Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-14)
Những kỷ niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
09:21 | 15/07/2014

CAO THỊ QUẾ HƯƠNG

Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.

Những kỷ niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh do Trần Viết Ngạc chụp năm 1972)

Lúc bấy giờ, mọi người đều coi Trần Viết Ngạc là “ông bầu” của anh Trịnh Công Sơn. Anh Trần Viết Ngạc vốn là một thầy giáo dạy sử, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, không hiểu duyên cớ gì lại đi làm “ông bầu” cho một nhạc sĩ!

Những năm tháng này, chiến tranh Việt Nam vô cùng ác liệt. Hằng đêm, hằng ngày, khi đang ngồi học ở giảng đường hay khi đã vào giường đi ngủ, lúc nào cũng nghe tiếng đạn đại bác dội về. Nhất là vào lúc nửa đêm, tiếng đại bác gây cho ta biết bao nỗi xót xa, căm giận. Thanh niên đi quân dịch bị chết trận đưa về ngõ phố hằng ngày, ngay cả trong giới sinh viên. Nhất là sinh viên trường y khoa, sau 5 - 6 năm miệt mài học tập, tốt nghiệp ra trường, bị động viên đi phục vụ chiến trường, năm ba tháng sau đã có người tử trận, tin báo về gia đình đi nhận xác... Nơi đâu cũng thấy quan tài, nghĩa trang và nước mắt, cho nên các bài hát trong “Ca khúc Da vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dễ đi vào lòng người, tạo nên tâm lý phản chiến trong xã hội. Anh em sinh viên tranh đấu trong Tổng hội Sinh viên nhiều người chưa đồng tình lắm với quan điểm nhìn nhận lịch sử của Trịnh Công Sơn qua một số lời ca, như Gia tài ca m mt nước Vit bun hoặc Hai mươi năm ni chiến tng ngày; có anh em đã viết bài phê phán trong vài tờ nội san sinh viên học sinh. Dù vậy, những ca khúc phản chiến của người nhạc sĩ này vẫn được nhiêu giới yêu mến và ca hát.

Khi tôi về Đà Lạt nghỉ hè, hai anh Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc cũng lên Đà Lạt để phổ biến “Ca khúc Da vàng”. Các anh đến thăm tôi tại nhà và ngỏ ý muốn được tổ chức các đêm hát cho đồng bào Đà Lạt nghe.

Ngay đêm đầu tiên, hai anh vừa lên Đà Lạt, một người bạn của Trịnh Công Sơn đã tổ chức cho anh trình diễn tại sân nhà mình, đối diện cổng trường Bùi Thị Xuân, tôi không nhớ rõ số nhà, 70 hay 77 gì đó. Đêm “làm nháp” đầu tiên cũng đã gây xúc động trong số bạn bè quen biết ở Đà Lạt. Lúc bấy giờ, em gái tôi là Cao Thị Thu Cúc đang dạy học ở trường Trung học tư thục Việt Anh, lại đang theo học Khoa Việt Hán Trường Đại học Đà Lạt, là Trường của Đoàn nữ Hướng đạo Đà Lạt, đã xin phép thầy Lê Phỉ, Hiệu trưởng Trường tư thục Việt Anh tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Được thầy Lê Phỉ đồng ý, các nữ hướng đạo sinh và chị em chúng tôi chia nhau đi rủ rê từ xóm Nhà Bò - tức khu vực đường Đào Duy Từ, đến đường Hoàng Diệu, nơi nào có nữ hướng đạo ở thì cổ động rủ người đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn nơi đó. Chúng tôi còn kẻ giấy dán trên các cột đèn, các vách tường dọc đường đi, mời “Đồng bào các bn đón nghe nhc sĩ Trnh Công Sơn ti sân trường Vit Anh”. Về phía hai anh Sơn và Ngạc, bạn bè các anh chắc cũng rủ rê như vậy.

Đến đêm trình diễn, sân trường Việt Anh đông nghẹt người. Không có sân khấu, không có đốt lửa trại. Dưới ánh đèn bình thường, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn hát, khán giả đứng xung quanh sân. Sau mỗi bài hát, đồng bào vỗ tay giòn dã. Nhiều người đi chợ, đi làm về cũng đứng lại lắng nghe, rồi dần dần bước vô sân trường. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát đến bài “Ru con”: “Ng đi con, ng đi con, đứa con da vàng ca m... M mang đầy bng m bng trên tay. Ru con ru đã bao ln...ru con viên đạn làm hng vết thương. Hai mươi năm đàn con đi lính đi ri không v...”, tôi nghe có ai đó nấc lên. Đêm hát thành công ngoài dự đoán, cả người hát và người tổ chức đều rất phấn khởi.
 

Trịnh Công Sơn tập cho sinh viên Huế hát một ca khúc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc - Ảnh của Lê Văn Lợi, công bố lần đầu


Ba đêm sau, cũng đoàn nữ hướng đạo, em gái tôi lại xin phép linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt tổ chức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại giảng đường Spellman cho sinh viên đại học Đà Lạt nghe. Anh em sinh viên đến dự rất đông, có cả người ngoài Viện Đại học cũng vào dự. Người nghe ngồi chật cả giảng đường. Giữa hai bài hát, các em nữ hướng đạo mặc đồng phục hướng đạo sinh, lên tặng nhạc sĩ bó hoa hồng và mấy viên xí muội!

Phần tôi, tuy nhiệt tình cổ động cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng có điều gì đó tôi chưa đồng ý. Qua bài Người gái Vit có câu: Người con gái Vit Nam da vàng, yêu quê hương nên yêu người yếu kém. Tôi lựa lúc hỏi: “Sao người con gái Việt Nam yêu quê hương phải yêu người yêu kém?” Tất nhiên là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải có cách giải thích và trả lời về “người yếu kém” đó là ai - là những người Việt Nam nghèo khổ, là những nạn nhân chiến tranh v.v.

Sau mùa hè đó, tôi không có dịp gặp lại cả hai anh. Rồi tôi thi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chọn nhiệm sở về dạy học tại trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ. Khi dạy học, tôi thường đem các bài hát của Trịnh Công Sơn và Miên Đức Thắng ra tập cho học sinh của tôi và được các em rất thích. Nhưng khi bà hiệu trưởng biết được, bà liền mời tôi lên văn phòng “làm việc”...

Sau đợt I Tết Mậu Thân năm 1968, tôi bỏ dạy và thoát ly hoạt động nội thành Sài Gòn cho đến tháng 3 năm 1970 thì tôi bị bắt cùng với 21 anh em sinh viên học sinh khác, trong đó có sinh viên Huỳnh Tân Mâm là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên lúc bấy giờ và cả anh Nguyễn Ngọc Phương, người chồng sắp cưới của tôi. Tôi bị bắt hai tuần trước ngày gia đình tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Chúng tôi bị đánh la liệt, nhiều người chết đi sống lại phải đưa đi cấp cứu. Phong trào đấu tranh bên ngoài vẫn mạnh mẽ với các cuộc mít tinh, hội thảo, biểu tình, tuyệt thực, bãi khóa... diễn ra hàng ngày trên các đường phố Sài Gòn, lôi kéo nhiều giới ủng hộ, tham gia như các giáo sư đại học, nghị sĩ, dân biểu, linh mục, đại đức tăng ni Phật giáo, phụ nữ chợ Sài Gòn, công nhân các xí nghiệp… Phong trào lan ra các trường đại học ở Huế, Cần Thơ... Khi chúng tôi được đưa qua nhà tù Chí Hòa để chờ ngày ra tòa án mặt trận vùng 3 chiến thuật, một hôm tôi được kêu đi thăm nuôi và bất ngờ được gặp anh Nguyễn Ngọc Phương. Anh Phương đưa cho tôi một bài hát chép tay, có kẻ nhạc và chữ viết của anh Trịnh Công Sơn đề tặng chị Quế Hương và anh Nguyễn Ngọc Phương. Được biết, anh Trịnh Công Sơn đã nhờ anh Trần Viết Ngạc tìm cách chuyển bản nhạc này vào nhà tù Chí Hòa khi anh Ngạc vào thăm giáo sư Trần Hữu Khuê cũng bị giam giữ tại đây.

Tôi cầm bản nhạc, đọc lời: “Toàn thân em đã có vết bầm, trên da anh cc hình tra tn. Trên thân ch nhc nhn đau thương. Triệu bàn tay chúng ta bước đi trên mt tôi đòi. Trong tim mi người là mt đồng lúa mi. Ta hiên ngang bên thú mt người. Cht cùm xích cho quê hương mm cười...”.

Sau khi ra tòa, tôi được tạm phóng thích cùng 10 anh chị em khác. Chúng tôi hòa nhập vào phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh và đồng bào Sài Gòn đang dâng cao và tôi đã cùng bạn bè hát thuộc bài hát này - bài hát do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gởi vào nhà tù Chí Hòa tặng cho chúng tôi. Thật đáng tiếc, là sau nhiều năm cuộc sống và tranh đấu có nhiều xáo trộn, bài hát viết tay do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gởi tặng tôi không còn giữ được, nhưng lời ca và nét nhạc thì tôi không quên.

C.T.Q.H
(SDB13/06-14)







 

Các bài mới
Sen Huế (07/08/2014)
Lệ đàn (05/08/2014)
Các bài đã đăng
Chiều kinh đô (15/07/2014)
Tóc David (15/07/2014)
Em chắc rằng (11/07/2014)
Nhớ Phùng Thăng (11/07/2014)