ĐẶNG MẬU TỰU
Có những dự định rồi lần lữa mãi không thành. Có những việc tình cờ mà thành. Chuyện ảnh Nude của nhà nhiếp ảnh Nghệ thuật Thái Phiên tiếng tăm lừng lẫy, ra sách ảnh và trên mạng cũng đã quen với các tác phẩm của ông.
Nhưng để tổ chức một triển lãm mang tính chính danh thì đến hai năm rồi, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đứng đơn xin vẫn chưa được Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh cấp giấy phép.
Biết vậy để thấy rằng tổ chức triển lãm nghệ thuật dù tranh hay ảnh về Nude là còn khó ở xứ ta. Mới năm ngoái đây thôi, họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đã viết về tranh Nude với những lý luận sắc bén dẫn chứng từ truyện kim cổ đông tây, từ thời Hy - La cho đến bên tây bên tàu đăng trên số Đặc biệt Sông Hương tháng 6/2012. Thế nhưng ông cũng đành bó tay để bảo vệ cho các bức tranh nghiên cứu hình họa Nude của một kiến trúc sư họa sĩ ở TP HCM trong một cuộc triển lãm tranh hồi cố vào những tháng cuối năm 2012.
Nhớ lại Huế cách đây cũng khoảng 10 năm, một nhóm họa sĩ đã mạnh dạn tổ chức một cuộc trưng bày tranh Nude tại Gallery Sông Hương do họa sĩ Dương Đình Sang tổ chức ở địa điểm tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Cuộc triển lãm chỉ tồn tại được một đêm trước khi khai mạc. Rồi cách đây vài năm, có hai họa sĩ Huế xin tổ chức một cuộc triển lãm, trong đó có một họa sĩ vẽ toàn tranh khỏa thân, nhưng chưa đạt yêu cầu nên cuộc triển lãm đành chỉ có một người.
Ở Huế bây giờ hình như cái nhìn về tranh, ảnh Nude không còn lạ lẫm nữa rồi, vì quá quen với những tác phẩm thi thoảng xuất hiện trong một số cuộc triển lãm. Giới thưởng ngoạn tất nhiên khen là đẹp. Còn những người có thẩm quyền cũng không có ý kiến gì; có người bảo tranh này khó treo cho hợp với các phòng khách. Theo thiển ý, điều đó có nghĩa Huế không còn có ý phản đối các tác phẩm về Nude, nhưng với điều kiện phải đẹp và không phản cảm, thô tục, vi phạm vào Đạo Đức.
Những tín hiệu của sự có thể đã hé lộ nhưng để có một phòng triển lãm chất lượng thì cả một vấn đề. Chuyện tình cờ một hôm lai rai của nhóm anh em họa sĩ, đã bàn nhau làm một cuộc trưng bày tranh Nude trong dịp 8/3 tại Cà phê Tranh ở 43 đường Hải Triều, nhà của vợ chồng Đặng Mậu Triết (DAMA.TRY gallery; thế là việc chơi mà thành thật, phòng tranh được mở cửa vào chiều ngày 2/3/2013.
“Gợi” là tên của phòng tranh với 21 tác phẩm của 18 tác giả.
Mở cửa với chủ ý của anh em vì không phải triển lãm mà là cuộc chơi cho vui nên anh em không mời nhiều khách. Tất cả đến với nhau, mừng nhau ly rượu đầu năm nói chuyện phiếm, nhìn tranh bình phẩm và chuyện tếu với nhau thật vui.
Anh em bảo nhau 18 người ra quân lần đầu là sự bạo gan mạnh mẽ nên gọi đùa là thập bát la hán. Thật ra trong 18 người có một nữ, có người đã gần tuổi thất tuần, có người mới ra trường.
Bồng bềnh của họa sĩ Trần Xuân Minh |
Trong 21 tác phẩm có 3 tác phẩm Điêu khắc của 3 tác giả Trần Xuân Minh, Lê Ngọc Thái và Hồ Thanh Bình. Mỗi tác giả chỉ tham gia một tác phẩm; riêng Đặng Mậu Triết là chủ nhà nên tham gia 3 tác phẩm. Mặc dù gặp chung để chơi nhưng sự nhận định chung thì đây là phòng trưng bày tranh đàng hoàng có chất lượng nghệ thuật, trong đó giới chuyên môn cho là việc bình thường cần được xem như những cuộc trưng bày khác. Những người yêu thích tranh có cảm giác hết sức thú vị vì sự mới mẻ của tranh ở một quán cà phê như thế.
Nàng thơ và trăng của họa sĩ Phạm Đại |
Các tác giả đã thể hiện trong tranh của mình một sự tìm tòi ở chất liệu và cả tinh thần. Nhìn tranh của họ mới thấy sự trân trọng ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ, mỗi người mỗi vẻ. Phạm Đại với Nàng Thơ và Trăng. Trăng màu xanh lá non nằm nghiêng trên vai nàng lõa thể, Trăng và nàng đều nằm khuất trên khuôn mặt đầy hoa.
Chuyện dưới trăng của họa sĩ Đặng Mậu Triết |
Đặng Mậu Triết với Mùa nho và Dưới trăng thì đầy ẩn dụ, dưới ánh trăng xanh không rõ hình hài (Dưới trăng). Mùa nho thì một thân thể quấn tấm vải mỏng đứng lệch bên góc trái ở vườn nho xanh, một sự chờ đợi, thiếu vắng để được thanh thản, quân bình trong đời người.
Vắng của họa si Nguyễn Thiện Đức |
Tác phẩm Vắng của Nguyễn Thiện Đức, với nét phóng khoáng, người con gái đang ở góc trái của tranh đã làm lệch đi bố cục, một ẩn chứa sâu sắc trong ý nghĩa về một sự trống vắng. Nguyễn Tuấn với tác phẩm Thanh Tân và Đường nét năm Tỵ - tác giả đã dùng những nét lượn để tạo thành sự mềm mại nhưng không lộ rõ thân hình chỉ còn lại khuôn mặt mang tính tượng trưng, chừng ấy thôi cũng đã tạo nên sức sống.
Trăng nóng của họa sĩ Đặng Mậu Tựu |
Đặng Mậu Tựu với một người đàn bà nằm cùng cây đàn guitar màu đỏ, ngoài cửa sổ ánh trăng vằng vặc, tất cả như muốn nói trăng không lạnh mà trăng đang nóng lên. Trong Tắm trăng của Nguyễn Đức Huy, những hình hài thiếu nữ đều ẩn sau những hình thể tượng trưng nổi lên những khuôn mặt và những bộ ngực căng tràn sức sống; tất cả không lộ rõ hình hài, chỉ có vầng trăng khuyết lộ ra sự huyền ảo của tranh. Nguyễn Quốc Sơn với Trăng khuyết, lối phá cách với hai màu đen trắng một thân hình nằm ngang, những chấm phá sinh động, các màu trắng và nét chấm phá ấy đã gợi nên vẻ đẹp và lạ. Ở Trần Ngọc Bảy với Xuân thì và Nguyễn Ánh Dương trong Nude - lối tả thực với tay nghề vững vàng mạnh mẽ đã cho người xem thấy sự thoát xác của nhân vật nhưng điều khác nhau là sự sinh động giữa hai khuôn mặt hai nhân vật nữ đó cũng là tâm trạng.
Nude hồng của họa sĩ Đặng Thu An |
Đặng Thị Thu An với Nude hồng, nhẹ nhàng mây phủ trong màu bàng bạc lượn lờ một phần đường cong của thiếu nữ đã lộ ra nhè nhẹ đầy hư ảo. Tự khúc Xuân của Đoàn Minh Thuần với hai người trong và ngoài cửa sổ với màu xanh lục cây lá, đã gợi ra trong ý tưởng một khát khao về hạnh phúc. Ở Hóa thạch của Nguyễn Quang Hiệp, một thân thể lộ ra như thạch nhũ, tan chảy đã tạo nên hình hài, một đôi nhũ hiện lên trong vắt khép lại trên đôi tay che sự thẹn thùng. Vũ Duy Tâm trong tác phẩm Bay là muốn nhân vật hóa thân vào không gian để hình hài lẫn vào bầu trời, thoát khỏi trói buộc cuộc đời. Trong nắng của Lê Thanh Bình, người thiếu nữ tân thời với chiếc quần đùi và với ngực trần của cô; ở đó người ta thấy sự trong sáng nhưng đầy quyến rũ, cô đang ngẫm ngợi về một điều gì. Nguyễn Đình Dàng thì khác với nhiều người khi anh vẽ về “tạo hóa” đã tạo cho vẻ đẹp tự thiên của con người để sự sinh sôi cái đẹp luôn là mãi mãi, một sự gợi tả đầy cân nhắc và sâu sắc. Ở các tác phẩm điêu khắc Lộc của Hồ Thanh Bình với Tắm cát của Lê Ngọc Thái và Sức sống của Trần Xuân Minh đã tìm kiếm một cách diễn đạt mới trong điêu khắc. Đặc biệt với Trần Xuân Minh, tuy ít chuyên về điêu khắc nhưng anh đã tìm được ngôn ngữ rất lạ, rất gợi, là một tác phẩm đẹp.
Mười tám người đã bày một trận... vui; một cuộc thử, biết đâu đó lại là bắt đầu...
Đ.M.T
(SH290/04-13)