Tạp chí Sông Hương - Số 303 (T.05-14)
Người nơi khác
09:13 | 26/05/2014

LTS: Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, tác gia tiêu biểu của phái tiên phong, là một hiện tượng độc đáo trên văn đàn Trung Quốc đương đại. Được phương Tây đánh giá là nhà văn Trung Quốc cách tân nhất hiện nay, tác phẩm được đưa vào giáo trình của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như đại học Harvard, đại học Tokyo… nhưng bản thân Tàn Tuyết chưa từng học lên trung học.

Người nơi khác
Nhà văn Tàn Tuyết Đặng Tiểu Hoa - Ảnh: internet

1957 bố mẹ bị quy là phái hữu và phải đi lao động cải tạo. Từ nhỏ Tàn Tuyết được bà ngoại nuôi dưỡng, bà là người lương thiện nhưng có bệnh thần kinh và một số thói quen sinh hoạt rất kì quái, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của Tàn Tuyết. Từ nhỏ Tàn Tuyết mẫn cảm, yếu ớt, có tính khí kì quặc, yêu thích văn học, theo đuổi tinh thần tự do, nổi tiếng trong trường học về thành tích chạy ngắn và sự cứng đầu. Sau khi tốt nghiệp tiểu học thì gặp phải cách mạng văn hóa, Tàn Tuyết thất học ở nhà. Từng làm thầy lang, công nhân, mở tiệm may. 1985 bắt đầu công bố tác phẩm, 1988 gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc.

Tàn Tuyết là tác gia có cá tính sáng tạo rất mạnh. Bà chú trọng đến chiều sâu thế giới tinh thần của con người, không tìm đề tài sáng tác từ hiện thực cuộc sống mà từ mộng ảo. “Tôi thường viết trong trạng thái của tiềm thức, của chân không, vứt bỏ tất cả những ký ức của thế tục”, Tàn Tuyết thừa nhận mình là nhà văn sáng tác bằng tiềm thức, nhưng phủ nhận thứ tiềm thức không chịu sự khống chế của lí tính. Theo bà, tiềm thức chân chính phải được sinh ra từ lí tính cao độ. Phần lớn những điều được viết trong tác phẩm của Tàn Tuyết là khối mâu thuẫn của quá trình tranh đấu từ những nhầm lẫn, đau khổ, chìm nổi, cho đến bình tĩnh, kiên định.Tàn Tuyết thường dùng ẩn dụ để nói đến sự đe dọa, sợ hãi, thương cảm, bất lực, dễ tổn thương trong tinh thần của con người. Tác phẩm của bà là một thế giới nghệ thuật độc đáo và kì lạ với tính hư cấu rất mạnh, cốt truyện lỏng, tình tiết bị mờ hóa, trần thuật phi tuyến tính, ngôn từ giàu chất thơ…

Tự học để đọc được văn học nước ngoài bằng tiếng Anh, Tàn Tuyết từng viết nhiều tác phẩm bình luận văn học về các nhà văn kinh điển như Shakespeare, Goethe, Dante, Kafka, Borges,… Bà cho rằng sáng tác lẫn phê bình đều là quá trình giải phẫu chính mình, viết bình luận là một cách tự suy xét lại mình và qua sự suy xét đó, Tàn Tuyết tự tin khẳng định: “Tôi có thể vượt qua Kafka”.
Đến nay, Tàn Tuyết đã xuất bản khoảng 100 tác phẩm với nhiều thể loại, các tác phẩm tiêu biểu có:
Ngôi nhà nhỏ trên núi, Mây trôi trên trời xanh, Người nơi khác, Phố Ngũ Hương, Người tình cuối cùng, Sự phục thù của nghệ thuật, Đối thoại trên thiên đường, Quan niệm văn học của Tàn Tuyết…
Sông Hương xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Người nơi khác vừa được giải thưởng Văn học Thượng Hải lần thứ 10, năm 2013.
   


TÀN TUYẾT

Người nơi khác


Quá nửa đêm, nhiệt độ xuống thấp. Cúc Hoa co lại trên giường, vẫn cảm thấy gió luồn vào. Cô lấy chăn quấn chặt người lại, đầu chui vào giữa chăn. Có người rót nước ở dưới bếp, rót đi rót lại, tiếng nước khiến cô thấy nổi da gà.

Ôi, gió! Cánh cửa bị chúng đẩy vào phát ra tiếng rên cót két. Cúc Hoa nghĩ, âm thanh ấy như tiếng trẻ con khóc vẳng lại. Bên ngoài có lạnh không? Chắc chắn băng đã đóng một lớp dày rồi. Hôm qua lúc đi ngang sân, cô thấy rãnh nước đã đóng thành băng. Rãnh nước bình thường rất khó nhìn thấy, lại rất thối, nhưng khi kết thành băng lại trở nên đẹp như một hắc mỹ nhân mặt lạnh. Lúc Cúc Hoa nghĩ tới điều này, cái lạnh lại càng tăng thêm, lòng cô như có một tảng băng.

Người ấy gọi từ trong bếp: “Cúc Hoa! Cúc Hoa!” Người ấy là ai?

Người ấy cứ gọi mãi, Cúc Hoa cũng trả lời liên tục. Nhưng cô trùm chăn kín đầu nên tiếng nói không vẳng ra được. Cuối cùng Cúc Hoa vùng dậy. Cô mò mẫm mặc áo, mang ủng, định đi thắp đèn. Hộp diêm để ở cửa sổ bị ướt mất rồi. Có lẽ những bông tuyết bay vào làm nó ướt chăng? Cúc Hoa nghe thấy bố và mẹ ngủ rất say. Vào những ngày tuyết rơi, họ thường như thế. Ai ở trong nhà bếp? Trong bếp không có ai cả, chỉ có tảng băng ở trong bồn rửa mặt đang nhìn cô một cách ác hiểm. Nhìn qua cửa kính, bên ngoài rất sáng. Bầu trời bàng bạc một màu trắng xám khiến người ta phấn chấn. Gió đã ngừng thổi.

Cô đẩy cửa bếp đi lui sau nhà. Tuyết rất dày, ngập quá nửa đôi ủng của cô, nhấc chân rất khó. Cô không dám nhúc nhích, chỉ đứng ở trong sân. Lúc này, trên trời cao vẳng lại tiếng chim hót. Đàn chim khoảng năm con, cũng xám bạc như màu trời, chỉ hơi tối hơn một tí, mà trời thì đang sáng một cách lạ thường. Chúng cứ bay vòng trên đầu cô, lượn lên lượn xuống vừa như có cái gì đó hấp dẫn chúng lắm, vừa như là không tìm được chỗ đậu. Chúng cất thứ tiếng kêu thảm thiết mà Cúc Hoa chưa nghe thấy bao giờ.

Lạnh quá, những cành liễu đều biến thành cành băng, phát ra một thứ ánh sáng đầy oán hận. Cúc Hoa tò mò nghĩ: Nếu mình cứ đứng mãi trong sân thì có bị đóng băng không nhỉ? Cúc Hoa thận trọng lùi lại đến bậc cấp trước cửa. Lúc này cô thấy có một con chim sà xuống trước mặt mình. Cô khom lưng bắt nó, nó tránh qua, cô chộp một lần nữa, chộp được rồi. Nhưng thứ mà cô bắt được không phải là một con chim mà là một nắm tuyết. Cô cầm nắm tuyết đứng đó, lòng thầm nghĩ đây là giấc mộng chăng. Cô nhìn lại một lần nữa, thấy bốn con “chim tuyết” đứng cách cô không xa đang nhìn cô với vẻ tò mò. Chúng không còn là màu trắng xám nữa mà ánh lên một màu bạc, hắt lên trên bức tường gần đó một mảng sáng bạc.

“Cúc Hoa! Cúc Hoa!” Tiếng nói xa lạ đó lại gọi cô từ trong bếp.

Cô lại nghe thấy tiếng rót nước. Rót đi rót lại trong bát. Lạnh quá!

Cô phóng tầm mắt khỏi bức tường thành nhìn ra xa, nơi đó là dòng sông. Nước sông cũng rất sáng, hòa với màu trời, không thể phân biệt được là sông hay là trời. Có lẽ nước sông đóng thành băng rồi. Bây giờ ngoài tiếng người ở trong nhà bếp thỉnh thoảng lại gọi cô, bốn bề yên ắng lạ thường. Cúc Hoa khoát tay đuổi mấy chú chim kia, dậm chân trên bậc tam cấp cho phát ra tiếng động, vậy mà chúng cũng không sợ.

Cúc Hoa không muốn trở về phòng. Lúc ánh mắt dừng lại ở dòng sông, cô liền nhớ lại việc mình và cậu em trai qua sông. Lúc ấy băng rất cứng, hai chị em chơi đùa thỏa thích trên băng. Tiếp theo là em trai bị chui xuống hố băng. Cô nhìn thấy em chui xuống, chui xuống chứ không phải là trượt chân. Hôm ấy bốn bề cũng yên ắng thế này, trời cũng sáng nhức mắt thế này. Cô còn nhớ rành rành.

“Nó dậy sớm thế, con bé này thật có nhiều tâm sự.”

Đó là tiếng của cha cô. Cúc Hoa cảm thấy mũi của mình lạnh đến tê cứng, cô đi vào nhà bếp. Kỳ lạ thật, cha cô không có trong bếp. Từ phòng ngủ vọng đến tiếng ngáy, rõ ràng là ông ấy đang ngủ say. Ai nhại giọng của cha cô nhỉ? Nghĩ đến điều tinh nghịch này, Cúc Hoa không nhịn được cười.

Sau đó thì mẹ cô dậy thật. Bà vào bếp đun nước nóng.

Cúc Hoa thay ủng, giúp mẹ đun nước. Toàn thân cô ấm lên rất nhanh.

“Mẹ, đêm qua có người phá rối ở trong bếp nhà mình.” Cô nói.

“Cứ để cho họ phá đi, đây là nhà cũ của ông nội con đấy.”

Cúc Hoa nhìn vào ngọn lửa, lòng thấy lo lắng.

Đây là một buổi sáng màu trắng. Cha và mẹ đều qua sông thăm những người bà con. Ở nhà một mình, Cúc Hoa cảm thấy hơi buồn chán. Bên ngoài cửa sổ, tuyết vẫn phủ trắng trời đất đến phát chán. Cô lấy mấy bức tranh thêu ra coi kỹ một lúc, sau đó lại xếp vào, rồi thở dài. Trong đầu nảy ra một ý nghĩ: đi thăm ngôi mộ đó. Thường ngày, Cúc Hoa không muốn đến đó. Mỗi khi đến tiết thanh minh, cha mẹ đi tảo mộ là cô tìm cách trốn. Cô sợ. Bây giờ cô đã mười bốn tuổi rồi, dĩ nhiên là không có kiểu sợ như thế nữa. Nhưng không hiểu vì sao cô vẫn không đi đến đó.

Cô đi qua hai thôn, đến thôn thứ ba. Hết thôn này, đi thêm ba dặm nữa là đến ngôi mộ đó. Thôn này gọi là “thôn Muỗi”, khiến Cúc Hoa nghĩ rằng chắc mùa hè thì muỗi vo ve khắp nơi. Trong thôn không có một bóng người, nhà nào cũng đóng cửa, đến chó cũng không thấy một con. Nhìn kỹ lại, thấy trên phiến đá trước cửa nhà nào cũng đóng một lớp tuyết. Lẽ nào trong thôn này không có người sao? Hay là họ nấp trong nhà không ra ngoài? Cúc Hoa nghe vẳng lại từ căn nhà nào đó âm thanh nghèn nghẹn như nghẹt thở, là tiếng rên của chó. Con chó này chắc bị ốm nặng lắm đây!

Một cậu bé có khuôn mặt đen, dáng người như mèo rừng đang bắt cá trong vũng nước cuối thôn. Trên vũng nước đó cũng đóng một lớp băng dày.

“Chị chạy đi đâu đấy?” Lúc nói, cậu rướn đôi lông mày rậm một cách dữ tợn.

“Tôi đi viếng mộ.”

“Chị sẽ chết. Đã vào đó thì không ra được, chị sẽ bị đóng băng.”

“Nói dối, làm gì có chuyện đó!”

“Mùa hè năm nay, một người là Thất Bảo sau khi vào rồi thì không thấy ra. Ít nhất cũng phải ba người cùng đi, nếu gặp thì còn có thể báo tin.”

“Gặp ma à?”

“Xì! Không phải chuyện đó. Chị có đi hay không?”

Cậu ta lộ vẻ nóng nảy, dường như sợ Cúc Hoa từ bỏ ý định của mình.

Thế là Cúc Hoa liền đi vào cái nơi trắng lóa ấy. Ban đầu còn nghe tiếng chó tru ư ử, sau đó thì không nghe thấy gì nữa.

Cúc Hoa Cô cúi đầu, nhìn đôi ủng của mình từng bước từng bước đạp trên tuyết. Sau đó cô hơi hoảng sợ quay đầu nhìn lại, phát hiện mình không hề để lại dấu chân. Cúc Hoa do dự đứng lại. Cô muốn quay lại “thôn Muỗi” nhưng thôn Muỗi đã biến mất. Cô không nhớ nổi rốt cuộc thôn Muỗi ở nơi nào. May mà tuyết đã ngừng rơi, trời quang đãng, những ngôi mộ ở xa trông như những chiếc bánh bao màu trắng. Nhiều năm rồi không thấy, bây giờ nghĩa địa đã biến thành thế này rồi. Quả là vô biên vô tận! Sao lại có nhiều người chôn ở đây thế nhỉ? Lẽ nào người nơi khác cũng chọn đây làm chỗ yên nghỉ của mình sao? Cúc Hoa chợt nhớ lại lời của cậu bé, cô sợ đi vào đó rồi không thể ra được, sợ mình bị đóng thành băng. Cô cảm thấy cậu ấy dường như có ý ép mình đến đây. Chà, đồ quỷ sứ!

Cuối cùng cô đến được giữa khu mộ đó. Các ngôi mộ đều có hình dạng giống nhau, mộ của em trai ở đâu nhỉ? Suy nghĩ này chợt lướt qua trong đầu, cô bèn không nghĩ đến nó nữa. Bốn bề lại quá yên tĩnh, cô muốn nghe một âm thanh gì đó, nhưng không có.

Đột nhiên, cô nhìn thấy một con vật nhỏ béo núc ních đang quỳ trên tấm bia mộ rất lớn ở ngay bên phải cô. Con vật đó màu hồng, da rất mỏng, đôi chân nhỏ bé run rẩy đỡ lấy cái thân hình quá lớn. Đầu của nó có nhiều nếp nhăn, hơi giống đầu của một ông già tí hon. Một nỗi sợ hãi ập đến trong Cúc Hoa, cô hoàn toàn bị con vật này làm cho mê muội. Con vật không nhà không cửa này là loài động vật gì vậy? Là chuột hay là ếch? Có thể nó có nhà, trên một ngôi mộ nào đó, nó chỉ ra đây đi dạo và hít thở khí trời thôi.

Cúc Hoa cố lấy can đảm vuốt ve nó. Da nó rất ấm, giống như lụa. Nó nằm im, hé mắt nhìn chăm chăm vào cô. Không hiểu vì sao ánh mắt của nó khiến Cúc Hoa nghĩ đến cha. Cha cũng cô đơn như thế. Mùa hè năm nay, cha cố ý nằm ngủ ngoài sân, để cho muỗi đến cắn, còn sai Cúc Hoa đem hương muỗi cất đi. Sau đó quá nửa đêm, cô nghe ông hát quân ca.

Có thể nó là chuột, nhưng tại sao lại không có đuôi? Chuột là một trong những loài vật mà Cúc Hoa yêu thích nhất. Cô đã từng mơ ước được sống trong một căn nhà ở một ngôi làng cổ, trong căn nhà và xung quanh nhà có đầy hang chuột, lúc ấy bọn chúng sẽ chíu chít suốt ngày. Cúc Hoa rất muốn nghe tiếng của con vật này, nhưng nó không hề kêu lên. Trông nó có vẻ lạnh lắm, nó nên đi về hang.

Cô thấy hơi lạnh, cô cần phải vận động để cơ thể ấm lên. Lúc nghĩ như thế, cô nhìn thấy một con đường. Con đường ấy là lối rẽ giữa nghĩa địa, thông ra một vùng đất trống. Cúc Hoa chạy mấy bước, cô ngoái đầu nhìn lại con vật ấy, sau đó cô chạy ra xa, lòng chợt thấy trống rỗng. Không gian trở nên sáng rực, Cúc Hoa bị lóa mắt, cô hơi khó chịu. Cô dừng lại, quay người, cô muốn chạy về ngôi mộ có con vật nhỏ bé đó. Cô chạy mãi chạy mãi, nhưng không nhìn thấy nghĩa địa. Xem ra cô chạy đến lối rẽ rồi, nhưng không nhìn thấy khu nghĩa địa đó, thôn Muỗi cũng không còn. Cúc Hoa hoảng hốt. Đây là nơi nào? Trong trí nhớ của cô, đây là nơi có nhiều vũng nước. Ngoài vũng nước thì còn có vài ngọn đồi nữa. Có lẽ vũng nước đã bị băng phủ lấp, nhưng sao cũng không thấy một ngọn đồi nào cả. Nơi này chỉ còn là một vùng đất trống, Cúc Hoa chưa bao giờ nhìn thấy một vùng đất trống mênh mông như thế, lớn hơn nhiều so với khu nghĩa địa trước đây. Trong đầu cô chưa từng có khái niệm “đồng bằng”. Trời sáng một cách rất bất thường, mắt cô rất đau, không thể quan sát xa hơn một tí. Đúng lúc này, phía trước xuất hiện một làn khói xanh mỏng mảnh. Làn khói ấy lượn lờ bay lên.

Cô chạy theo làn khói ấy. Làn khói xem ra rất gần, nhưng mãi vẫn không đuổi kịp. Chạy một hồi lâu, hình bóng của cô gái trước mặt dần dần hiện rõ. Cô gái đó cũng khoảng bằng tuổi cô, mặc quần áo màu vàng, đang đốt giấy vàng mã. Trên một khu đất lớn xung quanh cô, tuyết đã tan hết. Trên mặt đất còn một đống vàng mã chưa đốt.

“Này, chào bạn! Bạn có thể cho tôi biết gần đây có thôn nào không?” Cúc Hoa hỏi cô ta.

“Bạn hỏi có nghĩa địa không à? Tôi nói cho bạn biết: không có.”

Cô ta chăm chú nhìn vào đống lửa, không thèm nhìn Cúc Hoa một cái.

Cúc Hoa nghĩ, cô ta thật là người quyết đoán. Mình chỉ cần theo cô ta thì sẽ đến được nơi có người. Nhưng cô ta rõ ràng là không muốn rời đi bây giờ. Cúc Hoa quỳ xuống, cùng quan sát ngọn lửa với cô bé. Cô ta hơi có ý không thích bộ dạng của Cúc Hoa, nhích chân cách xa Cúc Hoa một chút. Một lúc sau, không nén nổi, cô nói với Cúc Hoa: “Nếu bạn muốn về nhà hôm nay thì đó là một dự định sai lầm.”

“Vậy thì, nhà bạn ở đâu?”

“Ườm.”

“Bạn ở cùng với con chuột nhỏ à?”

“Sao bạn biết? Hả?!”

Cô giật mình nhìn chằm chằm vào Cúc Hoa.

“Tôi gặp nó rồi.” Cúc Hoa nói một cách hào hứng. “Nó thật đáng yêu! Bạn dẫn mình đến chỗ nó đi, dẫn đi đi! Bạn tên gì?”

Cô bé bỗng nhiên lấy một que tre xới vào đống vàng mã, những tờ vàng mã đang cháy bay lên, tấp vào mặt Cúc Hoa. Mặt Cúc Hoa bị bỏng rất đau, cô lấy tay áo che mặt và lùi lại.

Cúc Hoa ngửi thấy một mùi hôi kì lạ. Lúc cô vừa đi vừa dừng chân lại nhìn xung quanh, cô bé đó đã chạy trốn. Tiền giấy tung tóe trên mặt đất, cái thì đang cháy, cái thì đã tắt. Mùi hôi bốc lên, hình như là từ trong đống giấy vàng mã đó. Trời vẫn sáng như thế, Cúc Hoa vẫn không thể nhìn ra xa hơn. Cúc Hoa thắc mắc: rốt cuộc thì cô ta ở đâu nhỉ? Sao lại biến mất tăm mất tích nhanh như thế được? Đột nhiên cô thấy xấu hổ cho sự nhát gan của mình. Cô nghĩ, có thể mình cũng như cô bé ấy, chạy vào trong tuyết thôi mà. Lạc đường thì lạc đường, rồi cũng sẽ có cách. Không phải cô bé ấy cũng đang lạc đường đấy ư? Thế là cô dấn bước. Nhưng ngay lập tức cô lặng người đi: con vật bé nhỏ đang quỳ ở đó. Nó vẫn là con vật ấy chứ? Không kịp nhìn cho rõ, cô đã chạy vào trong tuyết. Đôi chân gầy guộc của cô chạy thật nhanh. Dĩ nhiên là cô không đuổi kịp, nhưng nó chạy cũng chưa xa. Cúc Hoa nhìn thấy nó chui vào một con mương. Thì ra ở đây có một con mương rất rộng.

Cúc Hoa quỳ xuống nhìn vào con mương. Trên con mương ngập tuyết, ngoài dấu chân mà con vật ấy mới để lại, còn có dấu chân người. Chắc chắn là của cô bé ấy. Nhưng đây là một con mương chết, nó không thông ra chỗ nào cả. Nhìn qua phía trên, chỉ thấy nó rất ngắn, do con người đào nên. Cô bé và “chuột” đi đâu rồi nhỉ? Ở nơi hoang vu này lại có một cô bé và một con “chuột”! Ý nghĩ này khiến cho Cúc Hoa phấn chấn hẳn lên. Cô rời khỏi con mương, tự tin bước lên phía trước.

Không biết đi được bao lâu, ánh sáng chợt nhòa đi, phía trước lờ mờ có bóng một ngọn đồi. Dưới chân đồi chắc chắn là thôn Muỗi. Nhưng tại sao lại thấy xa như chân trời thế nhỉ? Hơn nữa, Cúc Hoa lại không hề thấy dấu chân mình trên tuyết. Lạ thật, lúc nãy thì cô bé ấy vẫn có dấu chân, đến con “chuột” ấy cũng có dấu chân! Cô cố sức nhảy mấy cái, cũng không tác dụng. Trên mặt tuyết cô vừa dẫm vẫn không có dấu chân. Cô nhớ rõ tám năm trước cô cũng từng gặp chuyện như thế này. Sau đó cô quên bẵng đi, đến bây giờ mới nhớ lại. Lần ấy gia đình cô bốn người men theo bờ sông cùng đi trên tuyết. Họ đến nhà dì cô. Cúc Hoa tình cờ quay đầu lại, nhìn thấy chỉ mình cô là không có dấu chân. Cô kéo vạt áo cha lại hỏi, cha bực mình nói: “Trẻ con không nên nhìn ngó lung tung!” Lúc ấy, cô cảm thấy đây là một việc rất nghiêm trọng, cô sợ đến phát run. Ở nhà dì, cô vẫn cứ run. Cô ngờ rằng mình đã mắc một bệnh gì đó rất nặng, không còn sống bao lâu nữa, cả nhà đang giấu cô việc này.

Trời sắp tối rồi, cuối cùng cũng đến được thôn Muỗi. Cúc Hoa bất ngờ phát hiện cha đứng trước cửa một ngôi nhà, đang gặm một bắp ngô trên tay.

“Cha ơi!!!” Cúc Hoa vừa khóc vừa lao tới.

“Về là tốt rồi, về là tốt rồi.” Mẹ từ trong nhà đi ra, nói.

Ba người lặng lẽ đi về nhà. Dọc đường không ai nói một lời nào.

Bên ngoài trời tối mịt họ mới ăn cơm.

“Cúc Hoa, sao mẹ cứ thấy trên má bên phải của con có một con bướm thế?” Mẹ hỏi.

Cúc Hoa nhìn vào cây đèn dầu. Cô cũng thấy con bướm. Nó màu đen, đậu trên cái chao đèn. Cô sờ lên má phải của mình, lòng thấy bất an.

“Mẹ không ngờ được đâu,” cô nói với mẹ, “Nơi đó vốn là một thế giới khác.”

“Có thể là mẹ không ngờ được, mẹ già rồi.” Mẹ nói với vẻ uể oải.

Vì mệt mỏi, Cúc Hoa ngủ ngay. Nhưng sau đó cô lại tỉnh dậy, có thể tiếng rót nước của người trong nhà bếp đã làm cô tỉnh giấc. “Cúc Hoa! Cúc Hoa!” Người ấy lại gọi cô.

Cúc Hoa rất mệt, toàn thân ê ẩm, nhưng cô lập tức phấn chấn hẳn lên.

Người gọi cô hóa ra là cậu bé ở thôn Muỗi. Cậu đứng ngoài nhà bếp, mặt dán vào cửa kính. Cúc Hoa đi tới mở cửa.

“Chị nhìn đi!” Cậu chỉ tay lên trời.

Đầy trời là loài chim đó. Có hai con bay rất thấp, quét qua trước mặt cậu ta, cánh vuốt lên mặt cậu. Cậu không nén được, “ôi chao” một tiếng.“Đau lắm à?” Cúc Hoa hỏi cậu.

“Đương nhiên rồi, bọn chúng mình đồng cánh sắt đấy.”

“Thật kì lạ. Vậy mà tối qua bọn chúng là bông tuyết, tôi chộp được một con…”

“Đó là giả đấy!” Cậu bé nói giọng sành sõi. “Chị làm sao mà bắt được chúng? Không thể! Loài chim này chỉ bay đến khi trời có tuyết, không ai bắt được chúng đâu.” Cúc Hoa phát hiện cậu đứng đôi chân trần trong tuyết, chợt thấy rất khâm phục cậu. Cô gọi cậu bé vào trong bếp để hơ lửa. Cậu suy nghĩ nghiêm túc một lát rồi nói: “Cũng được.”

Hai người đi vào bếp, Cúc Hoa vừa đóng xong cửa đã nghe bầy chim đập mạnh vào cửa, phát ra những tiếng “choang, choang, choang”, cánh cửa rung lên.

“Thấy chưa, tôi đã bảo là chúng mình đồng cánh sắt mà.”

Cúc Hoa nhóm lửa trong bếp. Cô thấy mặt cậu bé trong ánh lửa dần trở nên bé nhỏ hơn, tim cô đập “thịch, thịch”. Cô cố trấn tĩnh, cất giọng nói nhỏ như tiếng muỗi: “Cậu rất giống em trai của tôi. Kể chuyện ở thôn Muỗi cho tôi nghe đi.”

“Chuyện của thôn Muỗi chúng tôi không thể kể cho người ngoài được.”

Cúc Hoa thở dài. Cô gạt cho ngọn lửa to thêm lên. Cô nhìn lại, thấy một con bướm màu đen to như con dơi đang đậu trên không trung - đó chính là khuôn mặt của cậu bé. Còn đôi tay của cậu thì cố đào bới trên đất, đã đào thành một đống bùn nhỏ.

“Cậu làm gì thế?” Cô kinh hãi hỏi, lòng đầy lo sợ.

“Tôi là bạn của nó, kẻ ở trong mộ! Chị rõ chưa?” Cậu ta hét đến rát cả tai. “Chị xem móng tay của tôi sắt chưa này, tôi luyện được đấy!”

“Á! À!” Cúc Hoa thở dốc.

“Đó là chỗ của chúng tôi. Khi tuyết rơi, chỗ của chúng tôi luôn như thế, chị thấy rồi đấy. Tôi và nó cùng quỳ ở trong mộ. Chị không biết cái hay của chỗ ấy đâu. Chị đến đó làm gì vậy?” Cậu ta nghiến răng ken két.

Lửa vẫn chưa tàn, cậu bé đã đi rồi. Cúc Hoa cảm thấy cậu ta có một mối liên hệ quan trọng đối với mình. Cô thò đầu ra cửa, nhìn thấy bầu trời màu sáng bạc, đất trời yên ắng, ngay cả cây liễu cũng không than phiền, lặng lẽ buông rũ.

“Cúc Hoa! Cúc Hoa!” Mẹ vừa đi vừa gọi.

“Ai đã đến đây vậy?” Mẹ lấy mũi chân chỉ vào cái hố nhỏ vừa bị đào.

“Là người của thôn Muỗi.” Cúc Hoa khẽ trả lời.

“Mẹ hiểu rồi. Bao nhiêu năm qua rồi, hậu duệ của họ vẫn không nản lòng!”

“Ai?”

“Những người ở nơi khác. Lúc ấy con còn nhỏ, cha của con đến làm công ở thôn Muỗi, rồi quen biết họ… Nhưng mẹ nói ra điều đó để làm gì cơ chứ? Chuyện xưa cũ rồi, không nói nữa thì hơn.”

Mẹ bắc nồi lên bếp, chuẩn bị nấu cơm.

“Mẹ, con buồn ngủ.” Cúc Hoa nói.

“Đúng rồi, con từ đó trở về thì không thể ngủ ngon mà, mau đi ngủ đi.”

Cúc Hoa về phòng nằm xuống, nhưng không ngủ được. Lòng bồn chồn, cô vùng dậy mặc áo, mang ủng và bước ra ngoài. Cô mơ hồ nghe tiếng cha nói ở sau lưng: “Cúc Hoa ơi Cúc Hoa, con muốn đi đâu vậy?”

Cô đá phải chiếc ghế nhỏ ở cửa, nhưng cô không hề biết gì, cứ đi thẳng, đi qua sân, ra đường lớn. Quả thật cô rất buồn ngủ, nhưng tại sao ở trong nhà lại không thể ngủ được nhỉ? Sau đó cô dựa vào cây liễu cổ thụ ngủ một giấc ngắn. Trong giấc mơ khoảng hai, ba phút, cô nhìn thấy bóng từng con chim trong đàn chim bạc ấy lần lượt từ lưng trời rơi xuống đất. Xác chim đầy mặt đất. Sau đó, con “chuột” ấy chui ra từ đống xác chim. Cô giật mình tỉnh giấc, đi về sân nhà. Mẹ đang nói với cha cô: “Là những người nơi khác…”

“Cúc Hoa, con tỉnh lại rồi à?” Cha nghiêm nghị hỏi cô.

“Con buồn ngủ chết đi được, ngoài ấy sáng quá, con ngủ không được…”. Cô mơ màng nói.

“Con nhìn rõ không, Cúc Hoa? Thứ mà mẹ nhìn thấy là một mảng tối đen, trăng lên rồi, nhưng không sáng được mấy, con tìm gì ở trong phòng vậy?”

“Con tìm chuột. Con muốn ngủ một giấc trên cái bàn này.”

Cô nhắm mắt, nhưng vẫn không có ý ngủ. Thần kinh của cô vừa mệt mỏi vừa căng thẳng. Trong mơ màng, cô nghe tiếng mẹ gọi từ trong bếp:

“Cúc Hoa, Cúc Hoa, nó đến rồi!”

Cúc Hoa bật dậy bước nhanh vào bếp.

“Ở đâu? Ở đâu?” Cô hỏi.

Mẹ dí mũi chân chỉ vào cái hố mới đào trên mặt đất.

“Nó nhanh chân chạy đi rồi.” Mẹ mệt mỏi nói. “Giống như một viên bi! Tuyết rơi thế này rất có lợi đối với loài động vật này. Chỉ cần một giây là chúng có thể lặn mất tăm trong tuyết.”

“Là cái loài có đôi chân bé tí ti ấy à?” Cúc Hoa hỏi.

“Đúng đó! Chúng là thú cưng của người ở nơi khác. Thi thể đều bị chúng gặm chỉ còn bộ xương.”

“Bên ngoài sao lại sáng như thế? Sáng giống như…” Cúc Hoa vừa ngáp vừa nói.

“Sáng giống như một tấm gương!” Mẹ hào hứng tiếp lời cô. “Vừa có một trận tuyết rơi, cậu bé của thôn Muỗi ấy, cậu ta đi quanh nhà mình mấy vòng rồi đấy. Nó bước đi, rồi lại cúi xuống chôn cái gì đó ở trong tuyết. Nó cứ nhìn chằm chằm vào nhà mình. Mẹ nghĩ nó chính là trẻ con của nơi khác đấy!”

“Trẻ con của nơi khác thì sao nào?”

“Cúc Hoa ơi Cúc Hoa, sao con cứ không tin lời mẹ thế? Điều này không tốt!”

“Trẻ con của nơi khác thì sao nào?” Cúc Hoa bướng bỉnh lặp lại.

“Trẻ con của nơi khác thì không có nhà, suốt đêm lang thang nơi hoang vắng.”

“Con hiểu rồi, mẹ. Giống như lũ chuột chứ gì?”

“Con thông minh thật, Cúc Hoa.”

“Con buồn ngủ chết đi được.”

Cuối cùng Cúc Hoa đã ngủ say.

Trong giấc mơ, rất nhiều người đến gọi cô, cô đều nghe thấy. Cô muốn trả lời, nhưng không thể nói được. Cha đến gọi cô ăn sáng, mẹ đến gọi cô ăn trưa, dì đến gọi cô ăn tối, cậu bé thôn Muỗi gọi cô cùng đi bắt cá, em gái Tiểu Hoàn gọi cô mượn chỉ thêu.

Cô đang chạy đi chạy lại ở trong cái thôn mình thường thấy trong mộng. Cô biết từ trước đến nay chưa từng có những thôn ấy, nhưng chỉ cần hễ nhắm mắt ngủ là chúng liền xuất hiện trong giấc mộng. Thôn nào cũng bị tuyết phủ trắng, các cành của cây liễu lớn cũng bị băng bao phủ, màu trời tối đen, khắp nơi không một bóng người. Bước chân của cô rất nhẹ, nhẹ đến nỗi cô cảm thấy như mình không tồn tại. Có lúc cô dừng lại, đưa tay vít một cành liễu, trong đầu lướt qua ý nghĩ: “Trời sẽ tối ngay.” Cành liễu như một cây băng khiến toàn thân cô run rẩy, cô vội buông tay. Cô loay hoay dưới cây liễu một lúc, gạt tuyết ra để lộ lớp bùn đất. Cô đang làm dấu, thầm nghĩ rằng ngày mai sẽ quay lại nơi này.

Lúc cô tỉnh dậy thì đã là sáng sớm của ngày thứ hai, ngửi thấy mùi khói bếp, cô bèn vùng ngay dậy. Cô nhìn thấy khuôn mặt mẹ, mẹ đang mỉm cười nhìn cô.

“Hôm qua mẹ và cha con lại đi đến ngôi nhà đó.”

“Ngôi nhà nào?”

“Ngôi nhà ở thôn Muỗi. Cậu bé ấy nói với cha con, vì con phát hiện bí mật của họ nên người trong thôn đều dời đi hết. Bây giờ chỉ còn lại mỗi nhà của cậu ấy, con làm sao mà có thể đến nơi ấy được vậy?”

“Mẹ và cha đã biết nơi ấy từ lâu rồi phải không?”

“Đúng vậy, cha con làm công ở nơi ấy rất nhiều năm, có hôm tối cha cũng không về nhà, cùng đi với người thôn Muỗi đến nơi ấy. Nhưng lần nào được nửa đường cha cũng sợ nên quay về. Nhiều năm qua, cha luôn hối hận, cảm thấy mình thật là mất mặt.

“Họ dọn đi hết rồi sao? Nhà đó có còn ở lại không?”

“Nhà đó cũng dọn đi rồi. Đương nhiên là vẫn có con chuột ở đó.”

“Cha ơi cha.” Cúc Hoa thở dài.

Lúc ăn sáng, cô không dám nhìn cha, cúi đầu ăn.

Ăn xong, cô ngẩng đầu lên, thấy cha đã rời bàn ăn rồi.

“Cha con muốn tự mình đi đến đó. Trời đầy tuyết như thế này, ông ấy ở nhà không yên.”

“Đến đâu?”

“Đến nơi mà con vừa đi.” Mẹ cười trả lời.

Cúc Hoa bật dậy, chạy vào phòng mang ủng và đuổi theo.

Cha đã đi đến cuối thôn, bóng cha chỉ còn là một cái chấm nhỏ.

“Cha ơi! Cha ơi!!!” Cô khóc và gọi.

Cha dừng lại, đứng đó đợi cô.

“Khóc cái gì? Khóc cái gì?” Cha nói một cách thản nhiên.

“Cha đi đâu vậy?”

“Đến thôn Muỗi mà.”

Cha nhún vai, Cúc Hoa lầm lũi đi cùng cha.

Đi đến khi nhìn thấy cây liễu cao chót vót của thôn Muỗi, cha đột nhiên hỏi: “Cúc Hoa, con có nhớ con đường con từng đi không?”

“Đường? Con không để ý, con cứ đi như thế, khắp nơi đều trắng một màu… Để con nhớ lại đã, đúng rồi, khói! Có người đang đốt vàng mã.”

“Trí nhớ của con rất tốt. Có thể nhớ đến việc này là tốt rồi.”

Đang nói, họ đã đến sân của một ngôi nhà, lần trước chính cha đã đứng ở cửa ngôi nhà này ăn bắp ngô. Nhưng bây giờ cửa nẻo đều đóng cả, không có người. Điều kì lạ là dưới mái hiên có đặt hai cái ghế. “Có người biết chúng ta sẽ đến.” Cha vừa ngồi xuống vừa nói.

“Ai vậy?” Cúc Hoa cũng ngồi xuống.

“Cha không biết, nhưng mọi việc của thôn Muỗi luôn như thế. Chỉ cần con đến thôn thì nhất cử nhất động của con đều ở trong tầm mắt của người khác. Con xem, lần này thì thật quyết liệt, đến nhà này cũng dọn đi rồi.”

“Nhưng cha bảo là có người nhìn thấy chúng ta mà, người ấy như thế nào?”

Cha không trả lời, ông đang nghe ngóng. Cúc Hoa cũng bắt chước cha nghe ngóng. Nhưng cô nghe một lúc rồi mất hết kiên nhẫn, bốn bề vẫn lặng như tờ, chỉ có tiếng gió đều đều tẻ nhạt.

Cúc Hoa đứng dậy, cô muốn đi một vòng xem sao. Khi đến chỗ tường thành, cô nhìn thấy cậu bé ấy. Cậu ta đang chạy về hướng nam, nhảy từng bước từng bước như con dê.

“Này! Này!” Cúc Hoa gọi to.

Tiếng của cô bị gió chặn lại, cậu bé không nghe thấy. Cô quay đầu lại nhìn, cha không còn ở dưới mái hiên ấy nữa. Cha đang đi về phía sau nhà. Cúc Hoa đi theo, lòng trào lên một dự cảm bất an. Cô nhìn thấy một cái chuồng chó trắng lóa phía sau nhà.

Chuồng chó rất lớn, bên trong có hai con chó già, một con không có tai bên phải. Chúng đang dựa vào nhau, sợ sệt nhìn hai người, run cầm cập.

“Lạnh đấy.” Cúc Hoa nói, cô cảm thấy mình sắp khóc đến nơi.

Lúc Cúc Hoa và cha quỳ xuống trước cửa chuồng chó, gió bắt đầu thổi. Chuồng chó lung lay như sắp bị thổi đi. Những bông tuyết bị gió thổi bay đến chỗ họ. Trời đất bỗng tối sầm.

“Cha, chúng ta đi thôi! Chúng ta đi thôi!”

Họ nép qua một bên, một đám tuyết rất to đè bẹp chuồng chó. Hai con chó già không thể chạy, cũng không thể kêu. Chúng bị chôn vùi. Cúc Hoa tự hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy? Chuyện gì đã xảy ra?”

“Chúng ta về thôi.” Cha nói.

“Hay là nấp dưới mái hiên này đã cha à. Gió to thế này, không nhìn thấy gì cả, sợ sẽ có chuyện.”

Lúc Cúc Hoa van nài, cha lại cười.

“Cúc Hoa thật biết lo xa. Có thể xảy ra chuyện gì được chứ?”

Hai cha con bước đi trong gió. Thỉnh thoảng từng trận tuyết bị gió thổi bay xuống cơ hồ như muốn chôn vùi họ. Hai cha con cố sức gạt tuyết, rướn người lên. Lúc đi lúc dừng, mặt của Cúc Hoa bị tuyết tạt vào lạnh đến tê dại. Dù sao cũng không thể nhìn thấy được gì, Cúc Hoa không nhìn nữa, bước theo cha. Trong cái đầu ngây ngây của cô chỉ còn một ý nghĩ: “Cậu bé ấy lại có thể sống trong môi trường băng giá thế này...”.

“Họ là người nơi khác mà!” Lúc cha nói câu này, họ đã về đến nhà. “Người nơi khác không giống chúng ta, họ muốn đi là đi, muốn ở là ở.”

“Thế còn mấy con chó sao rồi?” Ánh mắt mẹ lộ vẻ sợ hãi.

“Không sao đâu.” Cha khẳng định.

Cúc Hoa nhớ lại ánh mắt của con chó bị mất một bên tai, cô lo lắng xoay xoay chiếc ghế. Những người ấy đi cả rồi, nhưng lại bỏ mấy con chó ở đó, đúng là lòng dạ sắt đá. Có người nói nho nhỏ bên tai Cúc Hoa: “Chỉ cần bạn phát hiện ra họ, họ liền bỏ đi ngay…”. Cô giật mình, nhìn về phía cha, cha đang hút thuốc, cha nhả ra những ngụm khói như những cây nấm trắng, chúng che phủ mặt cha.

Sau khi dọn dẹp căn bếp, Cúc Hoa trở về phòng mình. Căn phòng rất nhỏ, có một cái cửa sổ be bé nhìn ra sân. Cúc Hoa bước đến bên cửa, cô quả thật không tin vào mắt mình.

Cậu bé ấy mình trần trùi trụi đang ngồi trên một đống tuyết, tay đang đỡ lấy đầu, dường như đang ngủ. Cúc Hoa nghĩ, có lẽ cậu ấy mệt vì chạy.

Có một vài người đang đi vào cổng, những khuôn mặt như đã từng quen biết, họ đều ngước mắt nhìn lên bầu trời trắng lóa. Cúc Hoa nghe thấy họ đã đi vào phòng, bước chân chậm rãi và nặng nề, từng bước dẫm lên nền nhà nghe bình bịch. Cúc Hoa tưởng tượng họ là những con voi già từ rừng về.

Mẹ đứng ở cửa nói với Cúc Hoa: “Người nơi khác đến rồi.”

(Nguyễn Thị Tịnh Thi dịch từ Thượng Hải văn học số 8/2012)   
(SH303/05-14)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng