Tạp chí Sông Hương - Số 309 (T.11-14)
Ký ức A Lưới
08:13 | 26/11/2014

NGUYỄN VĂN QUANG 

Tháng tư năm 1992, tôi theo An - bạn lính cùng đơn vị lên A Lưới thăm người nhà của An. Xe chạy từ Huế ra Quảng Trị rồi ngược vào A lưới, đường lúc đó còn khó đi.

Ký ức A Lưới
Đồi A Bia - Ảnh: internet

Vô tình gặp lại Tú, là học sinh trường trung cấp Y tế Huế, trường anh gần trường tôi, quen nhau qua phong trào đá bóng. Tú đưa tôi về nhà chơi ở thôn A Hưa xã Nhâm. Tôi vốn có tính tò mò thích đi đây đó tìm hiểu… Gia đình Tú gồm anh Hùng giáo viên dạy tiểu học, Tú làm ở trạm y tế xã, và Tâm - cô em gái Tú rất xinh học lớp 12 ở thị trấn, cuối tuần mới về nhà. Bố Quỳnh Kê Re có biệt tài thổi khèn và làm khèn rất khéo tay từ ống nứa. Nhớ có lần bị mấy chú bộ đội biên phòng sờ gáy tại quán thầy Liên cô Nguyên, tôi đưa chứng minh thư và giấy xuất ngũ cho họ. Xem xong anh ta nói ông ở phường Phú Thuận à, tui cũng ở cùng phường với ông. “Vâng, anh ở khu vực mô?” “Khu vực 1 gần Trần Hưng Đạo”. “Ồ rứa là “Bến Me” phải không?” Anh ta ậm từ tỏ ra không vui, có lẽ vì cô Tâm… Sau đó tôi về thôn 3 xã Hồng Quảng uống rượu với anh Lê Hồng Vân trưởng công an xã; anh Mưh và bà con rất vui. Về đây tôi được biết đến thầy Trần Văn Xuy (PRung Xuy) thầy giáo dạy tiểu học, thầy là kho từ điển tiếng Pa Cô. Thời đó tôi được biết đến đồi A Bia…

Năm 2006, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức trại sáng tác, gồm 9 nhà văn lên ở lại thôn A Hưa. Trong chuyến thâm nhập thực tế tại A Lưới, chúng tôi là một trong những người đầu tiên được đặt chân lên Đồi Băm, sau ngày giải phóng. Ở A Hưa 10 ngày tôi cố nhớ những ngôi nhà ngày xưa, nhưng giờ thay đổi hết rồi; điện đường trường trạm, bê tông hóa đã đẩy lùi những ngôi nhà sàn được làm bằng phên tre nứa lợp tranh, lá cọ, cái bếp quanh năm đỏ lửa đã không còn nữa. Bỗng thèm ngọn khói chiều bên mái nhà sàn năm xưa, nơi đã từng ấp ủ tình người ấm áp, những con đường xưa mòn mắt quá khứ nối liền thôn này đến bản kia, toàn là lau lách đêm về hoang vắng có tiếng ếch nhái kêu… Thời đó sợ rắn nên đi đêm phải có đèn pin, nhưng dùng đèn thì không được rọi thẳng vì sợ trúng mặt người khác, pha đèn giúp nhau thì được nhưng rọi đèn vô tình vào mặt người khác là có chuyện. Ký ức xưa cứ ùa về làm tôi nhớ đến nhà thơ, nhà giáo, lương y Võ Thìn năm xưa khi mới giải phóng anh đưa vợ lên đây dạy học, xác định đến miền đất này lập nghiệp và đưa con chữ đến cho bà con. Nhưng ai ngờ rừng thiêng nước độc và những cơn sốt rét đã cướp đi tính mạng người vợ hiền của anh. Anh đau đớn vô cùng. Lúc đó không có phương tiện, anh đành cõng chị lên vai đi con đường 12 cheo leo đèo cao vực thẳm, đến đâu thì đến miễn sao về tới Thành nội - nơi chị được sinh ra. Suốt ròng rã hơn 3 ngày đêm anh mới về đến nhà. Gia cảnh chị lúc đó thật khó khăn: mẹ đã qua đời, bố đi cải tạo còn lại mấy anh chị em thật thương tâm. Làm đám xong, suốt 3 tháng 10 ngày anh ăn chay nằm đất bên ngôi mộ người vợ xấu số. Thế là sự nghiệp trồng người trên miền đất hứa đã vắng bóng anh chị. Trước năm 1975 anh dạy ở trường THCS Nguyễn Chí Diểu, sau này anh lên A Lưới cùng vợ là sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế được lên nhận nhiệm sở. Thời gian qua đi, ít còn ai nhớ đến, nhưng tôi làm sao quên được anh Võ Thìn - người đã từng cưu mang những người không may… Anh lang thang hành nghề đông y bốc thuốc khám bệnh miễn phí cho người nghèo, và anh gặp được chị Niềm là giáo viên ở Thành cổ Quảng Trị, 2 người xây dựng mái ấm, từ đó anh mở hiệu thuốc, bốc thuốc khám bệnh cho bà con gần xa trong vùng và các tỉnh lân cận. Sau này cuộc sống có phần khấm khá, có lần bạn đến chơi, anh rủ bạn đi nhậu rồi rút cacvet và chìa khóa chiếc xe Dream ThaiLand mà vợ chồng mới mua, tặng cho bạn. Anh B rất ngại, nhưng anh nói tau cho chú mi cái cần câu còn con cá thì chú tự kiếm lấy. Vâng cũng như thế bạn tôi ở Huế ra chơi, anh mời đi nhậu và lột chiếc nhẫn cắn móp rồi đeo vào tay Đ nói: chú đừng từ chối anh chỉ giúp chú lúc khó thôi, cứ cầm đi khi mô làm ăn nên mời anh đi nhậu hí. Đúng là Võ Thìn - người anh, người bạn, người thầy của chúng tôi. Tuy anh không còn dạy học nhưng cái tâm của anh và công việc đời thường của anh khó ai sánh được. Mùa đông năm 2010, nhà thơ, lương y Võ Thìn đã ra đi mãi mãi... Vĩnh biệt anh. A Lưới ngày nay đã thay da đổi thịt, các em được học hành; dân trí bây giờ cao hơn xưa, tiếc là anh không còn để chứng kiến. Biết đâu trong số thành đạt hôm nay, có người là học trò của anh chị ngày xưa.

Đồi A Bia nguyên sơ là ngọn núi được mọc lên từ thung lũng A Sầu, ở phía Tây giáp ranh biên giới Lào, độ cao khoảng 937m so với mặt nước biển, tạo thành thung lũng phía Bắc Việt Nam, một nhánh núi về phía Đông - Nam có độ cao 900m; một nhánh khác ở phía Nam có đỉnh cao 916m, liên hoàn trong một cụm còn gọi là ngọn tam sơn. Người dân bản địa gọi núi A Bia, ví như một con thú đang thu hình trong những tán mây. Tôi trở lại vùng đất hứa nhưng không phải là thôn A Hưa xã Nhâm. Lần này chúng tôi được trú ngụ dưới chân đồi hay còn gọi thung lũng thuộc thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc, phía bắc A Lưới; Hồng Bắc và Nhâm là 2 xã có chung ngọn đồi A Bia. Đứng dưới chân núi nhìn lên với độ cao chênh vênh và nhìn xuống so với mặt biển thăm thẳm ngút ngàn mây khói cũng đủ cho ta sự rung cảm ngày và đêm qua những đường gân thớ thịt… Máu lửa của một thời được đẩy lùi trong quá khứ; cao điểm 937 theo cách gọi của người Mỹ. Xã Hồng Bắc với tuyến đường đi bộ dành cho du khách ngày nay được chinh phục bằng 853 bậc cấp với chiều dài 1.567m, con đường hun hút nắng và gió của mùa hè với cái nắng khắc nghiệt lên tới 39 độ. Các nhà văn tham gia trại sáng tác lần này gồm có: nhà thơ Lê Gia Ninh, nhà thơ Nguyễn Văn Vũ, nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong, nhà văn Lãng Hiển Xuân,… cùng với anh Lê Văn Tùm cán bộ xã Hồng Bắc. Các anh tuy tuổi tác cao, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng đã chinh phục được ngọn đồi bằng bản lĩnh những ký ức năm xưa của người lính. Anh Ninh kể với chúng tôi sau 45 năm, lần đầu tiên anh được đặt chân lên vùng đất này. Trong thời khắc khốc liệt ấy, tuy anh không trực tiếp chiến đấu nhưng nhà thơ là một thầy giáo đứng trên bục giảng đồng thời là chiến sĩ trên hai mặt trận. Lúc bấy giờ nghe tin Cu Lói bị lính Mỹ băm xác trên thân cây Arlăng, anh đã chia sẻ sự đau đớn tang thương mất mát ấy cho thế hệ học trò mình. Hôm nay tuy đã ngoài tuổi thất thập, anh nói tôi thấy cuộc chiến nào rồi cũng thế, chúng ta chỉ chiến thắng nhau bằng tình yêu thương chia sẻ và cảm thông cho nhau... Một nén nhang được các anh thắp lên ngọn đồi mà trước đây máu trộn bùn đất cày xới nhồi chung với xương thịt. Người Mỹ còn gọi là Hamburger nơi chiến trường miền Nam Việt Nam. Nén tâm nhang các anh thắp cho những người lính đã nằm lạnh nơi đây 45 năm về trước. Ngọn khói cong ba chiều rồi co lại thành một đám mây trắng trong nắng mai. Cây cỏ voi cao ngang thắt lưng đã dạt về phía chân đồi nhấp nhô khoe đầu ngọn gió. Đồi A Bia xưa kia được người bản địa ví như con thú đang thu mình, bên kia là dòng sông Lin giáp với biên giới Lào, là một ngọn núi mọc lên từ thung lũng tình yêu, theo cái nhìn và con mắt thi sĩ đồng thời tư duy theo lối kiến trúc dưới con mắt của những nhà du hành vũ trụ… Thiết nghĩ rằng nơi này nên sớm đưa vào dự án du lịch truyền thống, mang tính nhân đạo toàn cầu, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam. Nhiều lần tôi trăn trở phác thảo các hình mẫu tượng đài anh hùng Cu Lói, từ dạng chân dung phù điêu rồi tượng tròn và tượng đài, rồi chọn vị trí dựng tượng đài Cu Lói ngay Đồi Thịt Băm ở cạnh cây Arlăng, nhưng lại thấy vẫn không thuyết phục. Lần này tôi quan sát kỹ để đưa ra phương án cụ thể hơn, tôi đã sáng tạo ra một mô hình tượng đài mới như sau: Ba cánh tay dương cao chụm đầu lại thành hình tháp bút, như ngọn tam sơn, vốn dĩ địa hình địa vật của đồi A Bia theo tính chất địa lý; đồng thời 3 bàn tay được nâng quả cầu, trên quả cầu có đôi chim bồ câu trắng lồng vào mây như áng văn ngự giữa trời xanh; bên dưới tượng đài là bát nhang hồi đồng để du khách đến viếng. Phần 3 cánh tay như lá bài vị ghi chép tên tuổi của những Người lính Giảng phóng - Việt Nam Cộng hòa - Mỹ, và tổng số người hy sinh tại vùng này qua các trận đánh… thể hiện được tính nhân văn khi người nước ngoài đến tham quan, tạo niềm tin yêu nhân bản nơi ngày xưa vốn là đạn bom khói lửa và máu xương. Xung quanh khu tượng đài được trang trí những vòng hoa, những loại cây như tùng, la hán, thông để tạo thành khu rừng mang tính huyền bí, rồi trang trí minh họa thêm các mảng tường bằng phù điêu đắp nổi những đoàn quân và dân mang nhiều sắc tộc để nói lên tính sử thi của một thời. Quanh đài tưởng niệm có vườn hoa ngay trên mảnh đất máu lửa của một thời. Tiếp đến là các gian nhà trưng bày bán hàng lưu niệm như các dụng cụ cung tên, nỏ, khèn và các vật dụng vốn cổ để phát triển ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm để thu hút lượng khách trong và ngoài nước đến với A lưới.

Tượng đài sẽ được quay mặt về hướng Đông - Nam chênh ngọn đồi được nối liền với hai xã Hồng Bắc và Nhâm. Tôi liên tưởng nơi đây trườn xuống từ đỉnh cao nhất của ngọn núi chất chứa những linh hồn trận vong mà 45 năm về trước xương của các anh đã hóa thạch, máu các anh đã xanh màu huyền thoại, hợp thành một bản trường ca bi tráng. Đứng trên đỉnh cao 937m nhìn về xuôi là trùng điệp xanh màu các rặng núi liền núi nối nhau chạy mãi tới tận xa tít. Những nhánh núi chẻ ra như những ngón tay đan vào biển khơi. A Bia là ngọn núi lớn nhất của miền Tây A Lưới được mở rộng về phía Đông Nam có độ cao 900m, gồ ghề những mặt lồi lõm của nó được bao phủ bởi những tán cây xanh, khu rừng đóng rồi mở ra những khóm tre và cỏ voi cao đến thắt lưng thấp thoáng bóng dáng người trên nương rẫy và những chiếc gùi ẩn hiện trong mây…

Chúng tôi bước lên từng bậc cấp thời gian, mây chùng dưới chân mát lạnh trên đầu xác nắng, đôi môi khát, tiếng ve khan giọng rừng ngân nga nhịp thở qua từng cung bậc. Vọng vào tai những lời cha chấp với tiếng khèn em gái trên nương con suối thu róc rách. Hồng Bắc hay còn gọi là Hồng Ớt theo truyền thuyết của người Pa Kô. Theo Lê Văn Tùm: xã Hồng Bắc trước đây có ông Lê Hồng Sịa được dân làng đặt cho cái tên là Hồng Ớt. Vào những năm thập niên 60 trong trận càn giặc đốt làng, mọi người cõng nhau chạy, còn ông chỉ gùi theo ớt... Còn thầy Prung Xuy: “Mình đã hơn nửa đời đi tìm cái ngôn ngữ chữ viết cho riêng mình”; cạnh đó là nỗi buồn buông nhẹ qua vai những chàng trai cô gái đau đáu đi tìm cái họ mà anh Lê Văn Thiện (chủ tịch xã Hồng Bắc) nhiều lần trăn trở, phải chăng đâu đây hay nó đã nằm sâu trong đại ngàn của núi rừng? “Chúng tôi cũng không biết nữa nhưng đa số ngày xưa bà con mình cất giấu gia phả trong chiếc gùi rồi chiến tranh thất lạc và thời gian đã xóa đi những vết tích xưa”. Còn Lê Thị Liên - cán bộ tuyên giáo huyện khẳng định rằng em là người Pa Kô, trong thời chiến gia đình em phải sang Lào rồi về Việt, bà con mình ở từ Quảng Trị vào đến Thừa Thiên Huế và bên Lào dọc theo biên giới, tuy cái tên đã có nhưng còn cái họ tìm chưa ra, đa số bà con đã mất hết gia phả chẳng biết mình mang họ gì nữa? Tôi tự hỏi liệu mình có thể quyết tâm đi tìm giúp cho họ cái cội nguồn này không? Bố một họ, con một họ. Ôi! họ tự chọn, do hoàn cảnh đất nước trong thời khó khăn học sinh đi học không có giấy khai sinh, nhưng đi học được là quý rồi, chủ yếu động viên con em ra lớp, đến năm cuối cấp mới bắt đầu thống nhất lại cái tên và cái họ cho học sinh để thi tốt nghiệp tiểu học. Do đó cái tên cái họ cũng được tự do tùy chọn. Có khi bố mẹ thích sao đặt vậy và cũng có những trường hợp vì yêu quý thầy cô giáo nên mang họ của thầy cô luôn. Qua quá trình tìm hiểu tôi thấy đa số bà con Pa Kô, Vân Kiều,Tà Ôi, Cơ Tu ở A Lưới đều mang các họ Hồ, họ Lê và họ Nguyễn. Dựa trên cơ sở của đại đa số bà con cho biết nguồn gốc của từng họ là: qua các triều đại, các chế độ mang tính lịch sử của dân tộc, đồng bào miền núi bỏ họ của mình để mang họ của các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Nguyễn Trãi… sau này lại mang họ Nguyễn của các vua chúa ở Kinh đô Huế. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bà con đã mang cho mình họ của Bác để tưởng nhớ công ơn Bác và mong đến ngày độc lập. Suy cho cùng họ nào cũng có cái lý của nó. Ngày nay muốn khẳng định cội nguồn thì sử liệu bị thất tán, đồng bào đi tìm nhưng giữa đại ngàn lao xao gió biết tìm đâu khi dòng máu Việt đang chảy. Nhà nghiên cứu dân tộc học, tiến sĩ Lê Thị Sửu đã và đang ngày đêm nghiên cứu hy vọng một ngày không xa bà con mình sẽ khôi phục lại được diện mạo văn hóa và tra cứu lại cái gốc của từng họ. Nó được ra đời ở đâu và cội nguồn gốc rễ ra sao…

Để có được một A Lưới như hôm nay không đơn giản như chúng ta nhìn thấy bằng con mắt trần mà phải nhìn qua lăng kính thời gian. Có những nhân vật lịch sử mà tôi đã từng gặp như thầy Trần Văn Xuy người đi tìm lại con chữ để bảo tồn ngôn ngữ; chị Lê Thị Sửu đã bảo tồn được văn hóa tập tục cũng như ngôn ngữ chữ viết cho vùng miền; bố Cu Xết, mẹ Căn Ruôh nhớ lại ngày xưa thiếu muối thiếu gạo rau rừng không mọc được do chất độc hóa học, bà con phải ăn củ mài để sống, trong thôn xã ngày nào cũng có người chết có khi chết trong một ngày hơn cả chục người, bây giờ nói không ai tin. Mẹ nói có lần bị địch vây bắt, bỏ súng thì không được mà bỏ váy cũng không, vừa cầm súng vừa túm váy chạy may mà có bộ đội hỗ trợ mới thoát được. Mẹ nói tuy gian khổ nhưng nhớ lại là cười ra nước mắt. Đây là nhân chứng lịch sử đồi A Bia và những người đang còn sống đã từng tham gia, nếu như chúng ta không khai thác thì sau này khó cho sử liệu huyện nhà. Thời gian là những thước phim tài liệu cũng như những cuốn sách mà các thế hệ nhà văn chúng tôi đã viết hôm nay là dấu ấn của ngày sau… A Lưới những con đường, vươn dài như những ngón tay đan vào thị trấn.

N.V.Q  
(SH309/11-14)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Anh Thơ (21/11/2014)