Tạp chí Sông Hương - Số 300 (T.02-14)
Về làng ăn tết
12:49 | 28/01/2014

TRẦN KIÊM ĐOÀN

Hai mươi năm trước, tôi về thăm sau mười năm xa Huế, bạn bè còn nguyên vẹn. Nhưng cứ vài ba năm về thăm Huế một lần, bạn bè cứ lần lượt “hao” dần. Số ra đi lập nghiệp xa xứ thì ít so với số anh em lần lượt lên ngồi bàn thờ ăn Tết với ông bà.

Về làng ăn tết
Minh họa: Nhím

Túy Linh đã có lần khuyên tôi nên về thăm “dày” hơn để thấy anh em cùng thế hệ Chiến tranh Việt Nam của mình đi chậm và đi mỏng hơn là chờ tới năm, mười năm mới tính sổ. Nhưng tâm lý suy diễn không thuyết phục được thể lý cân đo được của tuổi già. Tôi thương Huế cũng như sợ Huế về cái thước đo thời gian có tên là “Mới đó!”:

- Mới đó mà đã thành “cấy dôn”. Mới đó mà đã lên ôn lên mệ. Mới đó mà đã tra rồi. Mới đó mà đã lụm khụm. Mới đó mà đã lên bàn thờ về với tổ tiên!

Úi chao! Cái “mới đó” của Huế mình là trăm năm hay nháy mắt. Và cũng có khi, cái nháy mắt của o gái Huế đã thành... trăm năm.

Dẫu có muốn tìm sự bình thường trong vô thường thì cũng chỉ còn biết im lặng ngậm ngùi khi từ bên nầy biển xanh, nghe tin bên tê một người bạn mới ra đi. Mỗi lần về lại Huế, từ sân bay Phú Bài lên gần An Cựu, tôi lại nhớ lời dặn của ôn Viên Quang chùa Châu Lâm hơn năm mươi năm về trước: “Gặp người đối đãi như gặp lần cuối. Quên giận, quên hờn, quên hơn, quên thua... cho tâm an lạc. Ngày mai hay trăm ngàn vạn kiếp biết có còn gặp được nhau nữa hay không!”

Tháng Chạp 2012, tôi về ở lại Huế ba tháng. Huế đang giữa tháng Chạp, mưa phùn lập xuân vẫn còn rây hạt. Ba mươi năm tưởng như đã quên, nay sống dậy cảm giác đi trong mưa Huế có một chút gì đó co ro, đơn độc cần một hơi ấm và một tiếng nói quê mình. Bao năm qua, du lịch nhiều nơi từ Đông sang Tây, tôi vẫn không lý giải được cái gì đã làm cho Huế đẹp thâm trầm mà riêng tôi chưa tìm thấy ở những nơi kia. Cái đẹp của Huế vừa cảnh vừa tình. Cảnh đẹp thiên hình vạn trạng thì nơi đâu cũng có; nhưng điệu tình là sức hút vô hình làm cho lòng người chới với, buông theo. Khi cảnh và tình hòa điệu thì vẻ đẹp biến thành tâm ảnh. Rồi một mai nào đó, tâm ảnh sẽ làm cho mình “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên, qua cầu Trường Tiền nhớ nhịp Đông Ba”. Có lẽ vì thế mà cái “tình Huế” thường trộn lẫn với cảnh đẹp và kỷ niệm nên khó nhạt; càng già càng đậm đà ý vị!

Dẫu cầm tinh con chó, tuổi Tuất, “chạy như chó đứt tróng” nhưng những gã Bính Tuất Âu Mỹ danh tiếng như Clinton, Bush, Blair… đều đã giã từ vũ khí về vườn cả rồi. Chắc chắn những chàng nầy đang được sống trên tổ quốc chôn nhau cắt rốn của mình. Riêng những chàng Tuất Việt vô danh tiểu tốt như chúng tôi đang sinh sống ở nước ngoài thì tuổi già vẫn còn trăn trở. Nỗi thao thức nhẹ nhàng như đêm khuya khó ngủ là nỗi nhớ chong mắt quá khứ ngày xanh đã thành kỷ niệm. Khoa học càng ngày càng gần với thuyết “Oneness - Đồng Nhất Thể”; nghĩa là cuối cùng, cả ánh sáng, thời gian và vũ trụ cũng đều chuyển hệ theo một vòng tròn. Điểm khởi đầu sẽ gặp lại điểm kết thúc cho dẫu cuộc du hành trải qua không biết bao nhiêu là tỷ tỷ năm ánh sáng!

Tâm thức con người cũng là một vũ trụ thu nhỏ. Cho dẫu một đời xoay vần đến cùng trời cuối đất nhưng có người tuổi già nào mà không nhớ quê hương nguồn cội của mình và mong ngày cuối đời về lại. Điều kiện và hoàn cảnh cho một sự ra đi và một cuộc trở về có thể khác nhau, nhưng nỗi lòng thuần hậu và sâu thẳm của những người Việt ly hương thì cũng giống nhau như những hoa cúc, hoa đào, hoa mai ngày Tết trên cả ba miền Nam Trung Bắc.

Với tâm sự đó, mùa tết năm nay tôi nghĩ tới khu vườn xưa và căn nhà thừa tự ở làng Liễu Hạ. Nơi đó, tôi sinh ra. Nơi đó, tôi học những tiếng đầu đời và lớn lên cùng ruộng đồng khoai sắn. Nơi đó, tôi có cả thời hoa niên đẫm mồ hôi cùng nước mắt; nhưng cũng đầy suối mát ước mơ. Tôi phải về nơi đó lặng lẽ như ngày xưa qua Huế - về làng. Tôi không chịu nổi cảnh anh học trò làng quê chân đất như tôi, khi về lại, biến thành gã “Việt kiều” ngô nghê nhưng được kẻ đón, người đưa với cảnh đầy mỉa mai thời Tú Xương “xu hào rủng rỉnh… mán ngồi xe!”

Cả đời, người ta làm gì cũng đắn đo, hỏi ý nên cứ ngỡ như có tự do mà mất tự do. Càng trải nghiệm cuộc sống, tôi càng cảm thấy tự do đáng quý nhất xuất phát từ bên trong tâm thức của chính mình, sau đó mới lan tỏa thành hành động cho cuộc sống. Nghĩ và làm thường có một không gian ngăn ngại làm mình sợ hãi. Tôi nhớ quê hương, nhớ làng. Đâu đó là tiếng gọi về làng như tiếng gọi rừng thẳm của con hổ nhớ rừng. Tôi mỉm cười với chính mình và quyết định thử làm theo ý muốn của chính mình một lần xem thử ra sao. Buổi trưa, tôi “độc lập, tự do” gọi cho hãng vé máy bay; nghĩa là quyết định bay thử một chuyến từ Mỹ về Việt Nam mà không ai hay biết. Đại lý bán vé cho biết là còn chỗ cho chuyến bay Mỹ - Đài Bắc - Việt Nam khởi hành buổi chiều tối. Tôi chỉ có mấy tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Vơ vội mấy bộ áo quần và chút ít vật dụng cá nhân căn bản bỏ vào xách tay. Dùng thẻ nhựa tín dụng mua vé và rút chút ít tiền mặt trong ngân hàng làm lộ phí. Không đủ thời gian hớt tóc, còn nói gì đến chuyện quà cáp cho ai. Mà tôi đi tìm mình chứ có thăm viếng ai đâu mà phải quan tâm về lễ nghĩa. Đúng, đây là “một cuộc hành hương đi tìm lại chính mình” (?!) vì tuyệt nhiên tôi chẳng báo tin đi hay báo tin về cho ai cả. Đã từng sống với quá nhiều đón đưa khách bạn gần cả một đời người, tại sao tôi không sống thử như một người khách lạ trên quê hương mình xem có khác gì vai khách lạ thật sự trên xứ người mà tôi đã từng trải qua trong những lần đi công tác xa nhà.

Cho đến khi chuyến bay chuyển tiếp từ Đài Bắc đến Tân Sơn Nhất cất cánh và càng lúc càng gần với dải đất quê nhà dưới kia, tôi mới có cảm giác là lạ của kẻ sống ra ngoài những quy uớc xã hội thường tình. Có lẽ hết thảy hành khách mấy trăm người trong chuyến bay này, chỉ có tôi là người duy nhất không có ai đợi, ai đón, ai đưa. Bởi không có sự ràng buộc bên trong cũng như bên ngoài nên cảm nhận tự do trong tôi lớn hơn là cảm giác đơn độc.

Dẫu không chờ đợi thì thời gian vẫn trôi, không gian vẫn chuyển và máy bay cũng sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Đang giữa mùa đông mà Sài Gòn nắng chói chang với nhiệt độ nóng hầm hập như mùa hè ở Huế. Xuống máy bay, qua thủ tục nhập cảnh xong, tôi bước ra khỏi nhà khách phi trường và cố tưởng tượng đây chỉ là lần đi công tác thường lệ một mình giống như ở New York, San Francisco, Toronto… Nhưng thực tế khác hẳn. Tiếng người lạ chào hỏi nhau lọt vào tai tôi một cách tự nhiên. Đã bao nhiêu lần ra khỏi những phi trường quốc tế, nghe bao tiếng nói tứ xứ không liên quan gì đến mình như những tiếng ồn. Bây giờ, tiếng Việt lọt vào tai tôi và rơi xuống lòng mình thương quen như “tiếng dế sau nhà, tiếng gà tục tác, tiếng vạc ăn đêm…” trên quê hương thời thơ ấu. Một mình đi giữa phố phường Sài Gòn nhưng tôi không cảm thấy cô độc mà cũng chẳng thấy cô đơn. Trạng thái tâm lý “thuộc về” đưa tôi vào khung trời cũ. Cảm giác thuộc về cũng là một dạng tâm lý bản sắc. Đọi bún bò, tô cơm hến Huế mang tâm lý bản sắc Huế như vịt Bắc Kinh thuộc về người Trung Quốc; bánh Pizza thuộc về người Ý… nên dẫu ở đâu thì tâm lý bản sắc vẫn là sức mạnh vô hình - vô thức hay hiện lên rõ ràng - dẫn tâm tư con người trở về nguồn cội.

Tôi trở về làng cũ, vườn xưa và ngôi nhà thừa tự đã biến thành ngôi nhà thờ tự từ ngày mẹ tôi qua đời. Đêm đầu tiên nằm ngủ trong ngôi nhà xưa, giữa khu vườn cũ, tôi có cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen với đêm về lặng lẽ đến hoang sơ; tiếng dế, tiếng côn trùng và ếch nhái quanh vườn vẫn tha thiết tìm nhau như thời tôi còn bé. Bốn giờ sáng, mấy người bạn cũ ở làng bây giờ đã lên chức ông, chức cố gõ cửa vào nhà uống nước trà; rồi kéo nhau đi bộ quanh các làng Cổ Lão, Dương Sơn, Hương Cần. Trời sáng, trên đường làng gặp toàn những người trẻ lạ, chào “thưa ôn”. Hỏi ra mới biết đó là thế hệ trẻ thuộc hàng hàng con cháu. Thế hệ đàn anh của tôi ở làng chỉ còn lác đác năm ba người, hầu hết không lẩn thẩn, phôi pha thì cũng ho hen, lụm khụm. Thế hệ gần “cổ lai hy” như tôi phần lớn lên hàng trưởng bối, không trưởng tộc thì cũng trưởng nhánh, trưởng chi. Gặp mặt, nắm tay nhau mừng mừng, tủi tủi, nhớ nhớ, quên quên. Tối về, tôi uống cốc rượu gạo Dương Sơn và làm thơ “Về quê ăn Tết”:

Làng cũ người đông mà vắng bóng
Những o những chú thuở đời xanh
Trai thanh gái lịch giờ lên lão
Nhớ nhớ quên quên chuyện chính mình


Lau lách sông Bồ nước vẫn xanh
Có ai chờ đợi tắm hai lần

Hỏi người giặt áo trăm năm nữa
Vớt được gì trong bọt đã tan


Không chờ đợi tắm hai lần trên cùng một dòng sông, nhưng lòng tôi cũng mở ra và trẻ lại như một phản ứng tâm lý có điều kiện. Đó là hương vị Tết đang chín trên từng buồng chuối hay ửng hồng, xanh, vàng trên hoa lá quanh làng.

Mở đầu cho không khí tết của Huế là lễ Tất niên. Tất Niên là hết năm, một năm dài sinh hoạt với lắm thành bại đầy lo toan lẫn hạnh phúc. Tất niên thường diễn ra từ sau rằm tháng Chạp; nhưng phổ biến nhất là từ hai mươi tháng Chạp cho đến ngày cuối năm: Gia đình, làng, xóm, cơ sở thương mãi đều có tổ chức lễ Tất Niên để con người cám ơn nhau và mời thần thánh chứng tri. Người ở xa như tôi về làng thường được mời dự Tất niên và các cỗ giỗ, chạp, cúng rước, cúng đưa, cúng tân niên… từ cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng rộn ràng đến nỗi có ngày khó chen chân cho một bữa cơm nhà.

Thời thế và hoàn cảnh kinh tế, xã hội đổi thay từng ngày nhưng không khí tết của Huế vẫn rộn ràng như năm mươi năm về trước. Đặc biệt là khung cảnh mang tính thờ tự, chiêm bái ở các đình chùa miếu vũ. Từ ngày Tất niên cho đến lễ Tân niên, nơi đâu cũng phảng phất mùi hương trầm trong không gian rất nhiều sương khói của vùng đất “mé Trường Sơn thẳng tới Biển Đông” nghìn xưa kỳ tú nầy. Được đi khắp Việt Nam, có những vùng tôi từng được gần gũi nhiều năm như Đông Hà, Đà Nẵng đã hóa thân thành một kiểu dáng thị thành khác hẳn ngày xưa. Riêng Huế thì vẫn là Huế. Mặc dầu khuynh hướng đô thị hóa vẫn thấy nhiều nơi bên bờ phía Nam sông Hương và rải rác ở phía bờ Bắc nhưng Huế chỉ thay cái dáng vẻ điểm trang, còn lại vẫn là một dòng sông tự tại như Bùi Giáng đã nhìn vào cái tâm sông và tánh núi rỗng lặng và sâu thẳm miên trường của Huế: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.”

Về quê ăn tết đối với tôi như một cơ hội tinh thần cho tâm của mình hòa quyện với thân - thân đâu tâm đó để khỏi thân đó tâm đâu - như đã hơn ba mươi năm qua ăn “tết mà không phải tết” ở quê người. Thân của tôi vẫn mãi là chú bé nhà quê “đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên”! Tâm của tôi là những góc khuất, xó xỉnh, bờ ao, bục giảng, diễn đàn, chân trời… đa mang và tộng bộng nhưng vẫn như sông suối nhớ nguồn đã ra đi từ ngõ Huế xưa.

T.K.Đ
(SH300/02-14)








 

Các bài mới
Nồi bánh tét (30/01/2014)
Xuân kinh (29/01/2014)
Các bài đã đăng
Nhớ Hương Giang (24/01/2014)