Tạp chí Sông Hương - Số 32 (T.7&8-1988)
Những lá thư từ Paris
08:48 | 14/11/2014

Giáo sư, Tiến sĩ CAO HUY THUẦN:
Ở Pháp, tôi có gặp và trao đổi ý kiến với những người quan tâm đến vấn đề du lịch. Anh Nghĩa (bây giờ quản lý một hãng du lịch ở đây) có gởi một tấm hình quảng cáo lớn về Huế, tôi sẽ nhờ anh Cận mang về.

Những lá thư từ Paris
Giáo sư Cao Huy Thuần - Ảnh: internet

Tôi cũng nhờ anh Cận mang về một vài tập sách tranh ảnh quảng cáo về du lịch (nhiều lắm, nhưng nặng quá, phải lựa chọn) và một số sách do chị Kim Ba tặng. Chị Thu Trang có góp ý kiến và tài liệu. Một bạn khác, từng nghiên cứu về du lịch, anh Nguyễn Khôi Minh (bút hiệu Nguyễn Hồi Thủ) cũng có gửi thư và tài liệu cho các anh.

Nói tóm: mong các anh xem đây như chỉ là bước đầu. Các anh chỉ khơi vấn đề, chứ không phải là nói một lần rồi thôi.

Thì giờ ngắn quá, tôi cũng không nói được nhiều. Chỉ xin nói lên một ý nghĩ: Huế làm du lịch cho Huế, chứ không phải Huế làm du lịch cho du lịch. Huế đem du lịch để làm sống Huế chứ không đem Huế để làm sống du lịch.
 

TS Võ Quang Yến - Ảnh: internet


Tiến sĩ VÕ QUANG YẾN (Chủ tịch Hội người yêu Huế tại Pháp):

Từ ngày ở Âu Châu, tôi đi du ngoạn đây đó cũng khá nhiều và có một số cảm nghĩ cùng nhận xét sau đây.

- Du lịch ở mọi thành phố dính liền với du lịch của một nước. Tàu bè đi lại, kiểm soát hải quan, hối đoái ngoại tệ, thực hiện phim ảnh... không phải là chuyện của Huế mà là chuyện của toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày nào chính quyền nước ta chưa hoàn toàn dễ dãi, cho khách ngoại quốc thì khó lòng hấp dẫn người ta lại Huế.

Để đi đến Huế, vấn đề chưa được giải quyết là máy bay. Năm ngoái tôi chỉ thấy rất ít tàu bay về đến Phú Bài. Nghe nói năm nay còn ít hơn hay là không còn nữa! Khách du lịch chỉ có thể đến Đà Nẵng, như vậy các mối lợi đều do Đà Nẵng hưởng.

Đằng khác, muốn cho khách du lịch đừng đến Huế chỉ một ngày (từ Đà Nẵng sáng đi chiều về chẳng hạn), phải kiếm cách giữ họ lại. Hiện Huế đã có thực hiện một số hoạt động cần phải duy trì và bổ túc:

* Khách sạn phẩm lượng tốt (tôi rất bằng lòng khách sạn Hương Giang)

* Viếng thăm cung điện, lăng tẩm.

* Dạo chơi trên sông Hương, nghe hát buổi tối. Tôi thấy cần phải mở rộng một số hoạt động này:

- Viếng thăm chùa chiền. Năm ngoái, tôi may mắn được chở đi xem và viếng nhiều chùa chiền thật đẹp và đặc biệt Huế. Một cuộc viếng thăm nầy cộng thêm một cuộc đàm đạo với các nhà tu hành là một hứng thú rất lớn cho khách du lịch trí thức. Hơn nữa, đây là một dịp để tỏ cho người ngoại quốc tận mắt nhận định nước ta thực sự thi hành tôn giáo tự do.

- Dạo chơi, tắm biển. Cửa Thuận An không xa mà dân du lịch Âu Tây thường thích tắm biển (cũng như dân ta). Có thể tổ chức cho đi xa hơn, vừa ngắm cảnh vừa được thỏa thích một mong muốn dễ hiểu. Năm ngoái, khi xe chạy ngang qua đèo Hải Vân, tôi thấy bờ biển mênh mông đẹp quá mà không một bóng người. Nếu có được một vài ba cái nhà nhỏ, bày biện sơ sài cũng được, để khách du lịch có thể ở lại một hai đêm lại càng tốt. Một bố trí loại này không phải chỉ để cho dân du lịch ngoại quốc mà ngay cả người Việt mình cũng hưởng được.

- Dạo chơi rừng núi. Huế đã có tổ chức cho đi xem Trường Sơn. Còn phải cho đi Bạch Mã. Đây cũng vậy, như các anh đã thấy, nếu có nhà ở lại một hai hôm thì tốt biết bao. Tôi vừa mới viết cho anh Tường một mong ước đầy thú vị của tôi là được tác giả "Đời rừng" đưa lên thung lũng A Sao thăm Pách và uống rượu chà! Thưởng thức thổ sản cũng là một mặt văn hóa của cuộc du lịch.

- Téléphérique, panorama. Nói chuyện đi dạo núi, tôi nhớ lúc mới qua Pháp, đổ bộ thành phố Grenoble thấy có téléphérique đưa lên núi cao, nhìn quanh khắp vùng thành một panorama rất đẹp và từ ngày ấy luôn ấp ủ trong lòng mơ ước một cái téléphérique đưa khách du lịch từ Phú Văn Lâu lên đỉnh Ngự Bình.

Có nhiều khách du lịch muốn hưởng cái thú nhìn cảnh đẹp mà không muốn bỏ công (hay có khả năng vì sức khỏe chẳng hạn) trèo núi, trái lại họ sẵn sàng bỏ tiền để được chở đi. Ở Paris, để lên đỉnh Montmartre thì không có téléphérique nhưng người ta lại có dựng một cái funiculaire là một chiếc tàu trèo núi, về mặt du lịch cũng là một công trình đáng được chú ý.

- Âm thanh và ánh sáng. Cách đây mấy hôm, nhân đi viếng lâu đài Azay le Rideau trong vùng Châteaux de la Loire, được dự 1 đêm "son et lumière". Giải thích và nhạc điệu hòa lẫn với ánh sáng, đèn rọi trong khoảng một giờ đã đưa khán giả trở lại thời xưa, sống lại những giờ phút lịch sử của cái lâu đài đó. Trái lại với bên Ai Cập, ở thành phố Cairo, khán giả ngồi trước Kim tự tháp hay ở Athea bên Hy Lạp, khán giả ngồi trước Parthenon, ở Azay le Rideau khán giả đi vòng quanh lâu đài, khi dừng chân trước điện, khi dạo theo bờ hồ, tùy theo ánh sáng và đèn rọi, khi nhìn cửa sổ, khi theo dõi mấy chiếc đò, tâm hồn tự nhiên đi vào quá khứ, tưởng mình đang sống với người trong cuộc. Tôi tưởng tượng ngay đến một buổi trình diễn loại nầy ở cửa Ngọ Môn hay trong sân điện Cần Chánh. Kỹ thuật âm thanh và ánh sáng ngày nay đã đạt đến một mức độ rất cao, chuyên viên Pháp lại rất sành sỏi về các biểu diễn mục nầy nên Huế ta, nếu du lịch đều không muốn "bronzeridiot", nằm ngoài bãi biển tắm nắng suốt ngày, cũng không chỉ muốn dạo xem thành quách, lâu đài hay ngắm xem rừng núi, sông hồ mà còn ao ước được tìm biết cách sống của người bản xứ, bàn cãi với các nghệ sĩ tại chỗ, tìm xem ước nguyện của những nhà trí thức, tuy sống xa hằng vạn dặm mà biết bao gần gũi trong tâm thức, suy tư. Nhân tiện, các thực hiện được, sẽ là tiêu biểu cho toàn quốc.

- Tiếp xúc văn nghệ sĩ. Bà Tổng thư ký hội AFAO đã yêu cầu tôi giới thiệu với các anh để tổ chức một buổi gặp gỡ trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... trong chuyến đi Việt Nam sẽ tổ chức năm tới. Đây là ước nguyện của du khách du lịch trí thức. Tất cả những người đi nghỉ hay đi văn nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ, cũng có thể nhân các cuộc gặp gỡ này mà trình bày các tác phẩm của mình, dọn đường một cuộc xuất dương, nếu không của văn nghệ sĩ thì cũng là các tác phẩm của mình. Lẽ tất nhiên, như ở trên tôi đã có nêu ra, những hoạt động này nằm trong khuôn khổ chính trị của chính phủ, một khuôn khổ chính trị toàn quốc.

- Suối nước lưu huỳnh. Tôi nghe nói gần Huế có suối nước khoáng và đâu đó có cả một mạch suối chữa được bệnh. Một "station thermale" cạnh trung tâm du lịch là một việc đáng được chú trọng. Vấn đề cần thiết trước tiên là phải có chuyên gia chứng minh là nước ấy thật đã chữa được bệnh và phải xác định là bệnh gì: chứng minh phải có tính cách khoa học do những nhà khoa học và những bác sĩ y khoa trình bày, chứng nhận. Sau đó, còn phải tổ chức cách chữa bệnh, có nhà cho "bệnh nhân" ở… và lẽ tất nhiên, lập chương trình thăm viếng vùng lân cận cho "bệnh nhân" cũng như gia đình, bạn bè của họ. Trong số các đề nghị của tôi, mục này nằm trong các điểm khó, nhưng ở các nước Âu Tây đều đã có thực hiện thì chúng ta cũng cần phải đề cập đến.

- Kết nghĩa thành phố. Khi hai thành phố kết nghĩa với nhau, vấn đề du lịch chỉ là phụ thuộc, nhưng không kém phần quan trọng. Một thành phố như Huế có thể kết nghĩa với một hay nhiều thành phố ở các nước khác nhau. Ở Pháp có những thành phố kích thước, số dân tương đương với Huế. Nếu tìm được trong số này một thành phố có lịch sử đáng kể, một văn hóa đã từng có tiếng vang không những ở Pháp mà còn ở ngoại quốc, thì đáng là một thành phố mà Huế cần kiếm cách kết nghĩa. Nếu công chuyện này nằm trong đường lối của chính phủ, Huế cần có sự tiếp xúc của Hội Người Yêu Huế ở Pháp. Tôi đã tưởng tượng một đêm trình diễn của ban nhạc cổ truyền Huế trên quãng trường lâu đài các vị giáo hoàng ở thành phố Avignon... và sau đó danh từ Huế sẽ vang dội đến mức nào!

Đó, vài cảm nghĩ của tôi, không lấy gì làm độc đáo, nhưng tôi hy vọng đã góp được với anh vài ý kiến.


NGUYỄN KHÔI MINH:

...Tôi không phải người vùng này, chỉ đến Huế có 3 lần (1962, 1980, 1983), lần đầu chưa biết gì về khía cạnh du lịch, lần thứ hai và thứ ba quả tình cũng có để ý đến vấn đề này, nhưng thời gian lại quá ngắn nên vẫn có thể nói là chưa quán xuyến được vấn đề.

Tuy nhiên là người yêu xứ Huế, tôi xin mạnh dạn đưa ra vài ý kiến sau đây:

1) Như một số nhà kinh tế học hiện đại, tôi cũng tin chắc rằng chính sách không có kế hoạch gì vẫn tốt hơn một kế hoạch "xấu". Kế hoạch xấu là một kế hoạch mất thăng bằng, thường làm bằng ý chí, không dựa trên một cơ sở thực tế nào. Bởi vì khi không có kế hoạch gì thường vẫn có một sự điều hòa tự nhiên nảy sinh ở từng giai đoạn, mức độ, trong khi đó một kế hoạch sai thường gây ra hậu quả tai hại lâu dài, rộng lớn vì làm sai lệch những trọng tâm: những đòn bẫy tự nhiên bỗng trở thành vô dụng. Đây là một vấn đề quá lớn đối với bài này, mục đích của tôi ở đây chỉ cốt nhấn mạnh một điều: Nếu không có phương tiện cân xứng, không là kế hoạch lớn, quy hoạch to - Đầu voi đuôi chuột sẽ có hại nhiều hơn có lợi.

2) Khía cạnh con người và xã hội trong bất cứ việc phát triển gì, đặc biệt là vấn đề du lịch, vẫn là việc quan trọng hàng đầu, phải được xem trọng hơn khía cạnh vật chất. Môi trường xã hội, tâm tình con người trong việc phát triển du lịch phải được xem là vấn đề ưu tiên một, nếu không thích hợp cho việc phát triển sẽ đưa đến đổ vỡ. Ở điểm này, tôi muốn nhấn mạnh đến sự tiếp rước khách du lịch và các va chạm xã hội ở vùng nhận khách. Mà sự đầu tư vào con người không thể là một việc làm máy móc, công thức nhưng là một việc lâu dài. Nếu không sẽ đưa đến tình trạng đem bán nhân dân để lấy tiền như một số nước tư bản nghèo hiện nay trên thế giới.

3) Những nước phát triển sau thường tỷ số tăng và tiến nhanh hơn những nước phát triển trước (so sánh cùng tiến trình phát triển) vì có được cái thế lợi của sự phát triển chậm (Avantage du développement tardif). Với điều kiện không bị rơi vào những lỗi lầm cố hữu và đưa được vào trong ngành những kỹ thuật mới hữu hiệu nhất. Ở điều này tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề chuyên ngành, chuyên gia. Và như vậy nhất quyết không thể để cho nông dân, công an đảm trách ngay các ngành mà họ hoàn toàn không biết gì.

4) Cho đến nay theo chỗ tôi nghiên cứu thì ngoài các nước phát triển, chưa có một nước chậm tiến nào "hưng thịnh mau chóng nhờ vào du lịch", vấn đề "ít tốn kém đầu tư mà hiệu quả nhanh" như các anh gợi ý lại càng không thể đơn cử được một ví dụ nào. Tuy nhiên vấn đề phát triển du lịch là một việc cần thiết cho một nước và nếu làm khéo léo sẽ có ích lợi nhiều mặt (chính trị, văn hóa, con người...) sẽ đem vào được một số ngoại tệ có thể dùng vào việc bảo tàng bảo tồn những vốn văn hóa hiện đang bị thời gian hủy hoại. (Với điều kiện phải tranh đấu để một số rơi vãi được nằm lại tại chỗ để tái đầu tư trực tiếp vào con người, vào các hạ và thượng tầng cơ sở du lịch nơi đó).

Trong thư "tha thiết xin ý kiến" các bạn báo Sông Hương mong đợi những "đề nghị cụ thể, mạnh mẽ, thẳng thắn". Với chỗ đứng của một người Việt ở nước ngoài, tôi tự cho phép không đi vào cụ thể mà chỉ dám nói về lý thuyết chung chung, mong rằng các bạn không chê những điều tâm huyết và thẳng thắn của tôi có dạng "dạy đời". Tôi biết nói dễ nhưng làm khó. Nhưng không nói được thì thôi, được nói, lúc nào tôi cũng muốn nói mạnh mẽ, thẳng thắn, xin các bạn đừng mếch lòng. Tôi nghĩ bây giờ mới nói cũng đã là muộn lắm rồi.

Khi nói về Huế ai cũng nghĩ rằng Huế là nơi có một vốn du lịch lớn. Sách thực dân Pháp viết về Huế ca tụng cái đẹp ảo não (Beauté mélancolique) của "Annam" cũ, cái mơ mộng của Á đông huyền bí nghìn xưa (Rêverie de l’Asie mystérieuse d'autrefois...) với di tích cung điện cũ, văn minh Chàm, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật cung đình v.v... lại nhắc đến cả Bạch Mã, Ngũ Hành Sơn. Người Việt Nam các nơi khác hay nhắc đến cố đô Huế với phong cảnh hữu tình, văn hóa, ăn uống, điệu hò, giọng hát trên Sông Hương, những cánh áo qua cầu v.v... Riêng tôi khi nghĩ về Huế, tôi nghĩ nhiều về con người ở nơi đây, từ nơi đây, những bạn bè tôi, những mệ, những bầm, những Bửu, Vĩnh, Tôn Nữ v.v...

Tất cả những "gợi nhớ" về Huế ấy thế nào? Có đúng thật là Huế không? Đúng với Huế ngày nay không? Tôi nghĩ đó chính là nhiệm vụ của du lịch Huế bây giờ, nhiệm vụ ấy không phải chỉ cốt cứu lấy một Bạch Mã, không phải chỉ lấy ít đô la, nhưng làm cho Huế sống động lại sau cái suy tàn của vua chúa, sau những cuộc đổ máu vì cách mạng, cho cách mạng, sau những cơn bão lụt còn kéo dài.

Tôi đã đau đớn thế nào khi thấy người ta đốt những cây cổ thụ trên đồi dòng Thiên An để lấy "củi" thì tôi cũng buồn rầu bấy nhiêu vì thấy cái dơ bẩn vì phóng uế dọc bờ sông Hương phía chợ Đông Ba là thế. Tôi đã cực lực phản đối việc xây dựng Hương Giang II (vì thiết bị nhập tốn kém, khó bảo quản) như một số dự án khác trong nước hay ở các nước chậm tiến khác tôi được tham gia (nơi nhà cao tầng vừa xấu xí vừa không có nước) thì tôi lại càng buồn vì không đóng góp được gì thiết thực với đất nước. Bây giờ lại càng buồn hơn vì thấy chuyện du lịch cơ hồ cũng đã nguội lạnh trong tôi như tro tàn.

Thăm các anh và chúc các anh nhiều hăng hái, báo Sông Hương có thêm nhiều độc giả.

Paris, 23-6-87


Tiến sĩ THU TRANG:

Mấy năm nay tôi có dịp được về Quảng Nam và Huế thường, nên đã nhiều lần được đi tham quan đây đó, nhờ vậy mà đã mắt thấy tai nghe nhiều điều bổ ích, tuy đôi khi gây nên nỗi suy tư vui buồn lẫn lộn, không thể tránh... Nhưng tôi vẫn lạc quan về sự cần khai thác du lịch ở Việt Nam.

Với tư cách Việt Kiều, ai về nước cũng đều trông thấy cảnh nghèo... đập vào mắt vào tim. Dù có tự an ủi với những lý gì chăng nữa, cái nghèo của Việt Nam ta, nó vẫn lồ lộ trước mọi hoàn cảnh, từ miếng cơm manh áo của người thân, cho đến tờ giấy cái bút của các em học sinh và sự thiếu thốn đủ thứ trong các cơ quan nhà nước, cho nên, không thể trốn tránh thực tại, mà cần nhìn thẳng vào sự thật. Nhất là đối với người ở ngoài nước về, chẳng cần phải kể các nước tư bản, ngay các anh chị, em đi học hay đi lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa về hẳn cũng bị "choáng váng" trước cái nghèo của mình?

Phải làm gì bây giờ để dần dần khuất phục cái nghèo ấy, vì nó không phải là một thứ định mệnh bất di bất dịch. Nhất là đối với một dân tộc có đủ đức tính cần cù, nhẫn nại, thông minh như dân tộc Việt Nam.

Riêng bản thân tôi, từ trên mười năm nay, tôi đã hơi quá chủ quan tưởng tượng là Việt Nam có thể khai thác làm du lịch được ngay sau 1975. Nhưng mỗi lần về nước để ý xem xét về khâu du lịch là mỗi lần thất vọng nặng nề.

Tại sao chúng ta chưa làm nổi? Có nhất thiết là tại nghèo, thiếu thốn, đường xá chưa xây dựng nên ta chưa làm du lịch được? Nếu lý luận như vậy thì trên thế giới này, những nước trong khối thứ III đều không có kinh doanh du lịch?

Những điều tôi biết đã chứng minh ngược lại; (vì tôi có may mắn được đi du lịch khoảng 40 nước trong vòng 20 năm nay, từ Âu sáng Á).

Các nước gần ta cũng nghèo nàn làm du lịch được chẳng hạn như: Nepal, Bizmanie, và đặc biệt Thái Lan đã lợi dụng chiến tranh ở Việt Nam phát triển du lịch từ 30 năm nay. Chúng ta sẽ có dịp đề cập sau.

Các nước Phi Châu cũng đã làm du lịch trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ. Có nước đến khách sạn không có, lương thực cũng không, chưa kể điều kiện vệ sinh cũng... vào loại không thua gì Việt Nam, vậy mà họ dám làm.

Điều cần thiết, theo thiển ý của tôi, muốn làm được những bước đầu tiên về kinh doanh du lịch, chúng ta phải cần tự đặt những nhận thức căn bản tối thiểu sau đây:

A) Chính phủ có chủ trương mở mang du lịch hay không? Nếu có thì cần thực hiện vài điều thiết thực;

B) Cần sự tổ chức liên bộ, liên ngành. Rất mừng là được tin trong nước đã dự kiến là Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Thông tin văn hóa, Ngoại thương, Ngân hàng phải liên kết đi song song với nhau, có quan hệ chặt chẽ.

C) Cấp bách đào tạo cán bộ chuyên môn về du lịch, đủ mọi cấp, từ dưới lên trên có trình độ cao, để thay thế một số những cán bộ không có chuyên môn hiện nay.

D) Chủ trương nên làm du lịch loại gì; Ở trên thế giới hiện nay có nhiều loại du lịch khác nhau. Thí dụ chúng ta có nên làm du lịch kiểu ăn chơi như ở Thái Lan không? Mặc dầu nhiều nước nhờ làm du lịch mà... đem lại ngoại tệ đến 70% cho ngân sách, như nước Ý chẳng hạn (ta không thể so sánh với Ý được).

E) Có nên cho phép những địa phương phát triển du lịch tùy thuộc những điều kiện khách quan tốt, chẳng hạn như vùng Quảng Nam - Huế đã có sẵn nhiều cơ sở cơ bản để có thể phát triển nhanh: Di tích lịch sử, thắng cảnh, khí hậu và đặc biệt sự thuận lợi địa dư - Vì ở giữa nước - và có phi trường lớn như ở Đà Nẵng, có thể cho đủ loại máy bay sử dụng.

F) Gọi vốn để liên doanh với các hãng du lịch quốc tế và Việt kiều. Như vậy sẽ liên doanh theo hình thức nào? Chủ trương theo quan niệm tư bản hay xã hội chủ nghĩa? Hiện nay ở Trung Quốc, họ cho vốn tư bản đầu tư vào, và nhất là người Hoa ở Mỹ và các nơi về liên doanh với chính quyền (có những khách sạn do người Hoa ở nước ngoài về điều khiển, quản lý).

Sau mấy lần về nước, tôi đã gặp gỡ một vài cơ quan làm công tác du lịch, đã từng trao đổi với anh chị em trong ngành và cùng đi với họ vào thực tế từ khâu ăn uống khách sạn đến các tuyến tham quan, đến việc giao tiếp với khách hàng v.v... Từ khi khách du lịch bước xuống máy bay, qua hải quan đến lúc họ rời Việt Nam, ngành du lịch ở trong nước, từ mấy năm qua, ta đã làm ăn trong hoàn cảnh... chưa đi vào chuyên nghiệp - Vì vậy đã cho tôi thấy toàn diện vấn đề, nên mạnh dạn nêu những ý trên để chúng ta cùng suy nghĩ, mặc dầu tôi chắc vẫn còn nhiều điều chưa sát hẳn với thực tế nước ta trong hoàn cảnh hiện nay.

Nhưng nếu chính quyền đã quyết định mở mang phát triển du lịch đưa lên hàng công nghiệp, thì những điều sơ lược trên có lẽ phải được giải quyết một cách khoa học và nhanh chóng.

Đối với những địa phương, chẳng hạn như vùng Quảng Nam - Huế, là vùng lý tưởng cho sự phát triển du lịch. Tuy nhiên muốn làm du lịch ở vùng này ngay được, chúng ta nên chủ trương một loại du lịch văn hóa cho cả khách nội địa và quốc tế.

Như vậy, điều trước hết là làm thế nào tu bổ, sửa sang những di tích lịch sử. (Thành nội đã được Unesco trợ giúp).

Huế có nhiều lợi điểm về lịch sử, dù sao cũng là kinh đô của nước ta một thời. Vì vậy, chúng ta cần làm thế nào không những bảo tồn được những di tích, mà còn giữ gìn thành phố Huế những vẻ đẹp của thời xưa. Nếu cần phát triển xây dựng, thì nên quy hoạch thế nào để giữ cho được sự không làm "lai căn" kinh đô cũ. Hiện nay nhiều nơi trên thế giới đã rất tiếc cho những sự xây dựng bừa bãi một số nhà cao tầng, nên đã làm tổn hại cho vẻ thiên nhiên - hoặc cho các đền đài cổ kính.

Chúng ta cần tránh sự lầm lẫn nầy. Không có gì đáng tiếc hơn là đi xây một số các nhà cao tầng che kín cả bờ sông Hương. Ngay ở Quảng Nam, vùng Non Nước cũng vậy. Kinh nghiệm ở Ấn Độ những năm gần đây họ đã biết làm khách sạn cho du khách quốc tế... ở xa thành phố. Như vậy để tránh không làm tổn hại đến các đường phố cổ (mà vì kiến trúc mỗi thời một khác), một lâu đài của thế kỷ 14 đứng bên cạnh một khách sạn 20 tầng thì thực là vô duyên! (Tỉnh Taipur ở Ấn Độ, có lâu đài được chữa thành khách sạn loại sang).

Huế còn có cả trăm ngôi chùa. Đây cũng là một vốn quý vô giá. Cũng như vùng Quảng Nam còn một số di tích chàm vùng Mỹ Sơn, cần tu bổ và làm đường cho tốt để khách có thể đi ô tô đến tận nơi. Khách quốc tế không chấp nhận đường đi vào Mỹ Sơn như tình trạng hiện nay.

Khu vùng cao Bạch Mã còn một số biệt thự, công ty du lịch có thể sửa chữa lại làm thành những khách sạn nhỏ - cũng như tại Huế, nhiều nhà thường dân, trong mùa du khách nhiều ta có thể cho khách du lịch thuê phòng (tôi đã viết trên Sông Hương về ý này rồi)...

(SH32/08-88)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng