Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-13)
Đinh Cường, tấm lòng vô hạn
14:48 | 04/11/2013

ĐẶNG TIẾN

Những dòng dưới đây, nguyên văn lời giới thiệu bằng tiếng Pháp do tác giả viết tại Paris tháng 10/2010, nhân triển lãm tranh “Đinh Cường tấm lòng vô hạn”. Bài viết sau đó được tác giả tự phỏng dịch.

Đinh Cường, tấm lòng vô hạn

Họa sĩ Đinh Cường từ tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, năm ngoái sang Paris bày tranh tại phòng triển lãm Annam Héritage, từ 28.10 đến 6/11/2010.

Năm nay anh về Việt Nam, triển lãm tại Đà Lạt, đầu tháng 8/2011. Nghe đâu sau đó anh sẽ bày tranh tại TP. Hồ Chí Minh.

Đinh Cường mài miệt, mải miết vẽ đều tay từ nửa thế kỷ nay; đây không biết là lần triển lãm thứ mấy từ ngày anh mới ra trường 1963; và từ khi sang định cư tại Mỹ, 1989. Lần bày tranh tại Việt Nam, gần đây nhất là tại Huế, mùa hè 2009.

Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy, cho nghiệp hội họa - không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa. Anh triển lãm nhiều, không nhất thiết để bán tranh mà để gặp gỡ, làm quen. Vẽ tranh là tìm đến với cuộc đời; và bày tranh là đi trọn dặm trường hạnh ngộ. Nói khác đi, làm khác đi, là chưa hết lòng với chính mình và chưa tận tình với nghệ thuật.

Đinh Cường có câu thơ hay: Ra đi mới biết lòng vô hạn. Mỗi bức tranh là mỗi ra đi.

*

Đinh Cường cùng Đặng Tiến


Có lần có kẻ yêu cầu tôi nói về tranh Đinh Cường trong vài ba chữ, tôi đã trả lời bằng một hình ảnh: tranh Đinh Cường là mạch nước ngầm tuôn trào lên khung vải. Đối thoại hồn nhiên thôi, nhưng ngày qua tháng lại có vẻ hợp lý, khi nhìn lại từ nguồn sáng tạo đến họa phẩm hoàn tất. Và như thế, chúng tôi lại gặp lại nhau, lại có nhau. Năm mươi năm trong chớp mắt.

Mạch suối tuôn trào, từ những kỷ niệm rời, những giấc mơ thầm, những hoang mang hão, từ tuổi thơ gió bụi, từ những “trận gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Và biết đâu chẳng đến từ những ảnh tượng tiền thân, như lời thơ Baudelaire “đã sống nhiều đời dưới bóng những hoành môn”; hay vẫn theo Baudelaire, “nhiều kỷ niệm như nghìn năm đã trải.
 

Tác phẩm “Cà phê mùa đông”

Mạch suối trào tuôn: nước ngầm vươn lên ánh sáng; và nơi Đinh Cường, mỗi bức tranh đòi hỏi một ánh sáng riêng cho màu trời sáng tác. Nước ngầm tái hồi với trần gian, thành thân với mặt đất chênh vênh, khi tươi thắm phù sa, khi chìm chìm núi lửa. Màu sắc ngân vang những bài hát thiên thanh, khô khan sỏi sạn hay lóng lánh thủy tinh. Nghệ thuật Đinh Cường nối kết những mặt trời khuya khoắt đang đòi lại bình minh; chúng rọi chiếu lên khung vải nỗi đắm say lẫn với u hoài, thêm một thoáng hy vọng thầm kín và ngờ vực trầm buồn.

Nhưng cần đồng ý với nhau: sáng tạo nghệ thuật không bao giờ là một hồi tưởng đến tự nhiên, mà đòi hỏi ý chí, lao động cần mẫn và tìm kiếm miệt mài. Mạch nước ngầm còn là việc mang nặng đẻ đau - bề trái trong sáng tác Đinh Cường.

Từ thời trẻ, từ khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế, 1963, Đinh Cường đã hướng về hội họa hiện đại và trừu tượng. Anh trả lời báo Thế Giới Tự Do, 1967: “Tôi đã dần dần tước bỏ hết ý niệm về sự vật, hay nói theo danh từ triết học kinh điển, loại bỏ mô thể, forme, của sự vật để chỉ còn giữ lại chất liệu, matière, thuần túy của sơn dầu”.

Anh cho biết thêm về cách thực hiện một bức tranh “luôn luôn khởi đi trong ánh sáng rực rỡ lúc đầu, như một òa vỡ của hoa; để rồi lại trở thành đêm xanh đen, kết thúc những dò dẫm dài hơi, nơi kết liên của ngẫu nhiên và một tiền định nào đó không hiểu” (ĐC, báo TGTD, tập 16, số 8, 1967, Sài Gòn).
 

Tác phẩm Trận gió hoang vu (chân dung Đinh Cường tự họa); sưu tập riêng của Đặng Tiến


Tự bạch quý giá này không mâu thuẫn với ẩn dụ “mạch suối ngầm” tôi đã nêu lên. Lời tâm sự bổ sung thông tin về mặt hoàn tất một họa phẩm, giai đoạn cuối cùng của tạo tác. Trí tuệ sáng tạo của họa sĩ nhập vào bàn tay nghệ nhân thực hiện. Đinh Cường mài dũa, dập xóa, ấp ủ, đậy điệm, đưa những hình thể rực rỡ ban đầu vào không gian u trầm của nghệ thuật mà anh gọi là “đêm xanh đen”. Tuy vậy anh vẫn không ra khỏi quy luật thông thường của sáng tạo nghệ thuật, là đưa những mô hình từ bóng tối của tâm thức ra ánh sáng của trí tuệ, của tư duy logic như đưa hành trình Ulysse trong huyền thoại lên không gian hình học theo Euclide. Nghệ thuật, bao giờ cũng như bao giờ, vươn từ bóng tối ra ánh sáng. Không có hành trình ngược chiều.

Aragon có câu thơ hàm súc:

Những bông hồng mơ gì trong đêm tối…?

Liệu câu hỏi lạ lùng có tìm thấy lời giải trong tranh Đinh Cường?

Đinh Cường trong ngẫu hứng nào đó, có vẽ lên được giấc mơ của hoa hồng, qua kho tàng hình thể mình tích lũy trong trí tưởng?

Tranh Đinh Cường, trong tinh thể, phải chăng là ký ức một đóa hoa hồng đã hiến dâng hương sắc cho trần gian?

Và nghệ thuật trần gian phải chăng là hoài niệm một mùi hương?

Đ.T
(SDB10/09-13)







 

Các bài mới
Họa thi (12/11/2013)
Các bài đã đăng