Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Chuyện trò ở Huế
08:34 | 12/08/2014

LTS: Cuối tháng 4, trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh trở lại Hà Nội, sau đợt "trốn rét", bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có ghé lại Huế. Bác sĩ định dừng chân lại đây lặng lẽ, âm thầm "trò chuyện" với những kỷ niệm thời niên thiếu của mình 65 năm trước. Thế nhưng những người mến mộ bác sĩ ở Huế lại không muốn như vậy. Và thế là những cuộc "chuyện trò" chung đã được tổ chức, tiếp ngày này sang ngày khác, giữa bác sĩ và cán bộ các ngành các giới. Dưới đây là một mẩu "chuyện trò" bác sĩ gởi lại bạn đọc Sông Hương trước khi lên đường.(S.H)

Chuyện trò ở Huế
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - Ảnh: internet

NGUYỄN KHẮC VIỆN


Những đợt gió đông bắc cuối mùa phủ lên Huế một màn mưa mù lất phất. Vẫn dòng sông yên lặng, vẫn những ngôi nhà xinh xắn, nấp bóng sau những hàng rào chè tàu, những vườn cây yên lặng. Tiếp xúc với một số anh chị em làm khoa học kỹ thuật, công tác ở các báo đài, các văn nghệ sĩ, các cụ hưu trí, cả các cán bộ thành ủy, tôi thấy rõ Huế chỉ yên lặng bề ngoài thôi. Bên trong thì đang âm ỉ những hòn than đỏ, những ngọn sóng ngầm, có dịp sẽ bùng lên.

Huế cũng như cả đất nước đang gian lao vì thiếu gạo, vì lạm phát. Huế lại còn day dứt vì ôm lấy một cái vốn lịch sử, một cái vốn văn hóa quý báu, không những riêng cho mình mà chung cho cả nước, mà cái vốn ấy cứ xuống cấp hoài. Không còn là thủ đô, không được một thể chế gì hơn các tỉnh lị khác; từ ngân sách Trung ương lúc này cũng chẳng mong được gì. Cựu tổng giám đốc UNESCO hết lòng muốn giúp Huế, nhưng Mỹ, Anh, Nhật đã cản trở cố gắng của ông M.BoW. Huế phải tìm cách tự cứu lấy mình. Người dân Huế day dứt: làm gì đây?

Bè bạn ở Huế xem tôi như người nhà: thời bé - hơn 65 năm đã qua - ngày ngày tôi chạy theo đàn voi của nhà vua qua cửa Thượng Tứ, đến bến Thương Bạc xem voi tắm rồi vào học ở trường Bôn-Be (nay là Phú Hòa). Những anh chị em còn trẻ (dưới 70) cho tôi là người từng trải hơn, nên nỗi day dứt của họ, tâm sự với tôi và buộc tôi cùng họ tìm câu trả lời.

***

Tôi cũng chỉ biết lặp lại khẩu hiệu: lấy dân làm gốc.

Dân là ai? Nói như người xưa, sĩ, nông, công, thương. Nhưng thời buổi này, thiếu gạo chạy rông, trước hết nói đến nhà nông. Cho đến nay, chúng ta suy nghĩ theo một mô hình tưởng là xã hội chủ nghĩa chân chính: quốc doanh là 100% xã hội chủ nghĩa, tập thể 50%, còn cá thể là phi xã hội chủ nghĩa. Xóa bỏ cá thể nhanh chừng nào tốt chừng ấy. Vì vậy đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội, một nguyên tắc mà chính Engels đã nêu lên 150 năm trước, là để cho người nông dân có đủ thời gian suy nghĩ để hoàn toàn tự nguyện gia nhập các hình thức làm ăn tập thể. Chúng ta đã vội vàng ép buộc nông dân vào hợp tác vào tập đoàn. Hợp tác là do trên áp đặt, chứ không do nông dân tự nguyện lập nên. Vì vậy, đẻ ra một bộ máy cồng kềnh, một mảnh đất cỏn con mà không biết bao nhiêu người trong xóm trong xã, từ huyện, từ tỉnh, từ Trung ương ngày ngày chen vào "chỉ đạo và quản lý", rồi trăm chuyện, cái gì cũng bổ vào công điểm hợp tác xã, rút cục người cày ruộng không còn quyền trên miếng đất của mình mà lúa gạo làm ra cũng không thu về được bao nhiêu. Mất quyền làm chủ, mất miếng ăn, người nông dân không thể nào hứng sản xuất. Nhà nước thì thu nhiều hơn mua, lạc đậu nông dân bán theo giá Nhà nước, phân thuốc vải vóc mua theo giá thị trường.

Có thể làm theo một mô hình khác. Giải thể những hợp tác mà bà con không đồng ý giữ lại, trở về cá thể, trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất nhỏ, người nông dân có trọng quyền, không ai chỉ đạo cả. Nhà nước thì thực hiện mấy khâu:

- thu thuế

- xây dựng những cơ sở khoa học kỹ thuật tạo ra các loại giống và các phương tiện sản xuất ngày càng tinh xảo.

- tổ chức tốt nội thương ngoại thương mua nông sản của nông dân theo đúng giá (chứ không thu), bán lại cho nông dân những phương tiện sản xuất và hàng tiêu dùng. Bán theo đúng giá chứ không cấp.

Dần dần, vì yêu cầu của sản xuất, chính những người nông dân sẽ bàn với nhau lập ra những tập thể với những hình thức phù hợp nhất với điều kiện khách quan từng địa phương, không cần một bộ máy chỉ đạo quản lý cồng kềnh.

Huế ruộng đất eo hẹp, bão lụt bất thường, càng phải thận trọng trong việc tập thể hóa; mà càng nên đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật về kinh tế vườn, việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm vườn, (chưa nói sản phẩm sông biển). Chúng ta không từ bỏ chủ nghĩa xã hội, mà thực hiện đúng phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

***

Nói đến Huế việc đầu tiên là nghĩ đến du lịch. Khác với nhiều người, tôi không vội vàng nghĩ ngay đến du khách quốc tế, đến việc "hái đô la" một cách dễ dàng, mà trước hết đến du lịch nội địa. Chiếm lại cung điện lăng tẩm từ tay vua quan, trước hết phải để cho đồng bào cả nước thưởng ngoạn. Đồng bào Tày Nùng ở Cao Bằng, bà con thành phố Hồ Chí Minh, hay ở Cà Mau phải được đến thăm Đại Nội, dạo đò nghe ca Huế trên sông Hương. Và nhân đi Huế có thể thăm cả một vùng, đèo Hải Vân, Lăng Cô, núi Bạch Mã, sông Bến Hải, và cả Đà Nẵng, Mỹ Sơn.

Đến thăm cơ sở cung An Định của công đoàn, tôi nghĩ ngay đến những lâu đài xưa mà các tổ chức công đoàn và thanh niên Pháp đã biến thành những quán trọ rẻ tiền, đặc biệt cho thanh niên (thời sinh viên tôi đã nhờ mạng lưới quán trọ ấy mà đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của Pháp). Trong những phòng của cung An Định, có thể đặt 10 - 15 giường, để đón những đoàn du lịch của bà con từ Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác; trong nhiều chùa chiền cũng có thể bố trí như vậy. Đỡ phải xây khách sạn mà có khách sạn thì cũng mấy ai đủ tiền đến thăm Huế. Tôi cho rằng một thanh niên Hà Nội - Sài Gòn được nghe một buổi ca Huế một đêm trăng trên dòng sông Hương, không còn thú vị gì mà nghe những bài nhạc xập xình điếc tai nữa. Và cũng không cần lên lớp giảng bài về lòng yêu nước, quý trọng văn hóa dân tộc với những thanh niên ấy. Tiền các tỉnh sẽ đổ về giúp bà con ở Huế, Huế lại giúp cả nước nâng cao trình độ văn hóa. Những cơ sở tạo ra cho bà con trong nước cũng phục vụ được kiều bào, và cải thiện dần, đón những đoàn khách từ các nước anh em, cuối cùng mới đến du khách từ các nước tư bản. Tôi không nghĩ rằng ta có thể - và có lợi - đón tiếp ngay một số đông khách các nước tư bản, ta chưa phải là Hungari, còn phải tập sự làm du lịch một thời gian đã. Có phương hướng lâu dài, nhưng chính những dự án viễn vông chỉ làm cho dẫm chân tại chỗ. Tôi không mơ ước trong vài năm sắp đến, Huế có thêm một vài khách sạn hiện đại, chỉ mơ ước là nhiều cơ sở hiện nay bỏ không biến thành những quán du lịch rẻ tiền.

***

Vào thăm bảo tàng, nhìn những áo gấm hài thêu, tôi không nhớ đến vua quan ngày trước, mà nghĩ đến các nước anh em. Một thị trường 400 triệu người đang trên đà phát triển kinh tế xã hội, đang đòi hỏi những hàng mỹ nghệ. Huế đã bắt đầu liên doanh liên kết với các nước anh em trong một vài ngành; thiết tưởng cần chủ động thêm và nhất là theo cơ chế mới trong khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế) tìm cách làm ăn trực tiếp với các xí nghiệp, địa phương ở các nước:

Với các nước tư bản, không thể ảo tưởng rằng sự đầu tư của họ sẽ "cứu nguy" cho kinh tế nước ta, như một số người nêu ra; nhưng cũng có thể buôn bán trao đổi mặt này mặt khác. Hội Những người yêu Huế có thể đóng vai trò trung gian môi giới quan trọng. Nhưng nghĩ đến Việt Kiều, cần tránh tư tưởng chỉ thấy "kiều hối", chỉ thấy đô la, quên mất mặt chất xám. Nhất là Huế lại là một trung tâm văn hóa, với 4 trường đại học và một truyền thống văn hóa lâu đời. Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Sông Hương được người đọc trong và ngoài nước đánh giá cao - chưa có tỉnh nào kể cả thành phố Hồ Chí Minh, ra được một tạp chí như vậy. Huế có một nhà xuất bản, một tờ Bình Trị Thiên, một đài phát thanh, vô tuyến, đều mang tính năng động. Huế có một đội ngũ trí thức không ít, từ nhiều nguồn, có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nhiều anh chị em thèm muốn những điều kiện làm việc của trí thức Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, nhưng kể ra Huế cũng có một vài lợi thế. Có vài anh em đã bỏ Huế tìm về thủ đô hay vào Sài Gòn, nhưng Đại hội VI của Đảng ta và Đại hội 27 của Đảng cộng sản Liên Xô đã dấy lên nhiều suy nghĩ và những tia hy vọng.

Huế có thể là nơi nghiên cứu nhiều đề tài khoa học tự nhiên và xã hội độc đáo. Về khí hậu, cây cỏ, Huế là nơi giao tiếp Nam - Bắc, biển có, rừng có, phá nước lợ lớn nhất của đất nước. Cả một mảng lịch sử gần 4 thế kỷ, từ lúc chúa Nguyễn vào lập nghiệp cho đến ngày nay đang chờ đợi nhiều công trình nghiên cứu; cần đánh giá thật trung thực vai trò của vua chúa Nguyễn, một địa chí như của Bảo Ninh chưa có nơi nào làm được như vậy. Sự phối hợp giữa anh em Huế và các đồng chí Liên Xô cùng Việt Kiều trong việc nghiên cứu về Người Rục là một thí dụ điển hình về tiềm năng khoa học của Huế.

Về đề tài kháng chiến chống Pháp - Mỹ, thì Huế là một trong những địa phương có những trang lịch sử oanh liệt nhất từ những chiến công trên con "đường không vui" cho đến tết Mậu Thân. Với một em Gavroche hy sinh trên chiến lũy đường phố Paris, Victor Huygo đã viết nên những trang bất hủ, chỉ riêng những kỳ công của một đội trinh sát thiếu niên của Huế vào những ngày đầu kháng chiến đã đủ làm nội dung cho một quyển "Tuổi thơ dữ dội" hơn 600 trang hết sức hấp dẫn. (Phùng Quán, Nhà xuất bản Thuận Hóa).

Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội không thiếu đất dụng võ cho trí thức Huế. Cái khó là đất nước còn nghèo nàn, nhưng chính điều ấy lại là một yếu tố kích thích sự tìm tòi. Cái khó nhất đối với anh em trí thức, cái khó muôn thuở vẫn là mối quan hệ với lãnh đạo. Minh quân lương tướng gặp nhau thì trăm việc trôi chảy, ăn đói một tí cũng chẳng sao (người quân tử ăn chẳng cầu no), nhưng nếu lãnh đạo không thấy hết nhu cầu của trí thức, của những con người khoa học văn nghệ, thì khó mà sản sinh ra những công trình đáng kể. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu ra chủ trương "cởi trói cho văn nghệ sĩ", khẩu hiệu ấy cần mở rộng cho tất cả giới trí thức. Đừng tưởng có thể hạn chế tự do sáng tác trong văn nghệ và khoa học xã hội mà vẫn có thể thúc đẩy sự phát triển của khoa học tự nhiên: trong một không khí ngột ngạt, thì các kỹ sư bác sĩ cũng không lấy gì làm hào hứng lắm. Huế có một truyền thống văn hóa tốt đẹp, đã có những mầm đổi mới đang chớm nở.

Huế lại có một mối quan hệ quốc tế có thể giúp mở ra nhiều triển vọng, đó là sự kết nghĩa với Biêlôrussia. Các đồng chí Biêlôrussia tỏ ra sẵn sàng giúp Bình Trị Thiên về mọi mặt; làm sao liên kết ngày càng chặt chẽ hoạt động của hai bên trí thức Huế và trí thức Biêlôrussia là một phương hướng cần khai thác triệt để.

***

Trời hửng nắng ngày tôi rời Huế trở về Hà Nội.

Những giờ phút gặp gỡ với anh chị em Huế, như những tia nắng đầu hè sưởi ấm lòng người ra đi. Tạm biệt Huế và hẹn ngày gặp lại.

Tháng 4-1988
N.K.V
(SH31/06-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)