Tạp chí Sông Hương - Số 305 (T.07-14)
Cuộc tụ nghĩa trên dòng Hương Giang
15:14 | 25/07/2014

NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

Ngày 3/5/1916, trong khi bên trong Hoàng cung, nhà vua trẻ Duy Tân chuẩn bị xuất cung với những công việc và nghi thức hết sức khẩn trương, nghiêm trang và đầy bí mật, thì bên ngoài Hoàng cung, từ bốn phía, những đội nghĩa binh và các vị thủ lĩnh ở các tỉnh và các vùng lân cận Kinh đô Huế cũng đã bí mật tụ về ứng nghĩa.

Cuộc tụ nghĩa trên dòng Hương Giang
Cụ Trần Cao Vân - Ảnh: internet

Cuộc tụ nghĩa ấy diễn ra trên dòng sông Hương có những nét hào sảng giống như bất cứ một cuộc tụ nghĩa nào trong lịch sử, mà lại có nét riêng biệt dưới bầu trời chớm sang hè đầu tháng 5 xứ Huế. Ấy là những điều thuật lại của Nguyễn Quang Siêu, tức Đội Siêu, một trong bốn yếu nhân chỉ huy khởi nghĩa, người đã chứng kiến cuộc “Hương giang tụ nghĩa” hôm ấy… Từ chiều hôm trước, những thủ lĩnh và chiến sĩ của xứ Quảng đã lần lượt bí mật đến với Huế bằng nhiều con đường khác nhau. Thái Phiên đi bằng chuyến tàu lửa buổi sáng, Trần Cao Vân đi bằng chuyến tàu chiều. Lê Cơ, Lê Châu Hàn, Phạm Thành Chương… đều cũng đã bí mật ra Huế, nhận nhiệm vụ theo sự phân công. Chắc chắn rằng còn có những nhân vật lịch sử nữa mà chúng ta chưa thể biết hết được. Ví như, một nhân vật mà tài liệu của Pháp còn lưu trữ, đó là Trương Văn Chúng. Trong sơ yếu lý lịch của ông, có ghi lại thật vắn tắt, nhưng có thể thấy ông đã có mặt trong hàng ngũ những người ứng nghĩa ở Huế vào những giây phút trọng đại của cuộc khởi nghĩa. Họ ghi rằng:

“Họ và tên: Trương Văn Chúng - Ngày và nơi sinh: Sinh 1881 ở Bala xã, tổng Nghĩa Hạ - Phủ Tư Nghĩa - Tỉnh Quảng Ngãi. Chức vụ: Binh Nhất - Số quân 198. Ngày nhận chức: 14/7/1911. Đăng ký phục vụ tự nguyện thời gian 6 năm tính từ ngày 01/01/1902 nhận chấp binh nhì từ ngày này… Tình nguyện phục vụ trong thời gian chiến tranh, gia nhập vào liên đoàn lính chiến ở Huế ngày 23/01/1916. Phạm trọng tội trong cuộc nổi loạn ở Huế ngày 3/5/1916. Đêm 3 rạng ngày 4 tháng 5, có mặt bên nhà Vua song còn thời gian trở về doanh trại lính chiến trước lúc người ta phát hiện vắng mặt. Đuổi khỏi đơn vị lính chiến và bắt giam tại nhà lao Hộ Thành, kinh thành Huế” (Tài liệu số 90, hồ sơ 65530 - Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại đặt tại Thành phố Aix-en- Provence, Pháp). Những dòng lý lịch thật là vắn tắt, nhưng lại gợi lên biết bao điều suy đoán về một con người, về bối cảnh của sự việc. Tại sao người lính Trương Văn Chúng ấy ở tận Quảng Ngãi xa xôi, lại có thể liên hệ để đến trên chiếc thuyền của nhà vua sau khi vua đã xuất cung trong đêm 3/5? Ông có nhiệm vụ gì đây để cần có mặt bên nhà vua vào thời khắc diễn ra đại sự như thế? Con đường từ doanh trại lính chiến, tức là đồn Mang Cá đến bến đò Phủ Cam nơi nhà vua có mặt trong đêm 3/5, là một quãng đường khá xa, làm sao người lính chiến Trương Văn Chúng có thể ra khỏi đồn lính, đến gặp vua rồi lại trở về kịp để không bị phát hiện, tức là trước lúc điểm danh thường lệ trước khi đi ngủ? Hẳn là một sự tính toán rất chặt chẽ và điều đó chỉ có thể xảy ra trong khi cần phải thực hiện một công việc gì đó rất quan trọng?

Cũng ngay sáng hôm ấy, 3/5/1916, từ Quảng Trị, ít nhất cũng có 5 nhân vật đã đi tàu lửa vào Huế, dưới nhiều lý do khác nhau để che mắt địch. Đó là ông Nguyễn Khoan, tức Ấm Vệ, một nhà nho ở thành Quảng Trị, người mà trong biên bản hỏi cung, thực dân Pháp đã ghi rõ “đây là nhà nho đã mang các chiếu chỉ ra tán phát ở thành tỉnh Quảng Trị kích động nhân dân khởi nghĩa”. Và ông Nguyễn Khoan cũng là người đã bị bắt và đưa ra xét xử ở Huế ngày 17/5/1916, mà trong bản án của Nam triều ngày hôm đó có ghi tên ông cùng với nhiều đồng chí khác. Những người từ Quảng Trị vào Huế sáng 3/5 còn có các ông Liên, ở làng Thượng Xá, ông Thuận ở làng Diên Sanh, cùng đi chuyến tàu lửa với ông Ấm Vệ, là các ông có hiệu là Hổ Khê và Đậu Binh cũng người Quảng Trị mà tạm thời chúng ta chưa biết rõ danh tánh. Và một nhân vật quan trọng khác ở Quảng Trị có thể coi là ngọn cờ tập hợp lực lượng của vùng đất này là ông Khóa Bảo cũng đã cùng vào Huế tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa trong ngày trọng đại này. Chính Thái Phiên đã xác nhận trong bản khai thứ ba rằng ông “đã phân công việc chỉ huy cụ thể ở từng cánh quân, như các ông Phạm Thành Chương, Khóa Bảo, Đậu Binh và một số ông ở Quảng Trị vào…”.

Và trong buổi sáng chớm hè trên dòng sông Hương ở đoạn sông từ cồn Giã Viên đến gần Bến Ngự, các chiếc thuyền đã lần lượt tụ về con thuyền chủ soái trong đó có Trần Cao Vân - Thái Phiên. Các ông Nguyễn Khoan, Liên, Thuận từ Quảng Trị vào cũng đến, khi mà các chiến hữu từ Quảng Nam, từ các vùng phụ cận Huế đã tụ tập khá đủ. Sát cánh với những người dân nghĩa khí đó, còn có các vị chức sắc đương quyền trong số các quan lại Nam Triều như Quan Đề Phú, Quan Thống Biểu, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Ở các làng quê quanh Huế, những chức sắc đương chức hoặc đã nghỉ hưu cũng đã bí mật chuẩn bị những vật dụng, tiền nong và tập kết các loại vũ khí như dao rựa, mã tấu hoặc nhiều đồ vật khác mà họ âm thầm mua sắm, rèn đúc từ lâu. Ví như ở các làng Văn Thê, Thanh Lam, An Lưu, Diên Đại, Hà Trung miệt Phú Vang, An Hòa, An Cựu, Phát Lát của Hương Thủy, Hương Trà, những hào mục, quan viên, các nghĩa binh, dân binh như Nguyễn Thượng Y, Nguyễn Thượng Trung, Hường Tri, Hường Tân, Thơ Thiêm, Ba Sóc, Tú Du, Ký Hiếu, Thầy Nghệ, Hường Tuyển, người Tàu Minh… đã chuẩn bị những chuyến đò chở dao, rựa, mã tấu cho các dân binh như Lê Hoàng, Sum, Hoán, Phức, Nguyễn Chín, và những người dân vô danh khác bí mật chở đến các bến đò ven sông Hương. Những chiến sĩ vô danh ấy mưu trí vượt qua những đồn bốt kiểm soát của kẻ thù, đến những địa điểm đã hẹn trước, họ đã hò lên những điệu hò dân dã làm tín hiệu cho những người đồng mưu để tiếp nhận vũ khí, cất giấu vào những địa điểm cần thiết. Thì ra, ở đâu cũng vậy, vì sự nghiệp yêu nước, những con người vô danh vẫn gan dạ, liều mình, thầm lặng đóng góp công sức cho nghĩa cả. Vì, như ta đã biết, trên những dòng sông Thu Bồn, Vu Gia… của Quảng Nam hay Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ… của Quảng Ngãi, cũng trong những ngày đó, bao nhiêu nghĩa binh và đồng bào ta đều thầm lặng ẩn mình trên những con thuyền, dệt vải, may cờ hoặc tập luyện võ nghệ…, hướng về ngày hẹn ước để đánh đuổi quân thù. Ở xứ Huế, trên giòng sông Hương và những chi lưu của con sông đó ở miệt Gia Hội, Bao Vinh ra đến An Hòa hay An Cựu, những người dân binh cũng âm thầm tập kết về điểm hẹn, vừa bảo vệ cho những chiếc thuyền của các thủ lĩnh đang nhóm họp, vừa chuyển vận, cất giấu những vũ khí và các quân trang, quân dụng, vật phẩm khác sẵn sàng cho giờ phút hành động đang đến gần… Vào lúc đó, trong buổi sáng tháng Năm xứ Huế, họ đều tụ tập xung quanh hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên, sẵn sàng chờ lệnh. Chính lúc ấy, Nguyễn Quang Siêu đi thuyền tới thông báo những tin tức từ cung vua, nói rõ thời điểm mà nhà vua sẽ xuất cung đích thân tham dự vào hàng ngũ những người trung nghĩa dám xả thân vì giang sơn, vì nền độc lập của đất nước. Vào lúc mà các thủ lĩnh của các cánh quân hội tụ gần như đầy đủ, từ trên mui thuyền, chủ soái Trần Cao Vân đã dõng dạc tuyên bố những quyết định lịch sử. Điều đó đã được Nguyễn Quang Siêu thuật lại một cách giản dị với mấy dòng ngắn gọn và súc tích: “Đến ngày mùng 2 tháng 4, Thị-Vệ Đề đến tìm tôi vào lúc 10 giờ sáng và yêu cầu tôi đi tìm Trần Cao Vân ở bến đò Giã-Viên. Khi đến nơi tôi thấy có hai chiếc thuyền, trong một chiếc tôi thấy có 4 người, còn trong chiếc kia tôi nhận ra 5 người là Trần Cao Vân, Huỳnh Anh, Năm Hựu, một người ở Quảng Trị, Quan-Đề, còn những người khác tôi không quen. Cũng trong một khoang thuyền vừa đi tới, tôi nhận ra Quan-Thống-Biểu trong số những người ở trên thuyền. Liền đó, Quan-Thống-Biểu đi sang thuyền của Trần Cao Vân. Lúc mọi người đã tập họp lại, Trần Cao Vân tuyên bố rằng: “Chúng ta đã quyết định thời điểm tấn công chính là tối hôm nay”… Trần Cao Vân nói rằng chính Huỳnh Anh và Quan-Đề-Phú sẽ cùng chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh thành tối nay. Dưới sự chỉ huy của họ không chỉ có những người ở Huế, mà còn có những người đến từ phía Bắc và phía Nam”.

Còn đây, chính Thái Phiên cũng đã cho biết trong các bản khai của ông rằng do sự phát triển của tình hình như vậy, trong những ngày cuối tháng Tư đầu tháng Năm, các ông và đồng sự đã bận rộn và khẩn trương như thế nào. Chỉ trong vòng 20 ngày sau khi diễn ra cuộc hội ngộ với vua Duy Tân, các vị thủ lĩnh và đồng sự của mình đã phải xúc tiến biết bao là công việc, mà đỉnh cao là hai ngày quyết liệt cuối cùng. Trong bản khai cung lần thứ hai, ông thuật lại như sau: “Chúng tôi rất lo làm cách nào vận động dân chúng nổi dậy, vì chúng tôi chưa có chiếu chỉ của Nhà Vua, và chúng tôi cũng không có gì để nói với họ rằng Đức Vua sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trước tình huống như vậy, ông Trần Cao Vân lại phải đi Huế để xin chiếu chỉ, còn tôi cùng với các bạn thân tín đi khắp nơi để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Cũng lúc đó, tôi giao cho ông Lê Châu Hàng đi Huế để vận động số lính mới tuyển mộ tham gia cuộc khởi nghĩa. Ngày hôm sau tôi ra Huế để đọc chiếu chỉ của Nhà Vua. Khi đến nơi, ông Trần Cao Vân cho tôi xem bức chiếu… Ngày 28 tháng Ba âm lịch chúng tôi quay lại Quảng Nam tổ chức ngay các cuộc họp với đồng chí, bạn bè thân tín để bàn cách đẩy nhanh cuộc khởi nghĩa. Các đồng chí cho biết, ở Đà Nẵng đồng bào rất sôi sục, do đó tôi có cảm nghĩ rằng kế hoạch dự định cuộc khởi nghĩa đã bị lộ. Ông Lê Châu Hàng báo cho chúng tôi biết số lính mới tuyển mộ đã có nhiều người sẵn sàng tham gia. Ông cũng cho biết rằng Sáu Cụt, bạn của ông ta, xác định là tự nguyện vận động, thúc giục lính chiến tham gia khởi nghĩa. Ông Sáu Cụt còn cho biết số lính chiến chắc là sắp bị đưa sang Pháp nay mai. Do vậy ông ta khuyên nên gấp rút khởi nghĩa. Tức thì tôi cho mời ông Trần Cao Vân đến gặp mặt và cho ông hay rằng dân chúng đang xao động, lính chiến chắc là sắp lên đường, vì vậy nên quyết định để không bỏ lỡ thời cơ và tôn trọng ngày giờ mà Đức Vua đã ấn định, tức là đêm mồng hai tháng Tư âm lịch. Lúc đó, chúng tôi giới thiệu các ông Lê Châu Hàng, Phạm Thành Chương, Phan Thành Tài để giữ các vị trí trọng trách. Sáng ngày mồng 1 tháng Tư tôi đi xe lửa ra Huế, đến chiều gặp ông Trần Cao Vân cũng ra. Chúng tôi rất bận vì chưa làm xong việc vận động quần chúng tham gia nổi dậy. Ngay khi đến Huế, chúng tôi giao cho ông Đội Siêu tìm gặp ông Thị Vệ để ông báo cho Đức Vua chiều tối nay (mồng hai tháng Tư ÂL) khoảng 9 giờ ông Trần Cao Vân sẽ đến đón Đức Vua rời Hoàng cung bằng xe kéo. Còn tôi ở lại bên ngoài để chuẩn bị cuộc tấn công. Ông Lê Châu Hàng và ông Phạm Thành Chương sẽ chỉ huy các chiến binh đến từ Quảng Nam và Quảng Trị. Chiến binh Thừa Thiên sẽ do các học trò của ông Trần Cao Vân chỉ huy. Cả ba toán quân hướng về phía Mang Cá, núp ở đó đợi lệnh tấn công. Đội Siêu sẽ chỉ huy những người của vệ binh Hoàng gia. Một người phiên dịch là anh em của Sáu Cụt sẽ chỉ huy các lính mới chiêu mộ người bản xứ. Lực lượng này phải đến vùng nhượng địa để cướp súng ống và đạn dược, sau đó sẽ ban bố lệnh tấn công cùng với các đơn vị khác…”.

Trong bản khai thứ ba, là bản khai lần cuối cùng, ông nhắc lại về những giờ phút chỉ huy trong đêm khởi nghĩa, và nói rõ thêm một vài chi tiết trong việc phân công chỉ huy ở Huế, ở Quảng Nam - Đà Nẵng. “Trong đêm mùng hai của tháng này, trước khi Nhà Vua xuất cung, Trần Cao Vân chịu trách nhiệm đón và bảo vệ Nhà Vua, trong khi tôi chịu trách nhiệm chỉ huy các cánh quân lính tấn công Kinh thành. Tôi đã phân công việc chỉ huy cụ thể ở từng cánh quân, như các ông Phạm Thành Chương, Khóa Bảo, Đậu Binh và một số ông từ Quảng Trị vào, trong khi đó thì Lê Châu Hàn, Trứ, Sáu Cụt chịu trách nhiệm vận động, khuyến dụ số lính mới tuyển dụng vào lực lượng lính mộ tấn công vào đồn Mang Cá và vào các đồn binh bảo vệ Tòa Khâm sứ và Tòa Công sứ Thừa Thiên, nhằm chiếm đoạt súng ống và đạn dược”.

Một nhân vật là thủ lĩnh trong cuộc khởi nghĩa này, nhưng còn ít người biết về ông - đó là Nguyễn Quang Siêu. Ông đã trở thành một cận vệ thân tín của nhà vua. Trong khi Tôn Thất Đề, Dương Đức Tuyên, Lê Đình Thưởng được nhà vua chọn đi theo đoàn tùy tùng, hộ vệ nhà vua, thì Nguyễn Quang Siêu ở lại Kinh thành, vì chính ông đã được nhà vua ký bổ nhiệm làm Phó Thống chế và trong đêm khởi nghĩa, ông được phân công bắn pháo hiệu làm hiệu lệnh tấn công, đồng thời chỉ huy các lực lượng ngự lâm quân, lính bảo an tham gia vào đạo quân đánh chiếm và trấn giữ vùng cung điện và thành trì. Ông cũng là người đã dày công xây dựng lực lượng trong số quan lại và ở các địa bàn phụ cận. Những công việc ấy, chắc chắn đã có sự chỉ đạo và khuyến khích của nhà vua. Từ lâu, ông đã cùng với Nguyễn Thượng Trung, cựu tá lý bộ Binh, thường gọi là Quan Tá Trung, bí mật vận động nhiều chức sắc ở vùng phụ cận Huế, thành lập “Quế Viên Thương mãi hội” ở tổng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, nhằm súc tích kinh tài cho lực lượng khởi nghĩa. Trong những ngày tiến tới khởi nghĩa, ông trực tiếp chỉ huy các dân binh chuyên chở vũ khí từ các làng xóm đồng quê ấy, đưa về các địa điểm ven bờ sông Hương chuẩn bị cho các cuộc tiến công sẽ nổ ra trong đêm 3 rạng sáng 4/5/1916. Chúng ta hãy nghe một vài người trong cuộc tham gia vào các chuyến vận chuyển đó kể lại. Đây là lời kể của người lính thân binh Lê Hoàng: “Tôi tên là Lê Hoàng, 34 tuổi, quê làng Thanh Lam, tổng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên… Tôi đăng ký vào lính thân binh vào năm Thành Thái thứ 15, được thăng chánh bát phẩm đội trưởng vào ngày mồng một tháng giêng năm nay. Ngày mồng một tháng Tư tôi nói với vợ tôi là đi ra chợ để mua cá biếu ông quản và ông đội trong đại đội của tôi. Trong lúc tôi đang nói chuyện với vợ tôi, thì Nguyễn Tâm - anh vợ tôi - đến báo là Đội Siêu mời tôi đến nhà Bát Y. Khi tôi đến đã thấy Đội Siêu và Bát Y đang nói chuyện. Đội Siêu giao cho tôi đi thuê đò, buổi chiều đó ông lại giao cho tôi cùng đi với một người tên là Sum để mua tranh và mây để đánh thành dây quai chèo. Ông ta giao cho tôi một đồng, sau đó bà vợ Bát Y nói chúng tôi phải thay áo quần trước khi đi ra phố, bà mời Đội Siêu ăn cơm trưa với bà. Một lúc sau chúng tôi thấy Bát Y đã thay áo quần nên chúng tôi cũng làm theo, rồi cùng đi ra vạn đò Văn Thê để thuê đò của một người mà tôi không biết tên với giá là ba quan, sau đó chúng tôi đi mua mây. …Sáng ngày mồng 2 tháng Tư, tôi gặp chánh quản và phó quản để trao quà. Khi trở về tôi gặp Sum, và ông mời tôi ăn trưa. Sau bữa cơm tôi đến vạn đò của làng, mang theo 4 mái chèo. Khi đến nơi tôi tìm con đò không có người chèo, chúng tôi lên con đò đó và chèo về làng Dưỡng Mong, chúng tôi gặp Nguyễn Hoàng được gọi là Thầy Nghệ và Nguyễn Chín đang đợi chúng tôi, mỗi người mang một bó hàng, bên ngoài bó chiếu. Các bó hàng đó được đưa xuống đò. Chúng tôi cần phải chèo thuyền đến bến Thương Bạc gần trường Hậu Bổ. Chín cầm lái, Nguyễn Hoàng chèo ở mũi, còn tôi và Sum chèo ở giữa. Đến Phát Lát, Nguyễn Hoàng dừng chèo để lấy các dao rựa để giấu vào áo quần. Khi đến dưới cầu ga Huế trên kênh đào Phủ Cam, Nguyễn Hoàng bảo Chín cất tiếng hát để báo cho người đồng phe biết là con đò đã đến nơi. Khi Chín cất tiếng hát, thì có hai người đến, tôi biết được Đội Siêu còn người kia tôi không biết được vì trời tối. Hai người đó lên thuyền của chúng tôi và lệnh cho chúng tôi chèo thuyền đến bến Thương Bạc…” (Tài liệu số 99, hồ sơ 65530).

Còn Nguyễn Hoàng, tức Thầy Nghệ, thì thuật lại: “Tối mùng 2 tháng Tư, có người tên Chín đến gọi tôi và nói là Đội Siêu muốn nói chuyện với tôi. Vừa mới ra khỏi nhà, tôi gặp ngay Đội Siêu ngồi trên một chiếc xe kéo, bên cạnh bờ kênh của làng Thanh Lam. Lúc đó, Đội Siêu bảo Chín và tôi đi theo ông ta để đến làng Dưỡng Mong. Khi chúng tôi tới làng đó, thì thấy một con thuyền đang đậu ở bến bốc dỡ vật dụng ở tàu thuyền. Trong chiếc thuyền đó, có Quan-Tá TRUNG và Ký-HIẾU. Đội Siêu cho dừng xe kéo để nói chuyện với họ. Sau một vài phút, Đội Siêu dẫn chúng tôi đến bên cạnh một bụi tre gần con kênh và bảo chúng tôi lấy ra hai bó mã tấu gói trong chiếu và đem hai bó đó vào trong thuyền nói trên. Ngay khi mã tấu được xếp vào thuyền, Đội Siêu bảo chúng tôi chèo thuyền đi về hướng ga Huế, mà ở đó, chúng tôi phải hát một bài hát do ông ta soạn, để ra hiệu là chúng tôi đến. Còn Quan-tá TRUNG và Ký-HIẾU phải đi đến bờ đê Thọ Lộc - gần Tòa Khâm sứ - cách thế nào cho kịp có mặt ở trận mở màn tấn công. Những người chèo chiếc thuyền chở mã tấu là Chín, Sum, Hoán và tôi. Khi thuyền chúng tôi đến ga Huế, Chín hát một bài ca nhỏ. Đội Siêu đến chỗ chúng tôi và bảo chúng tôi đưa thuyền đến bến đỗ để ông ta có thể lên bờ cùng với một người khác mà tôi không biết mặt để được đi tới bến Thương Bạc - gần Trường Hậu Bổ -. Khi thuyền đến, ông ta rời thuyền cùng với người mà tôi không biết mặt để đi đâu đó, tôi không biết.” (Tài liệu số 104, hồ sơ 65530).

Còn Nguyễn Chín là em Đội Siêu, cho biết như sau: “Chiều ngày mùng 2 tháng Tư, tôi ra sông tắm và gặp Đội Siêu, anh tôi. Tôi hỏi: Anh đi đâu vậy? Anh ấy trả lời là đi thăm Quan Tá Trung và bây giờ thì đi đến chỗ Thầy Nghệ. Tôi hỏi ảnh mục đích cuộc đi thăm này. Anh ấy trả lời là cần Thầy Nghệ về một công việc nhỏ và bảo tôi đi tìm Thầy ấy. Một lúc sau, tôi trở lại cùng Thầy Nghệ. Anh tôi bảo Thầy Nghệ đi theo ảnh để đến chỗ Quan Tá Trung. Khi chúng tôi đến đó, Đội Siêu ngồi lên một xe kéo để đi, còn chúng tôi đi theo cho đến một bụi tre gần con mương mà ở đó Đội Siêu trao đổi câu chuyện gì đó với Thầy Nghệ, sau đó thì Ký Hiến và Thầy Nghệ đưa ra hai bó dao rựa, mã tấu bó trong chiếu rồi đem xuống chiếc thuyền đã cập vào bến đậu của chợ Thanh Lam. Tôi thấy Quan Tá Trung ngồi trong con thuyền đó. Vì hai bó mã tấu nặng, nên Thầy Nghệ giao cho tôi bê một bó. Những người chèo thuyền là Sum, Hoán, Thầy Nghệ và tôi. Chúng tôi chèo thuyền về hướng bến Thương Bạc, gần trường Hậu Bổ. Khi đến Phát Lát, Thầy Nghệ giấu các lưỡi dao găm, con rựa trong tay áo. Khi thuyền đi đến bến đậu của trạm cảnh sát ga Huế, Hoán bảo tôi đi tìm Đội Siêu, tôi sợ nhân viên cảnh sát, nhưng Hoán thuyết phục tôi rằng Đội Kinh là trưởng trạm này cũng là người ở về phía chúng ta. Tôi rời thuyền đi tìm Đội Siêu, và may quá, tôi gặp ngay Đội Siêu chỉ cách trạm cảnh sát vài bước. Sau khi gặp tôi, Đội Siêu đi tới thuyền cùng với một người mặc đồ đen và đi giày. Anh tôi lên thuyền và bảo chèo thuyền đến Thương Bạc, gần trường Hậu Bổ. Sau ít phút, chúng tôi đến nơi, thì Đội Siêu, bác Hoán và người lạ lên bờ rồi quay trở lại một lát sau đó, trừ người lạ mặt. Đội Siêu bảo chúng tôi ở đó chờ những người đến nhận số dao găm, mã tấu đưa đi. Sau khi dặn dò như vậy, Đội Siêu đi với Hoán vào Hoàng Cung. Vài giờ sau, hai người mặc đồ xanh, giống như lính, đến nói với chúng tôi là họ đến thay Đội Siêu. Một trong hai người đó vào trong thuyền, người còn lại đi tìm những người đến nhận vũ khí. Một lát sau hai người đó bảo chúng tôi chèo thuyền đến cầu An Hòa. Vì chúng tôi thấy mệt và đói bụng, tôi lại buồn ngủ và ngủ quên. Khi Thầy Nghệ gọi tôi dậy thì các bó dao găm, mã tấu không còn trong thuyền nữa…”. (Tài liệu 100, hồ sơ 65530).

Một lực lượng khác tham gia trong cuộc tụ nghĩa lịch sử này, chính là những người trong lực lượng cảnh sát Kinh thành. Như lời thuật lại của Nguyễn Chín, khi đến trạm ga Huế, thuyền chở vũ khí đi ngang qua trạm cảnh sát, thì người trưởng trạm đó là Đội Kinh “cũng là người ở về phía chúng ta”. Đội Kinh là ai? Trong hồ sơ lưu trữ, người Pháp còn giữ lại sơ yếu lý lịch của ông với những dòng vắn tắt như sau: “LÊ VIẾT KINH - Nhân viên cảnh sát ở Huế ngày 01/11/1908; hạ sĩ ngày 14/7/1909. Nhận xét: Hoàn thành tốt nhiệm vụ cảnh sát được giao.

Anh em cô cậu (anh em bạn dì) với Đội Siêu - một trong những yếu nhân của cuộc mưu loạn ở Huế ngày 03/5/1916 bị xử chém ngày 17/5/1916. Lê Viết Kinh có liên lụy nặng nề với cuộc mưu loạn trên. Đang giam giữ kín tại nhà lao Hộ Thành” (Tài liệu 91, hồ sơ 65530).

Dẫu nhắc đến Đội Kinh rất ít, nhưng Trần Cao Vân cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của Đội Kinh. Chính Trần Cao Vân cho biết rằng, Lê Viết Kinh được phân công là một vị chỉ huy một cánh quân phối hợp với lực lượng lính chiến tấn công đồn Mang Cá trong đêm khởi nghĩa. Trần Cao Vân và Thái Phiên đã nhiều lần đến nhà Đội Kinh như một cơ sở liên lạc tin cậy (tài liệu số 39, hồ sơ 65530). Hình ảnh của ông vừa là một trạm trưởng trạm cảnh sát của địch ở bến đò ga Huế, vừa là một “người của đằng mình” để bảo vệ những chuyến đò vận chuyển vũ khí cho phe khởi nghĩa đi qua trót lọt, cho thấy những nhà cách mạng đã dày công biết bao trong việc xây dựng lực lượng trong lòng địch ngay tại sào huyệt quân thù.

Một hướng khác của những nghĩa quân chuyên chở vũ khí và tập hợp lực lượng cũng là từ miệt sông nước Tam Giang vùng Phú Vang vòng qua An Hòa, do một người con xứ Quảng ra phối hợp với những người là dân bản địa tiến hành. Người con xứ Quảng đó, chính là Phạm Thành Chương, một chiến hữu thân thiết của Thái Phiên, con trai thứ hai của một nhân vật nổi tiếng, là danh thần đời Tự Đức quê ở xứ Quảng - đó là tiến sĩ Phạm Như Xương, quê ở làng Ngân Câu, nay là xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, cũng là một nhà yêu nước tham gia Cần Vương chống Pháp ngay từ khi quân giặc ngoại xâm mới đặt chân lên đất nước Việt Nam, bị thực dân và triều đình Đồng Khánh bắt giam. Tiếp bước người cha đáng kính đó, Phạm Thành Chương đã quyết chí chiến đấu, bền bỉ và mưu trí cùng các vị thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề xây dựng lực lượng, cơ sở yêu nước. Ông đã được Thái Phiên phân công đi vẽ bản đồ các điểm đóng quân của địch, trong ngày mùng 3 đi vẽ sơ đồ đồn Mang Cá. Những ngày trước đó, Phạm Thành Chương đã cùng những đồng đội chí thiết ở Huế như Bửu Phi, Hường Nhẫn, Hai Ngô, Bát Hiệp, Ngô Xuân Hòa, Đặng Khánh Khải, Nguyễn Châu Trinh, Nguyễn Trọng Ngôn đi kiểm tra những cơ sở sản xuất vũ khí ở nhiều làng xung quanh Huế như Hà Trung, Thanh Đàm, An Hòa, Bát Vọng… và chỉ huy việc vận chuyển vũ khí vào Huế. Một người trong cuộc là Đặng Khánh Khải đã thuật lại hoạt động của Phạm Thành Chương và các đồng đội của mình trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa ấy: “Ngày mồng 2 tháng 4 người bạn của tôi tên là Hai Ngô đi tìm người đàn bà tên là Dung, mà tôi đến nhà anh ta để cùng trò chuyện với Phạm Thành Chương người đồng đảng của Trần Cao Vân. Khi đến nơi Phạm Thành Chương mời tôi cùng đi đến Kinh thành Huế và ông giao tôi đi tìm Cậu Bốn ở gần đê Thọ Lộc để báo cáo cho ông này đưa phu đến chỗ đã chọn. Làm xong nhiệm vụ tôi đi về, dọc đường tôi gặp Phạm Thành Chương và hai người ở cầu Gia Hội, tôi báo là đã làm xong nhiệm vụ được giao. Đến 2 giờ chiều Phạm Thành Chương ra đi còn tôi và Hai Ngô đi về phía đê Thọ Lộc để đi tìm Cậu Bốn. Dọc đường tôi gặp Bốn đi cùng với 8,9 người phu. Hai Ngô dặn cậu Bốn ở lại đây với các người phu, để khi Hai Ngô trở về giao việc. Trong lúc đi về hướng Đông Ba, tôi đi về vạn dò Thương Bạc gần trường Hậu Bổ. Khi đến đó tôi lại gặp hai Ngô trong lúc đang hỏi Phạm Thành Chương là những con rựa để ở đâu. Phạm Thành Chương trả lời con đò chở dao rựa, mã tấu sẽ đến bây giờ, chúng ta sẽ lấy mỗi người một cây dao. Chúng tôi chờ nhiều giờ song chẳng thấy đò đến. Phạm Thành Chương lên một con đò để đi tìm con đò chở dao rựa, mã tấu… Trên đường về nhà tôi gặp Đào Duy Khánh tôi hỏi ông ta ai điều khiển con đò chở dao rựa, mã tấu. Ông trả lời đó là ông Nậy người làng An Hòa. Tôi hỏi Bùi Trí Đại người làng Thanh Đàm là hiện nay số dao rựa ở đâu. Bùi Trí Đại trả lời trong đêm đó ông Nậy không nhận được lệnh nên đã chôn hết số dao đó gần làng An Hòa”. (Tài liệu số 54, hồ sơ 65530).

Chi tiết về việc số dao rựa, mã tấu được dấu ở lòng sông An Hòa, đã được Khâm sứ Trung Kỳ Le Marchant de Trigon sau này xác nhận trong báo cáo ngày 5/6/1916 gửi Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Charles. Trigon nhấn mạnh rằng: “- Cũng thấy được rằng trong dự kiến của các người nổi dậy, việc tấn công bằng vũ khí cầm tay phải được tiến hành ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Faifo và Huế. Việc xảy ra ở Tam Kỳ và việc phát hiện giáo, kiếm, dao găm và thang, không nghi ngờ gì nữa, đã cho thấy vấn đề này. Năm két lớn, mỗi két có 40 vũ khí như dao, rựa… vừa được tìm thấy ở Huế do đã bị nhận chìm ở kênh An Hoà.” (Tài liệu số 70, hồ sơ 65530). Cũng trong bản báo cáo này, viên Khâm sứ Trung Kỳ lúc ấy còn cho biết, mãi sau ngày đàn áp được khởi nghĩa, chính quyền thực dân mới hiểu rõ được thêm rằng, chính trong hàng ngũ của họ, những viên quan chức và những vị cựu quan chức, đã đứng vào hàng ngũ khởi nghĩa với nhiều hình thức mà họ không ngờ tới. Báo cáo trên viết: “Những lời khai của nhân chứng thu thập được gần đây đã thật sự cung cấp cho ta những thông tin đích thực và chính xác làm sáng tỏ diện mạo của vụ việc này… Những lời khai do Hội đồng xét xử thu thập gần đây giúp bắt cựu Tá Lý Nguyễn Trung, một cựu quan chức ở Bộ Binh, việc này chứng tỏ có 1 số quan lại đương chức và cựu quan lại tham gia phe nổi dậy”. (Tài liệu số 70 vừa dẫn).

Cựu tá lý Nguyễn Trung là ai? Ở trên chúng tôi có đề cập rằng ở vùng ven Huế, ở các làng An Lưu, Dưỡng Mong, Thanh Lam, Diên Đại… đã hình thành một tổ chức do Nguyễn Quang Siêu chỉ đạo, với sự đứng đầu là Nguyễn Thượng Trung, cựu tá lý Bộ Binh, mà trong dân gian thời đó thường gọi là Quan Tá Trung. Về việc này, một chánh tổng có tham gia vào hoạt động thành lập Quế Viên Thương Mãi Hội, đã khai nhận rằng, đã có cả chục người tham gia vào tổ chức này trong một thời gian dài. Với tên hội là Quế Hương Thương Mãi Hội, chắc chắn đây là một hình thức hoạt động bề ngoài là một hội buôn có tính hợp pháp, nhưng bên trong chính là để vận động gây quỹ kinh tài và tập hợp lực lượng cho khởi nghĩa. Chánh tổng Nguyễn Trâm kể rằng: “Tôi được thăng Chánh Tổng vào năm thứ hai niên hiệu Duy Tân. Vào tháng cuối của năm đó tôi phụ trách việc báo cho các lý trưởng trong huyện Phú Vang về việc trợ cấp cho người nghèo. Khi đến làng Thanh-Lam, tôi gặp Nguyễn Thượng Y - người anh của Quan-tá Trung, cựu tá lý ở bộ Binh, mời tôi đến nhà của Quan-tá Trung để chơi bài. Tôi cùng đi với ông ta. Đến nơi tôi thấy quan Hường-Trị, cựu lang-trung ở bộ Học, quan Hường-Tân, cựu chủ sự của Phủ Phụ chính, Đội Siêu, Bá Sóc, Thơ Thiêm, Tú Du, Ký Hiếu, Thầy Nghệ, tôi cùng chơi bài với họ. Khi chúng tôi nghỉ chơi, Quan-tá Trung nói: Tôi đã nghỉ hưu từ lâu nên không có việc chi để làm. Tôi muốn thành lập một hội buôn, mỗi hội viên phải góp từ 50 đến 100 đồng. Tất cả mọi người đều chấp nhận dự án này của Quan-tá Trung. Riêng về phần tôi, tôi nói là không có địa vị để tham gia. Song Quan-tá Trung nài nỉ nên tôi hứa sẽ trả lời trong vài ngày nữa sau khi đã bàn bạc với vợ. Quan-tá Trung lại nói: các lại mục của huyện Phú Vang đều muốn gia nhập Hội như Hường Tuyển, Lý Lập, Bá Ngạc. Tiếp theo quan-tá Trung nói với Thầy Nghệ lập bản danh sách. Khi Thầy Nghệ lập xong bản danh sách liền đưa cho mọi người ký. Riêng quan Hường Trị và quan Hường Tân không ký vì nói họ đã già rồi, và hai người ra về. Trong tháng 2, những người buôn ở hai chợ Thanh Lam và An Lưu không nạp thuế môn bài và đã xảy ra ẩu đả. Quan tri huyện Phú Bài cử lại mục Võ Đình Nghinh và tôi đến nơi để tiến hành điều tra. Khi làm xong thì Quan-tá Trung nhờ các lý hào của làng ông mời hai chúng tôi đến nhà ông để ăn trưa. Chúng tôi đến nơi đã quá trưa nên bụng đói. Sau bữa cơm, Quan-tá Trung nói ông đã thành lập hội, các hội viên đã ký tên, những nhà giàu và lý hào ở các làng xã xung quanh đã chấp nhận đóng tiền và ông mời chúng tôi tham gia. Ông lại mục bảo vì bận với một cuộc điều tra mới nên không thể ở lâu, nên xin cáo từ. Trên đường về chúng tôi trao đổi và thấy rằng đây không phải là tổ chức hội buôn bởi vì một trái khoán lên đến từ 50 đến 100 đồng, chúng tôi bàn là sẽ báo cho nhà chức trách khi chúng tôi thấy được tận mắt bản danh sách hội viên. Đến ngày 29 tháng 3, vị quan này lại mời chúng tôi đến ăn giỗ. Khi chúng tôi đến nơi ông ta tiếp với thái độ hòa nhã, và hỏi chúng tôi có mang tiền đến không? Chúng tôi nói là muốn xem bản danh sách trước khi đóng tiền. Ông ta nói vì bận tiếp khách nên đến lúc tan tiệc mới cho xem được. Quan-tá Trung kêu Hà và bà vợ ông ta ca hát và đàn xướng. Tôi ở lại vài giờ và đi về nhà”. (Tài liệu số 98, hồ sơ 65530).

Cuộc tụ nghĩa trên giòng Hương Giang thật là muôn hình ngàn vẻ. Nó quy tụ từ một nhà vua yêu nước sẵn sàng rũ bỏ ngai vàng, đến sự hy sinh thầm lặng của những người dân bình thường ở những làng xóm âm thầm ven đô hay ở những miền nông thôn, rừng núi xa xôi, tựu trung vẫn là biểu hiện từ ý chí bất khuất, quyết xả thân vì nghĩa lớn của dân tộc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do!

N.T.Đ  
(SH305/07-14)







 

Các bài mới
Trang thơ Du An (04/08/2014)
Quê tôi (28/07/2014)
Các bài đã đăng
Bạn bè tôi (25/07/2014)