LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.
THANH TỊNH
I. Đề bài thi
Mùa hè năm 1933 tôi đỗ bằng thành chung. Tôi muốn học thêm nhưng gia đình không có khả năng cho đi học nữa. Vả lại ngày ấy muốn thi tú tài phải ra Hà Nội. Tôi là con một, nên cha mẹ không muốn tôi đi xa. Tôi đành xin làm tạm ở trường Providence. Đây là trường tư đầu tiên ở Huế của các cha cố. Tôi vừa làm, vừa học được gần một năm. Giữa lúc ấy, Sở đạc điền tuyển thêm một số người có khả năng về vẽ bản đồ và toán, với lương tháng 30 đồng, gấp hai lương của tôi ngày đó. Tôi đến xin làm.
Thế là từ đó với ba người giúp việc, với 5 cây "ra lông", một cái "mia" và một cái hòm máy ngắm, tôi đi đây, đi đó, hết đồng ruộng, làng quê, đến chân núi, bãi biển theo sự phân công của sở. Việc chính là dựa vào ảnh chụp của máy bay, của bản vẽ, rồi nơi nào có ruộng đất là đến đo cả bề mặt lẫn đường cong, góc thẳng. Việc làm cũng khá vất vả. Cảnh dầm mưa, dãi nắng, ăn quán, ngủ đình là chuyện diễn ra hàng ngày. Tuy thế không biết có phải vì sẵn máu giang hồ trong người không mà tôi thấy rất thú vị. Vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xa, được thấy bao cảnh đẹp của quê hương, đặc biệt là được nghe bao câu hò, câu hát, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện truyền thuyết lẫn chuyện hoang đường mà sách vở chưa hề nói đến. Hơn nữa, còn bao sự tích của am này, miếu nọ, đình kia có dính líu ít nhiều đến dòng lịch sử kiên cường, bất khuất của đất nước. Càng biết, càng thấy hay và say. Ra lâu nay học tiếng Tây, mình toàn biết chuyện của nước Pháp. Còn chuyện quê cha đất tổ thì khá lơ mơ. Chính cảnh đẹp của núi rừng, của sông biển, chính thành tích của những ông khai canh đã vượt qua bao gian khổ để mở mang quê hương mới trên mảnh đất còn hoang vu - nay được tôn làm thần và được tôn thờ trong các đình làng - đã dần dần thức tỉnh mình, mở ra cho mình niềm tự hào của dân tộc. Cũng từ điểm tự hào đó đã giúp cho mình thêm lòng tự trọng và tự tin. Tự nhiên tôi nảy ra ý thức muốn biết rõ hơn, biết sâu hơn. Có lẽ sau một đợt đi, bản kê khai về kết quả đo đạc để trao cho Sở - không nhiều bằng, không chi tiết bằng bản ghi chép về những gì tôi đã nghe được, thấy được, cảm được. Phải chăng đó là ít nhiều thực tế sinh động, đầu tiên đã giúp cho tôi mạnh dạn bước vào đời làm báo, viết văn, làm thơ sau này.
Tưởng là công việc được trôi chảy với sự kết hợp thích thú của mình thì một việc bất ngờ xảy ra đã làm tôi chán nản, ngao ngán đến xin thôi việc.
Vốn lão chủ Sămbờrít (Chambris) là cựu chiến binh thế chiến thứ nhất (1914-1918) có ít nhiều công lao, nên được cử qua làm chủ đạc điền ở Thừa Thiên. Lẽ tất nhiên lão ta nói tiếng mẹ đẻ rất thạo. Nhưng vì trình độ văn hóa có hạn - đâu lớp 3 lớp 4 - nên viết lách mắc khá nhiều lỗi về mẹo luật và chính tả. Lão ta liền bảo tôi không phải ra ngoài trời nắng, mưa bất thường mà chỉ ở nhà làm thư ký riêng cho lão. Tôi từ chối thế nào được trước "tấm lòng" mà nhiều người cho là tốt ấy. Lắm bạn mừng cho tôi được may mắn, nhưng riêng tôi thì thấy rất phiền. Trước hết là mất cái tự do phóng khoáng, hai là vì mất hẳn niềm vui được học thêm lịch sử và địa lý bằng mắt thấy tai nghe. Đúng là thư ký riêng. Thật mỉa mai, chua chát. Vì ngoài công việc hàng ngày ra, thỉnh thoảng tôi còn phải viết thư trả lời cho vợ con, bạn bè của lão. Lão ta chỉ gợi ý và nói qua tình hình, tình cảm. Còn tôi phải viết nháp rồi chép sạch để trao đổi cho lão. Tất nhiên lão sẽ tự tay chép lại và sửa chữa đoạn nào mà cách diễn đạt không được "Tây" cho lắm. Tôi cũng chỉ coi đó là lúc làm luận chuyên về viết thư mà đề tài đã cho sẵn. Khổ tâm là ở chỗ khác. Khá nhiều lần lão không xem tôi chỉ là thư ký riêng mà còn là bồi bếp riêng. Như bảo tôi khi đi mua rượu ở cửa hàng Môranh Phờre (Morin Frères), khi đi lấy áo quần ở tiệm giặt là. Việc làm không nhọc nhưng quả là nhục. Đó là chưa kể càng ngày lão càng coi thường tôi và các anh em làm trong sở. Quả thật ngày ở Pháp mới qua thì lão ta cũng khá, nghĩa là cũng biết điều, biết lịch sự và cũng biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Về sau cứ dần dần lây cái máu thực dân thâm căn cố đế của bọn Pháp sống lâu ngày ở đây, nên lão đâm đổ đốn, bắt đầu làm quen với cách cư xử ngạo mạn, hống hách, dọa nạt.
Câu chuyện của cụ Phan Chu Trinh tự nhiên lóe sáng trong tâm trí tôi. Sáng hôm đó, cụ Phan vào cửa hàng Sácnê (Charner) ở Sài Gòn. Thấy khách đông, nên cụ sắp hàng để chờ đến lượt mình mua. Thình lình một tên Pháp nhà binh phì nộn, tay cầm roi da, từ bên ngoài nện gót giày cồm cộp đi thẳng vào quầy hàng. Nhiều người đi rẽ ra hai bên để nhường chỗ cho hắn. Riêng cụ Phan cứ đứng yên tại chỗ không nhúc nhích. Tên này sừng sộ:
- Tôi đã ở xứ này 6 năm, tôi vẫn chưa thấy ai cứng đầu như ông.
Cụ Phan quay người nhìn thẳng vào mặt nó đáp:
- Tôi cũng đã ở bên Pháp 6 năm, tôi cũng vẫn chưa thấy ai thiếu lịch sự như ông.
Quả cụ Phan ta đã dùng được cách đối đáp gần như bốp chát, kịp thời, rất đúng, rất hay.
Từ câu chuyện này tôi liền có ý nghĩ liệu có cách nào làm việc với người Pháp từ đất họ mới sang, chắc dễ chịu hơn. Dịp ấy đã đến. Tòa khâm sứ Trung Kỳ mở cuộc thi tuyển chọn những người đã đỗ bằng thành chung dẫn khách du lịch. Tôi liền xin thôi việc ở Sở đạc điền để lao vào học thi.
Chương trình thi có hai phần. Viết và vấn đáp. Phần viết, cần phải biết những điểm sau đây:
- Lịch sử Á đông mà trọng tâm là Ấn Độ, Trung Quốc và 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Mên.
- Lịch sử và điểm du lịch, mùa du lịch, buổi du lịch của các di tích ở Huế bao gồm thành trì, cung điện, miếu mạo, chùa chiền, lăng tẩm...
- Lịch sử ba ngành nghệ thuật tạo hình (art plastique): kiến trúc, hội họa, điêu khắc - và ba ngành nghệ thuật nhịp điệu (art rythmique), âm nhạc, vũ đạo, thi ca xưa nay, của 5 xứ và của riêng Huế.
- Lập chương trình giúp cho khách du lịch đi xem thắng cảnh, di tích ở Huế từ một ngày đến hai tuần kể cả những lúc nghe ca, xem hát và giải trí.
Tôi thấy muốn biết sâu và rộng các điểm trên thì phải có nhiều tài liệu để đọc, để học. May mắn ở Huế có "Đô thành hiếu cổ viện" (Association des Amis du Vieux Huế) là nơi có nhiều tài liệu về lịch sử cũ và về Huế xa xưa. Tôi liền xin đến, ngày ngày đọc sách của Viện. Còn Chủ nhật thì tôi đạp xe đi xem lại các thắng cảnh, các di tích và không quên đi hỏi thêm những người am hiểu. Tình cờ một hôm tôi được gặp Cha Cađie (Cadière), Tổng thư ký của Viện từ cửa Tùng vào họp. Tôi có kể cho cha nghe sự tích một số đình làng tôi được biết. Cha tỏ ý rất thích và nhờ tôi viết thành văn bản bằng tiếng Pháp để cha giữ làm tài liệu nghiên cứu. Tôi đã làm theo lời yêu cầu. Tuần sau gặp tôi, cha nói:
- Người tuổi trẻ mà ham biết về thời xưa rất hiếm. Anh có muốn làm thư ký phiên dịch của Viện không?
Không đắn đo, tính toán gì tôi nhận lời ngay. Vì tôi cứ nghĩ đơn giản vừa được học, vừa được lương thì còn gì hay bằng. Ba tháng qua quá nhanh. Đã đến kỳ thi. Tôi xin nghỉ hẳn nửa tháng không lĩnh lương.
Chỉ có 25 người dự thi. Kể cũng ít. Có lẽ vì thấy nghề này không có, hay không rõ tiền đồ nên ít người tìm đến.
Thi viết tổ chức tại một lớp học trường Senhô (Chaigneau) gần nhà bưu điện. Có ba đề bài:
- Bài thứ nhất: Cho biết ngày khởi công và ngày hoàn thành hai lăng Gia Long và Minh Mạng. Nói về cảnh đưa đám và lúc chôn cất vua Tự Đức và vua Khải Định.
- Bài thứ hai: Ngoài di tích và thắng cảnh Huế, khắp Trung kỳ còn có di tích và thắng cảnh nào cần chú ý. Cho biết sơ lược về 4 kinh đô của nước Chiêm Thành Sinhapura (ở Trà Kiệu), Indrapura (ở Mỹ Sơn), Vijaya (tức Đồ Bàn ở Bình Định) và Khautara (ở Khánh Hòa).
- Bài thứ ba: Hát bội có từ bao giờ. Ở đâu phát triển mạnh nhất. Tích tuồng gì được người xem ham thích. Múa cung đình có bao nhiêu điệu? Nhạc cụ hòa theo là những thứ gì?
Ba đề bài này chỉ cho viết trả lời trong vòng 4 giờ. Tôi viết được bài khá trôi chảy. Vì chỉ cần nhớ tài liệu là được. Mặt khó khăn, rắc rối là tất cả bài làm đều phải viết bằng tiếng Pháp. Do đó mặc dầu đã nhớ, đã thuộc, khi viết ra vẫn không tránh khỏi thiếu mạch lạc.
Dẫu sao, sau đó 5 ngày, trong số 8 người vào thi vấn đáp có tên tôi.
Vấn đáp được tổ chức thi tại phòng du lịch gần tòa khâm sứ. Chỉ đi vào hai buồng có hai người hỏi và mình sẽ trả lời trong vòng từ 10 đến 20 phút. Tuy thời gian ngắn ngủi thế nhưng ai cũng lo. Vì đây là những câu hỏi thường không có trong sách vở, trong chương trình. Người ta thường gọi đó là câu hỏi thông minh (question d'intelligence). Tôi vào buồng thứ nhất thì gặp ngay ông chủ phòng du lịch Trung kỳ. Ông ta người đẫy đà, miệng luôn luôn ngậm tầu thuốc lá, nhìn tôi hỏi gọn:
- Cho biết kinh thành Huế làm theo kiểu nào?
Thấy dễ, tôi trả lời ngay:
- Làm theo kiểu Vôbăng (Vauban).
Đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, ông hỏi tiếp:
- Cho biết tiểu sử ông Vôbăng.
Tôi không ngờ có câu hỏi này. Tôi hơi lúng túng, đứng im để moi móc trong trí nhớ. Ông ta quay nhìn tôi:
- Không biết à?
- Có biết nhưng rất ít.
- Cứ nói.
Tôi ngập ngừng kể:
- Ông Vôbăng là một kỹ sư quân sự có biệt tài về xây thành đắp lũy theo kiểu mới. Chính ông đã xây dựng trên 50 công trình pháo đài và thành trì ở nước Pháp, dưới thời vua Lui 14.
- Sinh ở đâu, năm nào?
Tôi càng ngập ngừng:
- Hình như ông ta sinh ra ở Dôn (Jonne) đầu thế kỷ thứ 17…
Ông chủ khảo nhắc:
- Cụ thể là năm 1632. Còn mất năm nào?
Tôi sực nhớ ông Vôbăng thọ 74 tuổi nên tính thầm, lấy 1633 cộng với 74 rồi trả lời ngay:
- Mất năm 1707.
Người hỏi tỏ vẻ bằng lòng:
- Tốt! Thế là biết khá nhiều, chứ không phải ít.
Tôi cảm ơn rồi vui vẻ bước ra khỏi buồng 1 để vào buồng 2. Nhưng mới bước vào đây, tôi đã giật mình. Vì người sắp hỏi tôi không ai khác là cha Cađie. Chẳng biết nói sao, tôi chỉ nghiêng đầu chào. Cha mỉm cười hỏi tôi:
- Nếu đỗ, anh có làm ở Viện nữa không?
Tôi nhìn cha nói:
- Nếu cha còn cần thì tôi còn làm. Vì khách du lịch nước ngoài chắc thỉnh thoảng mới đến, nếu được cha cho phép thì tôi xin đi dẫn khách mỗi tuần một vài buổi.
Cha nói:
- Một vài ngày hay hơn cũng được, miễn công việc của Viện giao, anh tìm được thì giờ làm xong xuôi, đúng kỳ hạn...
- Cảm ơn cha.
Cha ra hiệu cho tôi ra và cầm bút ghi vào sổ điểm.
Tôi không tưởng tượng nổi cuộc thi vấn đáp ở buồng 2 lại chỉ có thế, về nhà tra cứu thêm tài liệu về Vôbăng, tôi biết được một câu hay, người ta khen ngợi ông: "Thành Vôbăng đánh, thành ấy sẽ bị hạ, thành Vôbăng xây, thành ấy không ai lấy được". Quả biết quá chậm nhưng vẫn còn hơn là không biết. Tôi nghĩ thế, rất yên tâm với nghề mới. Tôi cho rằng mình cũng được du lịch như ai, chẳng những không mất tiền lại còn được thêm lương. Mặt khác, càng ngày mình càng hiểu thêm nhiều mặt về tâm lý kín đáo, nguyện vọng thầm lặng của khách nước này, nước khác, của đàn ông hay đàn bà, của người già hay người trẻ...
II. Lần dẫn khách đầu tiên hay là ông khách bá tước
Thế là từ mùa thu năm 1935 tôi bước vào nghề phiên dịch những bài khảo cứu về Huế và dẫn khách du lịch xem Huế. Hai nghề này chẳng những không dẫm lên nhau, cản trở nhau mà trái ngược lại giúp đỡ lẫn nhau, bồi đắp cho nhau hài hòa khắng khít.
Một buổi sáng, tôi đang làm việc ở Viện thì có người chạy giấy đến bảo tôi đến gặp ông Cường ở phòng Du lịch. Tôi thu xếp công việc rồi đi ngay. Ông Cường tuổi ngoài 50, là chánh văn phòng lâu năm của phòng Du lịch, trực thuộc tòa Khâm sứ Trung kỳ. Ông ta đón tôi khá niềm nở và khi đã ngồi xuống ghế liền nói thẳng vào mục đích cuộc gặp gỡ:
- Vừa có điện cho biết chiều nay có ông bá tước Đờ Côvanh (De Cauvin) từ Sài Gòn ra Huế. Vậy ngày mai đúng 8 giờ anh đến khách sạn Môranh (Morin) gặp và hỏi ông ta muốn xem gì. Đoạn vạch một chương trình.
Thưa bác, ông ta định ở Huế mấy ngày?
Ông Cường lắc đầu:
- Điều này tôi không nghe cấp trên nói. Cứ cho là 3 ngày đi! Vì từ trước đến nay, có ai đến xem Huế dưới 3 ngày đâu.
- Cho tôi hỏi thêm một câu: Ông ta già hay trẻ?
Ông Cường mỉm cười:
- Điều này tôi cũng không biết nốt. Thời vua chuá ở Pháp mất tích từ tám hoánh. Nếu còn ông bá tước tập tước nào thì chắc phải già. Thôi, ông ra gặp ông Tám ở phòng bên cạnh để bàn về thuyền bè, xe cộ, ca hát...
Tôi đứng dậy chào sắp đi, thì ông Cường cũng đứng dậy nói thêm:
- Anh là người đỗ đầu nên tôi mới giới thiệu đi dẫn ông khách đặc biệt này.
Tôi cám ơn rồi tìm đến phòng ông Tám. Ra về, điều làm tôi lo lắng hơn hết là sáng ngày mai phải gặp một ông bá tước Pháp. Lần đầu tiên đi dẫn khách đã là khó, lại phải dẫn ông khách du lịch Bá tước thì còn khó đến đâu. Bao nhiêu hình ảnh cửa lớn công, hầu, bá, tử của nước Pháp mà tôi biết được qua sử sách, qua phim ảnh đều một loạt hiện lên trong trí óc, chồng chất lên nhau, đan lồng vào nhau rất lộn xộn.
Dẫu sao qua một đêm thao thức vô ích, mặt trời mọc lên cũng cho mình niềm tin và sự tỉnh táo.
Tôi đến khách sạn 30 phút trước giờ quy định. Tôi đợi trong một phòng khách rộng và trang trí nhã và đẹp. Tôi chẳng để ý gì đến cảnh vật chung quanh mà trong bụng chỉ lo giây phút sắp tiếp xúc với khách. Đúng 8 giờ, ông bá tước bước vào phòng. Một mùi nước hoa nhẹ và ấm cũng vào theo. Ông bá tước trạc tuổi 60, người cân đối, đeo kính gọng vàng, tóc hoa râm chải bóng, dáng đi đĩnh đạc, cắp vào nách một chiếc gậy ngắn - không phải để chống mà để thêm vẻ quý phái.
Thoáng thấy ông ta, tôi bèn đứng dậy. Ông tiến đến bắt tay tôi rồi mời cùng ngồi. Với một điệu nói chậm rãi, ông ta hỏi:
- Người ta đã cho tôi biết tên anh. Nhưng còn họ?
- Tôi họ Trần.
- Có phải họ nhà vua không?
Quả là một câu hỏi bất ngờ khó lường được trước. Tôi bình tĩnh đáp:
- Tôi cũng thuộc dòng tôn thất, nhưng không phải thuộc triều Nguyễn hiện nay mà thời nhà Trần đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên thế kỷ 13.
Thú thật đây chỉ là câu trả lời cho qua chuyện mang nhiều tâm lý "thấy sang bắt quàng làm họ", chứ không có căn cứ gì xác thực.
Ông ta liền tự giới thiệu:
- Còn tôi thuộc dòng họ nhà vua Lu-i Philip đệ nhất(1) thế kỷ thứ 19.
Nói xong Ông ta đứng dậy. Tôi chưa hiểu gì cũng đứng dậy theo. Ông lại bắt tay tôi một lần nữa rồi nói với giọng trịnh trọng:
- Thế là hai chúng ta cùng thuộc họ hàng nhà vua phương Đông và phương Tây gặp nhau.
Ngày nay nhớ lại buổi gặp sáng hôm ấy, tôi thấy hơi khôi hài. Nhưng qua ngày ấy tôi chẳng thấy gì buồn cười cả.
Tệ hơn nữa là tôi tự nhiên có cảm giác mơ hồ tin mình cũng thuộc dòng họ tôn thất nhà Trần chính gốc.
Đến lượt bàn chương trình đi xem di tích, phong cảnh, ông ta nói:
- Tôi định ở lại Huế ba ngày. Anh bố trí cho tôi có một buổi đi xem hát tuồng có tích vua chúa. Còn việc nên đi xem ở đâu và vào lúc nào thì chắc anh biết rõ hơn tôi.
Tự nhiên ông quay nhìn bức ảnh màu cửa Ngọ Môn treo trên tường trước mắt, nói tiếp:
- Vả lại người cùng chung dòng máu vương giả thì dễ biết mình và người khác thích gì, quý gì.
Tôi cũng chẳng biết ông khách thích gì, quý gì. Đành cứ theo bài bản công thức đã có sẵn, rồi trên thực địa thăm dò và tìm hiểu khách dần dần.
Cũng như lệ thông thường, ngày đầu tôi đưa khách đi vòng vòng quanh thành phố, ra ngoại ô, đến làng mạc, rồi nếu còn thì giờ thì đến vùng núi, vùng biển. Trước hết, tôi đưa khách đi xem khu phố Tây ở phía nam kinh thành. Xe ôtô chạy với tốc độ 25 km một giờ, từ nhà ga qua Bến Ngự đến Lò Rèn rồi về An Cựu, đến Đập Đá. Tôi có giới thiệu mấy công trình của người Pháp như nhà thờ Phủ Cam, nhà Băng, nhà máy điện, tòa Công sứ, tòa Khâm sứ, nhưng khách tỏ ra vẻ thờ ơ lãnh đạm không nói gì. Khi dừng xe ở giữa Đập Đá xa xa thấy Cồn Hến kéo dài xanh mướt trên sông Hương, với cảnh chợ Đông Ba gần cầu Gia Hội trên bến dưới thuyền náo nức, nhộn nhịp, với cảnh thuyền bè qua lại giữa sông tấp nập, xao xuyến, khách như tỉnh ngủ, chăm chú đứng nhìn không chớp mắt, không nói và cũng chẳng hỏi gì.
Một lúc sau, tôi hỏi khách muốn về vùng biển cách đây 10 km không? Khách cho biết quê nhà của khách ở gần bờ biển hướng Tây. Còn bờ biển phương Đông thì khách cũng biết năm, sáu nơi rồi. Khách nhìn đồng hồ rồi muốn yêu cầu về khách sạn. Thế là xong buổi sáng.
Buổi chiều xe qua cầu Tràng Tiền nép theo sông Đông Ba về Bao Vinh, quanh qua An Hòa, đến Kim Long, lên đồi xem chùa Thiên Mụ rồi đi tiếp đến Văn Thánh, Võ Thánh. Tại đây xe dừng lại nửa giờ để khách xem sông Hương ở thượng nguồn lúc chiều tà. Vùng này rất đẹp. Nước trong xanh chảy êm đềm lặng lờ giữa hai dãy đồi thông trập trùng kéo dài. Vài ba thuyền con nép bên bờ hay gối trên bãi cát im lìm lặng lẽ. Chỉ làn khói bếp từ mũi thuyền tỏa ra mập mờ mới cho biết trong thuyền có sinh khí, có chủ. Tôi mời lên đường, khách bảo đứng thêm nửa giờ nữa. Hình như khách thích cảnh sông núi đìu hiu quạnh quẽ này. Khi xe trở về chạy qua kinh thành, qua Phu Văn Lâu thì thành phố đã lên đèn. Ánh đèn điện lấm tấm điểm khắp đó đây cộng với ánh đèn dầu leo lét trên thuyền qua về giữa sông tự nhiên tạo thành một bức tranh vừa mơ màng vừa ảm đạm.
Về đến khách sạn khi tôi hỏi khách có bằng lòng ngày hôm ấy không, khách liền xoa tay nói:
- Phong cảnh đẹp thanh thanh, người cũng nhỏ nhắn, ăn nói cũng nhỏ nhẹ, cả bước đi, thuyền trôi cũng nhẹ nhàng. Rất xinh đẹp rất hài hòa. Chỉ có cầu Tràng Tiền với 6 nhịp cong cong sơn màu bạc thì không ăn khớp thế nào. Lan can phải thấp, phải như hình thành cổ kéo dài mới được... lại phải sơn màu rêu xanh.
Cảm nghĩ của khách đã đi quá xa điều tôi mong đợi, nên tôi chỉ nghe và khi khách nói xong liền chào tạm biệt.
Sáng hôm sau, tôi lại đến khách sạn. Khách đã chờ sẵn và hỏi:
- Ngày hôm nay ta xem gì nhỉ?
Tôi đáp:
- Sáng và chiều xem lăng tẩm, tối xem hát tuồng.
Khách đưa tay sờ cằm nói:
- Về lăng tẩm anh bố trí cho tôi xem một cái lăng trong ấy có hồ, có cầu và một cái lăng mới nhất. Chỉ 2 cái thôi.
Thật ra theo thường lệ ngày thứ hai xem kinh thành, ngày thứ ba mới xem lăng tẩm. Nhưng tôi thấy trời sắp chuyển. Cũng chẳng phải nhờ ai nói trước, mà do mấy kinh nghiệm học được của mấy cụ già ngư dân vùng biển ngày tôi còn làm nghề đạc điền. Nay thấy chân trời phía đông đã đùn lên những vòm mây thì sực nhớ câu: "Mây răng bừa, hai ba bữa thì mưa" nên tôi đưa khách đi xem lăng tẩm trước.
Xe dừng ở chợ Tuần rồi qua đò đến khu vực lăng Minh Mạng. Đây là một lăng lớn, đủ cả phong cảnh và di tích. Rừng núi hồ ao đều nằm gọn trong lăng. Thế nhưng khách chỉ đi qua lại mấy lần trên chiếc cầu trước lăng rồi đưa mắt nhìn bao quát không nói gì. Tôi cố giới thiệu mặt này, mặt khác khá ly kỳ, hấp dẫn như: vua Minh Mạng cỡi voi lên xem làm lăng, gặp phải cơn giông voi sợ chạy thẳng vào rừng làm vua phải níu vào cành cây để thoát nạn, cốt làm cho khách lưu ý nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Khách cứ giữ vẻ trầm ngâm, yên lặng. Chiều đến xem lăng vua Khải Định xây trên đồi cao. Nghe phải leo hàng trăm bậc mới đến chỗ chôn vua, khách tỏ vẻ hững hờ và lo ngại nói nhỏ:
- Về lăng này, anh cho tôi xem ảnh cũng được.
Quả là ngày đi xem lăng quá lặng lẽ đến buồn tẻ. Tôi cho khách mệt và đoán trước buổi tối xem hát tuồng. Chắc khách cũng lại uể oải như buổi sáng, buổi chiều xem lăng. Tối hôm ấy tại rạp Bà Tuần ở ngã giữa diễn vở tuồng Tam nữ đồ vương (3 người phụ nữ phò vua), hay Tạ Ngọc Lân lăn lửa (2). Tôi đã giới thiệu trước tóm tắt của vở tuồng với vài chi tiết đáng để ý như cha (Tạ Ngọc Lân), trung con (Tạ Kim Hùng), nghịch con (Triệu Tử Cung), trung, cha (Triệu Hoán) phản, cùng nhiều mâu thuẫn gay go, tình tiết rắc rối khác. Cuối cùng cha phải ghì đứa con nghịch tặc vào lửa rồi cùng chết để phò ngôi vua chính nghĩa. Trong lúc xem khách không hỏi gì, chỉ lấy sổ tay ra ghi chép, khi phác họa. Tôi cứ tưởng khách chỉ ngồi chừng nửa giờ rồi đòi về, ai ngờ khách ngồi xem chăm chú suốt buổi.
Khi về đến khách sạn khách nói:
- Tích tuồng rất hay không kém gì kịch Hy Lạp, La Mã. Biểu diễn theo lối cách điệu nên cử chỉ, điệu bộ nói nhiều hơn lời hát.
Dừng một lát, khách nói tiếp giọng khẩn khoản:
- Anh làm ơn thuê người ta làm giúp cho tôi một cái mũ vua bằng giấy thu nhỏ chừng 1/3.
- Ông cần thứ ấy vào hôm nào?
- Vào trưa hôm kia, nghĩa là còn 42 giờ.
- Gấp quá.
- Đúng là gấp. Xin lỗi là tôi không biết trước để yêu cầu trước. Anh vui lòng nhờ người ta làm giúp, tôi xin trả với bất cứ giá nào...
Trước sự thiết tha của khách, tôi nói:
- Xin ông yên tâm, tôi hết sức cố gắng.
Khách mừng rỡ bắt tay tôi cảm ơn rối rít. Ngay tối hôm ấy, tôi đến nhà bác thợ mã ở Hàng Bè để đặt làm một cái mũ vua thu nhỏ. Bác thợ nhận làm với giá 15 đồng kể cả tủ kính nhỏ. Tôi đồng ý ngay, không mặc cả gì. Vì thấy giá cũng phải chăng.
Sáng hôm sau, tôi đưa khách vào xem kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Chúng tôi theo bậc bằng đá Thanh leo lên xem cửa Ngọ Môn rồi qua Thái Miếu, Thế Miếu đến điện Thái Hòa. Tiếp đến qua cửa Đại Cung Môn vào Tả Vu, Hữu Vu đến điện Cần Chánh.
Thế là xong buổi sáng. Buổi chiều, tôi đến hỏi khách có muốn xem lại một phong cảnh hay một di tích nào mà khách thích không? Theo tôi được biết, khách phương Tây thường muốn xem lại cảnh chiều Sông Hương từ trên đồi chùa Thiên Mụ nhìn ra xa, hay muốn vào lại Thế Miếu. Vì đây là một ngôi miếu lớn chín gian, giữa sân có chín đỉnh đồng to cao. Trong miếu từng gian một có bàn thờ vua, từ Gia Long đến Khải Định, cố tạo ra cảnh tượng vừa uy nghi, vừa tôn nghiêm. Tôi đã đoán sai, khách muốn vào xem lại điện Thái Hòa. Ngôi điện này có chiếc ngai vàng đặt trên bục ba cặp chạm rồng chỉ tưng bừng vào những ngày lễ đại triều có vua ra ngự, có văn võ bá quan đến chầu. Còn những ngày thường thì ngôi điện này tuy rất rộng mà cũng khá rỗng.
Tự nhiên khách đến đứng bên chiếc ngai vàng rồi nói:
- Hình như sứ thần của vua Lui Philip đệ nhất, người của dòng họ tôi, đã đến vài lần ở cung điện này để bàn chuyện hòa ước với vua... với vua…
Cảm thấy khách quên, tôi nhắc:
- Với vua Tự Đức.
Khách gật đầu:
- Đúng! đúng! với vua Tự Đức. Chuyện phái đoàn người Pháp vào điện Thái Hòa bệ kiến vua Tự Đức là sự kiện có thật. Nhưng đó là sứ thần của Napôlêông III (Napoléon III)(3), tên vua đã ra lệnh chiếm đất Nam Kỳ của nước ta (1862).
Biết là khách lầm, nhưng thấy khách hào hứng về dòng họ vua Lui Philip đệ nhất của mình nên tôi yên lặng. Không biểu lộ sự đồng tình mà cũng chẳng cải chính.
Bóng chiều sa sầm đột ngột. Chắc chắn trời sắp mưa, tôi liền mời khách ra về. May quá, mới bước vào khách sạn thì trời bên ngoài đổ mưa nặng hạt.
Sáng hôm sau, khách nghỉ để chuẩn bị chiều lên đường. Đúng 11 giờ, tôi đến với cái tủ kính nhỏ cao hơn một gang tay trong đựng chiếc mũ Cửu Long. Chiếc mũ làm rất khéo, có đoạn lợp bằng mun gấm có dính mặt gương con, hạt cườm nhỏ và đủ chín con rồng uốn lượn leo 4 phía. Khách tấm tắc khen mãi và nhìn đi nhìn lại không chán. Từ chiều hôm qua khách đã mời tôi cùng ăn trưa. Nhưng thấy sắp đến giờ ăn tôi lại rất ngại vì phải ngồi chung trong một phòng lớn chung quanh toàn tây đầm. May quá, khách đã bảo dọn ăn trong phòng riêng.
Trong lúc uống cà phê, khách hỏi:
- Người ta cho tôi biết thường thường, ngày thứ hai xem kinh đô, ngày thứ ba xem lăng. Đằng này anh cho tôi xem lăng trước, kinh thành sau... Tôi hiểu! Tôi hiểu. Anh giỏi về khoa tâm lý lắm. Với người tuổi cao không nên cho xem lăng quá lâu. Vì đó là cảnh mặt trời lặn, rất buồn. Còn xem kinh đô với ngai vàng để kết thúc là xem mặt trời đang lên đầy ánh nắng huy hoàng và hy vọng. Cảm ơn anh. Chỉ những người có dòng máu vương tôn mới hiểu sâu như thế...
Quả là tôi không xứng đáng với lời khen nồng nhiệt ấy. Buộc phải đảo xem lăng tẩm trước, hoàng thành sau như các bạn đã biết, không phải do dòng máu "vương tôn" mà do sợ trời sắp mưa. Dẫu sao tôi vẫn phải yên lặng để khách vui lòng. Trước khi chia tay, khách trao cho tôi một tấm danh thiếp có ghi đầy đủ họ tên, nghề nghiệp và địa chỉ của khách ở Pari (Paris). Ra khách nguyên là bá tước nhưng vốn là kỹ sư cầu đường (Ingénieur des ponts et chaussées). Chẳng trách nói về vua chúa khách còn lưu luyến một cách mơ hồ, nhưng khi nhận xét về cầu và đường thì khách thường quan tâm cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật rất sâu và khoa học.
Về sau, từ 1936 đến 1939 trước thế chiến lần thứ II - tôi có nhận được ba tấm ảnh - thư (carte lettre)(4) của khách gửi từ Luân Đôn (Anh), Mađrit (Tây Ban Nha) và Tôkiô (Nhật Bản). Tôi sực nhớ câu của khách nói hôm chia tay ở Huế: "Tôi sẽ còn đi bất cứ nơi nào còn vua và ngôi vua".
Nhưng trong cả ba ảnh thư chỉ có mấy câu vắn tắt chúc sức khỏe và may mắn chứ không đá động gì đến vua chúa và cầu đường.
T.T
(SH32/08-88)
-----------------------
(1) Lu-i Philip đệ nhất (Louis Philippe 1er làm vua từ năm 1830 -1848)
(2) Tích tuồng này nay gọi là "Ngọn lửa hồng sơn".
(3) Napoléon III sinh năm 1808, chết năm 1873.
(4) Ảnh thư dán kín như thư, khác với bưu ảnh (carte postale)