Tạp chí Sông Hương - Số 26 (T.7&8-1987)
Trở lại Phong Sơn
14:47 | 11/07/2013

NGUYỄN QUANG HÀ
                        

Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

Trở lại Phong Sơn
Đất trời xã Phong Sơn - Ảnh: internet

Phong Sơn quyết tâm sẽ làm hai việc có ý nghĩa. Một là điều hòa phân phối cho các gia đình chính sách thật tốt. Hai là xã sẽ trích ra một tấn rưỡi thóc, tặng cho năm chục thầy cô giáo dạy ở Phong Sơn, gọi là ăn cái lộc với nhau. Đùng một cái, nghe Phong Sơn mất mùa, trắng tay. Tôi với Tô Nhuận Vỹ vội vàng về thăm bà con.

Đúng cái lúc hạt lúa vừa no sức, uốn câu, thì bọ xít tràn từ trong rừng ra, hiềm ở chỗ, giống sâu này không ăn lá, ăn rễ, mà cắn ngay cổ bông lúa, hút hết nhựa chuyển từ dưới lên. Sữa trong hạt lúa teo đi. Có bông dài cả trăm hạt, chỉ đậu hai ba hạt. Dân Phong Sơn đổ ra đồng diệt sâu, bắt bằng tay, bằng vợt, bằng cả lưới cũng không xuể. Tổng cộng, cả xã bắt tới năm tạ bọ xít, mà mất mùa vẫn hoàn mất mùa. Đúng ra, theo kế hoạch, vụ này Phong Sơn sẽ giao nộp cả thuế, cả hai chiều cho Nhà nước hai trăm sáu mươi tấn. Vậy mà chỉ mỗi hợp tác xã Bắc Sơn vét kho, nộp cho Nhà nước được hai tấn.

Tôi hỏi:

- Vậy thì làm sao để sống?

Anh Bùi Xuân Hãn, Bí thư xã trả lời:

- Dân tôi quen lần hồi rồi. Và chắc huyện sẽ không bỏ. Cũng sẽ qua được tới vụ trái. Song, chúng tôi thấy yên tâm ở chỗ này: mất mùa lúa nhưng Phong Sơn được mùa tình cảm. Từ ngày bài "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm" ra đời đến nay, từ một xã gần như bị bỏ rơi, Phong Sơn đặc biệt được sự quan tâm của huyện. Bí thư, Chủ tịch Thường vụ, ủy ban về xã đều đều, nhất là các kỳ hội họp mít-tinh thì huyện về rất đông, Phó chủ tịch Trình đi bộ lên tận bản Thái xem xét tình hình. Còn anh Quyết, Thường vụ được phân công phụ trách Phong Sơn, không còn quan liêu như ông Đoàn xưa nữa. Quyết chân tình, năng nổ, về từng cơ sở đấu tranh, bàn bạc như một cán bộ xã thực thụ tâm huyết với phong trào. Không làm cũng không được với anh ấy. Anh coi, không còn cảnh thường vụ xoạc cẳng trên Hon-đa hống hách nữa- như chợt nhớ ra, anh Hãn gật gù - đồng chí Bí thư huyện ủy nói đúng: nếu không có sự đầu tư của huyện, Phong Sơn sau chiến tranh bị tàn phá nhường ấy không thể ngóc đầu lên được.

Phan Ngọc Châu, Chủ tịch xã trình bày kỹ càng hơn.

- Huyện cấp cho xã tám trăm nghìn đồng để tu sửa và thuốc thang cho trạm xá. Bảy trăm nghìn cho bệnh viện đa khoa. Đập nước khe Quao đã được khảo sát. Huyện đã ghi trong nghị quyết đầu tư cho Phong Sơn ba triệu rưỡi làm trạm bơm.

Bữa anh Lê Bá Tạo, Giám đốc Ngân hàng tỉnh về thăm Phong Sơn, thì đúng là mở lòng ra với nhau.

- Phong Sơn vất vả, nghèo khó thế nào tôi biết rồi. Bây giờ các anh cần gì ở Ngân hàng tỉnh cứ nói. Với tư cách Giám đốc, cái gì giúp được, tôi giúp.

Anh Châu đề nghị ngay:

- Xin anh cho mua chiếc máy kéo M.T.Z.

Anh Tạo gật đầu:

- Đồng ý.

- Đã có mười bảy máy bơm chạy than, xin cho thay bằng máy chạy dầu.

- Đợt đầu cho thay năm máy.

- Xin anh cho mua chiếc máy cày?

- Không. Địa hình Phong Sơn dùng máy cày ít hiệu quả. Các anh có 2.000 héc-ta đất, Ngân hàng sẽ đầu tư đủ sức kéo bằng trâu bò cho các anh. Và ở đây có nhiều cỏ, sẽ đầu tư thỏa mãn cho việc phát triển trâu bò đàn.

Chiều hôm ấy về làm việc với Ngân hàng huyện Hương Điền, anh Tạo chỉ thị:

- Ta không đủ sức giúp đại trà. Nhưng giúp Phong Sơn là một nghĩa vụ. Đây là tiền đưa thẳng từ tỉnh về. Các anh đừng bớt xén, đừng gây khó khăn gì cho họ cả...

Phan Ngọc Châu hôm ấy nói một câu đầy xúc động như chính lòng anh đang xúc động: "Phong Sơn được sống một ngày như trong mơ".

Cái hôm chủ nhiệm Thân đưa được chiếc MTZ về, cả làng, lớn bé già trẻ đổ xô ra, xúm quanh chiếc máy mới cứng, ai cũng ngỡ ngàng không dám tin rằng nó đã là của mình. Đến lúc chiếc MTZ ban đêm thì guồng nước lên đồng, ban ngày cày đất phăm phăm, xong cày cấy, nó lại làm công việc vận tải cho cả xã, thì lúc ấy, ai cũng tin rằng xã mình bắt đầu đổi mới...

Không khí ra quân làm thủy lợi của hợp tác xã Tây Sơn là không khí của lòng tự tin. Ba nghìn dân công dồn sức cho hồ Sen, các đường mương được mở mang, kéo dài. Nước dồn tụ và bắt đầu chảy theo sự hướng dẫn của bàn tay con người: Cho đến hôm nay có thể công bố một con số lạc quan: Tây Sơn đã trồng được tám mươi sáu héc-ta bạch đàn, dương liễu. Năm mười năm nữa, cánh rừng Tân Sinh này sẽ là một câu trả lời đầy ý nghĩa. Và công trình hồ sen mới đắp, tưới cả một trăm năm mươi tám héc ta lúa đồng xuân, Tây Sơn hầu như bỏ quên những máy bơm của mình. Tính ra, riêng vụ đông xuân, Tây Sơn đã tiết kiệm được khoản chi phí cho công tát nước là 560.000 đồng. Đó chẳng phải là nhân chứng của một ý thức mới đó sao?

Phong Sơn dám hy sinh của cải, tài năng cho những ý thức mới của mình. Chẳng vậy mà dân số trong xã: bảy nghìn khẩu thì đã có sáu trăm năm mươi liệt sĩ rồi.

Trong buổi nhận Huân chương, anh Nguyễn Văn Dự, một người có công trong kháng chiến đã nói rất cảm động:

- Ý chí đánh giặc của chúng ta đã từng như thế. Cũng những gia đình này, cũng những đất đai này, chẳng lẽ bây giờ dựng lại cuộc đời, ta không đùm bọc được nhau, không sát cánh cùng nhau, dìu nhau đứng dậy mà đi được sao? Cơ chi lại để cho đất này điêu tàn được?

Nhiều người nghe anh nói đã òa khóc. Hôm ấy trời mưa sụt sùi. Cả ngàn người ngồi dưới trời mưa không nhúc nhích. Đại biểu huyện ủy và ủy ban về cũng trần đầu dưới mưa...

Tôi cảm giác được rất rõ Phong Sơn đã mới, có cái mới. Còn việc lột xác, đâu phải ngày một ngày hai. Chắc chắn sẽ còn cụng đầu, biêu trán. Như việc Phong Sơn mua chiếc MTZ vừa rồi. Rất tốt. Dân phấn khởi. Nhưng nó đau lòng ở chỗ này: chủ nhiệm Đông Sơn phải ăn chực năm chờ, đi đi lại lại suốt sáu tháng mới lấy được máy về. Và đau lòng hơn nữa là giá tiền mua máy chỉ hết ba trăm năm mươi nghìn đồng. Còn số tiền chi phí cho tiêu cực, cái danh từ hiện đại của nó là: TIÊU CỰC PHÍ, đã lên tới 500.000 đồng. Số tiền này đổ lên đầu lên cổ ai? Nguy hiểm hơn là làm sao trình bày để dân hiểu cho, chấp nhận cho việc chi tiêu phi lý này. Chẳng biết bao giờ mới chấm dứt kiểu nặn hầu bóp cổ, kiểu cướp ngày như thế này!
 

Đường làng xã Phong Sơn - Ảnh: internet


Chuyện mới nhất là Phong Sơn chạy đi ủy ban kế hoạch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy xin quyết định mua ba chục tấn xi măng về xây kho, làm nhà tập thể cho giáo viên.

Ông giám đốc Xí nghiệp Long Thọ duyệt ký bán. Nhưng làm xong thủ tục thì giá xi măng từ mười bốn ngàn đồng lên mười tám ngàn đồng một tấn. Phong Sơn mất đứt 120.000 đồng.

Phong Sơn đi một bước, gặp một bước khó khăn như thế, có muốn ngóc đầu dậy, đâu có dễ dàng.

Làm thế nào để dân có miếng ăn từ nay đến vụ trái. Đất đang hạn, dầu chạy máy lấy ở đâu? Nếu lúa trổ, bọ xít lại tràn ra, lấy thuốc sâu đâu mà trị? Một việc cũng khá bức thiết là việc xây cầu kho cho Bắc Sơn. Không có cầu, Bắc Sơn như một hòn đảo, đi một bước cũng đò ngang cách trở. Lấy đâu vốn, lấy đâu nguyên liệu bây giờ?...

Chúng tôi đi quanh một vòng. Quả thật ở Phong Sơn còn nhiều điều phải nói tới. Mùa hoa mua đang nở rộ, thiếu nước, hoa héo queo thế kia. Cây hoang dại còn thế, cây lúa sao đây? Rồi bản Thái, một bản dân tộc ở vùng chiến khu cũ, 139 nhân khẩu, chục năm nay chưa có lớp có trường. Chính sách đối với đồng bào dân tộc, thế là sai rồi. Vậy mà Trưởng phòng giáo dục nói:

- Tôi không biết có cái bản dân tộc này!

Lạ chưa? nhân đây cũng nói thêm, hiện nay ở Hương Điền có một vạn em ở tuổi đến trường mà không có lớp học. Phòng giáo dục phàn nàn: Chúng tôi có hàng ngàn lớp, hàng ngàn địa điểm phải đến mà không có phương tiện. Phải chi chúng tôi là đơn vị kinh doanh chắc chắn có xe con rồi.

Rồi chúng tôi tới bệnh viện đa khoa của huyện cắm tại Phong Sơn. Có thể nói nó tiêu điều quá! Thuốc đã thiếu, giường chiếu lại èo ọt. Thầy thuốc và bệnh nhân không ra thầy thuốc và bệnh nhân. Nếu không được giới thiệu đây là bệnh viện đa khoa, thì không biết gọi nó là gì cho đúng. Tôi chợt nhớ tới cái bệnh viện đa khoa cũng của huyện đóng ở cây số 17, nó sinh sau đẻ muộn hơn nhiều, song nó khang trang sáng sủa, hoàn chỉnh một cách mỹ mãn. Sự khác nhau đó là cái gì? Chẳng lẽ lại giải thích rằng: Bệnh viện đa khoa của "đày tớ" phải tốt hơn bệnh viện đa khoa của "ông chủ" ư?

Ngay cái phòng Đảng ủy và ủy ban Phong Sơn đây, mười hai năm giải phóng rồi, vẫn vỏn vẹn dài có bốn mét. Trên lợp ngói nhưng bốn bề cài phên.

Thường vụ huyện ủy Hương Điền muốn gặp chúng tôi vào chiều mai. Từ ngày bài phê bình Hương Điền ra đời đến nay, huyện có ý trách chúng tôi. Liệu cuộc gặp này sẽ thuận hay nghịch?

Rất nhiều dư luận đến tai tôi. Nào là khi đại biểu xã Phong Sơn lên thăm Tạp chí Sông Hương về, một anh thường vụ huyện ủy mỉa mai: "Lễ phép gớm nhỉ, còn lên đáp lễ Sông Hương nữa kia đấy!" Rồi trong một cuộc họp cán bộ trong huyện, nhắc đến bài đăng trên Sông Hương, ông Bí thư đùng đùng nổi giận đến nỗi một Bí thư xã phải kéo tay ông ngồi xuống: "người ta phê bình ông nóng nảy quá, ông không nhận ra ư" và rồi lại có người nói ông Bí thư bảo "Tôi không tức thằng Hà mà tức thằng chỉ huy nó".

Thực hay hư chưa rõ, nhưng cũng phải thận trọng.

Tô Nhuận Vỹ thay mặt cho Tạp chí phát biểu khá thẳng thắn:

- Có người trong anh em chúng tôi cũng cho rằng nếu viết ông X, bà Y thôi, chứ nói toạc tên tuổi họ ra e Iần sau về huyện họ không tiếp. Còn Tạp chí chúng tôi cho rằng: vuốt ve nhau, nhàm chán rồi, nịnh nhau càng mất tư cách. Mục đích của chúng tôi là vì dân. Đó mới là điều lớn lao. Ý tưởng lớn của chúng tôi là như vậy...

Tôi có ý đợi ý kiến của Bí thư huyện ủy. Phải nói hôm nay ông mới khá thận trọng và dè dặt. Tuy nhiên cũng bộc lộ được những tâm sự.

- Khi bài ấy đăng, một số Bí thư huyện thị có hỏi "Sao thế?" Tôi đáp: "Ờ nó thế chứ sao?" Thật vậy, không có điều gì để nói lại với các anh cả. Tôi xác nhận bài ấy là tốt, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Thực trạng của Phong Sơn là vậy. Tôi cũng có nóng có ngang, anh Vỹ ít gặp, nhưng anh Hà gặp nhiều đã biết, song đó không phải cái bản chất của mình.

Chậm rãi một lát anh nói tiếp:

- Bữa nhân cuộc họp tỉnh ủy có tính chất liên hoàn giữa hai ban chấp hành cũ và mới tôi đưa chuyện Phong Sơn ra nói với anh Nhiệm, anh Thắng Phó bí thư và Bí thư tỉnh ủy "Việc Phong Sơn các anh biết hơn tôi. Vấn đề này đã đề nghị rất lâu. Nếu tôi có khuyết điểm thì các anh cũng có khuyết điểm, Đảng bộ cũng có khuyết điểm. Tôi chỉ là nạn nhân" Riêng với Phong Sơn, cũng phải nói cho sòng phẳng nó cũng ỷ lại lắm kia và bây giờ càng phải đề phòng tính chủ quan của nó nữa.

Giá mọi người, mọi lúc, mọi nơi đều chân tình với nhau như thế này thì quý biết mấy!

Trong diễn văn đọc tại kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa tám đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng phải kêu gọi lên "phải chăng khi đã có chính quyền trong tay, không ít người trong chúng ta thường nặng về sử dụng quyền lực, ra lệnh từ trên. Thậm chí có người coi việc phát huy dân chủ gây trở ngại cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung hạn chế vai trò của quyền lực".

Đã đến lúc phải hạ bệ hết những "ông quan cách mạng" ấy xuống, trả lại gấp cho mọi người dân quyền tự do, bình đãng ở đời có thế mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp của thời đại.

Tô Nhuận Vỹ đề nghị ngắn gọn:

- Không mở lớp ở bản Thái là sai đó anh.

Ông Bí thư nhận lời ngay:

- Sẽ cho mở lớp ở bản Thái.

- Đề nghị huyện quan tâm cái bệnh viện đa khoa.

- Chúng tôi vừa quyết định cho nó bảy trăm nghìn để tu sửa bước đầu rồi.

- Đầu năm huyện cho xã bảy tấn dầu. Họ đã xài vụ Đông xuân hết năm tấn. Số còn lại không thể đủ dùng cho vụ hè thu.

- Chúng tôi sẽ đầu tư tiếp.

- Trường cấp ba ở Sịa và ở cây số 10 quá xa, học sinh cấp ba Phong Sơn bỏ hết. Rồi sau làm sao có trí thức ở vùng này?

- Huyện đã quyết định chuyển trường cấp ba Hương Trà về cây số 17 rồi. Bước đầu thế đã.

Vỹ nháy tôi, tôi cũng tiếp tục đề nghị:

- Trong số 17 máy than cũ, ngân hàng đã giúp thay được 3 máy. Còn 14 máy nữa. Mỗi máy chạy than một năm ăn hết 3000 thùng than, 14 máy, vị chi 42.0 thùng. Cứ mỗi thước gỗ đốt được 6 thùng than. Như vậy là một năm, chỉ riêng 15 máy của Phong Sơn đã ăn hết

7.0 mét khối gỗ. Đó là sự phá rừng tàn bạo. Các anh nên thay máy cho Phong Sơn đi.

Phải phân tích thế mới thấy việc thay thế này là cấp bách. Chúng tôi chấp nhận sẽ có kế hoạch sao cho phù hợp.

Tôi nói tới việc thứ hai:

- Công việc trước mắt của Phong Sơn khá nặng. Song lực lượng cán bộ của Phong Sơn lại rất mỏng. Có thể tính trên đầu ngón tay được. Dĩ nhiên Bùi Xuân Hãn và Phan Ngọc Châu là hai con chim đầu đàn. Song chim cũng phải có bầy mới thành đàn được. Anh nên tính đến đội ngũ kế cận của Phong Sơn đi. Hiện nay, xã có một trăm hai mươi cháu đã tốt nghiệp phổ thông.Trong đó có sáu mươi mốt cháu là con em liệt sĩ. Các cháu đang sống lang thang. Lực lượng này là trí thức của xã chứ anh. Không tính tới, thật là một sự lãng phí rất lớn.

- Chúng tôi sẽ bàn với tổ chức lo việc này.

Tôi đưa ra yêu cầu khẩn cấp cuối cùng:

- Chúng ta đã bàn bạc và nhất trí với nhau rằng vấn đề số một của Phong Sơn là thủy lợi, là nước. Vậy thì đề nghị trạm bơm Dinh, các anh cho tiến hành ngay cho.

- Làm trạm bơm không khó. Chúng tôi lo nhất là điện.

Tôi đáp:

- Giám đốc Ngô Văn Đối là người luôn giương cao khẩu hiệu: ưu tiên điện cho nông nghiệp, mà anh Đối sẽ ủng hộ tuyệt đối, không làm khó dễ gì cho trạm bơm Phong Sơn đâu.

Điều tôi băn khoăn nhất là thế này: Phong Sơn như một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng đến mức trầm trọng nhất, đang ở trạng thái hạ đường huyết, bệnh ấy, trước hết phải đưa vào phòng hồi sức đã rồi truyền thuốc cấp tập cho nó. Trong khi đó, có lương y rồi đấy, nhưng thuốc thì đang thiếu, cấp nhỏ giọt và chắp vá khó lòng con bệnh mau hồi sức được.

Huyện không phải chỉ lo cho một Phong Sơn. Tôi đã đi khá nhiều ở vùng Hương Điền, hầu hết các vùng có công lao trong kháng chiến, các tên đất đều gợi lên những sự tích một thời, những An - Sơn - Nguyên, những Hòa - Linh - Chương, rồi Ninh - Hòa - Đại, tất cả đều như cùng một số phận Phong Sơn, cũng rất cần huyện quan tâm tới.

Đó là một gánh nặng thật sự, mà Phong Sơn phải biết để cùng đặt trách nhiệm tự lực cho mình thế nào đó để cùng tự cường. Đội ngũ Phong Sơn còn chệch choạc, làm thế nào tập hợp được lao động, để biến sức mình thành sức mạnh của một phong trào. Huyện đầu tư những cán bộ có tầm chiến lược cho

Phong Sơn là điều rất tất yếu, để không ăn xổi ở thì, để mỗi bước đi đều chắc chắn, tin cậy.

Tôi phải ghi ngay vào đây một tin rất vui, Phan Ngọc Châu vừa mang tới, là khi tôi đang viết những dòng cuối này, huyện đã chuyển thêm dầu cho xã, Ngân hàng chuyển tiền cho bệnh viện đa khoa, đoàn cán bộ giáo dục đã về xã lo mở lớp ở bản Thái, tổ chức huyện và xã bàn về đội ngũ kế cận, ngoại thương huyện chuyển về trợ cấp cho xã 17 tấn gạo và bán cho xã tám tấn xi măng, hai tấn thép làm cầu cho Bắc Sơn... Thật là những dòng tin giờ chót ào ạt, đầy hy vọng. Không tin sao được.

Tôi hỏi Châu:

- Lúa vụ trái ra sao?

- Đã xanh mơn mởn rồi - Châu đáp.

- Liệu bọ xít có đe dọa không?

Châu không trả lời. Chính anh cũng đang lo.

Mới hôm qua, tôi hỏi một cán bộ nông nghiệp:

- Đành bó tay trước bọ xít ư?

Anh bác ngay:

- Sao lại bó tay?

- Mất mùa đó thôi?

- Bọ xít khỏe, lại có cánh, xuất hiện bất ngờ. Bơm thuốc chỗ này nó bay đi chỗ khác. Nếu đủ thuốc trừ sâu, đánh đại trà, ào ạt quay lại mà diệt, có chạy đằng trời. Anh thở dài - đằng này có đủ thuốc trừ sâu đâu mà công kích kịp thời.

- Sao? Thế thì thuốc trừ sâu ở đâu? Ban dịch vụ cây trồng huyện, Phòng Nông nghiệp huyện, hay Sở Nông nghiệp tỉnh, hay Bộ Nông nghiệp phải lo toan đây? Ai là người phải chịu trách nhiệm.

Tôi biết Phong Sơn đã quyết tâm đứng dậy đấy. Nhưng đứng dậy được thật không dễ dàng. Thắng cái chủ quan của mình đã khó. Thắng cái khách quan kia, ngẫm ra lại còn khó khăn hơn rất nhiều.

6-1987
N.Q.H.
(SH26/8-87)






 

Các bài mới
Tâm hồn (16/08/2013)
Bức tường (13/08/2013)
Đêm ngâu vào (08/08/2013)
Các bài đã đăng