Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Có một tím Huế nơi xa khác
10:00 | 25/04/2014

NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN

(Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)

Có một tím Huế nơi xa khác
Tranh của HS Tôn Nữ Tường Hoa - Ảnh: internet

Anh tôi, một người Huế đang ở Huế ngon lành bỗng dưng khăn gói vô Phan Thiết dạy học. Nghe nói cuộc tình của anh với người đẹp hoa khôi Đồng Khánh không làm bác tôi vừa lòng. Buồn tình, anh bỏ xứ. Nhân lúc cùng anh mạn đàm về màu tím Huế, tự nhiên anh đem trút lên cái đầu nhỏ dại của tôi nỗi buồn giận của anh qua màu tím Huế, thật vô cùng phi lý. Khi đó tôi hỏi anh:

- Vậy màu tím Huế ra răng. Có phải màu ni không? - Tôi chỉ cành hoa ngoài cửa sổ.

- Không. - Anh đáp. Tôi lại chỉ màu chỉ trên khung thêu của tôi, anh cũng nói không phải.

- Màu tím hoa cà hả?

- Màu hoa cà là màu hoa cà…

Tôi nổi khùng, gay gắt với anh:

- Màu chi đẹp mà khó khăn quá. Răng mê chi nó cho mệt. À, Còn màu tím than là chi? Là than nó tím dễ sợ phải không? - Tôi còn thách thức hỏi: Nếu mặc áo tím Huế, em có đẹp không?

- Không.

- Sao vậy?

- Tại vì mi Charlot, Văm, Lolita, mặc vô làm hư nhan sắc, hư luôn màu tím của tau.

Tôi bật cười vì hình ảnh anh hề Charlot, còn “Văm” và “Lolita” là gì, sau này tôi mới biết. Qua anh tôi, tôi lờ mờ nhận ra đặc trưng của màu tím Huế.

Tím dìu dặt trong không gian mờ sương, tím bâng khuâng trong nắng chiều bảng lảng và chỉ một Huế của sông Hương núi Ngự, của đền đài lăng miếu và thành quách cung điện, màu sắc kia tự nó nói nên lời. Tôi biết chị ấy đi qua cuộc đời của anh tôi bằng màu sắc đó để anh mang vết thương lòng tội nghiệp. Bác tôi sợ cái định mệnh báo trước của màu tím mà chị ưa thích cộng với sắc đẹp hơn người ấy thì khi sống với chị, anh tôi “phải chết” bởi mệnh thương phu của chị điển hình quá, nó lộ hẳn ra!

Một sáng đẹp trời trên “kinh đô nước mắm” của tôi bỗng nhiên xuất hiện một bóng giai nhân trong tà áo tím rất Huế. Từ trên con dốc cầu Gia Long đổ dài theo đường Rue de Hué mà bên này là vườn hoa tháp nước, bên kia là tòa nhà tiểu khu Bình Thuận tọa lạc trên một gò cao, người đẹp áo tím tay ôm cặp, đầu đội nón lá, chân mang guốc mộc, ung dung bước những bước nhỏ yểu điệu khiến người đi đường phải ngẩn ngơ dòm ngó, trong đó có tôi. Hôm ấy tôi đang đi học, tới ngã tư ty Ngân Khố, tôi đứng lại, tò mò chờ áo tím đi xuống con dốc ngay đó để nhận diện. Chu cha ơi, Loan! Tôi xáp vô Loan nói liền: “Bữa ni đi học mặc áo tím đẹp ghê!”. Không nói với tôi một lời nào, bên tôi Loan dửng dưng bước, cười mỉm miệng. Tôi bắt đầu sôi gan, biết chắc mẩm ai đã rao giảng, đã “mớm” cho Loan về một màu sắc, không chừng họ đã cùng nhau bát phố, lục tìm cho ra chính gốc cái màu tím ấy, hay là ngoài Huế vừa gửi vô…

Gia đình Loan ở đường Ngư Ông, trong xóm hàm hộ giàu có, họ chủ trương “Văn chương không bằng xương mắm mòi”. Xương mắm mòi thực tế là đồ vứt đi nhưng các chủ vườn ở Đà Lạt mua về làm phân bón, họ cũng có tiền, thì hơi sức đâu phải… mặc áo tím của hạng văn chương toàn những mơ với mộng. Tại sao anh tôi, người thầy dạy Sử Địa của chúng tôi, không nói cho tôi biết chuyện Loan vừa sắm áo tím Huế. Và tại sao ở lớp, tôi và Loan ngồi khít bên nhau, có khi cùi chỏ đứa này làm nhăn tập vở của đứa kia mà Loan cũng làm thinh. Có bao giờ tôi giấu Loan những vui buồn của tôi đâu. Vả lại, vươn tới cái đẹp là điều bình thường, ai cũng muốn. Loan mặc áo tím đẹp thì tôi vui, có mờ ám chi mà họ phải giấu.

Hôm ấy, những chàng trai lớp tôi học hành có phần lo ra vì không khí thâm u mơ màng của tím Huế. Kể từ đó Loan chết danh “Loan tím Huế” để phân biệt những Loan khác của trường.

Sau này đám bạn của chúng tôi, ai cũng nghĩ anh tôi sẽ cưới “Loan tím Huế”. Ba mạ tôi cũng tin như vậy, sắm sẵn cho họ đôi bông tai hình giọt nước. Có lẽ nào một lần nữa, định mệnh lại hiện về, ứng vào giọt nước của đôi bông là giọt nước mắt khiến trái tim anh tôi đột ngột rẽ hướng.

Đúng là màu tím than! “Loan tím Huế” ngày nào giờ đây buồn hết chỗ nói, hơn cả nỗi buồn phải bỏ xứ của anh tôi. Năm 197… bỏ lại áo tím, bỏ thầy, bỏ bạn, bỏ đường xưa lối cũ, bỏ cả Tổ quốc thân yêu, Loan âm thầm vượt biển, mãi đến bây giờ không tin tức.

Anh tôi cũng đã mất rồi. Gặp anh dưới đó, chắc chắn Loan buồn lắm, không thèm nói với anh dẫu chỉ nửa lời.

Vài chục năm sau, tôi gặp lại màu tím thân thương ấy ở đâu nữa… À, nhớ rồi, ở Hà Tiên, nhờ cô Hỷ Khương. Cô về đây dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà thơ Đông Hồ. Ở hội trường rất đông người, gặp cô, tự nhiên tôi cầm tà áo cô reo lên: “Cô… áo tím Huế đẹp quá!”. Cô cười: “Đẹp chi mô, có cái ni mặc hoài. Thấy tui là thấy áo tím, như áo trong tranh, khi mô cũng rứa”.

Tôi nói: “Cháu* thích áo tím Huế như ri nhưng không dám mặc”.

- Răng rứa? - Cô tròn xoe mắt.

Tôi làm thinh, chả nhẽ nói: “Dạ thưa cô, vì rứa chơ răng”.

Cũng người Huế mà tôi không thể mang thông điệp về chiếc áo màu tím Huế cho ai được. Không phải vì anh tôi đã tước mất niềm vinh dự ấy của tôi ngay từ khi tôi mới biết mộng mơ, ấp ủ mà vì trước sau tôi không được đẹp để sử dụng nó. Tôi sợ rằng mình sẽ làm mất đi cái màu tím sang trọng quý phái và lãng mạn vốn từ lâu đã đi vào văn học.

Trong kho tàng văn hóa Huế, màu tím Huế được nhắc đến như một niềm kiêu hãnh. Đem tím Huế nhân rộng ở nhiều nơi không phải Huế, là điều mơ ước cả hãnh diện của người con Huế phương xa.

N.T.P.L
(SDB12/03-14)

.................................
* Theo gia phả Nguyễn Phước Tộc, tôi phải gọi cô Hỷ Khương bằng cô, xưng cháu








 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng