Tạp chí Sông Hương - Số 300 (T.02-14)
Đôi lời nhắn gửi Táo quân
16:09 | 21/01/2014

Y THI

Xem trong bếp, biết nết đàn bà; Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp... là những câu tục ngữ xưng tụng vai trò người phụ nữ, nhân vật trung tâm của cái bếp ngày xưa. Gắn bó mật thiết với chuyện bếp núc, trong tâm thức của người Việt còn có bóng dáng của ba nhân vật khác, gọi tắt là Táo quân.

Đôi lời nhắn gửi Táo quân
Bàn thờ ông Táo. (Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số Xuân 2006, bài của Huỳnh Ngọc Trảng)

Bếp đun vùng Bắc bộ gọi là những ông đầu rau, GS. Nguyễn Đổng Chi cho biết ở miền Trung gọi là ông núc(1),nằm trong từ ghép bếp núc chăng? Ông đầu rau hay ông núc là cách gọi khác nhau giữa các vùng miền, đều là ba hòn đất nặn hình khum, đặt chụm đầu vào nhau để bắc soong nồi nấu nướng. GS. Nguyễn Đổng Chi cho biết, người Bắc bộ gọi hòn ở giữa là đầu rau cái, hai hòn hai bên là đầu rau đực, gọi chung là ông đầu rau. Ông Huỳnh Ngọc Trảng trong bài báo “Ông Táo về trời” có cung cấp bức tranh “Bàn thờ ông Táo” và dẫn hai câu ca: Tưởng rằng bà Táo thật thà/ Ai hay bà Táo: một bà hai ôn(2).

Tìm hiểu kỹ mới biết câu ca trên ám chỉ cái tuồng tích Táo quân bên Tàu, bên ta, xem ra khác xa nhau lắm.

Năm 1907, học giả Lê Văn Phát có viết về Táo bên Tàu, có tên là Trương Thiện Táo, phán quan đời nhà Tống chuyên theo dõi và xét xử giảm tội cho phạm nhân. Khi chết ông được Ngọc Hoàng phong chức tước và giao cho ông giám sát công việc trần gian, hằng năm tấu trình lên để Ngọc Hoàng thưởng công phạt tội người trần chính xác, công bằng. Ông táo Trương Thiện Táo có hai người giúp việc là Hồng lực sĩ và Tạ phán quan, do tên ông táo này đồng âm với Thần bếp nên trong dân gian có sự lẫn lộn nhau(3). Như vậy, mô-típ ông Táo bên Tàu thuộc dạng Bao công (Bao Thanh Thiên), trong khi tích tuồng của người Việt lại là một mô-tip thuộc lãnh vực tình cảm, là bi kịch trong hôn nhân và tình yêu, rất gần với sự tích trầu cau. Chuyện rằng, xưa có đôi vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi, lấy nhau đã lâu mà không có con nên thường xảy ra bất hòa. Một lần cãi nhau, Trọng Cao giở thói vũ phu đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với người khác tên là Phạm Lang. Khi vợ bỏ đi rồi, Trọng Cao ăn năn hối cải, bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không gặp lại hết tiền ăn đường anh ta đành phải xin ăn lần hồi. Tình cờ một hôm, Trọng Cao đến xin ăn tại nhà Phạm Lãi. Thị Nhi nhận ra chồng cũ động lòng trắc ẩn, thương xót lắm. Nhân chồng mới đi vắng, nàng làm cơm thết đãi, sau đó đưa Trọng Cao tạm lánh vào đám rơm sau nhà. Vô tình Phạm Lãi và người đầy tớ đốt đống rơm ấy đi để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ bị chết thiêu, Thị Nhi nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang và người đầy tớ xông vào ngọn lửa cứu người cũng đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy cả ba đều có nghĩa bèn cho họ làm vua bếp. Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp; Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thị Nhi là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa. Ba vợ chồng được hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống rấm. Cái thời chưa có diêm sinh, bật lửa, người ta đổ một mớ trấu cạnh bếp, trên đè bằng hòn đất nặn hình quả cân để cho nó cháy âm ỉ tới sáng, cần thì thổi lên thành lửa để dùng. Đống trấu đó người Bắc gọi là đống rấm, hòn đất đè gọi là thằng Lốc(4)... Từ tích tuồng khác nhau nên tính pha tạp trong tín ngưỡng thờ cúng Táo quân bên Tàu bên ta cũng khác.

Có thể nói bàn thờ Thổ công thường được định vị khác nhau tùy theo tập quán mỗi địa phương. Phổ biến nhất vẫn là nhận định của Toan Ánh, rằng nhà nào thờ cúng tổ tiên thì cũng thờ cúng Thổ công. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian chính giữa của nhà chính; bàn thờ Thổ công thường đặt ở gian bên, cạnh gian đặt bàn thờ tổ tiên. Những gia đình thuộc ngành thứ, trong nhà không có bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ Thổ công được đặt ngay chính giữa. Cách bài trí bàn thờ Thổ công cũng đơn giản, gồm một chiếc hương án kê liền với tường hậu gian nhà, ở đó người ta thờ ba vị thần với ba danh hiệu đã nói trong tích tuồng là Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ; nhưng chung một bài vị, thường đề như sau: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân (phủ của ông vua Bếp nằm ở phía đông, coi sóc bổn mệnh gia chủ). Có nhà thay bài vị trên bằng bốn chữ Hán: Định phúc Táo quân (ông vua Bếp định phúc đức cho gia đình)(5). Trong khi ở Bắc Trung bộ, bàn thờ Thổ công được đặt ngay trên đầu bếp...

Dân ta tin rằng, ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo công lên chầu Trời, tâu bày việc xấu tốt của mọi nhà. Nếu chủ nhà là người nhân hậu, tử tế Trời sẽ thưởng cho sức khỏe, sống lâu. Ngược lại thì Trời sẽ rút ngắn quỹ thời gian trên dương thế. Ngoài ra, Táo công còn bảo hộ cho trẻ con và gia súc từng nhà. Chính vì vậy mà trước đây những bậc cha mẹ có tục ký gởi, tức “bán” những đứa trẻ từ ba, sáu đến chín, mười tuổi, thậm chí 12 tuổi cho ông Táo. Khi có việc bồng trẻ ra đường, người ta quẹt nhọ lấy từ ông Táo hoặc song nồi, đánh dấu một chữ thập lên trán đứa bé hoặc bôi lên trán cốt làm cho đứa bé xấu xí đi để bảo vệ bổn mạng cho đứa trẻ. Thậm chí lúc xin hoặc mua con vật như chó con, mèo con về nuôi thì công việc đầu tiên là bắt chúng lạy ông Táo, lại giật một ít lông ở đuôi và chân nhét dưới đít ông Táo làm phép. Con vật sẽ không bị đau ốm, đặc biệt là không bỏ đi rông, nếu có đi thì còn biết đường mà quay về với chủ mới.

Nếu người Hoa cúng Thổ công một ngày sáng tối hai lần thì người Việt cúng thưa hơn, mỗi tháng cúng hai đến bốn lần vào dịp sóc vọng. Lễ cúng cũng đơn giản, hương hoa trầu rượu là đủ. Có nơi người ta cúng mặn như xôi gà; hoặc giả khi gia chủ có giỗ chạp thì cũng soạn lễ cúng luôn ông Táo. Riêng ngày giỗ chính thức, tất thảy đều thống nhất vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, lúc ông Táo sửa soạn lên chầu Trời (24 giờ đêm ngày 23, rạng ngày 24). Chuyến đi 6 - 7 ngày; ngày 30 tháng Chạp (hoặc 29, nếu tháng Chạp thiếu) người ta lại rước Táo quân về nhà kịp đón Tết cùng gia đình.

Sau khi cúng ông Táo, người ta hóa vàng, hóa cả cỗ mũ năm trước, thay đầu rau mới, đầu rau cũ được thỉnh ra ở các ngã ba đường. Phổ biến nhất ở miền Bắc và Bắc Trung bộ thường cúng cho Táo quân một con cá chép, nó được phóng sinh ra sông hoặc ao hồ sau lễ cúng, cá sẽ hóa rồng, đưa Táo quân lên chầu Trời. Ở miền Nam, phổ biến vẫn là bộ đồ cúng ông Táo in trên giấy gọi là “cò bay ngựa chạy” (hình một con tuấn mã và một con cò giang cánh), có ý nghĩa tượng trưng là đường bộ thì ông Táo cưỡi ngựa, lên Trời thì cưỡi trên lưng cò. Những người kỹ tính, cúng toàn đồ chay cốt để ông Táo được chay tịnh, không nói điều xấu cho chủ nhà. Người Hoa thường có hủ tục “hối lộ” ông Táo bằng cách khi hóa vàng thì đốt thêm gói kẹo để ông lên Trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi đi cho!... Cái sự tiếp biến văn hóa từ ông Táo và cái bếp còn nhiều thứ nhiêu khê lắm, ta thử khảo sát qua cái bếp thời hiện đại.

Ngày nay đa số nông dân vẫn dùng rơm rạ, củi khô làm chất đốt nên việc dùng ông Táo đầu rau vẫn khá phổ biến. Trước đó, nhiều nơi đã thay thế ba ông đầu rau bằng nục kiềng sắt, hình vòng cung, có ba chân, dùng để đặt song nồi. Bếp kiềng cũng là một cách mô phỏng kiểu dạng ba ông Táo, song có ưu điểm gọn nhẹ, bền chắc và di chuyển linh hoạt, không cố định như cái bếp ông Táo đầu rau. Theo thời gian, những chiếc bếp mới nối tiếp nhau ra đời (đun mùn cưa, trấu, than tổ ong). Rồi bếp dầu, bếp điện thô sơ và bếp ga ra đời. Từ khi có bếp ga, những gia đình giàu có có thể đầu tư vào cái bếp hàng chục, hàng trăm triệu đồng, tiện nghi hiện đại hết chỗ nói và thị phần ông Táo đầu rau “teo” dần ở đô thị. Vấn đề đặt ra ở đây là khi không còn sử dụng cái nhà bếp xưa cũ nữa, không dùng cái bếp ông Táo đầu rau trong nhà mình nữa, người ta có bỏ tập tục thờ cúng Táo quân không? Có thể trả lời ngay là không, vì chủ nhân các căn bếp hiện đại chưa ai rời bỏ niềm tin vào sự bảo hộ của ông Táo đã được thiêng hóa tự bao đời nay rồi. Ngày nay trong các gian bếp hiện đại người ta vẫn thờ ông Táo trên cái trang thờ, ở đó có một lư hương, lọ hoa và quả bồng để đơm bánh trái. Sau lư hương đặt tượng (vẻ bà Thổ kỳ ở giữa, Thổ công và Thổ địa hai bên) bằng đất sét nung, dày và to bằng hai hộp diêm ghép lại. Bức tượng Táo công này mỗi năm thay mới một lần vào ngày giỗ chính thức.

Khi quê nhà chưa đô thị hóa, nghĩa là cái bếp tuổi thơ tôi còn là cái bếp làng ở vùng ven, thì đó không chỉ là nơi đun nấu thức ăn đơn thuần mà còn là nơi cả nhà sum vầy đoàn tụ, nghỉ ngơi sau những nắng hai sương mệt nhọc. Những đêm đông rét mướt ở trong gian bếp nghèo dưới ngọn đèn leo lét, những bữa cơm đạm bạc, nỏ có chi nhiều mà sao nó đầm ấm lạ! Già trẻ kính trên nhường dưới, ăn uống chuyện trò ấm cúng. Còn nhớ như in cái hơi ấm ổ rơm trong những ngày đại hàn dưới mái tranh nghèo thì không nệm chăn nào thời hiện đại thay thế nổi. Chỉ nhắc lại cái ổ rơm thôi, biết bao kỷ niệm tuổi thơ đã ăm ắp kéo về. Rất tiếc là cái bếp ngày nay không còn là nơi đoàn tụ gia đình như xưa nữa! Bây giờ trong căn bếp sang trọng tiện nghi, người ta có thể tiếp khách dùng bữa cơm gia đình. Với lò cơm điện, lò vi sóng, tủ lạnh cao cấp, người ta có thể dùng thức ăn nóng, tươi, lạnh tùy thích, vừa ăn vừa nghe nhạc, xem vô tuyến. Nhưng không biết có phải tiện nghi quá sinh ra cái tệ, ai tiện lúc nào thì ăn lúc ấy làm các thành viên trong gia đình ngày càng ít có điều kiện sum vầy bên nhau chăng?

Cuối cùng tôi có đôi lời nhắn nhủ táo quân cùng ê-kíp làm các tiểu phẩm về Táo quân trên kênh VTV1 phát vào lúc giao thừa nhiều năm trở lại đây (tiếp biến sau cùng nằm trong tâm thức người Việt). Đây là một cách làm hay, kế thừa và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông theo đúng tinh thần Nghị quyết TW5. Ai cũng hào hứng, đợi chờ chương trình như chờ đón ông Táo về lại nhà mình trước lễ cúng gia tiên/ năm mới; trước lời chúc tết thiêng liêng của Chủ tịch nước. Rằng vui thì thật là vui song thời lượng eo hẹp quá, làm như là năm cùng tháng tận nên Táo các ngành có muốn làm đúng thiên chức mà Ngọc Hoàng giao phó là nói thẳng nói thật, có muốn chống tham nhũng ở ngay ngành mình cũng không kịp thời gian tấu trình. Vậy nên tôi có một đề nghị với các nhà làm tiểu phẩm hài, các kênh truyền thông là nên mở rộng đề tài, mở rộng diện phản ánh và thời lượng phát sóng ra hàng tháng hàng quý, vì có như thế mới mang tính thời, bao quát và “hot”. Đơn cử hành động hôi của trong vụ xe bia ở Đồng Nai mà Táo Giao thông/An toàn trật tự kịp thời chỉ trích, phát lên thì ngăn chặn được cái đà đạo đức xuống cấp, dân tình hả lòng hả dạ. Hay vô vàn những vụ ngộ độc thức ăn tập thể, nếu Táo An toàn thực phẩm chịu khó tâu lên Trời xanh từng vụ việc một cảnh báo kịp thời thì sẽ không lan rộng ra khắp các khu công nghiệp cả nước và nhà sản xuất Rượu nếp 29 Hà Nội không dám chơi liều là pha cồn công nghiệp vào rượu, tăng nồng độ methanon quá ngưỡng cho phép trên hai nghìn lần, 11 khách hàng là “thượng đế” ở Quảng Ninh mới nếm vào đã có 6 “thượng đế” về chầu giun đất. Còn nhiều và nhiều lắm, ví như vụ việc ở xã Cái Văn, Thanh Chương, Nghệ An (xét ra ở đâu cũng có cả) mà Táo LĐ-TB-XH tấu trình lên sớm với Trời xanh thì đâu có cái cảnh bây giờ cán bộ xã thu hồi gần ba tháng mới được 70/ 400 triệu đồng, trong khi cán bộ huyện lách luật, thò thụt thanh minh thanh nga trước dư luận “tiền chính sách là tình làng nghĩa xóm”, hèn chi mà tiền trong Ngân hàng chính sách cũng được đưa ra tiếp tay cho cậu Thủy để cậu lừa đảo, bao nhiêu năm trời mới đây mới hé lộ ra ở Bình Phước, Đaklak rồi Quảng Trị; mới bị tóm để điều tra mở rộng. Dù có điều tra mở rộng đến đâu thì cũng đã gây ra những tổn hại về mặt đạo đức, tâm linh trời không dung đất không tha, không còn khung tội nào để khép. Nó khác với vụ Vinacin, tuy có chậm trễ thì mới đây Tòa án thành phố Hà Nội còn kịp lôi ra xử, hai tên trùm sò được áp vào khung tử hình. Đất nước còn khối việc “cần làm ngay”, ví như nhiều vụ việc chấn động Thiên đình là bảo mẫu cho trẻ mẫu giáo uống thuốc ngủ, ăn thực phẩm tăng trọng và hành hung trẻ dã man. Không thấy Táo Giáo dục lên tiếng chỉ thấy cư dân mạng, video clip và báo giới vào cuộc. Thử hỏi Táo Giáo dục mà không vào cuộc, không có tinh thần xây dựng, phê và tự phê cao, không vào quyết liệt thì bao giờ cái Bộ GD & ĐT đổi mới toàn diện, triệt để? Cả ngành Y tế, 11 tháng đầu năm cũng suây ra quá nhiều vụ động trời, không thấy Táo Y tế lên tiếng, toàn họp hành nội bộ, kết luận chậm rì, nhất là tiêm phòng vác-xin gây thương vong cho nhiều trẻ; gian lận xét nghiệm có hệ thống trong khám bảo hiểm y tế ở nhiều bệnh viện; bác sĩ thẩm mỹ viện “thẩm chết bệnh nhân” còn thả trôi sông, thảm thương vậy mà nghe đâu khi đối chiếu với khung luật hiện hành của ta cũng chỉ năm năm tù giam! Lâm tặc, vàng tặc, gỗ tặc, rất nhiều loại “tặc” nó đang hoành hành, nhưng thôi không nói nữa!

Tuy có đồng sàng dị mộng đôi chút, song thiên chức sứ mệnh của Táo quân rất cần phát huy; cần phối hợp với Ban nội chính Trung Ương và các địa phương sát sao hơn nữa thì ắt sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tôi háo hức chờ cuộc giao ban của Táo các ngành trên trời quá. Biết là công việc Táo quân năm nay hết sức bộn bề, mong Táo quân cần kịp thời đổi mới phương thức hoạt động để hoàn thành được nhiệm vụ trời xanh giao phó.

Y.T
(SH300/02-14)


.............................................
(1) Nguyễn Đổng Chi, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H.2003, quyển I, Tr.355-362.
(2) (3) Huỳnh Ngọc Trảng, Ông táo về trời, Kiến thức ngày nay, số Xuân 2006, Tr.45- 46.
(4) Tích này có nhiều dị bản. Trích theo Nguyễn Đổng Chi, Sđd, quyển I, Tr. 355-362.








 

Các bài mới
Nồi bánh tét (30/01/2014)
Xuân kinh (29/01/2014)