LÊ XUÂN THÔNG
Vai trò của nhà Nguyễn với Phật giáo Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vốn đã là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời chúa Nguyễn, nơi hình thành sớm các đạo tràng với sự tu chứng của các bậc danh sư, và đặc biệt nhận được sự quan tâm hỗ trợ của triều đình.
Theo lưu truyền, sở dĩ nhà Nguyễn có sự trọng đãi đối với Phật giáo Ngũ Hành Sơn còn xuất phát từ hai lý do: Một là, liên quan đến cuộc trung hưng triều đại của vua Gia Long. Chuyện kể rằng khi đối đầu với Tây Sơn, Nguyễn Ánh có lần đã ghé núi Tam Thai, nghe sư thuyết pháp đã phát nguyện khi nào hoàn thành đại nghiệp (lập lại được vương triều) sẽ tô điểm lại nơi đây “huy hoàng tráng lệ”. Về sau, triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long bận rộn triều chính nên chưa thể thực hiện lời hứa ngày trước, nên đã di nguyện lại cho vua kế vị Minh Mạng giúp mình làm tròn đại nguyện. Hai là, liên quan đến một nhân vật của hoàng tộc đến tu chứng tại Ngũ Hành Sơn. Theo ghi chép của người châu Âu, đó là công chúa con vua Gia Long, chị vua Minh Mạng. Trong chuyên khảo Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn) của mình, A.Sallet cung cấp cho chúng ta những ghi chép của người châu Âu đến Ngũ Hành Sơn vào nửa đầu thế kỉ XIX về vấn đề này. Ông viết: “Kỷ nguyên an ổn đến với các triều đại vua Nguyễn. Một công chúa con vua Gia Long đến ẩn cư tịch mịch tại núi này”.
Riêng vua Minh Mạng đã có đến ba lần ngự giá Ngũ Hành Sơn, thăm thú chùa chiền hang động và ban thưởng hậu cho các tự viện, các chùa Tam Thai, Linh Ứng được ban sắc tứ, trở thành quốc tự của triều đình. Sử nhà Nguyễn cho biết: “Mùa hạ, tháng 5 Minh Mạng thứ 6, vua xa giá tam tuần. Ngày Mậu Tuất, thuyền ngự đến bến Hóa Khuê. Hạ lệnh xa giá lên Ngũ Hành, đến hai chùa Trang Nghiêm và Bảo Đài xem khắp hang động và các bi ký. Bảo thị thần rằng: “Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây”. Sau chuyến đi trở về, vua Minh Mạng đã lệnh cho tôn tạo Ngũ Hành Sơn, trong đó chủ yếu là xây dựng và sửa sang các chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách. Công việc đều do quan chế triều đình quản lý trông nom, gồm Thiêm sự Bộ Công, Liên Hòa Hầu Nguyễn Công Liêu, Hàn Lâm viện Thị độc, sung Hành tẩu văn thư phòng, Văn Đức Bá Vương Hưng Văn, Cai đội thừa biện ở Vũ Khố, Hiệu Tài Hầu Trần Văn Hiệu. Mọi chi phí đều do triều đình quyết định, dùng tiền, thóc ở kho Quảng Nam để chi trả. Đặc biệt, hoàng thái hậu cũng ban cho hàng trăm lạng bạc. Sự kiện này được Châu bản triều Nguyễn cho biết kỹ: ngày mồng 1 tháng 6 năm Minh Mạng thứ sáu “truyền phái Thiêm sự Bộ Công là Nguyễn Công Liêu, Lang trung nội tạo là Vương Hưng Văn trông coi việc tu bổ, cho xuất tiền kho Quảng Nam ba ngàn quan cùng với số tiền ba trăm lượng bạc của Hoàng thái hậu ban cho công trình tu bổ. Còn các thứ đồng, sắt, gạch, vôi nếu cần chi tiêu, chuẩn cho tư trình nha môn này cấp phát, xong việc tâu luôn một thể…” Do khối lượng công việc nhiều, chi phí lớn nên chỉ 20 ngày sau, ngày 20 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 6, vua đã truyền chỉ cho Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Thục nói rõ: “Nay nghĩ vì công trình khá lớn, truyền cho xuất thêm lúa kho dinh ấy phát giao 500 hộc cho nguyên phái viên Nguyễn Công Liêu và Vương Hưng Văn nhận lãnh chước lượng thuê cấp nhân công làm việc”. “Tháng 6 sửa hành cung và chùa miếu ở núi Tam Thai, tỉnh Quảng Nam. (Một sở hành cung “Động thiên phúc địa”, một chùa Tam Thai, một chùa Trang Nghiêm, một miếu Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, một chùa Ứng Chân, một miếu Tượng Thành, một chùa Từ Tâm và các sở cửa Vân Căn Nguyệt Quật, cửa Tam Quan, cửa Linh Quan, sơn phòng và nghi môn)”.
Ngày nay, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng (lúc bấy giờ gọi là chùa Ứng Chân) vẫn còn lưu giữ một số hiện vật được tạo tác trong thời gian này . Đó là hai tấm biển gỗ do vua sắc ban ghi tên chùa, một ở chùa Tam Thai, ghi: “Ngự chế Tam Thai tự”, một ở chùa Linh Ứng, ghi: “Ngự chế Ứng Chân tự”. Đặc biệt, chùa Tam Thai có một tấm biển bằng đồng hình quả tim, có tia lửa vòng quanh, thường gọi là “quả tim lửa”; mặt trước với những dòng chữ được in rập từ chính ngự bút của vua Minh Mạng, nội dung thể hiện sự tán thán, kính ngưỡng công lực vô biên của Phật tổ độ hóa chúng sinh: “Đức Như Lai của chúng ta đã đem Phật Pháp vô thượng ngự vào thế gian, mở rộng tế độ cho trời người, biến khắp mười phương hư không thường trú; Ngài đã làm thập đại công đức và đã dành phần lớn cho nước Nam ta”; mặt sau khắc dòng lạc khoản Minh Mạng lục niên cát nhật tạo, tức làm năm Minh Mạng thứ 6 (1825) vào một ngày tốt.
Bàn thờ Tổ chùa Tam Thai |
Ngoài hai chùa nói trên, còn các tự viện ở Ngũ Hành Sơn có được vua Minh Mạng ban cấp gì không thì không thấy sử liệu nào nhắc đến. Song, chúng tôi nghĩ rằng, vua Minh Mạng đã từng lưu lại ở động thiên Phước Địa (Ngũ Hành Sơn) đến bốn ngày, cũng đủ để cho thấy thái độ của nhà vua đối với Phật giáo Ngũ Hành Sơn là cởi mở, quan tâm và trong một chừng mực nhất định nào đó có cả sự nể trọng. Bởi lẽ, thời gian trên quá thừa để nhà vua ngự lãm cảnh quan, mặc dù đây đã là lần thứ hai hoàng đế triều Nguyễn xa giá đến Ngũ Hành Sơn. Chắc chắn nhà vua còn bận chuyện đàm đạo với các danh tăng và có lẽ, còn thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại đây.
Sau chuyến đi này, đúng 10 năm sau, tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua Minh Mạng trở lại Ngũ Hành Sơn. Sử nhà Nguyễn chép: “Khi trẫm bắt đầu ra đi, trước mặt đã vâng lời Từ Dụ, nên cúng 100 lạng bạc ở núi Ngũ Hành, vậy cho phát bạc ở kho Quảng Nam 100 lạng và trẫm cũng bố thí 1000 quan tiền, giao cả cho bố án để chi tiêu thay vào các tiết hằng năm, và ngày Thánh thọ đại khánh tụng kinh làm phúc để cầu Thánh mẫu Hoàng thái hậu ta sống lâu mãi mãi; dưới đến thần dân đều được khỏe mạnh vui vẻ”. Lần này Ngũ Hành Sơn không chỉ nhận được sự quan tâm của vua Minh Mạng mà còn cả ân huệ của bà Hoàng thái hậu Trần Thị Đang.
Tiếp sau vua Minh Mạng, Phật giáo Ngũ Hành Sơn vẫn nhận được sự ưu ái của các vua Thiệu Trị, Tự Đức và cả vua Thành Thái sau này. Đối với vua Thiệu Trị, ông nối ngôi ngày Bính Ngọ 20 tháng giêng năm Tân Sửu (1841). Sau lễ đăng quang tại điện Thái Hòa, ngày 16 tháng 2 năm Tân Sửu, vua đã xuống dụ tổ chức lễ trai đàn tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn để khao mừng. Nhà vua vẫn duy trì việc ban cấp kinh phí cúng tế cho các chùa Tam Thai và Ứng Chân theo quy chế chùa quan đã có từ tiền triều; mặt khác, quan trọng hơn, vua Tự Đức còn ban cấp ruộng đất cho các chùa trên để có thêm nguồn thu trang trải công tác Phật sự.
Trong mười mấy năm trị vì của mình, vua Thành Thái cũng ban những ân điển và vinh hạnh cho Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894), vua đã chuẩn y đề xuất của quan tổng đốc Nam Nghĩa được bộ Lễ tâu trình về việc tu sửa chùa Tam Thai và Linh Ứng; đến năm thứ 9 (1897) lại cấp cho kinh phí để tạo khắc lại các tấm biển ở các chùa. Cũng trong năm này, vua còn chuẩn cho xây dựng thêm một nhà ở cho vị tăng cang (chức phẩm cao cấp nhất của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ) mới được bổ nhiệm kiêm quản hai chùa Tam Thai và Linh Ứng. Đặc biệt, theo tấm văn bia chùa Linh Ứng lập năm Ất Mão Duy Tân thứ 9 (1915) cho biết, năm Thành Thái thứ 14 (1902) vua đã “đích thân ngự giá đến chùa Tam Thai, Linh Ứng để tổ chức trai đàn cầu nguyện”, đồng thời ban thưởng hậu cho thiền sư trụ trì.
Tổ chức, sinh hoạt Phật giáo Ngũ Hành Sơn dưới sự hộ trì của nhà Nguyễn
Là một trung tâm Phật giáo được nhà Nguyễn nâng đỡ, ngay từ thời Minh Mạng, việc gánh vác công tác Phật sự ở Ngũ Hành Sơn đều do triều đình lựa chọn và cắt đặt những danh tăng ưu tú. Vị thiền sư đầu tiên được vua Minh Mạng bổ về làm trụ trì chùa Tam Thai năm 1826, là Viên Trừng đại sư. Còn chùa Ứng Chân, vua Minh Mạng đã sắc dụ Chân Như đại sư giữ chức trụ trì. Đúng như nhận định của A.Sallet là “cách phân phối các thầy tu đến với các chùa không lệ thuộc vào ý muốn riêng tư mà vào các quy tắc trong các sắc lệnh của triều đình. Cấp bậc và danh hiệu của các thầy tu cũng như vậy”. Theo Ngũ Hành Sơn lục, thì sau một thời gian hai vị trụ trì đã “tăng mộ thêm 11 vị tăng chúng, tổng cộng là 17 người. Chùa Ứng Chân trụ trì 1 người, đại sư 2 người, tăng chúng 4 người”. Sau lần điều chuyển tăng sư trụ trì từ kinh đô Huế về quản lý, lãnh đạo tại Phật giáo Ngũ Hành Sơn nói trên của triều đình, trong suốt thế kỉ XIX, việc quản lý, điều hành sơn môn tại đây đều được lựa chọn từ những thiền sư tinh nghiêm giới luật, am tường khoa phạm chủ yếu tại hai quốc tự Tam Thai, Ứng Chân và ở khu vực Hội An. Điều đặc biệt trong việc tổ chức tăng chế ở Phật giáo Ngũ Hành Sơn là vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 7 (1895) triều đình còn sắc chuẩn thêm một vị tăng cang cai quản chung hai chùa Tam Thai và Linh Ứng. Trong khi, ở mỗi chùa vẫn duy trì chức trụ trì để cai quản riêng. Tăng cang được triều đình chuẩn cấp cho xây dựng nhà ở riêng biệt. Người đầu tiên được vinh dự này là thiền sư Ấn Lan - Tổ Huệ - Từ Trí, lúc bấy giờ đang giữ chức trụ trì chùa Linh Ứng.
Sinh hoạt của các sư tăng ở Ngũ Hành Sơn có thể nói là đạm bạc và khắc khổ, lấy sự tu chứng đạt quả làm mục đích để từng bước từ bỏ những giả hoặc của cõi đời ô trọc, giả tạm. A.Sallet miêu tả: “Các thầy tu tại núi này có cuộc sống giống như các thầy tu tại các núi cao khác, hay tại các hòn đảo trên sông biển, nhưng dầu sao thì cũng có chút ít đặc biệt do bởi khung cảnh núi non riêng của nó, và bởi sự thờ cúng được phân bố thể theo sự phân tán của các địa điểm thờ cúng”. Bởi vậy, những đệ tử thiền môn nơi đây “phải có tấm lòng sùng kính đối với sự huyền nhiệm cao sâu, cũng như ý tưởng dứt khoát từ bỏ mọi điều trần giới thì mới có thể dấn thân vào cái lam chướng của các hòn núi, và vào cái u buồn hoang dại, của một sự yên lặng gần như tuyệt đối ở giữa thế giới loài người”. Thực ra, trước A.Sallet đã có nhiều người Pháp, phần nhiều là quân nhân, đến viếng Ngũ Hành Sơn và đã có những ghi chép, nhận định về đời sống tu hành của các nhà sư nơi đây, nhưng có vẻ như thiếu một thái độ thiện chí và sự nhìn nhận tinh tế, nên lời lẽ của họ không mấy nhã nhặn, và quan trọng hơn là không phản ánh được sự thật.
Các nhà sư không chỉ trì giới, giữ phép tam quy mà nhất là các thiền sư đạo hạnh uyên thâm còn chăm lo đến việc hoằng pháp, dẫn dắt và đào tạo đệ tử, tăng chúng sớm giác ngộ, đắc pháp. Một trong những việc làm quan trọng là mở các giới đàn truyền giới cho tăng chúng. Ngũ Hành Sơn lục đã chép về cuộc lễ này như sau: “Trước đó một năm, thỉnh chư tăng các chùa định ước ngày họp bàn về việc mở đại giới đàn để tiến dẫn tăng chúng. Chư tăng đồng tâm hỗ trợ, sau đó, công bố cho chư tăng các chùa đều biết mà chuẩn bị chọn ngày. Trước lễ ba ngày, rước thỉnh chư tăng quang lâm đến chùa đã được định trước, cung thỉnh chư tôn an bài chức sự: một vị hòa thượng chỉ kỳ, một vị hòa thượng đàn đầu, một vị hòa thượng yết ma, một vị hòa thượng giáo thụ, bảy vị xà lê tôn chứng, bốn vị dẫn lễ, một vị tuyên luật sư, hai vị sa di thủ vĩ.
A.Sallet khi đến Ngũ Hành Sơn, thông qua lời kể trực tiếp của thiền sư Từ Trí, đã cung cấp thêm: khi tiến hành lễ, người ta đánh chuông gõ mõ ăn nhịp đều đặn; rồi đọc kinh; tiếp theo là nói về bổn phận của người tu hành; sau đó thì các người phát nguyện dự thi tiến hành cuộc thi. “Người ta đặt một hạt nhựa có mùi thơm tại một điểm được ấn định trên đầu và đốt nó, nhựa thơm bốc cháy (…). Sau hết là hòa thượng trao bằng cho thầy nào đã chịu đựng được ba vết cháy của ba hạt nhựa thơm, nhằm công nhận họ đã trúng tuyển để đảm nhận chức vụ thiêng liêng”.
Năm 1893, khai mở đại giới đàn tại chùa Chúc Thánh (Hội An), với sự chứng đắc của nhiều vị thiền sư danh tiếng đất Quảng, trong đó có Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Thiền sư Ấn Thanh - Tổ Đạo - Chí Thành lúc bấy giờ đang làm trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Giáo thọ A xà lê là thiền sư Vĩnh Gia (trụ trì chùa Phước Lâm Hội An), Yết ma A xà lê là thiền sư Chân Tâm - Pháp Tạng (trụ trì chùa Phước Sơn - Phú Yên). Những sinh hoạt Phật giáo như trên đã ít nhiều phản ánh mối quan hệ của các tăng sư giữa các nhà chùa, các địa phương khác nhau trong hoạt động hoằng dương Phật pháp. Mặt khác, nó cũng cho thấy uy tín, đạo hạnh của các thiền tăng Phật giáo Ngũ Hành Sơn.
Như vậy từ năm 1825, Phật giáo Ngũ Hành Sơn đã nhận được ân điển của vua triều Nguyễn, xây dựng và tu sửa các chùa chiền. Trong đó chùa Tam Thai và chùa Ứng Chơn là hai ngôi chùa được vua Minh Mạng ban biển ngạch sắc tứ, được triều đình liệt vào hạng chùa quan, trở thành quốc tự của triều Nguyễn. Vì vậy, mọi việc liên quan ở đây đều do triều đình bao cấp và quản lý. Triều đình đã ban cấp ruộng đất và tiền bạc để đảm bảo đời sống và sinh hoạt cho sư tăng cũng như tôn tạo các cơ sở thờ tự. Những ghi chép rải rác trong chính sử nhà Nguyễn cùng với truyền khẩu của các sư tăng ở Ngũ Hành Sơn và những đoạn miêu tả của A.Sallet khi ông đến khảo sát ở đây vào đầu thế kỷ XX, cho chúng ta một hình dung tối thiểu về kiến trúc cơ bản của các chùa Tam Thai và Linh Ứng lúc bấy giờ. Cả hai chùa đều có các công trình gồm nhà chính điện, nhà tổ và nhà tăng, riêng chùa Tam Thai có thêm cổng tam quan kiểu vòm cuốn có cổ lâu. Cổng này đến nay vẫn còn giữ được kiểu thức cơ bản. Song, có lẽ do sự biến động dữ dội của hoàn cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chùa chiền Ngũ Hành Sơn không còn được triều đình quan tâm như trước. Sự ảnh hưởng, hủy hoại của chiến tranh, tín hữu ly tán nên thiền môn cũng nhanh chóng rơi vào cảnh ngộ là nạn nhân của thời tao loạn, sự nghèo nàn và lạnh lẽo đã phủ một lớp dày lên những công trình là nơi đón vua một thuở.
L.X.T
(SH290/04-13)