Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-13)
Vẻ trầm mặc của đất đá
15:00 | 18/11/2013

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Những khuya trở về căn nhà trắng trong một hẻm đá ở xóm Bến Ngự, những ánh hỏa châu cũng bắt đầu tung lên trên vùng trời xa thành phố, “tâm hồn thấy sa sút thêm mỗi lần ở ngoài phố về”, Cường thường thú nhận với bạn bè, và Cường bắt đầu quần với khung vải trắng lớn trước mặt.

Vẻ trầm mặc của đất đá
Chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường - tranh Đinh Cường

Trên nền trắng bát ngát đó, Cường ném lên những tảng màu thật dữ dội, để rồi dần dần phủ lên một lớp màu thanh đạm khắc khổ hơn, mầu brun vibert của đất đá trầm mặc, vert de chine của rêu phong, bleu hortensia của huyền bí của mặt sông ban đêm, gris bleu của sương mù. Vì thế đằng sau vẻ tỉnh táo của màu sắc trong họa phẩm Đinh Cường, người ta vẫn thấy ửng lên những bóng dáng của dã thú, như một nỗi đam mê cố tự che giấu đi, như khối lửa đỏ đang trầm xuống từ hằng hằng thế kỷ sau lớp vỏ nguội lạnh của Trái đất.

Đinh Cường đã vẽ khá nhiều về thiếu nữ, hoa, đồi và trăng. Những đề tài đó tuy rất quen thuộc, nhưng nhờ bố cục mới mẻ, và nhất là tính chất âm u hư huyền của màu sắc, bản chất lãng mạn của những tác phẩm Đinh Cường vượt lên cao hơn bình diện tình cảm của lãng mạn cũ, để diễn xuất một nhu cầu mới của tâm hồn con người thời đại này, là nhu cầu thần thoại. Sắc thái lãng mạn này, choán một phần khá lớn trong thế giới của Cường, phát biểu niềm khao khát về một Hạnh phúc thuần khiết, thanh thoát, đưa con người thoát khỏi cái tù - túng của thân phận, cái chật chội của thế giới này để bay lên, bắt gặp tiếng hát thầm lặng của những vì sao trong đêm khuya - thứ hạnh phúc huyền ảo mà nhân loại có lần đã cảm thấy được trong những Nocturnes của Chopin - và từ đó vẫn thấy nhớ nhung, đi tìm…

Tác phẩm “Paris xám”


Dù khuynh hướng lãng mạn đó, Đinh Cường vẫn được xếp vào hàng những họa sĩ trừu tượng vững vàng nhất của lớp người trẻ bây giờ. Tuy nhiên, trừu tượng của Đinh Cường không phải là loại bỏ hết phần chất liệu của sự vật để chỉ còn giữ lấy những tương quan hình học, chỉ còn giữ lấy những ý niệm về sự vật trong truyền thống của Mondrian. Từ Miền lệ xanh đến những tác phẩm sau này (Dạ khúc, Lạnh trên đá, Tượng đá) Đinh Cường dần dần vứt bỏ hết ý niệm về sự vật, hay nói theo danh từ của triết học kinh viện vứt bỏ mô thể (forme) của sự vật, để chỉ còn giữ lại chất liệu (matière) thuần túy của nghệ thuật sơn dầu. Trừu - tượng của Cường biểu hiện một sức cuồng nộ muốn chế ngự chất liệu (là yếu tố quyết định trong một nghệ phẩm sơn dầu dĩ nhiên) và sức cuồng nộ đó đã thúc đẩy Cường khước từ hết mọi ý thức về sự vật để đi tìm cái vô thể (l’informel). Nếu trừu tượng trong siêu hình học của Aristote là loại bỏ matière để rút ra forme của sự vật, thì trừu tượng trong nghệ thuật sơn dầu Đinh Cường là một trừu tượng phi-aristote, abstrait non aristotélicien.

Nhưng cũng chính từ đó, Cường đã để ý thức lắng dần vào thế giới của Đất Đá. Người ta không khó khăn gì để nhận ra chất đá trong matière của tranh Cường, từ mầu vert de chine của những nền đá cũ rêu lạnh, mầu nâu của đất ải (couleur de terre d’ombre naturelle) đến những vết loang lổ trên những bức tường hoang, và nhất là vẻ trầm mặc vẫn phảng phất trong tranh trừu tượng của Cường, ấn tượng về một cái gì không phải là bộc lộ, đưa ra ngoài, nhưng lại lắng trầm xuống sâu kín bên trong chính là nét điềm nhiên nhưng rất buồn của Đá, nỗi trầm tư ngàn đời của Trường Sơn. Qua chất Đá trong tranh trừu tượng Đinh Cường, người ta liên tưởng đến nét ưu tư, trầm mặc của một người da vàng, của một người Việt Nam nhược tiểu mà số phận từ nghìn năm nay, đã chôn chặt trên một nền đất cũ kỹ, không hoa mầu.
 

Tác phẩm “Trăng, sao và tảng đá”

Nghệ thuật trừu tượng Đinh Cường chứa đựng một hoài niệm về Đất Đá. Đó là phản ảnh của tâm trạng xót xa của một tâm hồn đã đánh mất an ninh và vì thế không còn hạnh phúc. Dĩ nhiên, đó là nỗi bất an chung của những người nghệ sĩ trước bản chất vô thường của cuộc đời, trước những phù phiếm của sự sống, và dĩ nhiên đó cũng là nỗi bất an của một lớp người tự thấy bất lực trước những đau khổ của mình và của xứ sở.

Theo Wilhem Worringer, nghệ thuật trừu tượng biểu thị một khát vọng của con người muốn đoạn tuyệt với thiên nhiên. Marcel Brion giải thích thêm rằng khát vọng đó bắt nguồn từ sự kiện này “thiên nhiên đối với con người đầy vẻ thù nghịch và nguy hiểm, và con người chỉ cảm thấy an toàn khi nó xây cất nên một vũ - trụ với những hình thể phi thiên nhiên, để ẩn trốn vào trong đó”.

Ta có thể căn cứ vào lối giải thích nghệ thuật trừu tượng đó để hiểu trường hợp Đinh Cường. Chất liệu Đá trong tác phẩm Cường bắt nguồn từ khát vọng muốn xóa bỏ ý thức đau khổ của mình trước cuộc đời và muốn trở về tìm sự an nghỉ cho linh hồn trong thế giới vô cơ của đất đá, cát bụi.

Chính ở đây ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa nghệ thuật lãng mạn và nghệ thuật trừu tượng của Đinh Cường. Cùng với các nghệ sĩ khác, sinh ra trong một thời đại mà Heidegger mệnh danh là thời vô vọng, temps de détresse, ở đó tất cả các đấng Thượng đế đều vắng bóng, không đạt nổi Thanh Bình của Thần thoại vườn Địa Đàng, Đinh Cường đành đi tìm sự cứu rỗi cho linh hồn mình trong Lãng Quên của sỏi đá, trong hội họa trừu tượng của Cường Hạnh Phúc chỉ là lời kêu gọi trở về cát bụi, chỉ là sự giải tỏa của một “bản năng chết” instinct de mort như trong tâm lý học buồn thảm của Metchnikoff. Chính Đinh Cường cũng xác nhận điều đó trong một cái nhìn vô cùng bình yên về cái chết của mình:

Mai sớm mai nằm chết tình cờ
Chung quanh mộ chỉ là cỏ lá


Có thể nói tranh trừu tượng Đinh Cường chính là một lãng mạn bi thảm.

H.P.N.T
(SDB10/09-13)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa thi (12/11/2013)