Tạp chí Sông Hương - Số 307 (T.09-14)
Một chuyến trở dạ của nàng thơ
14:58 | 19/09/2014

BỬU Ý

(Nhân dịp giới thiệu tập sách của nhiều tác giả “Thơ Tân Hình Thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” tại tòa soạn tạp chí Sông Hương, Huế, ngày 15.8.2014)

Một chuyến trở dạ của nàng thơ
Giáo sư Bửu Ý tại buổi giới thiệu sách

LGT: Lần đầu tiên, thơ Tân hình thức Việt được thức nhận khá đầy đủ trong một tập tiểu luận “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” dày gần 500 trang do Sông Hương phối hợp với Nxb. Thuận Hóa ấn hành. Vừa qua cuốn sách này đã được ra mắt tại Tòa soạn của Tạp chí, thu hút đông đảo sự quan tâm của giới văn sĩ trí thức. Tại buổi giới thiệu sách, học giả Bửu Ý đã có bài phát biểu được nhiều người hưởng ứng, Sông Hương xin giới thiệu bài phát biểu đó ngay trong số này.
Cũng trong nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về thể loại thơ Tân hình thức mà Sông Hương đã nhận được, từ số này chúng tôi sẽ đăng những tiểu luận tiêu biểu, mong tạo nên một không khí mới trong “tiếp nhận và sáng tạo” trên hành trình thơ Việt.
S.H

   


Nhân dịp ra mắt tập sách này - là một loại sách đặc biệt khó in và khó phát hành - tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ với quý vị và các bạn.

1. Người làm thơ bây giờ, khi hạ bút viết câu thơ, có khi chẳng ngờ là họ đang làm thơ, phần nào giống như như Jourdain của Molière, hàng ngày nói năng tự nhiên như nhiên, có ngờ đâu chính mình cũng đang làm văn xuôi giống như bao nhiêu nhà văn nổi tiếng khác.

Cũng giống như đời người trải qua nhiều giai đoạn, hay như dòng sông chảy qua nhiều đoạn khác nhau, vận mệnh của nghệ thuật nào cũng được đánh dấu bằng những thời kỳ khi hưng thịnh khi suy tàn, chuyển động theo một con đường thẳng, hay một con đường gãy khúc, với một số thay đổi từ nội tại hoặc từ ngoài vào.

Có điều là cứ ở mỗi khúc quanh giao thời thường diễn ra những biến cố khiến cho nghệ thuật lẫn người làm nghệ thuật chững lại, lo liệu điều chỉnh tầm ngắm trước khi khẳng định mình.

Ở trời Tây cũng vậy, ở trời ta cũng vậy. Ở Pháp, cuối thế kỷ XVII, nổ ra một cuộc tranh luận nảy lửa giữa phái ái Cựu và phái nghinh Tân, một bên chủ trương lấy cổ văn và tác giả Hy La làm mẫu mực, còn một bên quyết canh tân và đề cao ngôn ngữ thoát thai từ vỏ bọc la tinh. Rồi đến đầu thế kỷ XX, thơ đa đa ra đời thì bị tẩy chay, la ó, cũng giống như người ta tẩy chay đường hướng lập thể của hội họa trong buổi đầu. Ở trời ta, sóng gió không kém. Một số bài thơ siêu thực của nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng bị liệt vào thơ đa đa, tức là loại thơ mà người ta gọi là “thơ hũ nút”, không thể hiểu được. Thơ mới của Tản Đà cũng bị cười cợt và được đề nghị đem lên trời mà bán. Loại thơ mới này, vì là mới và tự tạo ra tự do, nên chi bị một số người đả kích gọi đó là “thơ buông”. Hay là loại “thơ con cóc” (“Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra/ Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó/ Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”) là một loại thơ tiêu biểu nhằm chế nhạo thơ mới.

Trước năm 1932 (là năm đánh dấu chính thức sự lên ngôi của thơ mới với bài “Tình già” của Phan Khôi) thì cũng đã có hai tác giả nổi tiếng với thơ mới của mình nhưng chính tác giả chẳng quan thiết đến điều này: đó là Tản Đà, đó là Nguyễn Văn Vĩnh với bài thơ dịch “Con ve và con kiến”, dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine.

“Thơ mới” quả là phòng đợi của “Thơ tự do” tiếp theo sau.

2. Nếu như ta tạm sơ kết về vận số của Thơ từ buổi đầu cho đến hôm nay, nếu ta để sang một bên cái gia tài của mẹ vốn dưỡng dục suốt đời cho chúng ta là kho tàng Ca dao vô cùng độc đáo và nếu như ta mạn phép điểm xuyết, một cách nhảy cóc, những khuôn mặt thi sĩ của nền văn học nước nhà, ta có thể kể ra một số tên tuổi, như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Quang Dũng… Bùi Giáng…

Đó là những tên tuổi đã làm mới cho thi ca Việt Nam, đã cắm những cái mốc rất quan trọng cho lịch sử thi ca Việt Nam, nhưng đồng thời trong cuộc sống đầy vinh nhục của kiếp người, hình như cũng chính họ đã hứng chịu nhiều nhục hơn là vinh thuở sinh thời.

Thử tưởng tượng nếu văn học sử Việt Nam không có những tên tuổi ấy, ta biết lấy cái gì đây đem ra giới thiệu với thế giới?

3. Cõi Thơ là một cõi không cần chiêu mộ hay trưng tập gì cả nhưng lại là một cõi thường trực một đạo quân mọi thời đều đông đảo.

Thơ là một lục địa đa quốc gia, khi thì trụ tại chỗ, khi thì phiêu dạt và đẩy lùi mọi biên giới quốc gia.

Mỗi lúc ta có thể đặt ra câu hỏi cho chính mình và cho người khác: “Tại sao lục địa Thơ lại đông dân đến như vậy?”

Tạm thời tôi sẽ trả lời như sau đây, trong khi chờ đợi nhiều câu trả lời khác từ mọi người: “Vì Thơ là tự do”. Không có gì tự do hơn Thơ. Không có cõi nào tự do mênh mông, tuyệt đối cho bằng cõi Thơ. Lục địa Thơ xưa nay và mãi mãi về sau có hấp lực vượt bậc đối với mọi lục địa khác.

Người làm thơ tha hồ nuôi trồng chữ nghĩa, đào hang hầm cho chữ nghĩa, sẵn sàng hôn phối những chữ vốn chẳng họ hàng gì với nhau.

Thơ Tân hình thức của ngày hôm nay, một lần nữa, là một chuyến trở dạ của Nàng Thơ. Chuyến trở dạ này cũng không phải xuôi chèo mát mái, nhưng cũng không phải hứng chịu những tiếng la ó xô bồ xua đuổi, bất quá chỉ gây một ít ngỡ ngàng ở hình thức những bài thơ mới này.

Nhìn lại các bài thơ này, ngoài sự thể các dấu chấm câu đều bay biến hết, người đọc nhận thấy rất nhiều câu bị bẻ gãy, chặt khúc ở nhiều đoạn bất ngờ hơn cả. May tiếng Việt là tiếng đơn âm, chỉ có câu là bị chặt gãy, chứ không có chữ bị bẻ đôi. Mọi nhạc tính, nhạc điệu, tiết nhịp đồng loạt bị xóa đi làm lại, câu trở nên xộc xệch, khúc khắc. “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”… “Đường thế đồ gót rổ khi khu”… Chẳng khác nào thơ và nhạc cùng nắm tay nhau lội suối trèo non trên những lối đi của thời đại.

Nhưng tất cả những điều vừa nói đó chỉ mới chạm vào hình thức của loại thơ mới này mà thôi. Còn nội dung của nó cũng phải nói đến. Chuyến trở dạ này đang lâm vào một giai đoạn đầy rẫy khó khăn - không khó khăn sao được trong khi bao nhiêu chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, trại tập trung, phòng hơi ngạt, bom lửa, chất độc da cam, B52, ly hương, tù tội, El Nino… đang đổ ập lên đầu người? - đến nỗi có khi thơ được thành hình từ mắt bão, từ rốn biển từ địa tầng thăm thẳm…

Cho nên chi nếu Nàng Thơ hôm nay có đánh mất lụa là, du dương, đằm thắm… thì ta cũng ngậm bồ hòn làm ngọt.

Ngắm nghía lại cái tên khai sinh cho đứa con Thơ: “Thơ Tân hình thức”, ta cảm thấy có chỗ chưa thỏa lòng vì nó chỉ phơn phớt mặt ngoài. Những cái tên trước đây đặt ra cho Thơ qua các thời kỳ: cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, thi sơn, siêu thực… đều có chạm tới ruột gan của Thơ và cũng có thể, nhờ vào đó, đóng góp phần nào vào tuổi thọ của Thơ.

4. Khi tôi viết lên giấy mấy chữ mộc mạc: đàn tranh là tôi gọi cây đàn tranh đang có mặt trước mắt tôi. Nó được lồng vào một khung kính thật đẹp, đính vào tường. Gọi tên nó, tôi nghe ra âm thanh lảnh lót của nó trong không khí. Bây giờ nó đứng tách riêng một mình, không như thường ngày chen vai cùng bao nhiêu cây đàn chị em với nó: tỳ, nhị, nguyệt, bầu… Nó sẵn lòng tung hứng một giọng ca ngất ngưởng của một nghệ nhân 88 tuổi đã được “hóa thạch sống” là Minh Mẫn. Nó nhắc nhở cho tôi làn điệu Nam Bình với bản “Nước non ngàn dặm ra đi” thắm đẫm tình tự quê hương, nó nhắc nhở cho tôi làn điệu Tứ Đại Cảnh với bản “Thu cảm” thật bất hủ. Đó là chưa nói tới chủ nhân của cây đàn nay đã không còn nữa, nay đã khiến hiện tại của tôi đong đầy trầm hương quá khứ. Đúng là quá khứ đã len lỏi vào hiện tại, làm cho hiện tại cồm cộm, banh rộng hiện tại, kéo dài hiện tại, tưởng chừng hiện tại thay vì chớp nhoáng, mỏng manh, hóa ra triền miên, dằng dặc. Và như vậy hiển nhiên hiện tại không còn nguyên khối là hiện tại. Nhìn ngắm lại, cây đàn tranh, ở phút này, ở nơi này, thật là quan trọng đối với tôi. Chẳng cần gì nhiều, nó có mặt là một điều thật lớn lao. Đâu cần nó lọt vào một bàn tay nào, đâu cần nó ngân nga một âm thanh nào. Vậy mà tôi có tất cả, tôi có đủ mọi thứ. Thậm chí, một lần này không mà thôi đã đủ cho tôi rồi. Thậm chí, tưởng như không cần có nó trong quá khứ, không cần có nó trong tương lai. Một lần này không mà thôi đã đủ cho tôi rồi. Và lần này đối với tôi là duy nhất. Và sẽ không có cái gì truất phế nó được. Tuy nhiên, tôi chỉ sợ rằng nếu tôi chỉ nói “đàn tranh” mà không viết “đàn tranh”, âm thanh của tôi sẽ trôi tuột, bay vèo. Viết “đàn tranh”, chữ này sẽ là cái đinh đóng vào thời gian, đánh dấu một khoảnh khắc và chỉ có một mà thôi. Tôi viết trên giấy: “đàn tranh”, nhưng trong lòng lại là: “đàn tranh ơi”. Và khoảnh khắc trở thành vĩnh viễn. Cái thoắt có thoắt không dự phần tôn vinh sát na của sống còn.

***

Viết để ký ức khỏi chết chìm.

Nối đuôi nhau từng khoảnh khắc, xâu chuỗi nhau các khoảnh khắc, ta có… một dòng sông Hương đang chảy chuyền - có ai ngờ không? - từng giọt Bãng Lãng với từng giọt Tư Hiền…

B.Y
(SH307/09-14)





 

Các bài mới
Nếu...! (26/09/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)
Các bài đã đăng