Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-13)
Trong hội họa, Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm
10:25 | 14/11/2013

TRỊNH CÔNG SƠN

Đầu những năm 60, bóng dáng của Modigliani và của những bậc thầy các trường phái hội họa mới thấp thoáng đi về dưới những bức tường cổ rêu phong của Đại Nội. Ở đó có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và ở đó cũng có Đinh Cường.

Trong hội họa, Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm
Trịnh Công Sơn ký họa Đinh Cường - 1985

Rất nhiều mùa màng đã đi qua những căn phòng trọ luôn dời đổi. Trong những căn phòng đó đã có một thời, thi ca và âm nhạc đã sống cùng với hội họa, và đã cùng hít thở đến quen thuộc cái bầu không khí hăng hắc mùi sơn dầu còn tươi từ những tấm toile (bố vẽ) mới phác thảo, đang tìm tòi.

Đó là cái thời của những tuổi hai mươi tìm gặp nhau trong một mối đồng cảm về nghệ thuật. Cái tuổi của lãng mạn, trữ tình và đầy chất hào hoa phong nhã.

Tôi đã gặp Đinh Cường vào thời điểm ấy. Trong những đêm mùa đông, băng qua khu vườn rộng ẩm ướt mưa ở Bao Vinh, trước khi gặp Cường bao giờ tôi cũng phải “diện kiến” với một con mắt đỏ lập lòe của ngọn đèn dầu trên am thờ. Đó chính là cái point riche (điểm tráng lệ) của đêm đen mà về sau này tôi vẫn thường bắt gặp trên tranh của Cường.
 

Tác phẩm “Nude”

Với cái nền lãng mạn đầy tính chất thi ca, Đinh Cường đã say sưa “vọc” sơn dầu và nhồi nặn tâm hồn mình vào trong ấy. Thời gian ấy, tôi rất hiếm thấy những họa sĩ trẻ sử dụng sơn dầu nhuần nhuyễn như Đinh Cường. Và đó cũng là giai đoạn của những “khỏa thân xanh” (nu blue), “khỏa thân hồng” (nu rose) phảng phất đường nét của Modigliani, một trong những bậc thầy về chân dung mà anh rất ngưỡng mộ và yêu mến.

Sức làm việc của Đinh Cường trong những năm ấy đã gây cảm hứng rất nhiều cho bạn bè làm văn nghệ ở quanh anh. Tuy đang ở trong những năm đầu của nghề nghiệp nhưng anh đã biết tạo cho mình một vòm khí hậu riêng biệt. Đó là cái khí hậu đầy lôi cuốn mà người ta thường tìm thấy trong thế giới của những nghệ sĩ đã trưởng thành trong tác phẩm cũng như trong lối sống. Ở đó người ta chỉ bắt gặp sự sáng tạo, nỗi đam mê không bờ bến và những giấc mơ kỳ diệu.

Được sự cộng sinh của những trào lưu mới mẻ của văn học nghệ thuật thế giới lúc bấy giờ, Đinh Cường đã buông thả đôi cánh phóng khoáng của tâm hồn mình để có dịp mang thế giới màu sắc về những biên giới sáng tạo không hình thể. Theo thời gian, cùng với nỗi đắm đuối khôn cùng đối với chất liệu sơn dầu, anh đã biến những linh cảm của thế giới tinh thần trước đời sống và thiên nhiên thành những khối màu nói bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng. Những khuôn mặt thiếu nữ, hoa, lá, núi, đồi… có lúc đã nhòe đi và hòa lẫn, tan biến vào nhau, để trở thành cái tinh khiết, cái thuần chất nhất, đó là cảm xúc, là sự rung động đã được lọc sạch trước thế giới bên ngoài.

Đinh Cường là con người sống để vẽ và đi. Đi với Đinh Cường đồng nghĩa với hạnh phúc. Một thời tuổi trẻ chúng tôi đã cùng đi và đã sống những mảng đời đầy thơ mộng. Đi và sống giữa cuộc đời mênh mông như những nhà thám hiểm cô đơn mà kẻ dìu dắt cũng chính là bản thân mình. Có khi về giữa một thị trấn, có khi ở trong lòng một thành phố nhỏ và cũng đã có nhiều tháng ngày về ẩn dật trong một căn nhà sàn nằm trơ trọi giữa rừng núi vùng Kađô.
 

Tác phẩm “Phố mùa đông”


Cái vốn liếng một đời người có được cũng từ những chuyến đi đó - Đi, để tạo một khoảng cách cần thiết đối với cuộc sống quen thuộc của mình, để ngẫm nghĩ về nó. Đó cũng là khoảng cách, bước lùi cần thiết cho một họa sĩ để có một cái nhìn quán xuyến hơn trước bức tranh mình đang vẽ. Đinh Cường vẽ tranh như người ta thở. Nhưng để đạt được sự dễ dàng đó không phải ai cũng làm được. Trong Đinh Cường, có sự phóng khoáng bềnh bồng của một người nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng có sự cần mẫn, tinh tế của một người thợ.

Qua một phần tư thế kỷ, Đinh Cường đã mang đến cho những người yêu hội họa, qua những phòng tranh trong nước cũng như ở nước ngoài, hoặc trên sách báo, gần cả ngàn bức tranh lớn, nhỏ, và minh họa. Nhớ lại những phòng tranh cũ và được xem những bức tranh mới, tôi chợt nhận thấy rằng trong Đinh Cường luôn luôn có một sự trở về. Anh không có cái logic của người luyện kim từ một mẩu sắt thô biến thành một thanh kiếm đẹp. Anh như mang trong mình một nỗi nhớ không nguôi đối với kỷ niệm. Trong tranh của Đinh Cường không có bóng dáng của cái gọi là sự trở thành (le devenir). Anh có vẻ như đang còn mải đi tìm cái tuyệt đối trong sự tương đối được lặp đi lặp lại mãi của một đời người. Tìm đến thế giới tranh của Đinh Cường là tìm đến với sự yên tĩnh đẫm chất thơ mộng. Dưới nét bút của anh, không có hình bóng của sự bạo hành hoặc sự nồng nhiệt đầy cuồng nộ của những tâm hồn phương Tây. Cái màu xanh lạnh được chuyển qua nhiều sắc độ khác nhau cùng màu hồng nồng nàn trong những bức tranh xưa vẫn còn tìm thấy lại trên những tấm tranh mới. Rõ ràng Đinh Cường không muốn tìm kiếm hoặc chạy theo những trường phái mới nữa. Anh đang dừng lại trong những biên giới của chính mình để tìm kiếm qua hình thể, sắc màu, cái vẻ đẹp lung linh của một giấc mơ không nắm bắt được.

Nhìn những bức tranh mới đây, với khung cảnh quen thuộc của núi rừng Đà Lạt, Lâm Đồng, tôi như vẫn còn nghe thấy được chút nắng vàng rơi dưới thung lũng, đốm lửa bập bùng trên những đường đèo và cả tiếng lục lạc trên cổ con ngựa trắng kéo khoang xe chở Đinh Cường một mình từ quận Đơn Dương trở về căn nhà sàn gỗ ở Kađô trên tay cầm nải chuối và chai xăng để rửa cọ.

Đà Lạt, Huế cùng những màu đất đá rêu phong là nỗi ám ảnh và cũng là nỗi nhớ triền miên của Đinh Cường.

Trong hội họa, tôi gọi Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm.

T.C.S
(SDB10/09-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa thi (12/11/2013)