Tạp chí Sông Hương - Số 307 (T.09-14)
Một bài thơ Tân hình thức Việt được cho là hay?
15:35 | 26/09/2014

VĂN GIÁ  

Tôi bắt đầu nhan đề bài viết bằng một câu hỏi có vẻ như khá liều lĩnh? Nó sẽ lập tức dẫn đến một phản biện ngay sau đó: “Hay” là một cách nói định tính, không tường minh được, anh cho là hay, tôi cho là không hay, thậm chí là dở thì thế nào?

Một bài thơ Tân hình thức Việt được cho là hay?
Nhà phê bình Văn Giá - Ảnh: internet

Thế nên, trong bài viết này, tôi chỉ dám đưa ra cái nhìn của riêng tôi mà thôi. Nếu ý kiến của tôi được số đông bạn nghề/bạn đọc chấp nhận, nghĩa là nó có sức thuyết phục ít nhiều; và ngược lại. Nhưng trên hết, tôi muốn coi đây là một chia sẻ cùng những ai quan tâm đến thơ Tân Hình thức Việt.

1.

Tôi nghĩ, cho đến thời điểm này, phong trào thơ Tân hình thức Việt đã xong giai đoạn lập thuyết, và đã bước hẳn sang giai đoạn thành tựu. Tại sao lại nói như vậy? Xin thưa, bằng nỗ lực của Khế Iêm và những người đồng chí hướng, bạn đọc đã được chứng kiến hàng loạt các tiểu luận và thực hành thơ đã được in ấn hoặc trên các trang mạng suốt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, tức là đã hơn 20 năm có lẻ2. Cho đến nay, nếu ai hỏi thơ Tân hình thức là thế nào thì câu trả lời đã dễ dàng. Trong một bài viết của tôi3 cách đây hơn năm khi nhận định về tập tiểu luận của nhà thơ Khế Iêm, tôi cũng đã tóm lược 5 đặc điểm quan trọng nhất của thơ Tân hình thức. Tôi nghĩ, những tiểu luận mang tính khoa học và hệ thống của Khế Iêm và khá nhiều các bài viết của các tác giả trong/ ngoài nước như thế đã đủ tư cách lập thuyết cho loại hình thơ này. Tôi dùng khái niệm “loại hình” với một hàm nghĩa: trước và cùng với thơ Tân hình thức là mô những hình thơ khác, riêng Tân hình thức tự đứng độc lập như một mô hình khác.

2.

Khi đánh giá về một phong trào thơ, thường phải chú ý đến hai phương diện: lập thuyết và thực hành. Phương diện lập thuyết rất quan trọng, nó cho phép phong trào diễn ra một cách có bài bản, mang tính học thuật, tính trí thức, tính tự giác. Một phong trào như vậy phải có tư tưởng - tư tưởng nghệ thuật, được tư tưởng dẫn dắt và chỉ đạo. Công cuộc lập thuyết thơ Tân hình thức Việt này trước hết thuộc về nhà thơ Khế Iêm. Ngoài tư cách là một nhà thơ, tôi muốn dùng một danh xưng nữa để nói về con người này: Nhà lý luận thơ Tân hình thức Khế Iêm.

Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây là: trong mọi lĩnh vực, lý thuyết nếu không có thực hành, không có sản phẩm thực chứng thì dễ đổ bể; nhưng riêng trong lĩnh vực nghệ thuật có khác một chút: sản phẩm được làm ra lại không thể mang tính đại trà, mà nhất thiết phải có những tác phẩm thực sự có giá trị, tác phẩm đỉnh cao. Nếu sản phẩm trong nghệ thuật ở mức làng nhàng, sẽ không thể bảo hiểm cho lý thuyết được. Cho nên, nhiệm vụ của phong trào thơ Tân hình thức Việt là phải có những tác phẩm hay, đỉnh cao, xứng đáng. Nếu không có được những tác phẩm xứng đáng minh chứng cho lý thuyết của mình, sẽ xảy ra hai khả năng: hoặc lý thuyết thiếu tính khả thi, hoặc người sáng tác chưa đủ tài năng để thẩm thấu và chuyển hóa lý thuyết thành các sáng tạo cụ thể.

3.

Trên một tinh thần như vậy, nhìn vào các tác phẩm thơ của Tân hình thức, cần chỉ xem đã có những bài thơ hay chưa, và số lượng ấy đủ để khẳng định phong trào đã trụ vững chưa?

Cũng xin nói thêm, ngày nay sự ra đời của một phong trào nghệ thuật nào đó không còn cảnh đối lập và loại trừ những thành tựu nghệ thuật khác trước nó và cùng với nó. Đó là câu chuyện trước kia. Thí dụ, Thơ mới 1932 - 1945 khi ra đời phủ định quyết liệt thơ trung đại để chiến thắng. Nhà thơ Trần Dần ngay từ những năm chống Pháp (1946 - 1954) đã đòi “chôn tiền chiến”. Tinh thần này được ông và những người bạn thơ cùng chí hướng cách tân như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung, Đặng Đình Hưng (sau này là Dương Tường, Hoàng Hưng) thực hành quyết liệt từ những năm 60 của thế kỷ 20 trở đi. Nhóm Sáng tạo4 của Sài Gòn cùng quãng thời gian những năm 60 đó cũng lại quyết liệt phủ định Thơ mới để cách tân và khẳng định… Ngày hôm nay, tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại - một trào lưu tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật - đã trở nên rộng khắp các châu lục ở cả cấp độ lý thuyết, cấp độ cảm quan và cấp độ thành tựu. Một trong những tinh thần cơ bản nhất của hậu hiện đại là: những CÁI KHÁC được quyền chung sống thân ái và bình đẳng bên cạnh nhau, không phủ định nhau và cùng đối thoại. Cho nên, phong trào thơ Tân hình thức ra đời trên một tinh thần dân chủ nghệ thuật như vậy, và cũng thực hành theo tinh thần đó. Ai chia sẻ được sẽ rất cảm kích, ai không chia sẻ được cũng không sao, cũng vẫn cần được tôn trọng - đơn giản là họ có những mối quan tâm và sở thích khác.

Trở lại với câu hỏi về việc đã có những bài thơ Tân hình thức được công nhận là hay? Tôi xin thưa, thực sự đã có một số lượng bài đủ để khẳng định phong trào thơ Tân hình thức đã có mặt ở xứ sở này và tham gia vào khung cảnh thơ ca chung của dân tộc.

Tôi thấy có một Khế Iêm với những bài thơ Con mèo đen, Bậc thang, Chiếc ghế mang tinh thần triết luận về một thế giới hư vô thật sâu lắng và ấn tượng. Thơ của Khế Iêm thường là khởi lên từ câu chuyện của/về một sự/con vật, một con người; ngay sau đó câu chuyện được đẩy về phía hư vô, như một trạng thái hoang mang, hỗn loạn, mất phương hướng, có khi gần với ảo giác. Trong những trường hợp ấy, con người trở nên tội nghiệp, thậm chí vô nghĩa. Phải chăng đó là những mảnh màu khác nhau của một bi kịch tinh thần mà con người của thời hiện đại lâm vào…

Tôi thật thích thú với vẻ đẹp của tiết tấu ngôn từ trong bài thơ Cảm giác sóng của Nguyễn Thị Khánh Minh. Bài thơ này không hướng tới một ý nghĩa rõ ràng. Nó chỉ đẹp trong âm điệu, trong tiết tấu của những âm thanh. Nó đặc biệt thành công khi nắm bắt và biểu đạt thật rõ rệt cái cảm giác trườn vỗ trồi sụt của con sóng, không phải con sóng thực tại mà là con sóng trong tâm tưởng. Hãy nhắm mắt lại nghe bài thơ vang lên từng âm thanh để cảm nhận hết vẻ đẹp sâu lắng dịu dàng của toàn bài. Bài thơ này tiêu biểu cho một luận điểm rất quan trọng thuộc về bản chất của thơ: không có nhịp điệu sẽ không thành thơ. Điều thú vị ở bài thơ là nhà thơ đã tạo ra một nhịp điệu của một loại thơ vắt dòng, ngôn ngữ đời thường, đem lại cho bài thơ một hình thể rất đỗi tự nhiên. Có thể bắt gặp một số vẻ đẹp khác nữa cũng thuộc về nhịp điệu thơ như bài Me của Thiền Đăng, Tức cảnh của Khế Iêm. Với bài Me chẳng hạn, nhà thơ cũng tạo ra được một âm hưởng vang động không gian nhờ cái tiếng kêu của me ngày xưa trước số phận của một người cha đã khuất. Tiếng kêu được điệp lại liên tục trong không gian cánh đồng, núi đồi, sóng biển lạnh lẽo và cô độc, từ một quá khứ dội lại miên man, không dứt. Bài thơ phả vào người đọc một sự ớn lạnh, xa xót. Những bài thơ như thế đã chạm được vào chỗ sâu nhất của tình người.

Nhìn vào các sáng tạo thơ Tân hình thức, xét theo tính chất cảm hứng thơ, có thể tạm chia ra làm hai loại: thơ nghiêng về cảm xúc, và thơ nghiêng về triết luận.

Loại thơ thứ nhất, mục đích của nó chủ yếu để giãi bày cảm xúc, tâm tình của chủ thể trữ tình. Cho nên, loại thơ này đặc biệt chú ý đến nhịp điệu của toàn bài bằng cách lặp lại ngôn từ (với các cấp độ: từ, ngữ) và hình ảnh. Nhờ nhịp điệu, bài thơ có khả năng thúc vào trái tim của người đọc ngay lập tức. Những bài thơ như Cảm giác sóng, Me, Tức cảnh vừa nhắc tới trên kia là những trường hợp tiêu biểu. Có thể kể đến một bài thơ nữa cũng nằm trong từ trường cảm xúc này: Vài món bị đổ đi (Bỉm). Thoạt đọc, bài thơ mang một hình thức câu chuyện, kể lại việc chuẩn bị bữa ăn sáng của đôi nam nữ (vợ chồng/tình nhân?...). Đọc kỹ hóa ra tính tự sự chỉ là hình thức bên ngoài, mà ẩn sâu bên trong là một hạt nhân trữ tình rất rõ, đánh động lên nhiều cảm xúc: tình yêu, sự chăm sóc dịu dàng, nỗi oan uổng, hờn dỗi, sự vô tình… Bài thơ này khá giản dị mà chứa nhiều sức gợi.

Loại thơ thứ hai tạm gọi là thơ triết luận. Các nhà thơ thường bắt đầu từ một quan sát, sau đó bật lên một ý tưởng, một nhận thức, một đối thoại nào đó về thế giới. Thơ Khế Iêm phần lớn đi theo dạng thức này. Thơ anh mạnh về những ý nghĩa xoay vần, day trở với nhiều góc nhìn khác nhau về sự sống. Kết thúc thường không đưa ra một thức nhận có ý nghĩa quyết định luận nào, mà thường là những câu hỏi treo đấy, bỏ ngỏ, có ý nghĩa kêu gọi người đọc tham dự vào quá trình suy tưởng đó. Cùng hướng với dạng thơ này là bài thơ Vệt mực và tờ giấy của Nguyễn Tất Độ. Bài thơ đưa ra hai tình huống: 1, tờ giấy trắng có vệt mực đen; 2, tờ giấy đen có vệt mực đen. Và các suy luận phong phú hiện lên, hướng về hai tình huống này. Nhờ vậy, bài thơ có được phong vị của một sự thông minh, thuộc về trí năng, đem lại những khai mở thú vị cho người đọc.

4.

Như vậy, nếu căn cứ vào 4 đặc điểm thuộc về thi pháp của thơ Tân hình thức (vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện, ngôn ngữ đời thường), thì mỗi bài thơ sẽ có những vận dụng và phối hợp các đặc điểm này không giống nhau, với những tỉ lệ khác nhau. Thêm nữa, các bài thơ, nhìn bề ngoài vẫn mang diện mạo của các thể thơ truyền thống (4/5/6/7/8/6-8 chữ…), nhưng cấu trúc mỗi dòng/câu thơ, mỗi câu ngữ pháp biến hóa khôn lường, theo đó nhịp điệu cũng biến hóa cùng. Đó chính là những điều kiện nhằm tạo nên sự đa dạng cho mọi tìm kiếm và thể nghiệm.

Một bài thơ Tân hình thức hay, ngoài việc đảm bảo 4 đặc điểm thuộc về thi pháp trên kia, nó vẫn cứ dựa trên những phẩm tính căn bản của thơ đã được xác lập từ xưa tới nay: sự sâu sắc của ý/nghĩa, chiều sâu của cảm xúc, tính độc đáo trong biểu đạt, và dư vị toàn bài. Vâng, đó chính là vẻ đẹp của thơ ca muôn thuở. Thơ Việt như một dòng sông lớn mà thơ Tân hình thức đang là một chi lưu trong rất nhiều chi lưu cùng góp vào và cộng hưởng.

Tôi có thể kể được thêm những bài thơ Tân hình thức thú vị nữa. Nhưng chỉ với một số bài thơ được nhắc đến trên kia đã tạo cho người đọc một niềm tin rằng đời sống thơ đương đại tiếng Việt đã ghi danh một loại hình thơ mang tên Tân hình thức. Mặc lòng thích/ không thích, thơ Tân hình thức vẫn cứ tồn tại và ngày càng khẳng định sự có mặt chính đáng của mình. Ai quay lưng với Tân hình thức sẽ tự làm nghèo đi quyền được tiếp nhận và thụ hưởng đa dạng mà mỗi người đều có cơ hội ngang bằng.

Cuối thu Hà Nội đã/vào heo may em tháng/Mười nỗi niềm dâng phố/ 2013 cúc/ hoa...
V.G

..................................................
1. Năm 2000, nhà thơ Khế Iêm đã viết bài “Thơ Tân hình thức - nhắc lại - 10 năm”, in trong Vũ điệu không vần - tứ khúc và những tiểu luận khác, Nxb. Văn học, 2011. Nhìn lại, hiện đã có một số công trình về thơ Tân Hình thức Việt đã được công bố (trong tầm bao quát chắc chắn chưa đầy đủ của tôi):
- Nhiều tác giả, Poetry narrates/Thơ kể (Tuyển tập thơ Tân hình thức - ấn bản song ngữ), Nxb. Lao động, 2010.
- Khế Iêm, Vũ điệu không vần - Tứ khúc và những tiểu luận, Nxb. Văn học, 2011.
- Khế Iêm, Vũ điệu không vần - Tứ khúc và những tiểu luận, Nxb. Văn mới, 2013.
- Tạp chí Sông Hương, chuyên đề về thơ Tân Hình thức, tháng 6/2012.
- Báo Nghệ thuật mới, Số 9 - tháng 9/2012.

2. Bài “Về một nỗ lực làm mới thơ Việt (Đọc Vũ điệu không vần - Tứ khúc và những tiểu luận khác, Nxb. Văn học, 2011)”, in trên tờ Nghệ thuật mới, số 9, tháng 9/2012, sau in trong Người khác và tôi (Chân dung - tiểu luận, phê bình), Nxb. Hội Nhà văn, 2013.

3. Vào quãng năm 1958 - 1961, nhóm cách tân thơ được thành lập xung quanh tạp chí mang tên  Sáng tạo, bao gồm những tên tuổi như Mai Thảo, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Doãn Quốc Sỹ, Thần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền. Tinh thần của họ là phủ nhận văn nghệ tiền chiến, trong đó có Thơ mới.

4. Xin kèm theo 5 bài thơ tôi cho là hay được lấy làm dẫn liệu cho bài viết này (tôi không nói 5 bài này là hay nhất). Với ý đồ để cho dẫn liệu được tập trung, nên tôi chỉ chọn có vậy (các bài thơ này được dẫn từ cuốn Poetry narrates/Thơ kể -Tuyển tập thơ Tân hình thức-ấn bản song ngữ, Sđd):  


KHẾ IÊM

Con mèo đen

Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;

con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo

linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,
mà quên rằng, tôi đã sống những ngày
hôn ám biết bao, tự thuở nào và
tại sao thì tôi đành chôn kín, trong

cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,
được lượm lặt từ rất nhiều mẩu chuyện,
để cấu thành câu chuyện về con mèo
đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn

của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo
đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ
không phải bất cứ đôi mắt nào khác;
mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang.



THIỀN ĐĂNG

Me

Me kêu bằng tiếng kêu xưa bên
đồng gió lạnh. Me ơi me kêu
bằng tiếng kêu xưa trên đồi núi
lạnh. Tiếng kêu không còn nao nao
như xưa nhưng yêu thương còn vang
âm xưa như me kêu ba bỏ
cánh đồng xưa lên núi đồi xưa
đi tìm đất lạ. Như me kêu
ba từ núi đồi xưa về đụn
cát xưa nằm nghe sóng biển. Như
đụn cát xưa vọng tiếng kêu xưa
tiếng me kêu ba từ thủa ngày
xưa bên đồng gió lạnh.
                         Phú Diên 08/2008



NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

Cảm giác sóng

Trên điểm tựa dịu dàng
tôi thấy mình bay lên
với đôi cánh mầu xanh
bung mình cảm giác biếc

con sóng tôi dâng lên
dào dạt hương biển xanh
dâng lên dâng lên và
nở hoa dâng lên dâng

lên và vỡ tràn dâng
lên dâng lên và xóa
hết - sóng men bia sủi
bờ cát ngọt - dấu vết
tôi - thành tựu giấc mơ



NGUYỄN TẤT ĐỘ

Vệt mực & Tờ giấy

Tôi quệt một vệt đen lên tờ giấy
trắng. Một vệt đen trên tờ giấy trắng.
Tôi mang đi hỏi người.Có người nói:
“Một vệt đen”. Có người nói: “Một tờ
giấy trắng”. Có thể vì không thấy một
vệt đen, hay thấy tờ giấy trắng kia
còn hữu dụng. Tôi thì nói: “Một tờ
giấy trắng có vệt đen”. Lại nữa, tôi

quệt một vệt đen lên tờ giấy đen.
Tôi mang đi hỏi người. Ai cũng bảo:
“Một tờ giấy đen”. Có thể vì không
ai thấy vệt đen. Một vệt đen trên
tờ giấy đen thì làm sao mà thấy!
Duy chỉ mình tôi biết rõ, trên tờ
giấy đen có vệt đen. Lại nữa, tôi…


Vài món bị đổ đi

em làm món trứng và
canh bí anh chỉ nhớ
lờ mờ vậy khi sáng
nay em dậy rất sớm

vừa làm vừa ngắm anh
ngủ anh nghĩ vậy anh
cố căng mắt ra để
khởi động một ngày mới
thấy em đang chăm chút
làm và chăm chú ngắm
anh ngủ thế mà chúng ta
đã đổ đi món trứng
canh bí và vài món
khác chỉ tại anh nói
không muốn ăn gì khi
anh cố căng mắt ra
để khởi động một ngày
mới bên cạnh em và
món trứng và canh bí
và vài món khác em
chăm chú chăm chú ngắm
anh khi anh ngủ lúc
sáng nay.

(SH307/09-14)







 

Các bài mới
Nếu...! (26/09/2014)
Các bài đã đăng
Đêm về sáng (25/09/2014)