Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-13)
Về cái sự “Đi” của người Việt…
15:06 | 05/11/2013

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Đối thoại với nhà sử học Lê Văn Lan về chủ đề “sự đi đây đi đó”, nhất là sự xuất dương nước ngoài của người Việt, từ xã hội cổ truyền đến xã hội hiện đại, hai chúng tôi đồng thuận: một dân tộc nông dân, sự sống sự chết đều diễn ra trong khung cảnh làng Việt cổ truyền, cả đời lo làm ruộng,“chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” như nông dân Việt, thì rất không muốn nay đây mai đó, chỉ thích yên phận sau lũy tre làng.

Về cái sự “Đi” của người Việt…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - Ảnh: giaoduc.net.vn

Học giả Đào Duy Anh nhận xét trong Việt Nam văn hóa sử cương: “Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính tình ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp, chứ không muốn cạnh tranh với ai”. Có lẽ con đường người Việt hay đi nhất là từ nhà ra ruộng lúa và từ ruộng trở về. Nên, bi kịch lớn của nông dân Việt là bị trốc rễ khỏi làng. NHÀ - LÀNG - NƯỚC là cấu trúc xã hội nông nghiệp cổ truyền khép kín của người Việt. “Nước” - cũng theo Đào Duy Anh - chính là hình ảnh phóng to của “làng” Việt. Vậy, sự đi của người Việt thế kỉ 21 đã mở rộng đến năm châu bốn biển, thì việc nhận diện cái sự đi của người Việt sẽ rất có ý nghĩa với sự phát triển của văn hóa Việt hôm nay.

*

Nguyễn Thị Minh Thái (NTMT): Vậy, theo dòng lịch sử, người Việt thích đi, hoặc phải đi khỏi lũy tre làng vào thời điểm nào là xưa nhất? Theo ông, Chử Đồng Tử, được dân gian Việt tấn phong là “nhân vật số ba” trong Tứ bất tử có phải do thích đi buôn bán mà được coi là ông Tổ nghề buôn Việt không?
 

Nhà sử học Lê Văn Lan - Ảnh: internet

Lê Văn Lan (LVL): Đúng. Chử Đồng Tử phiêu dạt từ Khoái Châu, Hưng Yên quê hương, vào tận Đồ Sơn (Hải Phòng) buôn bán. Nay, Đồ Sơn còn đền thờ Chử Đồng Tử và dân gian truyền tụng rằng ông còn có… con ở vùng biển ấy.

Rất lâu sau thời vua Hùng, dòng chảy lịch sử về sự đi buôn bán của người Việt đã phát triển đặc biệt thịnh đạt vào thế kỉ 18, và nổi lên nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787), một danh tướng cuối thời Hậu Lê, người rất có ảnh hưởng đến lịch sử Việt thế kỉ 18, con trai nhà phú thương Nguyễn Mẫn. Nguyễn Hữu Chỉnh thích cả hai bề, vừa ham hố chính trị, lại vừa ham buôn bán vụ lợi. Nguyễn Hữu Chỉnh có công làm sầm uất hai trung tâm thương mại nổi tiếng của thế kỉ 18 ở Việt Nam, đó là Phố Hiến ở Bắc Bộ và Hội An ở Trung Bộ.

Ngược dòng lịch sử, tôi lại rất thích một kỳ nữ giỏi nghệ thuật buôn bán thế kỉ 15: Bùi Thị Hý, chủ lò gốm Chu Đậu (Hải Dương). Từ thế kỉ 15, bà đã tham vọng buôn bán viễn dương trên đường biển Việt. Tôi ngờ Bùi Thị Hý là một trong vài chủ thuyền hàng hải lớn nhất của con đường gốm sứ trên biển Việt. Bà từng chỉ huy đội thương thuyền đường biển mang gốm sứ Chu Đậu bán ra nước ngoài. Thành cổ Istambul Thổ Nhĩ Kì mua được đồ gốm Chu Đậu cực đẹp, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia, có món đồ sứ Chu Đậu giá lên tới hàng triệu USD. Mỗi món đồ sứ quý hiếm này đều có chữ kí của bà chủ Bùi Thị Hý, nói theo ngôn ngữ bây giờ là có “thương hiệu” Bùi Thị Hý ngay trên đồ sứ Chu Đậu. Bà Hý biết ơn gốm Chu Đậu cho mình tài lộc, tài sản lớn, nên không tiếc tiền xây cho Chu Đậu quê hương mấy ngôi đình, chùa, cầu, đường… khang trang, lộng lẫy.

NTMT: Thưa ông, ngoài ấn tượng về nhà buôn Việt Nam, mà tôi cho đó chính là những người yêu nước bằng cách giao thương với nước ngoài, trong khi xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền không coi trọng nghề buôn, mà chỉ coi trọng “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, vậy ông có thích mẫu người Việt nào nữa ham đi đây đó, mà không nhất thiết chỉ vì… tiền bạc không?

LVL: À phải, có một “dòng đi” khác, là các nhân vật rất kiệt xuất trong lịch sử xuất dương Việt. Đó lại là những người đi sứ theo quan hệ ngoại giao với nước ngoài, từng chịu muôn vàn gian khổ và thách thức trong bang giao với Trung Quốc xưa, ngay trong lòng kỉ nguyên Đại Việt. Tôi thán phục Lê Quý Đôn, đi sứ với quan niệm mang đậm triết lý văn hóa Đại Việt: đi sứ đến nước người là để biết người biết ta. Ngay cả khi ở trong nước, cũng phải đi đây đi đó cho biết, cho hiểu đồng bào, vì, nói như dân gian Việt, “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Lê Quý Đôn triết lý về sự “đi” của mình, theo cách một trang nam tử: “Chân không đi vạn dặm đường/ Bụng không chứa vạn quyển sách, thì chẳng đáng làm người”. Có lúc phải “đi” theo nhiệm vụ ngoại giao đã đành, nhưng, có khi ông “đi” là để tự chiêm nghiệm sự phiêu du, thỏa cái thú giang hồ vùng vẫy. Ông từng ngược miền biên ải Hưng Hóa, Hà Giang, phên dậu phía Bắc của đất Việt. Sách Kiến văn tiểu lục, vào hàng nổi tiếng nhất về sự ích lợi khoa học cho người Việt của Lê Quý Đôn đã ra đời trong chính những chuyến đi ấy. Có hồi ông lặn lội vào tận Thuận Hóa. Sau chuyến hành hương về sông Hương núi Ngự xứ Huế đẹp như mơ ấy, ông đã viết Phủ biên tạp lục, một tác phẩm hào hoa sâu sắc về xứ Đàng Trong, với tình cảm thật đậm đà. Lê Quý Đôn quả là người theo đúng cách hiểu của dân gian Việt, đã làm trai thì phải bôn ba từng trải: Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai đã từng.

Song, tôi đặc biệt ngưỡng mộ cuộc đi sứ hào hùng của Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803). Năm 1793, ông đi sứ Trung Hoa vào đúng tiết xuân. Cả một chuyến đi vất vả trèo đèo lội suối, vượt núi non hiểm trở, băng qua sông dài, lúc đi thuyền, khi đi bộ, cưỡi ngựa…, mất hơn một mùa xuân ròng rã, mới đến được Bắc Kinh vào mùa hè. Lúc trở về cũng thế, ông lại đi hơn một thu ròng rã mới về đến nhà. Cả hai chuyến đi - về ấy cộng lại, ông đã mất đến “ba mùa” ở nơi đất khách Trung Hoa. Ông viết sách Hoàng hoa đồ phả, kể chuyện đi sứ mất ba mùa như một hoa trình, vừa đi vừa viết vừa vẽ, tràn đầy tự hào dân tộc, yêu nước mình trên hết mọi tình yêu, thể hiện trong câu thơ gan ruột: Quy Ngô ngữ ngã hữu/ Hạnh tai sinh Nam bang, (tạm dịch: Ta về nói với bạn ta/ Thật là hạnh phúc được là người Nam). Người đáng kính và sâu sắc đến điều như thế mà năm 1803 bị vua Gia Long Nguyễn Ánh sai Đặng Trần Thường đánh đến chết tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long thành, vì “can tội” theo Tây Sơn chống nhà Nguyễn. Thời ấy, cũng vì tội “phản quốc” mà nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân cũng bị Nguyễn Ánh - Gia Long cho voi giày đến chết. Tính từ 1803, nay đã tròn 210 năm Ngô Thì Nhậm bị đánh chết ở Văn Miếu. Văn Miếu lừng lững còn đó. Tôi, nhà sử hậu thế, ngậm ngùi nhớ thương ông…

NTMT: Thuận theo dòng hồi cố của chính ông, nhà sử Lê Văn Lan, tôi thấy một dòng đi nữa, vô cùng đặc sắc: đi tìm đường cứu nước. Đó là sự xuất dương của các chí sĩ cách mạng, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, mà điển hình sáng chói nhất là Cụ Hồ Chí Minh - người đi nhiều hơn cả?

LVL: Đúng, họ là những chí sĩ cách mạng thời cận đại Việt Nam, đã “bôn ba nước ngoài vì giống nòi”, theo hướng Tây Du, Đông Du để tìm cách cứu nước, hoặc tìm cách canh cải nền kinh tế cứu nhà, bằng việc học tập kinh nghiệm điều hành quốc gia của các cường quốc láng giềng châu Á, hoặc tìm đường cách mạng cứu nước khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây rất phong phú phức tạp này, đầu thế kỉ 20, ở Việt Nam lại nảy sinh một số nhân vật lãng du là văn nghệ sĩ Việt Nam ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng… rất mê thích đời sống lang bạt kì hồ, rày đây mai đó trên các nẻo đường gió bụi, theo đúng chất nghệ sĩ “đa đoan vó ngưạ, chung tình bánh xe” (Nguyễn Bính)… Bạn có thấy không? Và bạn thích ai nhất?

NTMT: Thưa nhà sử, về sự “thích xê dịch”, người ham hố nhất, tự cho mình là nhất về sự ham đi, là nhà văn Nguyễn Tuân. Sau đó, phải kể hai thi sĩ rất mê giang hồ lãng tử: Thế Lữ và Nguyễn Bính. Và phải kể một tính cách mĩ thuật độc đáo, chuyên vẽ chân dung theo cách riêng “tinh tướng họa” là họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Họ đều đã ra người thiên cổ, song họ đã để lại hậu thế mỗi người mỗi cách phiêu du nghệ thuật độc đáo. Bằng ngôn ngữ văn xuôi, thơ ca, hội họa, họ làm phong phú bản đồ du kí của từng người với phong cách cá nhân đặc sắc. Mỗi nghệ sĩ là mỗi kiểu xê dịch, song lại rất giống nhau ở cái cách coi cuộc đời là cuộc phiêu lưu. Đi để được, để thấy, để đổi mới, và để sáng tạo tác phẩm mới. Và rất có thể, đi, là để trở về nơi mình đã ra đi, để tìm cái đẹp mang phong vị hương xa, từ đó, ngược về bản thể chính mình, với cảm giác hiếm hoi đầy khoái thú: cảm giác tân kì trong cái viết và cái sống! Sự ưa thích phiêu du của những nghệ sĩ thích phiêu lưu này bỗng làm tôi nhớ câu thơ đẹp lộng lẫy về sự khao khát xa khơi của thi sĩ Trần Dần: Hãy sống như những con tàu/ Phải lòng muôn hải lý/ mỗi ngày/ bỏ sau lưng/ nghìn - hải - cảng - mưa - buồn… Vậy theo nhà sử học, người Việt hôm nay, trong thập niên đầu thế kỉ 21, lại trong thời khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, họ còn thích phiêu lưu đây đó không?

LVL: Ô. Tại sao không? Song, tôi phải phiền muộn mà nhận xét rằng, chưa bao giờ tôi thấy người Việt ra nước ngoài nhiều đến thế và khác nhau nhiều đến thế về cái sự đi lại, nhất là của thập niên này, với tên gọi hiện đại là du lịch. Người Việt du lịch tự do trong nước, ngoài nước. Với dân tộc nông dân Việt, vốn ít thích đi đây đó như đã nói ở đầu cuộc trò chuyện này, thì những “dòng đi”, “nhóm đi” ta vừa nói đến, chỉ là số ít trong số đông dân Việt, nay đã lên tới gần trăm triệu người. Lại so với kiểu cách đi của người Việt truyền thống, thì kiểu cách đi của người Việt hôm nay thật phong phú, thiên hình vạn trạng. Nhưng, thật tiếc mà phải nhận thực: hầu hết người Việt, ngay trong thế kỉ 21 hôm nay, vẫn thích cất giữ một căn tính nông dân khi đi du lịch, hoặc đơn giản là ra nước ngoài để buôn bán, học tập, làm việc, đoàn tụ gia đình… Lẽ ra người Việt hiện đại khi được ra nước ngoài nhiều hơn, đi rộng hơn, bởi họ đã đi khắp 5 châu 4 biển, thì phải khác hẳn những nhóm nhỏ người Việt trước đây. Song, thật tiếc, phần lớn các cuộc đi đây đó của người Việt hiện đại đã không còn nữa sự ham hố mở mang nhằm làm giàu trí tuệ, sự gia tăng sắc màu lãng mạn khi hưởng thụ cái đẹp hồn nhiên của cảnh vật thiên nhiên, cùng lối sống văn hóa xứ người. Trước khi du lịch chẳng hạn, người Việt ta thường không mấy khi xác định rõ mục đích, chưa chịu “lận lưng” một số hiểu biết nhất định về địa lý - khí hậu - con người - phong tục - tập quán… của quốc gia mình đến, thành thử người Việt hôm nay hay bị “sốc văn hóa”, hoặc để lại ấn tượng chưa mấy tốt đẹp về chuyện ứng xử của người Việt mình ở xứ người.

Tôi muốn nói mấy điều này là muốn để người mình thân ái nhắc nhau, phải tìm cách đi thật mới, thật đậm đà bản sắc Việt, cho số đông người Việt hôm nay. Đúng là đi để học lấy một sàng khôn, một sàng yêu mến con người cảnh vật nơi xứ người, và khi trở về, thấy mình trưởng thành hơn, giàu có hơn về văn hóa sống, mến yêu hơn con người, cảnh vật xứ sở quê mình…

NTMT: Tôi cũng nghĩ vậy. Xin cảm ơn nhà sử về cuộc đối thoại này.

(SDB10/09-13)






 

Các bài mới
Họa thi (12/11/2013)
Các bài đã đăng