Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Cầu Trường Tiền có từ lúc nào?
15:55 | 13/11/2013

HỒ TẤN PHAN - NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG

Chúng tôi đọc một cách thú vị bài "Lại nói chuyện cầu Trường Tiền" của Quách Tấn đăng trên Tạp chí Sông Hương số 23.

Cầu Trường Tiền có từ lúc nào?
Cầu Trường Tiền năm 1932 - Ảnh: TL

Quách Tấn không những là một nhà thơ có tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám mà ông còn là tác giả của 2 quyển sách "Nước non Bình Định", "Xứ Trầm Hương" là hai tập địa phương chí khá đồ sộ. Riêng về những vấn đề có liên quan đến Huế, ông đã quan tâm tìm hiểu từ năm 1930, lúc ông làm phán sự tại tòa Khâm sứ Huế, rồi từ năm 1958 đến 1975 ông đã để tâm sưu tầm những thắng cảnh cổ tích từ Huế đến Nha Trang.

Một cây bút có một quá trình hoạt động như vậy mà lại đem vấn đề Cầu Trường Tiền đặt lại thì nhất định là phải có vấn đề. Do đó, chúng tôi phải rà lại những hiểu biết của mình về Cầu Trường Tiền.

Cầu Trường Tiền có từ lúc nào?

Ông Quách Tấn có dẫn lời phát biểu của cụ Tôn Thất Lương "cầu Trường Tiền... biết đâu lại chẳng có khi Thuận Hóa còn là Châu Ô Châu Lý..." với cách đặt giả thuyết có tính cách mông lung như vậy quả là chúng tôi không biết dựa vào đâu để góp ý kiến.

Ngoài dẫn chứng nêu trên, ông Quách Tấn có những cứ liệu khác về thời điểm xuất hiện của cầu Trường Tiền khá hấp dẫn, đáng để cho chúng ta nghiên cứu:

1. Căn cứ vào bài thơ "Thuận Hóa Thành Tức Sự" của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì cầu Trường Tiền vào thời đó đã có rồi.

2. Căn cứ vào bài ca dao:

Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp
Em theo không kịp

Tội lắm anh ơi
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa

là câu ca dao có từ thời Hàm Nghi thì cầu Trường Tiền cũng đã có từ thời ấy rồi.

3. Theo lời cụ Ưng Bình (sinh năm 1877), hồi nhỏ cụ đã từng qua lại nhiều lần trên cầu Trường Tiền. Như vậy thì cầu này phải có trước thời Thành Thái, vì "Nếu đợi đến đời Thành Thái cầu mới bắc thì lấy gì tôi qua lại?"

Chúng tôi xin sắp các mốc thời gian từ xa đến gần như vậy để góp ý kiến cho tiện.

Ông Quách Tấn cho biết:

"Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tình cờ đọc Lữ Đường thi tập của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), tôi gặp được bài:

THUẬN HÓA THÀNH TỨC SỰ

Châu trấp đông tây vãng phục hồi
Hồng kiều hoành xứ thủy môn khai
Vân liên sơn sắc thiên biên khứ
Phong quyện đào thanh hải thượng lai
Vãn thị ỷ la nhân hội hợp
Dạ thuyền ty trúc nguyệt bồi hồi
Ca nhi bất quản Giang Nam oán
Thời hữu hoành xuy xương lạc mai.

Tạm dịch:

Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu mống giăng sông của nước chùa
Mây lần bóng non trời rộng mở
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa
Chợ chiều tấp nập thân là lụa
Nốt nguyệt bồi hồi nhịp trúc tơ
Ca nữ quản bao dòng huyết hận
Địch dài trổi khúc lạc mai xưa.


Thuận Hóa thành tức là Huế rồi. Mà ở Huế còn con sông nào lớn và vừa đẹp vừa có thú chơi thuyền ban đêm như sông Hương. Như vậy cây cầu mống bắc trên sông chắc chắn là cầu Trường Tiền mà cụ Tôn Thất Lương nói. Tôi hết sức mừng.

Thái Thuận sinh năm 1441, người Thừa Tuyên, Kinh Bắc, nay là tỉnh Hà Bắc, biệt hiệu là Lã Đường, đỗ tiến sĩ năm 35 tuổi (1475), làm quan ở viện Hàn Lâm, và có đi công cán nhiều địa phương. Đạo đức và tài văn chương nổi tiếng đương thời, ông đã từng được cử làm phó súy Hội Tao Đàn. Sau khi chết thơ của ông đã được con là Thái Đôn Khác và học trò là Đỗ Chính Mô sưu tập làm thành Lã Đường Di Cảo, hiện nay vẫn còn (bản in không rõ năm: VHv. 1459/a).

Thật ra đối với tập Lã Đường Di Cảo chúng tôi cũng chỉ "văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình", đọc được mấy bài trong các tuyển tập mà thôi. Nay được cho biết ông đã đọc Lã Đường Thi Tập, chúng tôi rất cảm thông với nỗi vui mừng của ông Quách Tấn, không những cảm thông mà chúng tôi vui mừng thật sự khi được ông cung cấp cho bài Thuận Hóa Thành Tức Sự.

Nhưng ông Quách Tấn cho rằng Thuận Hóa thành tức là Huế, dòng sông nói đến trong bài thơ là sông Hương và "cây cầu mống bắc trên sông chắc chắn là cầu Trường Tiền" thì lại cần phải xét lại.

Năm Đinh Mùi (1307) đổi Châu Ô, Châu Lý thành Châu Thuận, Châu Hóa. Năm Giáp Ngọ (1411) vào thời thuộc Minh, Châu Thuận và Châu Hóa làm thành phủ Thuận Hóa. Địa danh kép Thuận Hóa bắt đầu có từ đó để chỉ phần đất từ Cửa Việt cho đến sông Chợ Củi (một nhánh của sông Thu Bồn), nhưng phần đất phía Nam Hải Vân chỉ kể trên danh nghĩa chứ thực tế thì người Chiêm Thành đã chiếm lại mất rồi. Năm Bính Tuất (1466) Lê Thánh Tông đem phủ Thuận Hóa thời thuộc Minh nhập với phủ Tân Bình (bao gồm phần đất từ Cửa Việt đến Hoàng Sơn, vốn là đất Ma Linh, Địa Lý và Bố Chính của Chiêm Thành cũ) thành Thừa Tuyên Thuận Hóa gồm 2 phủ, phủ Thuận Hóa cũ đổi thành phủ Triệu Phong gồm có 6 huyện là Vũ Xương, Hải Lăng, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vang và Điện Bàn, 2 châu Sa Bôi và Thuận Bình.

Vào thời Thái Thuận, vùng đất nằm bên bờ sông Hương mà Kinh thành Huế hiện nay đang tọa lạc lúc bấy giờ thuộc huyện Kim Trà, gồm những làng mạc và đồng ruộng sống cuộc đời phẳng lặng bên dòng sông. Mãi đến năm Bính Dần (1626) chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đem thủ phủ của xứ Đàng trong vào Phúc Yên. Năm Ất Hợi (1636) chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đưa thủ phủ vào Kim Long bên bờ sông Hương, phía thượng lưu cầu Trường Tiền. Phải đợi đến năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Trăn mới đem thủ phủ về xây dựng tại Phú Xuân đúng vị trí của Kinh thành Huế bây giờ.

Thuận Hóa Thành trong bài thơ của Thái Thuận, lúc bấy giờ, nằm bên dòng sông Bồ thuộc huyện Đan Điền nay là xã Quảng Thành huyện Hương Điền Bình Trị Thiên. Riêng về cái thành Thuận Hóa này chúng tôi sẽ xin viết thành một bài sau.

Như vậy thì "Thuận Hóa Thành" ở đây không phải "là Huế rồi", dòng sông mà bài thơ của Thái Thuận nói đến không phải sông Hương và cây cầu mà bài thơ có đề cập, tất nhiên, cũng không phải là cầu Trường Tiền.

Sau đó vào khoảng một thế kỷ Dương Văn An, sinh năm 1513, người huyện Lệ Thủy, phủ Tân Bình, nay là huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên, đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi (1547), làm quan triều Mạc, chức thượng thư, khi chết được tặng tước Tuấn quận công. Năm Ất Mão (1555) ông viết Ô châu cận lục, là một tập địa phương chí xưa nhất viết về vùng đất thuộc tỉnh Bình Trị Thiên hiện nay. Trong đó ông có viết về một cái cầu như sau:

"Cầu Đan Điền: Cầu ở chợ xã Đan Lương, huyện Đan Điền, phía Đông chợ có con ngòi có cầu bắc qua. Đầu cầu là khu dân cư. Mái cầu cong nhô tựa cá kình phơi lưng tung sóng. Người đi bộ không phải lo ngại khi sang sông, khách qua đường được đi thông thuận lợi. Có người làm thơ để ở cột cầu, nói cảm tưởng khi qua cầu phiêu diêu như đặt chân cõi Quỳnh Tiên (phiêu diêu đạp Quỳnh Tiên). Quả là chiếc cầu quan trọng ở đất Ô châu"(1)

Ngoài chiếc cầu nói trên, quyển sách không nói đến một chiếc cầu nào khác trong phạm vi của Huế sau này và chiếc cầu này cũng như chiếc cầu trong bài thơ Thuận Hóa Thành Tức Sự của Thái Thuận lại cũng nằm ở huyện Đan Điền, một địa điểm rất xa cầu Trường Tiền hiện nay.

Như vậy là đến lúc đó vẫn chưa có cầu Trường Tiền.

Hoặc giả, cầu Trường Tiền đã có rồi mà Dương Văn An không đề cập đến. Chúng ta tiếp tục tìm kiếm xem thử sao.
 

Cầu Trường Tiền năm 1903 - Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân


Michel Đức Chaigneau, cha Pháp (J.B. Chaigneau, một tay phiêu lưu theo Bá Đa Lộc qua giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, sau đó làm quan tại Huế), mẹ Việt (Hồ Thị Huệ), sinh năm 1803 tại Huế và sống tại đây cho đến 1825 mới theo cha trở về Pháp. Suốt 17 năm đầu trong cuộc đời mình, Michel Đức Chaigneau sống ở Phủ Cam bên bờ sông An Cựu hữu ngạn sông Hương, năm 1820 có qua Pháp một thời gian ngắn, lúc trở về Việt sống ở Chợ Dinh, nay là đường Chi Lăng nằm về phía tả ngạn sông Hương cho đến lúc về Pháp luôn năm 1825.

Như vậy là hai bên bờ sông Hương Michel Đức Chaigneau đều có ở một thời gian khá dài và chắc là ông đi qua lại nhiều lần trên sông này.

Năm 1858 Michel Đức Chaigneau đã cho đăng những hồi ký về Huế của mình trên báo và năm 1867 cho xuất bản tại Paris tập Souvenirs de Huế (Những kỷ niệm về Huế), trong đó có viết như thế này:

"Des ponts, de bois, jetés sur la petite rivière circulaire, relient trois côté de la ville aux faubourgs, et des bateaux de passage, vv... transportent les habitants d'une rive du fleuve à l'autre devant la facade principalé"(2) (Những chiếc cầu gỗ bắc ngang qua những dòng sông nhỏ, nối liền ba phía kinh thành với các vùng ngoại ô, còn phía trước mặt thì có những chiếc đò ngang đưa dân cư qua lại hai bên bờ).

Đối chiếu với bản đồ, cũng trong tập sách nói trên, thì những điều được đề cập trong là hoàn toàn phù hợp. Nhìn trên bản đồ ta thấy ngang qua Hộ Thành Hà ở 3 phía phải, trái và sau kinh thành đều có ghi dấu những chiếc cầu, kể cả những chiếc cầu hiện nay không còn nữa, còn trên đoạn sông Hương chảy ngang qua trước kinh thành chẳng có dấu vết gì.

Theo một tấm bản đồ của L.Rey, người Pháp, thuyền trưởng tàu Henry đến Huế năm 1819, chúng tôi thấy trên đoạn sông này cũng chẳng có một chiếc cầu nào(3).

1863, Palanca, đại tá người Tây Ban Nha, cùng với Bonard đến Huế để ký Hòa ước Nhâm Tuất, có nói một người Việt theo Thiên chúa giáo vẽ một tấm bản đồ kinh thành Huế khá tỉ mỉ. Trên đó, chúng tôi thấy có ghi đủ các chiếc cầu có tại Huế lúc bấy giờ. Riêng trên đoạn sông Hương chảy ngang qua trước Kinh thành cũng chẳng thấy có một chiếc cầu nào.(4).

Jullien, một sĩ quan công binh Pháp tại Huế trong các năm 1884 - 1886, có thực hiện một tấm bản đồ Kinh thành Huế chi tiết và chỉnh nhất so với các bản đồ trước đó cũng chẳng có gì khác hơn những bản đồ chúng tôi đã dẫn chứng trên về vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu(5).

Ông Nguyễn Văn Mại, sinh năm Mậu Ngọ (1858), người Thừa Thiên, nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, đậu phó bảng năm Ất Dậu (1885), làm quan Nam triều từ năm Đinh Hợi (1887) dưới triều Đồng Khánh, ông có kể một câu chuyện xảy ra tại Huế năm Mậu Tý (1888) như sau:

"Ngày tháng 10 năm ấy. Ông Toàn quyền về kinh thăm. Nguyễn Hữu Độ tướng công phụng chuẩn trích nhiều vật tặng hảo. Lưỡng Cung lại giao ra hai viên ngọc như ý để trong 2 hộp đưa tặng Toàn quyền. Khi giao ra thì viện thuộc cất đặt cẩn thận, đến khi đem qua Tòa tặng thì mưa to gió lớn. Các đồ tặng phẩm thì chia làm mấy chục thứ để ở Long đình mà đem xuống thuyền (lúc đó chưa có cầu trên sông Hương giang), bất đồ quên mất 2 viên ngọc như ý. Tôn nhơn và các văn võ đình thần đều phụng mạng qua Tòa sứ để tặng phẩm vật. Trong viện thuộc thì một mình ta (Nguyễn Văn Mại) và một người thừa phái, vì gấp gáp nên không kiểm kịp. Đến Tòa thì các quan chia nhau bưng tặng phẩm vào mà không thấy hai tráp ngọc. Ông Nguyễn Hữu Độ hỏi đi hỏi lại, các quan đều sợ lui ra đổ lỗi cho ta. Còn ta thì một mặt úy cho hai người thừa phái về Viện Cơ Mật tìm, một mặt vào Tòa thưa rằng 2 tráp ngọc ấy để riêng một long đình, xuống một long thuyền nhỏ, nhơn vì mưa gió nên qua chậm. Tướng công cũng tin là thật, cho uống rượu rồi ra. Các quan hỏi ta rằng: Anh vào thưa làm sao mà đi ra thong thả rứa? thì ta đáp như lời đã thưa với Tướng Công. Các quan nói nếu ngọc đến chậm thì anh có lỗi, nếu tìm không ra thì anh nói làm sao? Ta nói "khi đó tôi có một kế là nhận chìm một chiếc thuyền và đổ cho sóng gió. Nhưng trong viện lẽ nào lại có người trộm ngọc, xin các quan chớ ngại", đình thần lấy làm lo lắm. Một lúc sau, người thừa phái bưng ngọc đến, các quan mới lục tục vào tiệc rượu xong, ai nấy đều mừng. Viện đường là ông Đào Tấn cười mà nói rằng: Anh Tiểu Cao (Nguyễn Văn Mại) thật là Triệu Tử Long, gan to như sao Bắc đẩu"(6).

Qua câu chuyện trên, chúng tôi thấy mãi đến năm 1888 cầu Trường Tiền vẫn chưa có. Cho nên ông Quách Tấn dựa vào câu ca dao "Cầu Trường Tiền 6 vài..." mà tin vào lời cụ Ưng Bình do ông dẫn chứng là "câu ca dao này có từ thời Hàm Nghi, Đồng Khánh, tả tâm sự của kẻ bề tôi chạy theo không kịp nhà vua xuất bôn khi kinh thành thất thủ (1885)". Câu ca này cũng đủ chứng rằng "Cầu Trường Tiền có trước đời Thành Thái" thì quả là cần phải xét lại.

Nhân đây chúng tôi cũng xin dẫn chứng một ít cứ liệu cũng từ cụ Ưng Bình để đối chiếu với những dẫn chứng của ông Quách Tấn ở trên.

Năm 1952, 76 tuổi, cụ Ưng Bình có làm bài thơ Cầu Trường Tiền Hiện Thời thể thất ngôn bát cú, câu 1 và câu 2 như sau:

Trường Tiền bến cũ có đã lâu,
Thợ ở bên Tây đến bắc cầu
(7).

Năm 1959, 83 tuổi. Cụ có làm bài thơ thất ngôn bát cú Sông Hương Giang, hai câu 5 và 6 như sau:

Sáu nhịp vòng cung cầu đã bắc
Trăm năm bến cũ dấu còn lưu
(8)

Dưới bài thơ có phần nguyên chú của tác giả như sau:

(*) Cầu 6 nhịp là cầu "Clémenceau", tục thường gọi là cầu Trường Tiền vì nguyên trước có bến đò Trường Tiền ở đó...
(**) Bến cũ tức là bến đò Trường Tiền nói trên.

Như vậy thì chính cụ Ưng Bình cho rằng cầu Trường Tiền là do Tây bắc, còn trước đó thì ở đây đang còn là bến đò. Mà đã nói là Tây bắc cầu thì như trên ta đã thấy, theo bản đồ của Jullien cầu Trường Tiền phải có sau 1888, nghĩa là khác với những điều mà ông Quách Tấn đã viện dẫn ra ở trong bài của mình.

Đến đây bài cũng đã hơi dài, chúng tôi xin trương dẫn 2 tài liệu có giá trị, hầu mong giải quyết vấn đề đã được nêu ra. Đó là 2 bộ Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức và Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân, đều do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn.

Bộ Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức, theo đề nghị của Bùi Quỹ, đã có ý định biên soạn từ năm 1849. Đến năm 1865. Tự Đức giao cho Quốc sử quán thực hiện biên chép những việc từ năm đó trở về trước. Năm 1882 thì sách làm xong đem dâng và xin khắc in, Tự Đức bắt phải xem kỹ lại và soạn tập Bổ Biên để chép tiếp các việc cho đến năm 1881. Nhưng sách chưa kịp đem in thì xẩy ra vụ Thất thủ Kinh đô năm 1885, tập Bổ Biên bị thất lạc.

Trong sách, quyển I Kinh Sư, có chép như sau:

"Trước tới sông Hương, có 2 bến đò, bến cửa Chính Nam và bến cửa Đông Nam. Ba mặt tả, hữu và sau thành đào sông Hộ thành, đều bắc cầu gỗ..."(9).

Bộ Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân, theo lệnh của vua Thành Thái, Quốc sử quán bắt đầu soạn từ năm 1906, điều 1 Phàm lệ ở đầu sách có cho biết sách chép những việc từ năm 1906 trở về trước, nhưng chúng tôi đọc thấy có chép cả một số việc xẩy ra năm 1907. Đến tháng 12 năm Duy Tân thứ 3 (1-1910) thì sách được đem khắc in. Quyển thứ 2, Phủ Thừa Thiên tập thượng, mục Tân Độ có chép:

"Bến đò Trường Tiền: Ở bến đò ngang quan lộ, phía đông nam Kinh thành. Năm Thành Thái thứ 9 (1897) cải tạo cầu sắt"(10).

Mục Kiều Lương của quyển sách trên lại chép:

"Cầu sắt Trường Tiền: ở đông nam Kinh thành: Bờ phía bắc thuộc về đường Đệ Nhất tổng Phú Xuân huyện Hương Trà (11); bờ phía nam thuộc phường Đệ Bát (11). Khởi làm năm Thành Thái thứ 9 (1897). Cầu có 6 gian, mỗi gian 66 thước 8 tấc 5 phân, bề ngang 6 thước 2 tấc, trọn bề dài 401 thước 1 tấc đến năm 11 (1899) mới xong; qua ngày tháng 8 năm 16 (1904) bị gió bão sụp hết 4 gian, còn lại 2 gian, năm thứ 18 (1906) xây sửa lại"(12).

Như vậy là 2 bộ Đại Nam Nhất Thống Chí đã ra đời trong 2 thời điểm khác nhau, những thay đổi trong khoảng thời gian giữa 2 thời điểm đó để lại dấu ấn khá rõ nét trong sách, bộ thứ nhất được biên soạn trong lúc cầu Trường Tiền chưa có, bộ thứ hai khi cầu đã được xây dựng rồi. Nếu chẳng có cứ liệu nào khác chính xác hơn để bác bỏ thì những đoạn mà chúng tôi mới vừa trích dẫn từ 2 bộ sách này xem như đã trả lời một cách thỏa đáng câu hỏi "Cầu Trường Tiền có từ lúc nào?"

Lẽ dĩ nhiên còn nhiều vấn đề về chiếc cầu này cần phải xét lại, như cái tên Trường Tiền chẳng hạn. Nếu độc giả thấy cần và tòa báo nhất trí thì chúng tôi sẽ xin bàn tiếp.

Cuối cùng, chúng tôi xin hỏi rõ hơn cái ý mà chúng tôi đã viết từ đầu bài là chúng tôi thú vị khi đọc bài của ông Quách Tấn, vì ông viết có duyên và cái việc lật ngược vấn đề lại bao giờ cũng có lợi, buộc chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn.

HTP - NTNT.
(SH28/12-87)

-----------------
(1) Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục, bản dịch của Ngô Đức Thọ (Viện Hán Nôm), tư liệu của thư viện Bình Trị Thiên, tham khảo thêm bản dịch của Bùi Lương, Sài Gòn, 1961, trang 66.
(2) Michel Đức Chaigneau, Souvenirs de Huế, Paris, 1867 p.146
(3) Plan N01 BAVH, N01-2, 1933
(4) Plan N02 và Plan N02 bis, BAVH, N01-2, 1933.
(5) Planche LIV, BAVH, N02, 1930.
(6) Tiểu cao Nguyễn Văn Mại, Lộ Giang Tiểu Sử (Tự truyện), bản dịch của Nguyễn Hy Xước, in ronéo, tr.58.
(7) Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Đời Thúc Giạ (Thơ từ 1942 đến 1960), Nhà xuất bản Bốn Phương, Sài Gòn, 1961, tr.104.
(8) Sách đã dẫn tr.143. 144.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức, Quyển I Kinh sư, bản dịch của Viện sử học, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.15.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân, quyển 2 Thừa Thiên Phủ, tập thượng, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1961, tr.107.
(11) Phường Đệ nhất nay là phường Phú Hòa, Phường Đệ Bát nay thuộc phường Vĩnh Lợi, Huế.
(12) Sách đã dẫn, trang 114.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng