BỬU Ý
Họa sĩ, suốt dọc đời mình, lần lượt trải qua những thời đoạn màu sắc. Như Picasso có giai đoạn hiện thực, tiếp đến là “thời xanh”, rồi “thời hồng”, sau đó có giai đoạn tượng trưng, chuyển dần đến siêu thực và lập thể.
Hay là, có những chặng. Với Đinh Cường, là chặng Huế, rồi Sài Gòn, Đơn Dương, Huế, Bình Duơng, Sài Gòn, Huế… Có thể nói chặng nước ngoài, chặng trước 75, sau 75… Nhưng chung quy chặng xa nhất hay chặng gần nhất nào cũng ẩn hiện Huế. Hay là dù tranh Đinh Cường cũng có trải qua “thời xanh” và “thời hồng”, thời nào rồi cũng ăm ắp Huế. Anh đã chẳng thổ lộ qua thơ mình đó sao: “…Ra đi mới biết lòng vô hạn/ Sương có mờ thêm trên sông Hương?”. Huế hiển nhiên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời chàng hoạ sĩ. Đinh Cường đâu Huế đó.
Trước cũng như sau 1975, Đinh Cường đi khắp trong nước. Rất có thể xưa nay chưa có ai triển lãm tranh nhiều như anh và mối duyên nợ này hãy còn đeo nặng. Và, như đã nói, triển lãm Đinh Cường đâu là triển lãm Huế đó.
Nay ngồi nhẩm lại tháng ngày và tự thấy mình từng sánh bước với bạn trên nhiều đoạn thẳng khúc quanh của đường đời, tôi cảm thấy nên ghi lại đây một vài kỷ niệm trong đó có người có việc, xảy ra chủ yếu trước 1975, là giai đoạn xa lắc ít người biết tới, tạm xem như vài trang nhật ký viết chung tay.
Trước đây, Đinh Cường đã cư ngụ khắp nơi trên cơ thể của thành phố Huế này, kể từ thời tiểu học cho đến khi tốt nghiệp Mỹ thuật rồi đi dạy ở trường Đồng Khánh và trường Mỹ thuật: khởi đầu từ làng Kim Long mỹ miều (quê hương của mẹ), tiếp đến là chợ Cống trong một ngôi nhà chóc ngóc giữa ruộng, sau đó là Phố Lở nơi khuỷu sông chiêm chiếp chim sẻ, tiếp theo là Bến Ngự với giếng nước mát lạnh, rồi một số nơi trong Thành Nội: đường Hòa Bình với hàng cây muối (“Đường xanh hoa muối bay rì rào”, Trịnh Công Sơn), Đinh Tiên Hoàng nhiều hoa khế, Đinh Công Tráng với tàng long nhãn sum sê và cuối cùng ở ngay trong trường Mỹ thuật giữa một dàn nhạc ễnh ương: cỏ cây, sông nước và con người cùng khắp đã lậm vào đủ ngõ giác quan. Thành phố trải qua nhiều biến cố, hoạ sĩ vận luôn vào người, thành phố thăng trầm, hoạ sĩ thăng trầm theo, nhưng dần dà ghi khắc trong tâm khảm, luôn cả trên bước lưu ly, những hình mẫu nghìn đời không phai: dáng thiếu nữ trong suốt, thành quách rêu phong, màu vàng rạng, màu lục thảo, dòng sông chan rưới.
Tác phẩm “Để nhớ Huế” |
Thời hãy còn là sinh viên trường Mỹ thuật, những năm cuối 50 và đầu 60, Đinh Cường sinh hoạt văn học nghệ thuật với các bạn như Tôn Thất Văn, Trịnh Cung, Tuấn Khanh, Tôn Nữ Kim Phượng. Đến 1965, triển lãm tại phòng Thông tin Huế cùng với Lê Văn Tài do Tổng hội Sinh viên Huế bảo trợ. Và đây là lần đầu tiên có một bạn yêu tranh và mở màn cho “văn hóa mua tranh” tại Huế: đó là Nguyễn Hữu Châu Phan. Bạn đã mua tấm tranh không lớn nhưng rất đẹp: Domaine de Marie Dalat. Thời gian này khá sôi động theo tình hình chiến sự, tình hình Phật giáo. Văn học nghệ thuật Huế dội lên một vài hồi: truyện “Những ngày hoang dại” của giáo sư Lê Tuyên ra đời cùng một năm với cái chết tai nạn thảm khốc của Albert Camus (1960), thi tập “Hoa cô độc” của Ngô Kha do Rừng (Tuấn Khanh) vẽ bìa hai năm sau đó, và cùng lúc ấy Đinh Cường và một nhóm bạn cho ra mắt tập san “Quan Điểm”. Một số bạn nước ngoài thường xuyên tham gia sinh hoạt với anh em và yêu thích tranh Đinh Cường, trong đó có Christian Cauro người Pháp, bác sĩ Christian Dupuis người Bỉ, và bác sĩ người Đức Eric Wulff. Năm 1967, Đinh Cường triển lãm cá nhân tại Trung tâm văn hóa Pháp. Phòng tranh được giới thiệu trân trọng bằng một bài viết thật hay bằng tiếng Pháp của Đỗ Long Vân. Đây cũng có thể xem là “thời xanh” của Đinh Cường. Và, như thể để đánh dấu cho sự thành công của Đinh Cường, lần này Nguyễn Hữu Châu Phan mua hai tấm tranh Tĩnh vật và Thiếu nữ xanh, và Lê Văn Hảo mua tấm Ngàn xanh, là tấm tranh được chú ý nhất của phòng triển lãm. Năm 1971, triển lãm chung với Tôn Thất Văn ở Câu lạc bộ thể thao Pháp. Đây là một cuộc triển lãm rất thành công của hai hoạ sĩ, được ghi dấu bằng hai sự kiện: người đến xem tranh đông, nhất là giới học sinh sinh viên, suốt thời gian bày tranh và số tranh được chọn mua vượt quá mức mong đợi của tác giả, trong đó có Dương Đình Châu mua tấm tranh hình như mang tên là Thiếu nữ ngồi. Phòng tranh này ghi thêm một điểm khá đặc dị: lần đầu tiên giới thưởng ngoạn trố mắt ngắm nghía tấm tranh Khỏa thân đàn ông của Tôn Thất Văn.
Năm 1974, nhân có Võ Đình về lại Huế sau trên hai mươi năm xa quê, Đinh Cường cùng Võ Đình ra mắt chung ở Đại học Văn Khoa. Võ Đình vẽ ngay tại nhà cha mẹ, bên cạnh cái am và cội mai già, một loạt thủy mặc đầy cảm hoài và hai tấm mộc bản mang tên “Công cha như núi Thái Sơn” và “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Buổi khai mạc phòng tranh, có sự hiện diện của Thái Thị Ngọc Dư, Trần Như Uyên, Dương Đình Khôi, Lê Khắc Phò, Trịnh Công Sơn, Lê Thành Nhơn. Cũng năm 1974, Đinh Cường bày tranh tại Trung tâm văn hóa Hoa Kỳ với Dương Đình Sang. Có Hồ Đăng Lễ cắt băng và bài viết cảm tác của Trịnh Công Sơn và Bửu Ý.
Trên đây là tóm lược những chặng đường ở Huế, những phòng tranh trình làng của Đinh Cường ở Huế và trước 1975. Tôi đã không kể thêm nhiều phòng tranh khác của Đinh Cường tổ chức ở Đà Nẵng cùng với Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, hoặc ở Sài Gòn với Trịnh Cung, Tôn Nữ Kim Phượng, hoặc ở Đà Lạt và Nha Trang…
Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu! Đinh Cường ở phương xa, còn bản thân tôi ở phương này, cùng nhau gợi nhớ ngày xưa qua những dòng nhật ký loang lổ theo thời gian. Vĩnh Phương, một nhà điêu khắc sống ở Hà Lan, về thăm quê, từng tâm sự: “Nhiều khi nghệ sĩ mất sớm, như Bửu Chỉ, gây cho ta cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng. Bởi lẽ, ở cái tuổi trên sáu mươi chẳng hạn, cái nét chín muồi, già giặn, tập trung, nó in dấu vào tác phẩm, và cho ta một hình ảnh khác về chính người nghệ sĩ ấy”. Trong cõi hội hoạ, quả tình lắm bạn đã vĩnh viễn ra đi: trước năm 2000: Lê Khắc Phò, Đỗ Long Vân, Nghiêu Đề, Bùi Giáng, Phạm Đăng Trí, Thái Bá Vân, Hải Bằng, Tôn nữ Kim Phượng; sau năm 2000: Trịnh Công Sơn, Mai Chững, Bửu Chỉ, Điềm Phùng Thị, Lê Thành Nhơn, Dương Đình Sang, Tạ Tỵ, Tôn Thất Văn, Ngọc Dũng, Vĩnh Ấn, Võ Đình, Đỗ Kỳ Hoàng, Thái Tuấn… Và còn ai nữa?
Đinh Cường đã làm nhiều bài thơ tưởng nhớ các bạn vội bỏ cuộc chơi và, mấy năm trở lại đây, mỗi phòng tranh của Đinh Cường là một dịp hồi hướng, ôn lại chuyện cũ, các chặng đường, lấp ló nét thành quách được bồi tiếp dày hơn, rúm ró hơn, dập lên dập xuống, từ đó nứt nẻ ra một dáng mai như đóng đinh vào thời gian, không trẻ lại nhưng không già thêm, để làm báu vật trong viện bảo tàng của ký ức mà sẽ không có ai, sẽ không có việc gì có thể tranh đoạt được của Đinh Cường.
Huế tháng 9/2013
B.Y
(SDB10/09-13)