Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
Tọa đàm văn học với các tác giả trẻ
15:23 | 02/06/2014

BỬU NAM

Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)

Tọa đàm văn học với các tác giả trẻ
Ảnh: internet

Ngày mồng 4 Tết, thư ký tòa soạn đến thăm đồng thời đề nghị tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn với một số tác giả chủ chốt đang "cầm cân nảy mực" trong tỉnh, nhân trước thềm các Đại hội văn nghệ (Đại hội văn nghệ tỉnh và Đại hội nhà văn) và kỷ niệm 5 năm Sông Hương ra mắt bạn đọc. Sau đó, không hiểu bàn bạc làm sao với Tổng biên tập, đối tượng lại được chuyển sang các tác giả trẻ (trẻ thực sự và tiêu biểu) ở địa phương. Nhưng cuối cùng, lại không biết bàn bạc làm sao nữa, trước khi đi Nha Trang dự cuộc gặp gỡ các tạp chí văn nghệ Trung Trung Bộ, thư ký tòa soạn lại đến bàn với tôi chuyển hình thức phỏng vấn sang tọa đàm: Bây giờ đang trong cao trào "nói thẳng nói thật", ngồi với nhau nói chuyện có không khí hơn, nhất là với các tác giả trẻ vốn chẳng sợ mất cái gì...

Tất nhiên đó là một ý hay và rất thuận lợi cho người ghi chép. Và cuộc tọa đàm đã được diễn ra trong không khí như vậy, ngay trong phòng của nhà văn Tổng biên tập.

TÔ NHUẬN VỸ (Tổng biên tập SH): Tôi xin nói lời mở đầu. Tạp chí Sông Hương xem các bạn là những tác giả trẻ có nhiều triển vọng của tỉnh và mong nghe được ý kiến của các bạn nhân Đại hội văn nghệ của tỉnh nhà và lần kỷ niệm 5 năm thành lập Tạp chí Sông Hương sắp tới. Tôi chỉ xin nêu lại hai trong số những vấn đề thiết thực đã gởi tới các bạn:

1. Năm năm vừa qua, Hội văn nghệ B.T.T có những thành tựu gì? có ích gì đối với các bạn hay không? các bạn có kiến nghị gì?

2. Nếu các bạn là Tổng biên tập "SH" các bạn sẽ làm gì? Nên dẹp bỏ cái gì?

Báo đã lên khuôn, chỉ còn chờ cái "Tọa đàm" này nữa thôi.

NGUYỄN QUANG LẬP: Tôi xin đề nghị một vài điều có liên quan đến công tác Hội viên và điều lệ Hội. Anh Nguyễn Khoa Điềm có lần nói với tôi: "Trong 300 hội viên của Hội, chỉ có khoảng 100 người là "năng sản". Tôi thì cho rằng chỉ có 70 hội viên là đáng chú ý tới. Trước hết là do điều lệ của Hội quá dễ: ai có 2 bài thơ hoặc một truyện ngắn đăng báo là đã được kết nạp Hội! Tôi nghĩ Hội văn nghệ là hội của các tác giả, ai chưa thành tác giả thì cứ sinh hoạt ở các câu lạc bộ văn nghệ. Tôi mong Hội văn nghệ là hội của các tác giả đích thực, có những sáng tạo tốt, đáng đóng góp vào nền văn nghệ chung cả toàn quốc, do đó cần có những hoạt động thiết thực giúp đỡ mọi mặt, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho họ có những sáng tác tốt hơn.

Về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, tôi nghĩ cần phải nói thêm đôi điều. Trước đây và ngay cả bây giờ, thường xảy ra các "sự cố" là có sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài vào đối với anh em viết văn và các tác phẩm của họ. Phải xem rằng anh em văn nghệ cũng làm công tác chính trị theo nghĩa rất rộng của vấn đề. Tình trạng "công an" cứ "xía" vào địa hạt văn nghệ là không nên. Đó là cái bi đát của anh em văn nghệ về cả chính họ. Chẳng hạn những cú điện thoại của công an khi Hội tổ chức tọa đàm về "nhạc vàng". Lãnh đạo Hội phải dám có trách nhiệm hơn đối anh em văn nghệ và xã hội. Người cầm bút là người cô đơn ghê gớm. Họ mong Hội là nơi giúp đỡ tạo được bầu không khí cởi mở sáng tạo, trao đổi về nghề, về cuộc sống để có sức mạnh mới mà tái tạo. Hội cũng nên đánh giá tư cách anh em viết văn dựa trên những tác phẩm của họ, sự sáng tạo của họ hơn là "đời thường", trừ những hành vi quá đáng thì cần nhắc nhở. Anh em văn nghệ do đặc thù riêng của việc sáng tạo, nên sống có vẻ tài tử và phóng túng một chút cũng nên thông cảm hơn là lên án.

TÔ NHUẬN VỸ: Tôi thú thật là làm công tác Hội chỉ tổn mất thời giờ. Ai là người cầm bút sáng tạo, thời gian rất quý, do đó làm công tác Hội là phải hy sinh cái khoản "vàng" thời gian quý hiếm đó của mình. Sự xuất hiện của các bạn với tư cách là các tác giả trẻ trên văn đàn là "đáng đồng tiền bát gạo", và đó là điều an ủi với người làm công tác Hội.

NGUYỄN QUANG LẬP: Đừng nghĩ rằng làm công tác Hội là sự hy sinh. Tiếp xúc với anh em viết trẻ có phần mất và phần được. Phần được đó là ngoài các khoản đỡ đần để làm xuất hiện các tài năng, các nhà văn thuộc thế hệ trưởng thành cũng có thể học hỏi được đôi điều nơi anh em trẻ về sự sáng tạo, cách viết, cách nhìn cuộc đời do đó mà "trẻ hóa" sự sáng tạo của mình. (Có một tiếng nói không rõ của ai, làm lãnh đạo Hội lại dễ đi nước ngoài trao đổi và cũng có một số "quyền" nào đó, lợi nào đó... mọi người "cười xòa" và anh Vỹ "cười trừ".

NGÔ MINH: Văn học, sự sáng tạo ra nó và người viết văn là lãnh vực của cái cá biệt. Mỗi người hay theo kiểu riêng của mình, có loại độc giả riêng. Anh có thể thích sáng tác của người này mà không thích sáng tác của người kia. Làm công tác Hội phải chú trọng đến cái đặc thù đó, có sự giúp đỡ thích đáng để họ có thể phát huy được sở trường của mình.

Tôi thấy nước ta có quá nhiều Hội: Hội nhà văn Việt Nam, rồi các Hội tỉnh, Hội huyện, Hội xã... nhiều quá, đâm ra tốn công, tốn của. Tôi nghĩ nên chăng chỉ nên có một hội duy nhất cả nước, và các hội viên của nó là các tác giả đã có bản sắc, đã được khẳng định và hội thống nhất đó có thể phân cấp theo địa bàn hoạt động và sinh sống của các nhà văn mà tổ chức hội các khu vực địa phương. Và như vậy Hội địa phương không phải là dạng thứ cấp của Hội cả nước và Hội huyện không là dạng thứ cấp của thứ cấp. Như vậy đòi hỏi phải đánh giá lại hội viên, gạt bỏ nhiều thành phần đã kết nạp kiểu "phong trào" trước kia và kết nạp những thành viên mới. Dạng cải tổ như vậy là cần thiết, như là sự giảm biên chế vậy. Không nên biến Hội nhà văn thành hội của bầy, đàn và cần chăn dắt, mà nơi đó cần có sự dân chủ, bình đẳng và sự trao đổi mọi vấn đề của nghề và cuộc sống. Tôi nghĩ đổi mới cần nên làm gọn lại cơ chế. Nên dẹp các hội địa phương nhất là huyện, xã và ngay cả những tỉnh không đủ các tác giả có năng lực sáng tạo thực sự. Chỉ nên thành lập các câu lạc bộ văn nghệ ở chỗ đó với tính chất quần chúng sáng tác. Đó là việc cần làm để nâng cao hiệu quả của công tác Hội và giá trị của hội viên.

PHẠM TẤN HẦU: Tôi nghĩ bất cứ nước nào cũng có Hội nhà văn. Đó là một hội sinh hoạt có tính chất nghề nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người cầm bút. Tôi cũng đồng ý với anh Ngô Minh là nên dẹp các hội nhỏ, các hội địa phương không có thực chất, nhất là các Hội huyện, cơ sở, đó là các tổ chức chỉ tốn của, tốn công, tốn sức của nhân dân. Đã là tác phẩm văn nghệ thì chỉ có một tiêu chuẩn đánh giá duy nhất. Không có loại văn nghệ thứ phẩm, phế phẩm cũng không thể có hội văn nghệ thứ và phế phẩm.

Tôi cũng nghĩ là nên tinh giản cơ quan Hội. Chỉ nên có chủ tịch Hội là biên chế mà thôi. Đẻ ra vài chục người biên chế cơ quan Hội là quá cồng kềnh tiêu phí cái vốn tiền quá ít ỏi của hội mà đáng ra dành nó để đầu tư cho các tác phẩm. Cơ quan của hội không nên chỉ là cơ quan hình thức dùng để tiếp khách lễ tân và đi nước ngoài mà nó phải tạo được không khí cho việc sáng tác, trao đổi nghề, phải có sự đối thoại thường xuyên, cởi mở và bình đẳng... nhất là trong Đại hội. Ban chấp hành Hội phải là người có năng lực tổ chức phù hợp với công việc sáng tạo, ai không làm được việc nên mời ra, đừng nên có nể nang hoặc là có ý kiến từ "trên lãnh đạo" mà là những ai anh em tín nhiệm bầu. Tôi cũng mong Hội là nơi có thể giúp xuất bản sách, tác phẩm của hội viên. Hoạt động xuất bản phải xem như là một chức năng quan trọng của Hội. Cho ra đời các tác phẩm có giá trị và nhất là các sáng tác của các tác giả trẻ là nhiệm vụ hàng đầu của Hội. Công tác xuất bản của Hội thời gian qua là yếu, và vẫn còn thế nào, cần có sự đánh giá, thẩm định khách quan các tác phẩm của anh em. Và Hội phải có ý kiến đánh giá, giới thiệu tác phẩm của anh em đối với các nhà xuất bản, nhất là Nhà xuất bản Thuận Hóa, điều đó có thể làm dễ dàng cho công tác biên tập của họ. Về sinh hoạt của Hội, cần nên tăng cường các buổi nói chuyện, trao đổi về nghề, đặc biệt là các xê-mi-nê thông tin văn học thế giới để anh em cầm bút dần dà thoát khỏi cái bầu không khí ứ đọng "ếch ngồi đáy giếng", tỉnh lẻ. Hội nên tăng cường trao đổi, đối thoại với từng anh em viết trẻ, các tác giả trẻ. Người làm công tác hội hiện nay mang tính "thử lại" hỏi nhiều. Và cũng cần thiết nữa là nên đầu tư giúp đỡ các anh em mới viết, bắt đầu viết, có nghĩa là Hội phải giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả cho các "vệ tinh" của nó là các câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ của người viết trẻ... mà trong thời gian qua Hội chẳng có một chút quan tâm nào, trong khi công tác tiếp khách và trả tiền cho biên chế của hội lại ngốn hết số tiền quỹ đả có.

Về Tạp chí Sông Hương, tôi thấy cần thiết phải mở mục hộp thư trên báo. Nhận được bài nào, sẽ đăng bài nào, số nào, có một vài đối thoại ngắn về tác phẩm của anh em. Đó là tính lịch sự tối thiểu của một tờ báo đúng đắn. Hai là nên có một mục như "Mõ làng văn" thông tin ngắn về sinh hoạt, đời sống văn nghệ trong nước, trong tỉnh và thế giới và viết có giọng điệu văn nghệ riêng, chứ không khô khan theo kiểu văn hành chính. Ba là công việc thông tin văn nghệ nước ngoài, những sự kiện văn học lớn, những đổi mới lớn của các xu hướng văn học thế giới là điều cần làm.

NGUYỄN QUANG VINH: Bàn về công tác của Hội là sự việc "ngoài" và "quá tầm tay" anh em. Bàn lắm có thể "rách miệng".

Tôi cho rằng "trại" sáng tác là hình thức hoạt động tốt của Hội, nên duy trì và cải tiến nội dung và cách tổ chức nó. Không có trại sáng tác năm 1985, thì tôi không thể trở thành như hiện nay, nghĩa là tôi đã in được 1 cuốn tiểu thuyết và 4 cuốn khác sắp được in trong năm nay và năm tới. Tôi nghĩ rằng hội viên là một khái niệm ước lệ. Nhưng không phải vì thế mà biến khái niệm này thành mất giá trị, bởi nó quá đông và có tới 2/3 là không còn hoạt động sáng tạo. Đối với tôi, người cầm bút, khái niệm hội viên vẫn mang tính thiêng liêng. Hội văn nghệ phải là hội của những người có nghề thực sự. Hội nên tổ chức thế nào để có thể đưa anh em cầm bút trẻ nhanh chóng trưởng thành. Việc người làm công tác hội, có uy tín, có nghề, tận tình giúp đỡ anh em trẻ, có thể tâm sự, đối thoại với họ là điều số một. Chứ như hiện nay, tôi thấy anh em viết văn chẳng ai muốn đến Hội để làm gì. Cán bộ thường trực Hội, có người cứ ngồi an nhiên, điềm tĩnh đọc báo, đến thì chẳng thèm chào, thèm hỏi, có người thì mặt mũi đăm chiêu và trịnh trọng như một viên "quan hai".

TRẦN THÙY MAI: Tôi thấy công tác Hội thời gian qua có cải tiến. Tôi hoan nghênh cuộc hội thảo: "Văn học trước yêu cầu đổi mới" vừa rồi, đó là cách bày tỏ thái độ tích cực của văn nghệ trước những vấn đề cuộc sống một cách có trách nhiệm, lại vừa chú trọng đến đặc trưng và tính văn nghệ hơn. Cuộc tọa đàm về "nhạc vàng", cách đánh giá lại khái niệm này đối với tôi cũng rất là thú vị. Các hoạt động đó chứng tỏ một điều là trong không khí đổi mới hiện nay, Hội cũng rất nhạy bén, các cuộc trao đổi đều bảo đảm tự do, dân chủ và cởi mở thực sự. Dấu hiệu đó quả là đáng mừng.

Tôi là người viết văn, lại là người làm công tác xuất bản. Tôi xin đề cập đến mối quan hệ đó, mong muốn có sự cải tiến. Hội và Nhà xuất bản Thuận Hóa hình như tôi cảm nhận vẫn có một bức tường ngăn cách thực sự. Đó vẫn là hai thế giới cách biệt, hai cách suy nghĩ, hai cách nhìn không ăn khớp nhau. Trong khi làm việc, hai cơ quan đó hình như đi đến tan vỡ nhiều hơn là hợp tác. Điều đó ảnh hưởng lớn đến việc xuất bản tác phẩm của các anh chị em hội viên, nhất là anh chị em trẻ. Tôi mừng rằng lãnh đạo hai cơ quan nên có một bước hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cơ quan lãnh đạo của tỉnh nên có hoạt động hướng dẫn chỉ đạo điều phối, để thúc đẩy tốt phong trào văn nghệ của tỉnh.

Về công tác hội viên, Hội nên có sự quan tâm giúp đỡ vật chất thật sự những hội viên viết được mà gặp nhiều khó khăn và quá khó khăn, nhất là khi đau ốm... Có những anh em cạn hết sức sáng tạo vì phải đối phó với tình trạng khẩn cấp của đời sống hiện nay, sự giúp đỡ có hiệu quả, dù chỉ một lần cũng rất là ý nghĩa.

Tôi đề nghị Hội nên chú ý đến các hoạt động chuyên môn thường kỳ hơn: bồi dưỡng trí thức về nghề cho các hội viên, nhất là tổ chức các buổi nói chuyện cái xê-mi-nê văn hóa, thông tin cái mới về văn học thế giới và trong nước, khai thác các nhà văn có nghề ở khắp cả nước và đội ngũ trí thức làm văn hóa trong tỉnh. Hai là nên chú trọng thêm, tôi nhắc lại, là phải chú trọng đội ngũ phê bình, nhất là phê bình trẻ. Công tác của hội vừa qua xem quá nhẹ công tác này. Người phê bình cũng phải cần đầu tư như người sáng tác, 5 năm qua đội ngũ này không có được sự chú ý đó. Ba là anh chị em viết cái thiếu nhiều nhất vẫn là thì giờ, vì anh chị em đều bận rộn với nghề mình sinh sống, cầm bút là nghề thứ hai. Mỗi năm, nếu Hội có quy chế bảo đảm cho anh chị em hai tháng sáng tác, thì Hội nên trích cái quy định về hai tháng để gởi cho các cơ quan của anh chị em. Trường hợp cơ quan nào không cho cán bộ mình nghỉ để sáng tác thì Hội nên can thiệp. Điểm cuối cùng, là các anh chị em ngồi ở đây 5 năm nữa là hết trẻ, vậy Hội nên tính một cách nào đó để hết thời điểm đó giúp họ sẽ trở thành các tác giả trưởng thành dĩ nhiên là họ phải nỗ lực hết sức. Chứ nếu không, trẻ thì đã hết trẻ mà trưởng thành thì chưa được và nguy hiểm thay họ sẽ trở thành một thứ "làng nhàng". Hội cũng nên quan tâm đến một đội ngũ sau trẻ hơn sau chúng tôi nữa như Phùng Tấn Đông, Đỗ Văn Khoái, Huyền Trang, Trần Bá Đại Dương... để có sự kế tiếp của các thế hệ.

NGÔ MINH: Nếu tôi là Tổng biên tập tôi sẽ chú ý đến việc giới thiệu các tác giả của Hội tỉnh nhiều hơn nữa, đặc biệt là anh chị em viết được, viết tốt. Cần lăng xê họ, khắc họa họ đậm nét hơn nữa, giới thiệu phong cách và quá trình sáng tác của họ, để độc giả hiểu họ thêm, đôi khi dành cả ba đến năm trang cho họ. Dội nước thì phải dội nhiều lần mới thấm. Cần giới thiệu lại các anh chị em có triển vọng dưới những góc độ khác nhau, để họ được sự chú ý của mọi người. Về trang viết đầu tay, tôi có một ý nghĩ khá ngộ nghĩnh là nên sưu tầm lại các trang viết đầu tay của các nhà văn đã trưởng thành, ngay các tác giả có tên tuổi giới thiệu song song với sáng tác của các cây bút đầu tay mới. Đặt đối chiếu hai tác giả như vậy sẽ nảy sinh một hiệu quả thú vị: Xem thử các thế hệ bắt đầu viết hơn kém nhau thế nào?

HOÀNG THỊ DUYÊN: Ai cũng biết trong quá trình phát triển văn học, người biên tập văn nghệ các nhà xuất bản có vị trí ở một khâu quan trọng. Người biên tập văn nghệ tồi sẽ làm chận đứng các tác phẩm tốt, nhất là những tác phẩm bạo dạn hoặc có phong cách mới. Sau đại hội văn nghệ lần thứ 8 ở Liên Xô, người biên tập ngoài nghiệp vụ chuyên môn của mình, cũng được bồi dưỡng thêm ở Học viện Goóc ki cùng với các tác giả trẻ. Tôi mong Hội nhà văn và các tổ chức Hội ở địa phương cũng nên chú ý đến anh chị em biên tập văn nghệ. Như vậy tình hình văn nghệ sẽ có chuyển biến tốt hơn. Chị Trần Thùy Mai đã có nói đến mối quan hệ giữa Hội Văn nghệ tỉnh và Nhà xuất bản Thuận Hóa. Tôi thấy rằng tác động của Hội cần tích cực hơn. Mỗi tác phẩm của hội viên gửi qua nhà xuất bản cần có sự giới thiệu có tính thẩm định nghiêm túc của Hội thì sẽ có sức nặng hơn trong việc xuất bản và cũng tạo thuận lợi hơn cho người biên tập nhất là đối với các tác giả trẻ. Tác phẩm của các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ không cần sự giới thiệu chúng tôi cũng in. Nhưng tác phẩm của anh chị em trẻ, lời giới thiệu đó là rất cần, và đó là sự biểu hiện sự quan tâm đúng mức của Hội. Tôi nghĩ việc in sáng tác của các cây bút trẻ, nếu có chất lượng, với số bản in từ 2000 đến 5000 cuốn là không khó lắm.

Về Tạp chí Sông Hương tôi thấy có nhiều mục quá. Sự đa dạng là rất cần, nó phù hợp với nhiều loại đối tượng độc giả, nhưng ở mỗi số không phải các mục đều hay, có mục đôi khi quá tệ. Cần phải chấn chỉnh lại, để ít nhất không có một số mục quá kém. Hình thức của tờ báo tôi thấy chưa đẹp so với điều kiện và khả năng có thể làm cho nó đẹp hơn. Morát thì vẫn cứ tiếp tục sai, nhiều khi sai quá đáng, nhất là các bài nghiên cứu văn hóa làm cho các tác giả có khi "chết đứng".

PHẠM TẤN HẦU: Tôi thấy Sông Hương nên có những số đặc biệt hoặc về một nhà văn lớn của thế giới, hoặc trong nước, hoặc có một dạng chủ đề nhất định. Số 27, số chủ đề 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga có tiếng vang tốt, số về trường Nguyễn Du còn kém quá.

TÔ NHUẬN VỸ: Thực chất số trang sáng tác của Tạp chí Sông Hương chỉ có 50 trang. Tờ tạp chí này nói cho đúng ra là làm nhiệm vụ của ba tờ báo gộp lại nên đôi khi nó có vẻ tản mạn. Tạp chí có mười một mục, mà tính đúng có tới mười bốn mục nên nếu không khéo dễ bị mang tính chất "hàng xén". Nhiệm vụ của tôi, Tổng biên tập là cố gắng tính toán từ khâu ban đầu cho đến khâu duyệt lại cuối cùng là làm sao cho nó mất đi và bớt đi chất hàng xén đó đi. Ra một tạp chí tổng hợp dễ mang tính "nhà quê", nhất là ở các báo địa phương.

NGUYỄN QUANG LẬP: Về nội dung, tôi thấy Tạp chí thiếu bài hay ở mọi mục một cách nghiêm trọng. Đó là tình hình chung của các báo, tạp chí văn nghệ. Để giải quyết vấn đề đó, tôi thấy không cần số nào của tạp chí cũng dàn đều cho đủ các mục. Tôi cho rằng nếu mục nào chưa có bài hay thì tạm xếp lại, mục nào có nhiều bài hay thì cứ để cho nó chiếm số trang nhiều hơn thường lệ. Như vậy có thể đăng nguyên một truyện vừa 40, 50 trang, nếu thiếu truyện ngắn hay, hoặc có số nếu có 3, 4 truyện ngắn hay mà thơ kém thì xếp thơ lại, hoặc ngược lại... Về sinh hoạt của tạp chí, tôi thấy hình thức đêm "thơ tự chọn" là hình thức nên phát huy.

HOÀNG THỊ DUYÊN: Về một khía cạnh liên quan đến việc xuất bản của các tác giả trẻ, tôi thấy Nhà xuất bản có thái độ ban ơn hơi nhiều, thay vì coi đó là nghĩa vụ cần và nhất thiết phải làm. Còn đối với các nhà văn có tên tuổi, hoặc đánh hơi sách bán chạy được thì lại quá chú ý một cách trân trọng nháy nháy.

TRẦN THÙY MAI: Tôi cũng thấy thái độ có vẻ ban ơn và kể cả đến khó chịu khi in sáng tác của anh em trẻ. Điều đó không nên.

PHẠM TẤN HẦU: Về mối quan hệ giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách tôi thấy họ chơi trò sân banh. Ngôn ngữ của họ lừa nhau và lừa mọi người rất khéo.

BỬU NAM: (Tôi cũng xen vào góp ý với Sông Hương). Tôi thấy hơn mọi tờ báo văn nghệ khác, Sông Hương cần có những bài hay, loại A. Muốn thế, sau mỗi số phải thẩm định ngay bài nào là bài loại A và trả nhuận bút gấp 3 lần bài bình thường, cùng với một thư cám ơn tác giả và mong tác giả gởi loại kiểu đó, và cũng phải theo dõi các báo văn nghệ khác, xem tác giả nào viết hay mời cộng tác ngay với loại nhuận bút kiểu trên. Hai là tôi nghĩ một tờ báo lớn cần chú trọng đến đội ngũ cộng tác viên viết tốt. Bản thân của tờ báo lớn đôi khi quy tụ anh em viết văn hơn cả một hội văn nghệ.

TÔ NHUẬN VỸ: Tôi sẽ cố phát triển hình thức câu lạc bộ của Tạp chí Sông Hương như là một trung tâm văn nghệ văn hóa. Đúng là Sông Hương cần vươn tới trong mối giao tiếp với đội ngũ viết văn, viết nghiên cứu phê bình cả nước. (Đã 4g30, Tổng biên tập bận tiếp Công ty du lịch, chúng tôi tiếp tục câu chuyện bỏ dở nhưng chuyển sang vấn đề khác).

BỬU NAM: Người ta nói tự đánh giá mình trong đội ngũ viết văn cả nước và của tỉnh là điều cần thiết để tự vươn lên. Trước hết là về văn xuôi Anh Nguyễn Quang Lập, tôi thấy hình như sáng tác của anh độ này chất lượng có hơi chùn có phải không?

NGUYỄN QUANG LẬP: Tôi vẫn viết đều đó chứ. Có điều là không vượt lên những truyện hay đã viết trước. Đòi vượt mình là điều khó. Ngay cả các nhà văn có tên tuổi thử hỏi sáng tác của họ đã tự vượt mình chưa? Cần phải có thời gian. Tôi viết "Tiếng kèn bè" cũng được chứ, truyện "49 cây cơm nguội" cũng không đến nỗi kém dù nó đang thể nghiệm. Tôi có 3 truyện ngắn đang in ở tạp chí Hội nhà văn Việt Nam. Vả lại tôi đang cố viết một truyện dài. Cái thiếu nhất của tôi là vốn trí thức. Cái đó là trở lực lớn nhất. Tôi rất thú xem tranh nghệ thuật khỏa thân của thế giới, các tranh đó đẹp làm sao.

BỬU NAM: Còn anh thì sao, anh Nguyễn Quang Vinh? Truyện dài "Đêm thức" của anh viết cũng được, nhưng chẳng may nó trúng xu hướng minh họa dù là chống tiêu cực đi nữa, nên từ khi Nguyễn Minh Châu viết bài "Ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa", báo Văn Nghệ Trung ương không giới thiệu tác phẩm của anh nữa, dù đã có bài.

NGUYỄN QUANG VINH: "Đêm thức" là truyện dài đầu tay của tôi. Nhưng đối với tôi nó không đáng kể. Tôi còn 4 truyện dài khác đang in. Đặc biệt truyện "Hai cái chết" sẽ ra đời trong tháng 5 tới, đó là một truyện "khủng khiếp", tôi bảo đảm là "khủng khiếp", độc giả sẽ rợn cả người khi đọc.

BỬU NAM: Còn chị thì sao, chị Trần Thùy Mai? Từ khi đổi mới đến giờ chị chẳng viết được nữa và có viết cũng ít hay hơn trước, tại sao thế?

TRẦN THÙY MAI: Cảm hứng sáng tạo cũng như tình yêu vậy. Nó bột phát có giai đoạn. Không có cảm hứng mà viết thì không hay. Tôi đang gặp khó khăn. Vả lại tôi đang xoay qua viết truyện dài.

BỬU NAM: Anh Ngô Minh, anh Tô Nhuận Vỹ vừa khen 2 bài thơ anh gởi tới trong số báo này. Độ này anh viết ra sao so với tập thơ "Phía nắng lên" của anh?

NGÔ MINH: Tôi thấy độ này mình viết được và đang độ chín. Tập thơ "Phía nắng lên" của tôi vào giải chung kết với anh Nguyễn Khoa Điềm ở Hội nhà văn, chẳng may anh Điềm lại đoạt giải.

BỬU NAM: Anh Phạm Tấn Hầu, tập thơ "Xứ sở dịu dàng" của anh bị kẹt hơn 4 năm tại Hội, bây giờ nghe Nhà xuất bản Thuận Hóa sắp in, tại sao thơ anh bị kẹt lâu thế? Anh Ngô Minh vừa nói là anh rất thích thơ của anh.

PHẠM TẤN HẦU: Đối với người làm thơ nên coi bị kẹt là chuyện bình thường. Thơ tôi có phong cách mới, hơi lạ nên đầu tiên người ta thấy chưa quen, sau dần người ta sẽ "chịu được". Đó là cái giá của người làm thơ muốn tự đổi mới mình không ngừng, muốn khác với người làm thơ khác.

BỬU NAM: Các anh chị có ý kiến gì về các giải thưởng văn học quốc gia và giải "Bông Sen trắng" của Tỉnh sắp công bố không?

NGUYỄN QUANG LẬP: Mọi giải thưởng đều có tính chất tương đối. Đôi khi nó mang tính "à uôm" với nhau. Tập thơ được giải quốc gia của Y Điêng lạ mà ngô nghê. Tập của anh Điềm có nhiều thử nghiệm nhưng chưa chín. Còn "Thời xa vắng", tôi chưa đọc. Giải "Bông sen trắng" thì cũng tạm được. Nhưng nói thật các giải A đều trao cho các nhà văn có tên tuổi và có chức quyền cả. Chẳng có cây bút trẻ nào đạt được giải A. Vậy là?! Tôi nghĩ rằng tập truyện ngắn "Một giờ trước lúc rạng sáng" của tôi thế nào cũng được vào chung kết giải thưởng quốc gia năm tới. Còn so với giải địa phương tôi thấy giải văn học có thực chất hơn so với tương quan các giải ở các lãnh vực văn nghệ khác.

PHẠM TẤN HẦU: Tôi mong rằng chẳng bao giờ mình được giải thưởng không xứng với thực chất của mình. Điều đó đáng xấu hổ. Tôi nghĩ rằng tốt hơn cả là nên sáng tác trong điều kiện bình thường. Người mong muốn giải thưởng dễ có tâm trạng bon chen, nhiều khi cứ như là học sinh, sinh viên đi thi. Tác phẩm văn nghệ có giá trị tự sống lâu dài hơn các giải thưởng, nhất là các giải thưởng đang là tương đối chạy theo tình hình xã hội như hiện nay.

***

Đã quá 5 giờ chiều. Các bầu tâm sự dù chưa cạn nhưng cũng đã chùng xuống theo ánh chiều đang chuyển vào hoàng hôn ngoài khung cửa sổ - Một buổi chiều Huế đẹp lạ lùng khi chúng tôi ra về.

BỬU NAM thực hiện
(SH30/04-88)

-------------------
(*) Chị Hoàng Thị Duyên là cán bộ biên tập sách văn học của Nhà xuất bản Thuận Hóa.








 

Các bài mới
Phòng tối (01/07/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)
Các bài đã đăng
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)