Tạp chí Sông Hương - Số 299 (T.01-14)
Những tiếng nói mới
07:56 | 27/01/2014

TRẦN TRIỀU LINH

Ngày nay, nghệ thuật không đưa ra những đối tượng có thể diễn tả rõ ràng, để đi đến những khoái cảm thẩm mỹ, mà nó hướng tới làm ra những sản phẩm không-thể-diễn-tả được.

Những tiếng nói mới
"Chiếc lá cuối cùng" của Phạm Huy Thông

Trước những khả thể diễn dịch đa dạng, trước những luật chơi mới, nghệ thuật đương đại không “khóc than” mà nó “reo mừng” (chữ của Bùi Văn Nam Sơn) trước vô vàn những phá vỡ các quy tắc, hướng sự thực hành nghệ thuật đi đến chỗ mà trước đây người ta không bao giờ có thể hiểu được vì sao chúng lại được gọi là nghệ thuật.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thế giới trở nên nhỏ bé. Những dạng thực hành nghệ thuật của những không gian văn hóa khác nhau, tưởng như tách biệt nhau lại có cơ hội hòa nhập với nhau. Tư duy sáng tạo trong nghệ thuật Việt Nam đương đại ít nhiều đã mang dấu vết của những biến chuyển khủng khiếp của nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, nếu thử đối sánh về tư duy sáng tạo của văn học so với các loại hình nghệ thuật khác thì ở Việt Nam người ta thấy dường như văn học lại nhập cuộc chậm hơn. Hay nói đúng hơn sự thay đổi trong cách nhà văn nhìn thế giới ở Việt Nam đang diễn ra một cách chậm chạm, nhỏ lẻ, chưa thực sự làm nên những đợt sóng để thúc đẩy cho một sự thay đổi hệ hình trong văn chương. Trong khi đó thì dường như các lĩnh vực nghệ thuật khác lại đang có được những sự thay đổi lớn về cách thức thực hành nghệ thuật.

Đứng trước những bức tranh như thế này liệu bạn sẽ nói gì về những cảm nhận của bạn. Đó là tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông được trưng bày tại cuộc triển lãm Năng lượng cố đô vào đầu năm 2013 diễn ra tại Huế. Nếu bạn cho rằng đó là một tác phẩm đẹp vậy thì cái đẹp nằm ở đâu. Liệu câu nói “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại” của Dostoiepski có trở nên bất ổn trước cách tổ chức hình tượng nghệ thuật này không? Hiện thực đã bị bóp méo, logic thông thường bị phản bội. Rõ ràng họa phẩm này không mô tả ngoại cảnh mặc dù nó dựa trên những họa tiết có từ thực tế. Nhưng với cách kết hợp các hình họa như thế này rõ ràng người họa sĩ muốn gây hấn với quan niệm về cái đẹp thông thường. Không có thế giới như ta thấy, một siêu thực tại được xác lập. Đây là sự gắn kết giữa hiện thực và thế giới của mơ tưởng, thế giới của những giấc mơ. Hình họa không hướng tới diễn tả đúng sự vật mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính. Nó buộc chúng ta phải đối mặt với những rạn nứt trong mình. Chúng ta phải tưởng tượng, liên tưởng, chấp nhận sống trong sự xâm lấn lẫn nhau của thực tại và những giấc mơ. Tác phẩm này đang mở ra một cuộc sống thuộc về chính bản thân nó, không thể mô tả nó bằng ngôn ngữ bởi nó vượt ra ngoài các quy tắc hướng đến những xung đột và va chấn trong cảm xúc thẩm mỹ của người xem.

"Con gà" của Đặng Hoàng Anh


Còn đây là một hình ảnh được chụp lại từ tác phẩm Con gà của Đặng Hoàng Anh, thuộc nghệ thuật video art được trình chiếu trong một cuộc triển lãm tại Huế gần đây. Màu đỏ tràn ngập trên màn hình. Với một dung lượng thời gian rất ngắn tác phẩm này đã trưng ra nhiều vật thể khác nhau bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Hình ảnh chủ đạo ở đây là cảnh giết thịt một con gà, đi liền với đó là sự va đập của nhiều tiếng động từ sinh hoạt đời thường. Những nhát cắt nhanh, gọn, những mảnh vỡ của thực tại được chộp bắt rồi trộn lẫn với nhau. Có thể từ sự trộn lẫn tưởng như ngẫu nhiên này, video art muốn đẩy đến một vài ý niệm nào đó chăng. Rõ ràng tác phẩm không phải dựa vào hình ảnh để triển khai cho một câu chuyện, không có tính chuyện, không có ai kể chuyện và các hình ảnh trong đoạn phim cũng không hướng tới một nội dung cụ thể. Chính dung lượng thời gian ngắn cộng thêm sự dồn dập của âm thanh nó gây nên một cảm giác tức thở, bất an ở người xem. Những cảm giác mà thị giác đưa lại khiến người xem rơi vào những trạng thái khác nhau, những trạng thái đó rất khó để diễn đạt bằng ngôn ngữ.

Chúng ta không thể có một cái nhìn duy lý với những tác phẩm nghệ thuật trên. Thực tại bị đánh mất. Chúng làm xô lệch quan niệm về cái đẹp. Đó là thế giới của tưởng tượng, thế giới bất thường nằm ngoài mọi quy luật, một thế giới bất tín nhận thức. Ở đó chúng ta không thể nhìn thấy sự thật trần trụi một cách hiển nhiên trong không gian và thời gian mà phải đi tìm cái không hiện hữu, cái nghiệm sinh của mỗi chúng ta. Nghệ thuật phơi bày những hoang tưởng, mơ tưởng, ảo giác...

Trong khi đó, nhìn trên diện rộng thì các nhà văn lại đang loay hoay trong nỗ lực bắt chước hiện thực. Các nhà văn trẻ nhìn chung vẫn xem hiện thực mình đang sống như một cứu cánh của sáng tạo. Họ đang đi tìm một câu chuyện để kể. Chuyện càng thực, càng cảm động thì được xem như càng thành công. Đương nhiên, sau đó họ trình ra một thứ hiện thực gượng ép, xơ cứng, thô ráp không hề có dấu vết của các cấp độ sáng tạo hay hướng tới những vén mở khác cho một cuộc sống khác. Và tất yếu, nhà văn luôn xa lạ với cảm thức, tâm thức của thời đại.

Tất nhiên không thể loại trừ những khai phá của một số nhà văn gần đây. Nếu đặt trong sự dịch chuyển của lịch sử văn học thì rõ ràng là các nhà văn đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình làm mới chính mình. Họ đã có những cái khác đối với những người làm văn chương trước họ.

Một số tranh trên đĩa gốm của Nguyễn Huy Thiệp


Nguyễn Huy Thiệp có thể được xem là người mở đầu cho những cuộc đập phá và cũng chính ông là người mở đầu cho những vượt thoát của các nhà văn trẻ về sau. Người ta ngỡ ngàng khi Nguyễn Huy Thiệp trình làng Tướng về hưu, Không có vua... Có thể những va chấn, những đổ vỡ các thang giá trị, sự xuống cấp của đạo đức xã hội là điều có thật. Nhưng hầu hết các nhà văn cùng thời lẩn tránh điều đó, hay nói tới những điều đó bằng những ẩn dụ nhẹ nhàng hơn thì Nguyễn Huy Thiệp không lựa chọn cho mình con đường thỏa hiệp đó. Ngược lại, ông chơi trực diện, trực tiếp phanh phui những đảo lộn của mọi thứ giá trị, những giá trị đang đeo mặt nạ bị ông bóc trần một cách không thương xót. Nhưng đó là những đột phá trong việc dám chạm vào những đề tài gai góc, những mảng nội dung cấm kỵ chứ ông không phải là người khai sinh ra những kiểu dạng thực hành nghệ thuật khác biệt so với các nhà văn trước đó và những nhà văn trẻ hơn sau này. Đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp người ta cảm thấy thế giới trở nên bất an, mọi giá trị về đạo đức bị đảo lộn. Cái khai phá của Nguyễn Huy Thiệp thực chất đang nằm ở mặt nội dung, tư tưởng chứ chưa phải là sự tìm kiếm những kiểu dạng tổ chức tác phẩm mang tính cách tân lớn về hình thức. Có thể hiểu thêm về tư duy sáng tạo của nhà văn này nếu chúng ta xem tranh vẽ của ông. Khi xem một số tranh trên gốm của Nguyễn Huy Thiệp vẽ V. Hugo, M. Gorki, Hemingway... thử hỏi rằng có giống với khuôn mặt thật của V. Hugo, M. Gorki, Hemingway không? Câu trả lời là có. Nguyễn Huy Thiệp đang vẽ làm sao cho giống với khuôn mặt thật của họ. Ở đây, Nguyễn Huy Thiệp đang triển khai những họa tiết dựa trên quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng. Nghệ thuật phải mô phỏng thế giới khách quan. Tiêu chí giống như thật phải là vấn đề cốt yếu. Đối với Plato và Aristotle, nghệ thuật là sự mô phỏng, mô phỏng là điều cần và đủ cho những kiểu dạng thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật. Theo các triết gia này thì X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng. Và quan niệm này cũng đã chi phối đến thế giới ngôn từ của Nguyễn Huy Thiệp.

Từ các tác phẩm làm nên tên tuổi của ông như Tướng về hưu, Không có vua đến những tác phẩm về sau như Tuổi hai mươi yêu dấu, Gạ tình lấy điểm... đều rất giống với hiện thực cuộc sống. Vì thế đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp cho văn học Việt Nam hiện đại không phải đến từ sự khai phá những kiểu dạng bút pháp mới mẻ hay tìm đến những khả thể hư cấu để mở ra những khả năng vô tận cho sự diễn dịch. Văn của ông luôn là sự mô phỏng hiện thực. Mặc dù người viết đã có ít nhiều hướng đến cái nghịch dị, huyễn ma nhưng đó có lẽ chưa phải là sự lựa chọn một cách chủ động của người viết dựa trên căn nền vững chắc của mỹ học và thi pháp huyền thoại. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có nhiều sự đột phá. Nhưng đó là những đột phá trong việc dám chạm vào những đề tài gai góc, những mảng nội dung cấm kỵ chứ ông không phải là người khai sinh ra những kiểu dạng thực hành nghệ thuật khác biệt so với các nhà văn trước đó và những nhà văn trẻ hơn sau này.
 

Một tác phẩm hội họa của Bùi Giáng

Ngược lại khi chúng ta đứng trước một tác phẩm hội họa của Bùi Giáng thì có nhiều thứ đáng phải bàn hơn. Họa phẩm này của Bùi Giáng giống với một khách thể nào đấy không? Câu trả lời là: không. Mà ở trong ấy, cái được gọi là sự thật nằm ở đâu? Nhìn vào tranh của Bùi Giáng khó mà biết Trung Niên Thi Sĩ muốn nói gì. Tranh không hướng đến mô tả vật thể mà làm méo mó vật thể. Thậm chí đó là sự vỡ vụn của thế giới nội tâm. Chúng ta không thể nhìn thấy thế giới khách quan trong tranh Bùi Giáng. Có thể đó là những hình ảnh văng ra từ một giấc mơ nào đấy của chính nhà thơ ưa cà rỡn này? Đây rõ ràng là một kiểu dạng thực hành nghệ thuật khác biệt so với sự nhìn nhận về thế giới của những người bình thường. Trong thi ca Bùi Giáng viết: Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa/ Vì ngôn ngữ ngày kia em để úa... Cũng như tranh vẽ của ông, khó mà biết được ông muốn nói gì qua hai câu thơ đó. Thơ của Bùi Giáng là thế. Không hướng tới làm tấm gương phản ánh hiện thực. Hiện thực trong thơ ông là một kiểu dạng hiện thực được khai phá từ chính khả năng sáng tạo của ông. Ở đây ngôn ngữ tách ra khỏi sự vật, nó tự tìm kiếm một cuộc sống riêng, ngôn ngữ không chỉ sản sinh ra hình ảnh để tìm kiếm ý niệm mà ngôn ngữ tự thân khai sinh ra một đời sống khác. Tư duy sáng tạo của ông cũng vì thế mà khác với những người trước ông, sau ông cũng chưa thấy ai điên rực rỡ như thế. Thế giới của Bùi Giáng hướng tới chống diễn giải, vì thế ông là kẻ sáng tạo đã để lại cho hậu thế những kiểu lý giải dị biệt về thơ ông một cách tưng bừng.

Phạm Thị Hoài cũng là một trong số hiếm nhà văn Việt luôn nỗ lực trong việc tìm đến chân trời của cái khác. Lối viết của Phạm Thị Hoài làm người ta nhớ tới những khai mở của những tác gia thuộc về văn học phi lý như Kafka hay Camus. Có những sự tương đồng trong cách tổ chức hình tượng, ý tưởng, không gian, thậm chí là hành văn và cách xây dựng hình tượng nhân vật của Phạm Thị Hoài với văn học phi lý ở phương Tây. Phạm Thị Hoài hướng tới kiểu văn học ý niệm hơn là mãi mê mô phỏng thực tại. Đọc những tác phẩm như Thiên sứ, Chín bỏ làm mười, Mê lộ... của Phạm Thị Hoài, người đọc nhận thấy nhà văn này đã chủ động chơi với văn chương phi lý thực sự. Đó là sự tiếp thu tư tưởng và thi pháp của văn học phương Tây vào bối cảnh, không gian sáng tạo của Việt Nam. Và rõ ràng là Phạm Thị Hoài đã có những tác động cần thiết đối với văn học Việt Nam nói chung và các nhà văn trẻ sau này nói riêng trong việc suy tư thực sự về lối viết, ít nhiều vượt lên được cách viết cảm tính, tiểu nông.

Trong Thoạt kỳ thủy, một cuốn tiểu thuyết thăm dò vào vô thức, tiềm thức Nguyễn Bình Phương viết:

- Xích vào đây một tí cho ấm. Anh Tính biết không, ngày bé ấy, bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn.

- Cắn công cống thích lắm.

- Bố anh còn gặm chén không?

- Mắt chó vàng như trăng.

- Em về đây!

Tính nuốt nước bọt:

- Dạo ấy nhà em cháy to nhỉ.

- Hiền gục đầu, tay bấu sâu vào cỏ…

Đó là một cuộc thoại giữa nhân vật Tính và nhân vật Hiền. Đối thoại này không hướng tới mục đích như một cuộc đối thoại thông thường mà đó là dạng thức của đối thoại rỗng. Đối thoại rỗng đẩy không gian đi vào bên trong, đẩy tính chất huyễn ma trở nên ám ảnh, đối thoại nhưng thật chất là độc thoại. Và ở đó mỗi người là một ốc đảo biền biệt cô đơn, không thể gắn kết và thực sự con người cũng không tham vọng gắn kết. Kiểu đối thoại này hầu như xuyên suốt tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy. Thoạt kỳ thủy là một tiểu thuyết độc đáo vào dạng bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam. Trong đó cái thành công của Nguyễn Bình Phương là chủ động chơi với vô thức, chơi với biểu tượng. Sự va đập của biểu tượng như trăng, máu, giấc mơ... trong Thoạt kỳ thủy luôn hướng tới khai mở cho những kiểu nhìn khác về thực tại. Đó là sự chênh chao giữa những xung năng không được thỏa mãn với những ẩn ức sâu kín trong nội giới người. Thoạt kỳ thủy làm ta nhớ tới sự tìm về với nơi hoang dã, tìm về với khởi thủy, huyền thoại, thậm chí tác phẩm còn chạm vào thế giới hoang tưởng, siêu thực của nghệ thuật tiên phong.

Nếu đối sánh với những dạng thức kết cấu trong văn chương truyền thống, chúng ta sẽ thấy ngay rằng Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên là tập truyện ngắn có những đột phá mới trong kết cấu. Trong sáng tác của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì ý thức viết mới được thể hiện một cách rất rõ ràng. Đó là sự khác biệt bởi hành ngôn, hình tượng. Truyện Nguyễn Vĩnh Nguyên hướng đến kiểu dạng của truyện ngắn ý niệm chứ không dừng lại ở lối mô tả thông thường. Kết cấu lắp dựng trở thành phương thức nghệ thuật đắc dụng của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tính chất lắp ghép trước hết hiển lộ ngay trên bề mặt tác phẩm. Những tia chớp hay vệt truyện facebook là một truyện ngắn tiểu biểu cho kiểu kết cấu này. Tác giả chia truyện ngắn thành 14 đoạn (cũng có thể xem đó là 14 truyện chớp) được đánh số thứ tự, mỗi đoạn có một dung lượng khác nhau và nội dung mỗi đoạn cũng chuyển tải những ý tưởng khác nhau. Không có một sự nối kết nào giữa các đoạn, hay nói đúng hơn không có một phép tu từ nào xuất hiện để nối kết, nếu như có thì cũng là những kết nối ngầm ẩn. Tất cả sự hỗn mang đó tạo thành một chỉnh thể. Từ ý thức bội ước với những nguyên tắc tưởng như vững chắc trong văn chương truyền thống, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã làm người đọc bối rối bởi những ý niệm sau văn chương của nhà văn này. Rõ ràng những ẩn dụ, ám dụ trong tập truyện Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông thực sự đã chuyển tải được những gam màu khác, rất khác với những tác phẩm luôn trượt đi trên dòng thi pháp hiện thực của các nhà văn trẻ cùng thời.

Quyết liệt và cực đoan hơn tất cả là cách chơi của Đặng Thân. Không dám nói đến cái hay, ở đây chúng tôi muốn nhìn nhận ở một khía cạnh của cái khác biệt. 3339 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân thực sự đã gây nên những chiều hướng khác nhau trong dư luận. Những thủ pháp của văn học Hậu hiện đại, của văn chương siêu hư cấu được nhà văn này triển khai một cách đậm đặc trong tiểu thuyết của mình. Có những người khen hết lời, nhưng cũng có những hoài nghi về giá trị của tác phẩm này. Nhưng trước hết người ta phải chấp nhận một điều là tác giả đã trình ra được một sự khác biệt hoàn toàn: khác biệt về cách quan niệm đối với thể loại, khác biệt trong cách tổ chức hình tượng, hành ngôn và đưa ra được một sự đọc khác biệt. Có thể nói lối chơi của Đăng Thân là lối chơi của người muốn gây hấn, phá phách. Nhiều người đòi hỏi một sự lịch duyệt nào đó chưa tới trong tác phẩm này nhưng đây vẫn sẽ là một tác phẩm chứa đựng nhiều cái khác biệt đối với cách viết tiểu thuyết trước đó ở Việt Nam. Nó làm người ta phải nghĩ đến cách họ quan niệm về cái hay, cái đẹp ở trong văn chương nghệ thuật.

PK, Hoàng Long, Phạm Vũ Văn Khoa, Tạ Xuân Hải,... là những nhà văn về sau đã quyết liệt và dũng cảm hơn trong ý thức viết ngắn. Truyện ngắn của họ là sự giản lược một cách tối đa tất cả những yếu tố cấu thành truyện ngắn. Họ đưa ra một sự xô lệch về thể loại. Đặc biệt là sự hòa trộn giữa tư duy và ngôn ngữ của thơ với văn xuôi. Nếu như thường thấy trong văn học ngôn ngữ là phương tiện để người viết bày tỏ ý tưởng và quan điểm về những vấn đề nào đấy mà anh ta quan tâm, nhưng trong những sáng tác của các nhà văn trẻ này thì ngôn ngữ không còn dừng lại ở việc chỉ là phương tiện của nghệ thuật, ngôn ngữ không hẳn chỉ là chỗ để nhà văn trình bày một ý niệm nào đó mà ngôn ngữ tự nó đã là đối tượng của chính bản thân nghệ thuật. Ý thức được sức mạnh của ngôn ngữ, các nhà văn về sau đã mở rộng được hiện thực, khơi mở những không gian tồn tại ngay bên trong ngôn ngữ, thông qua ngôn ngữ để tạo ra những vật thể giả tạo của văn chương hậu hiện đại.

T.T.L
(SH299/01-14)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa thu mù (22/01/2014)