Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Huế và những mùa hẹn
14:31 | 11/04/2014

NHẤT LÂM

Những người bạn văn nghệ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn… thường đến Huế vào những lúc Huế có sự kiện văn hóa, mà Festival của Huế là sự kiện văn hóa lớn nhất từ khi diễn ra đến nay.

Huế và những mùa hẹn
Sen nữ - Ảnh: Trường Giang

Và Festival 2014 sẽ đến trong tháng tư này. Anh chị em văn nghệ Huế là những công dân của thành phố đón nhận sự quan tâm của bạn bè khắp nơi sớm nhất. Liên tục và tới tấp những cú điện thoại, tin nhắn gửi về: “A Lô, thời tiết Huế ra sao, liệu có nắng nóng lắm không…?”. “A lô, ngoài Huế có dịch cúm gia cầm không”. “A lô... giá phòng có cao lắm không, liệu có cháy phòng? Dành cho một phòng 3 chỗ giá không cao lắm nhé...”. “A lô, nhớ dành thì giờ đưa bọn mình đi Thiên An, đi ăn chè bắp và cơm hến Vỹ Dạ như ngày chúng ta còn sinh viên nhé”. Hàng ngày với bao lời nhắn gửi về, và bao câu trả lời hẹn gặp, hứa làm theo yêu cầu của bạn, để bạn đến Huế với một tình cảm “Huế đẹp và thơ” mà thi sĩ quá cố Nam Trân từ những năm 40 của thế kỷ trước đã phát hiện ra trong một ấn phẩm thơ của mình.

Bao nhiêu kỷ niệm đẹp trong những lần Festival trước lại ùa về. Không ít người trong các bạn ấy đã ở Huế nhiều năm, đã học Đại học Nghệ thuật, Y khoa, nhưng phần đông là học văn, sử của trường Đại học Tổng hợp trước đây (nay là trường Đại học Khoa học). Bây giờ có bạn là giám đốc bệnh viện, là lãnh đạo các đài phát thanh truyền hình hay tổng biên tập một tờ báo. Nhiều bạn đã thành danh: nhà báo, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ… Nhưng những chức danh thành đạt ấy họ chẳng mang đến Huế, mà chỉ đến Huế như được trở về cái nôi văn hóa đã rèn đúc họ nên người (một chữ Người viết hoa). Họ trở về Huế để được là mình như những ngày cơm bụi còn mắc nợ, nhà trọ khất lần hàng tháng. Nợ tiền mua khoai sắn ăn sáng của cái quán nghèo trước cổng trường Đại học Y khoa ở đường Ngô Quyền, mà bà chủ quán nghèo là vợ nhà thơ đưa cho tôi xem quyển sổ ký nợ lên đến hơn triệu bạc. Và cũng chính bà chủ quán đó lại cười rất tươi khi tôi đi ngang qua. “Ôi vui lắm anh ơi, Festival năm rồi, các em lại về đây tìm tôi, bao nhiêu nợ nần các em trả đầy đủ. Còn bao cho vợ chồng đi ăn quán. Và hôm chia tay họ bảo: Cô Phi nấu cho tụi con một nồi khoai sắn để bọn con đem theo và để không bao giờ quên Huế, quên những ngày ấy”.

Sự thật là vậy mà như cổ tích giữa thời buổi thông tin đầy ắp và nhanh chóng còn hơn ánh sáng, và siêu thị thức ăn nhanh bày bán tận khu tập thể nhà trọ công nhân. Nhưng không, có ai đến Huế mới thấy sự đối lập mà không mâu thuẫn của đời sống hiện đại hôm nay. Chẳng khác nào bên cạnh các nhà báo, nhà văn viết lách trên máy tính, thì có những nhà văn vẫn dùng bút giấy để viết ra điều mình nghĩ mới. Rồi lưu lại từng trang bản thảo như một điều gì đó thiêng liêng. Những người bạn đến Huế đầu tiên, họ đã để ý nếp sống đối lập đó của người Huế, mà họ lấy làm lạ và rất thích. Trong đa chiều suy nghĩ và lối sống hiện đại thời kỹ thuật số hôm nay, chúng ta chấp nhận tất thảy, nhưng xin đừng ai áp đặt. Ngay cả nỗi buồn riêng tư của một cá thể cũng phải được tôn trọng. Bởi đẩy đến tận cùng của nỗi buồn của cá nhân sáng tạo, lại là thăng hoa và biết đâu đó là đỉnh cao của một nhà khoa học tự nhiên hay một tuyệt tác thi phẩm. Như trường hợp quyển sách được viết dành dật với sự sống và thời gian của nhà báo Tiệp Khắc là Julius Fucik với “Viết dưới giá treo cổ”.

Thật ra, không phải người nào cũng đến Huế vào một dịp lễ hội hay một sự kiện nào đó. Tôi đã gặp khá nhiều người đến Huế rất lặng lẽ. Họ đi một mình, đến Huế không phiền ai. Vài bộ áo quần với quyển sổ ghi chép. Gặp bạn bè thì xin chữ ký, xin một bài thơ mới viết ra. Đi nhiều hơn nói, tối xin ngủ nhờ một ngôi chùa không mấy tiếng tăm. Như nhà thơ Nguyễn Như Mây ở thành phố Phan Thiết, nhà thơ Tự Nhiên ở tận vùng đảo Nam Bộ. Tự Nhiên là cái tên do tôi xin được đặt cho anh, và anh vui lòng nhận lấy. Mỗi năm Tự Nhiên ra Huế một lần, như một cách hành hương của các tín đồ. Rồi lặng lẽ trở về chẳng cho ai biết mà tiễn đưa. Qua nhiều lần gặp anh và một số người như anh tôi ngẫm suy rằng: Phải chăng Huế cũng là một cái ĐẠO: ĐẠO HUẾ, mà Nguyễn Như Mây và Tự Nhiên là tín đồ. Nếu những con người này không yêu Huế để nâng lên thành ĐẠO HUẾ, thì lý do gì để họ thiết tha đến như vậy với Huế?

Trong tình yêu nam nữ lứa đôi, người ta dùng một cụm từ rất hay là “Phải lòng nhau”. Những người phải lòng nhau họ yêu nhau mà không lấy được nhau, để rồi xa nhau thì nhớ lắm, nhớ lắm thành tương tư. Mà đỉnh cao của tương tư là thất tình. Đừng tưởng rằng thất tình chỉ dành cho trai gái đâu nhé. Người ta bảo rằng: những ngày tháng năm cuối đời của tướng Tôn Thất Thuyết ở Quảng Tây bên Trung Quốc, nhớ Huế và nhớ nước làm cho cụ có những hành động lạ thường. Một trong sự lạ thường đó là tướng quân vác rựa chém đá. Chém cho đến khi rã rời đôi tay già của người có tuổi mới thôi.

Thời đại này có phim ảnh, có truyền hình làm cho chúng ta có điều kiện tiếp cận những gì mình muốn. Song với ai nặng lòng thì những phương tiện ấy chỉ làm tăng thêm ham muốn để đi đến tận cùng.

Những người bạn đến Huế đâu thiếu phương tiện nghe nhìn. Nhưng họ đến Huế để nhìn tận mắt bằng xương bằng thịt con sông Hương, cầu Trường Tiền, đồi thông Thiên An, món cơm hến và ly chè bắp trong trẻo như những giọt sương trong thủy tinh. Và còn đây nữa, vỉa hè Huế là điểm hẹn của mùa hẹn chờ nhau bằng ly cà phê, mà có lẽ đi cùng trời cuối đất không đâu rẻ và hay hơn nơi đây.

Huế 4/3/2014
N.L  
(SDB12/03-14)






 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng