NGUYỄN XUÂN ĐỊNH
Nói đến kiến trúc Huế, dù chỉ một vài đặc điểm (sơ qua), không thể không đề cập đến những người ở Huế. Cho dù những người đó sinh ra ở Huế, hoặc ở xa đến, nhưng đều góp phần xây dựng nên một Huế có hơn ba trăm năm lịch sử.
Điều dễ nhận ra là người Huế thích nhẹ nhàng, thanh thoát, nói năng nhỏ nhẹ vừa đủ nghe chứ không ồn ào to tát như ở một số vùng. Ăn uống cũng vừa đủ chứ không xô bồ quá mức, bày biện khá dụng công và cầu kỳ... Nhà cửa, công trình ở đây cũng giống tính người: cũng thanh thoát, nhẹ nhàng, không thô thiển, nặng nề, cục mịch. Tính tình con người ở vùng đất này đã thể hiện trong công trình kiến trúc một cách rõ ràng và đã mang phong cách riêng từ lâu. Bởi kiến trúc là một phần của nền văn hóa.
Các lăng vua của triều Nguyễn còn lại ngày nay, mỗi lăng mang một vẻ riêng. Nếu lăng Minh Mạng là thâm nghiêm với tỷ lệ cân chỉnh, thì lăng Tự Đức đầy chất thơ như chính cái thơ mộng của thành Huế. Quần thể kiến trúc của hai lăng này là những bài thơ lục bát tuyệt hay mà những câu, những chữ của nó được cấu thành từ những điện thờ, nhà thủy tọa, nhà bia, những ao hồ, cây cảnh, hoa cỏ, cổ thụ và những con đường..., là rừng thông khi im ắng, khi xào xạc tiếng lá, khi tràn đầy tiếng chim... Lên cao là đỉnh các công trình kiến trúc của đền này, điện nọ và xuống thấp là mặt hồ, là đầm sen để rồi lan tỏa ra khoảng không bao la đầy ánh sáng và màu xanh... như vần thơ lên bổng xuống trầm và kết thúc nhẹ nhàng, mở ra một cái gì man mác.
Các công trình cổ ở Huế như đình, chùa, điện, lâu... đều có hệ thống mái không võng xuống, các bờ nóc, bờ quyết không vút lên như các công trình cổ ở Bắc, kết hợp hàng cột thon nhỏ mảnh mai ở phía trước đã làm giảm đi đáng kể tác dụng của phương vị ngang, nhất là với các công trình quá dài, làm cho công trình mất đi vẻ nặng nề đồ sộ hoặc bị kéo thấp và bẹt ra, mà giữ được dáng thanh thoát nhẹ nhàng.
Điện Thái Hòa là một ví dụ rất sáng tạo về cách sử dụng mặt bằng và không gian rộng lớn. Khác với thế kỷ 15, cha ông ta đã bố cục mặt bằng công trình theo lối chữ "công" để tạo nên diện tích nghi lễ và tạo chiều sâu cho không gian nội thất. Hoặc khác với các ngôi đình cổ trong thế kỷ 18, tòa tiền chế được ghép với tòa đại đình bằng hệ thống máng. Ở đây, thế kỷ 19, các nghệ nhân xây dựng ở Huế đã bỏ lối chữ "công" mà thay bằng loại ghép khung nối hai lớp mái của công trình. Bố trí mặt bằng theo kiểu này được gọi là kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Giữa hai khung nhà được nối với nhau bằng trần "mai cua" hay còn gọi là "trần thừa lưu". Mai cua này được cong về phía trên, bên ngoài được ngụy trang chỗ thoát nước bằng các phù điêu rất đẹp. Ở kiến trúc phố cổ Hội An, trần "mai cua" chỉ giải quyết ở hiên nhà, còn trần "mai cua" ở đây được che kín sự lõm xuống của không gian nơi nối mái, tạo nên nhịp điệu cho không gian nội thất: nửa trong điện là nhà có trần với không gian hạn chế tạo cảm giác kín đáo và thâm nghiêm, nửa ngoài điện không có trần với không gian cao rộng thoáng đãng, sáng sủa. Sự sáng tạo của các nghệ nhân xây dựng nên điện Thái Hòa (cũng như một số công trình khác) là đã tạo nên một diện tích mặt bằng hàng ngàn mét vuông, trong khi nhờ sử dụng hình thức ghép khung nhà, không gian và mặt bằng vẫn bảo đảm cảm giác liên tục và linh hoạt. Nếu chỉ sử dụng kết cấu của một bộ khung để bảo đảm nhà có được diện tích đó, công trình sẽ rất to cao, đồ sộ, nhất là phần mái, do đó kéo theo các tỷ lệ khác của công trình phải to cao tương ứng. Vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công sẽ phải là một khó khăn rất lớn để xây dựng nên được công trình trong giai đoạn này.
Công trình Ngọ Môn có lầu Ngũ Phụng được xây dựng ngay trên Hoàng thành, vừa to, vừa cao, nhưng rất thanh, rất nhẹ. Toàn bộ hệ thống mái gồm 2 lớp tuy to lớn nhưng không gây cảm giác sụp nặng, được đè lên trên các hàng cột mảnh mai nhưng không tạo nên cảm giác chông chênh không chịu nổi.
Nghiên cứu tính thanh nhẹ trong kiến trúc Huế, để đi sâu vào học thuật phải là một luận án nghiên cứu công phu, có nhiều thời gian. Trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập hết được. Nhưng rõ ràng: dù nhỏ, dù to, công trình kiến trúc cổ ở Huế bao giờ cùng nhẹ nhàng thanh thoát. Khách du lịch tham quan đã qua nhiều nước, nếu nghiên cứu quan sát sâu sẽ thấy công trình ở đây mang những nét riêng độc đáo, rất Huế, rất Việt Nam chứ không phải như một số người đã ngộ nhận là kiến trúc ở đây không khác gì một số công trình kiến trúc của Trung Quốc, Nhật Bản (Mà thực ra việc ảnh hưởng trong kiến trúc cũng như trong văn học... giữa nước này với nước khác, giữa thời đại này với thời đại khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác, là một sự thường tình).
Nhà ở có sân vườn là một nét riêng của Huế. Nhà vườn có khắp nơi trong thành phố, đặc biệt ở Nguyệt Biều, Kim Long, Vĩ Dạ... Tuy là thành thị nhưng vẫn không thiếu cảnh "lá trúc che ngang mặt chữ điền". Bao quanh mỗi khu đất của nhà vườn là những hàng rào cây. Hàng rào phía trước và hai bên là những hàng cây bằng ô rô, dâm bụt, hay chè tàu được xén tỉa công phu, ken dày như những bức tường xây. Hàng rào phía sau bằng những bụi tre dày để chắn gió bất lợi. Phía trước, sau cổng một tý, là bình phong để che chắn tầm nhìn ở bên ngoài vào, bảo đảm cho bên trong nhà được kín đáo. Bình phong có thể xây hoặc bằng chè tàu ken dày, được xén tỉa vuông thành sắc cạnh. Sau bình phong là sân đất hoặc sân gạch. Tiếp đến là bể cạn với hòn non bộ. Cây cảnh và hoa thì nhà nào cũng có. Bể cạn với hòn non bộ của các gia đình thường là những tiểu cảnh để có thể có chủ đề, có tích hoặc không. Cây cảnh được uốn theo nhiều thế như thế trực hoặc thế hoành, thế rồng bay hay phượng múa, thế phụ tử hay huynh đệ tương thân... Một nét của vườn Huế, "vườn xưa" đã được nhắc đến trong thơ của Anh Thơ:
... "Đây một giàn lan che bóng lan
Dăm thân tùng cúc đứng nghiêng hàng
Vài hòn non bộ, nhiều đêm vắng
Biển cạn đầy trăng, cá đớp vàng..."
Qua sân là đến nhà, có thể có một nhà hoặc ba nhà xếp theo hình chữ U.
"Tâm tình" - Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Ngày trước dưới chế độ phong kiến, quy mô ngôi nhà tùy thuộc thứ bậc phẩm hàm trong xã hội. Luật Gia Long quy định: quan nhất phẩm, nhị phẩm được làm nhà bảy gian, quan tam phẩm đến ngũ phẩm được làm nhà năm gian, nóc và mái được trang trí tùy mức độ, còn dân thường không được làm nhà quá ba gian và không được trang trí... Ngày nay nhà dân gian còn lại ở Huế thường có từ ba gian đến năm gian và có thể có hai chái. Kết cấu chủ yếu là những cột gỗ chịu lực. Khung làm theo kiểu nhà rọi, nhà rường hoặc thượng rường hạ rọi. Trên dầm thượng, giữa hai cột cái thường là sàn gỗ, có tác dụng như một gác lững. Mái nhà chủ yếu được lợp bằng các loại ngói liệt, ngói móc vãy, ngói âm dương, hoặc tranh, lá và được lợp rất dày. Nhà rường có cấu tạo 4 mái che phủ tường, cùng với độ dày của nhiều lớp lợp để thích nghi với trường hợp mưa dầm và mưa nhiều ở Huế.
Francoise Corèze đã nói không sai "Huế là đồng quê chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị, bởi lẽ cái dân giả, cái đồng quê man mác có mặt khắp nơi trong các công trình kiến trúc ở Huế. Cái đồng quê nằm trong đô thị hay đô thị chìm giữa đồng quê, chính là do nhà vườn và các không gian xanh của đền chùa, lăng tẩm của Huế mang lại.
Vườn chiếm vị trí quan trọng trong cấu tạo nhà vườn ở Huế. Ngoài cây cảnh thường có ở sân nhà, vườn để trồng cây lưu niên, cây ăn quả và rau xanh. Huế là một xứ đất đặc biệt hội tụ đủ các loại hoa quả của cả hai miền Nam Bắc. Trong vườn của nhân dân xứ Huế vẫn có măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, xoài, lêkyma... của miền Nam, cùng với hồng, táo, nhãn, vải, roi... của miền Bắc, cộng với những cây ăn quả nổi tiếng của Huế như thơm (dứa) Nguyệt Biều, thanh trà, vải Phụng Tiên... làm thành một vườn quả tiêu biểu của cả nước. Hoa thì đúng là trăm hoa đua nở. Các giống hoa quý như thổ lan, phong lan, trà mi, hải đường... các giống hoa bình thường dân giả như nhài, lý, thạch lựu, tường vi, các loại hồng... và Tết đến vẫn có hoa đào, hoa mai nở đúng dịp. Thật là mùa nào thức ấy.
Nhà vườn là một kết hợp hoàn chỉnh giữa ba yếu tố có quan hệ hữu cơ: con người - công trình - thiên nhiên (môi trường). Biến tường cao cấp các nhà vườn dân giả là các biệt thự có sân vườn ngay trên các đường phố của nội thành Huế. Trong vườn các biệt thự này, có khác chăng vườn của các nhà vườn bình dân, là ít rau xanh mà nhiều hoa, nhiều cây cảnh và trang thiết bị là các loại cao cấp có thể đáp ứng cho du lịch hay nhu cầu cuộc sống hiện nay.
Trong nhà vườn, nếu cây cảnh sân vườn đóng vai trò hữu cơ trong quan hệ với công trình và con người sống trong đó, thì việc đồ đạc và trang trí nội thất đóng vai trò quan trọng không kém. Nhiều nhà còn giữ lại những sập gụ, tủ chè, những bộ trường kỷ, đôn, chậu, những bộ ấm chén trà, những lư hương, đỉnh đồng, những hoành phi, câu đối và những bức tượng nhỏ... Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật về các lĩnh vực đúc đồng, về gốm sứ, và điêu khắc, chạm trỗ về sơn mài, khảm xà cừ... Có nhà còn có những khối trầm hương quý tỏa hương thơm nhè nhẹ, làm cho tâm hồn con người luôn luôn sảng khoái.
Toàn bộ một khu nhà vườn của người Huế là một bản quy hoạch hoàn chỉnh về sử dụng đất đai, tổ chức không gian, bố cục công trình, trang trí và bày biện nội thất để bảo đảm cho con người sống trong đó được đáp ứng nhiều nhất cả hai yêu cầu là vật chất và tinh thần, đó cũng là hai nhiệm vụ mà kiến trúc cần phải có.
Công trình cổ, công trình dân gian ở Huế rõ ràng đã làm sáng tỏ định nghĩa của kiến trúc là một nghệ thuật tổ chức không gian, tổ chức môi trường dựa trên những thành tựu về khoa học kỹ thuật và trình độ kinh tế xã hội nhất định của từng thời kỳ để phục vụ con người.
Hơn mười năm qua, ở Huế xây dựng khá nhiều công trình công nghiệp và dân dụng. Có diện tích và công suất sử dụng lớn gấp nhiều lần so với các công trình mấy chục năm trước làm được. Thành công cũng nhiều mà thiếu sót cũng cần phải nhắc đến. Một số công trình do kiến trúc sư không chín chắn về suy nghĩ, áp dụng máy móc phong cách nước ngoài, thiếu tìm tòi phương án tối ưu; cộng với sự vội vàng áp đặt theo ý thích và túi tiền của phía đặt hàng; sự xét duyệt thiếu kỹ càng của những người có trách nhiệm quản lý... đã làm cho các công trình này sau khi hoàn thành bị một số người phê phán, không đồng tình, có thể là toàn bộ, có thể là chi tiết. Một số mảng tường đặc quá lớn, lại được đánh granito công phu, gây cảm giác nặng nề, kiên cố, bức bối; đó là chưa nói đến có khi những mảng tường đặc này lại nằm chắn ở hướng gió mát mà đáng ra phía cần che chắn là phía có gió lạnh về mùa đông. Một số lan can nhà ở tập thể hay công trình trụ sở là những mảng đặc chạy dài đã gây một cảm giác nghèo nàn, nặng nề, đơn giản. Một số chi tiết, các mái hắt, hành lang của công trình bằng bê tông cốt thép bị lạm dụng một cách quá đáng không những làm giảm tính thanh thoát nhẹ nhàng, mà còn gây nên sự rườm rà vô ích. Bệnh sùng bái phòng lồi, hành lang mái bằng cộng với nhiều chi tiết tùy ý theo kiểu "Phú nông", đa số được thi công không đúng kỹ thuật trong các nhà dân tự xây và nhà của cơ quan, tập thể tự dựng, chẳng những là một sự chắp nhặt lộn xộn về chi tiết kiến trúc, thiếu thẩm mỹ, gây cảm giác tầm thường... mà còn sinh ra nứt nẻ, dột nát rất khó sửa chữa. Một số hàng rào công trình quá đặc, quá thô thiển và quá đơn giản đã làm mất mỹ quan ngay chính bản thân nó và cả công trình kiến trúc chính mà nó cần bảo vệ. Thật ra điều đáng tiếc này không chỉ là trách nhiệm hoặc do kiến trúc sư hoàn toàn gây nên, mà do trong phong trào "trăm hoa đua nở" không có sự quản lý chặt chẽ và thống nhất của cơ quan quản lý chức năng, ai cũng làm được đã dẫn đến tình trạng lộn xộn này.
Các nhà ở, nhà làm việc, nhà văn hóa không được các kiến trúc sư và người thiết kế bố trí để đưa hoa và cây cảnh vào, là một thiếu sót không nhỏ. Đó là sự không phù hợp với tính cách Huế nói riêng và tâm hồn yêu thiên nhiên của người Việt Nam nói chung. Thiết kế nội thất công trình hầu như không có. Các phòng ở trong căn hộ, hay phòng làm việc của nhà trụ sở chỉ là những hình hộp không hơn không kém. Đây cũng là một thiếu sót rất lớn về ý niệm từ phía chủ trương, xét duyệt đến người đặt hàng, chủ quản công trình, cho đến người thiết kế. Quan niệm cuộc sống ở đây quá đơn giản và tưởng rằng con người cần chỗ ở hay chỗ làm việc là chỉ cần đến một không gian được giới hạn trong bốn bức tường, có cửa ra vào, có cửa sổ, thế là xong. Vì vậy, để khắc phục sự đơn điệu, khô khan, không thích hợp này người đến làm việc hay ở phải gia công, đục phá, điều chỉnh, gây tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ngoài ra các gia cụ đồ gỗ dù là tận dụng, vẫn chưa được chú ý phát triển để giúp cho các gia đình có điều kiện trang bị và bố trí nội thất để cuộc sống của mình thêm phong phú và tiện lợi.
Đồ án kiến trúc "Xa mà gần" của Việt Nam được tặng huy chương đồng tại cuộc thi kiến trúc quốc tế ở Sôphia, Bungari 1985 với chủ ý của đồ án là tạo "không gian xanh" cho mỗi một gia đình. Vì không gian xanh, tạo ra những kỷ niệm không quên của một đời người, ở đó nó chứa đựng và phát huy di sản đạo lý của xã hội, nó làm cho con người ta nâng niu tôn trọng những kỷ niệm để sống với nhau tốt đẹp hơn.
Đồ án "Làng hoa" giành được 1 trong mười giải nhất tại cuộc thi quốc tế về kiến trúc ở Pari 1984 và được Hội các nhà sáng chế Thụy Điển ghi vào tuyển tập 100 phát minh sáng chế hay nhất thế giới công bố năm 1987.
Hai đồ án được giải thưởng quốc tế về kiến trúc này đã đề cập đến không gian xanh, đến hoa, đến phong cảnh môi trường thiên nhiên. Một không gian đẹp và có văn hóa bao gồm cả từ nhà ở, hàng cây, con đường, luống hoa, có thể thêm mặt nước hoặc pho tượng càng hay... Tất cả hợp thành không gian kiến trúc có tác động tốt đến đời sống tinh thần, tư tưởng và tình cảm con người. Chính môi trường sống, không gian xanh này giúp cho con người trưởng thành một cách tự nhiên và toàn diện. Một số sáng tác kiến trúc của chúng ta trong thời gian qua và cả về phía chủ trương, xét duyệt, đặt hàng chưa thấy rõ hết và coi nhẹ vai trò của tổ chức không gian đối với đời sống. Thật là một thiếu sót lớn đáng tiếc nhất là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở.
Những điều vừa nêu, là những gì của Kiến trúc phong cảnh, một xu thế mới của Kiến trúc Hậu Hiện Đại ngày nay trên thế giới. Đó là niềm ao ước của tất cả mọi người.
Về điều này, Huế đã có từ lâu và đã tạo thành nét riêng nếu không muốn gọi là phong cách.
Mấy năm gần đây, việc quản lý đô thị Huế gặp một thiếu sót không nhỏ là làm mất đi hoặc biến dạng đi một số biệt thự sân vườn, một dạng của kiến trúc Nhà-vườn ở Huế. Có vườn bị chia năm xẻ bảy và trên đó mọc lên đủ kiểu nhà tùy thích, có biệt thự bị đập phá đi để xây vào đấy một nhà làm việc to cao hơn, có biệt thự tuy được giữ lại nhưng bên cạnh được xây dựng thêm một vài dãy nhà làm việc hoặc nhà ở khác. Phải thật sự chấm dứt tình trạng này bởi những biệt thự sân vườn nằm trong kiến trúc Nhà vườn, một nét riêng đã góp phần tạo nên phong cách Huế.
Một số người cho rằng: xây nhà nhiều tầng ở Huế sẽ làm mất tính chất Huế. Vấn đề "không Huế" thực tế không phải ở chỗ tầng cao, mà cái "không Huế", chính ở chỗ công trình nào đó đã không chú ý đến tính chất về quy hoạch, về kiến trúc xây dựng của Huế. Một ngôi nhà ba hay năm tầng, nhưng bằng những chi tiết, những cấu kiện nhẹ nhàng thanh thoát, lại có cả không gian xanh... vẫn được người ở và dư luận chấp nhận là một công trình kiến trúc mang tính Huế, còn hơn là một nhà trệt (một tầng, tuy thấp, nhỏ nhưng lại nặng nề "đặc sệt" hay "rườm rà" "xanh đỏ"... theo lối "kiến trúc phú nông" tuy được mọc lên trên đất Huế đấy nhưng không đời nào nó là "kiến trúc Huế" cả.
Chúng ta có một Huế cổ kính, nên thơ trong quá khứ và hiện tại. Tương lai Huế cũng rất hiện đại và rất đổi thơ. Hiện đại trong kiến trúc là một nhu cầu của xã hội, của cuộc sống đi lên, là một quy luật phát triển khách quan của lịch sử nói chung. Nhưng những gì của kiến trúc hiện đại Huế cũng chỉ phải bắt nguồn từ quá khứ đẹp đẽ có chắt lọc, từ những truyền thống dân tộc đáng tự hào và từ những tính cách Huế đã có từ lâu rất đáng quý. Sự thanh thoát nhẹ nhàng trong chi tiết và công trình kiến trúc cụ thể, sự bố cục hài hòa chặt chẽ trong quy hoạch, quan hệ hữu cơ khắng khít của môi trường - công trình - con người, sự sử dụng không thể thiếu, đối với hoa cảnh, màu sắc và cả hương vị trong cuộc sống ở đây... là một vài đặc điểm trong kiến trúc Huế. Chú ý đến những điều này khi qui hoạch, cấp đất, thiết kế xây dựng công trình, những người làm công tác kiến trúc xây dựng ở Huế (và cả phía những người chủ trương) sẽ đóng góp cho nền kiến trúc chung của dân tộc những nét riêng đặc sắc của kiến trúc Huế.
19-5-1987
N.X.Đ
(SH32/08-88)