Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Chuyên đề Phân tâm học trong văn học
14:44 | 16/10/2014

Con người đã biết được những gì về chính con người? Liệu rằng thế giới khách quan có thể rộng lớn hơn thế giới bên trong của mỗi con người hay không? Vì sao nghệ sĩ có thể sáng tạo trong vô thức để tạo ra những khả thể khác của sự tồn tại? Vì sao những giấc mơ không có biên giới với những hình ảnh hỗn mang lại có thể tiên báo cho chính lộ trình hiện hữu của chúng ta? Đó là những câu hỏi mà chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp qua Phân tâm học.

Chuyên đề Phân tâm học trong văn học
Ảnh: internet

Nói đến Phân tâm học không thể không nhắc tới ông tổ Sigmund Freud. Sigmund Freud sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại Freiberg, Tiệp Khắc. Từ lúc lên tám, Freud đã đọc Shakespeare. Năm mười bảy tuổi, vở kịch Oedipe của Sophocle đã tác động tới tuổi thơ ông như một thứ định mệnh mà ông không có quyền năng để cự tuyệt. Sau khi đỗ tú tài ông đã chọn ngành y khoa, năm 1881 là năm Sigmund Freud tốt nghiệp y sĩ. Ông là người luôn phải đối mặt với những giấc mơ và khát vọng kiến giải vô thức và những quy luật của nó. Đối với Sigmund Freud, giấc mơ chính là con đường vương giả của vô thức. Là một bác sỹ chữa bệnh tâm thần ông khẳng định, vô thức cách xa ý thức nhưng lại có sự tác động tới ý thức. Đó là những đợt sóng ngầm, những năng lực ngầm chi phối hành động của con người. Cuộc đời của ông là cả một chuổi ngày dài thăm dò vào vô thức, một cuộc đời gắn kết với Phân tâm học, một ngành học đã chịu nhiều quan điểm dị biệt khi người ta nhìn nhận nó.

Thuyết Phân tâm học về sau đã được mở rộng và phát triển ra nhiều ngã rẽ khác bằng sự phát triển của các học trò của Freud như Alfred Adler (Tâm lý học cá nhân), Carl Gustav Jung (Tâm lý học phân tích), Wilhelm Reich, Erich Fromm, Harry Stack Sullivan, Jacques Lacan, v.v... Suối nguồn nào xui khiến người nghệ sĩ lao vào những cuộc khổ ải để sáng tạo không ngừng. Đối với Phân tâm học, sáng tạo văn chương chính là giấc mơ khi tỉnh. Trong nhãn quan của Phân tâm học thì nhà sáng tạo trượt đi trong những trò chơi, huyễn tưởng và những giấc mơ không biên giới. Người sáng tạo lao vào địa hạt của mình như những đứa trẻ lao vào cuộc chơi của chúng, ở đó những luật lệ riêng được thiết lập, kiến thiết nên một thế giới của cái khác kết hợp với sự tri nhận của họ về thế giới khách quan. Cứ thế người sáng tạo thụ hưởng những lạc thú của mình khi thế giới khác biệt không ngừng được tạo sinh. Có những ước muốn ở đời sống trần trụi không được thỏa mãn đã sinh ra những huyễn tưởng, những mộng mơ và từ đó sinh ra những giấc mơ ban ngày. Phân tâm học cho đó là giấc mơ khi tỉnh, người tỉnh mộng mơ và hoang tưởng để tác phẩm được sinh ra. Tác phẩm văn chương ra đời trong tính huyễn tưởng, trong sự chấp chới giữa vô thức, tiềm thức và ý thức, trong sự đấu tranh giữa những ức chế bị kìm nén và sự khát khao giải phóng những ẩn ức bị kìm nén. Những điều đó đã tạo nên suối nguồn sáng tạo, khiến cho người sáng tạo có thể cam chịu những vết thương ở đời để được mộng mơ, để được sáng tạo. Phân tâm học đã thực sự làm nền tảng để khai sinh ra nhiều trào lưu nghệ thuật từ khi mới ra đời cho đến nay.

Phê bình Phân tâm học đã không được hoan hỉ đón nhận từ trước ở Việt Nam. Có nhiều nguyên do nhưng dễ nhìn thấy nhất đó là do nó va chạm với tư tưởng Nho giáo. Những cấm kị của Nho giáo đã phần nào ngăn cản Phê bình Phân Tâm học đi vào khơi sâu tới những bản tính thuộc về con người. Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Trung được xem là những người khai mở cho việc ứng dụng Phân tâm học trong việc phê bình văn học. Tồn tại trong những né tránh cấm kị, ở miền Bắc sau 1954, Phê bình Phân Tâm học vẫn được một số người ứng dụng để đi vào chiều sâu của tâm lý người sáng tạo và chiều sâu của tác phẩm. Hiện nay, Đỗ Lai Thúy được xem là nhà phê bình Phân tâm học có nhiều đóng góp quan trọng. Với luận thuyết phồn thực, với những nỗ lực kiến giải những ẩn ức, những mặc cảm, những giấc mơ trong tâm lý người sáng tạo, Phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy thực sự đã khai mở ra nhiều chiều hướng diễn giải đối với các tác phẩm văn học, mở ra nhiều chiều hướng để đi vào thế giới bên trong của người sáng tạo, một thế giới rộng lớn, không rõ hình thù và biên giới, một thế giới chứa nhiều ẩn ức, thế giới của sự chênh chao giữa ý thức và vô thức, giữa mơ và tỉnh. Trước những hiện tượng văn học đương đại mang tính gây hấn với các phương pháp phê bình truyền thống như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh, Đặng Thân, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Mai Sơn, Lê Vĩnh Tài, Nhật Chiêu, Hoàng Long, Nguyễn Văn Thiện, Hạo Nguyên, v.v… thì phê bình Phân tâm học lại có nhiều hứa hẹn vén mở.

Chuyên đề Phân tâm học trong văn học mà chúng tôi thực hiện trong số báo này là một chuyên đề mang tính chất gợi mở. Đây là một vấn đề hết sức rộng lớn, chúng tôi không mang tham vọng đưa ra một cái nhìn bao quát và triệt để về những vấn đề như Phân tâm học và tâm lý sáng tạo văn học, Phê bình phân tâm học ở Việt Nam trong số lượng trang có hạn của tạp chí. Chúng tôi sẽ quay trở lại với chuyên đề này trong những số báo sau này với hy vọng đưa đến một cái nhìn nghiêm xác hơn.

Cụ thể trong kỳ này, bạn đọc sẽ được đến với thế giới sáng tạo của các nhà văn như Ngọc Bảo An, Lê Vĩnh Tài, Nhật Chiêu, Mai Sơn, Nguyễn Văn Thiện, Lê Minh Phong. Truyện Tầng hai của Ngọc Bảo An vẫy gọi người đọc bước vào một không gian ám ảnh và ảm đạm. Với sự tối giản về ngôn ngữ, tác phẩm này đã chạm sâu vào những xúc cảm mà chính bản thân ngôn ngữ cũng khó có thể diễn giải được. Cái gạt tàn của bố của Lê Vĩnh Tài, Cháy của Nguyễn Văn Thiện là những truyện ngắn minh chứng rằng nhà văn đã thực sự ý thức được sức mạnh của văn chương hư cấu để đẩy người đọc bước vào một thế giới chênh chao giữa cái thực và cái không thực. Truyện ngắn Lời Nguyền của Nhật Chiêu, Dao của Mai Sơn, Giấc ngủ của Lê Minh Phong diễn tả những va chấn trong tâm thần của con người đương đại. Những ảo giác, những xung năng bị kiềm tỏa ám ảnh nhà văn để rồi bằng sự tưởng tượng, sự cấy ghép giữa cái phi lý và cái hữu lý, giữa cái thực và cái ảo, họ đã cấu nên một thế giới đầy những khả thể hư cấu vừa trần trụi vừa mộng mơ.

Bên cạnh đó, chuyên đề này cũng gửi đến bạn đọc các tiểu luận công phu của Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Quang Huy. Trong tiểu luận Đọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo – Chơi với người chơi lửa, nhà phê bình Nguyễn Quang Huy, dựa trên nền tảng Phân tâm học của lửa của G.Bachelard, đã chỉ ra những căn nguyên để Võ Thị Hảo mộng mơ, mà trong đó Lửa như một nguồn năng lượng vô tận để nhà văn này kiến thiết nên một thế giới huyễn ma, hoang tưởng và hiện thực. Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện của Nguyễn Mạnh Tiến và Một con đường của quan niệm sáng tạo (Nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền) của Đoàn Ánh Dương là những tiểu luận công phu với nhiều tư liệu kiến giải về trường hợp Phạm Công Thiện và Thanh Tâm Tuyền. Truyện Kiều, phòng thử nghiệm những cách đọc của Đỗ Lai Thúy đã phân tích nhiều cách tiếp cận với Truyện Kiều trong lịch sử phê bình văn học, mà trong đó tiếp cận dưới nhãn quan Phân Tâm học đã soi tỏ nhiều khía cạnh trong tâm lý sáng tạo của nhà thơ để đi vào sự triển diễn phức cảm bạc mệnh của nàng Kiều.

SÔNG HƯƠNG  
(SH308/10-14)






 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)