Tạp chí Sông Hương - Số 307 (T.09-14)
Bức thư gởi thủ tướng
15:13 | 17/09/2014

LTS: Yann Martel sinh ngày 25 tháng 6 năm 1963 tại Salamanca, Tây Ban Nha và hiện đang sinh sống tại Montréal, Canada. Ngoài việc nổi tiếng với Cuộc đời của Pi, Martel được coi là một người táo bạo khi nảy ra sáng kiến cứ nửa tháng lại gửi sách cho Thủ tướng Canada Stephen Harper và đề nghị Harper nên đọc. Dưới đây là một trong những lá thư đó của ông, qua bản dịch của Nguyễn Đức Tùng.

Bức thư gởi thủ tướng
Yann Martel - Ảnh: internet

YANN MARTEL

Bức thư gởi thủ tướng

Thưa thủ tướng S. Harper,

Ông đã có dịp gọi cho Alice Munro chưa? Tôi nhớ khi được trao giải thưởng Man Booker, tôi nhận được điện thoại của thủ tướng lúc bấy giờ là Chrétien. Lúc ấy tôi đang ở Bá Linh và ông gọi từ Ottawa, vì vậy cần có sắp xếp trước. Tôi nói chuyện với người phụ tá, ông ấy ghi lại số điện thoại của tôi, và chúng tôi đồng ý về một giờ hôm sau. Vào giờ hẹn, chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy và đó là Jean Chrétien. Mặc dù đã biết là ông ấy, tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng. Thủ tướng Canada trên đường dây điện thoại! Và ông ấy muốn nói chuyện với tôi! Chúng tôi trò chuyện trong vài phút. Ông chúc mừng tôi nhận giải thưởng văn học. Tôi trả lời rằng tôi lấy làm sung sướng mang về cho Canada giải Booker thứ ba. Ông nói viết sách là việc khó khăn. Ý ông muốn nói về kinh nghiệm viết cuốn hồi ký của mình “Nói thẳng từ trái tim”. Viết sách đúng là chuyện khó khăn, tôi nói, nhưng cũng xứng đáng với công sức. Ông ấy đồng ý. Chúng tôi trò chuyện như thế thêm vài phút nữa, hai người lạ tán gẫu với nhau thân mật. Rồi ông bảo ông phải đi, và tôi liền cám ơn ông, nói rằng tôi thật vinh dự, chúc ông một ngày tốt lành. Ông cũng cám ơn, chúc tôi tương tự. Tôi thấy xúc động vì một người bận rộn và quan trọng đã dành thời gian trò chuyện với mình. Nói cho cùng, ông ấy nhận được gì từ cuộc điện thoại ấy? Đó chẳng qua là cuộc trò chuyện riêng tư dành cho một công dân mà thôi. Cùng lắm ông ấy sẽ có thêm một lá phiếu. Nhưng đó không phải là lý do. Ông ấy là thủ tướng Canada, thủ tướng của tất cả người dân trên đất nước chúng ta, và rõ ràng ông cảm thấy bổn phận của mình về việc trò chuyện với một nhà văn đã giành giải thưởng cao quý, ngay khi ông chưa hề đọc cuốn sách của nhà văn ấy.

Và bây giờ, Alice Munro vừa nhận giải Man Booker quốc tế, một giải thưởng loại khác, chỉ trao hai năm một lần cho một nhà văn có thành tựu lớn về tiểu thuyết. Sau nhà văn Ismail của Albania năm 2005, sau nhà văn Chinua Achebe của Nigeria năm 2007, Munro của chúng ta đã nhận giải vào năm nay, 2009. Xứng đáng được khen ngợi chứ, phải không?

Để vinh danh Alice Munro, tôi gởi ông tập truyện Chạy Trốn của bà, 2004, cả bản in trên giấy và băng nghe, được đọc bởi nghệ sĩ Kymberly Dakin. Cũng không có lý do đặc biệt nào khiến tôi chọn băng đọc sách. Tôi nhận ra có một băng như vậy, và vì mùa hè đang tới gần, những cuộc du lịch sẽ tới trong mùa hè, nên tôi nghĩ thật lý thú nếu có một băng đọc sách, chín băng thành một tập, nhét vào xe hơi và có lúc ông sẽ chìm đắm vào khí hậu thân mật của truyện Munro. Trong truyện thứ hai, truyện Ngẫu Nhiên, một trùng hợp thú vị sẽ xuất hiện. Nhân vật chính, Juliet, có nói rằng cô và một người bạn giáo viên đi xem một “cuốn phim được chiếu lại”. Cuốn phim nào vậy? Hiroshima tình yêu của tôi, cuốn phim mà tôi gởi cho ông kỳ trước. Ông thấy sao? (Ông có thích nó không?) Alice Munro nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ một cách lạ thường, vì vậy tôi cảm thấy ngớ ngẩn khi tìm cách nói về tác phẩm của bà, nhưng lỡ khi ông không quen thuộc lắm, nên tôi vẫn nói vài điều sau đây.

Nhiều tiểu thuyết – kể cả tác phẩm của tôi – đều dựa vào cái lạ lùng, những nhân vật hiếm gặp, và những sự việc ít khi xảy ra cho người đọc. Những câu chuyện như vậy giống như cuộc du lịch ra thế giới; chúng ta thấy lâng lâng sung sướng trước cái mới mẻ lạ lùng. Cách thưởng thức như thế không phải là cách đọc Munro. Truyện của bà viết về người bình thường như hàng xóm chúng ta và những điều xảy ra cho họ cũng xảy ra cho ta mỗi ngày. Liệu điều ấy có làm cho truyện của bà trở nên đáng chán, vô vị, tẻ ngắt? Dưới ngòi bút của một nhà văn khác, có thể lắm. Nhưng dưới ngòi bút của Munro, thì không. Bằng lực đẩy của các chi tiết và sức hút của lối ứng xử tâm lý, đời sống của các nhân vật của bà trở nên kỳ thú. Cũng như cuộc đời buồn tẻ của chúng ta bỗng chốc trở nên kỳ thú với chính chúng ta đây. Không phải vì Munro cố làm cho chuyện bình thường trở nên kỳ dị. Bà không làm thế. Điều mà bà làm là khôi phục cho cái bình thường năng lượng vốn có của chúng, thứ cảm xúc dạt dào vốn có của đời sống. Truyện của bà ít viết về sự kiện lớn lao có thể xé toạc đời ta ra làm nhiều mảnh, mà thường viết về những biến động lên xuống hàng ngày, tuy tế vi nhưng quyết định số phận mỗi người. Nói cách khác, truyện bà viết về độ thô ráp hay mịn màng của cuộc sống. Điều mà tôi yêu thích ở Alice Munro là bà làm tôi yêu mến người hàng xóm của tôi hơn, bởi vì sau khi đọc một tập truyện ngắn, người hàng xóm ấy bỗng nhiên có dáng dấp của nhân vật trong truyện, có một phẩm chất đáng yêu ở người ấy, rằng thật ra con người, mỗi cá nhân, có thể trở nên phong phú hơn như nhân vật trong tiểu thuyết vậy.

Tôi sẽ đi nghỉ hè trong ít ngày nữa, sẽ leo núi ở Peru trong ba tuần, tôi muốn quan sát sự thay đổi khí hậu ở vùng nhiệt đới. Tôi không chắc có thể gởi cho thủ tướng một cuốn sách khác từ Amazon, vì vậy tôi quyết định gởi thêm cuốn nữa trong phong thư này, hai trong một. Vậy thì cuốn sách nào thích hợp với truyện của Munro hơn là tác phẩm của Margaret Atwood? Hai tác giả này thường được nhắc đến như thể họ là chị em sinh đôi. Không nghi ngờ gì nữa, đó là những nhà văn Canada nổi tiếng thế giới, bên cạnh Michael Ondaatje. Và vì chúng ta nhắc đến giải thưởng, xin nói thêm Atwood đã mang về cho Canada giải Booker thứ hai (trong khi Ondaatje giải thứ nhất).

Tôi chọn cho thủ tướng tuyển tập thơ mới nhất của Atwood, tập Cánh Cửa. Tôi đã không gởi các tập thơ cho ông khá lâu, và Atwood là nhà văn đa tài, bà vô cùng xuất sắc cả trong thơ lẫn trong tiểu thuyết.

Điều kỳ diệu đối với thơ là chỉ trong vài trang nó có thể chạm đến nhiều thứ khác nhau. Một căn nhà búp bê được tìm thấy lại, cái chết của con mèo yêu dấu xưa, cha mẹ ta già yếu, cuộc sống dưới thời bạo chúa Caligula, chiến tranh, bức ảnh cũ, nhiều thứ khác – mỗi bài thơ một thế giới riêng và cả tập thơ là một toàn thể, một thiên hà. Những bài trong tập Cánh Cửa có giọng điệu trò chuyện, trao đổi, nhưng lại rõ ràng, chân xác, đi từ xúc động cá nhân đến cảm xúc chính trị. Tôi đặc biệt giới thiệu đến ông bài thơ “Con cú và con mèo, những năm sau”, nói về cuộc đời nhà thơ, và một bài tuyệt diệu, bài Cánh Cửa, nói về cuộc đời, về mọi thứ, sự trải nghiệm và ý nghĩa của nó, tất cả được nhìn qua ẩn dụ một cánh cửa xoay, trong khoảng hai trang giấy in. Tôi đề nghị như đối với các tập thơ khác là ông nên đọc mỗi bài thơ thoạt đầu trong im lặng, để hiểu nó, rồi đọc lại lần nữa, lần này đọc to lên, để cảm nhận tất cả sức mạnh của ngôn từ, để ngôn ngữ thơ tràn ngập tâm hồn mình.

Gởi cho ông tác phẩm của hai nhà văn cùng một đất nước khiến tôi phân vân không biết có thật sự tồn tại một thứ văn học có tính dân tộc không. Có gì đặc biệt Canada về Munro và Atwood, có gì đặc biệt Nga về Tolstoy và Dostoyevsky, có gì riêng nước Anh về Austen và Dickens? vân vân. Tất nhiên ngôn ngữ và khung cảnh của một tác phẩm là gợi ý. Một chuyện xảy ra ở nước Đức, được kể bằng tiếng Đức thì chắc là do một nhà văn Đức viết – nhưng điều đó có nghĩa nó sẽ là một tác phẩm Đức hay không? Nếu một nhà văn Canada kể một chuyện xảy ra ở Ấn Độ thì câu chuyện ấy có làm cho nó trở nên ít tính cách Canada hay không, hơn là một chuyện ở vùng nông thôn tỉnh bang Ontario? Thủ tướng từng nêu nghi vấn rằng tính Canada của chính trị gia đối lập Michael Ignatieff là đáng nghi ngờ vì ông ta sống nhiều năm ở nước ngoài. Liệu sự khiếm khuyết có tính ngụ ý về phẩm chất quốc gia ấy có áp dụng cho tiểu thuyết không? Tôi không nghĩ thế, dù là về con người hay về tác phẩm.

Tôi cũng đã từng nhiều năm sống ở nước ngoài và tôi chưa bao giờ cảm thấy mình có ít đi tính chất Canada cả. Tôi nghĩ điều tương tự cũng dùng cho một tiểu thuyết. Lấy ví dụ Josef Skvorecký. Ông ấy viết bằng tiếng Tiệp, hầu hết về các vấn đề Tiệp, nhưng ông ấy sống ở Canada trên bốn mươi năm. Liệu chúng ta có thể cho rằng ông ta không có tính dân tộc? Dựa và tiêu chuẩn nào? Nếu là ngôn ngữ, liệu chúng ta có thể nói gì về tiếng Anh và tiếng Pháp? Chúng ta cũng dùng chung một ngôn ngữ với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Câu hỏi về tính chất quốc gia hay dân tộc của một nền văn học có thể là một bãi bùn lầy. Nếu có một nền văn học như thế tồn tại, thì nó phải là một tập hợp giàu sức thẩm thấu và luôn thay đổi mỗi ngày. Nó cũng tạo ra một câu hỏi khác: liệu một đất nước sẽ quyết định tính chất của một tác phẩm của nhà văn hay chính nhà văn ấy mới góp phần quyết định tính chất của một đất nước?

Tôi nghĩ là cả hai lập luận đều có thể gây tranh cãi. Trong vài trường hợp, một nhà văn - Kafka chẳng hạn- rõ ràng bắt nguồn từ một thời kỳ, một không gian và một nền văn hóa xác định. Nhưng những người khác – ví dụ Atwood và Munro – thì có tính thế giới nhiều hơn, trong những điều kiện khác biệt nhưng có vài tính cách tương tự, họ có thể đến từ Anh hay Pháp hay Hoa Kỳ. Ai mà biết được? Ồ, đã bao lần tôi tự hỏi, chính tôi cũng mâu thuẫn với mình trong một đoạn văn. Không sao. Tôi đã nêu câu hỏi về tính dân tộc của một nền văn học nhưng lại không chuẩn bị sẵn câu trả lời.

Sau cùng, tôi gởi đến ông băng CD của một nhạc sĩ vĩ cầm người Canada, Oliver Schroer. Nhan đề là Camino, như trong Camino de Santiago de Compostela, tên một thị trấn ở vùng Tây Bắc Tây Ban Nha, một vùng hành hương quan trọng từ thời Trung cổ. Người ta đi bộ tới Santiago từ khắp nơi ở châu Âu, hàng thế kỷ nay. Tôi đã đi bộ hành hương một lần như thế năm 2001, ngay khi vừa kết thúc chương cuối cùng của tiểu thuyết Cuộc đời của Pi. Tôi đã đi bộ một ngàn sáu trăm cây số trong năm tuần lễ. Đó là một kinh nghiệm cá nhân tuyệt vời. Schroer cũng đã từng tới Camino và băng nhạc này là kết quả của chuyến đi ấy của anh.

Tôi gởi băng CD cho thủ tướng vì tôi tin rằng âm nhạc đẹp mê hồn. Buồn thay, người nhạc sĩ vĩ cầm của chúng ta đã chết vì bệnh ung thư bạch cầu mùa hè năm ngoái, cái chết ấy giờ đây càng làm cho âm nhạc của anh trở nên đau xót vô ngần.

Một phong thư làm bận rộn. Chúc ông thưởng thức tất cả.

Với lòng kính mến,

Yann Martel
Nguyễn Đức Tùng dịch
(SH307/09-14)






 

Các bài mới
Nếu...! (26/09/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)
Các bài đã đăng