Tạp chí Sông Hương - Số 295 (T.09-13)
Hai mươi bốn giờ ở Lý Sơn
08:01 | 02/10/2013

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

                      Bút ký

Hai mươi bốn giờ ở Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn - Ảnh: internet

6 giờ sáng ngày 13 tháng 7 năm 2013

Đã xác định từ hôm qua, sáng cả đoàn nhà báo Huế dậy sớm giữa thành phố Quảng Ngãi. Xe qua Sa Kỳ và dừng lại trên bến cảng. Khá nhiều xe ô tô và người hành hương về dự lễ khánh thành một ngôi chùa trên đảo có mặt từ sớm, với bộ áo quần bà ba trắng, đầu đội khăn đen. Gió sớm mai rười rượi thoảng tinh khôi biển khơi. Rồi cũng lên tàu.

Sáu giờ rưỡi

Tàu rời bến. Cảm giác có lạ hơn dịp đi đảo Cồn Cỏ từ bến cảng Cửa Việt hồi tháng 4 năm nay. Biển xanh thao thiết. Anh Bùi Thắng - Tiến sỹ Địa chất học, quê hương ở Lý Sơn, nay công tác ở Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế cho biết, những chỗ nào đáy nhiều cát trắng, nước biển sẽ xanh. Quê hương của Thắng hiện ra dần sau ba mươi phút tàu cao tốc ra khơi. Mà Lý Sơn bây giờ đâu chỉ là quê hương của riêng ai. Lý Sơn từ khi Biển Đông dậy sóng, đã là nơi đồng vọng của hàng triệu trái tim Việt Nam muôn phương. Ngày xưa Lý Sơn là đất được vua chỉ dụ hàng năm cử quân đi trấn giữ Hoàng Sa. Nay Lý Sơn là tiền tiêu, chỉ cách Hoàng Sa 120 hải lý. Những người hành hương ra chùa ngồi yên lặng. Nhưng trong mắt từ bi ấy, thẳm sâu vẫn trầm chất một lớp sóng cuộn dâng vì đất nước.

Bảy giờ hai mươi

Năm mươi phút tàu cao tốc từ Quảng Ngãi. Lý Sơn đây rồi, chập chùng nhà chồng lên khuất trong những tán cây xanh. Cầu cảng hiện ra với hàng trăm người ra đứng trước biển chờ lên tàu vào đất liền. Những ánh mắt trùng khơi. Ngày xưa khi chưa có ngày hai chuyến tàu vào ra, những đôi mắt đó hẳn xa xăm, khắc khoải hơn bây giờ nhiều.

Xe đi thẳng đến chùa. Đang là lễ khánh thành. Camera Hải lẩn vào giữa đám đông. Những đứa trẻ trước cổng chùa đang chơi trò ăn quệt rang me. Có những chú điệu chỉ bốn đến sáu tuổi giơ chỏm tóc bờm ngồi nhìn du khách đổ về.

Chùa nằm trước biển. Hình như tất cả những gì ở đây đều xoay lưng vào nhau cùng nhìn ra biển. Những ngôi nhà ngó mặt ra đại dương. Những đôi mắt chiều chiều dõi ra xa thẳm trùng khơi… Hàng trăm năm qua, biển khơi đem lại cho Lý Sơn bao nguồn nuôi sống, song cũng từ biển khơi, đội quân trùng điệp những người lính Hoàng Sa đã mãi ra đi, biết bao trai làng chài khuất bóng hình trong tiếng sóng, trong bão bùng… Bao năm bình yên, bao năm còn phong ba bão tố, bao năm giặc thù còn luyênh loáng ngoài kia…

Những tiếng chuông chùa ngân giữa sóng, lan rộng trên sóng nước trùng khơi. Vẫn hàng ngày thông điệp từ Lý Sơn vọng trên biển Đông rằng người dân nơi đây đời đời muốn có một cuộc sống bình an trên thế gian vẫn vang lên. Vậy mà những kẻ tham lam có để yên đâu, lòng tham không đáy đã khiến chúng không nghe nổi một lời kinh cầu cho một đời minh triết.

Chín giờ kém mười lăm

Rời ngôi chùa lên miệng núi lửa đã tắt trên núi Giếng Tiền. Đường lên núi đi qua một ngôi tượng Phật lớn, loanh quanh dốc đá dựng với những ngôi chùa khéo léo tạc vào hốc núi. Đường mòn lên đỉnh núi có thể nhìn sang Đảo Bé phía ngoài xa. Đảo như một cái mai rùa xanh nhô lên trên sóng nước với những rặng dừa mọc thẳng trên dải cát trắng như một lời mời tự tình hấp dẫn.

Hải đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo: Đảo Lớn, Đảo Bé ngoài kia và Hòn Mù Cu. Đảo Lớn là nơi đoàn đang đứng đây, được khai phá từ thời Lê Kính Tông (1600). Lý Sơn có 5 ngọn núi: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai. Những ngọn núi ấy xưa là những miệng núi lửa của quả núi lửa Lý Sơn đã hết chu kỳ phun lửa. Trong 5 ngọn núi ấy, núi Giếng Tiền có vị thế đẹp có thể nhìn sang Đảo Bé xanh ngắt. Dưới đỉnh núi là thung lũng cỏ hoang trải dài với muôn vàn lau lách rộng đến 20 ha. Nhiều người hiếu kỳ đã dắt díu nhau đi vào giữa thung lũng. Nắng vàng tươi buổi sáng dát ánh kim ngân trên những ngọn cỏ như những chứng nhân rằng du khách đã tới đây và đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi lửa đã tắt độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Mười giờ rưỡi

Quay trở xuống. Vào một ngôi chùa ven núi. Vắng lặng không nhiên, chỉ có tiếng chim bách thanh lảnh lót trong rừng. Vào sau chùa nữa cũng không có ai nhưng sau bếp có khói. Vào thì gặp một ni sư già đang ngồi nấu nước, làn khói xanh lam len qua khe vách nứa lan vào núi. A Di Đà Phật! Ni sư chào rồi đi lấy nước. Đã tịnh thiền ở đây bốn mươi năm. Nước giọt bên mái hiên khiến hốc đá trũng thành cái hốc. Ở đó cây bồ đề nhỏ bám thân trụ trì trên đá như dáng ni sư. Vào những ngày Lễ hội Khao lề thế lính, ni sư xuống núi tham gia cùng các sư hành lễ Khảo tế và cúng Thế lính Hoàng Sa - Trường Sa. Thuở đó hàng năm theo lệnh vua, dân đảo Lý Sơn cử những hải đội ra đi. Những ngư phủ thuở ấy ra đi không chỉ đơn giản thu gom hải vật quý báu cho triều đình, mà còn tiến hành các công việc thường xuyên như đo đạc hải trình, khảo sát địa chất, tuần tra, đóng mốc, dựng bia… minh định chủ quyền lãnh thổ. Nghĩa vụ của họ vô cùng to lớn, nắm chắc cái chết trong tay nhưng họ vẫn kiên trung chấp nhận lên đường. (Ca dao: Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi).

Những người đi gìn giữ biên cương trên biển năm xưa ấy, ra đi không hề đòi hỏi một ân huệ nào. Ra đi mười về còn một hai, có khi mười đi cả mười, đa phần xác trầm đáy bể, hồn không biết nương tựa nơi nào. Bởi thế trước ngày ra quân cho mỗi đợt xuất binh, từ ba mươi đến năm mươi người trở lên, dân đảo tổ chức Lễ Khảo tế để cầu nguyện thần linh và vong hồn các chiến sĩ ra đi trước đây, phù hộ cho những người sắp sửa lên đường ngày mai được may mắn bình an trở về. Tiếp đến là lễ cúng Thế lính Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hình nhân thế mạng đứng trên thuyền mỏng, với đủ lễ vật thả trôi ra biển… Cá nhân mỗi người sắp sửa xuất quân cũng tự mang thêm cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, sinh quán. Ấy là để nếu có chết thì có cái cho đồng đội bó lại mong sóng xô vào bờ hay gặp thuyền vớt giùm lên đưa về an táng. Nhưng phần lớn các chiến sĩ đều không trở về. (Ca dao: Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây).

Cũng vì thế mà lễ Khảo tế và Thế lính là bổn phận tri ân thiêng liêng mà dân đảo phải y lệ cử hành vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm. Có rước sư thầy triệu thỉnh các vong linh bị trầm luân trong lòng biển trở về nguyên quán. Trên đảo cũng hình thành khu “Mộ Gió” nhằm để an táng những linh hồn ra đi không trở lại…

Mười một giờ rưỡi

Bữa cơm trưa được bày dưới gốc cây bàng mát rượi trong một quán ven đường phục vụ khách du lịch khá chuyên nghiệp. Đang mùa hè nên không có món gỏi tỏi Lý Sơn nổi tiếng. Nhưng bù lại, các loại ốc khiến thực khách mê mẩn: ốc cừ, ốc đụn, ốc nhảy, ốc chìa vôi… luộc, nướng, xào sả ớt. Một món đặc biệt khác nữa là cá tà ma hấp, thịt chắc và ngọt thanh. Rồi là dĩa hàu son xào...

Mười hai giờ rưỡi

Bà mệ già dưới nhà bỗng nhiên cất tiếng ru cháu, nghe sao mà buồn não nuột: “Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Trường Sa…”.

Hai giờ chiều

Thăm UBND huyện đảo Lý Sơn. Phó Chủ tịch huyện, Phạm Hoàng Linh giới thiệu về Lý Sơn. Đảo có diện tích 10km2 với 21 ngàn dân, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.

Chợt giật mình: Lý Sơn chỉ 21 ngàn dân với 10km2 mà có đến trên 40 di tích lăng, đình, miếu, chùa; bao gồm 10 ngôi đền, trên 30 lăng miếu, chưa kể nghĩa trang hàng ngàn mộ gió chiêu hồn. Nếu xét về mật độ di tích tâm linh, đây có lẽ là vùng có mật độ tâm linh dày đặc nhất thế giới.

Hai giờ rưỡi chiều

Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Trước Nhà trưng bày có tượng đài Đội Hoàng Sa Bắc Hải kiêm quản Vạn lý Trường Sa. Cụm tượng mô tả 3 người đang cố kết nhìn ra biển: một người lính mặc quân phục triều đình tay trái đặt lên cột mốc có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, một ngư dân và một nông dân. Thông điệp quá rõ ràng: Phải giữ lấy biển đảo quê hương! Có một thông tin rất hay là Lý Sơn đang chuẩn bị để xây Bảo tàng lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa tại núi Thới Lới thuộc thôn Đồng Hộ, với diện tích từ 15 - 20.000m2. Bảo tàng sẽ phục vụ cho việc khẳng định lịch sử, tính pháp lý và chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu tháng 5/2013, sinh viên cả nước đã góp kinh phí khởi công xây dựng cột cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn. Cột cờ cao 25m, hướng ra Hoàng Sa, gửi thông điệp đến thế hệ trẻ hãy đóng góp cụ thể vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương.

Người thuyết minh cho du khách tham quan Nhà trưng bày là Đặng Thị Hiền. Hiền nói về những câu chuyện khao lề thế lính, những ngôi mộ gió mà giọng như lạc đi, khiến mọi người xúc động. Phải đến khi chia tay, hỏi mới được biết Hiền là hậu duệ đời thứ 15 tài công Đặng Văn Xiểm - Cai đội Hoàng Sa năm xưa đã vùi thân trong lòng biển cả…

Ba rưỡi chiều

Đình làng An Hải nằm hướng Đông đảo Lý Sơn, dựa lưng vào ngọn núi Thới Lới, tiếng chim rộn rã sớm chiều. Đình do 8 vị Tiền hiền của dòng họ Nguyễn, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Dương, Trường, Trần, Võ, Lê xây dựng khoảng năm 1820. Cấu trúc của đình theo kiểu nhà rường, khung sườn toàn gỗ quý, chạm trỗ hoa văn tinh tế, xưa lợp tranh sen, về sau tôn tạo mấy lần vẫn giữ được gốc gác xưa, nay là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đình có bến thuyền thường hay được dùng tổ chức đua thuyền hàng năm vào tháng giêng. Các thuyền đua của các xóm trong xã An Hải đều mang tên con vật trong tứ linh là Long, Lân, Quy, Phụng.

Đi thăm một số nhà rường cổ. Mỗi ngôi nhà cổ ở đây như một bảo tàng thu nhỏ. Ví như một trong 24 ngôi nhà rường còn lại đã lưu giữ tờ lệnh ban hành ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ 1834, điều động đội binh thuyền của các tộc họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành công việc. Tình cờ gặp trong một ngôi nhà cổ hai trăm năm tuổi một cô dâu người Huế, theo chồng từ Đại Nội đến đảo tiền tiêu này đã hơn 40 năm. Thì ra con gái Huế đâu phải chỉ cành vàng lá ngọc, cũng còn quá sắt son chung thủy chung tình đó chứ… Và cũng theo lẽ sống ở đây: “Nhà còn thì nước còn”, nàng dâu Huế cũng gìn giữ ngôi nhà 200 năm tuổi của gia đình chồng để lại như giữ vận nước non chung.
 

Chùa Hang ở Lý Sơn - Ảnh: internet


Bốn giờ rưỡi chiều

Chùa Hang, ngôi chùa cổ kính nhất ở Lý Sơn, nguyên là hang đá thiên nhiên có lòng to rộng như hàm ếch, được con người chuyển thể thành cảnh giới siêu nhiên thanh thoát, chứa cả trăm người vào lễ Phật cùng lúc. Hang Câu Thạch Động cách đó 500m với cửa hang to rộng gấp mấy lần chùa Hang. Trên cửa hang này viền quanh một mái vòm đá tự nhiên, như một cái oai đựng cá để nằm, miệng oai thò ra ngoài biển, xưa truyền rằng Nhà trời thường về đây câu. Lại lưu truyền rằng nơi đây là động cá, cá theo thủy triều vào ra sớm chiều, mặc sức đến câu. Nay thì không còn cá nữa, nhưng chim thì kéo nhau về đây làm tổ đầy hang, kêu vang suốt bốn mùa…

Năm giờ rưỡi chiều

Nếu ngắm hoàng hôn đích thực, nên ngắm từ đỉnh núi Thới Lới. Nhưng thời gian không có nhiều, đành ngắm hoàng hôn rơi từ ngọn đồi phía Tây đảo, dưới chân núi. Mặt trời đỏ rực như một cái mâm đồng chầm chậm lặn dần xuống biển. Mặt trời lặn xuống mà không thấy ướt, rơi xuống mà không thấy xao động biển khơi, chỉ có sóng vỗ đều đều ngay dưới chân núi. Những cánh chim thi thoảng vẽ những nét chấm phá ngang qua mặt trời đỏ lựng. Gió lồng lộng thổi như thể vén mây để cho biển cả theo đó thay màu liên tục từ xanh ngăn ngắt qua vàng tươi, rồi thoáng trắng ngà rồi sẫm xanh đen. Ấy là lúc những người bắt hàu, bắt vẹm, bắt ốc… trở vào bờ. Bữa cơm chiều cũng dọn lên trên triền cỏ. Hải sản Lý Sơn tươi, ngon. Chỉ ở Lý Sơn mới nấu được món mực thả ngò, tức nấu được canh mực với rau ngò mà không sợ tanh bởi mực rất tươi. Cũng chỉ ở Lý Sơn mới có con ốc đá đặc trưng. Năm đó bão, một tảng đá lớn vỡ ra, người dân thấy bên dưới tảng đá một loại ốc lạ, nhặt về nấu ăn, thì thấy quá sá ngon mà các loài ốc khác không bì kịp.

Khá nhiều ngư dân trên đảo cũng ghé triền cỏ này nhăm nhi chút thức biển và uống cốc bia cuối ngày. Trong những câu chuyện trong gió, có những câu chuyện đối đầu với tàu Trung Quốc. Thiệt hại nhiều lắm, nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn cứ bám biển. Bởi bám biển vừa là để mưu sinh, vừa là để khẳng định chủ quyền. Với người Lý Sơn, thà chết, vẫn giơ cao ngọn cờ Tổ quốc; như ngày xưa cha ông của họ, biết hy sinh nhưng hàng năm vẫn xuống thuyền xuất quân ra biển cả.

Lão ngư có chòm râu dài bay trong gió kể: Để hoàn thành một ngôi mộ chiêu hồn lính Hoàng Sa, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những hình nhân thế mạng chôn ở đó được làm từ thứ đất sét lấy từ Giếng Tiền. Đó là thứ đất sét đặc dẻo quánh và nóng, khô cằn đến nỗi không có bất cứ loài cây cỏ nào mọc lên được. Đất mang về giã với bông gòn cho nhuyễn rồi bọc bên ngoài xương cốt làm bằng cây dâu. Người Lý Sơn quan niệm, con tằm nhờ ăn lá dâu nhả tơ mà đổi kiếp. Vì thế xương cốt hình nhân cũng làm bằng cây dâu để vong hồn lính Hoàng Sa cũng chuyển kiếp được số phận… Lão ngư nói: Những ngôi mộ gió kỳ công ấy rồi cũng có khi bị vùi lấp bởi gió cát, nhưng mãi mãi những ngôi mộ gió sẽ trường tồn trong tâm trí và trái tim mỗi một con người Lý Sơn…

Chín giờ đêm

Những gian hàng vẫn sáng đèn bên đường bán tỏi cho khách du lịch. Tỏi là niềm tự hào của Lý Sơn, dù có thể đang có nhiều tin đồn không hay về tỏi Lý Sơn. Nhưng có một điều không thể lay chuyển là chỉ có Lý Sơn mới có thứ tỏi có cái tên là Tỏi Mồ Côi. Tỏi mồ côi là thứ tỏi vừa sinh ra đã chấp nhận mất mát như con người ở đây vậy.

Lạ thế, vùng đất đầy những hiểm nguy, ăm ắp những mất mát trong đời như thể từ thiên mệnh, vậy mà vẫn bao dung, tươi rói lạ lùng.

Mười giờ đêm

Ly cà phê đêm nghiêng cả sóng. Nghiêng cả những chênh chao một ngày ở Lý Sơn. Còn quá nhiều điểm chưa kịp đến trên đảo này, như Đảo Bé xanh một màu xanh hoang dã đang chờ bên kia.

Mười hai giờ khuya

Trải chiếu ra hiên đón gió Lý Sơn. Những du khách khác cũng rời căn phòng để ra đón gió khuya. Giấc ngủ đến như một cánh diều bay trong gió.

Năm giờ sáng ngày 14 tháng 6 năm 2013

Thức dậy với tâm thế tạm biệt Lý Sơn với những dang dở hẹn hò các địa danh chưa đến được: Đảo Bé, Cửa Tò Vò, đỉnh Thới Lới... Chợ sớm bên đường với các thức ăn sáng kiểu Lý Sơn. Chợ cá Lý Sơn họp rải rác ngay cầu cảng. Cá tươi và to. Những con cá dìa to bằng cuốn vở học trò là điều hiếm thấy ở Huế.

6 giờ ba mươi sáng

Tàu rời đảo. Sóng miên man chân tàu như một hoài vọng mà biết là sẽ rất khó phai. Lý Sơn ơi, sẽ trở lại.

H.Đ.T.N  
(SH295/09-13)








 

Các bài đã đăng
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)