Ngôn ngữ như một phương tiện truyền đạt thông tin, đối với thi sĩ, ngôn ngữ là công cụ để truyền cảm xúc của mình đến mọi người. Người làm thơ, điều quý nhất là cảm xúc. Nghệ thuật tu từ là phần kế tiếp để tác giả chia sẻ trọn vẹn cảm xúc của chính mình đến với mọi người.
Thi tài là ở chỗ, tác giả khiến nhiều người đọc rơi vào thế giới thơ của mình một cách tinh tế, như những cuộc rượu giang hồ tràn nghĩa khí. Hà Túc Trí là người như vậy, khi những cuộc phiêu lãng của anh tưởng chỉ dành riêng cho những người trong cuộc cảm nhận, nhưng qua thi khí của tác giả, những kẻ ngoài cuộc như đã đồng hành trong cuộc lữ miên man tận những miền sơn cước. Phải chăng cái tình của con chữ đã đưa người đọc rơi vào cảnh giới phong trần, mà thi hào Nguyễn Du đã nói: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Thơ là phần hồn của tác giả, phải kinh qua nhiều chặng đường biên ải, nơi heo hút bóng con người, Hà Túc Trí mới nhận ra “Rượu giang hồ uống đâu phải dễ”, để mỗi cuộc đi là nghìn trùng níu gọi. Tất nhiên, phải nhờ những bước chân từng trải và mạch ngầm tiềm tàng trong thăm thẳm tâm hồn mới có thể truyền cảm thụ của mình đến mọi người bằng những câu chữ rất thơ.
Xin giới thiệu chùm thơ từ thập niên 90, mang nhiều màu sắc biên tái của Hà Túc Trí đến với độc giả.
Lê Huỳnh Lâm (gt)
HÀ TÚC TRÍ
Rượu giang hồ ở biên giới
Mầy tao một vò rượu đế
Xin nâng chén tiễn mây trôi về phương Bắc
Cơn mưa chiều xanh ngoài biên ải - chừ thiết tha gọi gió quanh thành
Xin nâng chén phương Nam bài hành ta đã quên
Chiều nay phiêu du dừng gót
Quê nhà khuất sau cụm rừng xanh
Rượu giang hồ uống đâu phải dễ?!
Máu chảy bao lần đục ngầu mắt dại xấp tiền tanh
Nay tóc ngả hai màu - bụi đường còn vương trên vai
Để chiều nay hai ta chung vò rượu giang hồ
Hai chén nổ buồn vui đời bụi cát
Chiều nay mưa xuân giăng lưng đèo
Những người kia - kẻ đời xanh thẳm - kẻ phong trần
Chén rượu này ta xin rưới xuống:
Biên giới không còn ngăn cách chi nhau
Để sinh tử chỉ còn trong một chén
Uống đi mầy! Còn nữa chén phần tao!
Biên giới Việt Trung 1995, tặng Chen Fu Hai, một người Hoa Lục yêu hòa bình
Chiều sơn cước
Ta trẩy lòng buồn lên mạn ngược
Sương chiều đồi phủ bước chân mây
Rừng mưa trong ấy sầu thấp thoáng
Bóng ngựa về xuôi nhớ cỏ đầy
Còn ai phố cũ cho ta nhắn
Xin giữ gìn thơm chút đợi chờ
Ở đây sốt váng người áo mỏng
Chiều gùi mắt dại nhặt hoàng hôn.
Pác Rằng, Cao Bằng, 1994
Rượu chiều quan san
Xe dừng vừa cạn ngày biên ải
Chẳng hẹn mà chung quán giang đầu
Liêu xiêu chiều choạng màu thu sẫm
Mưa trắng tràn trời cơn bão qua
Ngày kia suýt chết trên đất lạ
Chừ say cùng bạn ở quê nhà
Mưa ngàn đã thẳm màu biên tái
Buồn lên men rượu rót đời xa
Ngồi chung ai hiểu lời mưa gió
Chén đắng làm cay mắt giang hồ
Không chờ người tiễn chiều sông Hiếu
Bẻ kiếm lưng trời gió bụi bay
Ta lãng du hề! Nơi xứ khách
Ngồi co ghế chật, hẹp chi lòng
Đi nhờ lại được mời uống rượu
Mưa chiều biên giới biết về đâu?
Lao Bảo, 07/1993
(Biên giới Việt Lào)
Gió về Tùng Môn Trang
… Ta từng có nỗi nhớ rừng tha thiết
Trong những chiều say bão tố dậy kinh thành
Xa mãi ngàn xa sơn cước ơi
Chiều mây châu thổ nhớ chưa vơi
Suối reo nẻo ấy đâu hài cỏ
Để dấu rêu xưa đá phủ mờ
Mây trắng nửa trời bay suốt mộng
Mở cửa am chiều mộng trống không
Ta hề - phương sĩ mà vô đạo
Đợi tiếng kinh khuya dưới cội đào
Tiếng cây than gió lay hồn đá
Đá vết lăn trầm cũng biệt ly
Sơn cốc ta hát vang trời đất
Tiếng vọng buồn thiu ngủ dưới chiều
Mõ chuông ta gõ hồ trống trận
Âm vẫn tang thương - vẫn tiêu điều
Bồi hồi tiếng địch réo đồi Tây
Trừng không rừng dựng cỏ thức mây
Em ở phố còn hong áo lụa
Ta quên ngày cũ những chiều say
Ơi thu gió trắng buồn khô mắt
Gió cứ về đi hoa nắng bay
Em đã một lần trong chăn chiếu
Mà đây gác quạnh chiếu chăn buồn…
Tùng Môn Trang, Đà Lạt, 1971
(SDB10/09-13)