Tạp chí Sông Hương - Số 293 (T.07-13)
Từ dấu mốc 30 năm thành lập, tiếp tục giữ gìn bản sắc Huế, tôn vinh các giá trị đích thực, cổ súy những trào lưu sáng tác mới
09:31 | 25/07/2013

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

(Diễn văn của TBT Tạp chí Sông Hương trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập)

Từ dấu mốc 30 năm thành lập, tiếp tục giữ gìn bản sắc Huế, tôn vinh các giá trị đích thực, cổ súy những trào lưu sáng tác mới
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Thưa anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đang cùng tề tựu về trong khung trời xứ Huế.

Hôm nay, Tạp chí Sông Hương long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên cũng là 30 năm thành lập. Đây là dấu mốc hết sức quan trọng và đầy kiêu hãnh đối với một tờ tạp chí, bởi lịch sử báo chí ở Thừa Thiên Huế cho thấy, từ khi có nền báo chí quốc ngữ đến nay, Huế chưa bao giờ có một tờ tạp chí tồn tại dài đến 30 năm, ra được gần 300 số báo và sẽ còn phát triển hơn nữa như Tạp chí Sông Hương. Đây cũng là dấu mốc thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh nhà qua các thời kỳ.

Kỷ niệm 30 năm thành lập, Tạp chí Sông Hương xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến sự giúp đỡ động viên của các cấp lãnh đạo, các anh chị em văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đã kề vai sát cánh cùng Tạp chí trong suốt 30 năm qua! Tạp chí cũng xin thắp nén nhang tri ân những người đã luôn song hành cùng SÔNG HƯƠNG song giờ đã vĩnh hằng...

*
Một ngày hè tháng 6 năm 1983, trong niềm khao khát không khí đổi mới trong văn học nghệ thuật của chính đội ngũ người viết và công chúng, Tạp chí Sông Hương số 01 được ấn hành và ngay lập tức, được bạn đọc khắp nơi đón nhận.

Thư Sông Hương số đầu tiên đã viết: “Từ nơi đây, như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ. SÔNG HƯƠNG sẽ chuyển đến các bạn những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu, phê bình, những cuộc mạn đàm về văn học, nghệ thuật và văn hóa, cùng trang văn học nước ngoài nằm trong tầm quan tâm của mỗi chúng ta. Tạp chí phấn đấu là tiếng nói văn hóa, văn nghệ chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”.

Sông Hương lúc ấy, với tài năng và tâm huyết của những người làm tạp chí tiên phong, nhận được sự cộng tác của những cây bút tên tuổi hàng đầu đất nước, sự đón đợi của công chúng trong một thời điểm mà nền văn hóa đọc phát triển, tất cả đã làm cho Sông Hương vượt khỏi biên giới của một địa phương vùng Huế để đi vào thế giới văn chương Việt bằng một vóc dáng tự tin, đầy bản lĩnh trí tuệ. Từ diễn đàn Sông Hương, nhiều vấn đề lớn của văn hóa nghệ thuật nước nhà đã được đàm luận, nhiều tác phẩm kinh điển được công bố, nhiều khuynh hướng sáng tác mới được khuyến khích, nhiều cây bút được phát hiện và ươm trồng, nhiều cánh cửa văn hóa nghệ thuật thế giới đã được mở ra...

*
30 năm qua, trong lòng bạn đọc, trong trái tim của nhiều người cầm bút, Tạp chí Sông Hương bao giờ cũng là một tờ tạp chí có uy tín hàng đầu, với nội dung và hình thức có chất lượng. Về sau này, dù gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường và xu hướng văn hóa đọc ngày càng xuống thấp, Tạp chí Sông Hương vẫn luôn giữ cho mình một vị trí toàn quốc. Bởi lẽ, Sông Hương biết vượt thoát không gian địa lý, và mạnh dạn tổ chức không gian tư tưởng, không gian văn hóa nghệ thuật của riêng mình.

Sông Hương thu hút được sự góp mặt của nhiều thế hệ cầm bút, tạo ra một không gian viết đa thanh, nhiều đợt sóng. Những cây bút tên tuổi góp sức làm nên văn hiệu Sông Hương có đủ các thế hệ trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại: từ Tiền chiến, sang thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thế hệ sau 1975, sau Đổi mới 1986, và đương đại.

Nếu lần giở lại, chúng ta sẽ thấy Sông Hương có một đội ngũ cộng tác viên vô cùng hùng hậu, với những tên tuổi lừng lững như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Tài Cẩn...; những cây bút tiền chiến như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Văn Cao, Tế Hanh...; những tên tuổi của thời kỳ dựng xây đất nước như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Trần Quốc Vượng, Vũ Quần Phương...; những tên tuổi của phong trào đô thị miền Nam như Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Dương Kỵ, Trần Quang Long, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Võ Quê...; những tên tuổi từ chiến trường chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ngọc, Thanh Hải, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Thanh Thảo, Lâm Thị Mỹ Dạ...; những tên tuổi của thời kỳ Đổi mới và sau Đổi mới như Trần Độ, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Trần Thùy Mai, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Phạm Tấn Hầu, Inrasara, Đỗ Lai Thúy, Trần Hạ Tháp, Nguyên Quân, Việt Hùng, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Trần Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vy Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Lê Huỳnh Lâm, Đinh Thị Như Thúy, Đông Hà, Lê Tấn Quỳnh, Nhụy Nguyên, Lê Vĩnh Thái...; những tên tuổi mới đến như Phan Tuấn Anh, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Quang Huy... Cùng với những tên tuổi ấy, các tác phẩm họ gửi đến cho Sông Hương xứng đáng tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Những tên tuổi nghiên cứu văn hóa Huế và Việt Nam cũng đã xuất hiện rất nhiều trên Sông Hương: GS. Nguyễn Hữu Đính, Phan Ngọc, Phan Thuận An, Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Tấn Phan, Hồ Vĩnh, Nguyễn Văn Dật, Trần Đình Sơn, Nguyễn Hữu Thông, Đào Hùng, Trần Đại Vinh...

Một dấu ấn hiếm thấy mà Sông Hương đã làm được là sự kết nối những người cầm bút trong và ngoài nước. Hiện tại, Sông Hương đang có mạng lưới cộng tác viên quốc tế khá rộng từ các nước Cộng hòa Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Nga, Thụy Sỹ, Áo... Có thể nhắc đến các tên tuổi của GS. Cao Huy Thuần, Võ Quang Yến, Đặng Tiến, Bùi Minh Đức, Võ Hương Lan, Trần Kiêm Đoàn, Khế Iêm, Biển Bắc, Nguyễn Đức Tùng, Thái Kim Lan, Đỗ Quyên, Trần Thiện Đạo, Nguyễn Dư, Hồ Đăng Định, Linhda Lê, Hiệu Constan... Không chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mà còn chính các cây bút người nước ngoài cũng tham gia...

Cùng với thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số đang là xu thế tất yếu của đời sống nhân loại, Tạp chí Sông Hương đang chú ý một xu thế viết toàn cầu hóa và đang góp sức kiến tạo điều đó. Đó là lý do mà gần đây, Tạp chí Sông Hương đã chủ động tổ chức các chuyên đề về văn học Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức... Trên con đường mà sớm muộn gì văn chương Việt Nam cũng sẽ phải đi, việc chủ động những bước chân càng sớm, sẽ tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao trước công chúng bạn đọc trên hành trình phụng sự cái đẹp.

Từ khi Tạp chí Sông Hương ra đời đến nay, với các giá trị của mình, Sông Hương đã luôn mang đẳng cấp của một tờ tạp chí có tầm toàn quốc. Sông Hương vui mừng vì đóng góp được cho Huế một địa chỉ văn hóa sang trọng; điều đó làm cho nhiều người Huế, đặc biệt là những người con Huế ở phương xa luôn lấy đó làm niềm tự hào.

Không dừng lại ở việc chú ý chăm lo tổ chức nội dung và hình thức, từ cuối năm 2008, Tạp chí còn mạnh dạn tổ chức bốn chương trình văn hóa xã hội:

Thứ nhất, Chương trình Phát triển Không gian văn hóa: Chương trình này nhằm tổ chức các diễn đàn để tạo bầu không khí sôi động về sinh hoạt văn học nghệ thuật - nghiên cứu văn hóa tại Huế. Chương trình đã tổ chức các buổi trao đổi “Thơ Huế thế hệ tôi”, tổ chức tọa đàm Thơ đến từ đâu với sự góp mặt của hàng trăm văn nghệ sĩ cả nước... Đặc biệt là Tạp chí đã tổ chức thành công Gala Tinh Hoa - Sông Hương để tôn vinh Nxb. Tinh Hoa, Nxb. Âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại Huế từ những năm 1940. Nxb. này đã tổ chức ấn hành các tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, tạo điều kiện cho các tác phẩm đó nhanh chóng đến được với công chúng khiến cho nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu được chắp cánh bay lên. Chương trình cũng đã tổ chức giao lưu với nhiều đoàn khách nước ngoài như Đoàn Nhà văn Nga do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga Vadim Fedrovic Terekhin dẫn đầu, đoàn nhà văn Mỹ về dự Hội nghị văn học Việt - Mỹ... Tạp chí phối hợp với Viện Goethe Hà Nội, cổ súy Tuần lễ phim Đức tại Huế thu hút hàng ngàn lượt người đến xem phim... Liên tục các kỳ Festival Huế, tạp chí đều có những chương trình hoạt động hưởng ứng mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Thứ hai, Chương trình Tặng thưởng Sông Hương: Chương trình đã tặng thưởng cho các tác phẩm xuất sắc in trên Sông Hương. Bên cạnh tôn vinh các tác phẩm chất lượng, chương trình còn cổ súy những đóng góp mới cho nền văn học, đặc biệt là các tác giả trẻ.

Thứ ba, Chương trình Tình Sông Hương: Chương trình đã có những hoạt động nhân ái như tặng quà cho các cháu bệnh tật hiểm nghèo, cho các cháu con em xích lô, xe thồ xứ Huế; tổ chức liên hoan cho hàng trăm trẻ mồ côi, lang thang đường phố; trao quà cho các nạn nhân da cam... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng... Tạp chí đã cùng Hội Đồng hương tỉnh Thừa Thiên Huế tại TP. HCM tổ chức thành công Đêm Văn nghệ Tình Sông Hương, quyên góp được số tiền lớn tiếp tục chia sẻ đến các số phận không may, trao học bổng cho học sinh nghèo... Trong các năm 2012, 2013, tạp chí đã tổ chức liên tiếp 2 phòng tranh cho các họa sĩ khuyết tật đến từ khắp nơi trong nước. Đặc biệt, chương trình đã xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho một nạn nhân da cam ở A Lưới sinh 5 người con thì đã có 3 cháu qua đời, 1 cháu nằm liệt 18 năm qua và 1 cháu bị suy tim... Mới đây, Tạp chí đã vận động đoàn văn nghệ sĩ Thụy Sỹ hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam ở Hương Lâm, A Lưới 30 triệu đồng để xây dựng sân chơi mầm non...

Thứ tư, Chương trình Phát triển tài năng Trẻ: Chương trình nhằm phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ. Đây chính là lực lượng kế thừa cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà nói chung và Sông Hương nói riêng trong tương lai. Đặc biệt, Cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế được tổ chức trong 2 năm 2009 và 2010 với kinh phí xã hội hóa đã thành công ngoài mong đợi...

Bên cạnh đó, từ năm 2010, Tạp chí Sông Hương đã mạnh dạn tổ chức xuất bản thêm các số đặc biệt hàng quý. Đến nay, với 9 số đặc biệt được phát hành, đó thật sự là những ấn phẩm văn hóa chất lượng cao, xứng đáng với tầm văn hóa của vùng đất văn vật như xứ Huế.

Trang báo điện tử Sông Hương Online cũng đang trở thành một nhịp cầu nối liền những tâm hồn, những tri thức yêu văn hóa văn nghệ xứ Huế, Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đến nay, trang điện tử đã có hàng chục triệu lượt truy cập từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ, chuyển tải nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, nhiều hình ảnh về văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam ra với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là kho tư liệu văn học nghệ thuật khổng lồ cho những nhà nghiên cứu.

*
Trong một nền văn hóa, đóng góp của văn học nghệ thuật gần như là cốt lõi. Đã có một thời gian dài trước đây, các tác phẩm văn học được bao cấp in một lúc hàng vạn bản, các tạp chí văn học với vai trò là tác nhân thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật, cũng được bao cấp in số lượng lớn và công chúng háo hức đón đọc. Thế nhưng thời kỳ đó đã qua rồi. Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc tiếp nhận các tác phẩm văn học không còn được ưu tiên hàng đầu so vơi các vấn đề khác, việc cập nhật thông tin từ các báo thời sự hàng ngày trở nên cấp thiết hơn, và rõ ràng là việc tìm kiếm thông tin thời sự có tính chất thực tế hơn nhiều so với để dành thời gian cho việc tiếp cận tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin internet khiến ngành báo in còn chao đảo, các tạp chí văn học ra định kỳ càng khó khăn hơn...

Trong bối cảnh chung như vậy, Tạp chí Sông Hương cũng gặp không ít khó khăn. Những khó khăn có thể nhận ra ngay về kinh phí còn hạn chế, về nhân sự còn thiếu khuyết. Tạp chí Sông Hương rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã hỗ trợ cho Tạp chí vượt qua những khó khăn trong thời gian qua, và rất mong sẽ được hỗ trợ đầu tư hơn nữa trong thời gian đến, bởi đầu tư cho Tạp chí Sông Hương cũng là thúc đẩy sự phát triển tầng sâu của văn hóa Huế. Tạp chí cũng kính đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép xúc tiến thiết lập “Đề án phát triển Tạp chí Sông Hương trong thời kỳ mới” để lãnh đạo tỉnh xem xét, hỗ trợ trong những năm tới.

*
Sông Hương
, ngay từ khởi thủy, đã đứng về phía cái mới. Những bước thăng trầm của tạp chí đã minh chứng cho ý hướng tiên phong. Ngày hôm nay, trước những vấn nạn của nghệ thuật, vai trò của Sông Hương càng trở nên nặng nề hơn. Ý thức được sứ mệnh tiên phong, Sông Hương sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn đang vướng phải, những khó khăn về tài chính, về nhân lực, và muôn vàn khó khăn khác…

30 năm qua, Sông Hương đã phát hiện và tôn vinh những giá trị mới của văn hóa Huế, của văn chương Việt Nam, giới thiệu và cổ súy cho việc tiếp nhận các trào lưu văn học nghệ thuật mới của thế giới. Trong thời gian qua, Sông Hương đã không ngừng tìm lại những giá trị còn khuất lấp trong văn chương Việt, cố gắng đánh giá một cách công bằng, khách quan các giá trị của Văn học miền Nam trước 1975, tiên phong trong việc giới thiệu những trào lưu nghệ thuật mới như Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức… Dựa trên nền tảng đó, trong tương lai, Sông Hương cố gắng sẽ tiếp tục không ngừng lớn mạnh và lan tỏa. Nhưng sự lớn mạnh của Sông Hương luôn phải dựa trên tâm huyết của các cộng tác viên và bạn đọc trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ cùng với Sông Hương hướng tới một nền nghệ thuật dân chủ, lành mạnh, nghiêm xác và rộng mở.

Trong thời gian tới, bên cạnh gìn giữ dấu hiệu riêng là bản sắc văn hóa Huế, Tạp chí sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức bài vở gắn bó với sự nghiệp xây dựng và phát triển trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung. Tôn vinh các giá trị văn hóa Huế, tiếp tục là nhịp cầu của những người yêu Huế, là địa chỉ ấm áp của bà con Huế ở phương xa.

- Sông Hương tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật Việt Nam. Truy tìm và giới thiệu lại những giá trị đã gần như khuất lấp trong văn học nghệ thuật, trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng.

- Tiếp cận và giới thiệu những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới.

- Tổ chức những chuyên đề lớn có chiều sâu và có tính phát hiện. Tạo ra một diễn đàn tranh luận dân chủ, thẳng thắn, minh định cho những tiếng nói chân chính.

- Phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa, những người can đảm thử nghiệm, những người dám chịu cô đơn để sáng tạo, những chủ nhân thực sự trong hệ hình mới của nghệ thuật Việt Nam.

Tất cả nhằm hướng tới sự phồn thịnh chung, hướng sáng tạo làm đúng sứ mệnh của nó - sứ mệnh truy tìm, tiếp cận và kiến tạo cái mới.

*
Để làm được các vấn đề nói trên, ngoài việc nâng cao nội lực trong đội ngũ cán bộ của tạp chí, cần chú trọng phát triển mạnh mạng lưới cộng tác viên; Sông Hương tiếp tục gắn bó và phát triển quan hệ với Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam, các tạp chí chuyên ngành, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu văn hóa...; tiếp tục tranh thủ kinh nghiệm của các nhà văn lão thành, kết nối sự năng động của các cây bút trẻ cả trong và ngoài nước, tổ chức đội ngũ cộng tác viên là các cây bút đương đại của văn nghệ thế giới.

Tạp chí cũng sẽ phát triển hơn nữa trang thông tin điện tử để hội nhập sâu hơn với thế giới, phục vụ nhu cầu bạn đọc yêu thích văn học nghệ thuật, văn hóa trong nước và trên thế giới.

Với tinh thần vượt khó để phát triển, Tạp chí Sông Hương sẽ cố gắng nỗ lực trong thời gian đến để hoàn thành sứ mệnh nhịp cầu của những người yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà và yêu Huế, đồng thời cũng mong sự ủng hộ nhiều hơn nữa của đông đảo cộng tác viên và bạn đọc đã sát cánh cùng Sông Hương 30 năm qua, sự quan tâm đầu tư hơn nữa của lãnh đạo tỉnh.

Với nhiệm vụ nặng nề như thế, SÔNG HƯƠNG tiếp tục mong đợi những tấm lòng của đông đảo cộng tác viên và bạn đọc, đông đảo những tấm lòng yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung và Huế nói riêng!

*
Thi hào Nguyễn Du xưa đã viếtHương Giang nhất phiến nguyệt”, - có một mảnh trăng trên sông Hương - mảnh trăng đó hẳn phải là tất cả tâm hồn thi ca lồng lộng của nhà thơ trên dòng sông trong xanh yên tĩnh này; cũng trên dòng sông đó hôm nay, phải chăng vầng trăng lớn của nghệ thuật và cuộc sống chúng ta sẽ soi mình…” (Trích Thư Sông Hương số đầu tiên).

Tạp chí Sông Hương đã soi mình trên dòng sông này suốt 30 năm qua, đã nhận lấy những tinh túy trong trẻo của đất trời xứ Huế và sự nồng nàn thao thiết chảy bên trời của dòng sông, để đóng góp cho vầng trăng nghệ thuật và từ đó tỏa rạng. Vầng trăng nghệ thuật của Huế và nước nhà, mỗi khi soi bóng trên dòng sông Hương, là mỗi lần thêm lần nữa nhận ra gương mặt của mình, đầy trí tuệ và nhân hậu.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, xin cảm ơn các đại biểu và các vị khách quý đã về tham dự, chia vui cùng Tạp chí!

Xin kính chúc quý vị và gia đình sức khỏe, nhiều niềm vui trong cuộc sống!

H.Đ.T.N
(SH293/07-13)






 

Các bài mới
Cây Đời (04/08/2013)
Các bài đã đăng