Tạp chí Sông Hương - Số 300 (T.02-14)
Công chúa Ngọc Anh
14:22 | 21/02/2014

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.

Công chúa Ngọc Anh
Minh họa: Nhím

Xế chiều, ánh mặt trời le lói xuyên qua những tán cây xanh um xung quanh, vẽ trên mặt đất những cụm hoa nắng nhạt, chốc chốc lại di chuyển bởi những cơn gió nhẹ rung cành. Đôi môi thắm như hoa yên chi của công chúa khẽ mím lại. Một tiếng thở dài kín đáo buông nhẹ. Xuân Lan, một cung nữ trẻ theo hầu công chúa Ngọc Anh từ ngày công chúa rời chùa Đại Giác hồi cung, vốn được công chúa yêu chiều vì ngoan ngoãn, tinh ý thấy chủ nhân có vẻ âu sầu bèn khẽ khàng xếp chiếc quạt lụa che đầu, vòng tay ngập ngừng:

- Dạ thưa...

Ngọc Anh phẩy bàn tay búp măng mềm mại, ra hiệu cho Xuân Lan yên lặng. Đây đó vọng lại tiếng chim chiều ríu rít. Nhưng đôi mắt công chúa, thần sắc công chúa dường như không phải người đang say cảnh đẹp, cũng không phải đang chú ý đến tiếng chim. Dường như có sự xáo động nào đó tận tâm can. Xuân Lan lùi lại một bước, tựa lưng vào cây đại già trắng xóa hoa, chờ đợi. Hôm nay vãn cảnh chùa, yết bái thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa có vẻ tư lự. Bởi sự uyên thâm của thiền sư hay bởi công chúa chạnh lòng nhớ đến những tháng ngày kinh kệ nơi chùa Đại Giác? Đứng hầu phía xa, Xuân Lan trộm nghe thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành giảng giải cho công chúa về tam pháp ấn. Không rành đạo Phật, nàng chỉ nghe lõm bõm vài câu về duyên sanh vô thường, về khổ khổ, hoại khổ và hành khổ... Ấn tượng nhất với Xuân Lan là đôi mắt của thiền sư. Một đôi mắt nàng chưa thấy bao giờ, sáng như hai vì tinh tú sáng nhất của bầu trời. Dường như đôi mắt ấy làm mọi vật đều tỏa hào quang mỗi khi thiền sư nhìn đến. Ngay cả công chúa Ngọc Anh, gương mặt cũng tỏa hào quang khi ngước nhìn thiền sư. Lúc ấy, tự nhiên Xuân Lan thấy lòng thắt lại bởi một linh cảm lạ lùng về nỗi bất an nào đó vừa thoáng qua.

- Xuân Lan!

Nghe tiếng ngọc của công chúa gọi mình, Xuân Lan giật mình dứt khỏi suy nghĩ miên man:

- Dạ!

Công chúa cúi xuống, nhặt một bông đại trắng nhụy vàng rụng ở lối đi, nâng niu trên tay ngà. Dưới đường, quân lính hộ tống đã sẵn sàng. Xuân Lan lấy làm lo. Chưa khi nào công chúa rời cung về muộn thế này. Dẫu cho Ngọc Anh là công chúa yêu của Thế Tổ Cao Hoàng Đế, nhưng Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế vốn nghiêm khắc, chuyện hồi cung muộn của công chúa biết đâu sẽ không tránh khỏi quở mắng của nhà vua, dẫu công chúa Ngọc Anh có là chị gái của nhà vua đi chăng nữa. Phận tôi đòi, mỗi khi có sự gì, các cung nữ thường phải giơ đầu chịu báng trước tiên. Nhưng rồi ngẫm nghĩ, Xuân Lan lại tạm thấy yên dạ. Công chúa Ngọc Anh xưa kia thường được vua cha đối đãi khác biệt hẳn với các hoàng nam, hoàng nữ khác. Bởi lẽ, là công chúa thứ ba của Nguyễn Vương, nhưng Ngọc Anh gắn bó với vua cha từ trong những ngày ly loạn gian nan. Trên bước đường ngược xuôi trốn tránh quân Tây Sơn, có lần Nguyễn Vương đã dừng chân trú trong chùa Đại Giác. Dẫu từ nhỏ đã là một trang quốc sắc thiên hương, nhưng công chúa Ngọc Anh ăn chay trường và chăm chỉ lễ bái chùa chiền. Dâng hương trong chùa Đại Giác xong, Ngọc Anh ngỏ lời với cha xin cho mình được ở lại chùa, trước là thờ Phật, sau đêm ngày cầu nguyện cho cha sớm đoạt lại cơ đồ. Nghe con gái thổ lộ, Nguyễn Phúc Ánh sa nước mắt. Nếu không có chuyện binh lửa thế này, lá ngọc cành vàng như Ngọc Anh đâu phải dấn thân vào gió bụi. Bây giờ, chân con gái đã mỏi, chí con gái đã tan hay chỉ đơn thuần là tấm lòng mộ Phật? Nguyễn Phúc Ánh bậm môi nhìn lại bầu đoàn thê tử. Phú Xuân rơi vào tay họ Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương và gia quyến phải dạt về tận Quảng Nam. Ngày khởi đầu cơn ly loạn, Nguyễn Phúc Ánh mới chỉ là một cậu bé mười ba. Hơn hai mươi năm nằm gai nếm mật, cơ đồ nhà Nguyễn vẫn chưa khôi phục được. Lên ngôi Vương ở Gia Định năm Canh Tý, đến năm Nhâm Dần, Nguyễn Vương đã bị anh em nhà Tây Sơn kéo quân vào đánh. Những tháng ngày bôn tẩu cơ cực của Nguyễn Vương lại tiếp diễn. Kể sao hết những cảnh nếm mật nằm gai cơ hàn, cay đắng. Nếu không nghĩ đến cơ đồ nhà Nguyễn hơn hai trăm năm, từ khi chúa Tiên gây dựng nay đã tan thành mây khói; nếu không nung nấu quyết tâm dựng lại cơ đồ, thì có lẽ Nguyễn Vương đã bỏ mạng từ lâu nơi biển sâu rừng thẳm. Còn sống được đến ngày hôm nay là còn được Đất Trời và tiên tổ phù hộ. Vậy thì, ý con gái cũng là một ý hay. Âm phù dương trợ thì nghiệp lớn mới thành. Ngày ngày con gái tụng niệm khấn cầu, chắc cũng khiến ơn trên động tâm nhìn xuống. Có điều, sắc nước hương trời như Ngọc Anh mà phải gửi thân nơi cửa Phật cũng là tiếc lắm thay! Nếu nghiệp lớn sớm thành, cha sẽ đón con hồi kinh, bù đắp. Nhược bằng lòng trời không thấu, cũng là có chốn dung thân cho phận liễu bồ. Cửa Phật từ bi hỉ xả, cha lênh đênh thôi cũng tạm yên lòng. Nghĩ ngược nghĩ xuôi như vậy, Nguyễn Vương gật đầu ưng thuận. Nhưng khi gót sen của công chúa rời chính điện, người đã gục đầu vào vách chùa, nấc lên xa xót...

Công chúa Ngọc Anh vừa lên kiệu, tiếng chuông trên gác chuông chùa Thiên Mụ đổ dài. Trong bóng chiều tĩnh lặng, tiếng chuông trong trẻo ngân xa làm xao động cả mặt nước dòng Hương, làm ngơ ngác cả cỏ cây hoa lá. Chim thôi hót. Lá ngừng lay. Tiếng chuông trùm lên cảnh vật, vang mãi, vang mãi, qua đồi Hà Khê, qua núi Ngự Bình. Tiếng đại hồng chung ngân nga khiến công chúa Ngọc Anh càng thêm bối rối. Nàng đưa tay ngà vén bức rèm hồng bên kiệu, ngước lên nhìn tháp chuông sừng sững rồi lại buồn bã buông rèm. Nàng không lý giải nổi tâm trạng lạ lùng của mình. Đây không phải lần đầu tiên nàng đến thăm chùa Thiên Mụ. Những lần trước, sau khi dâng hương lễ Phật, công chúa hồi cung với cõi lòng nhẹ nhõm. Bao nhiêu lo lắng, ưu phiền tan biến theo tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh cầu và hương trầm thơm ngát. Nhưng hôm nay, ngay sau khi diện kiến thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, nàng thấy lòng trĩu nặng. Danh tiếng thiền sư, nàng được nghe từ hồi còn xuống tóc quy y chùa Đại Giác. Nàng đã thầm kính phục bậc quốc sư, nhưng hôm nay, sau khi được đàm đạo Phật pháp cùng người, có điều gì đó cứ xốn xang khiến công chúa không nén nổi sự thổn thức trong lòng. Lúc thiền sư quay gót vào tịnh thất, công chúa cứ đứng ngơ ngẩn trước sân chính điện nhìn theo dáng vóc trong tấm cà sa đỏ thêu kim tuyến vàng... Giờ đây, tiếng chuông ngân càng khơi sâu vào nỗi lòng thổn thức của công chúa. Nàng thầm nghĩ: người đang trong chính điện thỉnh kinh chiều! Đôi mắt sáng và đẹp của người đang nhìn đăm đăm lên bàn thờ Phật, hay đang khép hờ nghĩ đến chúng sinh? Bất chợt, một luồng gió lạnh xộc vào kiệu ngọc, hất tung mảnh rèm hồng bay phấp phới. Công chúa Ngọc Anh rùng mình giục khởi kiệu.

*

Cung nữ Xuân Lan đều tay phẩy quạt. Công chúa Ngọc Anh ngồi trên sập thếp vàng, tay mân mê những đóa mẫu đơn đỏ thắm Xuân Lan vừa ngắt ở vườn Ngự Uyển về. Trên các cánh hoa bé nhỏ còn đọng sương đêm. Thấy công chúa lặng yên hồi lâu, Xuân Lan rụt rè:

- Dạ thưa... hồi đêm công chúa ngơi có vẻ không ngon giấc! Con thấy người trằn trọc suốt mấy canh!

Ngọc Anh úp đôi bàn tay ngà vào đóa mẫu đơn đẹp nhất, khẽ thở dài:

- Xuân Lan, có khi nào ngươi thấy hối hận vì đã vào cung không?

Xuân Lan hốt hoảng quỳ sụp:

- Sao công chúa hỏi con câu ấy ạ?

Ngọc Anh khẽ cau mày liễu:

- Ta hỏi thật đấy! Ngươi không có gì thất thố mà hoảng sợ. Ngươi vào cung từ năm mười ba tuổi, lớn lên trong cảnh nhung lụa vàng son của Cấm Thành. Có khi nào ngươi thấy hối hận chưa?

Xuân Lan vẫn quỳ, tâu khẽ:

- Dạ chưa ạ! Được hầu hạ người là niềm vinh hạnh cho con. Không, cho cả dòng họ nhà con nữa!

Ngọc Anh buông đóa hoa, thở dài lần nữa:

- Thế à? Ngươi nghĩ thế thật à? Đến ta đây, nhiều lúc vẫn lấy làm tiếc lắm...

Thấy công chúa dạo này chất chứa nhiều nỗi niềm sầu tủi, Xuân Lan lân la gợi chuyện hầu:

- Dạ thưa, công chúa còn điều gì để tiếc? Xã tắc yên hàn, triều đình vững vàng... Dạ, cúi xin người tha tội, con phận con hầu đầy tớ lại dám buông những lời lạm bàn triều chính...

Ngọc Anh xua tay:

- Không sao, ngươi cứ nói. Ta muốn có người tâm sự. Ta với ngươi, tuy chủ tớ mà như chị em gái trong nhà. Có khi nào ta nghiệt ngã với ngươi đâu. Ta tiếc chứ...

Thấy công chúa lại lặng im, Xuân Lan không dám hỏi, chỉ khe khẽ phẩy quạt như sợ kinh động đến những suy nghĩ của nàng. Ngọc Anh buồn bã nghĩ đến cuộc gặp gỡ hôm qua với nhà vua. Một khi vua Minh Mạng đã thân chinh đến tận cung riêng thăm chị gái, thì chắc hẳn có điều hệ trọng cần ban. Linh cảm của công chúa Ngọc Anh không sai. Nhà vua nhắc đến tiên đế, đến lời trăng trối lại của người lúc lâm chung. Thế Tổ Cao Hoàng Đế trước khi từ giã cõi đời, ngoài những lo âu cho vận nước, còn canh cánh bên lòng nỗi chuyện riêng của công chúa yêu Ngọc Anh. Dẫu Ngọc Anh đã thưa với vua cha, mình tuy hồi cung, xa rời cửa Phật, vẫn nguyện một lòng thờ Phật, không xuất giá, nhưng cả hoàng cung không thuận chuyện này. Đức vua Minh Mạng tìm hết lẽ để khuyên lơn công chúa. Những lần trước, nàng chỉ lặng im lắc đầu. Nhưng đến hôm qua, công chúa hỏi:

- Theo ý nhà vua, người xứng với ta là ai?

Đức vua không khỏi ngạc nhiên trước câu hỏi của công chúa. Người vui mừng nghĩ những lời phân giải thiệt hơn của mình đã thấu đến cõi lòng công chúa. Tên những quan đầu triều được nhà vua lần lượt nêu ra, nhưng đến cái tên nào, công chúa cũng lắc đầu, mặt hoa ngày càng ủ dột. Sau rốt, nàng buột miệng:

- Người xứng với ta, lại là người mà ta không thể...

Đức vua sửng sốt gặng hỏi. Nhưng kể từ đó cho đến lúc người rời cung công chúa, Ngọc Anh không nói một lời. Đôi mắt phượng sầu thảm luôn nhìn xuống. Đức vua quay ra mà lòng thắc thỏm không yên. Xuân Lan đứng cạnh công chúa quạt hầu cũng thấy âu lo trước dung nhan yêu kiều đang buồn bã. Bất chợt, công chúa buột miệng, lẩm bẩm:

- Tiếc thay... Tiếc thay... Người nơi điện ngọc, kẻ chốn tu hành...

Xuân Lan rùng mình sợ hãi. Có phải công chúa Ngọc Anh đang nói đến thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành? Suốt đêm qua, công chúa mê sảng, toàn lảm nhảm gọi tên thiền sư. Xuân Lan biết mà cứ vờ như không, chẳng dám hé răng. Nhưng nàng run sợ nghĩ đến một kết cục chẳng lành. Thiền sư về trụ trì Thiên Mụ theo lời vời triệu của đức vua mới được mấy tuần trăng, mà công chúa đã gầy rộc đi trông thấy. Sau mỗi buổi nghe thiền sư giảng về Phật pháp cho Hoàng tộc, công chúa đều trở về cung trong bộ dạng thẫn thờ. Thái độ của công chúa thật lạ lùng. Lúc mắt long lanh, tâm thần phấn chấn, nói không ngừng về sự uyên bác của thiền sư; lúc lại ủ ê, thở dài lặng lẽ. Người đã quyết một lòng thờ Phật, không xuất gia như công chúa Ngọc Anh, có lẽ nào lại... Oái oăm thay, người mà công chúa đang ngày đêm mơ tưởng, không phải ai khác, chính là quốc sư...

- Xuân Lan, chuẩn bị cho ta lên chùa Thiên Mụ vãn cảnh!

Nghe lệnh công chúa, Xuân Lan rụng rời. Quên mất phận cung nữ, nàng vội vã khuyên ngăn:

- Dạ thưa, chưa đầy một tuần trăng, người đã lên Thiên Mụ mười ba lần rồi đó. Con e...

Chỉ nói được đến thế, Xuân Lan vội im bặt, lấy tay che miệng. Công chúa đánh rơi tấm khăn lụa điều, thảng thốt:

- Mười ba lần... mười ba lần.... ngươi đếm có chính xác không?

Xuân Lan mạnh dạn:

- Dạ thưa, chính xác ạ! Mà trong Hoàng cung cũng có người thắc mắc, sao dạo này công chúa chăm lên chùa Thiên Mụ... Dạ, nhưng ai cũng hiểu, người say mê cảnh non sông cẩm tú, lại vẫn một lòng hướng Phật...

Nước mắt công chúa trào ra:

- Ta say mê thiền sư... Ta một lòng hướng đến thiền sư...

Xuân Lan tái mặt, nghe như sét đánh ngang tai. Đã âm thầm nghĩ ngợi về điều ấy, nhưng nghe miệng hoa thú nhận, nàng không khỏi bàng hoàng.

- Một ngày không được gặp thiền sư, ta ăn không ngon, ngủ không yên. Xuân Lan, ngươi đã yêu bao giờ chưa?

Xuân Lan lắp bắp không ra tiếng. Cơn sóng tình mạnh đến nỗi công chúa không kìm nén nổi lòng mình, buột hết với Xuân Lan. Ngọc Anh nói như mê sảng, như lên đồng:

- Ta biết người là người cửa Phật, không được dính duyên phàm. Ta biết cõi trần sắc sắc không không, bao nhiêu tham sân si phải diệt, thì chúng sanh mới siêu sinh tịnh độ... Cuộc đời phù du, chỉ như ảo ảnh, thân như chiếc bóng, sống gửi thác về... Nhưng ta không muốn mình chỉ như chiếc bóng, sống hết kiếp rồi thôi. Đằng nào cũng trở về cát bụi, thì tại sao ta lại không được yêu, không được có người ta yêu thương? Sống vật vờ thế này chỉ phí một kiếp... Có được thiền sư, ta nguyện chỉ sống một ngày cũng thỏa...

Xuân Lan cũng khóc òa:

- Công chúa! Công chúa ơi! Xin người tỉnh lại đi...

*

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đang ngồi trong trai phòng thì chú tiểu chạy vào bẩm báo có công chúa Ngọc Anh đang trong chính điện, muốn yết bái thầy. Gương mặt thiền sư thường ngày an nhiên tự tại, phẳng lặng như mặt nước ao xuân, mà giờ đây thoáng có điều gì đó không yên lướt qua rất nhanh. Khoác thêm tấm áo cà sa đỏ, thiền sư khoan thai bước ra. Công chúa Ngọc Anh đã ra hiệu cho tất cả tôi tớ lùi về phía sân sau chính điện chờ. Thiền sư chắp tay:

- Nam mô A Di Đà Phật. Thí chủ vãn cảnh chùa, thắp hương cúng Phật!

Vừa nhìn thấy thiền sư, công chúa đã choáng váng như người say. Nàng quỳ trước Phật đường, thổn thức:

- Nam mô.... nam mô... nam mô...

Thiền sư đốt thêm một nén hương vàng:

- Mô Phật!

Công chúa Ngọc Anh lấy hết hơi sức và can đảm, ngước nhìn thiền sư đắm đuối:

- Thiền sư! Thiền sư!

Liễu Đạt Thiệt Thành như nhìn vào chốn hư vô. Nét mặt không xao động:

- Mô Phật!

Công chúa rũ xuống như tàu lá hơ lửa:

- Thiền sư, người đừng mô Phật nữa được không? Người hãy dứt duyên nhà Phật để cùng thiếp dệt duyên trần...

Thiền sư khép hờ đôi mắt, giọng không đổi:

- Mô Phật, trước cửa thiền, thí chủ đừng ăn nói hàm hồ, thất thố, kẻo động đến đức Phật Tổ. Thí chủ có tâm, cứ tùy nghi lễ Phật!

Liễu Đạt Thiệt Thành chậm rãi quay bước. Tuyệt vọng, công chúa Ngọc Anh sụp xuống, ôm lấy chiếc mõ tre để trên chiếu cạp điều, nước mắt như mưa. Cơn si tình bóp nghẹt trái tim đa sầu đa cảm. Đây không phải lần thứ nhất nàng thổ lộ lòng mình với thiền sư. Nhưng lần nào cũng vậy, nàng chỉ nhận được sự dửng dưng. Liễu Đạt Thiệt Thành như không nhìn thấy công chúa vật vã, đau khổ đến thế nào; không nghe thấy công chúa bộc bạch những gì. Người chỉ lầm rầm niệm Phật. Cử chỉ dứt khoát đó của thiền sư không những không dập nổi lửa lòng công chúa, mà càng khiến cho ngọn lửa ấy bùng hơn. Cứ gặp mặt thiền sư là nàng nhìn như thôi miên bằng ánh mắt si mê. Trong từng bữa ăn, giấc ngủ của nàng, bóng dáng thiền sư lúc nào cũng hiển hiện. Những lời thuyết pháp của thiền sư không khiến công chúa ngộ ra chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp... mà chỉ khiến nàng thêm ngưỡng mộ, say mê. Đức vua Minh Mạng hết sức phiền não về việc này. Người không ngờ chuyện mình thỉnh thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành về trụ trì Thiên Mụ để tiện việc giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc lại dẫn đến mối tình oan nghiệt đến thế cho chị gái. Trước thái độ của thiền sư, tuyệt vọng, cùng đường, công chúa Ngọc Anh phải cầu đến nhà vua, mong người ra tay tác thành đôi lứa. Nhưng ngay cả đức vua, khi nghe nàng thổ lộ, cũng kinh hoảng vô cùng. Nếu bỏ qua tất cả những ràng buộc đạo lý, thì việc lôi kéo bậc chân tu như thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hoàn tục chẳng khác chi đứng trước một núi đá lớn mà lảm nhảm. Núi đá vĩnh viễn im lặng. Dẫu cho công chúa ngày ngày lên chùa sùi sụt, thiền sư vẫn chẳng mảy may động lòng. Tâm trí người đã gửi cả vào cõi Phật.

*

Canh hai, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành mới ra đóng cửa tịnh thất. Nhìn ra phía sau vườn tháp, thiền sư kinh ngạc. Có một vầng hào quang rực rỡ đang ngự trên đỉnh tháp cao nhất. Thiền sư khoác vội áo cà sa, bước về phía ấy.

Là Bồ tát...

Thiền sư vội sửa soạn mũ áo, làm lễ.

Vị Bồ tát cười hiền hậu:

- Con biết ta có mặt ở đây vì việc gì không?

Liễu Đạt Thiệt Thành vẫn khấu đầu:

- Thưa Bồ tát, xin người chỉ dạy!

Vị Bồ tát khoan thai:

- Lúc tối, người của đức vua đến tịnh thất gặp con phải không?

Thiền sư nín lặng. Cuộc gặp gỡ kéo dài đến một khắc. Người thân tín của đức vua thăm dò ý tứ thiền sư về công chúa Ngọc Anh. Nếu thiền sư chấp nhận hoàn tục để kết duyên cùng công chúa, nhà vua sẽ cắt cho hai người một vùng đất mới. Có điều, cuộc ra đi phải hết sức bí mật để mọi điều êm thấm. Một bên là công chúa của Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Một bên là bậc quốc sư, triều đình và muôn dân kính trọng. Nếu không có giấc chiêm bao của đức vua thì chưa chắc có cuộc thăm dò này. Đức vua mơ gặp tiên đế. Người dặn dò, phải tìm mọi cách để tác thành cho công chúa Ngọc Anh. Bởi vì, cơ đồ nhà Nguyễn đoạt lại được, cũng nhờ có phần công đức của công chúa. Người của nhà vua cứ nói, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành cứ lặng im. Mãi sau, khi được hỏi: ý thiền sư thế nào, thiền sư mới chậm rãi:

- Xin ngài về tâu lại với nhà vua, nếu đó là lệnh của nhà vua, thì bần tăng xin chịu tội chết vì trái lệnh vua. Nếu đó là ân sủng của nhà vua, bần tăng cũng xin chịu tội chết vì không nhận ân sủng. Bần tăng là kẻ tu hành, sống chết đều theo đúng đạo.

Vị Bồ tát hỏi thiền sư:

- Có được công chúa là niềm mơ ước của thiên hạ, sao ngươi chối từ?

Liễu Đạt Thiệt Thành thưa:

- Người tu hành không thể giống số đông thiên hạ được!

- Nhưng sống ở đời ai chẳng ham sung sướng?

- Cái sung sướng của từng người không giống nhau. Kẻ ham sắc dục thì sung sướng khi đoạt được sắc dục. Kẻ ham quyền chức thì sung sướng khi có trong tay quyền chức. Kẻ mê tiền bạc thì sung sướng khi kiếm được nhiều tiền bạc. Kẻ tu hành này chỉ một lòng một dạ thờ Phật, không màng những chuyện viển vông phía ngoài cổng chùa.

- Đấy là ngươi chưa thử bước chân ra khỏi cổng chùa đó thôi. Hoàn tục cũng có nhiều vui thú!

- Chúng sinh còn ngụp lặn trong nước mắt bởi còn vấn vương những vui thú đó. Chẳng có thú vui nào giải thoát được người ta. Nó chỉ thêm buộc con người vào vòng khổ hạnh, dìm con người vào biển khổ đau. Thú vui nào cũng chỉ như ánh tà dương, như bọt nước. Đừng nói có gì là vĩnh viễn ở trong cõi tạm này.

- Ngươi có nghĩ đến lúc nào đó ngươi hối tiếc vì lựa chọn này?

- Bình sinh, đức Phật cũng đã ngồi trên ngôi cao vàng son lộng lẫy, cũng đã thê tử ấm êm. Nhưng Người đã từ bỏ tất cả. Người thành Phật vì Người biết dứt bỏ. Bỏ bọt nước để đạt đến vĩnh hằng, có gì hối tiếc?

- Ngươi có thấy công chúa Ngọc Anh tội nghiệp không?

- Mọi sinh linh trong cõi tạm đều tội nghiệp nên mới cần cứu giúp. Không có ai là không khổ. Kẻ không khổ chẳng qua là kẻ ngu dốt vì không nhìn thấy nỗi khổ của mình. Đó mới là kẻ tội nghiệp nhất!

Khi Liễu Đạt Thiệt Thành ngẩng lên, thì vị Bồ tát đã không còn nơi đỉnh tháp.

*

Xuân Lan dâng bát cháo yến, bẩm đến lần thứ ba, công chúa Ngọc Anh vẫn ngồi bất động như pho tượng. Nhìn công chúa mặt hoa bơ phờ, vóc liễu xơ xác, Xuân Lan thấy nghẹn lòng. Đã bốn tuần trăng kể từ khi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành rời chùa Thiên Mụ. Đang lúc cả triều đình bối rối bởi mối tình si của công chúa Ngọc Anh với thiền sư, thì có tin sư phụ của thiền sư là Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc, trụ trì nơi chùa Từ Ân ở Gia Định viên tịch. Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành vội xin nhà vua trở về chùa Gia Định trụ trì thay sư phụ. Cố nhiên, nhà vua chuẩn tấu, bởi người cũng muốn nhân dịp này để công chúa hồi tâm. Lửa tình càng dập càng nồng; nhưng nhà vua hy vọng thiền sư với công chúa có sự xa mặt, ắt sẽ dẫn đến cách lòng. Liễu Đạt Thiệt Thành vừa nhận lệnh vua đã vội vã lên đường, lấy lý do còn lo lễ nhập thất cho sư phụ. Khi công chúa Ngọc Anh biết chuyện, thiền sư đã không còn ở chùa Thiên Mụ, nàng khóc than thảm thiết, đêm không ngủ, ngày không ăn. Hết khóc lại ngồi ủ dột. Có những lúc công chúa còn lảm nhảm nói như người mê sảng. Xuân Lan cận kề đêm ngày nhưng cũng không hiểu nổi những gì đang diễn ra trong công chúa.

- Bẩm công chúa...

Đến lần thứ năm công chúa mới quay ra, quắc mắt, xua tay:

- Ngươi mang đi. Ta đã nói không cần. Ngươi nói nhiều nữa, ta sẽ hạ lệnh tống ngươi vào ngục!

Xuân Lan sợ hãi:

- Dạ bẩm vâng! Nhưng ngọc thể của người có vẻ bất an! Công chúa cần gì cứ sai bảo tiểu nhân!

Công chúa cười chua chát:

- Cần gì ư? Thứ ta cần chẳng ai mang lại cho ta được. Ta chỉ cần thiền sư thôi. Nhưng cũng chính thiền sư lại chối bỏ ta. Người bỏ ta mà chạy trốn khỏi đất thần kinh này, ta còn thiết sống làm gì nữa?

Xuân Lan lấy hết can đảm, rụt rè:

- Bẩm, công chúa có cho phép thì con mới dám tâu...

Ngọc Anh vẫn u sầu:

- Ngươi cứ nói. Đừng nghĩ đến thân phận tôi đòi. Ta cần nghe những lời nói thật, dẫu cho ngươi có cười trách ta đi chăng nữa. Ta ở ngôi công chúa mà không bằng một kẻ thứ dân. Kẻ thứ dân cũng có quyền đôi đôi lứa lứa, còn ta...

- Dạ, công chúa cũng có quyền sánh duyên Tần Tấn, có điều, người sắt cầm cùng công chúa, sẽ là...

- Thôi, ngươi đừng thở ra những lời như thế nữa. Ngươi vào cung từ năm mười ba tuổi, chắc cũng chưa biết thế nào là tình yêu. Vì ngươi chỉ quẩn quanh bên ta, quẩn quanh nơi cấm thành ngột ngạt. Khi vua cha còn bôn tẩu dọc đường gió bụi, khi nghiệp lớn của tiên đế chưa thành, ta đã nguyện gửi cả đời mình nơi bóng Bồ đề từ bi hỷ xả. Ta ngộ ra lời Phật dạy, đời người như phù du, như ảo ảnh, càng ham hố lắm lại càng thua thiệt. Ta không màng đến lầu son gác tía... Nhưng khi đó, ta chưa gặp thiền sư. Khi gặp thiền sư, ta chợt ngộ ra một điều: nếu không có tình yêu, nếu không yêu và không được yêu, có sống đến trăm năm vạn năm đi nữa cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi. Ta yêu thiền sư mà thiền sư cố tình ngoảnh mặt. Có thật là người một lòng hướng Phật đến thế không?

Xuân Lan ngây người nhìn công chúa Ngọc Anh. Nàng không biết phải trả lời những câu hỏi dồn dập của kẻ si tình ra sao nữa. Nhưng cứ nhìn vẻ hoa héo úa, vóc liễu hao mòn của công chúa, Xuân Lan thấy đau lòng. Chỉ mấy tuần trăng vắng thiền sư, mà công chúa từ một trang quốc sắc thiên hương thành ra nông nỗi ấy. Bất ngờ, công chúa nhìn thẳng vào mắt Xuân Lan:

- Xuân Lan, ngươi nói đi. Nếu ngươi là ta, ngươi sẽ làm gì?

Kẻ cung nữ tội nghiệp luống cuống, chỉ biết vái dài:

- Con... con không dám phạm thượng!

Ngọc Anh vẫn dồn Xuân Lan:

- Ngươi nói đi, ngươi sẽ làm gì? Nói đi!

Xuân Lan liều lĩnh:

- Dạ bẩm, nếu như... nếu như... nếu con đã trót yêu một người đến không còn thiết sống khi không được cùng người ấy nên duyên, thì con... thì con cũng không cam chịu ngồi yên để đợi chết mòn...

Công chúa Ngọc Anh thở mạnh, hỏi dồn:

- Ngươi sẽ làm gì? Sẽ làm gì? Ngươi nói đi!

- Dạ.. con sẽ đi tìm người ấy ạ!

Không ngờ công chúa tươi nét mặt. Nàng nói mà như reo:

- Sao ta không nghĩ được như ngươi chứ! Đúng rồi, tại sao ta phải ngồi yên trong cung cấm mà khóc than sầu thảm, trong khi người ta yêu đang góc bể chân trời. Ta có khóc than cũng không khiến cho chàng về bên ta được. Vậy thì... vậy thì ta phải đi tìm chàng, cho dù lênh đênh đến mấy ta cũng không từ nan. Xuân Lan, ngươi sửa soạn theo ta.

Xuân Lan kinh hoảng đánh rơi quạt hầu!

*

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đang dạo bước nơi vườn chùa Từ Ân thì được tin báo có người cần gặp. Bỗng dưng thiền sư đưa tay ôm ngực. Nỗi sợ hãi từ đâu ập đến đột ngột khiến thiền sư hụt bước. Chưa khi nào người lâm vào cảnh đó. Quy y cửa Phật từ khi còn rất nhỏ, lúc nào thiền sư cũng giữ được cho mình phong thái ung dung và tâm yên ổn. Nhưng từ khi giã từ chùa Thiên Mụ để đến chùa Từ Ân trụ trì, thi thoảng thiền sư rơi vào trạng thái hoảng sợ, âu lo. Nhất là những lúc có tin Phật tử ở xa lặn lội đến cúng dường tam bảo. Nỗi hoảng sợ, âu lo mang tên công chúa Ngọc Anh. Đôi mắt rực lửa của công chúa hôm nào trước Phật đài Thiên Mụ cứ bám riết lấy người, thiêu đốt... Bước gần đến cửa vườn, thiền sư thoáng sững người, nhưng ngay lập tức lấy lại vẻ mặt bình thản cố hữu. Là công chúa Ngọc Anh đang thoăn thoắt gót sen.

- Nam mô A Di Đà Phật - Thiền sư đưa tay lần chuỗi tràng hạt, mắt khép hờ.

- Thiền sư, thiền sư - Chỉ nói được đến thế, nước mắt công chúa đã như mưa - người chạy trốn thiếp ngần ấy đường đất, ngần ấy tuần trăng đã đủ chưa? Thiền sư, thiếp đã có lời nguyện trước Phật đài, rằng đời này, kiếp này thiếp sẽ đi tìm người. Tìm đến khi bể cạn non mòn, tìm đến khi nào người hiện ra trước mặt thiếp. Tìm đến khi nào...

- Nam mô A Di Đà Phật... Nam mô A Di Đà Phật...

- Thiền sư! Có phải rằng Phật dạy, cứu một người phúc đẳng hà sa?

- Mô Phật. Phật pháp vô lượng, còn điều chi nữa để ngờ?

- Vậy thì, thiền sư, người sao thấy kẻ sắp chết đuối không cứu? Thiếp sắp chết đuối trên biển tình vô tận, sao thiền sư không thả cho thiếp một chiếc bè? Người nhìn thiếp chết dần chết mòn mà không động tâm thì làm sao gọi là từ bi hỷ xả? Cứu một người phúc đẳng hà sa mà sao thiền sư không cứu? Một người không cứu, làm sao cứu được chúng sinh? Người tu thành Phật, nhưng bước qua xác phàm của Ngọc Anh này, liệu người có thành Phật được không?

Thiền sư khẽ cau mày:

- Mô Phật! Chốn chùa chiền thâm nghiêm, xin đừng buông những lời sàm sỡ!

- Thiếp không sàm sỡ! Thiếp bỏ kinh thành sau lưng, bỏ cả Hoàng tộc để lặn lội đến đây tìm thiền sư, không phải chuyện trăng hoa mua vui làm thiên hạ cả cười. Thiếp vẫn biết đời là bể khổ. Nhưng bể khổ sẽ vơi khi có được người thương. Thiền sư! Sao người vẫn cố tình không hay biết thiếp đã vì người mà ba bảy đường liều... Xúc động, công chúa Ngọc Anh ôm lấy gốc cây me già, lả xuống. Chỉ trong chớp mắt thôi, nàng ngẩng lên đã thấy thiền sư biến mất, như thể người đã tan biến trong không trung. Kinh ngạc, công chúa đứng phắt dậy, ngoảnh bốn phía kiếm tìm. Chỉ thấy cây lá xôn xao, chim muông ríu rít mà bóng người đã bặt. Đau đớn, công chúa nắm chặt tay và chợt thét lên. Hai bàn tay ròng ròng những máu. Gốc me già xù xì chi chít gai đen.

*

- Thiền sư!

Công chúa Ngọc Anh quỳ trước tịnh thất của thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành nơi chùa Đại Giác như một cái xác không hồn. Đã hai ngày nay nàng quỳ như thế, nhưng cửa tịnh thất vẫn im ỉm đóng. Im lặng như thể trong kia không hề có thiền sư. Đám quân hầu không dám trái lệnh công chúa, chỉ lảng vảng vòng ngoài. Xuân Lan cũng không được bén mảng lại gần. Hai ngày không ăn không uống, công chúa vẫn kiên gan chờ đợi. Nàng luôn miệng kêu cầu:

- Thiền sư, thiền sư! Người cho thiếp gặp mặt, một lần cuối cùng thôi. Dầu có chết, thiếp cũng phải được nói với thiền sư những lời trăng trối! Người im lặng không ra, thiếp cũng sẽ quỳ ở đây vĩnh viễn!

Vẫn lặng im. Cửa tịnh thất vẫn không hé. Sau hôm thiền sư biến mất trước mặt công chúa trong vườn chùa Từ Ân, tìm kiếm đến thế nào công chúa cũng không dò la được tin tức của thiền sư. Tất cả tăng ni trong chùa đều lắc đầu, không biết thiền sư đi đâu. Công chúa lâm trọng bệnh. Tính mạng mong manh ngàn cân treo sợi tóc. Sau, có manh mối báo tin thiền sư đang trụ trì nơi chùa Đại Giác, tự dưng công chúa khỏi bệnh, một hai đòi đến chùa Đại Giác cúng dường. Tin đến tai Liễu Đạt Thiệt Thành, thiền sư ở trong tịnh thất không ra ngoài khiến công chúa làm cách nào cũng không thể gặp mặt. Nàng cứ quỳ trước thềm tịnh thất, vóc liễu mong manh.

- Thiền sư, thiếp hiểu rồi. Con đường người đi lớn hơn mạng thiếp nhiều lần. Thiếp vô duyên nên phận bạc! Thiếp đã hiểu thế nào là bể khổ, thế nào là chúng sinh ngụp lặn trong nước mắt... Thiếp sẽ hồi kinh để người được yên ổn tu hành. Nhưng trước khi thiếp quay gót, xin người, nếu không cho thiếp được gặp mặt, thì cũng xin cho thiếp được thấy bàn tay. Chỉ thế thôi cũng khiến cho thiếp hân hoan ra về mà thôi đau khổ! Thiền sư!

Đôi mắt công chúa đăm đắm nhìn ô cửa sổ nhỏ trổ ra hiên tịnh thất. Bàn tay thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đưa ra như một đóa sen hồng vừa mọc lên từ mặt nước. Công chúa Ngọc Anh lao đến, nắm chặt bàn tay ấy, vừa hôn vừa khóc như mưa.

*

Đêm đó, đúng giờ Tí, tịnh thất của thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành trong chùa Đại Giác phát hỏa. Người ta nói thiền sư đã dùng lửa Tam muội từ tâm ngộ đạo của mình để thiêu thân. Ánh lửa sáng rực cả tổng Trấn Biên. Khi công chúa Ngọc Anh cùng đoàn tùy tùng đến nơi thì tịnh thất nhỏ bé đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư được phủ lên tấm cà sa đỏ thêu kim tuyến vàng. Công chúa Ngọc Anh đứng lặng trước vách tịnh thất. Kỳ lạ là trên vách, một bài kệ được thiền sư viết vẫn còn nguyên vẹn, lửa không lan đến. Những nét chữ hào hoa sẫm lại như máu khô:

THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chân như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần


Công chúa đọc xong bài kệ, cắn môi đến ứa máu. Rồi nàng gạt nước mắt quay sang bảo cung nữ Xuân Lan:

- Ngươi nhớ lấy ngày này! Ta lo lễ trọng cho thiền sư xong rồi mới từ biệt thế gian. Nhưng ngươi nhớ nói lại với mọi người, lấy ngày này làm ngày giỗ của ta như ta chết ngay lúc này.

Ba ngày sau khi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành tịch diệt, công chúa Ngọc Anh ra đi ngay tại chùa Đại Giác. Tay nàng vẫn nắm chặt một đóa sen tươi.

N.T.V.N
(SH300/02-14)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nồi bánh tét (30/01/2014)
Xuân kinh (29/01/2014)