THÙY LINH
Nhìn quanh không thấy ai để ý, Ái lặng lẽ trở về phòng của mình. Tiếng cười đùa của đám thanh niên đang tụ họp giữa sân bám riết lấy Ái.
Căn phòng nhỏ bé còn sáng mờ trong bóng hoàng hôn. Đơn giản và nghèo nàn quá đỗi. Chẳng có đồ đạc gì, chẳng có sự bài trí nào hết, như chẳng phải căn buồng của phụ nữ. Một chiếc giường đơn, một tủ gỗ con, cái bàn và hai chiếc ghế, vài cái nồi, rổ rá, bếp dầu trong góc nhà. Với ngần ấy thứ Ái chẳng thấy cần thêm gì.
Cô mở ngăn bàn lấy gương lược để vào phố chơi. Khuôn mặt nào ấy nhỉ? Mình đấy ư? Hai gò má mỗi ngày một cao hơn làm gì khuôn mặt không hốc hác. Đôi môi nhợt nhạt. Nước da sạm đi. Tương đối hơn cả là đôi mắt... Nhưng kỳ thực có gì hơn đâu chứ. Giá mà nước da của mình... giá mà mái tóc... giá mà cái tuổi ba mươi sáu này... Nhưng tại sao cứ phải ngắm vuốt gương lược thế này nhỉ...
- Em đố các anh đấy?
Tiếng cô gái cất lên trong trẻo, dễ thương như làn gió mát đưa vào phòng. Ấy là Hồng, kế toán mới về cơ quan ba tháng nay. Hồng xinh xắn, lại hồn nhiên nên quanh cô lúc nào cũng sẵn mấy chàng trai vui vẻ. Sự có mặt của Hồng làm đời sống ở khu tập thể gồm đa phần bọn đàn ông độc thân đỡ rị mọ. Kể cả mấy ông lớn tuổi cũng lượt là hơn. "Chị Ái ơi vá hộ em chiếc áo" - "Chị Ái ơi cho em vay phích nước em có khách", đó là những lúc Hồng tìm tới cô. Đố có cách nào bảo Hồng nán lại bên cô thêm chốc lát. Lúc nào cũng tíu tít, bận bịu, con bé vui tươi trẻ đẹp thế cơ mà.
- Nếu ai đoán sai thì mất gì nào?
- Sai à? - Một giọng cất cao lên rồi hạ xuống ngay: - Anh nào thua sẽ bị gả cho bà Ái.
Tiếng cười rộ lên, ai đó vỗ tay đen đét vào đùi tán thưởng. Có tiếng suỵt khẽ làm nhịp cười bị ứ lại.
Những ngón tay gầy guộc của Ái để rơi chiếc gương xuống nền nhà. Cạnh sắc của chiếc gương đập phải mu bàn chân cô, một giọt máu ứa ra.
- Cô Ái có nhà không đấy?
Nghe tiếng gọi Ái bừng tỉnh. Từ nãy cô vẫn ngồi như hóa đá trong căn phòng bị vùi vào đáy sâu của trời đêm từ lúc nào.
- Sao chẳng đèn đóm gì cả thế này?
- Chị Nhị đấy à, vào chơi.
Ái đứng dậy lần tìm chiếc đèn dầu. Phải đến que diêm thứ ba cô mới châm nổi đèn lên. Ngọn lửa vàng nhợt, yếu ớt dập dờn soi lờ mờ căn phòng.
- Rỗi rãi đi mà chơi, cứ ru rú thế này thì...
Chị Nhị đập phành phạch cái quạt nan xua muỗi. Đứa trẻ chị bế trên tay loai choai đạp hai chân, rúc vào áo mẹ đòi bú. Ái ngồi thừ nhìn nó, thấy vậy chị Nhị nói đùa:
- Cô thích thì cho cô đấy, giữ mà nuôi.
- Em nuôi ngay - Ái thành thực - Chỉ sợ được nửa giờ chị đã đến đòi về.
Biết lỡ lời chị Nhị nói lảng:
- Chẳng đòi đâu, nhưng nói thế thôi, nuôi trẻ con vất vả lắm. Tôi cứ thèm giấc ngủ yên từ tối tới sáng mà không được với nó, báu gì.
Thằng bé bú no ngủ yên trong lòng mẹ, chân dạng ra, tay buông thõng đầy vẻ thỏa mãn. Ái đón cu Tý từ tay chị Nhị, thơm nhẹ vào cái má phúng phính, ngòn ngọt hơi sữa. Nếu cô cũng có một thằng cu như thế này mà nuôi nấng, nô nựng vì nó, mất ngủ vì nó. Nếu cô cũng có bầu sữa căng nhức như của chị Nhị kia... Nỗi buồn dâng lên cổ nghèn nghẹn, sống mũi cay cay, lại muốn khóc rồi.
- Cô Ái này, tôi hỏi thật nhá. - Chị Nhị thấp giọng: - Chỗ thật tình chị em, người ta đồn... là cô với lão...
- Chị, đừng tin... Ái vội kêu lên, người run bắn.
- Chẳng tin tôi mới hỏi lại cô. Nghe người ta nói là ông ta có mấy đứa con ở quê rồi, cơ mà hậm hực vì nỗi chưa có con trai. Có sao chỉ khổ mình là đàn bà con gái. Cô đã cố giữ được đến bây giờ thì cố mà giữ...
Chị Nhị ngáp dài, một lát sau đã thiu thiu, Ái vẫn ngồi ôm cu Tý. Ngọn lửa nhỏ dần vì phao dầu sắp cạn. Muỗi bay dày như khói. Ái phải luôn tay quạt cho cả mẹ cả con, vừa miên man nghĩ ngợi.
Bấc đèn lụi dần. Ngoài trời trăng đã lên. Ánh trăng lọt vào buồng qua cánh cửa khép hờ. Cánh cửa này móc cài mất lâu rồi song Ái chẳng buồn sửa lại. Mỗi khi gió lay nhè nhẹ, cánh cửa từ từ hé mở, nhiều đêm bật toang ra. Những lúc ấy Ái cố hình dung một bóng người hiện ra ngưỡng cửa, rồi lẳng lặng bước tới bên cô. Nhưng chỉ có gió thổi, cơn gió lang thang suốt đêm không ngủ. Đêm cô đơn dài dằng dặc, khó ngủ biết mấy. Nhiều đêm nằm trong màn nghe tiếng gió, tiếng sóng biển ì ầm vọng về, nhìn cánh cửa không khép kín rụt rè lay nhẹ, chẳng hiểu sao nước mắt ứa ra. Ban ngày, đằng sau cánh cửa đó là một đời sống thường nhật, nhưng đêm xuống, phía sau nó là một khoảng trống không sao lấp đầy.
Gần đây đúng như lời dị nghị đã đến tai chị Nhị, giữa cô và người đàn ông sắp qua tuổi bốn chín kia có những quan hệ đi lại khiến mọi người phải để mắt tới. Tất nhiên ông ta không yêu Ái, bởi tình yêu như cô thường nghĩ, khác thế. Và Ái cũng đã yêu thương gì đâu. Vài ba lần gặp gỡ, trò chuyện rời rạc, cứ phải lẩn lút, vụng trộm. Không tài nào Ái nói chuyện tự nhiên với ông ta trước mặt mọi người. Nghĩ cũng thương cho ông ấy, đời xế chiều rồi mà vẫn lận đận, vẫn cơ nhỡ, khổ biết chừng nào. Lúc nào cũng co ro, rụt rè như sợ hãi, không dám ngẩng cao đầu trước bất kỳ ai, kể cả trước Ái. Nhưng là người thật thà, không độc ác, giả dối. Ông ta quí Ái, thương Ái thật. Và biết đâu, thế thôi cũng là tình yêu?.
Ái cũng đã có một thời trẻ trung. Vào cái tuổi xuân sắc ấy, cô cũng có mái tóc dài, một nước da nâu sáng mịn màng cái dáng vẻ thanh mảnh như mọi người. Nhưng tuổi xuân trôi dạt trên các ngả đường, mà giờ đây những địa danh, những con người với biết bao sự kiện đó vẫn luôn là cuộc sống thứ hai trong con người cô. Đường 12, đường 20, đèo Mây, đèo Phu La Nhích, ngã ba Dân Chủ, ngầm Ca Tang, thủ đô Troóc... Giờ đây những con đường ấy còn là gì nữa với người đời. Với Ái, cô dần dần tự hiểu rằng những địa danh gắn với kỷ niệm thiêng liêng xa xưa là cánh cửa khép chặt, vĩnh viễn cách ngăn hạnh phúc ngày xưa với ngày hôm nay của đời cô.
Tàn cuộc chiến đấu đội thanh niên xung phong của Ái tản mát mỗi người một phương. Trong những ngày vui hòa bình ấy Ái đã mơ hồ nỗi ngậm ngùi cho thân phận bạn bè và của chính cô. Chia tay nhau nước mắt lưng tròng... Vậy mà bây giờ thậm chí nét mặt họ, hầu như Ái không hình dung ra nổi, không một bức ảnh, không một kỷ vật ngoài hai quả chò mà Ái mang về, bây giờ vẫn còn bày trên bàn, khô cứng, quắt queo.
Ái xin về cơ quan này làm cấp dưỡng ngay sau ngày xuất ngũ. Cô không muốn về quê, nhưng cũng không dám tìm cuộc sống mới ở phương trời xa xôi nào đó. Thị trấn nơi đóng của cơ quan cách quê Ái gần ba chục cây số. Phía sau cơ quan là hàng dương với bãi cát dài trải phẳng, mịn màng. Biển xanh mênh mông, buồn rượi. Trong ánh vàng ban mai và ráng đỏ hoàng hôn, Ái đã quen mắt rồi đường chân trời xa tít tắp không bao giờ tới được. Và cả nỗi đau triền miên của bài ca sóng vỗ, Ái cũng đã quá quen.
Ái có ước mong gì ghê gớm đâu? Thế thôi, cái hạnh phúc đời thường như bao người hằng có...
***
Suốt từ đầu cuộc họp đến giờ, Ái ngồi thu mình vào góc tối của căn phòng. Cô chẳng muốn nói với ai, cũng chẳng nghe, chẳng nghĩ gì hết.
- Đồng chí Ái muốn nói gì không?
Ái lắc đầu, không hiểu sao tự dưng nhếch mép cười. Cô biết lúc này mười tám cặp mắt của mười tám chị em đang hướng về cô. Chẳng ai ghét bỏ cô, Ái biết thế, nhưng nói gì, giải bày, thanh minh cái gì?
- Chúng ta tin đồng chí Ái, nhưng cũng cần nhắc nhở để đồng chí Ái đề phòng dư luận - Chị Nhâm, hội trưởng phụ nữ kết thúc cuộc họp.
- Miệng lưỡi thiên hạ biết đường nào mà lần. - Một cô gái trẻ có ý bênh Ái: - Chị em đến nỗi nào mà gán cho một "khốt" như vậy?
- Thì thế, ai chả biết. Cũng nhắc nhở chung chung thế chứ đã đặt vấn đề gì đâu - Chị Nhâm giải thích.
Sau buổi họp chị Nhâm gặp riêng Ái, giọng tha thiết:
- Dạo này em gầy đi nhiều đấy, có ốm đau gì không?
Ái nghẹn cổ, mủi lòng muốn khóc, chẳng nói được câu gì.
- Đừng giận chị em Ái ạ, có lo cho em người ta mới góp ý.
- Không em có giận gì đâu. - Ái cười gượng.
- Chị biết em sống nhân hậu, hay cảm thương người nên kẻ xấu lợi dụng, có sao chỉ khổ mình là đàn bà con gái. - Vô tình chị nhắc lại điều chị Nhị nói hôm trước: - Lão ta có vợ rồi... Nếu cần chị em giúp một tay.
- Sao lại thế? Ái hoảng hốt: - Đã có chuyện gì đâu, mà có gì là lỗi ở em chứ.
- Em nghĩ kỹ đi, dù người ta sống hạnh phúc hay không thì cũng là một gia đình, kệ người ta, mình phải lo cho bản thân mình đã.
Mấy bận quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại, rồi nghĩ thương mẹ, Ái tính chuyện thôi việc xin về quê. Mẹ bảo:
- Làng mình phong kiến lắm. Có ra gì phận đàn bà. Có chồng con còn chẳng ra sao, huống hồ... Cố mà đi thoát ly, may ra...
Tối nay y hẹn từ lần gặp trước, họ đến cuối bãi dương gặp nhau. Nhớ tới cuộc họp ban chiều, Ái ngần ngại mãi mới dám ra đây.
- Tôi chờ Ái cả tiếng rồi. - Ông ta ngồi cạnh Ái, nói bằng giọng khàn khàn vì hút nhiều thuốc lào: - Nhưng vẫn tin là Ái sẽ ra.
- Anh nhầm. - Ái cự lại.
- Thì tôi mong vậy, thật mà.- Người đàn ông nhìn Ái cười ngượng ngịu.
Họ im lặng. Trong đêm mặt biển đen thẫm như một tấm vải khổng lồ phủ lên trái đất. Cát khô mịn, mát rượi, tiếng gió xào xạc, khe khẽ. Ái liếc sang người đàn ông ngồi cạnh, cái đầu ủ rũ, lưa thưa mái tóc nhuốm bạc, cái lưng khọm xuống, cả người ông ta toát ra vẻ nhạt nhẽo, khô rạn, trĩu nặng sự buồn nản.
- Vợ tôi lại trốn trại. - Ông ta lên tiếng: - Có người dưới quê vừa lên báo. Bà ấy về đập phá, la hét om sòm. Mai tôi phải về nhà giải quyết, cố lần này cho xong rồi đưa bọn trẻ lên đây sống.
Ông ta đưa hai bàn tay lên bưng mặt. Những ngón tay khô gầy, đốt xương phồng cục, run rẩy. Ái trân trối nhìn, cố hiểu mọi điều đang diễn ra trước mắt mình. Chợt cô giận dữ:
- Ông nói dối.
- Tôi nói dối Ái làm gì? - Giọng người đàn ông âm thầm. Tôi biết bên cơ quan Ái người ta dèm pha chuyện này. Nhưng đời tôi còn gì nữa đâu phải sợ, phải dối trá. Ái hãy tin tôi.
- Tôi chẳng biết. - Ái trả lời bâng quơ.
- Ý Ái thế nào cũng nói để tôi biết mà lựa.
- Tôi chẳng biết?
- Ái về sống với tôi đi. - Ông ta rụt rè.
- Anh nói gì thế? - Ái hoảng hốt nhưng giọng yếu ớt.
- Tôi và Ái đằng nào chả vậy, - người đàn ông thật thà: - Tuổi tôi và Ái còn gì để mà yêu đương như bọn trẻ, thôi thì làm chỗ nương tựa lúc về già.
Ái bật khóc. Tiếng khóc tấm tức thỉnh thoảng dội lên thành tiếng nấc.
- Ái, đừng thế... Tôi nói điều gì không phải Ái cứ nói, chứ khóc thế này tôi biết làm sao?
Lâu sau Ái mới ngừng khóc, nhưng nước mắt vẫn thỉnh thoảng rớt xuống má, chảy vào miệng mặn chát.
- Ý Ái thế nào? - Ông ta gặng hỏi. Thấy Ái im lặng, ông ta nói tiếp: - Tôi sẽ đưa Ái về thăm quê. Cảnh nhà tang thương lắm Ái ạ. Bà thì già yếu, mẹ thì điên khùng, bố thì ở xa mà lại hèn kém, thằng cháu lớn đã biết nghĩ, nó tủi thân lắm. Thôi thì gia đình, bố con tôi trông cậy vào Ái.
- Thế anh bảo tôi về làm con ở cho nhà anh à? - Ái nói giọng đanh đá.
- Ấy chết đừng nói thế, có Ái đời tôi đỡ khổ hơn nhiều. Ái cứ nghĩ thêm, nếu đồng ý tôi sẽ đưa về quê để bà con biết mặt, sau đó báo cơ quan, thế là xong.
Tiếng nói của ông ta quyện với gió buồn bã, hư ảo của hàng dương vẳng bên tai Ái. Cả người Ái lâng lâng trong sự rung động mới mẻ. Sự rung động này không còn sôi nổi trẻ trung, mà cứ lắng đọng, da diết và tội lỗi... Một bóng hình mờ nhạt xa xôi thời trẻ chợt hiện về lung linh. Hình bóng ấy Ái vẫn thường ấp ủ thuở thanh xuân mỗi khi nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi của mình. Con người đó là ai, Ái làm sao biết được, nhưng cô tin mình sẽ xứng đôi với người ấy. Giờ thì làm sao tìm được? Trái đất này rộng quá! cuộc đời này mênh mông quá! Biết đâu có nhiều người bơ vơ giữa cuộc đời này mà mãi mãi không tìm được đến nhau, như Ái chẳng hạn? Con người sao bé nhỏ quá đỗi. Thôi, cái thời mơ mộng ấy qua rồi, bóng hình lý tưởng mờ nhạt rồi. Chỉ còn lại đây, người đàn ông này mà cuộc đời để lại cho Ái. Có thể nó chẳng là tình yêu, không phải là hạnh phúc như Ái vẫn thường nghĩ, nhưng nó là thực tại đang gói trọn số phận của Ái.
Từ lòng biển vẫn dội lên bài ca buồn bã của vô vàn những con sóng mà Ái đã quá quen thuộc... Thế là xong.
Trong tuần ấy Ái xin nghỉ mấy ngày về quê thăm mẹ. Cô sẽ lựa lời kể hết chuyện riêng với mẹ. Quê hương tình mẹ, bao năm nay vẫn là nơi nương tựa của hồn Ái mỗi khi cô đơn.
Ngôi nhà của Ái nằm ở cuối xóm, nhỏ bé giữa bốn bề rặng tre bao bọc. Càng ngày ngôi nhà càng trở nên ọp ẹp. Mới ngoài hai mươi mẹ đã chịu cảnh góa bụa, bà ở vậy nuôi Ái. Và nghèo khổ mãi...
- Mẹ ơi chuyến này con định... - Chiều ấy sau bữa cơm, ngồi bên mẹ trên chiếc chõng tre kê ngoài sân, Ái ngập ngừng toan nói đến chuyện đó.
- Định gì hả con? Có chuyện gì thế? - Bà mẹ vội hỏi, giọng hồi hộp.
- Con định xin về quê. - Tự nhiên, ngại ngùng, xấu hổ, Ái nói lảng sang chuyện khác.
- Về làm gì hả con? - Như buồn, lặng đi, giọng bà mẹ trầm hẳn xuống.
- Về với mẹ, làm ruộng. Thì từ bé con chả làm ruộng mãi là gì.
- Nghĩ quẩn. - Bà gắt lên. - Ai đời đang làm việc nhà nước lại về lội ruộng hả con? Những lần trước mẹ đã hết nhời, hết nhẽ với mày rồi, về làng sao nên con ơi.
Thật thế, đã bao lần bà khuyên nhủ cô đi thoát ly. Vừa khuyên, vừa rơm rớm nước mắt, nói như van, như nài tới cạn lẽ. Góa bụa, hiếm hoi, nào ai muốn thế, nhất là hơn mươi năm trời chờ đợi, ngóng trông con từ nơi binh lửa trở về. Bà đã điểm mặt tất cả đám đàn ông trong làng, nhưng nẫu ruột thay cho con mình, chẳng được ai vừa lứa. Kẻ độc miệng nói mình ăn ở thất đức nên con gái mới lỡ thì. Vậy mà giờ đây nó lại nói ra điều đó. Hết đường đi nước bước rồi thật sao?
- Chả lẽ mẹ sống một mình mãi thế này à? - Ái đăm đăm nhìn mẹ.
- Cơ mà mẹ còn khỏe. - Bà phe phẩy cái quạt mo cau đuổi muỗi cho con gái. - Khi nào mẹ không làm được nữa hẵng hay, còn bây giờ...
Ái hiểu lòng mẹ. Tim cô thắt lại, không biết có nên nói ra chuyện đó không? Nghẹn ngào, cô với cái cối nhỏ bằng đồng đã xỉn màu, lốm đốm vết vôi khô giã cho mẹ miếng trầu khác.
- Con chả lấy chồng đâu. - Ái buột miệng.
- Phỉ thui cái miệng mày. - Bà cụ giận dữ đập cái quạt vào lưng Ái. - Sông có khúc, người có lúc. Tuổi Nhâm Thìn như mày đứa nào chả cao số, sẽ tốt về đường hậu vận con ạ.
Ái tìm cớ để không sa vào câu chuyện chẳng vui vẻ gì, cô đứng dậy:
- Con ra Vực tắm đây, lâu rồi chưa được ra đấy.
- Tối rồi, tắm ở nhà cũng được.
- Mặc con.
Ái gói bộ quần áo vào chiếc khăn quàng rồi tất tả đi ra.
Giờ này chẳng còn ai ngoài Vực. Đồng không mông quạnh, ven làng mờ mịt sương mù. Ái dấu bộ quần áo vào bụi tre, lội ào xuống nước.
Cái Vực này có từ bao đời nay rồi không ai nhớ nữa. Sau một trận lụt lớn - các cụ già trong làng truyền lại - khi nước rút đi, dân làng trở về thấy ngay dưới chân đê làng có một hồ nước rộng, sâu lắm, nối hai cây tre làm sào mà vẫn chưa dò tới đáy. Vì thế gọi là Vực, xóm Vực, đồng Vực cũng có tên từ đó.
Xung quanh làng Vực toàn cát mịn. Nước trong xanh, gờn gợn sóng, mát lành. Ái như hòa tan vào trời nước của làng quê êm đềm. Những dải mây tím ngắt, xa xăm, vời vợi nỗi buồn nhớ... Ngày ấy trai gái xóm Vực lên đường hơn hai chục đứa, gần như suốt cả một lứa mười bảy tuổi của xóm. Chiều trước ngày ra đi, tất cả đều có mặt bên hồ nước này. Mới ngày nào là trẻ chăn trâu với nhau, giờ lần chót nô đùa, tắm táp, hò hát suốt chiều cho thỏa, tối rủ nhau về, vô tình thế nào mà lặng lẽ ghép thành đôi hết lượt, cả Ái nữa... Những năm ở Trường Sơn, có lúc nào vọng nhớ về quê nhà, Ái đều hồi tưởng lại cái buổi tối hôm ấy bên bờ Vực này. Thời gian trôi qua, nhiều cái đã phai mờ, tít tắt, có cái như vừa mới đây thổn thức, bồi hồi.
Trời ập xuống, thân đê tối đen che lấp trời Tây. Gió thoang thoảng. Trong gió vật vờ màu xanh đom đóm bay. Ái chợt cảm giác như đâu đây có người, trong bụi tre, trên bờ cát, trên mặt nước... Những tiếng thở dài, tiếng thì thào chập chờn. Có tiếng người kêu lên vui sướng, giọng người nam lặp lại giọng người nữ, lát sau âm thanh ấy xa dần, lắng đi đâu đó ở giữa Vực. Ái đứng dậy. Lờ mờ trước mắt cô, trong đêm mờ hơi sương, âm thầm những bóng đen câm lặng đang đi vẩn vơ trên mặt nước, cành lá ngụy trang phía sau lưng họ rung lên khe khẽ. Ái bước đi, hai bàn chân chập chững, bâng khuâng về phía bóng hình thấp thoáng xa xăm, dường như có sẵn một con đường lướt qua vực sâu, đưa cô tới với họ.
Có hai bóng người, một nam, một nữ từ trong bóng bụi tre chạy vụt ra, cười rúc rích. Ái lặng lẽ quay đi, cố dấu khuôn mặt mình vào đêm. Và cô cất bước đi như chạy trên con đường ngoằn ngoèo.
***
Hôm sau mặc dù đài báo có cơn bão xa, trời đổ mưa đường xá lầy lội, và còn ba ngày nữa mới hết phép, Ái vẫn nhất quyết trở về cơ quan. Mọi chuyện thế là vẫn chưa giải bày được với mẹ.
Chiều tối hôm đó Ái có khách. Một cô gái cao gầy, mặt dài, má tàn nhang, môi mím, cái nhìn chằm chằm. Giọng rành rẽ, cứng cỏi, cô ta tự giới thiệu. Ái đứng ngây người, mặt tái nhợt, khí lạnh ghê buốt sống lưng. Ái lóng ngóng pha nước mời khách.
- Thôi khỏi phiền chị. - Cô ta nhăn mặt - đến đây nói với chị vài lời rồi còn phải về không đường xa, trời tối.
- Có lẽ em nên ở lại đêm nay. - Ái rụt rè - Chắc em chưa ăn cơm, để chị đi nấu, đừng nói gì vội..-. Thư thư đã em ạ.
- Thôi chị ơi.- Cô ta lắc đầu - Em sẽ lo được nơi ăn ngủ, việc hệ trọng chị vui lòng để em nói ngay.
Ngọn đèn thắp lên vàng quạch, mù mịt phun muội. Ái ngồi co vào một góc, đầu cúi thấp.
- Gia đình em đã biết chuyện anh chị.- Giọng cô gái nhỏ đủ nghe nhưng rành rẽ, bình tĩnh: - Chị gái em còn nằm ở bệnh viện, con cái nhếch nhác, cửa nhà tan hoang, lẽ nào anh chị đã toan tính chuyện cưới xin, sao đang?
Cô gái đột ngột khóc òa lên. Ái luống cuống:
- Đừng, nín đi em... chị sẽ liệu, sẽ thu xếp. Chị có rắp tâm như thế đâu.
Cô gái nhìn Ái giọng bớt căng thẳng:
- Chị em hết lòng vì chồng con, bỗng nhiên đổ bệnh. Em không bảo anh rể em là người tồi nhưng thật cạn nghĩ. Bỏ vợ con lúc này mà không ra công cứu chữa thì...
- Chị hiểu rồi, đừng nói nữa em ạ.
- Chị để yên em nói hết. - Cô gái dứt khoát - Gần đây bác sĩ nói chị em có nhiều hướng khỏi bệnh. Nếu anh chị làm thế này thì chị em sẽ ra sao? Em muốn lên gặp chị, xin chị nghĩ lại.
Ái như muốn xỉu đi, hơi thở đứt quãng dồn ứ. Cô miên man trong nỗi chua xót không nghe cả tiếng khách chào ra về. Run rẩy ngồi xuống ghế, hai mắt trân trối vô hồn. Ái cứ ngồi như thế rất lâu. Cánh cửa mở toang, ngoài sân mưa rơi rả rích, tiếng sóng biển xô bờ, dội mãi vào tấm lòng tan nát của Ái. Nước mắt nóng rực, đau nhói châm chích bờ mi, vẫn không tràn nổi xuống gò má khô gầy, cứ đầy ứ lên, rồi lại vơi, lại ứ lên...
Không, cô gái đó không có lỗi, mặc dù lời nói lạnh lùng của cô sẽ làm Ái đau mãi. Ái cũng không có lỗi. Cả người đàn ông kia nữa, nào có gây nên tội tình gì.
Suốt đêm Ái sốt cao. Trong cơn mê man, cô chỉ nghe thấy tiếng ong vo ve trong vườn nhà. Mẹ đang cuốc đất. Thịch, thịch, thịch... Người mẹ tầm thước, mái tóc bạc rẽ thành đường ngôi, đôi mắt hiền hậu ngước nhìn cô đầy thương xót và cam chịu. Ái cố chạy đến mà không sao lại gần được đến bên mẹ, quì xuống, gục đầu vào lòng bà.
Mãi trưa hôm sau cơn sốt mới bớt đi. Chiều xuống không khí dịu mát, Ái lững thững đi dạo trên bãi cát dọc hàng dương. Sóng biển ồn ào xô bờ, mặt biển hoang vắng, trời xanh thẳm cao vời vợi. Ái ngồi xuống gốc dương cuối bãi, chính nơi hò hẹn đêm hôm trước. Giá mà bây giờ cô có một người bạn để gục đầu vào lòng họ mà khóc.
Chợt có tiếng trò chuyện vẳng tới. Hai người đứng nói chuyện cách chỗ Ái không xa. Cô cố giấu mình vào bụi cây lúp xúp trước mặt. Họ vẫn chăm chú nói chuyện không nhìn thấy Ái. Hân ngoại tứ tuần chưa có gia đình, người nhỏ thó, lắm lời. Trái lại, Dũng cao lớn, cân đối, khuôn mặt đẹp đẽ sáng sủa, là kỹ sư về máy tính, vậy mà lại thân nhau. Câu chuyện của họ đều đều rót vào tai Ái.
- Các cụ có chạy cho mày về Hà Nội không?
- Em chẳng quan tâm, xa nhà lâu đâm quen.
- Thế không giục chuyện vợ con à?
- Có chứ.- Dũng tắc lưỡi rồi bật cười -Có vợ hãi lắm, đi một bước phải thưa gửi một câu, mệt người.
- Mày ba sáu rồi đấy nhỉ? Bằng tuổi mợ Ái nhà ta đấy.
- Anh Hân này...- Dũng lưỡng lự - Hay là anh lấy quách em Ái đi cho xong.
Hân cười rất lâu rồi mới trả lời:
- Cậu coi thường nhau quá đấy. Ừ thì tao già, tao xấu trai, nhưng xin thưa quí em, anh mày đây vẫn có giá như thường, chứ chưa đến nỗi mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre đâu.
Họ lại cười. Người Ái run lên. Lát sau vẫn giọng Hân:
- Kể cũng tội cho con bé. Nó tốt tính, trần đời có một. Ông trời đồ đểu mới chơi khăm nó thế. Tao nghe mấy mẹ ở cơ quan mình kháo nhau là con Ái đi ngủ không bao giờ cài cửa, gió cứ thông thống ra... Khổ thế bây giờ lại lâm ly bi thiết với một lão ẩm ương.
Mặt Ái nóng bừng vì xấu hổ, ngực trái nhưng nhức. Cô nhổm dậy cố không gây một tiếng động, rời hàng dương đi xuyên qua bãi cát. Rồi Ái vùng chạy, trước mắt cô xanh ngời biển sóng, mặt nước chao chát, ngả nghiêng. Những con sóng xô lên bờ cát, rồi lại ào ào kéo tít ra ngoài khơi. Ái chạy lao theo mép nước đang giật lùi, sủi bọt trắng, xa tít đường chân trời, những cánh buồm thẫm màu in trên ráng đỏ nền trời chấp chới như vẫy gọi. Nơi ấy khoáng đãng lắm, sẽ chỉ có Ái với bầu trời, với mặt nước xanh, với khoảng không vô tận. Cô không phải nhìn thấy ai, nghe thấy cái gì khiến lòng cô như xát muối nữa. Trong tiếng ầm ầm dày đặc, một con sóng lừng lững như một con đê chồm tới. Bỗng như bước hụt chân, khối nước tăm tối cuốn Ái vào lòng, rồi lại thản nhiên tan ra - Ái kinh hoàng định hét lên thì bị sặc sụa, cả người cô dúi xuống và bị cuốn đi như một cọng rơm.
Đang lúc giãy giụa, Ái thấy có cái gì đó ngoạm vào cổ chân cô. Ái quờ tìm nắm phải một thân hình trơn tuột. Nước mặn ộc vào miệng, vào mũi sặc sụa, nghẹn thở. Cô cố nhuôi nhoai, oằn oại đạp vào nước. Rồi Ái bị một sức mạnh giữ dội tóm chặt lấy mái tóc kéo giật lên đau điếng. Dũng nhổ nước ở trong miệng ra phì phì, tấm lưng căng thẳng của anh nổi rõ những đốt xương đang rán sức lôi Ái vào bờ.
- Đừng giãy giụa - Dũng hét to - Bình tĩnh sẽ vào tới bờ.
Ái bập bềnh ngạt thở vì nước, nhưng đã ngừng quẫy đạp, ôm chặt lấy tay Dũng đang quàng qua cổ cô.
Dũng ấn Ái ngồi xuống đụn cát mà các con sóng không nhoài lên được. Ái lả người đi. Cô thấy buồn nôn, mọi vật quay cuồng đảo điên, mắt nhòe đom đóm. Dũng ngồi bên cạnh thở dốc. Anh nhìn Ái, bất chợt đưa hai tay lên má cô lay lay khuôn mặt nhợt nhạt thần sắc.
- Sao thế Ái? - Anh quát lên - Em định làm gì thế?
- Em... em - Ái mấp máy môi - Em không biết... Em không muốn thế.
Ái òa khóc. Cô vùi mặt vào hai đầu gối ướt sũng. Dũng lặng nhìn, hai mắt cũng đỏ hoe. Lúc này Hân mới kịp chạy đến, nói hớt hải từ xa:
- Ái ơi, Dũng ơi, có làm sao không? -Anh ngồi xuống bên cạnh Ái, giọng hổn hển: sao mày dại dột thế hả Ái? Có bộ quần áo của thằng Dũng đây mặc tạm vào, ướt át thế này cảm mất thôi.
Ái ngoan ngoãn, đón lấy bộ quần áo còn khô ráo của Dũng, lảo đảo đi vòng ra sau đụn cát. Dũng thờ thẫn cúi đầu nhìn bộ ngực và cánh tay đầy vết cào xước lúc giằng co với Ái ở dưới nước, rồi kinh hoàng nhìn ra mặt biển.
Mệt mỏi rã rời và lại âm ấm cơn sốt, nhưng nằm mãi từ chiều tới nửa đêm, Ái vẫn không sao chợp mắt. Hai tiếng anh, em mà vô tình Dũng thốt lên từ chiều không ngừng vuốt ve trái tim cô. Ái trở mình nằm nghiêng áp mặt vào bộ quần áo của Dũng cô đang dùng làm gối. Bất giác cô đưa tay lên vuốt ve chiếc áo đang tỏa ra mùi mồ hôi xa lạ nhưng cũng rất đỗi thân quen. Giờ này Dũng chỉ nằm cách cô một miếng tôn mỏng dùng làm bức vách ngăn giữa hai phòng.
Ái vùng dậy, không nghĩ ngợi, cô đi nhanh ra thềm, lần ra phía sau nhà, tới bên cửa sổ buồng Dũng. Cô đứng lặng lẽ như hóa đá, mái tóc thưa rối xòa.
"Ối!" - Tiếng con gái kêu thảng thốt. Rồi Ái nhận ra giọng Dũng thầm thì. Ái chạy về phòng, vùi mình xuống giường. Lòng kiêu hãnh bị đánh thức khi thấy mình đang làm một việc thật nhục nhã. Ngày ấy hơn hai chục trai gái trong làng ra đi, chỉ mình Ái trở về, một mình Ái được sống, được tận hưởng niềm vui thanh bình, còn các bạn cô ra đi, đi mãi... Thế mà bây giờ cứ sống vật vờ, dằn vặt mãi thế này sao?
Ái nghĩ đến mẹ. Giờ này chắc mẹ chưa ngủ, nằm nghe tiếng gà gáy sang canh và nhớ tới Ái đây. Nếu mà khi chiều, chao ôi, Ái rùng mình, nếu như không có Dũng? Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con...
Tâm hồn Ái dịu lại. Cái đã đầy đọa, đã nung đốt không tha cuộc sống của cô bấy lâu nay như tan ra. Cô nhắm mắt lại. Và, lần đầu tiên như một sự rũ bỏ vậy, cô thầm ngạc nhiên với tất cả những nỗi niềm, những đắng cay, chua xót, những ước vọng và thất vọng vừa qua của mình. Bỗng Ái bật cười về việc xảy ra ngày hôm nay.
***
Ái xin thôi việc trở về quê. Làng quê nhỏ bé của cô lúc nào cũng cần những người thành thạo công việc thành thạo như Ái, cô nói với mọi người như thế, và mẹ nữa, mẹ cũng già rồi cần người chăm sóc.
Một lần nữa những câu chuyện buồn cười được thêu dệt xung quanh Ái. Họ đoán già, đoán non việc cô xin về quê. Cả cái "ông khọm" kia nữa, nghe đâu cũng trở về nhà với vợ con thì phải, mà hình như bà vợ lại mới trốn trại về đập phá. Cuộc đời họ rồi cũng mất hút trong đồng nội mà thôi. Mọi việc rồi cũng qua đi, kể gì mãi, bận tâm gì mãi. Ấy là nói cho vui thế thôi, chứ đời sống thường nhật còn bao điều phải lo toan. Thời gian còn chẳng đủ cho chính mình, hơi đâu còn dòm dỏ chuyện người khác.
T.L
(SH34/12-88)