Tạp chí Sông Hương - Số 309 (T.11-14)
Cảm nhận và dư âm sau Hội thảo khoa học: “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”
08:51 | 18/11/2014


LÊ QUANG THÁI

Cảm nhận và dư âm sau Hội thảo khoa học: “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”
Phan Khôi (người đội nón) chụp chung với Tố Hữu (bìa phải), Văn Cao (bìa trái) và Tú Mỡ tại Việt Bắc - Ảnh: thanhnien.com.vn

Nội hàm của Hội thảo lần này vượt xa Tọa đàm về nhà văn, nhà báo Phan Khôi vào năm 2007; đã hiển lộ một cách trung thực, để lại một mốc son đầy ấn tượng trong sáng qua 50 tham luận của các bậc thức giả, những nhà nghiên cứu chuyên sâu về học giả đa tài Phan Khôi (1887 - 1959).

Ban tổ chức Hội thảo đã tuyển chọn 9 đề tài tiêu biểu mà các tác giả đã dày công sưu tầm, phân tích và luận giải thật phân minh để tự thân người viết tham luận trình bày cái cốt lõi tinh hoa của nội dung từng tiểu phẩm giá trị trước quý vị nhân sĩ, trí thức có uy tín lớn trong xã hội và có trình độ nhận thức cùng phản biện thấu tình, đạt lý. Cả Hội trường trở nên sinh động và lóe sáng nhờ những ý kiến đóng góp bổ sung mang tính cách đính chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Nam, vào ngày 06/10/2014.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: baotintuc


Số lượng khách mời và đại biểu chọn lọc ở trong nước được phân bố cân phân ở khắp 3 miền Bắc - Nam - Trung mà chủ lực là ở ba tỉnh thành: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cố đô Huế. Tỉnh chủ nhà đã mời đại biểu các ngành liên quan của 14 huyện thị, và còn được đặc cách mở rộng đến các trường Trung học cơ sở của tỉnh Quảng Nam. Thành thử tổng số lượng người tham dự tại Hội thảo trội vượt xa con số 200 người.

Hội thảo khoa học đạt thành tựu lớn, đầy hứa hẹn, đáp ứng lòng mong ước của mọi người, đặc biệt là con cháu nội ngoại, dâu rể của họ tộc Phan Khôi thấp thỏm chờ đợi từ nhiều năm qua.

Nhà báo Hứa Xuyên Hình đã viết bài “Phan Khôi, người đa tài” được đăng tải trên báo Thanh Niên số 280 (6863) ra mắt bạn đọc vào sáng ngày hôm sau, 7/10/2014. Cùng tác nghiệp với ký giả vào ngày khai mạc, giới báo chí và truyền thông khu vực miền Trung và Tây Nguyên, báo đài địa phương đã lấy tin và đưa tin kịp thời một cách sốt dẻo trên các báo khác mà tôi chưa có dịp tiếp cận.

Nội dung bài đăng trên báo Thanh Niên có đoạn viết ở ô chữ khung hình chữ nhật đã in nổi bằng chữ in đậm nét ở trang 14 như sau: “Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận xét hội thảo lần này đã góp phần đánh giá về những đóng góp của Phan Khôi trên lĩnh vực văn hóa dân tộc, giúp có thêm nhiều tư liệu quý và đánh giá khoa học có giá trị cao, toàn diện...”

Có sau thì phải liền nghĩ đến những ngày trước 6/10/2014; ở chuyên mục Nhân vật & Sự kiện của Tạp chí Xưa & Nay - cơ quan Hội Khoa học lịch sử Việt Nam số 451 tháng 9/2014 đã đăng tải 3 bài viết giá trị liên quan đến nội dung Hội thảo về Phan Khôi lần này:

1 - Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa của Đỗ Lai Thúy.

2 - Phan Khôi người Quảng Nam “thứ thiệt” của Phạm Phú Phong.

3 - Từ các cuộc bút chiến của Phan Khôi của Huỳnh Hùng.

Riêng Tạp chí Sông Hương, số đặc biệt, khổ lớn ra mắt bạn đọc vào giữa tháng 9/2014 đã đăng tải bài “Tình già” của Phan Khôi là thơ mới? của một cộng tác viên thường xuyên để góp phần mừng đón Hội thảo liên quan đến tuần báo Sông Hương ra mắt bạn đọc được 32 số mà số đầu tiên chào đời vào ngày 1 tháng 8 năm 1936. Tuần báo này do học giả Phan Khôi sáng lập, chủ nhiệm vừa chủ bút đã chống chèo và cầm cự được 8 tháng rồi cuối cùng tự đình bản vì lý do tài chính không cho phép. Tòa soạn đặt tại số nhà 96 rồi dời về số 80 đường Gia Hội (tức Chi Lăng - Huế ngày nay).

Đặc điểm của Tuần báo Sông Hương là chủ nhân Phan Khôi mướn nhà làm trụ sở báo. Cả nhà làm báo, chồng làm báo, hai con trai Phan Thao và Phan Cừ làm báo; thậm chí là vợ lẽ của chủ báo là bà Nguyễn Thị Huệ, thua chồng 24 tuổi, người Giao Thủy, Nam Định cũng ra tay giúp chồng quản lý tài chính để an ủi, chia sẻ khó khăn của chồng và hai con bà vợ cả để tất cả an tâm làm báo.

Mở đầu cho Hội thảo khoa học, những người tham dự được có cơ duyên tốt thưởng thức nghệ thuật làm báo bằng cách xem phim tài liệu, phim đạt giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2012: Phim Con mắt còn có đuôi của đạo diễn Huỳnh Hùng, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng. Có tích mới dịch ra tuồng. Mọi người xem phim đều thể hiện niềm vui tươi, hiếu khách của người xứ Quảng và kể cả những người yêu xứ Quảng xưa nay. Vì tình người, tất cả như muốn xích lại gần người - ta hơn để dễ dàng bắt chuyện cũ sang chuyện mới một cách chân tình và chân quê mà rất thanh lịch, trang nhã. Ai trong chúng ta đã một thời “mai Huế xế Hàn”.

Số lượng con cháu nội ngoại, dâu rể của cụ Phan lên tới những hơn hai mươi người hiện diện đã thành thân và lại thành nhân. Tử tôn hôn tế đã nhiệt tình tự nguyện đóng góp bằng hiện vật là tác phẩm văn học, lịch sử viết về đất Quảng và con người xứ Quảng liên quan xa gần đến chủ đề Hội thảo để làm “quà tặng” cho khách quý hôm nay. Quý hóa nhất là có nhiều vị trong họ tộc của cụ Phan ở độ tuổi cao từ 60 đến hơn 85 tuổi mà rất mẫn tiệp bóp não trạng rồi suy tìm cái tứ để xây thành bài viết giàu chất sống trở thành tham luận có giá trị và đắc địa. Và chính người thân trong gia tộc đã can đảm vì chuộng sự thật mà lên tiếng đính chính những sai sót, sai lầm của anh em mình đã vô tình viết sai, tính nhầm ngày tháng ở chuyên mục “Phan Khôi niên biểu” (1887 - 1959). Tư liệu này là nguồn sử liệu bổ di cho sách Chương dân thi thoại đã in lần thứ nhất năm 1936. Năm 1998 tái bản sách in lần đầu, đã có bổ sung thêm 2 chuyên mục: 1/ Phần “Phan Khôi niên biểu” ở cuối sách; 2/ Phần đề dẫn khá dài, những chiếm đến 26 trang khổ 13x19 (từ trang 7 cho đến 32) của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Xuân nổi tiếng là nhà Quảng Nam học, đã được làm giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học Văn khoa Huế trước năm 1975.

Đại diện gia tộc họ Phan, tuổi ngoài bát tuần, con trai của cụ Phan Khôi cho biết hai ông Phan Cừ và Phan An soạn “Phan Khôi niên biểu” theo lối hồi ức. Bản thảo chưa được kiểm chứng và nhuận sắc thì lại vội đưa vào phần được xem như “bổ di” cho sách Chương dân thi thoại đã in lần đầu vào năm 1936. Sách mới cùng tựa đề được tái bản (có thêm hai phần đã nói trên) năm 1998 do Nxb. Đà Nẵng phát hành.

Ông Phan Trản đã nói trước Hội thảo phần “Phan Khôi niên biểu” (1887 - 1959) vướng phải một cái sai, cần đính chính. Và với tư cách là người cao niên quắc thước trong gia tộc thành thật xin lỗi độc giả. Đây là một việc làm “quang minh chính đại” đáng ghi nhớ, đáng ca ngợi vì ông Trản đã “nói thẳng” vấn đề. Cái sai sót, sai lầm ấy nằm ở trang 157 của bản mới Chương dân thi thoại (in năm 1998). Xin trích dẫn:

1922 - 1924:

… Do một sự việc gì đó, ông (Phan Khôi) bị Pháp tình nghi và đe dọa, nên phải chạy về Cà Mau ẩn náu nơi nhà người bạn làm chủ đồn điền. Bài thơ “Chơi thuyền trên sông Tân Bình” của ông được làm vào thời kỳ này…”. Nội dung bài thơ không dính dáng đến đất Cà Mau. Theo ông Phan Trản thì “thời gian chạy” của ông Phan Khôi không đến nỗi dài đến 3 năm 1922, 1923, 1924. Tôi nhận xét thì “3 năm” sao gọi là “thời kỳ”! Không ổn.

Một chi tiết khác mà tôi (Lê Quang Thái), người viết bài này cũng thấy bất ổn. Đó là: năm tháng thành lập và tuổi thọ của Sông Hương.

1935-1936:

Sáng lập tuần báo Sông Hương tại Huế… Báo Sông Hương sống được non một năm thì phải đình bản vì tài chánh không đảm bảo. (Sđd, bản mới 1998).

Tôi xét thấy việc ghi chép cụ Phan Khôi sáng lập tuần báo Sông Hương tại Huế vào các năm 1935 - 1936 là bất ổn, chưa đúng! Vì sao? Xin nghe cụ Phan Khôi đã viết và từng đã nói:

Chính Phan Khôi, chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Sông Hương đã viết ở số 1 như sau:

Ngày hôm nay, 1er Aout 1936, tờ tuần báo này bắt đầu ra đời.

Ra đời, Sông Hương chẳng có nghĩa gì khác hơn là tờ báo này ra ở Huế.

Người ta hay nói “sông Hương, núi Ngự”, có ý dùng mà đại biểu cho cái kinh đô của nhà vua. Nhưng sông Hương này chẳng qua là sông Hương, không dám liều mình làm một sự đại biểu hệ trọng và danh giá như thế…
”.

Còn về ngày đình bản của Sông Hương thì ở sách Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa do Nxb. Tri Thức xuất bản năm 2013 tại Hà Nội. Ở trang 28 sách này viết:

Như vậy là tờ báo Sông Hương của Phan Khôi chỉ sống được gần tám tháng, từ ngày 01 tháng 8 năm 1936 đến ngày 27 tháng 3 năm 1937, phục vụ bạn đọc 32 số, từ số 1 đến số 32”.

Tuần báo Sông Hương là tờ báo tư nhân do Phan Khôi sáng lập. Ông vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Lý do đình bản là vì lý do tài chính, do không thu được tiền do người mua báo, đại lý đặt báo không chịu gởi đủ tiền cho tòa soạn. Nói một cách khác là người ta đã cố tình chi ếm dụng vốn. Làm báo tư nhân kể ra cũng khổ, bị người đọc, người làm đại lý chiếm dụng vốn khiến chủ báo đành chia tay bạn đọc sớm mà thôi.

Chúng tôi thầm nghĩ rằng những ai đã hữu tình hoặc vô tình viết sai vì thiếu thực tế và nông cạn trong suy diễn thì trước sau cũng thấy chột lòng chột dạ. Thì ra, cái chất Quảng “thứ thiệt” trong con người Phan Khôi đã được truyền chuyển trong huyết quản của con trai của cụ: ông Phan Trản.

Tuy vậy, bên cạnh những sai sót của “Phan Khôi niên biểu (1887-1959)” cũng có một ưu điểm là viết đủ và đúng giờ, ngày, tháng, năm mất của thân phụ người chấp bút: 11 giờ trưa ngày 16/01/1959 (mồng 8 tháng Chạp âm lịch). Điều này như để đính chính lại sai lầm của các sách văn học sử và từ điển danh nhân xuất bản ở miền Nam trước năm 1975.

Tham dự Hội thảo, chúng tôi mới biết Bia Mộ của Nhà báo, Nhà văn Phan Khôi tại Nghĩa trang Bạc Hà của gia tộc họ Phan thuộc thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đọc Văn bia, chúng tôi thấy hai chi tiết cần chỉnh sửa. Phan An Sa con trai út của Cụ đã viết hay nói cho đúng là chép lại đầy đủ ở trong sách có giá trị cao với nhiều đầu tư công sức trong việc sưu khảo tài liệu được xuất bản năm 2013. Tác phẩm lớn có tên hơi dài, nhờ dài mà thể hiện được tính chất phân minh: Nắng được thì cứ nắng Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn.

Hai chi tiết ấy nói lên hai sự kiện trực tiếp liên quan đến tiểu sử của nhà báo, nhà văn Phan Khôi (viết bằng chữ in hoa):

1 - ĐỖ TÚ TÀI NHO HỌC NĂM 1906 (KHOA THI NĂM ẤT TỴ).

2 - MẤT NGÀY 08/12 NĂM KỶ HỢI (16/01/1959) TẠI HÀ NỘI, AN TÁNG TẠI NGHĨA TRANG HỢP THIỆN.


(Nguồn: sách Nắng được thì cứ nắng Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn. Phan An Sa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013, tr.667-668).

Chi tiết 2, tác giả Phan An Sa đã thận trọng viết ở sách đã dẫn tại trang 669:

- Ngày mất của ông là ngày 16 tháng 1 năm 1959 (tức ngày 8 tháng 12 năm Mậu Tuất).

Như vậy chỉ cần sửa năm âm lịch cho đúng là năm MẬU TUẤT.

Chi tiết 1, có nhiều sách và từ điển nhân vật viết sai về năm đỗ Tú tài Hán học của Phan Khôi, kể cả tiểu phần “Phan Khôi niên biểu (1887 - 1959)” của sách Chương dân thi thoại tái bản năm 1998. Người ta đã viết Phan Khôi đỗ Tú tài năm 1905 tức năm Ất Tỵ. Sai! Và lầm! Lệ xưa, quy định các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu thi Hương để lấy đỗ Tú tài, cử nhân; Sửu, Mùi, Thìn, Tuất thi Hội để lấy đỗ từ Phó bảng, tiến sĩ trở lên. Tra lịch sử thi cử triều Nguyễn không thấy, và làm sao thấy có được khoa thi Hương năm Ất Tỵ, cho dẫu là ân khoa đi nữa! Đã có dự kiến tổ chức ân khoa năm Nhâm Thìn, 1904, niên hiệu Thành Thái thứ 16, nhân gặp lễ đại khánh tiết Hoàng Thái Hậu - Vì vậy viết vào lòng bia trong mở đóng dấu ngoặc đơn: (Khoa thi năm Ất Tỵ).

Vì vậy chúng tôi mạnh dạn góp ý “những từ trong dấu mở đóng” ấy sẽ sớm được điều chỉnh lại để nâng cao giá trị văn học của một văn bia của nhà phản biện xuất sắc nhất của thế kỷ XX của nước Việt thân yêu, tác giả của sách Việt ngữ nghiên cứu.

Ông Phan An Sa ơi! Ông sẽ khỏi phân vân và ái ngại gì nữa, vì tính ông vốn thẳng thắn và cầu thị cho nên khi viết nhận xét về nội dung văn bia của thân phụ mình ông đã lên tiếng “thế vấn” để bảo vệ cho phần đóng góp ý kiến phản biện mà tất cả vì một lý do chính đáng: tôn trọng sự thật.

Lý do khiến cụ Tú Phan Khôi bỏ ngang con đường khoa cử Hán học là vì khoa thi năm Bính Ngọ, 1906 tại trường thi Thừa Thiên “thật lôi thôi” nếu không muốn nói rõ hơn là khoa thi này là khoa thi “bê bối”. “Bê bối” như thế nào, Cao Xuân Dục đã nói ở trong sách Quốc triều hương khoa lục, Sđd, tại tr-591: “Trường Thừa Thiên. Lấy đậu 35 người. Sau khi ra bảng, sĩ tử đưa đơn tới Tòa Khâm sứ cùng Cơ mật viện khiếu nại về 11 Cử nhơn học dở mà lạm trúng. Vì vậy Quý Tòa bàn bạc chuẩn lập hội đồng, cử quan người Pháp người Nam tiến hành duyệt lại…”.

Khoa thi này do Thị Lang bộ Hình Tạ Tương làm Chủ khảo, Án sát Quảng Nam Từ Thiệp làm Phó chủ khảo. Dư luận trong thế gian thời bấy giờ gọi khoa thi này là “nát như tương” để lại một vết đen trong lịch sử khoa cử Hán học vào đầu thế kỷ 20. Đọc tiếp:

Trong đó người thứ 4 là Hồ Đắc Đệ, người thứ 17 là Trần Xuân Giản, người thứ 42 là Nguyễn Đức Thố văn lý tạm trôi hơn cả, vẫn cho lấy đậu. Còn người thứ 11 là Lê Xán, người thứ 23 là Nguyễn Văn Uất, người thứ 27 là Lưu Đức Tuấn, người thứ 33 là Thái Quy, người thứ 36 là Nguyễn Gia Khái, người thứ 37 là Vũ Khắc Triển cộng 8 người văn lý tầm thường đều giáng xuống hạng Tú tài, lại cho vào dự thi phúc hạch, truất cả…”.

Tham dự viết đơn kiện quan trường chấm thi khoa thi này bất minh có các sĩ tử đất Quảng, tiêu biểu là Phan Khôi, Dương Thưởng, Dương Thạc…

*

Hội thảo khoa học lần này được xem như Hội thảo bản lề đặt trên nền tảng vững chắc cho Hội thảo lần sau vào năm 2017 tại Hà Nội như báo Thanh Niên ra ngày 7/10/2014 đã viết: “Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tập hợp những dữ liệu để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên, kể cả việc đặt tên đường Phan Khôi tại Quảng Nam (hiện TP. Đà Nẵng đã thực hiện). Hội Khoa học lịch sử Việt Nam dự kiến mở hội thảo về Phan Khôi với phạm vi nghiên cứu toàn diện hơn vào năm 2017 tại Hà Nội, nhân dịp 130 năm ngày sinh Phan Khôi”.

Chúng tôi tin rằng hương hồn nhà văn, nhà báo Phan Khôi đã an giấc ngàn thu trong lòng đất Việt và đất Quảng rất thanh thản, tươi vui như lúc sinh tiền cụ hay ngâm hai câu thơ do chính mình sáng tác:

Cũng đành nhắm mắt không ân hận
Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình
”.

L.Q.T  
(SH309/11-14)





 

Các bài mới
Ký ức A Lưới (26/11/2014)
Chùm thơ Anh Thơ (21/11/2014)
Các bài đã đăng