Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
"Người bắt gián điệp" - cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ năm 1987
15:30 | 04/06/2014

YURI KUDIVOV

Tủ sách của tòa soạn báo "Thời mới" chúng tôi vừa nhận được một tác phẩm của PETER WRIGHT "THE SPY CATCHER"(Người bắt gián điệp). Cuốn sách nầy đã bị tẩy chay khỏi Anh Quốc. Hơn thế nữa, chính quyền Anh đã ra lệnh săn lùng cuốn sách ấy.

"Người bắt gián điệp" - cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ năm 1987
Ảnh: internet

Nhưng ở nước Mỹ, sau khi xuất bản, nó dẫn đầu về số lượng sách bán trong vòng 22 tuần lễ liền và là cuốn sách đứng đầu trong số 10 cuốn sách bán chạy nhất (best seller) trong năm 1987, giờ đây chúng tôi xin cung cấp cho độc giả thêm một số chi tiết về nội dung cuốn sách này.
 

Tác giả Peter Wright - Ảnh: internet

Trước hết, có vài lời về tác giả. Khác với Philip Agee, người Hoa Kỳ, đã bất hòa với CIA và tự nguyện trình bày những hành động tội phạm của cơ quan nầy, Peter Wright, trước đây là nhân viên sở tình báo Anh Quốc, đã không hề gây gổ gì với cơ quan. Sau khi đã nghỉ hưu một cách bình thường, ông quyết định viết một cuốn sách "vô tư" về MI5. Một số trang ông viết đầy những tự hào về những "thành công" rực rỡ của sở phản gián Anh Quốc, nhưng phần lớn tác giả đã phê phán sự bất lực của cơ quan nầy. Thêm vào đó, Wright chia sẻ với độc giả vô số những nghi ngờ của ông. Theo ông, ngay cả Sir Roger Hollis, một thời là giám đốc sở MI5, rất có thể đã từng là gián điệp của Liên Xô... Tác giả tin rằng việc "bắt gián điệp" ở Anh thiếu sót cả năng lực lẫn trình độ.

Nhiều khi Wright đi quá xa trong việc hồi tưởng về những "cuộc chiến đấu chống các điệp viên Kremlin" mà quên mất rằng những phương pháp của MI5 mà ông mô tả là chống lại với công pháp quốc tế. Đối với chính quyền, sự thành thực quá đáng của ông gây lắm phiền toái. Chúng tôi được biết rằng Luân Đôn không muốn tạo ra một tiền lệ cho kẻ khác tham gia vào trong phạm vi hoạt động phức tạp nầy: sẽ ra sao nếu có một số người lại muốn theo gương Wright?

MÁY MICRÔPHÔN TRONG CÁC TÒA ĐẠI SỨ

MI5 đã từ lâu nuôi giấc mộng đặt các máy micrôphôn vào trong sứ quán Liên Xô ở Luân Đôn. Một cơ hội thuận tiện để thực hiện việc nầy xảy ra vào đầu năm 1960 lúc tòa Lãnh sự gần công viên Hyde Park đang sửa chữa. Nhân viên phản gián đã tìm cách xâm nhập căn nhà, khoan bằng tay những lỗ không thể nhận ra được vào một bức tường trong cơ quan. Và đặt vào đấy những máy micrôphôn cực nhạy. Những máy nầy hoạt động được sáu tháng không có trở ngại gì rồi bỗng im bặt. Wright được lệnh lẻn vào tòa nhà vào ban đêm để khoan những lỗ mới.

Vào năm 1955, Wright thuở đó là một chuyên gia rành rõi về việc bố trí máy micrôphôn, được gởi đến Canada để giúp đỡ những đồng nghiệp địa phương những công việc thuộc lãnh vực của ông. Ở Ottawa, nơi mà tòa đại sứ Xô-viết đang được xây dựng, Wright và Terry Guernsey, người Canađa, đã thực hiện chiến dịch Dương Thần (Satyr), họ gắn micrôphôn vào khung cửa sổ và kéo dây dẫn qua một đường hầm đặc biệt đến một trạm thu tiếng bí mật do cơ quan phản gián Canada tổ chức.

Sau đó, Wright được gửi sang Úc để gắn một micrôphôn vào tòa đại sứ Xô-viết ở Canberra (chiến dịch Mole-Chuột chũi). Về sau, ông gợi ý nên gửi một món quà gắn sẵn máy vi âm đến tòa Đại sứ Xô-viết ở Anh Quốc. Công tác của các nhân viên MI5 trong số những Nghị viên thường đều đặn viếng thăm Tòa Đại sứ Xô-viết cũng được đề cập đến trong chiến dịch.

Không thể nói lúc nào Peter Wright cũng gặp may, con người từ Oxford nầy đã có lần bị buộc phải rời khỏi mái nhà tòa đại sứ Hunggari ở Luân Đôn vì cảnh sát ngỡ ông là trộm đạo. Cảnh sát gọi về sở an ninh Scotland Yard và "kẻ rình bắt gián điệp" đã rời khỏi hiện trường bình yên.

Những nhân vật ngoại giao từ "những quốc gia không thân thiện" không phải là những kẻ duy nhất bị sở phản gián Anh theo dõi. Suốt trong buổi hội nghị của Khối thịnh vượng chung ở Lancaster House, Wright được giao nhiệm vụ đặt micrôphôn ở đó: cơ quan của ông muốn biết những đại biểu của các thuộc địa và các xứ chịu ảnh hưởng trước đây của Anh Quốc đang thảo luận kế hoạch gì đằng sau cánh cửa đóng kín? Ông hãnh diện nhớ lại suốt trong giai đoạn khủng hoảng vấn đề Kinh Suez, ông đã hoàn tất sự "xâm nhập bằng kỹ thuật" vào tòa đại sứ Ai Cập như thế nào và đã bắt được việc trao đổi tin tức giữa tòa đại sứ và thủ đô Cairo bằng bản tin mã hóa ra sao. Vào năm 1960, Luân Đôn có trục trặc với Paris vì nước Pháp không muốn có Anh Quốc trong khối thị trường chung. MI5 đã vượt qua sở tình báo mật Anh Quốc (M16) trong việc cung cấp cho White Hall tin tức xác thực từ tòa đại sứ Pháp ở Luân Đôn. Theo Wright, những thông điệp cá nhân của tướng De Gaulle gởi đến đại diện của ông tại Luân Đôn đều được "phục vụ" cho bộ Ngoại giao Anh vào ngay ngày nhận trong cái gọi là "hộp thư đỏ".

MỘT ÂM MƯU CHỐNG LẠI THỦ TƯỚNG

Trong những câu chuyện của chúng tôi về sở mật vụ Anh, chúng tôi có đề cập đến một âm mưu chống lại Harold Wilson, người đã lãnh đạo hai Nội các của Đảng Lao động. Peter Wright đã xác nhận điều nầy.

Sự xuất hiện của nội các Đảng lao động của Harold Wilson trong chính quyền vào năm 1964 đã không được các nhân vật đầu não của sở mật vụ Anh hoan nghênh. Có một thời kỳ thủ tướng Anh Quốc đã nhiệt tình với một công ty có liên hệ thương mại với những tổ chức ngoại thương - Xô-viết. Ông đã từng viếng thăm Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết nhiều lần và MI5 đã không ngừng để mắt theo dõi những hoạt động của ông. Bây giờ ông có quyền tối thượng đối với sở tình báo, ông có thể tìm hiểu về bất kỳ một chiến dịch nào và ngay cả đòi hỏi một báo cáo về những kẻ theo dõi chính ông đang hoạt động ra sao.

Chẳng phải là nhân viên sở phản gián Anh Quốc nhưng mà là những đồng nghiệp Hoa Kỳ đã khởi sự một âm mưu chống lại Wilson.

James Angleton, trùm phản gián C.I.A đã đến Luân Đôn và đã trao cho MI5 một số tin tức tối mật nhằm chống Wilson. Ngay cả Peter Wright, phụ tá giám đốc sở tình báo cũng không biết được nội dung bản tin ấy. Dầu vậy ông đoán chắc rằng "con chuột chũi" cũng đang bị người Mỹ chủ mưu. Tuy thế, những tay trùm của MI5 gọi điện thoại đến Thủ tướng - thỏa thuận với sự dàn cảnh của Hoa Kỳ - chỉ để được khuyến cáo rằng mọi tố giác nhằm chống lại ông đều không đích thực. Cố gắng dọa dẫm ông đã thất bại.

Sở mật vụ Anh Quốc vẫn tiếp tục cố bôi nhọ Wilson. Ngay sau khi nội các của Đảng Bảo Thủ của Edward Heath nắm chính quyền vào năm 1970, một phụ tá thân tín của vị Thủ Tướng mới đã giới thiệu một "Kỹ nghệ gia giàu có" với Wright. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một hiệu ăn. "Nhà kỹ nghệ" hứa với Wright một việc làm trong công ty của ông ta và nói rằng ông ta là đại diện cho một nhóm có trách nhiệm loại Đảng lao động ra khỏi chính quyền, ông ta chú ý đến những tin tức nhằm đả kích nhân vật Wilson, và Wright đã đồng ý cung cấp những tin tức ấy.

Ngẫu nhiên Wilson biết được âm mưu lật đổ ông và ông dùng những biện pháp chống lại. Những kẻ âm mưu phải đánh bài tháo lui, nhưng chẳng bao lâu ông cũng phải từ chức. Thay thế ông là một thủ tướng thuộc Đảng lao động, James Callaghan, người đã phát biểu trong buổi điều trần ở nghị viện vừa mới đây về những hoạt động của "những người bắt gián điệp" rằng những nhân vật bí mật đã âm mưu không những chống lại Wilson mà ngay cả với chính bản thân ông nữa. Dẫu sao, ông cũng không dính gì đến sở phản gián "toàn năng" kia, "những chính khách có thể đến rồi đi, nhưng sở an ninh vẫn bất diệt". Tại MI5 họ đã bảo như thế.

ĐỖ HỮU THẠNH
(Dịch từ báo "Thời Mới" 12-87)
(SH30/04-88)







 

Các bài mới
Phòng tối (01/07/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)
Các bài đã đăng
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)