Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Nhớ Hàn Mặc Tử
15:04 | 06/11/2013

NGUYỄN VĂN XÊ
                  hồi ký

Buổi sáng mùa thu ngày 20-9-1940. Nơi nhà thương Nam ở Quy Hòa những bệnh nhân già yếu đang run lên vì gió lạnh từ biển thổi vào.

Nhớ Hàn Mặc Tử
Ảnh: internet

Mẹ Juetta người Pháp phụ trách nhà thương Nam đẩy chiếc xe đi băng bó các vết thương của từng bệnh nhân với những thao tác nhẹ nhàng, và nụ cười tươi vui, lời thăm hỏi đầy thân ái. Bỗng có tiếng thắng xe ô tô trước cổng. Các bệnh nhân người nhìn qua cửa sổ, người nhanh chân chạy ra gần chiếc xe. Anh em còn trong nhà thì bàn tán "Chà, ai vô đấy? Già hay trẻ? Bệnh nặng hay nhẹ?". Còn mẹ Juetta lẹ làng chạy ra cửa tiếp hồ sơ nơi tay bác y tá đứng tuổi với nụ cười và lời cảm ơn. Ngoài sân, bác tài xế già cũng đã mở cửa, nhưng người bệnh đó như bị tê hai chân nên gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta: "Mau đưa tay cho mẹ đỡ xuống con". Mẹ nói và bước tới xốc đỡ người bệnh xuống đất một cách nhẹ nhàng. Theo bàn tay dìu đỡ của mẹ Juetta, người bệnh cố đi như lết, đầu cúi xuống trước bao cặp mắt dán theo cái hình hài gầy gò, nhỏ thó: Kia là ai? Từ đâu tới? Đến giường số 3, mẹ dừng lại, nhìn hồ sơ và nói: "Trí, đây là chỗ của con". Tôi ôm mớ hành lý gói bằng giấy báo cũ của Trí để lên đầu chiếc tủ con rồi tiếp tay với anh lao công trải chiếu chăn cho Trí. Làm xong tôi nói với Trí - khi đó, đang đứng vịn vào giường run run - "Anh Trí lên giường nằm cho khỏe". Trí gật đầu rồi rút đôi chân sưng đen ra khỏi đôi ba ta trắng cũ rích đã ngả sang màu vàng xám có mùi hôi thối - đã bị đạp nhẹp ở cuối gót để thành dép lê dễ xỏ chân.

Mẹ Juetta bưng đến một tách lớn đầy sữa nóng, và múc từng muỗng cho Trí uống. Trí e ngại nói: "Xin mẹ để con tự bưng uống được". Mẹ lắc đầu nói: "Không được, để mẹ đút cho con uống vì sữa nóng sẽ làm con phỏng tay". Rồi mẹ sung sướng mỉm cười thấy Trí cố gắng uống cạn ly sữa. Mẹ nói: "Con nằm nghỉ, chút nữa ăn cơm" và Trí lễ phép: "Con cảm ơn mẹ". Khi mẹ Juetta quay về phòng thuốc rồi, mọi người quan sát thấy Trí mặc đồ bà ba trắng, ngoài khoác chiếc veston màu trắng bám đầy bụi đường, cổ choàng chiếc khăn lông trắng. Trí trang phục rườm rà thế, nhưng vẫn không sao che nổi tấm thân gầy còm, ốm yếu. Trí để nguyên quần áo nằm lên giường lim dim mắt.

Đến 11 giờ tiếng trống báo hiệu giờ cơm trưa, tôi đến bên giường Trí nói: "Anh Trí ra dùng cơm trưa". Trí mệt nhọc gượng dậy rồi nói: "Cảm ơn anh, tôi sẽ ra" và rồi khập khễnh lê từng bước ra bàn ăn và cố gắng ăn nửa chén cơm chan canh rau. Tôi đã thấy ngay là Trí không đả động đến món cá biển tuy hôm ấy cá rất tươi ngon. Mẹ Juetta thấy Trí ăn quá ít nên đến ép Trí cố gắng ăn thêm, nhưng Trí vẫn một mực chối từ: "Thưa mẹ, cám ơn mẹ, con đã no lắm rồi". Sau bữa ăn, tôi đem đến cho Trí một chén trà nguội, và đưa Trí về giường, rồi tôi mới về nhà làng.

15 giờ hôm ấy, tôi trở lại thăm và trò chuyện với Trí, để tìm hiểu. - "Tôi là Nguyễn Văn Xê, người Huế, vào trại đã hai năm, hiện đang giúp việc cho các mẹ". Trí cười - "Tôi là Trí, Nguyễn Trọng Trí, chắc anh Xê nghe giọng nói cũng biết tôi là người cũng ở gần Huế". Tôi cười vui - "Vậy thì anh Trí Quảng Bình hay Quảng Trị phải không?" Trí gật đầu cùng với tiếng cười. Tôi lại nói: "Tôi còn nhỏ lắm, mới 21 tuổi thôi, xin anh Trí hãy gọi bằng em cho thân mật". Trí lắc đầu nói: "Anh Xê đừng quan tâm chuyện tuổi tác, tôi cũng còn nhỏ mà". Tôi lại tò mò: "Vậy anh Trí năm nay bao nhiêu tuổi?". Trí nói nhỏ vừa đủ tôi nghe - "Hai mươi tám". Tôi cười vui nói: "Vậy là làm anh đúng rồi". Trí không chấp nhận hay phủ nhận, mà lại hỏi tôi: - "Nhà anh Xê ở mô?" Tôi trả lời ngay: - "Ở bên Lào, tỉnh Savanakhet lận, còn anh?" Trí có vẻ hơi xúc động trong giọng nói: "Nhà tôi ở ngay Quy Nhơn". Nghe vậy tôi không giấu được sự ngạc nhiên, liền hỏi: "Ở ngay Quy Nhơn mà anh không vào đây ngay chữa trị?" Sau câu hỏi này của tôi, thì Trí lộ vẻ xúc động với đôi mắt long lanh buồn thảm: - "Tôi nghĩ không bao giờ mình bị bệnh này anh Xê à". Tôi buột miệng nói ngay: - "Uổng quá!". Như thấy mình lỡ lời nên tôi vội vàng nói thêm: "Nhưng cũng không muộn màng gì đâu anh Trí, anh yên tâm chữa trị vài tuần thì sẽ thấy khỏi ngay". Trí lúc này thật buồn, nói như bị nấc cục: "Tôi tuyệt vọng rồi hy vọng, hy vọng rồi tuyệt vọng đã mấy năm nay rồi". Thấy thế nên tôi vội an ủi: "Bây giờ anh phải hy vọng vì chữa thầy đã đúng chỗ rồi". Trí cũng rầu rầu nói với vẻ mặt không tin tưởng: "Khắp các tiệm thuốc Bắc và các ông bà thầy thuốc Nam ở Bình Định tôi đã chữa không sót một người, mà càng ngày thân thể ra thế này". Thấy câu chuyện không ngờ làm cho Trí buồn lòng, tôi nói vài lời an ủi Trí rồi tạm biệt Trí đi về cho Trí được thảnh thơi nghỉ ngơi tránh xúc cảm.

Thấm thoát thời gian trôi mau, Trí vào Quy Hòa đã được ba tuần lễ. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của các nữ tu dòng thánh Francois d’Assise mà đặc biệt là mẹ Juetta phụ trách nhà thương Nam là người lo lắng cho Trí nhất, nên bệnh tình Trí thuyên giảm rõ rệt. Trí và tôi thường nói chuyện với nhau và có lần Trí thổ lộ tâm tư đôi chút: "Tôi đến Quy Hòa này là nơi có bãi biển, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người, nên tôi được hưởng cái bình an của nội tâm, cái thanh cao của nguồn vui tưởng như đã chết trong tôi khi còn ở thôn Tấn đầy đau khổ, nghèo túng, cô đơn, không một ai đến an ủi, săn sóc, dù là người thân quyến".

Cả buổi trưa cho đến tối ngày 30-10-1940 tôi bận việc, nên sáng hôm sau mới hay Trí đi kiết đến kiệt sức nên không thể đi nhà thờ. Khi tôi đến thăm Trí thì thấy anh phờ phạc, xanh xao nhiều lắm, đề nghị xin mẹ Juetta cho anh vào phòng liệt cho tiện. Trí có nói với tôi là từ khi mắc bệnh cũng như khi vào Quy Hòa ngày ngày Trí ăn thịt heo nạc kho tiêu với cơm hoặc cháo. Tôi để ý điều này đúng y như vậy, cứ mỗi tuần lễ thì có anh Hành là người nhà mang từ Quy Nhơn vào thịt heo kho tiêu, thứ thịt heo nạc không mỡ được ram mặn đựng trong chiếc cà mèn nhôm. Rồi suốt hơn một tuần lễ từ 30-10-1940 đến 7-11-1940 bệnh kiết lỵ của Trí vẫn không giảm, mà có phần tăng thêm, nên trông Trí người khô đét, gầy guộc xanh xao đến thảm não.

Đêm 8-11-1940 phiên ca trực của tôi. Lúc 21 giờ Trí đột nhiên ngồi dậy lấy từ trong áo gối ra hai tập giấy đánh máy đóng rất đẹp rồi hỏi tôi: - "Anh Xê đã có tình yêu chưa?". Câu hỏi bất ngờ quá, nhưng tôi vẫn trả lời: "Từ nhỏ tới giờ tôi chỉ có một tình yêu duy nhất đối với Thiên Chúa mà thôi". Trí gật đầu rồi lấy cây bút chì cùn trong túi áo veston ra ghi dòng chữ như sau: Thơ cầu nguyện đề tặng anh Xê - François Trí. Rồi anh ghi tiếp tập thơ Đời đề tặng anh Phạm Văn Trung, và rồi đưa tôi cả hai tập nói: - "Thơ cầu nguyện là tặng anh, còn thơ đời là tặng anh Trung, nhờ anh đưa giúp". Thú thật, lúc ấy không hiểu sao tôi không thể nói một lời, dù là một lời cảm ơn thông thường nhất, tay cứ mân mê hai tập thơ mỏng độ ba bốn mươi trang.

Đêm ấy Trí đi tiêu rất nhiều lần, mỗi lần đi có một chút đờm và vài giọt máu, nên tôi thấy Trí mệt lả đến đi không nổi, tôi phải dìu đi rồi dìu về giường nằm. Đêm càng về khuya thì sức tôi cũng mệt, nên tôi đã ngủ quên chắn cả lối đi, không ngờ trong lúc ấy Trí tuột xuống giường đi không nổi…

Sáng 9-11-1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Trí uống xong nói: "Chiều nay có xe đi mời cha tuyên úy vào xức dầu cho con". Trí gật đầu và dạ rất nhỏ.

Sáng 10-11-1940 lúc 6 giờ 45 cha cho Trí chịu phép xức dầu và rước lễ. Nguyên ngày hôm ấy Trí vẫn đi tiêu nhưng tôi thấy tinh thần Trí tươi tỉnh khi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi Trí có cần gì thì thành thật bảo tôi. Trí đọc cho tôi hai địa chỉ cần báo tin khi Trí đã chết:

1. Trần Thanh Mại - Trésor - Huế.
2. Quách Tấn - Resident - Nha Trang.

Tôi hỏi Trí có cho gia đình biết tin không, thì Trí nói: "- Rồi anh Hành sẽ vào, và dĩ nhiên mẹ và gia đình tôi tất biết".

Đêm nay tôi trực với mẹ Juetta và xơ Julienne. Chúng tôi có đến thăm Trí ba lần, và lần thứ ba lúc khoảng ba giờ thì xơ Julienne cho biết từ giờ đến sáng Trí sẽ chết. Ngày 11-11-1940 thì Trí đã tắt thở. Sau khi báo tin cho các mẹ, tôi và anh em cùng giúp thay quần áo cho Trí và khâm liệm. Xong xuôi đâu vào đó thì anh em bệnh nhân đến đọc kinh cầu nguyện. Khi ấy tôi thu gọn "tài sản" của Trí gồm một bộ bà ba trắng cũ, một veston cũ, một ba-ta sắp hư, một gối con con, một cuốn sách dày 200 trang (của Rousseau) và một bài văn tiếng Pháp viết bằng bút chì, mà lúc thay đồ cho Trí, tôi lấy ở trong túi, xem qua, đó là bài văn "La Pureté de I'âme" (Sự trong sạch tâm hồn). Và tuyệt nhiên không có một xu hào nào trong túi Trí từ khi vào cho đến chết.

Trên đường trở về nhà thương, vừa đi tôi vừa suy nghĩ về Trí, về sự khiêm nhường của Trí là từ ngày vô cho đến chết Trí chưa hề nói một tiếng Pháp với bất cứ mẹ nào. Lúc nào tôi cũng là người thông ngôn. Biết Trí làm thơ, viết văn thì tôi lại càng áy náy hơn, nhưng sự thật tôi vẫn chưa hề biết Trí là nhà thơ có tiếng tăm ngoài đời.

Sau khi Trí chết chôn ba ngày thì anh Hành, người nhà từ Quy Nhơn theo thường lệ hàng tuần đem thịt heo nạc kho tiêu vào cho Trí, mới được tin Trí qua đời. Qua ngày hôm sau, mẹ và chị Lễ của Trí tức tốc vào Quy Hòa. Tôi hướng dẫn gia đình Trí đi thăm mộ. Nơi đây tôi không thể cầm được giọt lệ trước một người mẹ khóc đứa con yêu, một người chị khóc đứa em thương trong một buổi chiều mùa đông se se lạnh. Mẹ Trí khóc thật nhiều rồi ôm tôi nói lời đầy uất nghẹn: - "Xê ơi, bà đã già trước tuổi vì đời của bà đã mấy lần tang tóc, đã rơi không biết bao nhiêu là nước mắt!".

Giờ đây, ôn lại ngày mẹ và chị Lễ thăm mộ Trí làm tôi chợt nhớ đến câu thơ Hàn Mặc Tử:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.


Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên mộ Trí.

Sau khi Trí chết, tôi theo di ngôn gửi thư báo tin ngay cho Trần Thanh Mại - Trésor - Huế, và Quách Tấn - Résident - Nha Trang. Một ngày cuối hạ 1941, Bùi Tuân đã vào thăm tôi và thăm mộ Trí. Đứng trước mộ, Bùi Tuân nói: "Sống là một cuộc du hành và chết là trở về quê thật. Tôi đi viếng mộ Trí rồi một ngày kia tôi sẽ chết". Trong dịp này tôi đã trao tập thơ cho Bùi Tuân.

Và cũng vào một ngày cuối hè 1941, tôi đang ở nhà riêng thì có người xuống gọi bảo tôi lên hướng dẫn cho thân nhân anh Trí ra thăm mộ. Tôi vội vã lên nhà dòng, gặp một đôi thanh niên nam nữ, rồi hướng dẫn họ đi ra nghĩa trang. Có điều tôi lấy làm lạ là người thanh niên thì im lặng cúi đầu đếm bước, người thanh nữ kia thì khóc tự lúc nào nên tôi không thể "tò mò" là gì của anh Trí. Đến mộ anh Trí rồi tôi quay về ngay, vì bận nhiều công việc (bây giờ nhờ Phạm Xuân Tuyển trực tiếp gặp bà Mai Đình tôi mới biết người thanh nữ khóc nức nở đó là bà Mai Đình và người thanh niên là bạn trai làm ngành đường sắt ở Quy Nhơn "hộ vệ" bà vào Quy Hòa).

Đầu mùa thu 1941, tôi đang làm việc thì mẹ Nhì Mariest Venant, Phó Giám đốc gọi tôi lên nhà dòng gấp. Mẹ chỉ người đang ngồi trong phòng khách là một thanh niên tuấn tú, ăn vận âu phục trắng trông rất lịch sự: "Đây là ông Trần Thanh Mại ở Huế vào gặp con". Tôi gật đầu chào thì ông Mại lịch sự đứng dậy bắt tay tôi nói: "- Rất hân hạnh và vui mừng được gặp anh Nguyễn Văn Xê". Và tôi, qua cái xiết tay của ông Mại cũng đáp lễ: "- Dạ, tôi cũng rất hân hạnh được gặp ông".

Chúng tôi đi thăm Trí, và trên đường đi ông Mại hỏi tôi rất nhiều về Trí, từ lúc mới vào cho đến khi yên tĩnh ngàn thu. Vì ông nói chính mẹ Juetta đã nói rằng chỉ có tôi là biết rõ nhất về sinh hoạt của Trí và hiện tôi là người đang giữ tập thơ di cảo của Trí. Tôi thủy chung như nhất, kể rành rọt khúc chiết về những ngày Trí ở Quy Hòa cho ông Mại nghe, vì tôi nghĩ chính Trí đã căn dặn ở "di ngôn" là phải báo ngay cho Trần Thanh Mại và Quách Tấn là Trí đã chết ngày tháng nào. Sau khi nghe tôi kể rồi, thì ông Mại đứng trầm tư mặc niệm trước mộ Trí. Qua những phút suy tưởng, ông Mại hỏi tôi:"- Anh Xê, tập thơ cầu nguyện hiện nay là của anh nhưng vì sự nghiệp thi ca của Trí ngày mai, nên tôi xin anh cho tôi mượn một thời gian ngắn để làm tài liệu nghiên cứu". Tôi sốt sắng trả lời ông Mại ngay "- Thưa ông, tôi rất sẵn lòng đưa ngay cho ông mượn nhưng rất tiếc là tôi đã trao cho dượng rể tôi là nhà văn Bùi Tuân hồi cuối hè vừa rồi". Ông Mại nghe tôi nói rồi gật đầu, nhưng nét mặt biểu hiện nhiều suy nghĩ, nên ông lại hỏi tôi tiếp: "- Còn tập gọi là thơ đời của Trí thì đề tặng cho ai, như lúc nãy anh nói với tôi". Tôi trả lời: "- Đó là anh Phạm Văn Trung, cũng là một bệnh nhân ở đây và có mở một quán hàng nhỏ tạp hóa". Ông Mại nhíu mày hỏi tôi như ngạc nhiên:"- Anh Xê có hiểu nguyên nhân nào Trí đã tặng anh Trung tập thơ đời không?". Tôi đã rõ là ông Mại hiểu lầm nên tôi giải thích: "- Sở dĩ tập thơ đời tặng anh Trung vì Trí hỏi tôi yêu đời hay yêu đạo thì tôi trả lời là yêu đạo, nên Trí mới ghi tặng tôi tập thơ Cầu nguyện, và dĩ nhiên tập thơ Đời thì Trí phải đề tặng anh Trung". Nhưng ông Mại vẫn còn thắc mắc: "Ông chủ quán tên Trung có liên quan gì đến Trí mà sao tôi không nghe các mẹ khi nãy nói đến?". Tôi phải thêm một lần nữa giải thích: "Anh Trung có mở quán bán tạp hóa, nên từ ngày Trí vào cho đến chết, anh luôn luôn chăm sóc bằng cách cung cấp cho nước trà sớm trưa chiều tối, và thỉnh thoảng đôi ba ngày gửi ít bánh kẹo cho Trí ăn chơi". Lúc này ông Mại gật gật đầu: "À! À! Ân đền oán trả mà, tôi hiểu, tôi hiểu lòng Trí lắm". Và sau khi ở nghĩa trang về, tôi đưa ông Mại đến quán anh Trung và sau khi nghe lời giới thiệu đôi bên của tôi và lời yêu cầu của ông Mại, thì anh Trung mở ngăn bàn, ngăn tủ kiếm để cuối cùng anh Trung đưa ra một tập giấy pelure trắng mỏng đã bị xé rách hơn phần nửa. Anh Trung nhìn đôi tay ông Mại "nâng niu" lật từng trang mà lắp bắp như người có lỗi: "- Thưa thầy tôi không ngờ nó quý để mà giữ cẩn thận, nên tôi dùng bừa bãi quá, xin thầy tha lỗi cho!". Ông Mại cầm tập thơ xem tới xem lui rồi hỏi: "- Các trang bị xé rách anh còn giữ được không?". Anh Trung trả lời nhỏ như người bị bệnh: "- Dạ không dám giấu gì thầy, tôi thấy giấy tốt quá nên vấn thuốc hút và dùng gói tiêu, tỏi bán hàng". Nói dứt lời anh chạy đến rỗ tiêu tỏi và mau tay bóc ra hết rồi gom lại từng góc tư, từng phần nửa tờ pelure. Ông Mại cầm những tờ giấy mà không nén được tiếng thở dài và hỏi tiếp: " - Anh Trung anh cố nhớ những tờ giấy như thế này còn ở đâu nữa không? anh hãy ráng tìm giùm cho Trí đi". Anh Trung loay hoay như gà mắc đẻ, lục lọi kiếm tìm một Iần nữa ở quán anh, và rồi với hai bàn tay đã cong, anh vung lên phân bua: "-Thưa thầy, tôi nói thật nếu có điều gì không phải xin thầy tha lỗi cho". Thấy anh Trung như thế, nên ông Mại với nụ cười nhẹ nói "Anh cứ nói sự thật", anh Trung nghe nói như vậy nên hớn hở ra mặt "- Thú thật với thầy là nhựt trình mắc quá nên tôi cũng thỉnh thoảng làm giấy đi tiêu". Nghe xong lời anh Trung tôi thấy mặt ông Mại đổi sắc, nhưng giọng nói vẫn ôn tồn: "Thường thì mấy anh đi tiêu ở mô?" Tôi và anh Trung cũng chỉ tay về mấy hàng dương xa xa và nói: "Dạ ở trên lũy ngoài đó". Trần Thanh Mại hướng về phía chúng tôi chỉ, và thở dài lắc đầu chịu thua khi ông nghĩ những tờ giấy pelure mỏng đã bị tách rời khỏi tập thì chắc chắn đã bị những cơn mưa mùa đông, mùa xuân của miền Trung xóa nhòa tan nát vụn vặt, hay bị cái gió núi, gió biển thổi tung bay muôn hướng. Sau khi biết không hy vọng kiếm tìm gì hơn nữa nên ông Mại đã đi lên chào các mẹ và đi một vòng ngắm Quy Hòa trong buổi hoàng hôn rồi đi bộ về Quy Nhơn.

Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thì ở bệnh viện Quy Hòa xảy ra nhiều lộn xộn nên tôi xin xuất viện. Ngày 17-10-1945, tôi ở ga xe lửa Quy Nhơn chen lấn mua vé đi Sài Gòn. Sau khi mua xong vé tôi đi lên toa hành khách thì thấy người và hàng chật như nêm, đứng nhìn dáo dác một hồi, tôi bắt đầu lách từng người và đến bên một ông khách mặc âu phục rất chỉnh tề, lịch sự, và có để kế bên một chiếc cặp da lớn. Tôi lễ phép hỏi: -"Thưa ông, nếu có thể cho tôi ngồi ở chiếc cặp da này?". Ông khách quan sát tôi, nhưng không nói chỉ lẳng lặng cầm chiếc cặp da lên cho tôi ngồi xuống đó. Khi xe lửa bắt đầu chuyển bánh thì ông khách mở cặp lấy một quyển sách ra và xoay lưng ngang lại đọc, nên tôi được dịp coi ké. Những dòng chữ đầu ấn vào mắt tôi run lên vì quá rõ ràng: "Thơ cầu nguyện đề tặng anh Xê- François Trí". Từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, trừ lúc ăn ngủ, tiêu tiểu, còn thì giờ khác thì tôi tranh thủ "coi cóp", và lúc ông khách không xem thì tôi mượn coi. Khi đến ga Mường Mán của Phan Thiết thì tôi đã xem hết quyển "Thân thế và thi văn Hàn Mặc Tử" của Trần Thanh Mại. Nhờ may mắn xem cuốn Hàn Mặc Tử đó nên tôi mới biết anh Trí là nhà thơ Hàn Mặc Tử đã có danh tiếng lúc chưa mắc bệnh và ông Mại là một nhà văn nghiên cứu phê bình, viết truyện ký. Nhưng ngay khi ấy thì tôi thấy có nhiều chỗ ông Mại viết về Quy Hòa còn sót, nhất là diễn tả chưa đúng sự thật những ngày Trí ở Quy Hòa, cũng như ngày ông vào gặp tôi và thăm mộ Trí. Tôi định bụng sẽ viết thư cho ông Mại để bổ túc, nhưng chiến tranh Việt Pháp bùng nổ lớn, đến chín năm sau thì hiệp định Genève 20-7-1954 tạm chia cắt hai miền Nam Bắc và ông Mại đã đi tập kết ra Bắc. Và sau đại thắng mùa xuân 1975 thì tôi mới hay tin ông Mại đã chết.

Tháng 6-1957, tôi ở Cam-pu-chia về Rạch Giá (Kiên Giang) thì bỗng một hôm nhận được thư của Hồ Hiếu Niệm tức là kịch tác gia Thuận Sinh (tác giả vở kịch xã hội "Tàn cơn ác mộng") ở bệnh viện chợ Quán yêu cầu tôi cho biết mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa để cho gia đình thân quyến cải táng. Trả lời thư cho Niệm, tôi kèm theo một bản đồ để dễ tìm. Tuy thư tôi chỉ dẫn mạch lạc, rõ ràng, vẽ chính xác nhất, nhưng tôi tự nhiên không tin có thể cải táng đúng, vì 17 năm trường biết bao thay đổi ở nghĩa trang Quy Hòa.

Tháng 8 năm 1960, tôi nằm ở trại 10 bệnh viện Chợ Quán, thì dượng rể tôi là ông Bùi Tuân có vào thăm và đưa cho tôi xem các bài báo Tràng An cũ nói về Trần Thanh Mại và Quách Tấn đôi co nhau về bản quyền xuất bản thơ Hàn Mặc Tử. Và cũng báo Tràng An ngày 21, 24-6-1942 thì ông Quách Tấn tự nhận là đã ký giao kèo với gia đình Hàn Mặc Tử để giữ độc quyền xuất bản thơ Hàn Mặc Tử, vì vậy cho nên ông kiện Trần Thanh Mại trích thơ Hàn Mặc Tử không có phép của ông. Và ông Trần Thanh Mại thì bảo là viết thơ Hàn Mặc Tử là thực hiện lời di chúc của nhà thơ là thể theo gia đình của Hàn Mặc Tử mà đại diện là ông Nguyễn Bá Hiếu em của Hàn Mặc Tử, là một kẻ thừa kế của thi sĩ, và Trần Thanh Mại còn trưng bằng chứng là có sự ưng thuận của chính Quách Tấn vì trong thư gửi Trần Thanh Mại ông đã viết "- Nhân anh Chế Lan Viên sắp ra Huế, tôi gởi những thơ của Hàn Mặc Tử cho anh mượn..."

Vụ án Hàn Mặc Tử lằng nhằng không đi đến đâu, nhưng theo dư luận thì có ý bênh vực Trần Thanh Mại, vì cho việc tranh luận, kiện tụng của Quách Tấn là quá đáng. Như theo lời ông Bùi Tuân nói với tôi thì vụ án có đưa ra tòa án Huế nhưng nhà văn Nguyễn Tiến Lãng ngồi ghế chánh án đã xử huề hai bên. Vì sự việc như vậy nên ông Bùi Tuân đã nói với tôi: "- Cháu nên viết lại quãng đời Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa, để cho dư luận quần chúng hiểu thêm về sự đau khổ bệnh tật, và cái chết của Hàn Mặc Tử: cũng như để mọi người sẽ phán xét hai ông Quách - Trần đúng sai".

Năm 1964, ở bệnh viện Bến Sắn, tôi lại gặp Diệp Nam là một trong hai em nhỏ cầm đèn lúc đưa đám Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa năm 1940, cho tôi biết từ năm 1945 đến 1964 ở Quy Hòa đã cải táng tập thể bốn lần, vì mỗi năm nước triều cộng với nước con suối vào mùa mưa đã dâng ngập nghĩa trang làm xói mòn mồ mả và mang đất cát đi. Vậy thì chúng ta có thể cả quyết từ 1945 (năm tôi rời Quy Hòa) đến 1959 (năm gia đình Hàn Mặc Tử vào cải táng ra Gành Ráng) thì ít nhất ở Quy Hòa đã cải táng tập thể 2 lần. Và đối với con người bệnh còn sống mà đôi khi người ta còn hất hủi, không ngó ngàng gì tới, thì huống hồ gì những ngôi mã sơ sài, hòm bằng ván gòn mỏng một phân, sát con đường của nghĩa trang nằm cách con suối chỉ một thước tây, (nay nghĩa trang rộng ra nên con suối đã nằm trong) bị nước triều nước suối, nước mưa vào dâng ngập hàng năm, và lũ cá thì theo con nước vào đến tha hồ lội tung tăng quanh các mộ phần và chui vào gốc dương liễu hoặc các mã sập mà sanh con đẻ cháu, và những mộ bia hoặc thánh giá bằng thanh củi gỗ (như của Hàn Mặc Tử) không tuổi tên, hoặc bị năm tháng cát bụi gió mưa xóa nhòa thì khi cải táng người ta nào biết mộ nào của ai, và đau đớn thay là có mấy ai nghĩ đến việc sắp xếp thứ tự ngăn nắp, quy cũ những ngôi mộ của những kẻ đau khổ tủi nhục nhất trần gian này là người mang bệnh phong?

Năm 1970, nằm ở nhà thương Bến Sắn, tôi có đọc ở Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ có bài (tôi quên tên tác giả) của một người ở Quy Nhơn không tin hài cốt của Nguyễn Trọng Trí nằm ở Gành Ráng, vì chính tác giả đã đi gặp cha Nicolas Cận (linh mục làm phép giải tội và phép xác cho Hàn Mặc Tử) và chính cha Nicolas Cận đã đồng ý kiến trên, vì cha cho biết Quy Hòa cải táng nhiều lần nên thất lạc hết. (Cha Nicolas Cận sau này về ở giáo xứ Hộ Diêm - Phan Rang - Ninh Nhuận cũ).

Năm 1971, tôi được các bạn trẻ Ban chủ trương Thi Văn Đoàn Nguồn Thương ở Bến Sắn động viên viết về Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa. Ban chủ trương Nguồn Thương gồm: Thi sĩ Đơn Phương (người được nhà văn Sơn Nam giới thiệu thơ trên nhựt báo Tia Sáng và được Ban Thi Văn Mây Tần của nhà thơ soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà diễn ngâm tập thơ Thương Quê), nhạc sĩ Hải Vân Nhi (có nhạc phẩm ghi bằng thời đó là "Khung trời tưởng nhớ" nói về cuộc sống đau thương hay mộng tưởng, nhớ nhung thời chưa bị bệnh phong) và Huyền Diệp Tử (có 2 kịch bản "Lỡ làng" và "Ngỡ ngàng" diễn trên phát thanh và truyền hình của Ban thoại kịch Tân Dân Nam), lúc ấy tôi đã cố gắng khắc phục về bệnh tật để viết, và đã được đăng tải ở đặc san Nguồn Thương trong những năm 1971 và 1972, nhưng tôi vẫn chưa viết hết thì Đặc san của các bạn trẻ nói trên đã vì nhiều lẽ mà tự đình bản.

Năm 1974 Huyền Diệp Tử trong Ban Trị Sự Đặc san Nguồn Thương đi bệnh viện Núi Sạn có ghé đến thăm nhà thơ lão thành Quách Tấn ở địa chỉ số 12 đường Bến Chợ Nha Trang. Trong dịp này nhà thơ tỏ ý hoan nghênh nếu tôi viết lại những ngày cuối cùng của Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa; đồng thời kính biếu tôi tập thơ "Đọng Bóng Chiều" và tập biên khảo "Xứ Trầm Hương" cùng lời nhắn với tôi là hãy tin tưởng chắc chắn người nằm cải táng ở Gành Ráng là Nguyễn Trọng Trí - Hàn Mặc Tử, vì chính ông là người cùng gia đình Hàn Mặc Tử vào Quy Hòa cải táng theo như thư và sơ đồ của tôi ở Kiên Giang gởi về.

Năm 1976, Huyền Diệp Tử lại có dịp đi Huế nên đã ghé thăm Hồ Hiếu Niệm (Thuận Sinh) và khi về đã cho tôi biết là Niệm cũng không tin người nằm dưới mộ bia cải táng Hàn Mặc Tử chính là bệnh nhân phong Nguyễn Trọng Trí, vì nhiều lẽ như tôi đã đề cập trên.

Theo tôi, nói về phần hồn, phần tinh thần thì gia đình Hàn Mặc Tử cùng người bạn thân Quách Tấn đã đem đúng Hàn Mặc Tử từ Qui Hòa ra Gành Ráng một trăm phần trăm, vì tôi nghĩ có mấy ai trên đời này giữ trọn vẹn mãi mãi phần xác của mình, của người thân mình đâu?

Và ở đây, tôi có xin vài ngụ ý về vụ án Hàn Mặc Tử giữa hai ông Quách - Trần. Thú thật cho đến nay tôi không rõ ai là người trong hai ông được Hàn Mặc Tử và gia đình chấp thuận giữ tác quyền xuất bản, vì từ lúc ông Mại đến Quy Hòa gặp tôi vào mùa thu 1941 đến trước khi ông tập kết ra Bắc - ông chưa hề gặp lại tôi lần nào. Còn ông Tấn thì trước giờ tôi chưa hân hạnh diện kiến hay trao đổi thư từ gián tiếp, mà tôi thì được ông gởi tặng thơ văn qua tay Huyền Diệp Tử với lời nhắn tôi có kể ở trên. Tôi xin đề cập lại lúc gần chết thì Trí có tặng tôi tập thơ, và chỉ đặc biệt nhờ tôi gởi thư báo tin đến hai người là Trần Thanh Mại và Quách Tấn mà thôi. Vậy thì tôi xem như Hàn Mặc Tử đã "di chúc" qua lời nhắn với tôi, để tôi làm thành văn bản là lá thư gởi tác quyền xuất bản cho cả hai ông Quách - Trần một khi Trí đã chết.

Đã gọi là nghiên cứu, biên khảo về Hàn Mặc Tử thì ở đây tôi cũng bắt chước như ông Trần Thanh Mại đã khám phá và cô đọng lại là Hàn Mặc Tử sinh ở biển và yêu ở biển, chết chôn ở biển và nay chúng ta đã biết là Hàn Mặc Tử nằm ở biển. Còn tôi thì khám phá ra nơi sống và yêu của Hàn Mặc Tử là Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và ngôi mộ cải táng hiện nay của Hàn Mặc Tử cũng là gần Lầu Ông Hoàng.

Còn người bạn trẻ Huyền Diệp Tử thì nói với tôi là đời Hàn Mặc Tử là chữ Bình, vì sanh ở Quảng Bình (nay là Bình Trị Thiên) tuổi niên thiếu ở Bình Định (nay là Nghĩa Bình), làm báo ở Tân Bình (Sài Gòn khi xưa là Phủ Tân Bình) yêu đương ở Bình Thuận (nay là Thuận Hải) và chết là Bình Định (nay là Nghĩa Bình).

Và cuộc đời Hàn Mặc Tử thì quá đau khổ cả phần hồn lẫn xác cho nên tạo hóa đã an bài để chọn tên thánh là Francois, để rồi ngày cuối cùng ông đã gởi xác thân tàn tạ đau thương nơi phần đất của dòng tu Francois d'Assise (Phan-xi-cô Khó Khăn)

***

Mường tượng lại sinh hoạt của Trí trong những ngày sống ở Quy Hòa, tôi thú thật chưa bao giờ nghe Trí nhắc đến một nàng con gái nào, chứ đừng nói là kêu gào, than khóc, nhớ thương, mộng tưởng như thơ Hàn Mặc Tử.

Và tôi cũng chưa hề thấy Trí khóc lần nào dù chỉ là một giọt lệ âm thầm. Mà nếu có chăng thì đó là tiếng khóc ở thời còn ở ngoài đời hoặc họa có chăng thì chỉ là sự giấu giếm nơi lòng Trí mà thôi.

Nói đến cái chết thì tôi thấy Trí rất tỉnh táo, không lo sợ mà sốt sắng dọn mình chứ không như những lời thơ ảm đạm thê lương, luôn bị tử thần ám ảnh, hù dọa ngày vĩnh biệt nên lòng luôn luyến tiếc trần thế mà Trí đã làm lúc chưa vào Quy Hòa.

Và trong những ngày ở Quy Hòa tôi cũng không bao giờ hình dung được một tấm thân nhỏ thó, gầy còm là một bợm nhậu hay ít nữa cũng là một người biết uống rượu. Thế mà giờ đây đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta thấy nhan nhản những từ say và say.

Còn nói đến cử chỉ hành động bộc lộ ra ngoài mà tôi và mọi người thấy rõ ràng nhất là Trí trong những ngày giờ biết mình sắp chết thì rất sốt sắng lo về phần hồn của tôn giáo nên Trí rất thích nói về Đức Mẹ Maria đầy ân phước.

Với suy nghĩ của riêng chúng tôi thì nhà thơ Hàn Mặc Tử là một người luôn luôn bị hành hạ vì đang lứa tuổi thanh xuân lại vướng mang bịnh phong nên tinh thần bị giao động nhiều về tình yêu, bè bạn, gia quyến, cộng với thể xác bị vi trùng đục khoét, tấn công nên trong thơ Hàn Mặc Tử ta thường thấy sự tuyệt vọng, khi điên lúc dại, khóc cười lẫn lộn với máu và nước mắt, đau thương xen lẫn với sự hy vọng, ước ao thanh cao ở phần hồn theo tín ngưỡng tôn giáo.

                                    Trích trong: "Tìm hiểu bệnh phong ở Việt Nam và quãng đời Hàn Mặc Tử trước lúc lâm chung" do Phạm Xuân Tuyển thực hiện.

(SH28/12-87)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng