Tạp chí Sông Hương - Số 309 (T.11-14)
Nobel văn học 2014: Patrick Modiano hay là sự truy vấn bản thể - dòng máu Do Thái?
09:14 | 18/11/2014

TRẦN HUYỀN SÂM

Việc trao giải Nobel cho Patrick Modiano - nhà văn Pháp, đã gây sự ngạc nhiên đối với công chúng mến mộ tiểu thuyết gia Murakami.

Nobel văn học 2014: Patrick Modiano hay là sự truy vấn bản thể - dòng máu Do Thái?
Nhà văn Pháp Patrick Modiano - Ảnh: internet

Tuy nhiên, nếu những ai đã từng đọc Patrick Modiano, hẳn sẽ biện minh rằng: ông hoàn toàn xứng đáng, thậm chí sớm hơn thế nữa, về giải thưởng danh giá này. Đơn giản, Patrick Modiano đã giúp chúng ta khôi phục lại “bản mặt” của nhân loại, với hai phạm trù song hành: ánh sáng và bóng tối, cái thiện và cái ác, mà mỗi cá nhân, ở những khía cạnh khác nhau, là nguyên cớ dự phần vào thế giới ấy.

Với giới phê bình nước Pháp, Patrick Modiano là một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất của thế kỷ XX. Ngay từ thập niên 80, bạn đọc trên các tờ báo uy tín của Pháp đã bình chọn ông là nhà văn được ưa thích nhất. Với Việt Nam, ông là một gương mặt quen thuộc qua các tác phẩm Những đại lộ ngoại vi, Phố những cửa hiệu u tối, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối… Trước lúc được vinh danh Nobel văn học tại Thụy Điển, Patrick Modiano đã từng đoạt những giải thưởng lớn như giải Viện Hàn lâm Pháp, giải Goncourt (cho tiểu thuyết Rue des Boutiques obscures, Phố những cửa hiệu u tối, 1978). Ngoài ra, tác phẩm của ông đã từng được chuyển thể thành phim bởi những đạo diễn nổi tiếng của Pháp.
 

Patrick Modiano thuộc thế hệ nhà văn sinh ra sau Thế chiến II, nhưng những “dư chấn” của nó vẫn hiện hữu thường trực trong tác phẩm của ông. Hướng đến một vấn đề lớn, đó là nỗi đau chiến tranh và những suy tư về bản thể, tiểu thuyết của Patrick Modiano buộc người đọc phải day dứt về những hệ lụy của vết thương quá khứ. Kết hợp giữa hai sự kiện lớn: tàn dư của chiến tranh và những xáo động của nước Pháp sau tháng 5/1968, Patrick Modiano đã khái quát sinh động xã hội châu Âu và bộ mặt của nước Pháp thế kỷ XX. Bằng lối phân tích triệt để và những quan sát tinh tế về thân phận con người trên những đại lộ Paris quen thuộc, tác phẩm của ông đã dẫn dụ người đọc vào sự truy vấn lương tâm: CON NGƯỜI cần hiện tồn như thế nào, theo ý nghĩa viết hoa của nó.

Đặt nhân vật vào hai lằn ranh giữa bóng tối và ánh sáng, Patrick Modiano đã đánh thức ở chúng ta những giá trị đã mất. Truy tìm bản thể của con người trong quá khứ để đối diện với những vấn nạn trước cuộc sống hiện đại, đó là nét chủ đạo trong toàn bộ sáng tác của tiểu thuyết gia Patrick Modiano. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu trước thập niên 80 như: La place de l’ Étoile (1968), La ronde de nuit (1969), Les Boulevards de ceinture (1975), Villa triste (1975), Livret de la famille (1977), Rue des Boutiques obscures (1978)… Và gần đây nhất với Dans le café de la jeunesse perdue (2007), L’Herbe des nuits (2012), Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (2014 )…

Dù không trực tiếp đề cập đến chiến tranh và nạn bức hại người Do thái như Jonathan Littelle, nhưng Modiano đã phê phán sâu sắc hậu quả của nó qua số phận những người nhập cư. Hầu như, các nhân vật đều là những người “mất căn cước”. Chiến tranh đã làm họ trôi dạt từ nơi này đến nơi khác. Một con người mang hai, ba quốc tịch, để rồi cuối cùng, họ không biết mình là ai, từ đâu đến, thậm chí, tên đích thực của mình là gì?

Cuốn Phố những cửa hiệu u tối(1) tiêu biểu cho chủ đề vừa nêu. Đó là câu chuyện về người đàn ông vượt khỏi Paris đến Megève lánh nạn, trước sự truy bức của Đức quốc xã, và rồi bị vùi trong tuyết và trở nên mất trí nhớ. Chiến tranh kết thúc, trở về Paris, anh không còn nhận ra chính mình? Mất “căn cước”, mất cội nguồn, anh rơi vào một trạng thái trống rỗng, hư vô, hoài nghi. Bằng cuốn niên giám Paris, anh lần tìm lại quá khứ của mình qua dấu vết của từng con phố, từng địa danh, từng mùi hương quen thuộc của nàng Denise - mối tình say mê tuổi trẻ... “Bản mặt” của anh dần dần đã được khôi phục, nhưng đó chỉ là sự “vá víu”, lắp ghép qua những mảng ký ức hư thực. Người đọc đã bị nhân vật dẫn vào một thế giới sương mù, không lối thoát, chập chờn, hư ảo, chông chênh giữa cuộc đời này…

Phải chăng, cội nguồn Do Thái đã trở thành nỗi ám ảnh trong sáng tác của Patrick Modiano? Dù sinh ở Boulogne - Billancourt, Paris (1945), nhưng tổ tiên ông thuộc dòng máu Do Thái, gốc Ý. Nguồn gốc này là một nguyên cớ để ông luôn truy vấn về thân phận tha hương của con người trong xã hội châu Âu. Các nhân vật của ông luôn day dứt tìm lại nỗi đau quá khứ, thậm chí, đôi lúc người đọc cảm giác như đó chính là sự hiện hữu của bản thân tác giả. Gần ba mươi cuốn sách của ông, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều trở đi trở lại chủ đề truy vấn bản thể này.

Đặc tính tự thuật và hơi hướng của tiểu thuyết trinh thám bao trùm lên các tác phẩm của Patrick Modiano. Sử dụng người kể chuyện chứng nhân/ trải nghiệm, với vai trò “thám tử” để truy tìm những cuộc đời bí ẩn, tiểu thuyết của ông đã tạo một sức hấp dẫn, lôi cuốn ma mị. Patrick Modiano không chú trọng xây dựng cốt truyện, mà chủ yếu “lắp ghép” lại bởi những mảng ký ức vụt hiện của nhân vật. Kết hợp hai thủ pháp xen kẽ: độc thoại nội tâm và đối thoại song hành, Modiano khéo léo dẫn người đọc vào thế giới hư thực của nhân vật. Và đôi khi, cũng như nhân vật của ông, người đọc lạc lối… Kiểu viết này, khiến chúng ta phải dừng lại để suy tư, chất vấn về cái thế giới bí ẩn của chính mình, đã bị nhà văn “tọc mạch xen vào”…

Lối viết gián tiếp, chỉ dùng những biểu tượng và cứ liệu địa lý để khơi gợi, khiến cho đọc giả bình thường chưa hẳn đã mở được mã văn bản của Modiano. Tiếp cận tác phẩm Patrick Modiano, người đọc phải trang bị những kiến thức cần thiết về lịch sử thế giới, địa lý Paris, cội nguồn của dòng máu Do Thái và đặc biệt là lý thuyết trôi giạt/ Théorie de la dérive của Guy Debord(2).

Văn phong của Patrick Modiano đẹp, thuần khiết. Không sa vào mô tả thiên nhiên, nhưng thủ pháp “điểm xuyết” của ông đủ để làm người đọc mơ mộng, xốn xang trên từng trang viết. Len lỏi trong những khu phố u tối đó là ánh trăng mờ ảo, ráng trời chiều dịu êm, mùi hoa thoang thoảng dịu ngọt trên những đại lộ Paris… Trả lời trên Télérama, ông nói: “Điều mà tôi thích nhất trong lối viết, trước hết, đó là sự mơ mộng… Cần phải cụ thể hóa sự mơ mộng ấy trên từng trang viết, và rồi, thoát ra từ sự mơ mộng đó”(3).

Trở lại quá khứ của lịch sử để lý giải những đổ nát của cuộc sống hiện đại, nhất là các giá trị đạo đức, đó là chủ đề quan tâm sâu sắc của những tiểu thuyết gia đương đại ở Pháp. Việc trao giải Nobel cho Patrick Modiano đã cho thấy quan điểm của Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển gần như gặp gỡ với tư tưởng của Hội đồng chấm giải Goncourt. Phải chăng, sứ mệnh của tiểu thuyết là góp phần minh định cho mệnh đề: Cần định giá tương lai nhân loại bằng chính những căn cứ trải nghiệm đớn đau của quá khứ?

Huế, 14/10/2014

T.H.S
(SH309/11-14)


---------------------------
(1) Rue des Boutiques obscures, Éditions Gallimard, 1978. 
(2) Guy Debord (1931-1994) - nhà xã hội học kiêm đạo diễn điện ảnh của Pháp, người ảnh hưởng  tư tưởng của Marx nhưng lại chủ trương cổ xúy cho lý thuyết trôi giạt/ Théorie de la dérive, xin xem La Société du spectacle, Éditions Gallimard, 1992.
(3) Entretien dans le Télérama N° 3377, octobre 2014, http://www.babelio.com/auteur/Patrick-Modiano.  




 

Các bài mới
Ký ức A Lưới (26/11/2014)
Chùm thơ Anh Thơ (21/11/2014)
Các bài đã đăng