ĐÔNG HÀ
Buổi sáng thật xanh và hiền (TCS).
Những ngày mưa mùa đông ở Huế lạnh, hiền từ và dai dẳng. Những buổi mưa ngồi trên ban công căn phòng ấy, nghe tiếng giọt mưa rơi xuống mái, mới tha thiết những buổi sáng thật xanh và hiền năm xưa người con trai ấy đã ngồi nơi đây.
Huế xưa giờ đã xa, không còn nhiều những ngày dịu dàng như thế. Mỗi bước ra phố kiều nữ đã phải quàng “khăn mohamed” trùm kín dung nhan, chàng trai đã nhuộm xanh nhuộm đỏ trên mái tóc. Con người nơi này bắt đầu cười nói rổn rảng. Cái tình trao nhau đã biết nhanh biết vội biết sòng phẳng toan tính cho bằng lòng nhau… Huế không còn nhiều nét cũ khiến người xưa đi đâu đó một hôm quay lại bất chợt thoáng nhói đau lòng. Nhưng can chi, Huế vẫn còn một chỗ…
Một chỗ phía dưới hàng cây long não tự xa xưa xanh mướt an nhiên sáng nay vẫn thật xanh và hiền. Ngồi đây nhìn ra, cây cầu bắc ngang sông như một nét mi ơ hờ khép nhẹ trên đôi mắt người xưa yêu dấu. Vẫn dòng sông chảy thật chậm như muốn chở quá khứ đứng lại, níu lại với thời gian. Đôi ba con chim sẻ vẫn lích rích nhảy nhót trên tàng cây nghe hân hoan một bài tình yêu không cần dịch thành nghĩa.
Và một chỗ ngồi. Ừm. Đôi khi một chỗ ngồi mà sao quá khó khăn trong thời buổi nhân loại kéo nhau qua cầu rầm rầm rộ rộ. Chỗ ngồi đó cần một nét quen, một chút yêu, một niềm thương mến cũ ngồi chờ mình ở đó. Thì về lại đây. Ngôi nhà xưa vẫn chờ đợi bước chân người quen dấu cũ.
Khi ngồi đây mình hình dung, có một ai về ngang qua, bước vào. Phía ngoài kia mưa gió, thì ở đây có chiếc khăn len mềm mại dịu dàng đang chờ đợi để được quàng vào cổ. Ấm như một vòng tay thiết thân để nghe yêu thương giản dị đang dâng lên trong hồn. Chỉ thế thôi là đủ cho một cuộc trở về. Những chiếc khăn không chỉ để quàng vai ấm cổ mà chúng còn làm ấm cả tâm hồn. Bởi với cuộc đời, không phải lúc nào cũng cần vui, mà chỉ cần một chút ấm áp là đủ. Thế thôi.
Nên căn gác ấy, dẫu người cũ đã kéo nhau đi hết, thì những người sau ngày ngày vẫn đến đây. Mỗi nếp sắp đặt vẫn cố giữ lại chút gì đấy của ngày tháng cũ, của dấu tích cũ, của hơi hướm cũ… Cho ngày sau, người xưa sau ghé qua đây vẫn còn bắt gặp chút lưu hương.
Nên một hôm dưới tàng long não xanh um, loài người kéo nhau về đây, nghe lách tách như tiếng chim sẻ nâu ríu rít hôm nào về đây dự hội. Đó là ngày đầu của tháng tư năm trước, trong nỗi nhớ Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm 12 năm, căn gác ấy lại mở cửa. Nhân loại xốn xang ra vô, ánh mắt nhìn vào những chỗ hư không để tìm cho ra nét quen đã từng thấy đã từng nghe đã từng biết… và bồi hồi khi gặp lại dấu vết ố mờ của một chút gì đấy đã từng thoáng qua trong tâm tưởng đang còn bám vào bức tường tưởng chừng vô tri vô giác mà lại thân thiết đến nhường kia. Ngày hôm ấy, những người bạn của thế hệ xưa sau đã bắt đầu mở cửa nơi đã từng ẩn náu của những người bạn thế hệ xưa trước.
Rồi từ đó, nơi đây hằng đêm đã ấm lên ngọn đèn vàng dìu dặt cùng tiếng hát của người ca sĩ liêu trai dắt những người bạn xưa trước về ngồi đâu đó trong tiếng tí tách của giọt cà phê trầm lặng. Nơi đây thành điểm hẹn. Từng đêm dìu dặt. Từng ngày cưu mang. Những tà áo tím Đồng Khánh có lối tìm về tung tăng dưới hàng long não xanh um gợi lại một khoảng trời tha thiết. Nhớ xưa, có một người con gái, trong tà áo màu nâu, mỗi năm mỗi khác, để khi chợt nhớ lại thì hình như tà áo nâu đã cao ngang gối… Mới biết, cái trí nhớ nhỏ nhoi nhưng đủ bao dung cả một thời người ta đã yêu đã nhớ.
Cũng từ đó, những sớm mai, những chiều muộn, căn phòng lại tràn ngập những đuôi mắt reo vui, những tiếng hát hân hoan khi được đứng đó hát lên tiếng yêu thương của một người đã từng ngồi dưới mái nhà này để viết lên cho nhân loại. Tôi nhớ Camille Huyền, cô Tôn Nữ xa xứ khi trở về lại, hát say mê đắm đuối, đầy yêu thương về những câu hát của người nhạc sĩ tài hoa kia đã từng ngồi đây viết. Căn phòng nhỏ chật ních người. Mà lòng tình thì hòa quyện lại với nhau một dịu ngọt khôn cùng.
“Cũng chẳng còn gì giữ lại anh nơi đây ngoài căn nhà này. Ánh cũng đã ở đó. Mỗi ngày dù mưa anh và Ý vẫn gặp nhau để nhấm tí rượu, uống tí cà phê” (30/10/1966)(*). Dòng thư cũ gửi một người yêu dấu cũ bỗng dưng lại trở thành nỗi đồng điệu của hằng bao tâm hồn ngưỡng mộ người nghệ sĩ tài hoa mà đâm ra tha thiết với mối tình của họ. Để rồi, một sớm mai về đây ngồi lại, giở những bức thư người con trai ấy đã gửi cho tình yêu của mình, thì bắt gặp sự giãi bày này. Vâng. Chính căn nhà này, nơi anh đã ngồi, nơi đã lưu lại cái nhìn về dáng vóc của một người con gái, nơi chờ đợi bàn tay gõ cửa của một người con gái, nơi chất chứa những tháng năm tuổi trẻ của những người bạn mà sau này họ đã trở thành sự quý giá của nhân loại, bây giờ, ngày tháng tiếp theo, vẫn đang có những chiếc ghế chờ đợi người xưa trở về, người sau tiếp đến, mà lưu giữ cho nhau một sự đẹp dịu dàng trong lòng thành phố thân yêu.
Gác Trịnh. Sáng thật hiền, 11/12/13
Đ.H
(SH300/02-14)
..............................................
(*) Thư tình gửi một người - Trịnh Công Sơn.