗ lim, mái ngói, một khu chuồng trại và một hồ cá nằm ngay trong khu vườn một mẫu ở một vùng đất tốt nhất. Ông Phiệt đã xây căn nhà đó vào năm thứ hai làm bí thư của ông. Chính căn nhà đó đã in trên má thằng Bửu cả năm ngón tay của ông Phiệt. Sở dĩ ông Phiệt đánh nó vì trong một cuộc hội nghị chi đoàn thằng Bửu đã công khai lên án ông lấy gỗ của hợp tác và lạm dụng công của dân. Chính dấu ấn đầu tiên ấy đã phát sinh mầm mống bất mãn trong lòng một thằng bé nhiệt tình nhưng đầy mặc cảm. Và cả chúng tôi, những đồng đội cũ của nó, cũng góp phần thêm vào dấu ấn ấy bởi vì lúc bấy giờ đã không có ai bảo vệ cho nó, mặc dù tất cả mọi người đều đồng tình vấn đề nó đưa ra. Tuy vậy ông Phiệt là một người khôn ngoan, thức thời, ngay sau đó ông đã vội vàng làm đơn xin từ chức bí thư để nhận một chân cán bộ quèn trong một ban của huyện. Tiếp đến, cũng chỉ một thời gian ngắn sau, ông viện lý do sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình xin về hưu non. Mới đây ông ấy đã bị huyện ủy thu hồi thẻ đảng khi ban thanh tra lục lại những hồ sơ biên bản cũ không xác minh được lý do mất mát một số tài sản lớn do công trường thanh niên xung phong bàn giao lại. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng vấn đề đó hiện nay đối với ông Phiệt chẳng còn quan trọng gì nữa.

Vị bí thư tiếp theo lại càng tệ hơn cả ông Phiệt. Ông vừa đi theo vết xe cũ vừa bung phá lung tung. Ông chỉ khác ông Phiệt mỗi một điều là khi ông ra đi ông chẳng để lại gì ngoài một đứa con nay vừa đúng ba tuổi, kết quả của một cuộc gian díu bất chính với một người đàn bà không đứng đắn trong xã. Đó là tình nhân thứ ba và cũng là cuối cùng của ông ở đây. Không biết đứa con được đặt tên gì nhưng dân trong xã cứ quen gọi nó là "Cu Ấn" tên của bố nó, để nhớ lại vị bí thư một thời. Ông còn trội hơn ông Phiệt một điểm nữa là chẳng để lại tang vật nào về việc thâm lạm công quỹ mặc dù người ta biết rất rõ ràng những bộ xa lông, giường hộp mang nhãn hiệu tặng vật nơi này nơi kia đều chỉ một đường đi ra quê của ông. Còn ở trong xã ông sống như một cán bộ theo chủ nghĩa khắc kỷ, gia tài chỉ mỗi một cái giường đơn kê trong một góc trụ sở ủy ban. Cái giường ấy khi ông đi người ta thấy gỗ đã lên mốc do khí hậu ẩm ở miền núi vì chủ nhân của nó đã để nó lạnh lẽo, lâu ngày...

Trong thời gian này xảy ra một sự kiện đã đẩy thằng Bửu đến bờ vực thẳm. Đó là việc nó giết hụt chủ nhiệm hợp tác gạch ngói. Tay chủ nhiệm sống sót nhờ viên đạn A.K. bị thúi. Đến nay vẫn còn nhiều lời bàn cãi về nguyên nhân, trong đó tập trung là chuyện tay chủ nhiệm chọc ghẹo xúc phạm một nữ giáo viên trong xã mà nó yêu. Tất nhiên là nó chỉ yêu âm thầm trong bụng thôi. Nhưng cái lẽ đơn giản nhất không ai có thể bác bỏ là tay chủ nhiệm không chết là may. Y là một cán bộ trẻ, đẹp trai nhưng hách dịch và lăng loàn, phụ trách hợp tác gạch ngói của huyện xây dựng trên địa bàn của xã. Nhiều cô gái nhẹ dạ đã ôm hận về y. Trong hội nghị thi hành kỹ luật nhờ nhiều lá đơn của dân khiếu nại tay chủ nhiệm đã cứu thằng Bửu khỏi ở tù. Nhưng đối với nó mọi sự đều chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Từ dấu ấn năm ngón tay của ông Phiệt, nó đã phóng đi một ngọn lao không bao giờ còn có thể rút lại.

- Tại sao mày làm thế?

- Tôi tiếc là không giết được nó - đồ chó má!

- Nhưng mày làm thế thì được cái gì?

- Được ở tù, anh biết chưa? Tôi muốn ở tù!

Nó đã gào lên với tôi như vậy khi anh em du kích đưa nó đến nhà tôi từ cửa hàng hợp tác, nơi nó đến để giết tay chủ nhiệm. Và kể từ đấy nó bắt đầu sống lưu linh vất vưởng trong xã, tránh gặp tất cả những người quen biết cũ. Nó vốn được bà con trong xã thương mến. Bây giờ đây cả bọn xấu cũng vây lấy nó. Trong những ngày cuối cùng nó lại tấp với đám Phùng-méo, một băng đầy tiền án hình sự mà sau khi thằng Bửu chết chúng đã bị bắt đi cải tạo lao động.

Nó sống như thế cho đến khi bỏ vô rừng.

Đến bây giờ tôi cũng không nhớ làm sao khi nó đến nhà tôi lại ra đi với khẩu súng. Nó biến ra khỏi nhà sau khi ăn cơm xong lúc tôi xuống nhà dưới. Mãi một lúc sau tôi mới phát hiện ra khẩu súng tôi dựng bên vách không còn nữa. Tôi lạnh người đi khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra. Nó định giết ai? Ông Ấn? Ông Phiệt, đám Phùng-méo hay là giết nó? Cũng có thể nó sẽ giết cả tôi nữa, nếu nó đã gặp bọn phỉ. Nhưng tôi không biết phải làm gì lúc bấy giờ. Vào thời gian ấy ban đêm trời tối đen như mực không mấy nhà thắp đèn, biết tìm nó ở đâu? Cuối cùng tôi chạy sang nhà bác Năm đội trưởng. Và đó là một đêm dài nhất trong đời tôi, suốt đêm cứ chập chờn đợi nghe tiếng nổ...

LỜI KỂ CỦA MỘT DU KÍCH

Anh Bửu đến chỗ tôi khi gần sáng, người ướt đẫm, khẩu súng kéo lết bết dưới đất. Tôi hỏi anh lấy súng của ai,- anh ấy nói của anh Trần làm tôi yên tâm. Nhưng anh lấy súng của anh Trần làm gì? - Đi săn! Nói xong anh ngã vật xuống giường. Thấy anh như vậy tôi không muốn nói gì thêm, nhưng trong bụng cứ lo ngay ngáy. Tôi nghĩ đến chuyện anh ấy vô rừng hai ngày, rồi nhớ lại chuyện chủ nhiệm gạch ngói. Hôm anh ấy bắn tay chủ nhiệm có tôi ở đó, Từ đâu anh xộc tới lúc tay chủ nhiệm đang ngồi, tán phét trong cửa hàng hợp tác. "Ê, thằng mất dạy, tao sẽ giết mày". Khẩu súng A.K. lên qui lát cái rẹt. Nhưng "tạch" một cái - viên đạn bị thúi! Thế là chúng tôi ùa tới giật súng và lôi anh đi. Còn tay chủ nhiệm thoát chết hoảng hồn chạy một mạch ra huyện từ đó không trở lại. Chính vì vậy mà tôi lo khi thấy anh ấy cầm súng. Tôi nghĩ ngay đến chuyện có thể anh ấy định giết ông Ấn bí thư. Chỉ có ông ấy thôi, tôi nghĩ như thế và cũng không rõ mình có muốn điều ấy xảy ra không nữa. Nhưng rõ ràng bí thư như ông Ấn... Tôi nghĩ vơ vẩn cho đến khi ngủ thiếp đi. Khi tôi thức dậy thì không còn thấy anh ấy nữa. Chỉ lạ một điều là khẩu súng vẫn còn dựng ở bên vách. Hôm ấy là ngày thứ sáu, đúng phiên chợ của hợp ba trước cổng ủy ban. Tôi cần phải đi một vòng vì hồi đó tình hình khó khăn chợ búa rất lộn xộn. Lúc đến chỗ ngã ba tôi định rẽ vào cửa hàng hợp tác, bỗng nhiên nghe có tiếng kêu la. Ở dưới chân dốc một vật gì như con heo đang lăn lộn dưới đường mương tháo nước. Tôi chạy xuống cùng với những bà con đi chợ sớm.

Cái vật lăn lộn đó là Bửu. Lúc tôi vực anh ấy dậy tôi mới hoảng kinh. Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh hấp hối của một người tự tử. Chính anh ấy chết trên tay tôi sau cơn vùng vẫy như con cá tràu trên thớt muốn hất tôi bổ chúi. Trước khi chết hình như anh ấy muốn nói một điều gì nhưng nói không nổi. Mọi việc sau này mới được xác định là anh ấy uống thuốc: cái bọc giấy 20 viên délagin còn để tại nhà tôi. Cũng có thể là nhiều hơn nữa vì anh ấy rất quen chỗ trạm xá...

LỜI KỂ CỦA MỘT NỮ GIÁO VIÊN

Anh Bửu biết rất rõ mọi cửa ngõ nhà tôi nên buổi sáng hôm ấy anh tự mở cửa vào. Anh Nguyễn, chồng tôi, hồi đêm uống rượu đâu đó còn ngủ như chết. Tôi giật mình, thấy lạ. Anh bước đi như không vững đến cái ghế kê bên vách, sát cửa sổ, đối diện với tôi. Lúc ấy tôi mới tỉnh dậy còn ở trên giường. Hình như từ khi tôi đám cưới tôi chưa gặp lại anh ấy. Tôi định hỏi anh một câu gì, bỗng nhiên khựng lại khi bắt gặp đôi mắt của anh ấy: Đôi mắt trắng dã như có tia máu nhìn tôi trừng trừng. Tôi định thức anh Nguyễn dậy, nhưng miệng tôi mở không ra. Tôi không nhớ là bao lâu, có thể chỉ một chốc thôi, có thể là lâu lắm. Cái đôi mắt ấy... Cho đến khi cái bóng vật vờ nghiêng ngả của anh ấy khuất sau cánh cửa đầu tôi cứ quay như chong chóng rồi không biết gì nữa. Tôi mê sảng, mơ một giấc mơ khủng khiếp. Tôi thấy cả khu rừng bốc cháy trong một cơn gió vần vũ, còn anh Bửu thì chạy như điên như dại. Cả người anh bắt lửa như một cây đóm. Rồi bỗng nhiên chồng tôi xuất hiện và cả hai người quần nhau trong ngọn lửa không biết là ai đuổi ai. Một lúc sau anh Bửu ngã vật xuống. Anh Nguyễn xốc anh ấy dậy vác trên vai như vác con heo thui chạy hồng hộc về nhà tôi ném xuống bậc cửa. Tôi hét lên và tỉnh dậy. Căn nhà vắng tanh như nhà mồ. Anh Nguyễn đã thức dậy và đi từ lúc nào tôi không biết. Rồi tôi nghe tiếng lao xao ở phía Ủy ban. Sau đó anh Nguyễn đột ngột trở về mặt mày hớt hải không còn giọt máu: Thằng Bửu chết rồi!

GHI CHÚ THÊM THAY ĐOẠN KẾT

Tôi đến xã P cách gần ba năm sau cái chết của thằng Bửu. Bấy giờ là vào tháng năm, cuối mùa khô, buổi chiều đã bắt đầu có rãi rác những cơn mưa. Bắp những nơi gieo sớm đã đâm cờ cao ngút tận đầu người. Từ dưới chân đồi nhìn lên xã P. Hiện ra những mái nhà nhấp nhô trên một rừng xanh đậm cây lá. Suốt con đường từ huyện vào những chiếc xe ủi của một công ty cao su lớn ở miền Nam đang hùng hục mở rộng con đường để xây dựng một loạt nông trường kéo dài suốt năm xã kinh tế mới. Chương trình có lẽ nằm trong qui hoạch quốc gia đối với Tây nguyên thực hiện kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ hai.

Mộ thằng Bửu bây giờ đã xanh cỏ. Sau khi nó chết thời kỳ đen tối khắc nghiệt nhất cũng chấm dứt. Ông Ấn đã bị huyện ủy triệu hồi. Bây giờ nhiều người vẫn nhắc đến ông như người ta vẫn thường nhắc tới những chuyện lạ trong cuộc đời. Có người quả quyết rằng khi ra đến huyện ông liền bị còng tay và giải về quê cuả ông. Người thì nói ông chỉ bị tước thẻ Đảng rồi trả về đơn vị cũ. Nhưng người ta chỉ kháo nhau thế thôi để kích thích thỏa mãn tính tò mò. Nỗi tức giận và những lời nguyền rủa rất mau chóng tan đi bởi vì người ta không thể sống hoài với nó. Trước mắt còn biết bao nhiêu công việc phải lo toan. Anh Trần kể lại với tôi rằng sau khi ban thanh tra của huyện về thì một buổi sáng kia ông Ấn lặng lẽ rời khỏi xã. Những bà con đi làm rẫy sớm nhìn thấy ông lủi thủi trên con đường đất một mình như một cán bộ đi công tác xa. Còn ông Phiệt thì vẫn tồn tại với căn nhà của ông và, đúng như những lời dèm pha, đối với ông bây giờ chỉ có những gì nằm trong cái ô vườn một mẫu xanh tốt kia là quan trọng. Nhưng ông cũng không đến nỗi cô độc vì những loại người chỉ vì con heo của mình có thể cắt trụi vạt rau của người khác vẫn còn rải rác đây đó…

Thằng Bửu được chôn ở một gò mối cao trước cửa ngõ cánh rừng phía Tây. Ngôi mộ được đắp cao và chăm sóc chu đáo. Bà con trong xã đã thành lệ hễ đêm nào có người nằm mộng thấy nó sáng mai đều ra thắp nhang và vô đất cho nó. Mà người ta thường nằm thấy nó luôn vì rất nhiều người thương mến nó. Khi tôi đến vẫn còn những chân nhang của ai đó mới thắp, mụn than chưa tàn hết. Bà con còn mê tín cho rằng cây hoa pơlang trên đầu nó năm nào cũng ra hoa nhiều hơn và đỏ thắm hơn những cây khác. Trong toàn xã P. hiện nay vẫn còn rất nhiều cây pơlang cao vút cứ đến mùa là nở phực lên những chùm bông đỏ rực như ngàn bàn tay xòe lên trời. Đó là tặng vật thơ mộng của những thanh niên xung phong chủ nhân đầu tiên của vùng đất.

Và giờ đây, dù hai ngày thằng Bửu ở trong rừng vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù sao thì cũng hãy tha thứ cho nó bởi vì cuối cùng nó cũng đã trở về để được nằm xuống trên mảnh đất mà nó yêu mến.

Huế - Đắc Lắc, 84 - 85
T.N.S
(SH25/6-87)







 

Các bài đã đăng
Thuở hàn vi (11/04/2013)