Tạp chí Sông Hương - Số 34 (T.11&12-1988)
Về làm dâu Huế
07:58 | 11/02/2015

VÕ QUANG YẾN

Hơn 30 năm chung sống, nhà tôi đã được tôi kể cho nghe nhiều về cảnh đẹp, người hiền của nước Việt Nam ta, về những buổi đi nghe hát trên sông Hương một đêm trăng sáng, những buổi tắm đêm giữa sông Ô Lâu ngoài thôn Mỹ Cang, những mùa thi cử phượng đỏ rực trời, ve kêu rầu rĩ...

Về làm dâu Huế
Vợ chồng GS-TS Võ Quang Yến (giữa) với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Ảnh: gactholoc

Quê hương tôi nghe kể sao vui tươi đẹp đẽ lại đầy dẫy cảm tình nên nàng cứ náo nức mãi. Năm nay, không dằn lòng được, tôi chịu đem nàng và mụn gái út thăm làng xưa xóm cũ của tôi cũng như nàng đã từng đưa tôi về viếng vùng Morvan hẻo lánh của nàng, quanh năm mưa lạnh nhưng kỷ niềm tràn trề. Vả lại hai năm trước đây, hai đứa con trai đã theo tôi về thăm quê cha đất tổ.

Tôi về trước nên khi nhà tôi và con gái đến sân bay Tân Sơn Nhất thì đã có tôi và bầy cháu chắt lại đón. Tôi đã giải thích về Hải quan phức tạp nên cả hai mẹ con đều chờ đợi những thủ tục phiền toái. Không ai dè không đầy một giờ sau khi máy bay hạ cánh, bập bẹ mấy câu tiếng Việt vừa học "Tôi hiểu được chút ít chứ chưa nói thạo" nàng đưa con ra khỏi cửa dễ dàng như ở một phi trường châu Âu, trước những con mắt tháng phục của bà con đi đón. Có lẽ mái tóc vàng của nàng thêm vào một bộ mặt bỡ ngỡ đã gây cảm tình và thuyết phục anh hải quan dễ dãi cho nàng.

Tôi đã từng kể cho nhà tôi nghe về đại gia đình ở nước ta, bây giờ nàng mới thực sự chứng kiến cái đông đúc của các anh chị em và bầy cháu chắt. Nào thím, nào mợ, nào cô, nào bà, các câu chào tới tấp, các bó hoa trao tay, làm sao phân biệt được ai là bạn bè Hội đồng hương Huế, ai là thân nhân ruột thịt hớn hở mặt mày. May là tôi đã chuẩn bị soạn trước một danh sách gia đình loại cây gia phả để nhà tôi và con gái lanh chóng kiểm nhận được vị trí của mỗi người. Lần đầu tiên gia đình tôi tiếp đón một cô dâu Pháp, một đứa cháu gái lai, nên ai cũng tò mò muốn nhìn tận mắt, rờ tận tay, vì từ lâu ai cũng náo nức muốn gặp mà chỉ nghe mô tả qua thư từ hay ngắm nhìn trong hình ảnh. Mặc dầu đã nghe nói trước, ai cũng ngạc nhiên nhìn hai người sinh sống bên trời Âu cầm đũa thành thạo và gọi đích danh các món ăn bằng tiếng Việt, phản ứng gần như một người ở quê nhà.

Về đến nhà cô cháu, đến lượt nhà tôi và con gái tiếp xúc với thực tại tiện nghi. Nhà không có phòng riêng, cửa sổ thì mở ra ngoài hành lang có người qua lại. Bếp núc, bể rửa đặt ngay dưới đất, khi nấu ăn hay rửa chén đọi phải lum khum hay ngồi chỏ hỏ. Nước khi có khi không, nhiều khi có thì áp lực lại quá yếu để nước phun ra khỏi vòi, phải lấy gáo múc từ lu ra,... May mà cô cháu mượn được tấm nệm không thì khổ cho cái lưng, ít cho nhà tôi mà nhiều cho tôi, lâu ngay quên nằm giường tre, phản gỗ. Lần đầu tiên nằm trong mùng một đêm trời nóng thấy ngột ngạt nhưng bị muỗi cắn còn khó chịu hơn. Cũng may nhà mát mẻ, thoáng khí nên dù không có máy điều hòa, quạt điện cũng chịu đựng được. Thấy ra tuy tiện nghi sơ sài, rút cuộc cũng đầy đủ: tôi nghĩ đến đề nghị của ai đó cho phép tư nhân đón tiếp du khách tại nhà như ở các nước Âu Mỹ, rất cần thiết hiện nay vào lúc hệ thống khách sạn chưa hoàn hảo mà mong ước mở mang du lịch lại lớn.

Sau một hôm nghỉ sức, làm thủ tục nhập cảnh và được chở xe Honda đi dạo quanh thành phố (một phương tiện di chuyển rất tiện lợi, vừa lanh chóng, vừa mát mẻ, thoáng khí lại mặc sức xem xét xung quanh), nhà tôi và con gái theo tôi cùng bầy cháu chắt thuê xe ô tô ra Huế. Như đã thấy hai năm trước, đường sá trong Nam tương đối tốt, càng ra ngoài Bắc càng xấu hơn. Đoạn đường quanh Phan Rang là tệ nhất. Có khi cầu sửa, xe phải chạy xuống lòng sông, may mà về hè nên sông khô cạn. Nhiều khúc đường biến thành công trường nhưng như tuồng tốc độ hư hỏng lớn hơn tốc độ sửa chữa nên cứ sợ với đà nầy vài năm nữa đường vẫn còn xấu. So với hai năm trước, năm nay đường xấu hơn nhiều. Cần ra Huế gấp cho kịp công tác nên chạy hai ngày xe đã đến nơi.

Từ hai năm nay, Huế chẳng có chi thay đổi: cầu Trường Tiền vẫn còn gãy một vài, nhà khách Hương Giang 2 không cao lên mấy chút, xe xích lô vẫn thiếu nệm, xe thồ chạy kêu khách như xưa. Chỉ có giá cả đồng tiền là thay đổi, cũng như mọi nơi trong nước. Và cũng vì chuyện đồng mới đồng cũ mà tôi bị hớ một lần. Hôm ấy muốn đi xe thồ từ khách sạn Hương Giang lên bệnh viện, anh đạp xe đòi tôi 10 đồng. Thấy rẻ quá, khi xuống xe, tôi trả anh ta 50 đồng. Anh ta mỉm cười cám ơn. Sau nầy người ta giải thích cho tôi nhưng đã chậm mất rồi, 10 đồng anh ta đòi là 100 đồng đó. Thì ra anh đạp xe, có lẽ là một nhà trí thức thiếu thốn, vẫn còn giữ phong cách người dân Huế xưa. Giờ đây tôi chỉ biết xin lỗi anh trên trang giấy nầy. Sau nầy, ở trong Nam thì không như vậy. Nhà tôi thường được xem là bà Liên Xô mà ở Huế thì không khi nào bị lôi thôi với chuyện trả tiền xe xích lô. Ở thành phố Hồ Chí Minh, khi thấy tôi là Việt kiều và nhà tôi là người ngoại quốc thì anh phu xe nhân đôi giá tiền lúc xuống xe nếu không là nhân ba, nhân năm so với giá đã mặc cả!

Để tránh, hay nói đúng hơn để thu nhỏ thất vọng, tôi thường giảng cho nhà tôi rất tiêu cực về điều kiện sinh sống làm ăn ở Việt Nam nói chung, ở Huế nói riêng. Nhưng chúng tôi là khách, có khi là khách quý, nên nhà tôi khó lòng nhận định được thiếu thốn của dân ta. Chỉ khi đi ăn tối nhà bạn, thấy bị cắt điện, có nhiều xóm gần như thường xuyên mỗi tối, mới biết là có vấn đề. Không biết vì ăn dưới ánh đèn dầu hay đèn sáp nên rất ngon hơn hay chính các bà bạn nấu ăn giỏi quá. Chúng tôi được nếm cá đủ loại, nấu đủ mọi cách, đủ các món chè, đặc biệt món chè bột lọc bọc thịt quay, lâu ngày quá quên mất mùi vị, và một món chè ít thấy nhưng khẩu vị thật đặc biệt: chè thưng! Nhà tôi còn nhớ mãi chuyện đi xe xích lô. Nàng vừa lo sợ vừa thán phục anh phu xe. Một hôm chúng tôi được chở đi An Cựu ban đêm, đường sá không đèn, xích lô cũng không có mà xe cộ đi lại thật lại đông đúc. Anh phu xe vừa đạp thật lanh vừa rung lục lạc, dùng tai thế mắt, chỉ nghe thôi mà không vấp váp đụng chạm gì hết. Ở Việt Nam, đi qua đường thường cứ thong thả tiến bước, xe cộ tự động tránh người đi bộ, lưỡng lự là dễ bị tông. Mỗi lần đi xe thồ, xích lô cũng như khi đi bộ dọc đường, nhất là ở trong Nam, bạn bè khuyên nên để ý hành lý, xắc tay để khỏi bị mất cắp. Chúng tôi chưa từng thấy giữa đường có ai bị giật bóp, rút kẹp. Chỉ có một lần ở Đà Lạt, chắc có người quá thương muốn giữ tôi lại nên rọc bị mượn mất cái thẻ hộ chiếu của tôi, mãi khi gần rời nước mới trả lại, làm tôi mất không biết thời giờ khai báo và gần suốt thời gian ở Việt Nam tôi đi lại chỉ với một tờ khai mất giấy.

Về Huế, tôi tranh thủ đưa nhà tôi, con gái và cháu chắt đi xem Đại Nội, lăng tẩm, chùa chiền, đi đò ngược dòng sông Hương hay nghe hát trên sông. Lần nầy, dùng dằng ở Tử cấm thành, lủi qua đám cỏ bao phủ nền gạch rêu xanh, tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến quá khứ lộng lẫy của chốn vương triều. Ngoài các lăng gần thành phố dễ đi như các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, năm nay chúng tôi được dẫn đi viếng lăng Gia Long. Trời nắng nóng mà chỉ có thể đi bộ đến thì cũng có phần mệt, nhưng đây là một cố gắng đáng làm. Chỉ có hơn 160 năm mà mồ mả điêu tàn, nhà thờ đổ vỡ. Tuy vậy, lên đây nhìn phong cảnh quanh lăng, rừng núi hoang vu mới cảm thấy cái hùng vĩ của đất nước. Tôi cũng có dịp trở lại thăm chùa Từ Hiếu cổ kính, được mấy thầy cho ăn mấy trái khế ngọt lịm vừa mới hái ngay trong sân chùa trên cây đã sống qua một thế kỷ. Tại chùa Đông Thuyền thì chúng tôi được sư bà Diệu Không mời dùng cơm chay: nghệ thuật nấu nướng ở Huế, nhất là cách nấu đồ lạt, thật là tinh vi. Đặc biệt tôi được dự kiến sư ông Trúc Lâm biểu diễn đánh trống ở chùa Vạn Phước: người lớn tuổi như ông mà sao thấy còn dẻo dang quá sức. Tôi không thể không đưa gia đình lên viếng lại chùa Huyền Không đã có dịp chiêm ngưỡng hai năm trước. Lần nầy, chúng tôi may mắn được thấy Giới Đức mời dùng trà và dẫn đi xem phong lan, cây kiểng. Trên vách tường vẫn còn treo la liệt những bài thơ viết họa như các bức tranh, chứng tỏ cảm tưởng đầu tiên của tôi là đúng: các thầy đã có tâm hồn rất thi sĩ mới trang trí được một vườn chùa tao nhã như vậy. Rời chùa ra về mà lòng tôi còn vấn vương, không biết trong đời mình biết bao giờ mới được rảnh rang để đi vãn cảnh chùa, ngắm hoa phong lan và ngồi đàm đạo với các vị chân tu. Lần nầy tôi vẫn còn xúc động khi nghe ca Huế trên sông, có khi dưới trăng tỏ, có khi giữa trời tối đen. Nhà tôi thì chưa chắc đã biết thưởng thức đúng mức các bản nam ai, nam bình dù mấy điệu hò phần nào dường như đã chinh phục được nàng vì có lúc nàng tỏ ra cảm động, nắm chặt tay tôi như để thầm bảo nàng thông cảm tôi và muốn cùng tôi rung động trong giây phút tao nhã ấy.

Tất cả cháu chắt đều theo vợ chồng tôi về thăm làng Mỹ Cang trên bờ sông Ô Lâu gần Quảng Trị. Tôi dẫn cả gia đình đi xem chỗ nhà cũ của cụ mạ tôi, bây giờ chỉ còn dấu vết một cái nền nhà giữa vườn sắn sum sê. Cạnh nhà, bàn thờ Nghĩa trủng còn nguyên vẹn trong lúc đình chùa xung quanh đều bị khói lửa phá hủy tan hoang. Tôi còn nhớ năm 1947, vào lúc quân Pháp hăm he đổ bộ vào miền Trung, trong đêm Lửa thiêng mồng 1 tháng 5, bao nhiêu miếu đình địch quân có thể dùng làm doanh trại đều bị đốt cháy, cả vùng rực lửa và tiếng nổ lách tách không ngớt suốt đêm. Bến Đình quen thuộc cả một thời thơ ấu vẫn còn đấy nhưng cây đa che bóng chợ cũ thì bị gãy từ lâu. Bà con bên ngoại và người quen thuộc nghe tin chúng tôi về đã tụ lại gặp gỡ đông đúc, và quanh nồi sắn, rổ khoai, chúng tôi đã ôn lại những kỷ niệm xa xưa của một thời không còn nữa. Dĩ vãng vui tươi, đầm ấm, chắc nhà tôi cũng cảm thấy tuy không còn phim bóng, băng thanh thời trước, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ hầu như lạt phai dần như dòng nước sông Ô Lâu thong thả chảy ra tan hòa vào Biển Đông.

Nhà tôi theo tôi về Huế không phải chỉ để thăm gia đình, viếng mồ mả, làm quen với bạn bè của tôi. Nàng hy vọng về làm dâu Huế với tất cả nhiệt tình của một nhà giáo yêu nghề. Trường Đại học Tổng hợp cần tăng cường dự án nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar? Nàng cùng tôi tiếp sức anh Daniel Christiaen, giám đốc hãng Pronatec, làm việc với các cơ quan đại học và xí nghiệp hầu mong đi đến một thỏa hiệp hợp tác giữa Huế và Lille trong ngành khảo cứu cũng như bên phía sản xuất. Khoa Hóa có yêu cầu muốn biết về các phương pháp mới trong môn hóa học hữu cơ: một buổi nói chuyện đã được tổ chức ngay với các giáo viên, giáo sư đại học và cao đẳng sư phạm. Hội Pháp Ngữ mong muốn phát triển trong tương lai? Sau nhiều buổi tiếp xúc, bàn cãi, nàng nhận lời thay mặt Hội tiếp xúc với các cơ quan Pháp có thẩm quyền. Ngày nay mấy ai biết chúng tôi đã khởi đầu công tác thành lập Alliance Française ở Việt Nam ngay từ Paris? Những hoạt động khác biệt nầy thật ra nằm trong một phạm vi: là giảng sư đại học và khảo cứu viên khoa học, nàng chỉ muốn đem kiến thức của mình phục vụ quê chồng. Sau nầy ở thành phố Hồ Chí Minh, nàng còn nói chuyện, thuyết minh ở trường Đại học Tổng hợp, Viện Khoa học, không những về hóa học mà còn về các phương pháp giáo huấn, cách tổ chức ở các trường kỹ sư hóa học ở Pháp. Ở đâu, nàng cũng nhận thấy một thế hệ thanh niên tò mò, hiếu học và đấy là điểm hết sức tích cực trong một bầu không khí không được phấn khởi lắm hiện nay ở nước ta: nhiều bạn giáo viên, nhất là ở cấp trung học, đã than phiền học sinh không chịu học hành nữa vì không thấy ngõ ra của nhà trường, không thấy một tương lai nếu không sáng lạng thì ít nhất cũng đúng mức dành cho kẻ cặm cụi dùi mài. Đây là một vấn đề quan trọng, to lớn, dính dấp đến nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế,...mà các nhà lãnh đạo phải kiếm cách giải quyết gấp rút.

Trên máy bay về Pháp, lẽ tất nhiên chúng tôi chỉ nói chuyện về Việt Nam, về Huế, chuyện gia đình, công tác, chuyện các dự án đã bắt đầu, các tiến triển trong tương lai, và chúng tôi mừng thầm nhận thấy trước tình thế khó khăn về kinh tế của đất nước đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạc quan. Riêng phần tôi không tiếc đã đưa vợ về thăm xóm xưa làng cũ, còn nhà tôi thì rất hân hoan phấn khởi, đinh ninh có thể làm được chút gì, không nhiều thì ít cho đất nước quê chồng.

Hắc ký Ni Sơn tháng 9.1988
V.Q.Y
(SH34/12-88)




 

Các bài mới