Tạp chí Sông Hương - Số 300 (T.02-14)
Ngày xuân tìm 'Động hoa vàng'
15:14 | 17/02/2014

ĐẶNG TIẾN

Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác gia dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ là kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.

Ngày xuân tìm 'Động hoa vàng'
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Ảnh: tapchivanhoaphatgiao.com

Nhưng câu thơ được biết nhất, trước sau vẫn là:

rằng xưa
có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
 

Câu thơ trích từ đoạn 41 trong trường ca Động hoa vàng, gồm 100 đoạn 4 câu, làm theo thể lục bát cổ điển, nhưng qua hàng lên xuống theo nhiều dạng khác nhau. Tác phẩm in năm 1971, không ghi nhà xuất bản; bài thơ nổi tiếng nhờ Phạm Duy phổ nhạc nhiều đoạn dưới tên Đưa em tìm động hoa vàng cùng một lần với nhiều bài thơ khác của tác giả: Ngày xưa Hoàng thị, Em lễ chùa này… Phạm Thiên Thư nổi danh từ đấy.

Thơ lạ, nhạc hay, đã đành. Nhưng còn thêm lý do tâm lý quần chúng: những bài thơ tình này là của một nhà sư có pháp danh Tuệ Không, tu tại Thiền viện Pháp Vân 1964 - 1975, Sài Gòn. Cùng thời điểm này, hay trước đó, tu sĩ Tuệ Không đã chuyển ngữ Kinh Phật Kim Cương ra thơ Việt, dưới tên Qua suối mây hồng, xuất bản 1971, kèm theo hai tùy bút văn xuôi, Ngã pháp mây nổi Hiện hóa pháp, viết 1969, giúp ta hiểu thêm tâm tưởng Phạm Thiên Thư, hơn là những bài thơ đôi khi trầm bổng qua vần điệu.

Động hoa vàng chứng tỏ tài hoa của tác giả, nhưng ít người quan tâm đến nét thâm trầm của những câu thơ, nói chung là diễn tả giấc mơ thoát tục của con người trong một giai đoạn nhiễu nhương, đồng thời niềm hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.

Rằng xưa
có gã từ quan…

Chúng ta tìm hiểu câu thơ. Muốn từ quan thì phải làm quan, thường là quan to, bậc khoa bảng, thành phần giai cấp quyền lực. Tác giả đã hạ giá danh vọng bằng từ “gã” bình dân, thân mật. Bình thường không ai gọi ông quan bằng “gã”. Và “gã” đây là ai? Suốt tập thơ Động hoa vàng, bốn trăm câu, ta không biết. Muốn biết, ta phải đọc Đoạn trường vô thanh, phổ biến năm sau, nhưng có lẽ sáng cùng lúc. Câu 621:

Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa  
Mái chèo lãng đãng yên ba

Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi

Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc. Từ Thức làm quan tri huyện, có hôm đi chùa xem hội hoa. Một cô gái trẻ, lỡ làm gãy hoa, bị bắt đền, Từ Thức đã “cởi áo cừu gấm trắng” để chuộc lỗi cho người con gái. Người xưa “khen quan huyện là người hiền đức”(1). Ngày nay ta gọi là hào hoa, thậm chí bay bướm. Sau đó, không chịu sự ràng buộc của quan trường, Từ “bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về”, rồi don buồm chơi cửa bể Thần Phù, lạc vào động tiên, gặp lại cô gái vốn là tiên, tên Giáng Hương, cưới làm vợ, rồi trở về trần. Trong động tiên cũng có “hoa vàng” lọt vào cửa sổ:

Một đêm gió thổi nguyệt đầy non
Rèm cuộn hoa vàng lọt cửa son

                        (Trúc Khê dịch)

Trở lại câu thơ “tìm động hoa vàng ngủ say”. Lên đến hang động heo hút mà chỉ để “ngủ say” thôi ư? Trong lối hiểu thông thường, thì ngủ say đây là cách quên công danh, những hệ lụy công danh, mà cũng là cách quên đời. Người xưa có lúc lấy giấc ngủ làm hạnh phúc, như trong bài thơ Khúc ca thích ngủ, cũng trong Truyền kỳ mạn lục, nhắc lại giấc ngủ của danh nhân như Khổng Minh, Trần Đoàn, Đào Tiềm, Chu Liêm Khê(2). Biết điển cố này ta hiểu sâu sắc hơn hai câu thơ, cùng trong đoạn 41:

ta về rũ áo mây trôi
gối trăng

đánh giấc bên đồi dạ lan
rằng xưa

có gã từ quan…

Ngủ” là trạng thái thụ động có tính cách phủ định. “Đánh giấc” là động từ, chủ động, niềm vui của tư duy khi ý thức nghỉ ngơi. Giấc ngủ là giai đoạn ý thức nhất thời chuyển mình vào cõi vô thức mà không tự hủy. Trong tùy bút Ngã pháp mây nổi, 1969, Phạm Thiên Thư đã ca ngợi: “Giấc ngủ say, giấc ngủ mệt thiếp, giấc ngủ chết lịm, giấc ngủ của đạo gia. Giấc ngủ của kẻ đau nhừ thất bại và hoan hỷ trong sự thành công mỹ mãn nhất (…); một giấc ngủ không tham vọng, không chấp chặt vì tất cả đều thất bại (…). Một giấc ngủ không tịch, gối đầu, duỗi chân trên hai đỉnh tuyệt vô cùng”(3).

Dĩ nhiên, giá trị của giấc ngủ chỉ hiển hiện sau khi chúng ta đã tỉnh dậy và nhận thức, như trong thơ vua Trần Nhân Tông, vị tổ sư của phái Thiền Việt Nam:

Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy

Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi


Dịch:

Thức giấc mở song mây
Xuân về, lòng chưa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới lấn hoa bay


Đồng thời chúng ta cũng không quên giấc ngủ vô tội, hồn nhiên của trẻ thơ, có lẽ là khoảng tịch lặng đẹp nhất trần đời.

*
Nói chung Động hoa vàng là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên, những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ:

ngày xưa trên giậu vàng hoa
chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
(…)

gây giàn
thiên lý vàng hoa
lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
xuống đầm tát cá xâu cây 
bới khoai vùi lửa

nằm dài nghe chim.

khách xa
nhớ đến nhau tìm
lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
hứng nước suối

thết bình trà
hái bầu nấu bát canh hoa
cười khàn

            (Khúc 89 - 97 - 98)

Đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi. Thực tế chưa bao giờ thi vị, nhất là lý tưởng như thế. Người xưa có thể kê chõng, gây giàn thiên lý, cắt cỏ, tát cá, bới   khoai vùi lửa… nhưng khó bề nằm dài nghe chim…

Hình tượng có vẻ là thực tế đơn giản, tuy thật sự hão huyền, nhưng giấc mơ thì có thật trong lòng người. Nó không xâu chuỗi thành hệ thống vần vè như vậy, nhưng rời rạc vẫn ẩn hiện trong tâm thức mỗi người Việt, ít ra trong một thế hệ nào đó: Chiều chiều kê chõng… nằm dài nghe chim.

Hình ảnh có lúc tách ra khỏi phong cảnh bình dị, cụ thể của nông thôn. Mộng mơ thì vốn không biên giới, có khi vươn đến cõi bờ siêu thực:

mùa xuân
            mặc lá trên ngàn
mùa thu

            mặc chú bướm vàng tương tư
động Nam hoa có thiền sư
đổi kinh

            lấy rượu tâm hư
                        uống tràn

Rượu tâm hư là rượu gì, không ai biết. Nhưng rượu gì cũng là rượu. Câu thơ thú vị chỗ đó: vừa chính thống, vừa dí dỏm. Nét hóm hỉnh tạo không khí thoáng nhẹ, niềm vui thầm lặng, cho toàn tập thơ, một không khí “thiền”.

Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.

Có lúc chàng kể:
ngày xưa em chửa theo chồng
mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
mùa thu áo biếc da trời

sang đông em lại đổi dời áo hoa

Hồi khác chàng lại kể:
từ hôm em bỏ theo chồng
áo trắng em cất áo hồng em mang

Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.

Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:

thôi thì em chẳng yêu tôi,
leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng   

Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết:
thì
thôi
tóc ấy phù vân
thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
thì thôi

mù phố xe đường
thôi thì thôi nhé
đoạn trường

thế
thôi


Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt.

*
Phạm Thiên Thư sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát trong hình thái cổ điển nhất. Và những tứ thơ siêu thoát cũng không mới lạ, vì ta đã từng gặp từ thời Nguyễn Trãi; nhưng đến 1970 thì không mấy ai còn nhớ. Do đó Động hoa vàng khi xuất hiện vẫn làm mới thi ca.

Vào thịnh thời của Thơ Mới, 1940, hay thơ Tự do tại Sài Gòn 1960, không ai làm những câu:

con chim chết dưới cội hoa
tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
(...)
đợi nhau
            tàn cuộc hoa này
đành như cánh bướm đồi tây hững hờ

Hình ảnh lạ lẫm, nhưng lời thơ dân dã, thuận chiều theo lô-gíc:
đất nam
có lão trồng hoa
mùa

hoàng cúc nở
ướp trà uống đông    
lại đem bầu ngọc ra trồng
bầu khô

cất nậm rượu hồng
uống xuân


Ý tứ tân kỳ, nhưng câu chữ không cầu kỳ. Lời thơ ý nhị, dí dỏm, diễn tả được nhu cầu siêu thoát. Nó hiện đại hóa một tứ thơ có từ Nguyễn Trãi:

Bẻ cái trúc hòng phân suối  
Quét con am để chứa mây.


Thời đại cho phép một ngôn ngữ mới, ngông nghênh, phóng túng hơn. Nhưng đại thể vẫn vậy.

Đánh giá một tác phẩm, cần đặt nó vào thời điểm xuất phát. Khoảng 1970, chiến tranh lan tràn khốc liệt, xã hội đảo điên. Thịnh hành là lối thơ thân phận, nói lên tâm trạng, hoàn cảnh tang tóc, bi thương. Không ai làm thơ chơi chơi, khơi khơi, như Phạm Thiên Thư:

có con
            cá mại cờ xanh
bơi lên nguồn cội

            tắm nhành suối xuân
nửa giòng

            cá gặp phù vân
hỏi sao

            mây bỏ non thần xuống chơi

Dĩ nhiên người ta có thể thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận một lối sáng tác “vô lập trường” như thế.

Ngày nay ta thường dùng từ phản ánh theo nghĩa thông thường: quy chiếu lại hình ảnh của thực tại, theo phép hiện thực hay cách điệu. Nhưng ta có thể dùng ngược lại: phản ánh là quy chiếu những cảm nghĩ trái chiều với thực tế, như  bề mặt, bề trái, của một đồng tiền. Như giấc mơ thanh bình đối lập với thực tại bom đạn.

một đêm
nằm ngủ trong mây
nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời  
cây bưởi trắng

ngát hương đời
nụ là tay Phật

chỉ người qua sông

Trong một đoạn hồi ký, Phạm Duy có nhắc lại giai đoạn này, với kỷ niệm chính xác về Phạm Thiên Thư. Thời đó, 1970, để phản ứng lại với cái “dung tục, trâng tráo” của xã hội, đã xuất hiện khuynh hướng “về nguồn, với con người Việt Nam, cây nhà lá vườn.”

Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng, thật là mát mẻ và rất cần thiết (...) Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc (...). Từ đó tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại”(4).

Nhạc phẩm Phạm Duy đúng là những thành tựu nghệ thuật lớn lao, được đón nhận nồng nhiệt ngay. Ngày nay, bốn mươi năm sau, vẫn còn nhiều thính giả nghe lại và yêu chuộng.

*
Bài này chỉ đóng khung vào trường ca Động hoa vàng: nguồn gốc thi hứng, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, và xã hội của nó.

Tác giả Phạm Thiên Thư còn sáng tác nhiều thi phẩm khác, nhưng không thành công bằng tập Động hoa vàng. Có lẽ tác giả đã vơi nguồn thi hứng đích thực, bớt khả năng cô đúc tình cảm, tập trung tư duy sáng tạo, cho nên những thi phẩm về sau - rất dồi dào - phải nép vào ngôn ngữ tài hoa. Mà tài hoa thì không đảm bảo được một hành trình sáng tạo lâu dài. Nhưng chỉ một thi tập Động hoa vàng cũng đánh dấu một thời đại trong thi ca, đồng thời thăng hoa khả năng thẩm mỹ và diễn đạt diệu vợi của thể thơ lục bát cổ truyền.

Đánh giá toàn bộ tác phẩm Phạm Thiên Thư là việc khó khăn, chưa kể có kẻ lạm quyền đã đánh giá cuộc đời chìm nổi của nhà thơ, qua lắm bể dâu.

Nói ít, nhưng khá đầy đủ về Phạm Thiên Thư, có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông:

Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua

Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên.

Orléans, 12/10/2011- Noel 2013
Đ.T
(SH300/02-14)

....................................................
1. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, tr. 106-119, Nxb. Văn Học, 1971, Hà Nội.
2. Phạm Thiên Thư, Qua suối mây hồng, 1971, tr. 72-73, tái bản, Nxb. Văn Nghệ, 2006, TPHCM.
3. Phạm Duy, Nhớ, hồi ký, tr.191, Nxb. Trẻ, 2005 (?), TPHCM.
4. Phạm Duy, Nhớ, hồi ký, tr.191, Nxb. Trẻ, 2005 (?), TPHCM.


 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nồi bánh tét (30/01/2014)
Xuân kinh (29/01/2014)