Tạp chí Sông Hương - Số 299 (T.01-14)
Một vài nhận định về Phật Giáo Huế trong cái nhìn của các học giả phương Tây vào nửa đầu thế kỷ 20
15:55 | 17/01/2014

LTS: Sau khi ra mắt vào cuối năm 1913, bắt đầu từ năm 1914, Hội Những người bạn Cố đô Huế (BAVH) có ra tờ tập san riêng, xuất phát từ chủ trương của linh mục L. Cadière và ông cũng là chủ bút suốt thời kì tồn tại của Tập san. Mỗi năm Tập san ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt, trung bình 3 tháng 1 số; hình thức trình bày đơn giản nhưng rất trang trọng và nghệ thuật.

Một vài nhận định về Phật Giáo Huế trong cái nhìn của các học giả phương Tây vào nửa đầu thế kỷ 20
Một số bản tạp chí B.A.V.H được bảo tồn nguyên vẹn - Ảnh: dantri

Tập san BAVH được xem là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, được xuất bản đều đặn trong 30 năm, cho đến năm 1944 thì đình bản do biến cố chính trị.
Tiếp nối chuyên đề kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Những người bạn Cố đô Huế (Sông Hương số 294/8 - 2013), Sông Hương số này xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc một số bài viết riêng về Tập san giá trị này.
SÔNG HƯƠNG



LÊ QUANG THÁI


1.
Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Huế) thành lập ngày 16/11/1913. Với tinh thần hoài cổ, hội này còn được gọi tên là Đô Thành Hiếu Cổ Xã. Theo Hán học, từ “hiếu” trong thuật ngữ “hiếu cổ” động từ có nghĩa là yêu thích. Có hoài cổ mới hiếu cổ và trái lại. Từ “xã” ngoài nghĩa “cái nền”, còn có nghĩa là hội như các thuật ngữ “thi xã”, “văn xã”, “hội xã”. Tiếng Tây, tiếng Hán đều có nghĩa là thâm hậu.

Hội xuất bản một tập san định kỳ 3 tháng có tên gọi là Bulletin des Amis du Vieux Huế. BAVH là tên viết tắt của Tập san ấy, xuất bản liên tục từ tháng giêng năm 1914 cho đến tháng 6 năm 1944. Tuổi thọ 31 năm. Ở các trang bìa 1 và bìa 4, phía bên trên ghi rõ tên gọi Tập san bằng tiếng Pháp: Bulletin des Amis du Vieux Hué, và tên gọi của Hội bằng chữ Hán. Chữ tiếng Việt, chữ Hán đều như long ẩn đường nét theo lối chữ triện, một phong cách viết chữ Hán thời cổ. Với quá trình 31 năm phục vụ bạn đọc, ngày nay Bulletin des Amis du Vieux Hué đã góp phần cống hiến cho việc nghiên cứu Huế xưa và vương triều Nguyễn cũng như xứ Trung kỳ đã khoác chiếc áo sắc màu phố Tây ở bờ Nam sông Hương với cái tên gọi “An nam” dưới thời Pháp thuộc, mà đứng đầu là Khâm sứ, trên quyền của Hoàng đế Nam triều.

2.

Xuất phát từ tinh thần hiếu cổ và giàu thiện tâm, giới học giả phương Tây đã tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu về Phật học, về chùa Huế vào nửa đầu thế kỷ 20 qua Tập san của Những người bạn cố đô Huế. Ở tiểu mục: Đền, chùa, am, miếu và các nơi thờ tự ở Huế rất đậm nét, và điểm xuyến trong một loạt bài có chú thích, chú giải, mở rộng bằng Hán văn qua các bài khảo cứu về làng xã, cung đình, tế lễ, lễ hội, âm nhạc, phong tục, danh thắng, trường học và thậm chí về nghề nghiệp, ẩm thực cung đình và dân gian.

Hội đủ điều kiện và uy tín cho nên Tập san B.A.V.H đã có một số lớn hội viên nòng cốt, đắc lực vừa là cộng tác viên chuyên ngành, chuyên biệt viết đúng sở năng, sở trường theo yêu cầu từng đề tài một. Họ là người Việt, người Âu, người Việt mà nghề nghiệp là công chức, quan lại có tầm cỡ. Điển hình như Nguyễn Đình Hòe, Tôn Thất Hân, Võ Liêm, Đào Thái Hanh… L. Sogny, J.A. La Bonde, A.Sallet, R. Orband, H. Cosserat... Đặc biệt, chủ bút L. Cadière là một trong những cây bút viết rất nhiều bài khảo cứu giá trị đủ mọi lãnh vực cung đình, chùa tháp, nghệ thuật, ngôn ngữ học… Thời thượng giới cựu học, giới tân học đều yêu thích đọc và viết làm sao bài của mình được lọt vào Tập san là một vinh danh cho người cầm bút chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Nhà văn Thanh Tịnh sở dĩ được bạn đọc yêu thích, yêu chuộng là vì một phần do thiên tư, do sở học và nhờ đọc BAVH để trở thành hướng dẫn viên du lịch cao cấp có đủ năng lực và tài trí để thuyết minh cho thượng khách và du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch và nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Phật giáo Việt Nam. Có thể nói chân tình rằng Thanh Tịnh là một trong những người tiên phong làm công tác thuyết minh về du lịch văn hóa tâm linh ở Cố đô Huế. L. Léopold Cadière rất cảm mến tinh thần cầu học, cầu tiến của nhà văn Thanh Tịnh khi còn là thư sinh bước vào ngưỡng cửa cuộc đời phục vụ ngành du lịch, đưa du khách viếng thăm những di tích văn hóa Việt - Chàm ở vùng phụ cận Huế như Quốc tự Thánh Duyên soi bóng ở cửa biển Tư Hiền...

Chủ bút Tập san BAVH đã từng là giám khảo hỏi vấn đáp thí sinh Trần Thanh Tịnh (lúc nhỏ tuổi có tên là Trần Văn Minh) sau khi đã trải qua thi viết đầy cam go vì đề thi rất hóc búa về văn hóa Champa đòi hỏi thí sinh phải động não, cắn bút liên hồi mới viết được bài thi bằng tiếng Pháp(1).

3.

Ngay từ số đầu tiên, Tập san đã đề cập đến việc tìm hiểu và nghiên cứu Phật học. Dưới tiêu đề “Dàn bài sưu tầm dành cho Những người bạn Cố đô Huế”, chủ bút L.Cadière đã viết:

Đạo Phật An-nam có nguồn gốc từ Ấn Độ, đạo Khổng và đạo Lão cũng từ Trung Hoa đến. Tất cả các đạo ấy xâm nhập vào An-nam từ nhiều thế kỷ. Và các đạo ấy vào An-nam đã gặp các tín ngưỡng trước, điền khuyết, bám vào và chuyển biến đi. Sự hỗn hợp ấy xảy ra như thế nào? Đó là những vấn đề lý thú. Chúng ta giải quyết được bằng cách tập hợp một cách kiên trì các tư liệu và gom góp các thông tin về chùa chiền, về nơi cúng tế ở Huế và vùng lân cận”(2).

Năm 1914, bác sĩ Sallet, và Phó Đốc học trường Hậu Bổ Nguyễn Đình Hòe cộng tác viết bài “Liệt kê các chùa và các nơi thờ tự ở Huế” như gợi mở cho các học giả phương Tây viết về chùa Huế. Theo thống kê thì ngoài các chùa và miếu thờ của tư nhân, thời điểm ấy, Huế và các vùng phụ cận có đến 140 chùa, đình, am, miếu. Từ đó, các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Báo Quốc, Quốc Ân, Thuyền Tôn... và quán Linh Hựu… đều lần lượt được lên khuôn báo.

Nhìn vào bảng kê của hai tác giả ấy, chúng tôi trân quý và biết được người sưu tập giàu thiện tâm. Thiếu sót là lẽ thường tình, những ngôi quốc tự như Thiên Mụ, Từ Ân, Kim Sơn; chùa vua vừa quốc tự như Giác Hoàng, lại không tìm thấy trong bản thống kê. Đô thành hoàng là tên miếu, chứ không phải là chùa!

Người Pháp không phân biệt được rạch ròi sự giống nhau và khác giữa chùa và quán; giữa chùa với am, giữa giáo phẩm Hòa thượng với các chức vị Tăng cang, Trú trì ở các quốc tự. Tiếng Việt phong phú nghĩa lý và ý nghĩa hơn tiếng nước ngoài không những về “từ” mà còn về “nghĩa” nữa để chỉ rõ về chùa. Còn về thôn, xóm, làng xã, phe, giáp, hương, thôn, xóm của Việt Nam họ đều dịch sang tiếng Pháp là “hameau”. Ngôn ngữ Việt rạch ròi và phong phú lắm.

Có điều lý thú là Linh Hựu quán đã bị giặc Pháp phá nát trong ngày Thất thủ Kinh đô Huế (1885). Ở thời điểm 1914, chùa, vườn chùa trở thành hoang phế; để chỉ phế tích ấy họ đã gọi “quán” này bằng các tên dân dã, dã chiến là “chùa bộ binh” hay “chùa của những người thợ săn thú” (pagode des chasseurs).

4.

Nay đọc các bài viết của L. Sogny viết về cung điện Huế, về chùa Huế và Phật giáo, chúng tôi mới biết ông hiểu sâu về Việt Nam, Phật giáo khá thâm sâu bởi lẽ ông đã tốt nghiệp bằng khảo cổ cao nhất ở nước Pháp trước khi xuất thân làm công chức cao cấp ở Đông Dương. Từ năm 1914 đến năm 1941, L. Sogny đã viết 32 bài khảo cứu trên tập san BAVH về cung điện Huế, chùa Huế và đặc biệt Tổ sư Liễu Quán.(3)

4.1. Trong “L’Annam”, Phần II: Cư dân, chương I: Nhân chủng học (Ethnographie) L.Cadière - 1931. Bản dịch của Nguyễn Cửu Sà, tr.97 - 122. Ở trang 108, đã viết:

“Phật giáo là một tôn giáo hoàn toàn ngoại lai từ Trung Hoa đến. Phải chăng người Việt đã biến đổi giáo lý “Đại thừa”? Nếu đã có những biến đổi này thì đâu là phạm vi và tính chất của nó? Đó là những vấn đề chưa ai lý giải.

Khổng giáo và Lão giáo đều là các món hàng nhập cảng nếu người ta xét nó theo những gì chính thức hay là được ghi chép. Nhưng như tôi đã nói, chúng dựa trên những căn bản tôn giáo xưa cũ, việc thờ phụng quỷ thần vốn thuộc về sắc dân An-nam”.

Hơn 100 năm trước, sách báo về Phật giáo bằng chữ quốc ngữ không nhiều như ngày nay. Tầm nhận thức về Tam giáo còn hạn hữu. Nhập môn cửa Thiền mà viết như thế cũng là tốt rồi.

4.2. “Nhập môn nghiên cứu Việt Nam và Champa” (Introduction à l’étude de L’Annam et du Champa), J.Y Clayes, 1934, tr.1 - 144 như đã phác vạch ra một lóe sáng, một chân trời mới cho độc giả đương thời vào thời điểm ấy hiểu thêm, hiểu sâu hơn về Phật giáo nguyên thủy du nhập vào Champa và lan truyền sang nước Đại Việt mà rõ nét nhất là vào đời Phật hoàng Trần Nhân Tông.

4.3. Lại có bài tưởng chừng như không liên quan đến Phật học, đến nhà chùa mà lại cung cấp cho bạn đọc về mộ tháp của các nhà sư. Đó là bài viết rất dày công phu của L.Cadière với tựa đề “Lăng mộ của người An-nam trong phụ cận Huế” (Tombeaux annamites dans les environs de Huế”), trong BAVH năm 1928, tr.1 - 99, bản dịch của Hà Xuân Liêm, tr.5 - 117. Tấm lòng bác ái của tác giả thật bao la. Từ bi và bác ái gặp nhau ở cuối đường về đích thánh thiện.

*

Khuôn khổ của bài viết chỉ cho phép chúng tôi gợi mở vấn đề. Nay công việc tra cứu đề tài của Tập san BAVH đã dễ dàng hơn chỉ vì một phần lớn chính của bản dẫn với tiêu đề “Index du Bulletin des Amis du Vieux Hué (từ năm 1914 - 1941) đã được ông Nguyễn Cửu Sà dịch ra Việt ngữ với tựa đề: Những người bạn Cố đô Huế, bản dẫn, xuất bản năm 2001.

Thiện tâm của những ai đã viết về chùa Việt, chùa Huế và kể cả ấn hành và xuất bản, người đời thành tâm ghi nhớ và biết ơn. Hạnh phúc thật và xứng đáng được vinh danh.

Huế, ngày 20/12/2013
L.Q.T
(SH299/01-14)


----------------------------
1. Tạp chí Sông Hương đã đăng bài viết của Thanh Tịnh. Đây được xem như hồi ký của tác giả, một thời đã từng làm hướng dẫn viên du lịch.
2. Những người bạn cố đô Huế, BAVH tập I, 1914, Đặng Văn Tùng dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.42.
3. Xem Index du Bulletin des Amis du Vieux Hué (1914 - 1941). L.Cadière, Nxb Extrême-Orient, 1942, Hà Nội, tr.161,162,163. Bản dẫn 1914 - 1944 về Tập san Những người bạn cố đô Huế, do Nguyễn Cửu Sà dịch, từ bản gốc nói trên đã không dịch phần “Lời dẫn về tên các tác giả có bài đăng trên BAVH”. Và ghi sai năm 1944, viết đúng phải là 1941. Đối chiếu giữa bản gốc bằng tiếng Pháp và bản dịch thì dễ phát hiện điều này.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trở về (16/01/2014)