LÊ ĐỖ HUY
Cựu học trò thời bao cấp hẳn đều sốc bởi cách trình bày của Malthus (1766 - 1834): dân số quả đất tăng theo cấp số nhân, trong khi sản lượng thực phẩm cung cấp tăng theo cấp số cộng…
Malthus đề cập các cách hạn chế mức tăng dân số theo hướng can thiệp cứng (positive checks): nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh, và các giải pháp ngăn ngừa (preventive checks): kết hôn muộn, tránh thai kể cả (nạo thai), mãi dâm, cách sống độc thân… Quan điểm có vẻ thực dụng, và không ngại bạo lực, khiến ông bị một số nhà tư tưởng đương thời chỉ trích. Nhưng công trình “đầu tay” này của Malthus phân tích về dân số (1798) tạo một sốc nhận thức thời đó, khi quan niệm chung là: dân số càng tăng thì kinh tế càng phát triển.
Malthus sai?
Malthus cũng bị các tiền bối của hệ tư tưởng và học giả thời Xô viết phê phán dữ dội. Những ai sinh khoảng thập kỷ 60 (6X) được học sinh vật dưới ánh sáng của các “học giả” tù mù như Mít su rin, Lư xen cô, tới một điểm sáng hơn, khi học thuyết Darwin đã được dạy (tuy một thời vẫn song hành kỳ lạ với bài học thực nghiệm tậm tịt của các ngài Mit và Lư!), thì thấy Darwin vẫn bị Lư xen cô “phang” trên báo Liên Xô, vì Darwin đã đôi lần xác nhận rằng ông chịu ảnh hưởng của Malthus khi xây dựng thuyết về nguồn gốc các loài (xác lập nhờ chọn lọc tự nhiên)…
Bóng ma “nạn nhân mãn” ám ảnh ghê gớm không ít 6X khi lo chuyện hôn nhân, nhưng không dễ dàng tìm hiểu Malthus sâu hơn. Từ điển bách khoa Liên Xô 1986 viết về Malthus: “… nhà kinh tế chủ trương một luận thuyết phản khoa học, khẳng định rằng thất nghiệp và tình cảnh khốn khổ của người lao động dưới CNTB là kết quả của sự dư thừa tuyệt đối nhân khẩu, và do tác động của quy luật phân phối dân cư tự phát”.
Sau hai thế kỷ, Malthus có lúc bị phê phán dữ dội, nhất là sau khi xuất hiện khái niệm “cách mạng xanh”. Malthus đã không đoán trước được rằng thành tựu công nghệ cho phép tăng đột biến sản lượng lương thực, thực phẩm. Cứ cho là Malthus đã dự báo được là nhân khẩu của thế giới tăng từ 1 tỉ (thời của ông) lên tới hơn 6 tỉ người, thì ứng dụng công nghệ hiện đại nay đã giúp tăng sản lượng thực phẩm lên 6 lần, một số học giả phương Tây “chê” Malthus. Chống lại họ, đã hình thành trường phái Malthus mới (Neo - Malthusian), manh nha từ sau khi trái đất chịu thảm họa bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II.
Đầu thiên niên kỷ, nghiên cứu của Worldwatch Institute(1) cho hay ở hơn 30 nước trên quả đất, mức tăng dân số xấp xỉ số “0”: Nhật, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Tổng dân số của ba chục nước này là khoảng 2 tỉ người. Vậy là với 1/3 nhân loại, thuyết Malthus không đúng?
Malthus đúng 2/3?
Tuy nhiên, Worldwatch Institute viết tiếp, ở các nước thuộc 2/3 nhân loại còn lại, mỗi năm tăng thêm 80 triệu người (gần bằng dân số Việt Nam). Các số liệu của Liên Hiệp quốc cho biết, 50 năm tới, dân số trái đất sẽ đông thêm tới 3,3 tỉ người (!). Trong khi đó, sản lượng đánh bắt cá tính theo đầu người của thế giới giảm liên tục kể từ 1968, sản lượng ngũ cốc theo đầu người nhiều năm đang giảm sút, bất chấp năng suất (nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại) tăng. Khủng khiếp hơn cả, là dự báo tới năm 2050, (khi thế giới đã có tới hơn 10 tỉ người cư trú), “trữ lượng nước ngọt tính theo đầu người chỉ bằng ¼ so với năm 1950”.
Trong khoảng 30 nước mà Malthus “không đúng”, có nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Hẳn 6X ở đó cũng bị ám ảnh bởi “nạn nhân mãn”, nhưng tới mức không muốn sinh nở, trước khi chắc chắn được rằng con cái ra đời sẽ được đảm bảo các chuẩn mực về chất lượng cuộc sống chí ít không tệ hơn cha mẹ chúng sinh ra ở đất nước Xô viết.
Ở không gian Xô viết cũ, xuất hiện những bài viết dịu hơn về Malthus, thậm chí gần như đề cao (bài viết Sự quay lại của ngài Malthus khả kính(2) trên tạp chí Vesnik, No 9, 2004, của Viện hàn lâm khoa học Nga).
Nơi Malthus không sai…
Các nguồn khác cho hay: hiện mỗi đêm có khoảng 1 tỉ người đi ngủ mà bụng trống rỗng (biểu hiện của nạn đói mà Malthus đã cảnh báo); mỗi ngày có tới hàng trăm ngàn người chết đói(3).
“Thảm họa Malthus” đang trở thành hiện thực. Nguồn: 1001.ru |
Samuel Popkin, đọc hàng trăm công trình để viết cuốn Người nông dân điều độ: Kinh tế chính trị trong xã hội nông thôn Việt Nam/The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam). Sách như bức tranh toàn cảnh về phương thức sản xuất Á tế Á (được các thày cô của 6X giải thích nôm na: con trâu đi trước, cái cày theo sau) ở nơi “đất chật người đông”, tài nguyên và học vấn và năng suất lao động đều hạn chế, kiểu đồng bằng Bắc bộ tới giữa thế kỷ XX.
Có thể tham khảo Báo cáo dấu chân sinh thái theo quốc gia phát hành 2012 (“National Footprint Accounts 2011” edition 1.0, May 7 2012), về năng lực sinh thái (biocapacity). Trong nhóm các nước thứ ba đông dân, Trung Quốc (dân số 1358,8 triệu), tài nguyên thiên nhiên quốc gia chỉ đủ nuôi 452, 2 triệu dân; Nigeria, tương ứng là (150,7 triệu) - 78,2 triệu người; Tanzania (42,3) - 19,5; Việt Nam (dân số 86,0 triệu) tài nguyên chỉ đủ cho 36.0 triệu người…
Điếc, không sợ “bom” dân số?
Peter Ogunjuyigbe là một nhà nhân khẩu học ở Nigeria, nơi mà các bà mẹ (giống như ở Việt Nam thời trước, theo lưu trữ của Pháp) thường tự hào là mình có nhiều con, cho dù “nheo nhóc”. Ogunjuyigbe, trên báo The New York Times tháng 4/2012, cho rằng:
“Dân số là then chốt (key). Nếu ta không quan tâm đến dân số, thì trường học không thể kham nổi, bệnh viện không kham nổi, rồi nơi ăn chốn ở cũng khan hiếm, và ta không có bất cứ thứ gì để kiến tạo một nền kinh tế phát triển”.
Vậy, quá tải dân số dẫn đến quá tải trong khâu cung cho nhu cầu về học tập, an sinh của cộng đồng. Trong công trình đầu, 1798, Malthus cho rằng các cố gắng cải thiện cuộc sống (về lượng) cho tầng lớp dưới như tăng thu nhập cho họ, hay tăng sản lượng nông nghiệp rồi sẽ hỏng ăn, vì tầng lớp dưới nhờ thế mà sẽ đẻ nhiều thêm…
Nhưng công trình phân tích về sau của ông (năm 1803, sau khi đã đi thăm các nước châu Âu để tìm thêm thực tiễn cho dự báo về “bùng nổ dân số” của mình), Malthus đã đến những bến bờ nhân văn hơn. Ông cho rằng cần phải nâng mức sống (về chất) của giai tầng thấp hơn, lên tới mức của tầng lớp trung gian nhờ hệ thống tuyển cử thống nhất toàn quốc; nhờ tài trợ của Nhà nước cho giáo dục; nhờ thiết lập thị trường tự do sức lao động… Ông cho rằng (nhờ văn hóa, giáo dục), sẽ tạo cho tầng lớp dưới khả năng cảm nhận chất lượng sống trung lưu, khiến lớp trẻ nỗ lực hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn của cuộc sống, trước khi lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nguyện vọng này của Malthus hẳn đã thể hiện như một diện mạo riêng của các nước phát triển, và cả của các nước Đông Âu đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế: lập gia đình muộn, sinh ít con, các chế độ bảo hiểm xã hội có hiệu lực, và chất lượng đảm bảo sức khỏe cộng đồng cao… Cùng với nỗi lo: dòng di trú bất hợp pháp từ các châu lục “đen” và “vàng”, ẩn hiện nạn buôn nô lệ đời mới (trafficking).
Các nguồn cho hay sinh thời Malthus là một người lạc quan, chủ gia đình hạnh phúc, và không hề “diều hâu” về chính trị. Vậy ông, nhất là về sau, hẳn đã muốn dự báo u ám của mình (thảm họa Malthus/Malthusian catastrophe) sẽ được người đời tính đến để nó không thành hiện thực. Hơn hai thế kỷ đã qua, các biện pháp chấn hưng giáo dục, cải cách thể chế, tạo cạnh tranh lành mạnh về năng lực công tác… của Malthus vẫn thời sự, nếu muốn “quan tâm đến dân số”, theo Peter Ogunjuyigbe đề cập ở trên.
Mỗi năm tiếp cận không gian bệnh viện hay trường học, lại thấy chúng ngày một quá tải hơn, “hàm số” của tiêu cực ngày càng nhiều biến số hơn, “phi tuyến” hơn. Các cải cách giáo dục và y tế sẽ khó thành, nếu không kìm được mức tăng dân số.
Đồ thị phát triển dân số toàn cầu. Màu xanh: dân số các nước đang phát triển. Màu vàng: dân số các nước phát triển. (Nguồn: truyền thông phương Tây). |
Malthus “tái thế”
Ở thế kỷ 19, chưa nhận thấy vai trò tích cực của công nghệ đối với tăng dân số, Malthus càng không thể dự báo được mặt tiêu cực của nó. Ở các đô thị, nơi nhu cầu thực phẩm vượt lên “cung”, hình thành các “chân hàng ma”: công nghệ cao bị dùng để tạo nên thực phẩm giả, nhiều thức ăn “trẻ mãi không già”.
Nhưng trên các tạp chí về môi trường sinh thái, tên tuổi của “thánh” Malthus gần đây ngày một được nhắc tới nhiều hơn.
Dưới đầu đề “Học thuyết Malthus vô địch muôn năm”, Tạp chí Eco Alternative của Nga năm 2012(4) cho rằng trong suốt thế kỷ 20, người ta đã cố tình làm ngược lại những cảnh báo của Malthus. Eco Alternative cho rằng đề cao những khẩu hiệu đạo đức giả để che đậy những mục tiêu “xôi thịt”, không chịu kiểm soát ngặt nghèo mức tăng dân số toàn cầu, nhiều khi chỉ do các ý tưởng nhân đạo hoặc tôn giáo, đang làm nổi cộm lên xu thế lao vào “lò mổ thế giới” (мировая бойня) để giành giật tài nguyên, khoáng sản, nước, và lương thực hôm nay.
Hai thế kỷ sau Malthus, trên nền thuyết “nhân mãn”, cũng chính các nhà cách mạng xanh, cùng giới học giả đưa ra các khái niệm như, “con nợ sinh thái” (ecological debt)4 để chỉ các nước có số dân vượt quá khả năng mà các nguồn tài nguyên nước mình có thể “nuôi” được, mà đứng đầu bảng là Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đồng thời còn là nước có tham vọng đạt tăng trưởng cao bằng mọi giá, trong thời gian dài để đạt mộng siêu cường số 1, làm phát sinh khái niệm “thủ phạm chính làm bẩn hành tinh” (главный загрязнитель планеты), nguồn gây bất ổn (China’s growth at any cost the cause of instability) về xã hội và môi trường…
Cơn khát nguyên - nhiên liệu, bệnh vĩ cuồng, và cả nguy cơ “can thiệp cứng” (theo cách gọi của Malthus) của láng giềng Phương Bắc đang trực tiếp đe dọa an ninh, chủ quyền, và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đang tái hiện kỷ nguyên Malthus (dư thừa nhân khẩu dẫn đến nạn đói và chiến tranh) khiến Malthus đã tìm các dạng can thiệp khác để điều tiết nhân khẩu. Trong hình bóng dàn khoan Trung Quốc, và dã tâm diệt tàu đánh cá Việt Nam, đang dần hiện rõ cuộc chiến tranh kiểu Trung cổ, tranh cướp các tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của nước khác, đồng thời cả tiêu diệt dân lành của nước đó.
L.Đ.H
(SDB14/09-14)
----------------------
1. 200 Years Since Malthus and We Still Haven’t Proved Him Wrong .
2. ВОЗВРАЩЕНИЕ ПРЕПОДОБНОГО ТОМАСА МАЛЬТУСА.
3. Reinventing Malthus for the 21st Century. Celebrating the Bicentennial of Malthus’ Original Population Essay.
4. http://bioalternative.wordpress.com/2012/08/31/1939/